THỨ BẢY - NGÀY 22/2 LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ Mt 16,13-19

Thứ sáu - 21/02/2025 07:16
THỨ BẢY - NGÀY 22/2
LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ
Mt 16,13-19

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thuê.
13 Một hôm, khi Đức Giê-su đến miền Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai ?” 14 Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.”
15 Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” 16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”
17 Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.
18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.
19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”
SUY NIỆM: CÙNG NHAU XÂY DỰNG HỘI THÁNH
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội kỉ niệm ngày thành lập Tông tòa Thánh Phêrô. Chúng ta cùng ôn lại vài dòng lịch sử của ngai tòa này, về thời gian, địa điểm, và tầm quan trọng của nó?
Lễ kỉ niệm việc thành lập Tông tòa Thánh Phêrô, được bắt đầu mừng kính vào khoảng giữa thế kỉ IV. Ngai tòa này được tọa lạc tại thành đô Vatican tráng lệ. Theo truyền thống của Giáo Hội, vị Giáo hoàng tiên khởi là Thánh Phêrô đã từng sử dụng ngai tòa ấy. Do đó, Tông tòa Thánh Phêrô được chọn làm nơi để các Đức Giáo Hoàng trong tư cách là Thầy dạy, là Thượng tế và là Mục tử, sẽ tuyên bố các tín điều quan trọng về đức tin và luân lý, buộc mọi kitô hữu phải tin.
Thế nhưng, không phải ngẫu nhiên mà Giáo Hội lại có những quy định chắc chắn như thế đâu thưa anh chị em. Bởi ngay từ đầu, chính Chúa Giêsu đã có ý định thiết lập 1 Giáo Hội vững chắc tại trần gian, 1 Giáo Hội vừa vô hình vừa hữu hình.
Và bài Tin mừng hôm nay cho biết, để thực hiện ý định ấy, Chúa Giêsu đã chọn Phêrô làm tông đồ trưởng, làm đá tảng để xây dựng Hội Thánh của Ngài: “Anh là Phêrô, nghĩa là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được”. Chúa Giêsu cũng đã trao cho Thánh Phêrô nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên của Chúa, và quy tụ chúng thành 1 đoàn chiên duy nhất.
Đức Giáo Hoàng chính là người kế vị Thánh Phêrô, nên cũng mang trong mình cùng 1 sứ mạng và 1 phẩm hàm như thế.
Do đó, mừng ngày thành lập Tông tòa Thánh Phêrô hôm nay, Giáo Hội mời gọi mọi tín hữu hãy bày tỏ lòng vâng phục tuyệt đối với Đức Giáo Hoàng, vị cha chung và là chủ chăn tối cao của Giáo Hội Công Giáo. Đồng thời, mỗi người cũng hãy hiệp nhất với Ngài, cũng như hiệp nhất với các đấng các bậc của Hội Thánh trong cùng 1 đức tin, đức cậy và đức ái. Để Giáo Hội luôn mãi là 1 Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Đó là bài học thứ nhất.
Vậy bài học thứ 2 là gì? Thánh Phêrô cho biết, tuy chúng ta không phải là đá tảng, không phải là đá góc tường; nhưng mỗi người đều được Chúa Giêsu tuyển chọn làm những viên đá sống động, để cùng xây nên đền thờ thiêng liêng (1Pr 2,5).
Thật vậy thưa anh chị em, nếu như sự bền vững của Giáo Hội được đặt trên nền tảng là Thánh Phêrô và các tông đồ, thì giờ đây, chính Đức Giáo hoàng và các giám mục là những người kế vị. Vẻ đẹp và sự lộng lẫy của Giáo Hội chính là sự liên kết và hiệp nhất của những viên đá sống động là mỗi người Kitô hữu chúng ta.
Trong khuôn khổ của 1 cộng đoàn giáo xứ cũng thế. Vẻ đẹp cả bên ngoài lẫn bên trong, sự năng động trong nhịp sống đạo, việc vươn mình ra với các giáo xứ bạn; hoàn toàn tùy thuộc vào việc đóng góp, xây dựng và hiệp nhất của từng người trong anh chị em. Mỗi người đừng quên đóng góp phần mình để làm nên nét đẹp cho ngôi nhà Hội Thánh.
Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Phêrô, xin cho mỗi người chúng ta ý thức rằng, một khi mình đã cùng chịu chung 1 phép rửa và cùng tuyên xưng chung 1 đức tin; thì tất cả cũng hãy sống niềm tin ấy trong tinh thần hiệp nhất, trách nhiệm và trung thành. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: PHÊ-RÔ ĐỨNG DẬY SAU VẤP NGÃ
Nếu như Thánh Phaolô có ngày té ngựa để làm lại cuộc đời, thì thánh Phêrô có mẻ cá kỳ diệu nhờ vâng lời để đứng dậy làm lại cuộc đời
Hôm nay lễ lập tông tòa thánh Phê-rô, là dịp chúng ta tưởng nhớ việc Đức Kitô chọn Phêrô làm người thay thế Ngài trong việc cai quản Giáo Hội.
Người ta tưởng rằng đêm tối vườn cây dầu đã tiêu huỷ sự nghiệp của một tông đồ miền duyên hải. Một con người mang đậm tính chất phác, bộc trực và ngay thẳng tên là Simon Phêrô. Một con người đã từng tuyên bố: “anh em có bỏ Thầy, riêng con thì không bao giờ”. Thế mà đêm đó, ông đã bỏ chạy tuy đã rút gươm chém đứt một bên tai của người lính. Có lẽ ông đã phản ứng bởi tự nhiên, bởi tự vệ và cũng có thể vì ông nghĩ rằng giờ của Chúa đã đến. Ông sẽ cùng Thầy khôi phục lại nhà Israel. Nhưng ông đã lầm. Chúa Giêsu không những đã không hoan nghênh lại còn oán trách ông là hành động hồ đồ. Dùng gươm sẽ chết vì gươm. Đó không phải là cách Thiên Chúa dùng để thâu nạp muôn dân vào trong Nước của Ngài.
Thất vọng ông đã bỏ chạy trong đêm tối. Đêm tối của đức tin. Đêm tối của tuyệt vọng. Tưởng rằng sau đêm đó người ta sẽ không còn thấy mặt ông nữa. Ông đã bỏ chạy cao xa, để mặc Thầy bị những con người cuồng nhiệt, nhân danh tôn giáo để giết hại Thầy mình. Nhưng rạng sáng hôm đó, người ta lại thấy ông xuất hiện chen lẫn giữa đám người còn đang cuồng nhiệt đòi giết Thầy mình. Một hành động quá chân thành, đầy cảm thông với Thầy Chí Thánh. Thế mà, ông lại một lần nữa vấp ngã trước sự dữ. Ông đã chối Chúa đến ba lần trong một đêm vì một đứa tớ gái đã vạch mặt chỉ tên là đồng bọn với tử tội Giêsu.
May mắn cho cuộc đời của ông. Tiếng gà gáy đêm khuya tựa như tiếng lương tâm thức tỉnh lòng ông. Ông lấm lét nhìn lên Chúa và bắt gặp ánh mặt đầy nhân từ, cảm thông của Thầy. Chúa không nói lời nào với ông và ông cũng không còn lời nào để nói. Nhưng qua ánh mắt đầy nhân từ của Chúa, ông tin rằng Chúa biết rõ con người của mình. Chúa biết ông yêu mến Ngài.
Ông đã đứng dậy, bước ra ngoài sự dữ. Dứt bỏ nơi chốn nên cớ cho ông vấp phạm và khóc lóc ăn năn.
Và sau một "cuối tuần mất mát" đầy đau khổ, Đức Kitô bị đóng đinh và đem đi chôn, Phêrô đã được nghe Tin Mừng. Thiên thần ở ngôi mộ nói với bà Maria Mađalêna: "Chúa đã sống lại! Hãy đi nói với các môn đệ và Phêrô." Gioan kể lại khi ngài và Phêrô chạy đến mộ, vị tông đồ trẻ đi nhanh hơn tông đồ lớn tuổi kia, nhưng ngài đứng đợi ở ngoài. Khi Phêrô bước vào, thấy các khăn liệm ở dưới đất, khăn che mặt được gói lại để ở đúng vị trí của nó”. Họ về nhà. Đầu óc họ như nổ tung với một khám phá mới, điều bất khả đã trở thành hiện thực. Chúa Giêsu đã hiện ra với họ trong căn nhà khóa kín. Ngài nói: "Bình an cho anh em," và họ quá đỗi vui mừng (Ga 20:21b).
Và biến cố trong ngày Ngũ Tuần đã giúp Phêrô cảm nhận được Ðức Kitô phục sinh một cách trọn vẹn. "... Tất cả đều tràn đầy Thánh Thần". Chỉ khi ấy Phêrô mới chu toàn nhiệm vụ mà Chúa đã trao cho ngài: "... Một khi anh trở lại, hãy củng cố các anh em" (Lc 22:32). Từ lúc đó, ngài trở nên phát ngôn viên cho nhóm Mười Hai về những gì họ được cảm nghiệm qua Thánh Thần trước nhà cầm quyền muốn chặn đứng sự rao giảng, trước thượng hội đồng Giêrusalem, về những vấn đề cấp bách của Giáo hội.
Thánh Phêrô được chọn làm đại diện của Chúa không phải vì Ngài hoàn hảo, cũng không phải vì Ngài tài trí hơn người, mà điều quan yếu hệ tại ở lòng thánh nhân luôn yêu mến Thầy chí thánh Giêsu. Xin cho chúng ta biết học nơi thánh nhân. Biết chỗi dậy sau những vấp ngã. Biết tin tưởng, phó thác cuộc đời trong tình thương quan phòng của Chúa. Đồng thời, xin cho chúng ta luôn biết yêu mến Giáo hội, biết kính trọng vâng phục các người đại diện Chúa nơi trần gian, vì các ngài là hiện thân của Chúa đang dẫn dắt chúng ta. Amen.
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

SUY NIỆM:  

Trong Vương Cung Thánh Đường thánh Phêrô có một nhà nguyện nhỏ nằm ngay phía sau bàn thờ chính, được gọi là nhà nguyện Ngai Tòa thánh Phêrô. Trung tâm của nhà nguyện này là một Ngai Tòa được điêu khắc gia G. L. Bernini chế tác vào năm 1666. Phía dưới Ngai Tòa là bốn bức tượng của bốn tiến sỹ Giáo Hội: Bên trái là hai thánh Amrôsiô và Athanasiô và bên phải là hai thánh Gioan Kim Khẩu và Augustinô, ngụ ý rằng các vị tiến sĩ này bảo tồn các tư tưởng thần học với giáo huấn của các Tông Đồ. Trên chiếc ghế là ba bức phù điêu liên quan đến ba đoạn Tin Mừng: Trao chìa khóa; lời mời gọi hãy chăm sóc chiên của Thầy”; Và rửa chân cho các môn đệ.
Đoạn Tin Mừng trong Thánh Lễ được gọi là Lập Ngai Tòa thánh Phêrô, kể về khoảnh khắc Đức Giêsu trao chìa khóa Nước Trời cho thánh Phêrô. Đây chính là nguồn gốc Ngai Tòa thánh Phêrô và các Đức Giáo Hoàng qua mọi thời đại. Việc trao chìa khóa cùng với quyền tháo cởi và cầm buộc cho thánh Phêrô chỉ diễn ra sau khi ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Để thực thi vai trò này, trách nhiệm giảng dạy, lãnh đạo và thánh hóa Hội Thánh, thánh Phêrô còn phải học cho biết ý nghĩa đích thực của danh xưng mà ông vừa tuyên tín. Đó là một Đấng Kitô quyền năng trên bệnh tật, thiên nhiên, quỷ dữ và sự chết, nhưng cũng là Đấng Kitô chịu khổ nạn, chết và phục sinh. Không chỉ hiểu rõ hai khía cạnh vinh quang và thập giá nơi vai trò của Đấng Kitô, thánh Phêrô còn phải trải qua hành trình thập giá với Chúa, để trở thành một chứng nhân mẫu mực, giống như Thầy của mình.
Nhờ lời cầu bầu của thánh Phêrô, xin Chúa ban nhiều ơn lành hồn xác cho Đức Giáo Hoàng, cũng như các vị lãnh đạo của Giáo Hội, để họ có thể dẫn dắt Giáo Hội theo đường lối khôn ngoan và tình yêu Chúa. Xin cho mỗi thành phần dân Chúa cũng biết nhiệt tâm cộng tác với công việc xây dựng Giáo Hội và rao giảng Tin Mừng, để Giáo Hội ngày càng thánh thiện và có nhiều người đón nhận Tin Mừng Nước Trời hơn nữa. Amen.
Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD

SUY NIỆM: PHÊRÔ, CON NGƯỜI TRONG SÁNG

Người ta nhớ rằng trong Tin Mừng người được nghe thấy luôn luôn chính là Phêrô. Ngài còn để lại hai bức thư, rất ngắn, trong công vụ tông đồ 14 chương đầu nói về Phêrô. Sau công đồng Giê-ru-sa-lem, Luca không nói về Phêrô nữa, phần còn lại dành cho Phaolô.
Biết Đức Giê-su...
Phaolô là nhà luân lý như trong thư Ngài viết, vì Ngài là biệt phái trung thành. Còn Phêrô trong các bài diễn văn như Luca kể lại, Ngài chỉ nói về Đức Giê-su và về Đức Giê-su Phục Sinh.
Phaolô trong những thư Ngài viết, dù bị chi phối về những bài giảng mà Ngài nghe, Ngài vẫn có những trực giác do ân sủng Ngài lãnh nhận.
Nhưng Phêrô còn những hung hăng, mãnh liệt lại bước nhịp nhàng theo chân Đức Ki-tô, Phêrô một con người trong sáng về đức tin. Bài diễn văn của Ngài đầy vẻ an bình. Theo gương Thầy chí thánh, Ngài không pha loãng chân lý bằng những lời nồng nhiệt bốc khói. Nhưng cũng như Thầy, trái tim Ngài cởi mở đón tiếp tất cả. Đức Giê-su rao giảng Chúa Cha cho người Do Thái. Phêrô cũng rao giảng cho người Do Thái về Đức Giê-su Đấng thiên sai cứu thế, Đấng tế lễ và ngôn sứ, Đấng con Thiên Chúa. Và sứ điệp Ngài cũng nói cho chư dân đã được Ngài gặp gỡ và làm cho trở lại đạo trước Phaolô.
Ngài là lời, là mục tử, là đá góc tường, là vị kế nghiệp của Đức Ki-tô.
Tất cả vì Đức Ki-tô...
Đó là sức mạnh con người tự nhiên! Ngài đã theo Đức Ki-tô trong cuộc đời công khai với tất cả bản năng tự nhiên, còn do dự về Đức Ki-tô và về chính mình, thường hay đòi hỏi cho mình làm xúc phạm đến một người cùng làng quê với mình!
Sau lễ hiện xuống thì thật trong sáng, thật vững chắc, Phêrô đã có đức tin sao? chẳng nhưng tin mà còn biết bằng tai nghe, mắt thấy, tay sờ, và lòng mến được những hương vị ngạt ngào êm dịu trước sự hiện diện của Đức Ki-tô cháy đến từng thớ thịt toàn thân.
Ngài có thể nói với chúng ta như Đức Ki-tô nói: “hãy tin tôi đi, tôi đã thấy, đã nghe Người”. Với thánh Phêrô, chúng ta có thể thêm: “Tôi đã chối Chúa, nhưng Người vẫn yêu tôi”.
J.M

SUY NIỆM: NGAI TÒA THÁNH PHÊRÔ

Câu chuyện
Mộ phần của vị tông đồ trưởng Phêrô ở ngay dưới bàn thờ chính của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Truyền tụng từ xưa vẫn tin như thế, và mới đây đã được xác định nhờ các cuộc điều tra khảo cổ. Ngôi mộ này như một biểu tượng bền vững cho chân lý: Simon Phêrô theo sự ưu tuyển của Thiên Chúa, đã là nền móng của Giáo hội. Tiếng nói của Đấng Cứu Thế vẫn được lắng nghe suốt các thế kỷ, qua lời giáo huấn của các Đức Giáo hoàng.
Ngai tòa thánh Phêrô mang một ý nghĩa quan trọng tuyệt đối: Đức Giáo hoàng là vị kế nhiệm thánh Phêrô, đại diện Chúa Kitô ở trần gian hướng dẫn toàn thể Giáo hội toàn cầu. Lễ lập tông tòa thánh Phêrô là một lời tuyên xưng long trọng về quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng trong toàn thể Giáo hội. Trước kia, Giáo hội cử hành hai thánh lễ riêng biệt một để kính tòa thánh Phêrô ở Antiokia (trước khi Ngài đến Rôma) và một để kính tòa thánh Phêrô ở Rôma. Hai thánh lễ này đều mang cùng một ý nghĩa, nên ngày nay Giáo hội chỉ cử hành một thánh lễ: “Lập Tông Tòa Thánh Phêrô”.
Có ba bản văn Kinh Thánh là nền tảng về ngai tòa của Thánh Phêrô: “Con là Phêrô, nghĩa là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Giáo hội… Ta sẽ trao cho con chìa khóa nước Trời…” (Mt 16,13-19). “Con hãy làm cho các anh em của con nên vững mạnh” (Lc 22,31-32). “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21,15-19).
Suy niệm
Sau lời tuyên xưng đức tin của Phêrô: Thầy là Đấng Kitô - Mêssia, là “Con Thiên Chúa”, Đấng Mêssia (tiếng Hy Lạp Christos - Kitô) nghĩa là Đấng được xức dầu mà các ngôn sứ đã tiên báo; Phêrô lại gọi Chúa Giêsu là “Con của Thiên Chúa”, ông khẳng định nguồn gốc thần linh của Ngài… Đức Giêsu đã mời gọi Phêrô đứng lên để cùng cộng tác trong công trình xây dựng Giáo hội của Ngài: “Phêrô! con là Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18). Trong ngôn ngữ của Thánh Kinh Cựu ước chỉ có Chúa là Đá Tảng: “Chúa là tảng đá của tôi, là thành trì của tôi” (Tv 72,3), và sau này trong Tân ước, Đức Giêsu là Thiên Chúa Phục Sinh cũng là nền tảng. (x. 1Pr 2,4-5), nhưng Phêrô cũng được Chúa Giêsu đặt làm đá tảng, là nền cho Giáo hội. Ngài cho Phêrô được chia sẻ trách nhiệm với Ngài. Simon như tên căn cước được đặt bởi cha mẹ, nhưng Chúa Giêsu gọi ông là Đá - Phêrô, sau này biệt danh Phêrô luôn gắn liền với ông và theo Kinh Thánh Tân ước, ông đã được cộng đoàn tiên khởi biết đến dưới cái tên Kêphas - Phêrô - nghĩa là đá tảng (x. 1Cr 1,12; 15,5; Gl 1,18; 2,9; 2,11.14). Trong Kinh Thánh về việc đổi tên và với tên mới, ý nghĩa thật quá rõ ràng: Simon sẽ là tảng đá móng, tảng đá vững bền trên đó Chúa Giêsu sẽ xây Hội Thánh của Ngài.
Chúa Giêsu trao cho Phêrô chìa khóa, sách Khải huyền nhấn mạnh chỉ mình Đức Giêsu nắm giữ chìa khóa (x. Kh 3,7), chìa khóa là hình ảnh rất cổ xưa, dấu chỉ sự chính thống về cai quản (x. Is 22,22). Cho nên, người nào giữ chìa khóa của một ngôi nhà, người ấy có toàn quyền trên ngôi nhà đó. Chìa khóa tượng trưng cho quyền hành và trách nhiệm cai quản. Trao chìa khóa theo ngôn ngữ Kinh Thánh tượng trưng cho sự ủy thác trách nhiệm…
Phêrô được trao chìa khóa nước Trời, nghĩa là được tham dự vào quyền bính trách nhiệm của Chúa Giêsu, chính vì thế, Phêrô đại diện Chúa Kitô có quyền giáo huấn, quyền thánh hoá và quản trị Giáo hội, nhằm mục đích là phục vụ dân Chúa. Các Đức Giáo hoàng sau này kế vị thánh Phêrô và là đại diện Chúa Kitô ở trần gian mang trọng trách cùng quyền bính của Phêrô. Thánh Augustinô đã chú giải đoạn Phúc Âm Matthêu (16,13-23) như sau: “Chúc tụng Chúa, Đấng đã đoái thương đặt thánh Phêrô Tông Đồ trên toàn thể Giáo hội. Nền tảng này được tôn kính thật xứng hợp bởi vì đó là phương thế để chúng ta có thể được lên thiên đàng”.
Cho nên, ngai tòa thánh Phêrô mang một ý nghĩa quan trọng tuyệt đối, Đức Giáo hoàng là vị kế nhiệm thánh Phêrô hướng dẫn toàn thể Giáo hội toàn cầu. Vì thế, ngày lễ hôm nay là một lời tuyên xưng long trọng về quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng trong toàn thể Giáo hội. Chúng ta thần phục và lắng nghe giáo huấn của Ngài, cũng như cầu nguyện cho Ngài trong sứ vụ lèo lái con tàu của Giáo hội …
Ý lực sống: “Thánh Phêrô giữ quyền tối thượng để chứng tỏ Giáo hội của Chúa Kitô là duy nhất, và Tòa của ngài là duy nhất. Thiên Chúa là duy nhất. Đức Kitô là duy nhất. Giáo hội là duy nhất. Tòa được Chúa Kitô thiết lập cũng duy nhất” (Thánh Cyprianô vào thế kỷ III).
 Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

SUY NIỆM: CHÌA KHÓA NƯỚC TRỜI

Ngang qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn nói với chúng ta rằng, không chỉ riêng thánh Phêrô đã lãnh nhận chìa khóa Chúa trao; mà qua Ngài, qua Giáo Hội, hết thảy mọi tín hữu cũng đều nhận được chìa khóa ấy khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội.
Chìa khóa Nước Trời không gì khác hơn là tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và đồng thời tin tưởng chúng ta cũng là con Thiên Chúa. Chìa khóa chính là hạt giống đức tin từ ngày được dìm mình vào trong làn nước Thánh Tẩy, là lúc giúp chúng ta mở cửa bước vào kho tàng ân đức của Chúa ngang qua Bí tích Rửa Tội. Chịu phép Thanh Tẩy, nghĩa là chúng ta nhận được “Ơn làm con Thiên Chúa”, đó là chìa khóa Nước Trời mà Thiên Chúa trao cho mỗi người tín hữu. Ngoài ra, chìa khóa nước trời còn là Lời Chúa, là Thánh Thể, là các Bí tích và là sống đức ái. Chìa khoá mở lối vào Thiên Quốc Vĩnh Hằng có “độ rắn” của lòng trung thành, liên lỉ trong cầu nguyện; có “độ bền” của sự hiền hậu, khiêm nhường; có cấu trúc đẹp của lòng bao dung, tha thứ.
Trong ngày đại lễ kính hai thánh Phêrô và Phaolô, chúng ta noi theo gương các ngài để biết cách sử dụng chìa khóa mà Chúa trao. Vì các ngài đã dùng hai đường lối khác biệt để quy tụ một gia đình duy nhất cho Đức Giêsu. Các ngài đã chấp nhận sự đa dạng, nhưng hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin và lòng mến. Dù đã từng sa ngã và lầm lạc nặng nề như bao nhiêu tội nhân khác, hai thánh Phêrô và Phaolô đã biết trỗi dậy, đứng lên và theo gương Chúa Giêsu nên đã trở thành hai trụ cột của Hội Thánh và là hai vì sao sáng trong bầu trời đức tin.
Lạy Chúa, xin biến đổi con xin cho con mỗi ngày biết cầm chìa khóa để mở lòng con, mở mắt con, mở tai con để con đón nhận mọi người với trái tim nhỏ bé nhưng tràn đầy yêu thương. Amen.
Tu sĩ P.X. Nguyễn Trung Tuyến, SVD

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây