Thứ Bảy tuần 3 mùa vọng.

Thứ sáu - 20/12/2019 05:00

Thứ Bảy tuần 3 mùa vọng.

"Bởi đâu mà tôi được ơn này, là Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm tôi".

 

LỜI CHÚA: Lc 1, 39-45

Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Isave, và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà; và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: "Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện".

 

Suy Niệm 1: Thân mẫu Chúa tôi đến với tôi

Suy niệm :

Trong những ngày cuối cùng của mùa Vọng,

Hội Thánh mời gọi chúng ta suy niệm về cuộc gặp gỡ

giữa hai người mẹ: Chị Maria và bà Êlisabét,

giữa hai thai nhi: Ðức Giêsu và Gioan Tẩy Giả.

Một cuộc gặp gỡ chan chứa niềm vui.

Niềm vui của chị Maria với bước chân vội vã

băng qua những vùng đồi núi trập trùng xứ Giuđê.

Chị không đi một mình trên đường xa,

vì chị tin có một mầm sống đang lớn lên trong chị.

Chị chỉ mong cho mau đến nhà bà Êlisabét

để phục vụ bà trong những ngày gần sinh nở.

Niềm vui bất ngờ của bà chị họ sau lời chào của Maria.

Bà ngây ngất trước hồng ân mà cô em mình đã nhận được.

Bà tràn ngập hạnh phúc vì được Thân Mẫu Chúa đến thăm.

Êlisabét cảm thấy đứa con trong dạ cũng nhảy mừng.

Dường như bà quên cả niềm vui riêng tư,

để chỉ còn nhớ đến niềm vui cứu độ cho cả dân tộc.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bầu khí của Thánh Thần.

Thánh Thần vẫn tác động trên chị Maria.

Thánh Thần tràn đầy bà Êlisabét.

Thánh Thần đã hoạt động nơi thai nhi Gioan (Lc 1,15).

Chị Maria đem đến niềm vui cho nhà ông Dacaria

vì chị mang lại Ðấng ban Tin Mừng cứu độ.

Chị đem đến sự phục vụ khiêm hạ

vì chị cưu mang Ðấng đến để phục vụ.

Khi được trở nên nữ tỳ của Thiên Chúa,

chị Maria đã sống như nữ tỳ của con người.

Chị có phúc vì chị được chọn làm Mẹ Ðấng Cứu Thế,

chị còn có phúc vì chị đã tin rằng

Chúa sẽ thực hiện những gì Người nói với chị.

Chúng ta chiêm ngắm Ðức Giêsu đang lớn dần trong lòng mẹ.

Ngài tăng trưởng như mọi người.

Những nhịp đập đầu tiên của trái tim nhỏ bé,

những nét riêng tư đầu tiên của khuôn mặt.

Con Thiên Chúa đã mang quả tim và khuôn mặt người phàm.

Từ khi Ngôi Lời được cưu mang trong dạ mẹ,

không ai có quyền khinh rẻ một thai nhi,

vì mỗi thai nhi đều mang khuôn mặt của Con Thiên Chúa;

không ai được coi thường người phụ nữ,

vì Thiên Chúa đã muốn Con mình được một trinh nữ sinh ra.

 

Cầu nguyện :

Lạy Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa,

xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ

tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.

Xin ban cho con quả tim đơn sơ,

mau quên những nỗi buồn phiền.

Một quả tim hào hiệp dám hiến thân,

dịu dàng để cảm thông.

Một quả tim trung thành và quảng đại.

không quên ơn, không báo oán.

Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn.

yêu mà không mong được yêu lại,

hân hoan xóa mình đi

để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác.

Một quả tim vĩ đại và bất khuất,

không khép lại trước những vô ơn,

không chán nản trước người lạnh nhạt.

Một quả tim khắc khoải

lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô,

quả tim mang vết thương vì yêu Ngài,

vết thương chỉ lành

khi được sống với Ngài trên trời. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Bởi Ðâu Tôi Ðược Mẹ Chúa Viếng Thăm

Với cuộc sống con người, ai ai trong chúng ta cũng mang lấy tâm trạng muốn cho mình tích trữ được nhiều thứ của cải: của cải vật chất và của cải tinh thần. Của cải vật chất như được giàu sang, được uy quyền. Ai lại chẳng muốn được như câu nói mà người ta thường đùa với nhau: "Ở nhà Tây, ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật" và cuối cùng là "đám tang Việt Nam".

Ở nhà Tây, vì tiện nghi đầy đủ. Ai lại không khen các món ăn của Tàu nổi tiếng là ngon. Người đàn bà Nhật chiều chuộng chồng mình không ai lại không cảm thấy không kính phục. Và đám tang Việt Nam chúng ta với bao nhiêu nghi thức đầy cảm động gợi lên tâm tình của người còn sống đối với người thân yêu đã khuất. Ai trong chúng ta lại chẳng muốn được quyền uy, đi đâu có tiền hô hậu ủng, đưa đón rước sách, mọi người nhìn bằng cặp mắt kính nể, thán phục.

Về của cải tinh thần, ai lại không mơ ước trên phương diện nghệ thuật mình sáng tác, những bản nhạc thời danh như Bach, Bethoven, Mozart, hoặc thành những khoa học gia nổi tiếng về không gian chế ra bom B1-B2 và hỏa tiễn lên cung trăng đầu tiên như Volgra người Ðức gốc Do Thái. Và biết bao nhiêu mơ ước, biết bao nhiêu tham vọng khác nữa ở trong mỗi một con người nhỏ bé của chúng ta.

Ðó là tâm trạng tâm lý thường tình của con người mà thôi. Nó không tốt mà cũng không xấu, khi chủ ý đặt mục đích và phương tiện tốt thì nó tốt, còn khi chúng ta dùng để tự kiêu, ngạo mạn và làm hại người khác thì nó xấu. Có một điều quan trọng nhất của người Kitô hữu chúng ta đó là khi chúng ta xin đức tin cùng Hội Thánh trong ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, được rước Chúa vào trong tâm hồn, chúng ta khư khư giữ lấy Chúa ích kỷ riêng cho mình, không mang Thiên Chúa đến cho người khác.

Thiên Chúa chúng ta là một kho tàng vô giá, một kho tàng tích chứa tình yêu vô bờ bến, một kho tàng tích chứa bình an thực sự, và là một kho tàng tích chứa sự khôn ngoan tuyệt đối. Một kho tàng quí giá vô cùng như vậy thế mà chúng ta đã không biết lợi dụng để mang đến cho mọi người, để rồi tha nhân không nhìn ra khuôn mặt Thiên Chúa yêu thương qua cuộc sống của chúng ta. Vì thế, những người vấp ngã, những người gặp hiểm nguy khó khăn trong cuộc sống, họ không gặp được Thiên Chúa bình an, Thiên Chúa hy vọng và Thiên Chúa hạnh phúc. Những người hoang mang lạc lối trên đường đời chúng ta đã không chỉ cho họ đến với Thiên Chúa là Ðấng thông minh, khôn ngoan tuyệt vời. Thiên Chúa đau khổ biết bao khi chúng ta đã không mang Chúa đến cho tha nhân.

Và hôm nay Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta qua gương mẫu Mẹ Maria, chính Mẹ đã nhận được diễm phúc mang Con Chúa trong lòng, để rồi Mẹ đã vội vã lên đường mang Chúa đến cho người chị họ là bà Isave. Nhờ đó, thánh Gioan Tẩy Giả nằm trong bụng mẹ cũng được chia sẻ niềm vui ấy. Ðó là bài học quí hóa nhất cho cuộc sống chúng ta, người con cái của Thiên Chúa đã nhận biết Chúa, đã mang Chúa trong tâm hồn, không ích kỷ giữ riêng Chúa cho mình nhưng cùng chia sẻ niềm vui ơn cứu rỗi đó cho mọi người xung quanh.

Lạy Chúa, trong Mùa Vọng này, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con tâm tình sốt sắng đón nhận Chúa đến để sự bình an của Chúa thực sự ngự trị trong tâm hồn chúng con. Lạy Chúa, như xưa Mẹ Maria đã đem Chúa đến cho bà chị họ là bà Isave, thì nay xin Chúa cho chúng con luôn biết hăng say đem Chúa đến cho mọi người qua cuộc sống hiền hòa, yêu thương, tha thứ trong niềm tin yêu hy vọng và lạc quan, vì Chúa đến và vui thích ở giữa dân Người. Amen.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

 

Suy Niệm 3: Đi thăm bà Isave

Đời người là một cuộc hành trình, và cuộc hành trình nào cũng là một thứ cưu mang: mơ ước được gặp gỡ, chia sẻ, sống trong tự do, xây dựng nhiều hăm hở.

Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, đon đả ra đi lên miền sơn cước. Đức Maria đã chỗi dậy, vì cưu mang con trong lòng. Cưu mang con trong lòng cũng có nghĩa là nuôi dưỡng một niềm vui bất tận: đứa con càng lớn, niềm vui càng tăng.

Niềm vui nào cũng đòi được chia sẻ. Đức Maria đã không cất giữ trong lòng niềm vui vừa cưu mang, nhưng Người đã vội vàng đem niềm vui đến cho người khác.

Đích điểm cuộc hành trình của Đức Maria là một miền núi. Núi cao là nơi trắc trở, nhưng cũng thường là nơi hẹn hò giữa Thiên Chúa và con người. Và cũng từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, con người mới có thể đến với người khác.

Cuộc hạnh ngộ giữa Đức Maria và người chị họ Isave là kết thúc của cuộc ra đi. Không ai đi để tiến về cô đơn, để giam mình trong cõi chết, nhưng ra đi là để gặp gỡ, chia sẻ.

Đời người Kitô hữu là một hành trình trong đức tin. Hành trình nào cũng có khởi điểm và đích điểm. Cũng như Đức Maria đã tiến lên đường sau khi cưu mang Chúa Giêsu, người Kitô hữu cũng khởi đầu cuộc hành trình bằng sự sống Thiên Chúa đã được thông ban qua Bí tích rửa tội.

Cưu mang sự sống mới, người Kitô hữu cũng vội vã ra đi đem niềm vui cho người khác, đó là tất cả sứ mệnh và ý nghĩa của đời sống đức tin. Người cưu mang Đức Kitô phải ý thức rằng đạo của họ là đạo Tin mừng, đường của họ là đường của rộn rã, vui tươi…

Điểm đến của cuộc hành trình dĩ nhiên là cuộc sống vĩnh cửu, nhưng cuộc sống này cũng chỉ là một cuộc gặp gỡ nối dài những gặp gỡ mà con người đã thực hiện trong cuộc sống tại thế. Điểm đến ấy sẽ không đến với những ai đã chối bỏ gặp gỡ Thiên Chúa trong cuộc sống này. Điểm đến ấy sẽ không bao giờ hiện ra đối với những ai đã chối bỏ gặp gỡ người anh em trong cuộc hành trình tại thế.

Mùa vọng là mùa của cưu mang, của cất bước ra đi. Chúng ta hãy để Đức Kitô lớn lên trong tâm tư, suy nghĩ, hành động của chúng ta. Cùng với Đức Kitô, chúng ta hay ra đi đến với người khác. Cùng với Đức Kitô, chúng ta hãy biến mọi gặp gỡ hằng ngày thành những  trao đổi của yêu thương, phục vụ, quên mình, tha thứ và vui tươi.

 

Suy Niệm 4: Chia sẻ đức tin

Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được tràn đầy Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc”. (Lc. 1, 40-42)

Ngay sau khi Đức Maria biết bà Ê-li-sa-bét đã quá già mà sắp sinh cậu ấm, Mẹ đã đến thăm viếng bà, không phải để xác minh lời thiên sứ có thật không, nhưng để thực thi thánh ý Thiên Chúa và thăm viếng bà chị cùng đồng cảnh với mình. Hơn thế nữa, Đức Maria thấy cần chia sẻ niềm vui và lòng tin của mình với người khác.

Cả hai đều luôn dễ vâng lời và hiểu biết thánh ý Chúa. Cả hai đều được Thiên Chúa đã làm những sự lạ lùng.

Tin mừng tường thuật cho chúng ta biết một cách vắn gọn về việc đã xảy ra giữa hai người nữ diễm phúc. Người ta tưởng tượng khá tốt rằng: Cả hai đã cống hiến một thời gian dài để giúp nhau khám phá ra ý nghĩa về việc sẽ xảy đến với hai bà. Và như tất cả các bà mẹ, hai bà mơ ước về hai đứa con sẽ trở nên thế nào …

Phần chúng ta, họa hiếm lắm chúng ta mới biết chia sẻ niềm tin của mình cho người khác, vì thực sự chúng ta không quen. Khi những người tín hữu chúng ta gặp nhau, hầu hết là để tổ chức hoạt động, để thảo luận vấn đề khác. Chúng ta rất ít khi tụ họp để bày tỏ cho nhau những tâm tình tận đáy con tim, những điều chúng ta tin tưởng, những điều chúng ta trông cậy. Chúng ta không dám cởi mở cho nhau hết tấm lòng mình về Đức Kitô. Chúng ta không dám nói cho người khác những điều Thiên Chúa đối với mình, đã làm cho mình, với vợ con mình, và cả với các bạn tri kỷ của mình. Chúng ta hầu như không bao giờ nói về Đức Kitô.

Chính vì thế, chúng ta hình như đã quên, hay hình như đã không còn hiểu gì về Đức Kitô, đến nỗi chúng ta thực sự rất cô đơn trong niềm tin. Thực thế, chúng ta còn nhiều điều phải học biết.

Chúng ta cần thiết phải biết lòng tin của người khác để củng cố lòng tin của chúng ta. Và người khác cũng cần biết lòng tin của chúng ta để củng cố niềm tin của họ.

Khi Mẹ Maria và bà Ê-li-sa-bét gặp nhau, các ngài nói cho nhau biết thông cảm những điều lạ lùng mà Thiên Chúa đã làm cho mình để tạ ơn ngợi khen Thiên Chúa. Nếu chúng ta biết chia sẻ lòng tin của chúng ta với nhau, có lẽ chúng ta sẽ thấy được những sự lạ lùng Thiên Chúa đã làm cho chúng ta.

J.Y.G

 

Suy Niệm 5: CUỘC VIẾNG THĂM ĐẦY ÂN SỦNG (Lc 1, 39-45)

Trong cuộc sống, nơi các mối tương quan, hẳn sự cảm thông, liên đới là điều quan trọng. Có sự cảm thông, chúng ta dễ dàng tôn trọng, hiểu biết, và đón nhận nhau hơn. Có sự liên đới, chúng ta dễ dàng chia vui, sẻ buồn với nhau để giúp nhau thăng tiến...

Hôm nay, bài Tin Mừng cũng trình thuật cho chúng ta về cuộc gặp gỡ giữa Mẹ Maria và bà Êlisabét. Cuộc gặp gỡ này không chỉ dừng lại ở chỗ thăm hỏi xã giao, nhưng nó còn đi xa hơn để cho thấy rằng đây là một cuộc gặp gỡ trong tình yêu và ân sủng.

Đức Maria vội vã lên đường thăm bà chị họ Êlisabét không phải do Mẹ không tin lời Sứ Thần báo bà Êlisabét đã có thai được sáu tháng, vì thế, phải lên đường để tận mắt phục kích xem điều đó có thật không! Không phải vậy, nhưng Mẹ lên đường là để thể hiện sự vui mừng, mau mắn, sẵn sàng tín thác nơi Chúa và đem Tin Mừng ấy đến với người chị họ và cũng là người chị trong ân sủng, để cả hai cùng chung lời tạ ơn. Vì thế, khi vừa thấy Mẹ, bà Êlisabét đã cất tiếng tung hô: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1,4243). Cùng lúc, Gioan trong bụng đã nhảy lên vui sướng vì mình được Thiên Chúa viếng thăm.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy, vai trò của Chúa Thánh Thần là trọng tâm của mọi biến cố cũng như nhân vật từ Đức Giêsu, Mẹ Maria, thánh Gioan, ông Dacaria và bà Êlisabét... Tất cả những nhân vật này đã trung thành với lời hứa, mặc dù đôi lúc cũng còn chút nghi ngờ như ông Dacaria.

Từ đó, chúng ta được mời gọi mau mắn vâng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong Lương Tâm của mình để thi hành. Sẵn sàng tin tưởng tuyệt đối vào Lời Chúa hứa. Yêu thương, tôn trọng và liên đới với tha nhân để giúp nhau nên thánh.

Mong sao trong Mùa Vọng này, mọi người đều cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc vì có Chúa ở cùng như mẹ Maria, bà Êlisabét và thánh Gioan Tẩy Giả khi xưa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu thương nhau để cùng nhau làm chứng cho niềm vui Tin Mừng trong cuộc sống thường ngày. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM: 

(A) Đức Maria đi và đến (c. 39)

(A’) Đức Maria ở và về (c. 56)

 

Khi cầu nguyện, chúng ta nên hình dung ra Đức Maria « vội vã lên đường » (c. 39), bước đi và tâm tình của Mẹ trong cuộc hành trình đi đến miền núi, đến thành thuộc chi tộc Giu-đa.

Chúng ta cũng có thể hình dung ra nhà bà Ê-li-sa-bét, là nơi gặp gỡ của hai chị em và cũng là nơi Đức Maria ở lại 3 tháng (c. 56). Vì thế, chúng ta cũng nên chúng ta cũng nên hình dung ra trong suốt ba tháng ở nhà người chị họ, Mẹ đã làm những gì và với tâm tình nào.

Chúng ta hãy nhìn ngắm Mẹ Maria và bà Ê-li-sa-bét “diện đối diện” (c. 40-55). Chính cuộc gặp gỡ trong hiệp thông, nhưng rất đời thường này, mang lại những hoa trái lạ lùng (c. 40-41), và là nơi khai sinh ra những lời ca tụng bất hủ: lời ca tụng của bà Ê-li-sa-bét, làm nên lời kinh Kính Mừng hàng ngày của chúng ta (c. 42-45), và lời ca tụng Magnificat của Đức Maria, hằng ngày trở lên lời ca tụng của chúng ta và được hát vang lên cách long trọng trong giờ Kinh Chiều (c. 46-55). Đây cũng là khuôn mẫu của mọi lời ca tụng: gặp gỡ trong hiệp thông để hướng tới lời ca tụng và sẽ trào vọt ra lời ca tụng; và lời ca tụng chỉ xuất phát từ sự hiệp thông và làm cho hiệp thông.

Xin Chúa Thánh Thần khơi dậy nơi tâm hồn chúng ta, lòng khát khao mãnh liệt, để cho mầu nhiệm Thăm Viếng của Đức Maria trở thành « linh đạo » của chúng ta, nghĩa là được tái hiện trong cả cuộc đời và từng ngày sống của chúng ta : đó là đón nhận Ngôi Lời, để cho Ngôi Lời lớn lên và để cho Ngôi Lời đến với người khác qua sự hiện diện và những công việc nhỏ bé.

 1. Nhìn ngắm bà Ê-li-sa-bét và Mẹ Maria, diện đối diện (c. 39-40)

Bức tranh « Visitation » (Thăm Viếng) của họa sĩ Mariotto Albertinelli (người Ý), vẽ năm 1503, hoặc chính kinh nghiệm sống của chúng ta, sẽ giúp chúng ta hình dung khung cảnh của cuộc gặp gỡ giữa hai chị em. Nghe biết chị Ê-li-sa-bét, vừa hiếm muộn vừa đã có tuổi, nhưng lại có thai, Đức Maria liền vội vã lên đường đi thăm hỏi và giúp đỡ bà chị của mình. Em đi giúp chị sắp sinh con là điều vẫn còn xẩy ra trong đời thường của chúng ta, nhất là với những cuộc sinh ra đặc biệt. Và chính trong sự việc rất nhỏ bé của đời thường này mà Ân Huệ và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được nhìn nhận và tuyên xưng.

Tư thế diện đối diện, có thể làm chúng ta nghĩ đến cách sắp xếp vị trí của các đan sĩ khi hát kinh, đó chính là trung tâm mà từ đó lời ca tụng được khai sinh. Bởi lẽ, lời ca tụng là một sự hiệp thông. Chúng ta không thể ca tụng Chúa, nếu không hiệp thông với nhau.

Cuộc gặp gỡ có nhiều người hơn chúng ta tưởng (lời của bà Ê-li-sa-bét sẽ nói rõ cho chúng ta trong cuộc gặp này thực sự có bao nhiêu người), vì Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe Đức Maria chào hỏi, đứa con trong bụng bà nhảy lên ! Như thế, cùng với mẹ, em bé cũng đã nghe được (điều này y học ngày nay đã chứng thực), nhưng nghe được tiếng của ai ? Tiếng chào của « Dì Maria ». Nhưng với ơn gọi đang chờ đợi mình là « Người đi trước mặt Chúa » (1, 17), em bé Gioan như đã nghe được tiếng của em bé Giêsu (nói theo tương quan họ hàng là em Giêsu của mình) ngang qua tiếng của « Dì Maria ». Vì khi còn trong bụng mẹ, một cách nào đó, tiếng của mẹ là tiếng của con. Và đó chính là trường hợp của bé Gioan : em đã nhảy lên trong bụng mẹ, chắc chắc là vì Mẹ của em cũng đã rạo rực trong lòng khi nghe tiếng chào của Mẹ Maria. Bằng chứng là, Mẹ Ê-li-sa-bét được tràn đầy Thánh Thần và kêu lớn tiếng.

Như thế, ở bên trong cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ, ẩn dấu một cuộc gặp gỡ khác nhiệm mầu và vô hình, nhưng rất hiện thực và sống động (vì Gioan hẳn đã làm mẹ nhói đau, nhưng là cái đau của hạnh phúc !) giữa hai người con ; và cả hai đều là ơn huệ tuyệt đối của Thiên Chúa. Sau này, theo các Tin Mừng kể lại, họ sẽ gặp nhau công khai tại sông Gio-đan, nhưng họ đã gặp nhau từ trước rất lâu qua cuộc gặp gỡ rất đỗi bình thường của hai người mẹ.

Trong cuộc sống, những cuộc gặp gỡ của chúng ta với người khác ban đầu tưởng chừng như tình cờ hay vô nghĩa, nhưng lại ẩn chứa một hay thậm chí nhiều cuộc gặp gỡ « nhiệm mầu » khác, và mang lại những hoa trái làm nên cuộc đời chúng ta, mà sau này chúng ta mới biết. Khi « về quê », nhất là vào những dịp đặc biệt, chúng ta sẽ nhớ lại một cách tự nhiên những kỉ niệm xưa, những « cố nhân », những cuộc gặp gỡ làm nên con người chúng ta hôm nay. Vì thế, chúng ta có thể tin rằng những cuộc gặp gỡ đang chờ chúng ta ở phía trước cũng sẽ chất chứa biết bao hoa trái trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, mà chúng ta không sao lường được.

2. Lắng nghe bà Ê-li-sa-bét (c. 41-45)

Lời của bà Ê-li-sa-bét mở đầu và kết thúc đều bằng lời tuyên xưng ân phúc của Mẹ Maria : phúc được Thiên Chúa ban nhưng không cho cả hai Mẹ Con (c. 41-42) ; phúc vì Mẹ Maria đáp lại bằng lòng tin vào Lời Thiên Chúa (c. 45). Lời này làm chúng ta nhớ lại biến cố Truyền Tin, ở đó chúng ta nhận ra rằng lòng tin của Mẹ Maria thật là tuyệt đối, bởi vì Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ một hành động tuyệt đối ; lòng tin của Mẹ là tuyệt đối, còn là vì Mẹ đã đón nhận trước cách triệt để cả một hành trình dài đằng đẵng và đầy bất trắc phía trước.

Ở giữa câu nói, bà Ê-li-sa-bét nói về mình : « Bởi đâu tôi được… ; này tai tôi… » (c. 43-44), nhưng hoàn toàn như người đón nhận : đón nhận với sự khiêm tốn cuộc viếng thăm của « em Maria », đón nhận với tất cả « tấm lòng » lời chào hẳn là rất đỗi bình thường và đơn sơ của cô em, và sau cùng là đón nhận hiệu quả của lời chào (vì mẹ đâu có làm chủ được chuyện con nó giãy trong bụng). Chúng ta có thể tự hỏi, làm sao lời chào của Mẹ Maria mang lại hiệu quả kì diệu như thế, lại « đánh động » người nghe sâu xa như thế ? Hằng ngày và nhất là trong dịp lễ lớn, chúng ta cũng sẽ chào hỏi rất nhiều và cũng nhận được rất nhiều lời chào hỏi. Làm sao để lời chào của chúng ta đánh động người nghe, như lời chào của Đức Mẹ ?

Như thế, lời của bà Ê-li-sa-bét hoàn toàn hướng về em của mình và Ân Huệ Chúa ban nhưng không cho em. Tương tự như chính Mẹ Maria, Mẹ đã hoàn toàn hướng về chị Ê-li-sa-bét trong cuộc hành trình « thăm viếng » (thực tế là hơn cả thăm viếng, vì Mẹ ở lại tới ba tháng !). Ra khỏi mình để nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban cho người khác, đó chính là hiệp thông và ca tụng , vốn là ơn gọi của con người. Thái độ ngược lại là đóng kín và ghen tị.

Lời của bà Ê-li-sa-bét thật là đẹp, đẹp cả về hình thức lẫn nội dung, chính vì thế mà lời này trở thành một phần lời « Kính Mừng » vang lên liên lỉ và bất tận của chúng ta ; và nhất là với « Sự Vui Thứ Hai », chúng ta được mời gọi thực hiện cùng một hành trình của Đức Mẹ, đó là ra khỏi mình để hướng về Ân Huệ tuyệt đỉnh Thiên Chúa ban cho Mẹ cách nhưng không, hướng về ân huệ Thiên Chúa ban cho anh chị em, bà con của mình. Cảm nhận như thế khi đọc lời kinh « Kính Mừng », chính là cách tốt nhất để chuẩn bị mình đón nhận sự chia sẻ cùng một Ân Huệ của Mẹ, Ân Huệ Giêsu Kitô.

 3. Lắng nghe Mẹ Maria

a. Magnificat anima mea Dominum (c. 46-48)

Mẹ Ê-li-sa-bét ca tụng Mẹ Maria bằng lời chúc mừng: Phúc cho người phụ nữ đã tin! (Lc 1, 45) Đức Maria dâng lời tạ ơn và ca tụng cùng với tất cả những người sẽ thụ hưởng điều Mẹ đã lãnh nhận. Trong trình thuật này của Luca, chúng ta chứng kiến biến cố khai sinh của bài ca tán tụng bất hủ Magnificat. Bài ca diễn tả cả một kinh nghiệm vừa sâu vừa rộng về Thiên Chúa của Đức Mẹ. Và mỗi khi chúng ta đặt mình vào chủ thể « Tôi » của bài ca, chúng ta được mời gọi thực hiện cùng một kinh nghiệm về Thiên Chúa như Mẹ.

Kinh nghiệm Thiên Chúa của Đức Mẹ, trước hết, đó là kinh nghiệm : Thiên Chúa là Đấng cứu độ, và tiên vàn không phải Thiên Chúa, Đấng cứu độ loài người, nhưng là “Thiên Chúa,  Đấng cứu độ của tôi » – In Deo salvatore meo (Luc 1, 47). Kinh nghiệm này làm cho con tim của Đức Mẹ thực sự « bừng cháy » và thốt lên lời ngợi khen Thiên Chúa, là Đức Chúa của mình.

Tĩnh từ sở hữu « của tôi », hay « của con » thật nhỏ bé và đơn sơ nhưng dấu ẩn cả một bí mật, một tương quan rất thiết thân. « Của tôi », « của con », « của bố », « của mẹ », « của anh », « của chị », « của em »… Khi nghe hay nói những từ này, lòng chúng ta hẳn đã xao động, bởi vì đó là ngôn ngữ của tình yêu. Thánh Inhã, trong các bản văn, khi nói tới Đức Kitô hay Thiên Chúa, ngài luôn thêm tĩnh từ sở hữu « của chúng ta » (x. Linh Thao 23 ; 158).

Ngoài ra, tĩnh từ sở hữu « của con » còn mang một vẻ nổi bật đặc biệt trong bối cảnh Kinh Thánh, bởi vì nó thuộc về ngôn ngữ của giao ước: Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi và các ngươi sẽ là dân của ta. Qua lời giao ước, hai bên cam kết sẽ thuộc về nhau mãi mãi. Và tương quan thuộc về này của giao ước hoàn toàn không xa lạ với chúng ta. Thực vậy, qua phép rửa, « Thiên Chúa trở thành Thiên Chúa của con ; và con, con trở thành con của Thiên Chúa ». Tương quan giao ước này là nền tảng cho mọi tương quan giao ước khác, được diễn tả qua lời cam kết hôn nhân, lời cam kết chức thánh, lời tuyên khấn, lời tuyên hứa…

« Thiên Chúa là Đấng cứu độ », lời tuyên xưng này, đối với chúng ta trong thực tế, có thể đã trở thành một chân lí khách quan, thậm chí một công thức, vì thế không thực sự liên quan đến cuộc đời cụ thể và như nó là của mỗi người chúng ta, không diễn tả một kinh nghiệm thiết thân, không mang lại niềm vui ca tụng ; « Thiên Chúa là Đấng cứu độ », nhưng Ngài chưa thực sự là « Đấng cứu độ của con ». Kinh nghiệm của Đức Mẹ về những gì Thiên Chúa đã làm cho mình, sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn này để đi vào tương quan « thuộc về nhau » với Thiên Chúa.

Trong tương quan thiết thân với Thiên Chúa, Mẹ Maria tự nhận mình là « nữ tì hèn mọn », và chắc chắn Mẹ luôn nhận mình là như thế, bởi lẽ trước đó trong biến cố Truyền Tin, Mẹ đã nói về mình : « Tôi đây là nữ tì của Đức Chúa » (Lc 1, 38). Vì thế, chúng ta nên từ bỏ não trạng thời Trung Cổ là thích gom góp mọi thứ tước hiệu mô tả sự vĩ đại và vẻ đẹp của Mẹ. Chúng ta hãy tôn trọng tước hiệu mà Mẹ tự nhận cho mình. Như thế, không còn là những đặc ân « ngoại thường » lôi kéo sự chú ý của chúng ta nữa, nhưng là Đức Trinh Nữ của Israel, « nữ tì hèn mọn của Đức Chúa », đại diện cho những người nghèo của Đức Chúa, đã sống một cuộc đời bình thường và đã tự xóa mình đi trước sứ mạng của Con Mình, để rồi lại xuất hiện trong giờ thử thách của Thập Giá. Chúng ta được mời gọi dõi theo một Đức Maria như thế.

b. “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi” (c. 49)

Khởi từ thân phận « nữ tì hèn mọn », Đức Maria tuyên xưng : « Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả ». Mẹ hèn mọn nhưng lại được Chúa làm những điều lớn lao. Như thế, sự lớn lao của Mẹ hoàn toàn đến từ Thiên Chúa. Lời tuyên xưng này là tâm điểm của bài ca Magnificat, bởi vì những gì Mẹ nói ở đầu chính là để dẫn đến kinh nghiệm thiết thân này, và từ kinh nghiệm thiết thân này, Mẹ nhận ra hành động của Thiên Chúa nơi nhân loại và nơi dân tộc của Mẹ.

Những gì Thiên Chúa đã làm cho Mẹ, không trừu tượng chút nào, vì « Lời Chúa » đụng chạm đến thân xác, tâm hồn và cả cuộc đời của Mẹ. « Lời Chúa » chạm đến con người của Mẹ, hình thành nơi cung lòng của Mẹ, sinh ra và lớn lên trong cuộc đời của Mẹ, đồng hành với Mẹ cho đến tận cùng, và cuối cùng mãi mãi trở nên một với Mẹ. Nơi Mẹ, « Lời Chúa là hạt giống nhỏ, hứa hẹn cả mùa gặt bao la »[1] ; nơi Mẹ, Lời Chúa trở nên hiện hữu ở mức độ cô đọng nhất, nghĩa là ở mức độ « Ngôi Lời Thiên Chúa ».

Ngay lúc này Đức Mẹ đã cảm nhận được lời chúc khen của mọi thế hệ dành cho Mẹ, trong đó có lời chúc khen của thế hệ chúng ta hôm nay. Về phần Mẹ, luôn với cung cách của một « nữ tì », Mẹ chúc khen Thiên Chúa : « Danh Người thật chí thánh chí tôn », bởi vì tất cả tất cả những gì Thiên Chúa làm cho Mẹ là do lòng đoái thương hoàn toàn nhưng không.

c. “Chúa hằng thương xót” (c. 50-55)

Khởi đi từ kinh nghiệm bản thân, về những gì Thiên Chúa làm cho mình, Đức Mẹ trong bài ca Magnificat khám phá ra cách hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử con người và nhất là trong dân tộc mình : như Thiên Chúa đã đoái nhìn đến phận nữ tì của Mẹ, Thiên Chúa cũng bày tỏ lòng thương xót với

  • những ai kính sợ Người,
  • những người khiêm nhường,
  • những người đói nghèo.

Và Đức Mẹ cảm nhận Thiên Chúa tỏ bày lòng thương xót một cách duy nhất và đặc biệt với Israel, tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa, không phải vì Israel « đạo đức thánh thiện » nên Chúa trả công, nhưng bởi vì Ngài nhớ lại lời hứa thủy chung đến muôn đời của Ngài ngay từ buổi khởi đầu. Tuy nhiên, lời của Mẹ cũng thật mạnh mẽ, nếu không muốn nói là dữ dội, khi diễn tả cung cách của Thiên Chúa đối với

  • phường lòng trí kiêu căng,
  • những ai quyền thế,
  • những người giàu có.

Vì đó là những lựa chọn ngẫu tượng, nghĩa là lựa chọn hư vô : ngẫu tượng danh vọng, ngẫu tượng quyền bính, ngẫu tượng vật chất. Những Lời này của Mẹ hôm nay, một ngày kia sẽ trở thành lời của chính Đức Giêsu, Con của Mẹ, trở thành chính cung cách hành xử của Ngài ngang qua Thập Giá, để giải phóng con người khỏi mọi thứ ngẫu tượng bằng cách bắt chúng phải lộ diện, và đồng thời bày tỏ khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa cho con người.

*  *  *

Mỗi khi đọc hay hát bài ca Magnificat của Mẹ Maria, chúng ta được mời gọi nhận lời của Mẹ làm của mình, nếu không lời của chúng sẽ chỉ là giả tạo. Nhận lời của Mẹ làm của mình, điều này có nghĩa là kinh nghiệm Thiên Chúa thực sự là « Đấng cứu độ của tôi », bằng cách nhận ra những gì Thiên Chúa đã làm cho mình. Đúng là chúng ta không được ban những ơn cao cả như Đức Mẹ, nhưng chúng ta được thụ hưởng, được chia sẻ những gì Mẹ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Và chỉ khởi đi từ kinh nghiệm thiết thân về Thiên Chúa, mà chúng ta mới có thể nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho người khác, trong cộng đoàn, Hội Dòng… và dân tộc Việt Nam.

Cuối cùng, chính khi chúng ta có cùng một kinh nghiệm về Thiên Chúa, cả cuộc đời của chúng ta sẽ trở thành bài ca Magnificat, tán tụng Thiên Chúa, như cuộc đời của Mẹ Maria, « Nữ Tì Hèn Mọn » của Đức Chúa.

Lm Giuse Nguyễn Văn Văn Lộc

[1] Bài hát “Comme un souffle fragile” (Như Hơi Thở Mong Manh), của Pierre Jacob : ĐK. Như hơi thở mong manh, Lời Chúa trao ban chính mình. Như chiếc bình bằng sành, Lời Chúa nhào nắn chúng con. TK 1. Lời Chúa là câu thì thầm, như điều bí ẩn của tình yêu. Lời Chúa là vết thương đau, mở ra cho chúng con ngày mới. TK 2. Lời Chúa là sự sinh ra, như ta ra khỏi chốn tù đày. Lời Chúa là hạt giống nhỏ, hứa hẹn cả mùa gặt bao la. TK 3. Lời Chúa là cuộc chia sẻ, như ta cắt nhỏ tấm bánh lớn. Lời Chúa là lối băng qua, nói cho chúng con cả một con đường.

 

Hân hoan chờ Ðấng Thiên Sai – SN song ngữ ngày 21.12.2019

 

Saturday (December 21): Joyful Anticipation of the Messiah

 

Scripture: Luke 1:39-45  

39 In those days Mary arose and went with haste into the hill country, to a city of Judah, 40 and she entered the house of Zechariah and greeted Elizabeth. 41 And when Elizabeth heard the greeting of Mary, the babe leaped in her womb; and Elizabeth was filled with the Holy Spirit 42 and she exclaimed with a loud cry, “Blessed are you among women, and blessed is the fruit of your womb! 43 And why is this granted me, that the mother of my Lord should come to me? 44 For behold, when the voice of your greeting came to my ears, the babe in my womb leaped for joy. 45 And blessed is she who believed that there would be a fulfillment of what was spoken to her from the Lord.”

Thứ Bảy  21-12           Hân hoan chờ Ðấng Thiên Sai

 

Lc 1,39-45

39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần,42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

 

Meditation: 

Do you recognize the indwelling presence of the Lord Jesus in your life? Blessed are you if you see and recognize the Lord with the “eyes of faith”. The word “blessed” [makarios in Greek] literally means “happiness” or “beatitude”. It describes a kind of joy which is serene and untouchable, self-contained, and independent from chance and changing circumstances of life. 

God gives us supernatural joy with hope in his promises

There is a certain paradox for those “blessed” by the Lord. Mary was given the “blessedness” of being the mother of the Son of God. That blessedness also would become a sword which pierced her heart as her Son died upon the cross. Anselm, a great teacher and Archbishop of Canterbury (1033-1109), spoke these words in a homily: “Without God’s Son nothing could exist; without Mary’s son, nothing could be redeemed.”  To be chosen by God is an awesome privilege and responsibility. Mary received both a crown of joy and a cross of sorrow. Her joy was not diminished by her sorrow because it was fueled by her faith, hope, and trust in God and his promises. 

 

 

Jesus promised his disciples that “no one will take your joy from you” (John 16:22). The Lord gives us a supernatural joy which enables us to bear any sorrow or pain and which neither life nor death can take away. Do you know the joy of a life given over to God in faith and trust?

They were filled with the Holy Spirit

What is the significance of Mary’s visit to her cousin Elizabeth before the birth of Jesus? When Elizabeth greeted Mary and recognized the Messiah in Mary’s womb they were filled with the Holy Spirit and with a joyful anticipation of the fulfillment of God’s promise to give a Savior. What a marvelous wonder for God to fill not only Elizabeth’s heart with his Holy Spirit but the child in her womb as well. John the Baptist, even before the birth of the Messiah, pointed to his coming and leaped for joy in the womb of his mother as the Holy Spirit revealed to him the presence of the King to be born. 

The Lord wants to fill each of us with his Holy Spirit

The Holy Spirit is God’s gift to us to enable us to know and experience the indwelling presence of God and the power of his kingdom. The Holy Spirit is the way in which God reigns within each of us. Do you live in the joy and knowledge of God’s indwelling presence with you through his Holy Spirit?

 

“Lord Jesus, fill me with your Holy Spirit and give me joy in seeking you more earnestly. Increase my faith in all your promises, my hope in the joy of heaven, and my love for You as my All.”

Suy niệm:

 

Bạn có nhận ra sự hiện diện bên trong của Chúa Giêsu ngay trong cuộc đời mình không? Phúc cho bạn nếu bạn nhìn thấy và nhận ra Chúa với “cặp mắt đức tin”. Hạn từ “phúc” (makarios của tiếng Hy lạp) theo nghĩa đen là “hạnh phúc” hay “phúc lành”. Nó diễn tả một niềm vui trong sáng và không thể đụng chạm, không chút bợn nhơ, độc lập, và không bị lệ thuộc vào cơ hội và sự những biến cố thay đổi của cuộc sống.

Thiên Chúa ban cho chúng ta niềm vui siêu nhiên với sự hy vọng vào các lời hứa của Người

Có sự nghịch lý nào đó đối với những người “được chúc phúc” bởi Ðức Chúa. Đức Maria được gọi là “người diễm phúc” vì làm Mẹ của Con Thiên Chúa. Sự diễm phúc đó cũng trở nên lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn bà khi Con của bà chết trên thập giá. Anselm, một giáo phụ nổi tiếng và Tổng Giám mục thành Canterbury (1033-1109), cắt nghĩa những lời này trong một bài giảng: “Không có Con Thiên Chúa, không gì có thể hiện hữu. Không có người Con của Đức Maria, không ai có thể được cứu chuộc.” Được Thiên Chúa tuyển chọn là một ơn huệ lớn lao và là một trách nhiệm nặng nề. Đức Maria đón nhận cả hai, triều thiên của niềm vui và thập giá của đau khổ. Niềm vui của bà không bị tan biến bởi sự thống khổ, bởi vì nó được đốt cháy bởi đức tin, đức cậy, và đức mến nơi Thiên Chúa và những lời hứa của Người.

Ðức Giêsu hứa với các môn đệ rằng “Không ai có thể lấy mất niềm vui của anh em” (Ga.16,22). Ðức Chúa ban cho chúng ta một niềm vui siêu nhiên, giúp chúng ta mang lấy bất kỳ đau khổ và nỗi đau đớn nào, mà cho dù cuộc sống hay cái chết có thể lấy mất được. Bạn có biết niềm vui của cuộc đời dâng hiến cho Thiên Chúa trong niềm tin cậy không?

Họ được tràn đầy Chúa Thánh Thần

Ý nghĩa cuộc thăm viếng người chị họ Elizabeth của Đức Maria trước việc sinh ra của Ðức Giêsu là gì? Khi bà Elizabeth chào bà Maria và nhận ra Đấng Mêsia trong lòng bà Maria, họ đều được tràn đầy Thánh Thần và sự tham dự phấn khởi của sự hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa ban Đấng cứu tinh. Thật là lạ lùng vì Thiên Chúa không chỉ đổ đầy Thánh Thần trong lòng bà Elizabeth, mà còn cho cả đứa trẻ trong lòng bà nữa. Gioan Tẩy giả, thậm chí trước khi Đấng Mêsia sinh ra, đã chỉ cho thấy việc Chúa đến và đã nhảy mừng trong lòng mẹ, khi Thánh Thần tỏ ra cho ông biết sự hiện diện của vị Vua sắp sinh ra.

Chúa muốn lấp đầy mỗi một người chúng ta với Thánh Thần của Người

Chúa Thánh Thần là quà tặng của Thiên Chúa cho chúng ta để giúp chúng ta hiểu biết và cảm nghiệm sự hiện diện bên trong của Thiên Chúa và sức mạnh vương quốc của Người. Chúa Thánh Thần là cách thức trong đó Thiên Chúa ngự trị trong mỗi người chúng ta. Bạn có sống trong niềm vui và sự hiểu biết sự hiện diện bên trong của Thiên Chúa với bạn qua Thánh Thần của Người không?

Lạy Chúa Giêsu, xin lấp đầy lòng con với Thánh Thần của Chúa và ban cho con niềm vui trong việc tìm kiếm Chúa ngày càng hơn nữa. Xin gia tăng đức tin của con trong tất cả những lời hứa của Chúa, đức cậy của con trong những niềm vui Thiên đàng, và đức mến của con dành cho Chúa, là Tất Cả của con.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây