Thứ Bảy tuần 5 thường niên.
"Họ ăn no nê"
Lời Chúa: Mc 8,1-10
Trong những ngày ấy, dân chúng theo Chúa Giêsu đông đảo, và họ không có gì ăn, Người gọi các môn đệ và bảo: "Ta thương đám đông, vì này đã ba ngày rồi, họ không rời bỏ Ta và không có gì ăn. Nếu Ta để họ đói mà về nhà, họ sẽ mệt lả giữa đường, vì có nhiều người từ xa mà đến".
Các môn đệ thưa: "Giữa nơi hoang địa nầy, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn no". Và người hỏi các ông: "Các con có bao nhiêu bánh?" Các ông thưa: "Có bảy chiếc".
Người truyền dân chúng ngồi xuống đất, rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát. Các ông chia cho dân chúng. Các môn đệ còn có mấy con cá nhỏ. Người cũng đọc lời chúc tụng và truyền cho các ông phân phát.
Dân chúng ăn no nê và người ta thu lượm những miếng còn thừa lại được bảy thúng. Số người ăn độ chừng bốn ngàn. Rồi Người giải tán họ, kế đó Người cùng các môn đệ xuống thuyền đến miền Ðam-ma-nu-tha.
Suy Niệm 1: Bị xỉu dọc đường
Suy niệm:
Thân xác có những nhu cầu cơ bản của nó.
Nó biết đói, biết khát, biết mệt và có thế bị xỉu vì kiệt sức.
Khi Đức Giêsu làm phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi dân,
Ngài cho thấy mình chẳng hề duy linh hay duy tâm chút nào.
Tin mừng Máccô kể lại hai phép lạ bánh hóa nhiều.
Lần đầu năm cái bánh và hai con cá cho năm ngàn người (Mc 6, 32-44).
Bài Tin mừng hôm nay nói đến một phép lạ bánh hóa nhiều khác,
bảy cái bánh và mấy con cá nhỏ cho bốn ngàn người ăn.
Lần đầu Đức Giêsu chạnh lòng thương
vì dân chúng bơ vơ như chiên không người chăn dắt (Mc 6, 34).
Lần này ngài chạnh lòng thương đám đông vì họ không có gì ăn (Mc 8,1).
Đức Giêsu đã giải thích cặn kẽ các lý do khiến Ngài thương họ:
vì họ đã ở với Ngài ba ngày rồi mà không có gì ăn (c.2),
vì Ngài sợ họ sẽ bị xỉu dọc đường nếu nhịn đói mà về nhà,
vì có một số người từ xa đến (c.3).
Rõ ràng Đức Giêsu quan tâm đến sức khỏe của đám đông.
Họ đã theo Ngài, ở với Ngài và được ăn bánh tinh thần trong mấy ngày qua.
Nhưng họ cũng cần tấm bánh vật chất cho thân xác.
Có thực mới vực được đạo.
Chính Đức Giêsu, chứ không phải các môn đệ, đã nhận ra điều ấy.
Ngài gọi họ lại để nhắc họ về nhu cầu của đám đông (c.1).
Bảy cái bánh được Đức Giêsu bẻ ra và trao cho các môn đệ.
Các môn đệ lại làm cử chỉ như vậy cho đám đông.
Bẻ ra và trao đi là những hành vi của bác ái, chia sẻ.
Bẻ ra là chấp nhận bị vỡ, chẳng còn nguyên vẹn như trước.
Trao đi là chấp nhận mất mát, chẳng còn giữ lại gì cho mình.
Nhưng chỉ khi dám bẻ ra và trao đi mới đem lại hạnh phúc dư dật.
Phép lạ bánh hóa nhiều là phép lạ các Kitô hữu làm mỗi ngày,
khi họ dám bẻ ra và trao đi tấm bánh của đời họ.
Họ bỗng thấy mình sung mãn khi người khác được no nê.
Cầu nguyện :
Lạy Thiên Chúa là Tình Yêu,
xin cho con biết nhạy cảm trước nỗi đau của con người,
những trẻ em bất hạnh, những phụ nữ bị bạo hành,
những người trẻ mất niềm hy vọng, những người già neo đơn.
Trong cơn khủng hoảng hiện nay trên toàn cầu,
có bao người thất nghiệp, bao người lâm cảnh đói ăn.
Xin cho tim con chạnh lòng thương như Chúa,
dám chấp nhận sống nghèo để giúp nhiều người thoát cảnh nghèo,
dám chấp nhận liên đới và chia sẻ để thế giới được công bằng hơn.
Ước gì khi thế giới ngưng chiến tranh và các cuộc chạy đua vũ trang,
khi nước giàu chia sẻ cho nước nghèo,
khi bất công và thù hận không còn thống trị,
chúng con được hạnh phúc vì thấy Nước Chúa đã gần bên. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy Niệm 2: Lòng quảng đại của Chúa
Tin Mừng hôm nay nêu bật lòng quảng đại của Chúa Giêsu đối với con người. Sở dĩ Chúa Giêsu đã có thể nuôi sống được đám đông dân chúng, dù chỉ bắt đầu với bảy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ, là vì Ngài đã chạnh lòng thương xót họ. Mọi sáng kiến bác ái từ thiện và mọi chính sách phân phối thực phẩm đều phải được khởi đi từ tấm lòng yêu thương, nếu không chúng ta sẽ dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn, trở ngại, hoặc không sớm thì muộn, những công việc ấy cũng bị chen vào những ý đồ ích kỷ, vụ lợi.
Một khía cạnh khác, đó là mọi hành vi của Chúa Giêsu đều bắt đầu từ sự thật của chính Ngài hay của những người khác. Chúa Giêsu đã không khởi sự phép lạ một cách mơ hồ, nhưng từ chính sự thật của con người, cho dù đó là sự thật yếu kém đến đâu đi nữa. Ngài đã làm phép lạ từ bảy chiếc bánh và mấy con cái và mấy con cá nhỏ. Hành vi của Chúa không phải là hành vi đột xuất, bởi vì Ngài vẫn tiếp tục phục vụ kẻ khác một cách quảng đại như thế ngay cả khi đã chết. Quả thật, các kiểu nói và từ ngữ trong Tin Mừng hôm nay, cũng chính là các kiểu nói và từ ngữ được áp dụng cho Bí tích Thánh Thể, như "cầm lấy bánh", "dâng lời tạ ơn", "bẻ ra, trao cho các môn đệ". Như vậy, phải hiểu Bí tích Thánh Thể là một hành vi cứu giúp người đói khát, là sự nối dài hành vi quảng đại của Chúa Giêsu hôm nào, khi từ bảy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ, Chúa Giêsu đã cho đám đông ăn no nê chỉ vì Ngài yêu thương họ.
Ngày hôm nay, để nuôi sống nhân loại, Chúa Giêsu đã lấy chính Thịt Máu Ngài làm lương thực. Với lương thực này, Ngài tin chắc mọi người sẽ được no thỏa để phát triển đến mức tối đa. Tuy nhiên, để lương thực ấy đủ cho mọi người thuộc mọi thế hệ, Chúa Giêsu cần đến sự cộng tác của con người, đặc biệt của Giáo Hội, bằng cách phân phát, chia sẻ. Ðám đông sẽ vẫn tiếp tục đói khát, nếu hôm ấy, các Tông đồ không phân phát bánh và cá cho người khác, vì sợ thiếu hay sợ không còn phần cho mình. Nếu vậy, cảnh đói khát hiện nay vẫn còn, là vì người ta từ chối phân phát và chia sẻ cho người khác, mà chỉ bo bo giữ lấy cho mình.
Nếu không có tấm lòng yêu thương, thì chẳng những chúng ta không thể có sáng kiến trong việc cứu giúp người khác, mà còn biện hộ cho khả năng giới hạn của mình và đình hoãn việc trợ giúp. Những lúc ấy, Bí tích Thánh Thể chúng ta đón nhận mỗi ngày trở thành vô hiệu: thay vì là nguồn lương thực không bao giờ cạn thúc đẩy chúng ta quảng đại hiến tặng người khác, nó trở thành gia sản độc quyền và cằn cỗi của riêng chúng ta.
Xin cho chúng ta ngày càng có tấm lòng yêu thương của Chúa, để những người xung quanh chúng ta không còn bị đói khát vì sự ích kỷ của chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 3: Hóa bánh ra nhiều (Trình thuật thứ hai)
Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn!”.
Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông. (Mc. 8, 1-2. 6)
Maccô vá Mat-thêu kể lại cho chúng ta hai phép la hóa bánh ra nhiều; có hai phép lạ chăng? Có thể, nhưng có lẽ đúng hơn chúng ta có ở đây bản trình thuật thứ hai về cùng một biến cố. Trình thuật này hình như bắt nguồn từ một truyền thống lâu đời, từ cộng đoàn các Kitô hữu gốc Hy lạp. Trình thuật kể lại sự việc như đang xảy ra coi như không liên kết gì với những biến cố dã xảy ra trước vậy.
Dĩ nhiên là có vài dị điểm về những con số giữa hai bản trình thuật: bảy chiếc bánh thay vì năm, mấy con cá nhỏ thay vì năm, bảy giỏ thay vì mười hai, bốn ngàn người thay vì năm ngàn. Chúng ta còn gặp những dị biệt đáng ngại hơn khi đối chiếu với những Phúc âm nhất lãm khác, nếu ta coi những bản văn Phúc âm như những tài liệu “lịch sử” theo đúng nghĩa của thời nay. Các tác giả chép Phúc âm thực ra không mấy bận tâm trong việc kiểm chứng các nguồn tài liệu của mình theo kiểu phê bình lịch sử hiện đại: sự thật của Tin Mừng tiên vàn không phải là những sự kiện được kiểm nghiệm gắt gao theo khoa học, mà chỉ là sự thật về ơn cứu độ để loan báo cho mọi người.
Trong văn chương người ta cũng thường xử dụng kiểu này: một sự kiện cùng được nhiều nhân chứng kể lại, mỗi người từ một quan diểm, một góc cạnh khác nhau; từ đó mới có những bản không giống nhau lạ thường; thế nhưng bản này cũng như những bản kia cũng đều đúng, không ai sẽ có ý tưởng loại bỏ bản này hay bản kia, mỗi bản đều chứa đựng sự thật của mình.
Trong việc rao giảng Tin mừng, đường lối chủ trương của Matthêu không phải là của Maccô, cũng không phải là của Luca, càng không phải là của Gioan, thế nhưng chân lý các ngài rao giảng thì vẫn là một. Cùng phát sóng một chương trình, nhưng phát hình đen trắng khác xa với phát hình mầu, thế mà không một ai dám có ý tưởng khẳng định rằng chương trình này phóng khoáng, chương trình kia đúng. Tượng Đức Kitô do Bourgault điêu khắc không có nét giống với tượng điêu khăc của Rodin, thế mà tượng nào cũng gợi lên trong lòng người nhìn ngắm cùng một niềm tin, cùng một lòng yêu mến. Khi so sánh với nghi lễ Rôma, những cử hành phụng vụ cực kỳ long trọng thuộc nghi lễ Đông phương cho ta cảm tưởng như đến từ một thế giới thật khác lạ, nhưng đằng sau những nét văn hóa khác nhau của đôi bên, người ta mới thấy rõ cả hai cùng chung một niềMt.in, một phép rửa, một Thiên Chúa và đúng là một sự hài hòa tuyệt vời.
Mầu nhiệm Đức Kitô quả đúng là một mầu nhiệm phong phú khôn lường đến nỗi chỉ có một thánh sử mà thôi sẽ không bao giờ diễn đạt được hết, mà chỉ cho ta biết được một mặt nào của mầu nhiệm tuyệt vời đó mà thôi.
Suy Niệm 4: HÃY BIẾT CHẠNH LÒNG THƯƠNG (Mc, 8,1-10)
Khi kể về ơn gọi của Mẹ Têrêxa Calcutta với người nghèo, người ta không quên được sự kiện làm cho mẹ thay đổi ơn gọi. Từ một giáo viên dạy địa lý và là một nữ tu của Dòng Nữ Vương Ðức Bà Loreto, mẹ đã trở thành một nữ tu khiêm tốn, chuyên phục vụ người nghèo khi quyết định rời bỏ dòng cũ để lập nên Hội Dòng Nữ Tu Bác Ái với hy vọng xoa dịu nỗi khổ cho biết bao con người ngày đêm kêu cứu. Vì thế, mẹ đã trở thành người nổi tiếng về lòng bao dung, nhân hậu.
Nguyên nhân để mẹ trở thành vĩ nhân là vì mẹ đã cảm nghiệm sâu xa lời kêu cầu của Đức Giêsu trên Thánh Giá “Ta khát” qua hình ảnh của một người già nghèo khổ, trong sân ga tàu hỏa khi mẹ lên đường để đi chữa bệnh.
Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai. Qua phép lạ này, chúng ta thấy nổi bật lên sự quảng đại, lòng nhân hậu, thương xót của Đức Giêsu với đám đông dân chúng.
Thấy một đám đông đang theo mình, Đức Giêsu đã không thể yên vị được khi thấy họ vất vưởng và bụng đói, nên Ngài đã nói với các môn đệ: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn” (Mc 8, 2). Và Đức Giêsu đã làm phép lạ để nuôi dân chúng.
Hình ảnh thật đẹp về một Đức Giêsu: Ngài nhìn đám đông với một ánh mắt đăm chiêu, trìu mến và lộ rõ sự thao thức! Ngài nói với các môn đệ về nỗi thao thức của mình, rồi lường trước được những mối nguy hại khi họ bụng đói ra về! Và cuối cùng Ngài đã hành động để nuôi dân chúng.
Ngày hôm nay, vẫn có nhiều chương trình phúc lợi xã hội, nhưng không biết có phải là những chương trình được khởi đi từ tình thương hay là một dịp thuận tiện để những kẻ chuyên tham nhũng, bóc lột có cơ hội trục lợi cá nhân và đoàn thể khi nhân danh điều thiện???
Thật vậy, nếu mọi việc công ích, không được khởi đi từ lòng nhân hậu và tình thương thì sớm muộn gì nó cũng sẽ bị những ý đố đen tối, xấu xa xen vào và bị biến thái.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết mặc lấy tấm lòng từ bi nhân hậu và thương xót của Chúa, để chúng con biết đem Chúa đến với anh chị em chúng con. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM
1. Bánh Lời Chúa
Trước hết, chúng ta được mời gọi hình dung “một đám rất đông”, khoảng bốn ngàn người! (c. 9) Hình ảnh nói lên cả loài người chúng ta. Và họ đã ở với Đức Giê-su đến ba ngày mà không có gì ăn! Như thế, Lời Chúa đã làm cho con người no thỏa đến quên ăn, và chắc chắn quên cả mệt mỏi nữa. Chúng ta hãy ước ao có được kinh nghiệm này của đám đông, khi lắng nghe Lời Chúa trong cầu nguyện. Đó cũng chính là kinh nghiệm của cô Maria, lúc cô ngồi bên chân Đức Giê-su say mê nghe lời Người, đến độ quên hết mọi sự! (x. Lc 10, 38-42)
Vậy tại sao Lời Chúa làm cho chúng ta say mê đến như vậy? Đó là bởi vì con người được tạo dựng bởi Lời Chúa (x. St 1) và vì thế, được Lời Chúa cuốn hút và ước ao Lời Thiên Chúa biết bao, dù ý thức hay không ý thức. Thật vậy, con người, tự bản chất, sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn bởi Lời Thiên Chúa. Con người không thể sống mà không có « lời » của nhau và Lời Thiên Chúa làm cho lời con người trở thành lời “ban” sự sống, giống như Lời Chúa là Lời ban sự sống. Xin cho chúng ta kinh nghiệm, nơi bản thân mình, Lời Chúa là “lương thực” không thể thiếu của sự sống hằng ngày và nhất là của hành trình đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi, ơn gọi độc thân, ơn gọi gia đình và nhất là ơn gọi sống đời thánh hiến.
« Ở đây, trong nơi hoang vắng này ». Chúng ta có thể dừng lại một chút để đón nhận những gì hình ảnh « nơi hoang vắng » cùng với cơn đói gợi ra tâm tâm trí chúng ta. Mỗi ngày, chúng ta được cần ăn và được ăn, nhưng đến một lúc nào đó, chúng ta không còn ăn được nữa. Lúc ấy, chúng ta còn mong chờ ai ngoài Đức Kitô là Bánh ban sự sống đời đời ? Điều này giúp chúng ta hiểu câu nói này của Đức Giê-su ở mức độ tuyệt đối : « Họ không cần phải đi đâu cả » (Mt 14, 15). Đức Ki-tô là Đấng hằng sống, Người là ánh sáng và là sự sống, Người đang hiện diện, vì thế, trong cơn đói và cả trong bóng tối chết người nữa, loài người chúng ta và từng người chúng ta « không cần phải đi đâu cả » !
Vì thế, khi nghe Đức Giê-su nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông” (c. 2) và khi chiêm ngắm cách Người nuôi dưỡng đám đông một cách trọn vẹn và dư tràn, chúng ta được mời gọi hướng tới niềm hi vọng Bánh Hằng Sống, là chính Người.
2. “Ngu muội”
Khi Đức Giê-su muốn nuôi dưỡng đám đông lần thứ hai, các môn đệ nêu ra trở ngại:
Ở đây, trong nơi hoang vắng này,
lấy đâu ra bánh cho họ ăn no? (c. 4)
Như thế, các môn đệ vẫn gặp khó khăn như lần thứ nhất: “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?” (Mc 6, 37), và khó khăn ngay sau lần thứ nhất: “Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội”(6, 52).
Và sau phép lạ bánh hóa nhiều lần thứ hai, khó khăn về vấn đề lương thực nơi các môn đệ sẽ vẫn còn nguyên. Thật vậy, khi Đức Giê-su căn dặn phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê, các ông lại nghĩ ngay đến chuyện mình quên đem theo bánh! Vì thế, Người chất vấn: “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế!” (8, 17)
Có lẽ chúng ta cũng vậy, kinh nghiệm đích thân “biết bao điều cao cả” Chúa làm để “nuôi sống” chúng ta, nhưng chúng ta vẫn cứ “ngu muội”. Vì thế, Người đã, đang và sẽ phải kiên nhẫn với loài người và với từng người chúng ta biết bao.
3. Bảy chiếc bánh
Chính Đức Giê-su sẽ nuôi dưỡng đám đông, nhưng Người muốn hành động khởi đi từ những gì chúng ta có và những gì chúng ta là. Vì thế, Đức Giêsu hỏi về những gì các môn đệ đang có:
Anh em có mấy chiếc bánh? (c. 5)
Chúng ta được mời gọi trao vào tay Chúa tất cả, tất cả những gì chúng ta có và những gì chúng ta là. “Bảy chiếc bánh” diễn tả con người thật của chúng ta, rất giới hạn, rất nghèo nàn và rất nhỏ nhoi. Nhưng nếu chúng ta quảng đại trao vào tay Chúa, thì trở thành điều kì diệu một cách nhiệm mầu. Thật vậy, “bảy chiếc bánh”, khi được trao vào tay Chúa, trở thành “bảy giỏ bánh” (c. 9), sau khi đã làm cho bốn ngàn người thỏa thuê!
Chúng ta được mời gọi dâng cho Chúa « tất cả », tất cả những gì chúng ta có và những gì chúng ta là ; và cái « tất cả » của chúng ta thì nhỏ bé và giới hạn như « bảy cái bánh », nhưng chúng ta được mời gọi trao vào tay Chúa. Đây là cử chỉ mang chiều kích bí tích Thánh Thể : « bảy chiếc bánh », là chính con người chúng ta, đã trở thành của Chúa và chính Chúa ; tương tự như bánh là « hoa màu của ruộng đất và công lao của con người » nhưng được dâng cho Chúa, để trở thành « Bánh Trường Sinh » nuôi dưỡng chúng ta. Và chúng ta được mời gọi cộng tác để chia sẻ, trao ban chính Chúa cho nhiều người. Và « Bánh Giê-su » sẽ vừa làm mọi người no thỏa và vừa vẫn còn dư tràn, dư tràn vô hạn.
* * *
Bánh tiếp tục được ban cho dân của Chúa, cho từng người chúng ta mỗi ngày, mỗi ngày cách dư tràn. Bánh diễn tả hồng ân, hồng ân Thiên Chúa được ban ngang qua đất trời và bàn tay của con người của anh chị em, đó là những bữa ăn hàng ngày ; bánh diễn tả sự sống đời đời, đó là bánh Thánh Thể ; và cả hai đều diễn tả chính Chúa, chính Ngôi vị của Chúa. Đấng chúng ta khát khao và chỉ Ngài mới làm chúng ta no thỏa, dư tràn.
Xin cho chúng ta nhận ra tình thương của Chúa, mỗi khi chúng ta dùng “Bánh” Chúa ban, bánh hằng ngày và Bánh Thánh Thể, như lời nguyện Thánh Vịnh diễn tả:
Người ban bánh cho mọi chúng sinh.
Muôn ngàn đời tình thương của Chúa. (Tv 136, 25)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Saturday (February 15): Jesus alone can satisfy our hunger for God
Scripture: Mark 8:1-10 1 In those days, when again a great crowd had gathered, and they had nothing to eat, he called his disciples to him, and said to them, 2 “I have compassion on the crowd, because they have been with me now three days, and have nothing to eat; 3 and if I send them away hungry to their homes, they will faint on the way; and some of them have come a long way.” 4 And his disciples answered him, “How can one feed these men with bread here in the desert?” 5 And he asked them, “How many loaves have you?” They said, “Seven.”6 And he commanded the crowd to sit down on the ground; and he took the seven loaves, and having given thanks he broke them and gave them to his disciples to set before the people; and they set them before the crowd. 7 And they had a few small fish; and having blessed them, he commanded that these also should be set before them. 8 And they ate, and were satisfied; and they took up the broken pieces left over, seven baskets full. 9 And there were about four thousand people.10 And he sent them away; and immediately he got into the boat with his disciples, and went to the district of Dalmanutha. |
Thứ Bảy 15-2 Chỉ một mình Đức Giêsu mới thỏa mãn sự đói khát TC của cta
Mc 8,1-10 1 Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói:2 “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn!3 Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến.”4 Các môn đệ thưa Người: “Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no? “5 Người hỏi các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh? ” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc.”6 Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông.7 Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn cả cá ra.8 Đám đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa: bảy giỏ!9 Mà đám đông có khoảng bốn ngàn người. Người giải tán họ.10 Lập tức, Đức Giê-su xuống thuyền với các môn đệ và đến miền Đan-ma-nu-tha. |
Meditation:
Can anything on earth truly satisfy the hunger we experience for God? The enormous crowd that pressed upon Jesus for three days were hungry for something more than physical food. They hung upon Jesus’ words because they were hungry for God. When the disciples were confronted by Jesus with the task of feeding four thousand people many miles away from any source of food, they exclaimed: Where in this remote place can anyone get enough bread to feed them? The Israelites were confronted with the same dilemma when they fled Egypt and found themselves in a barren wilderness. Like the miraculous provision of manna in the wilderness, Jesus, himself provides bread in abundance for the hungry crowd who came out into the desert to seek him. The Gospel records that all were satisfied and they took up what was leftover. When God gives he gives abundantly – more than we deserve and more than we need so that we may have something to share with others as well. The Lord Jesus nourishes and sustains us with his life-giving word and with his heavenly bread.
Jesus nourishes us with the true bread of heaven The sign of the multiplication of the loaves, when the Lord says the blessing, breaks and distributes through his disciples, prefigures the superabundance of the unique bread of his Eucharist or Lord’s Supper. When we receive from the Lord’s table we unite ourselves to Jesus Christ, who makes us sharers in his body and blood. Ignatius of Antioch (35-107 A.D.) calls it the “one bread that provides the medicine of immortality, the antidote for death, and the food that makes us live for ever in Jesus Christ” (Ad Eph. 20,2). This supernatural food is healing for both body and soul and strength for our journey heavenward. When you approach the Table of the Lord, what do you expect to receive? Healing, pardon, comfort, and refreshment for your soul? The Lord has much more for us, more than we can ask or imagine. The principal fruit of receiving from the Lord’s Table is an intimate union with Christ himself. As bodily nourishment restores lost strength, so the Eucharist strengthens us in charity and enables us to break with disordered attachments to creatures and to be more firmly rooted in the love of Christ. Do you hunger for Jesus, the true “bread of life”? “Lord Jesus, you alone can satisfy the hunger in our lives. Fill me with grateful joy and eager longing for the true heavenly bread which gives health, strength, and wholeness to body and soul alike.” |
Suy niệm:
Có bất cứ điều gì trên mặt đất này thật sự có thể làm thỏa mãn sự đói khát mà chúng ta cảm nghiệm về Thiên Chúa không? Cả đám đông lớn chen chúc đi theo Đức Giêsu ba ngày, đang đói khát điều gì đó còn hơn cả lương thực tự nhiên. Họ đói khát lời Chúa, bởi vì họ đói khát Thiên Chúa. Khi các môn đệ được Đức Giêsu giao cho nhiệm vụ nuôi ăn bốn ngàn người ở một nơi xa cách với mọi nguồn lương thực, họ thốt lên: Trong nơi xa xôi hẻo lánh này, lấy đâu ra đủ bánh để cho mọi người ăn? Dân Israel cũng đã gặp cùng một vấn đề tương tự khi họ ra khỏi nước Aicập, và thấy mình ở trong nơi hoang vắng khô cằn. Giống như sự quan phòng lạ lùng của bánh manna trong hoang địa, Đức Giêsu, chính Người đã ban bánh dư dật cho đám đông đói khát, những người đã vào hoang địa để tìm kiếm Người. Tin mừng kể lại rằng tất cả đã được thỏa mãn và họ còn thu lượm lại những mẫu bánh thừa còn lại. Khi Thiên Chúa ban phát, Người ban một cách dư dật – hơn cả chúng ta đáng được và hơn cả mức chúng ta cần, để chúng ta cũng có thể có cái gì đó chia sẻ với người khác. Đức Giêsu nuôi dưỡng chúng ta với lời hằng sống và với bánh Thiên đàng của Người. Đức Giêsu nuôi dưỡng chúng ta với bánh trên trời đích thật Dấu chỉ nhân bánh ra nhiều khi Thiên Chúa đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát qua các môn đệ tiên báo trước sự sung mãn của bánh Thánh Thể hay bữa tiệc của Chúa. Khi chúng ta lãnh nhận từ bàn tiệc của Chúa, chúng ta kết hợp mình với Đức Giêsu Kitô, Đấng làm cho cho chúng ta thành người được chia sẻ Mình và Máu Người. Thánh Ignatius thành Antioch (35-107 A.D.) gọi đây là “bánh cung cấp thần dược, thuốc giải cho sự chết, và lương thực cho chúng ta sống vĩnh viễn trong Đức Giêsu Kitô” (Eph 20,2). Thần lương này là sự chữa lành cho cả thân xác và linh hồn, và là sức mạnh cho cuộc hành trình về Thiên đàng.
Khi tới bàn tiệc của Chúa, bạn muốn nhận lãnh điều gì? Sự chữa lành, ơn tha thứ, sự an ủi, và sự bồi dưỡng cho linh hồn mình? Thiên Chúa còn có nhiều hơn thế dành cho chúng ta, hơn cả điều chúng ta cầu xin hay tưởng tượng. Kết quả chính yếu của việc lãnh nhận từ bàn tiệc của Chúa chính là sự kết hợp mật thiết với chính Đức Kitô. Giống như chất nuôi dưỡng thân xác phục hồi lại sức khỏe đã mất, Bí tích Thánh Thể tăng cường cho chúng ta lòng mến, và giúp chúng ta dứt bỏ những gắn bó bất chính với các thụ tạo, và ăn rễ sâu trong tình yêu của Đức Kitô. Bạn có đói khát Đức Giêsu, “bánh sự sống” đích thực không? Lạy Chúa Giêsu, chỉ có Chúa mới có thể làm thỏa mãn sự đói khát trong đời sống của con. Xin Chúa lấp đầy lòng con niềm vui cao cả và sự khát khao mãnh liệt bánh chân thật bởi trời, bánh ban phát sức khỏe, sức mạnh, và sự sung mãn cho thân xác cũng như linh hồn. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn