THỨ BẢY TUẦN I THƯỜNG NIÊN
Mc 2,13-17
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
13 Đức Giê-su lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. 14 Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.
15 Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người. 16 Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!”
17 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
SUY NIỆM: TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC
Không biết thời này còn thế hay không, chứ vào thời của Chúa Giêsu, những nhân viên thuế vụ được người Do Thái xếp vào thành phần những người tội lỗi. Chính vì thế, những người Pharisêu lấy làm ngạc nhiên và rất khó chịu, khi thấy Chúa Giêsu tiếp xúc, kêu gọi Matthêu làm tông đồ; rồi còn cùng ăn cùng uống với ông và những người thu thuế khác.
Trước những lời xầm xì bàn tán này, Chúa Giêsu đã thức tỉnh họ bằng 1 lập luận hết sức chắc và đầy thuyết phục, mà khi nghe xong ai ai cũng hiểu được vấn đề, đó là: “Người khỏe mạnh thì không cần thầy thuốc, chỉ những người đau ốm mới cần”. Và ở cuối bài Tin mừng, Chúa Giêsu còn cho biết, đây chính là 1 trong những sứ mạng hàng đầu của Ngài, khi Ngài nói: “Tôi không đến để kêu gọi những người công chính, mà để kêu gọi những người tội lỗi”.
Thật vậy thưa anh chị em, bệnh viện mà chỉ tiếp nhận những người khỏe mạnh, thì đâu còn gọi là bệnh viện nữa. Hay tổ chức từ thiện mà chỉ giúp đỡ những người giàu có, thì sao mà gọi là từ thiện được.
Cũng vậy, người kitô hữu mà chỉ yêu thương những kẻ yêu thương mình, thì có gì đâu mà để tự hào là mình đang sống đạo yêu thương.
Người vợ, người chồng mà chỉ đón nhận những điều tốt của người bạn đời; mà nhất định không chịu chấp nhận và tha thứ cho những khuyết điểm, thiếu sót và lỗi lầm của nhau; thì sao gọi là tình nghĩa phu thê được.
Người làm cha làm mẹ mà chỉ yêu thương những đứa con ngoan hiền, đạo đức và hiếu thảo; còn những đứa con ngỗ nghịch, lầm đường lạc lối thì bỏ mặt, vậy thì nét đẹp tình phụ tử, tình mẫu tử còn hay không.
Chúa Giêsu thừa biết người ta sẽ nói gì, khi thấy Ngài tiếp xúc với Matthêu và những người thu thuế khác, nhưng Chúa Giêsu vẫn làm. Bởi tình yêu thì mạnh hơn lý trí. Kết quả là, Mathêu đã bỏ hết mọi sự mà đi theo Chúa Giêsu.
Chúng ta được mời gọi hãy noi gương Chúa Giêsu, là để tình yêu vượt thắng mọi lý luận theo kiểu con người. Bởi tình yêu phu thê mãnh liệt sẽ giúp được người bạn đời của mình bỏ đi những thói hư tật xấu, những hành động bội nghĩa bạc tình, để trọn đời thủy chung. Tình yêu phụ mẫu mãnh liệt sẽ cảm hóa được con cái và giúp chúng bỏ con đường lầm lạc mà quay trở về.
Và để kết thúc, chúng ta cùng lắng nghe lại những lời sau đây của Chúa Giêsu:“Người khỏe mạnh thì không cần thầy thuốc, chỉ những người đau ốm mới cần”. Những người mà chúng ta cảm thấy ghét cay ghét đắng và muốn loại trừ, lại là những người đang cần đến tình yêu thương của chúng ta nhiều nhất thưa anh chị em. Amen.
Lm.Antôn
SUY NIỆM:
Bức tranh rất nổi tiếng « Ơn Gọi của Mát-thêu », của họa sĩ Caravage, sinh năm 1571 tại Milan, Nước Ý, qua đời năm 1610 ; bức tranh hiện đang được treo tại một nhà thờ nhỏ ở Roma.
Bài Tin Mừng kết thúc với ơn kêu gọi dành cho những người tội lỗi : «Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi», và mở đầu cũng với ơn kêu gọi: «Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi! "Ông đứng dậy đi theo Người». Ơn gọi mà Đức Giê-su dành cho ông Mát-thêu, người thu thế, là ơn gọi tông đồ, khuôn mẫu của mọi ơn gọi.
Xin cho chúng ta, dù đang ở trong hoàn cảnh hay tình trạng nào, cũng đích thân nghe được tiếng gọi của Đức Giê-su: «Hãy theo Thầy».
1. Đức Giê-su với lời mời gọi nhưng không
«Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi! Ông đứng dậy đi theo Người». Cách gọi và cách đáp quá đột ngột, vì theo Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, không hề có điều gì chuẩn bị cho biến cố này. Do đó, chúng ta thường suy đoán thêm rằng, Tin Mừng chỉ kể tóm tắt thôi, nhưng trong thực tế cần có sự quen biết và nhất là tìm hiểu trong một thời gian nào đó, để Đức Giêsu đi đến quyết định gọi ông Mát-thêu, và để ông Mát-thêu đi đến quyết định bỏ tất cả đi theo Đức Giêsu. Giống như một bạn trẻ đi tìm hiểu ơn gọi, và cũng giống như hai bạn trẻ nam nữ tìm hiểu nhau trước khi quyết định “đi theo nhau” suốt đời. Các bộ phim về cuộc đời Đức Giêsu thường đi theo hướng này, khi tái hiện ơn gọi của Mát-thêu. Nhưng tại sao Tin Mừng không kể rõ ra? Chắc chắn là có sứ điệp gì đặc biệt muốn nói với chúng ta.
Đức Giêsu gọi Mát-thêu như ông đang là, đang lay hoay với công việc, với những bận tâm của riêng mình. Cũng giống như khi Ngài gọi hai anh em Phêrô và An-rê, hai anh em Giacôbê và Gioan; Ngài gọi khi họ đang lay hoay với lưới với thuyền cùng với những người thân, khi họ đang bận tâm với những vấn đề của cuộc sống (x. Mc 1, 16-20). Ngài dường như không cần chuẩn bị lâu dài các ông rồi mới gọi; tiếng gọi của Đức Giêsu thật nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người nghe. Vì thế ông Mát-thêu chắc chắn đã phải ngỡ ngàng trước tiếng gọi nhưng không của Đức Giê-su[1]. Và lời Chúa mạnh đến độ làm bật tung ông Mát-thêu ngay tại nơi ông làm việc, nơi ông gắn bó, nơi nuôi sống ông và gia đình, nơi là sự nghiệp của ông, là cuộc đời của ông.
Chúng ta còn chậm chạp và dây dưa trong cách đáp lại, chính là vì chúng ta chưa thực sự nghe được tiếng Chúa. Vì thế, chúng ta hãy ước ao và xin đích thân nghe được tiếng Chúa gọi với tất cả sức mạnh của Lời Chúa, không chỉ một lần, nhưng hằng ngày và suốt đời. Lời Chúa sẽ đụng chạm đến chốn sâu thẳm nhất nơi con người của chúng ta, sẽ biến đổi chúng ta, vì Lời Chúa là Lời tạo dựng nên chúng ta[2].
Ơn gọi thiết yếu là một tương quan, dù đã khởi đầu như thế nào và do hoàn cảnh ngoại tại hay nội tại như thế nào: Chúa gọi và chúng ta đáp lại, như thánh Mát-thêu đã nghe, “đứng dậy và đi theo Người”. Cách Đức Giêsu gọi Matthêu và cách ông đáp lại chính là nền tảng của mọi ơn gọi; và nền tảng thì luôn luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, trong mỗi ngày sống và nhất là mỗi khi chúng ta lựa chọn. Ơn gọi hiểu như thế, thì không thể chỉ là một biến cố đã qua, nhưng phải được sống và hiện tại hóa hằng ngày, thậm chí phải diễn ra hằng ngày. “Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó”. Ngài đi ngang qua đời ta mỗi ngày, và lúc nào ngài cũng thấy chúng ta đang loay hoay làm cái gì đó, bận tâm chuyện gì đó. Ngài gọi chúng ta thật bao dung và quảng đại; và chúng ta được mời gọi đáp lại cách bao dung và quảng đại như lời đáp đầu tiên của chúng ta trong bước đường đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi.
2. Chiêm ngắm cách Đức Giêsu tương quan với những người tội lỗi
Ông Mát-thêu đi theo Đức Giê-su, nhưng sau đó Ngài đi theo ông Mát-thêu về nhà ông! Mọi người dùng bữa và chắc chắn đó là một bữa ăn “say sưa”, vì chỉ toàn đàn ông và vì họ là “bọn thu thuế và quân tội lỗi”. Vì đây là một bữa ăn, nên khi cầu nguyện với bài Tin Mừng này, chúng ta không chỉ nhìn và nghe, nhưng còn được mời gọi ngửi, nếm và đụng nữa:
Ø Chúng ta hãy cảm nhận không chỉ hương vị của bữa ăn, nhưng còn hương của của tình bạn: tình bạn của mọi người dành cho Đức Giêsu và của Đức Giêsu dành cho mọi người.
Ø Chúng ta được mời gọi thưởng thức không chỉ những món ăn ngon, nhưng còn thưởng nếm sự đón nhận và sự gần gũi Đức Giêsu dành cho những người tội lỗi.
Ø Và chúng ta hãy đưa tay đụng vào Đức Giêsu, như đụng tới được lòng nhân từ của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giê-su, và để cho lòng mình rung động.
Như thế, khi kêu gọi Mát-thêu, Ngài không chỉ muốn gặp ông ở nơi công cộng, nơi ông làm việc, nhưng còn muốn gặp ông nơi riêng tư nhất, nơi tất cả những gì làm nên con người ông: nhà của ông, gia đình của ông, bạn bè của ông; và đó là những tương quan diễn tả con người đích thật của ông, làm nên con người của ông.
Chúng ta thường nghĩ đi theo Chúa là phải đoạt tuyệt với gia đình, bạn bè, với quá khứ, với cuộc đời đã qua. Nhưng làm thế, chúng ta đâu còn là chính mình nữa! Và cũng không thể làm được vì tất cả những điều này làm nên con người hiện tại của chúng ta. Đức Giêsu muốn gặp gỡ và phải “băng qua” (x. Ga 4: “Ngài phải băng qua Samari”) tất cả những điều đó nữa, tất cả những gì thuộc về chúng ta, Ngài muốn gọi và gặp chúng ta như chúng ta là một cách hiện thực và trong sự thật. Tất cả sẽ được Đức Giêsu “hoàn tất”, chữa lành, tái tạo, chứ không phải bị loại bỏ (x. Mt 5, 17).
3. « Tôi đến để kêu gọi… người tội lỗi »
Cách tương quan của Đức Giêsu đối với Mát-thêu, với các đồng nghiệp của ông và những người tội lỗi làm bật ra những ý nghĩ thầm kín của những người Pha-ri-sêu: Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” Sự «đồng bàn» này của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể, sẽ mãi mãi khó được chấp nhận, không chỉ bởi những người Pha-ri-sêu, nhưng bởi con người thuộc mọi thời, trong đó có chính chúng ta, ngấm ngầm hay công khai. Như những người Pha-ri-sêu, chúng ta muốn «hốt» Chúa vào trong một khuôn khổ tư tưởng hay cơ chế định sẵn. Trong cuộc Thương Khó, Đức Giêsu còn đi xa hơn nữa : Ngài để mình bị bắt như một tội nhân, bị xét xử và lên án như một tội nhân, bị hành hình như tội tội nhân và ở giữa các tội nhân. Loài người chúng ta mãi mãi không thể thấu hiểu, tại sao Người lại phải đi con đường điền rồ và sỉ nhục như vậy.
Những người Pha-ri-sêu tế nhị không nói thẳng với Đức Giêsu, nhưng Đức Giêsu thì nói thẳng với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”; và trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Người còn thêm : “Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9, 13). Ngài ví mình như thầy thuốc, và đề nghị họ học một câu Kinh Thánh nói về điều Thiên Chúa ưa thích nhất. Để chúng ta sống nhân từ với nhau, Thiên Chúa luôn luôn nhân từ với chúng ta trước, và lòng nhân từ của Thiên Chúa được biểu lộ cách tuyệt vời qua hành động chữa lành. Chúng ta được mời gọi nhận ra những bệnh hoạn tật nguyền của mình và để cho thầy thuốc Giêsu đến chữa lành, cây thuốc của Ngài là cây Thập Giá. Đó chính là kinh nghiệm nền tảng về lòng nhân từ của Thiên Chúa, và chính kinh nghiệm này làm cho chúng ta có thể nhân từ với nhau và hiến dâng đời mình để làm chứng nhân. Nếu chúng ta tự cho mình là công chính, tự cho thôi và vì thế chỉ là ảo tưởng, chúng ta sẽ không có kinh nghiệm về lòng nhân từ và cũng chẳng có thể sống nhân từ.
Đi theo Đức Giê-su, trong ơn gọi Ki-tô hữu và nhất là ơn gọi dâng hiến, chính là đi theo “hiện thân lòng nhân của Thiên Chúa”.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc SJ
SUY NIỆM: CHÚA GỌI ÔNG LÊVI
Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện Chúa Giêsu chọn gọi ông Lêvi hay còn gọi là Matthêu làm môn đệ của mình. Ơn gọi của Lêvi là một ơn gọi lạ lùng khó hiểu, lý do là vì Lêvi là một người thu thuế. Theo quan niệm của người Do Thái, người thu thuế là người tội lỗi công khai, bị mọi người lên án và loại trừ vì họ tiếp tay cho đế quốc Rôma, làm giàu cho đế quốc Rôma khi bóc lột tiền thuế của dân Do Thái. Đồng tiền mà người thu thuế đóng góp cho Đền Thờ sẽ bị từ chối vì họ cho rằng đó là đồng tiền tội lỗi. Không ai tiếp xúc với người thu thuế vì nếu tiếp xúc với họ sẽ bị ô uế theo. Nếu chúng ta đặt mình là Lêvi, chúng ta sẽ thấy Lêvi thật đau khổ biết bao khi bị mọi người loại trừ và xa lánh. Thế nhưng Chúa Giêsu lại khác hoàn toàn, Người vẫn yêu thương và tin tưởng Lêvi và mời gọi ông làm môn đệ của Người. Chắc hẳn Lêvi rất vui mừng hạnh phúc vì được Chúa Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa tin tưởng mời gọi làm môn đệ. Niềm vui thật lớn đến nỗi Lêvi đã mở một bữa tiệc thật lớn để mời bạn bè thu thuế của mình đến dự để chia sẻ niềm vui của mình. Chúa Giêsu và các môn đệ cũng được tham dự tiệc vui này, và chính điều này làm cho các luật sĩ thắc mắc xì xào “Sao ông ấy lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!”. Chúa Giêsu đã trả lời họ rằng : “Người khoẻ mạnh không cần đến thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi chứ không phải người công chính”.
Chúa Giêsu quả là không lầm khi chọn gọi Lêvi – Matthêu làm môn đệ của mình. Cuộc đời của Lêvi – Matthêu đã thay đổi hoàn toàn, ông đã từ bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu. Tài năng và sức khoẻ của ông giờ đây đã được dùng để phục vụ cho việc loan báo Tin Mừng. Chính Matthêu là tác giả của sách Tin Mừng thứ nhất mà chúng ta đang sử dụng.
Nhìn vào Matthêu, chúng ta tin tưởng hơn vào lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa và chúng ta cũng không quên noi gương Matthêu khi biết đóng góp một phần nhỏ bé tài năng của mình để phục vụ Chúa và Giáo Hội.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến để giải thoát chúng con khỏi ách nô lệ tội lỗi. Chúa thấu hiểu sự yếu đuối của chúng con và sẵn sàng tha thứ, với điều kiện là chúng con thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình và trở lại với Chúa. Như Lêvi xưa kia, xin Chúa giúp chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa và mau mắn chỗi dậy trở lại với Chúa và biết sử dụng những ân huệ Chúa ban để phục vụ Chúa và Giáo Hội. Amen.
Lm. J.P
SUY NIỆM: THIÊN CHÚA TOÀN NĂNG
Thiên Chúa là Đấng toàn năng. Sự toàn năng nơi Ngài có sức biến đổi và cứu độ. Và sự toàn năng nơi Ngài xuất phát từ lời nói đến việc làm. Quả thế, “ngôn hành” của Ngài luôn có ý hướng và mục đích. Ý hướng của Ngài gợi hứng từ sự yêu thương vô điều kiện. Mục đích Ngài nhắm đến chính là chia sẻ ơn cứu độ cũng như mong mỏi hết thảy mọi người đều được tham dự vào bàn tiệc Thiên Quốc. Đọc lại hành trình lịch sử cứu độ dân Chúa, chúng ta nhận ra rằng từ trong Cựu Ước cho đến Tân Ước, Thiên Chúa vẫn dùng “ngôn hành” của mình để dẫn dắt, dạy dỗ và biến đổi từng cá nhân trong dân tộc của Ngài. Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã kêu gọi, đồng hành và hướng dẫn Mô-sê thành một người chỉ huy tài ba, thành cầu nối giữa dân và Chúa. Mặc dầu Mô-sê không phải là người tài ăn, khéo nói, thậm chí nhút nhát. Nhưng Chúa muốn và Mô-sê vâng phục, Mô-sê trở thành thủ lãnh trong dân, thành người kéo ơn Chúa xuống cho dân và thông truyền mong mỏi của dân đến với Chúa. Đó là sự toàn năng và tuyệt hảo nơi Chúa thực hiện qua Mô-sê cũng như dân của Ngài.
Còn trong Tân ước, có rất nhiều những con người, những nhân vật đã được Thiên Chúa gọi mời và biến đổi thành người cộng tác đắc lực với Chúa trong công cuộc rao giảng Tin mừng. Cụ thể, trong bài Tin mừng ngày hôm nay, tác giả Mác-cô trình bày cho chúng ta, một Mát-thêu, kẻ làm nghề thu thuế, bị coi là người tội lỗi, bị dân chúng khinh bỉ, là người cộng tác với ngoại bang để hành hạ đồng bào. Thế nhưng, chính “ngôn hành” của Chúa đã biến đổi và giúp ông trở thành Tông đồ cho Ngài.
Một trong những điểm đáng lưu ý trong trong bài Tin mừng thứ Bảy tuần I Thường Niên hôm nay đó là hành động dứt khoát của ông Lêvi khi được Chúa kêu gọi làm môn đệ. Khi Chúa đi ngang bàn thu thuế của ông và mời gọi: “Anh hãy theo tôi,” thì chẳng chần chừ hay đắn đo suy nghĩ, ông Lêvi lập tức đứng dậy đi theo Ngài.
Thái độ dứt khoát ấy cho thấy rằng trước đó ông đã suy nghĩ rất nhiều về cuộc sống của một người thu thuế như ông, một cuộc đời bị liệt vào hàng tội lỗi công khai.
Khi can đảm đứng dậy theo Chúa như vậy, ông như từ một kẻ bị coi là đã chết trong tội, nay được chỗi dậy và hồi sinh trong đời sống mới. Động từ anastas – đứng dậy – phát xuất từ động từ anistemi, vừa diễn tả một hành động thể lý của một người từ trạng thái ngồi bất động sang trạng thái hoạt động, nhưng đồng thời cũng vừa ám chỉ đến sự phục sinh như Chúa (x. Mc 8, 31; 9, 31; 10, 34; 12, 23. 25; Cv 2, 24. 32; 13, 32, 34).
Quả vậy, Thiên Chúa không chấp nhất quá khứ, Ngài kêu gọi Mát-thêu từ bỏ quá khứ tội lỗi và hướng tới tương lai. Không phụ lòng tin tưởng nơi Chúa, Mát-thêu đã rũ bỏ tất cả, tiền tài, địa vị, quyền bính và thậm chí cả những dị nghị, nghi nan. Chính sự đáp trả, niềm tin và sự phó thác vào Thiên Chúa đã biến đổi ông. Nói cách khác, chính tình yêu Chúa đã thay đổi và nâng ông dậy. Từ một con người chỉ biết tích cóp, ăn chặn và bóc lột đồng bào.
Giờ đây Mát-thêu trở thành kẻ “lưới người”, kéo những “mẻ cá người” về cho Chúa, cho Hội thánh bằng sự nhiệt thành và hăng say. Bên cạnh đó, Mát-thêu còn trở thành tác giả Tin mừng viết về dòng dõi và sứ mạng của Ngôi Hai Thiên Chúa. Ông dùng chính đôi tay thu thuế trước đây của mình, giờ đây cũng với đôi bàn tay ấy, ông chia sẻ cho đồng bào và hậu thế về sứ mạng của Đấng Tình Yêu. Sở dĩ Mát-thêu có đặc ân ấy là vì sự toàn năng và yêu thương của Chúa dành riêng cho ông. Ngài muốn, Ngài yêu và Ngài tin tưởng vào sự thay đổi nơi ông và biến ông thành người cộng tác đắc lực trong sứ mạng rao giảng Tin mừng.
Thiên Chúa toàn năng và rất mực yêu thương nhân loại như vậy. Thế nhưng, hôm nay chứng kiến việc Chúa Giêsu kêu gọi Mátthêu và Ngài còn về nhà ông để mừng tiệc, để được ông thiết đãi, những người kinh sư thuộc nhóm Biệt phái tỏ vẻ không hài lòng, nghi kị và muốn kết án. Suy nghĩ và cái nhìn của những người Biệt phái ngày xưa, dường như cũng đang là não trạng và cách hành xử của con người thời nay. Trong một xã hội vô cảm, đặt nặng những giá trị bên ngoài nhưng thiếu ý thức nhân bản và chiều sâu đời sống nội tâm. Dường như con người hiểu nhau qua vật chất, qua vẻ hào nhoáng của địa vị mà bỏ quên giá trị và ý nghĩa nhân bản hay đời sống đức tin.
Khác hẳn với cách cư xử và hành động của con người. Thiên Chúa hứa là Ngài giữ lời. Ngài chậm giận và giàu tình thương. Thiên Chúa không giữ quá khứ của chúng ta nhưng Ngài kêu gọi chúng ta hướng tới tương lai, từ bỏ tội lỗi và tín thác nơi Ngài. Như một bác sĩ rành nghề, hôm nay Chúa Giê-su biết rõ bệnh tình của Mát-thêu, Ngài đã trị dứt cơn bệnh của ông, đồng thời Ngài sử dụng tài năng linh hoạt có sẵn nơi ông để dùng ông trong sứ vụ rao giảng Tin mừng.
Đức Kitô được sai đến trần gian là để kêu gọi người tội lỗi. Ngài là Đấng Thánh, là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Ngài đến để kêu gọi. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Hội Thánh và mỗi người chúng ta, cũng được Ngài sai đến để kêu gọi: sống và làm chứng cho muôn dân về Ơn Cứu Độ. Trước tiên là sống Ơn Cứu Độ cho chính mình, nghĩa là phải ý thức mình là người tội lỗi và cần được cứu độ; sau là làm chứng về chương trình này của Thiên Chúa trong Đức Kitô.
Chắc chắn rằng chúng ta đã chọn Chúa, nhưng trong cuộc sống, rất nhiều lần ta đã chọn thế gian, ma quỷ và xác thịt. Nhìn nhận mình là người tội lỗi, đó là điều kiện tiên quyết. Trong phần sám hối Thánh lễ, chúng ta đấm ngực thú nhận mình là người tội lỗi. Bạn có ý thức điều đó không? Chỉ có người tội lỗi đích thực, mới cầu xin ơn tha thứ; và khi được thứ tha, tâm hồn mới bình an và cuộc sống mới đổi thay. Ngược lại, hình thức máy móc đó sẽ dẫn đến tình trạng “vẫn như cũ”.
Huệ Minh
SUY NIỆM: YÊU THƯƠNG TẤT CẢ
Các kinh sư thuộc nhóm Pharisêu gọi những người tội lỗi và thu thuế là “bọn thu thuế” và “quân tội lỗi”. Cách xưng hô này mang nặng tính miệt thị vì họ tự cho mình là người Do Thái chân chính, những người công chính, những người tuân giữ luật cách nhiệm nhặt như những gì cha ông họ truyền dạy. Những ai không làm được như họ thì họ đối xử như công dân hạng hai, bị phân biệt, xa lánh. Vì vậy các kinh sư đã bị sốc khi thấy Đức Giêsu cùng ăn uống với họ nên thắc mắc: “Tại sao thầy các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”. Nhưng “bọn thu thuế và quân tội lỗi” lại là đối tượng được Đức Giêsu quan tâm. Đối với những người tội lỗi, Đức Giêsu tỏ mình là thầy thuốc đến cứu tâm hồn họ.
Trong cuộc sống, chúng ta không ít lần đã đối xử với anh chị em của mình giống như các kinh sư. Cách này hay cách khác, chúng ta tự cho mình có quyền loại trừ những người anh chị em mình bằng lời nói, hành động, nhằm hạ uy tín hay phớt lờ những người cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.
Thánh Phaolô nhắc chúng ta về thân phận tội lỗi của con người: “Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 3,23-24). Ý thức được điều này, mỗi người chúng ta cần nhận ra tình yêu tha thứ mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, đồng thời thôi thúc chúng ta thể hiện tình yêu đối với anh chị em chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mở lòng ra để lãnh nhận tình yêu Ngài và biết chia sẻ tình yêu ấy cho mọi người qua những hành động cụ thể.
Lm. Gioan Trần Nam Phong, SVD
SUY NIỆM: NHẠY BÉN VỚI TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA
Ơn gọi luôn luôn đến từ Chúa. Chúa muốn gọi và chọn ai tùy ý Ngài. Tuy nhiên, nếu chỉ có Chúa gọi và con người không đáp trả thì không trở thành một ơn gọi.
Hôm nay, Chúa gọi Mátthêu, người thu thuế. Dù là con người tội lỗi vì mang trong mình cái tội phản quốc, tức là trù dập dân, o ép người đồng hương, để hưởng lợi nhuận trên xương máu của đồng bào.
Tuy nhiên, khi nhận ra mình tội lỗi ngập đầu như vậy, và được Đức Giêsu yêu thương trìu mến chọn và gọi mình, thì Mátthêu đã không ngần ngại thả lỏng cây bút chuyên ghi chép những chuyện phi nhân, bất nghĩa và sẵn sàng buông mình vào bàn tay từ ái của vị Thầy dễ thương để tùy Ngài hướng dẫn, ngõ hầu sau này dùng ngòi bút mới để viết lên những trang Tin Mừng mang đậm tình thương của Thiên Chúa cho nhân loại, mà chính ông là người được yêu thương cách nhiệm mầu và cảm nghiệm cách đặc biệt.
Nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội được Chúa yêu thương, một phần do kiêu ngạo như những người Pharisêu, luôn coi mình là hạng người ưu tuyển, nên không nhạy bén trước tình yêu của Thiên Chúa; mặt khác, không giống như Mátthêu, nhiều khi chúng ta lại quá tự ty đến độ không dám đến với Thiên Chúa vì cho rằng mình không xứng đáng.
Tất cả những lý do đó hoàn toàn không phù hợp với Tin Mừng, vì Đức Giêsu đến không phải để kêu gọi người công chính, mà là kêu gọi người tội lỗi, bởi vì người đau yếu mới cần thầy thuốc, người khỏe mạnh thì không cần.
Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta hay có thái độ khinh thường những người tội lỗi và tự mãn vì mình là người đạo đức, nhưng không chừng, con cái trong nhà lại bị loại ra ngoài, còn phường tội lỗi và gái điếm lại vào Nước Trời trước chúng ta!
Xin Chúa Giêsu ban cho mỗi người chúng ta mặc lấy cái nhìn của Chúa, luôn yêu thương những người tội lỗi, đồng thời biết mau mắn đáp trả lời mời gọi của Ngài để ra đi chia sẻ tình thương của Chúa cho anh chị em xung quanh. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP