Thứ hai tuần 1 Mùa Chay.
“Những gì các ngươi làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”.
Lời Chúa: Mt 25, 31-46
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta”.
Khi ấy người lành đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?”
Vua đáp lại: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”.
“Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: “Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!”
Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?”
Khi ấy Người đáp lại: “Quả thật, Ta bảo cho các ngươi biết, những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu”.
SUY NIỆM 1: Làm cho chính Ta
Suy niệm:
Thi hào Tagore trong tập thơ Gitanjali, bài số 50,
có kể chuyện một người ăn xin, tình cờ gặp nhà vua đi trên cỗ xe.
Anh đầy tràn hy vọng khi cỗ xe dừng lại gần anh, và nhà vua bước xuống.
Anh cứ nghĩ nhà vua sẽ cho anh thật nhiều, nhưng ngài lại chìa tay xin anh.
Người hành khất biết lấy gì mà cho, anh chỉ dâng ngài một hạt lúa nhỏ xíu.
Đến lúc chiều về, khi đổ những thứ trong bị ra, anh thấy một hạt vàng rất nhỏ.
Anh khóc vì tiếc mình đã không cho ngài tất cả những gì mình có.
Có khi nào nhà vua giàu có ngửa tay xin một người ăn mày không ?
Hơn nữa, có khi nào Đức Kitô ẩn mình dưới dạng một người ăn xin không ?
Trên chuyến xe lửa đi về vùng Darjeeling ở chân núi Hy-mã-lạp-sơn, năm 1946,
Chị Têrêsa Calcutta đã nhận được một ơn gọi thứ hai, dù chị đang tu ở dòng Loreto.
“Chính trong chuyến xe lửa đó, tôi đã nghe tiếng gọi bỏ tất cả
và theo Ngài vào khu ổ chuột – phục vụ Ngài nơi những người nghèo nhất.”
Chị đã viết như thế, và chị còn giải thích thêm:
“Thiên Chúa gọi tôi để làm giảm cơn khát của Đức Giêsu
bằng cách phục vụ Ngài nơi người nghèo nhất trong số các người nghèo.”
Chị Têrêsa được ơn gặp Đức Giêsu Kitô đang đói khát, đang ở khu ổ chuột.
Chị đã cho Ngài tất cả và chị không bao giờ phải ân hận về chuyện đó.
Bài Tin Mừng hôm nay hẳn đã chi phối đời của thánh Têrêsa Calcutta.
Bài này cũng hợp với Mùa Chay, mùa chia sẻ, mùa làm việc bác ái.
Hơn nữa bài này vén mở cho ta thấy một lối hiện diện khác của Đức Giêsu.
Ngài không chỉ hiện diện nơi tấm bánh thánh, nơi tâm hồn ta, nơi Giáo hội,
mà Ngài còn ở nơi những người đói, khát, khách lạ, trần truồng, đau yếu, ngồi tù.
Khuôn mặt của Ngài xem ra chẳng có gì cao quý, uy nghi, sáng láng,
nhưng đầy nét đau khổ, nhục nhằn, phiền muộn.
Đức Giêsu ở đây không phải là người ban phát đầy quyền năng,
mà là người ăn xin yếu đuối ngửa tay cần ta giúp đỡ.
“Mỗi lần các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây,
là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (c. 40).
Ngài gọi những người khốn cùng trong xã hội là anh em nhỏ nhất của Ngài.
Làm cho họ là làm cho chính Ngài, chối từ họ là chối từ chính Ngài.
Chúng ta sẽ bị xét xử vào ngày tận thế dựa trên tình yêu.
Hôm nay ta có thể gặp Đức Giêsu ở nhà thương, nhà tù, nơi trại tỵ nạn,
nơi gần một tỷ người bị đói trên thế giới, nơi bao người thiếu nước sạch để dùng.
Hãy kính trọng trao cho Ngài những gì mình đã chắt chiu.
Cầu nguyện :
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 2: Thiên đàng của bác ái.
Một đêm trăng nọ, nhìn qua cửa sổ, một tu sĩ già bỗng nhìn thấy một thiên thần đang ngồi viết trên một cuốn sách vàng. Lòng tràn ngập hân hoan, vị tu sĩ rón rén đến gần và lên tiếng hỏi:
- Ngài đang viết gì trong quyển sách này thế?
Thiên thần trả lời:
- Ta đang ghi danh những ai yêu mến Thiên Chúa.
Vừa lo lắng, vừa hồi hộp, vị tu sĩ mới hỏi xem tên của mình có trong sách không.
Thiên thần giở từng trang, chăm chú đọc từng hàng, nhưng không thấy tên ông.
Thế nhưng điều đó không làm vị tu sĩ thất vọng, ông nói với thiên thần:
- Xin Ngài vui lòng ghi tên tôi như một thầy dòng lúc nào cũng yêu mến tha nhân.
Thiên thần chiều ý ông, thế là tên ông được ghi vào sổ vàng.
Tối hôm sau, thiên thần lại hiện ra và mở quyển sổ vàng cho vị tu sĩ xem, lần này ông thấy tên mình dẫn đầu danh sách những người yêu Chúa.
Sau khi vị tu sĩ gia qua đời, xem lại nhật ký của ông, người ta thấy dòng chữ đầu tiên trong nhật ký chính là câu trích dẫn thư 1 Ga 4,20: “Nếu ai nói mình yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình, thì đó là kẻ nói dối, vì kẻ không yêu mến người anh em nó thấy đó, tất không thể yêu mến Thiên Chúa mà nó không thấy”. Tiếp theo lời trích dẫn vị tu sĩ ghi chú: “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy; tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt thoát khỏi tôi; tôi đi tìm người anh em, tôi đã gặp được Thiên Chúa và linh hồn tôi”.
Từ khởi đầu, dường như Thiên Chúa đã muốn tạo dựng cho con người một thiên đàng vĩnh cửu trên trần gian này. Trong cơn gió nhẹ của mỗi buổi chiều tà, Thiên Chúa đến truyện vãn với con người, đó là hình ảnh một hạnh phúc vô biên mà con người có thể hưởng nếu ngay từ trần gian này. Thế nhưng khi con người chối từ mối liên lạc với Thiên Chúa và chối bỏ chính mình, con người cũng đánh mât hạnh phúc ấy. Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến để tái lập thiên đàng tại thế ấy cho con người, Ngài nói với con người rằng con người sẽ có được thiên đàng ấy khi nó biết xây dựng sự hài hoà với Thiên Chúa và với con người. Và vì Thiên Chúa tự đồng hoá với con người, nên chính trong sự hài hoà với tha nhân, con người gặp gỡ Thiên Chúa và tìm lại được thiên đàng đã mất.
Có biết bao ý thức hệ và triết thuyết hứa hẹn cho con người một thiên đàng tại thế, nhưng thứ thiên đàng ấy đã khong bao giờ đền, mà thay vào đó chỉ là hoả ngục của hận thù và chết chóc mà thôi. Làm sao có thể xây dựng được thiên đàng khi người ta chối bỏ hay chà đạp tha nhân, làm sao có thiên đàng khi người ta lấy hận thù làm men cho xã hội. Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó là thiên đàng, nhưng ở đâu có tha nhân thì ở đó cũng có Thiên Chúa, bởi vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Mỗi gặp gỡ với tha nhân, mỗi nghĩa cử làm cho tha nhân là một bước tiến vào thiên đàng ngay từ cuộc sống này.
Xin cho chúng ta cảm nếm được hạnh phúc đích thực khi phục vụ tha nhân, và xin cho chúng ta luôn ý thức tha nhân chính là nơi chúng ta có thể gặp gỡ Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Người bên phải, kẻ bên trái
Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trườc mặt Người và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua mới phán với người đứng bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm.” Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? có bao giờ chúng con thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu?” Để đáp lại Đức Vua sẽ bảo rằng: “Ta bảo thật các ngươi: Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, thì các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. (Mt. 25, 31-40)
Thánh Mát-thêu trình bày cho chúng ta cảnh phán xét ngày tận thế không mấy ngoạn mục: không động đất, không có mặt trời tối tăm, không có những vì sao tắt sáng. Chỉ mình Đức Giê-su trong vinh quang đến ngự trên ngai, dấu chỉ uy quyền phán xét của Người. Uy quyền của Người bao trùm khắp muôn phương: các thiên thần hầu cận, các dân thiên hạ tập hợp trước dung nhan Người. Người ta nghĩ đến có việc gì xảy ra quyết liệt lắm, sau đó không còn xảy ra như thế nữa. Hành động đầu tiên của Con Người là phân tách khối người đó ra: bên phải là kẻ lành, bên trái là kẻ dữ, ở giữa là khoảng trống. Hành động phân chia này thiết lập nên sự phán xét. Sau đó là những lời giải thích về việc phán xét. Việc phán xét không theo chủng tộc như quan niệm Do thái, nhưng theo đời sống luân lý của mỗi người.
Để thưởng cho các người lành bên phải, Đức Giê-su đã phán rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc hãy đến hưởng nước trời …”. Để phạt kẻ dữ bên trái, Người phán: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời. Nước trời trước hết là ở gần Thiên Chúa. Còn lửa đời đời là xa lìa Thiên Chúa. Hai nơi đối nghịch nhau đều là đích cuối cùng sau một cuộc sống lâu dài mà Thiên Chúa hằng kiên nhẫn chờ đợi. Con Người chỉ đến phán xét và chấm dứt lịch sử thế giới sau một thời gian Thiên Chúa kiên trì tìm kiếm cứu chuộc loài người.
Những lý do xét xử là những nhu cầu trước mắt: đói, khát, trần truồng, tù đầy, đau yếu. Người lành và người dữ đều ngạc nhiên hỏi: “Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, trần truồng, đau yếu, ngồi tù đâu? Để đáp lại, Chúa đáp: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những kẻ bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Vậy được hưởng nước trời hay bị vào lửa đời đời chính là tiếp đón hay từ chối giúp đỡ Đức Giê-su Ki-tô hiện diện trong một kẻ khốn cực, chính là làm hay không làm giúp người lân cận của mình.
Mùa chay thúc bách chúng ta sống Tin mừng hẳn hoi, nghiêm túc. Sống lời Chúa nghiêm túc giúp chúng ta liên đới với mọi người tốt đẹp ở đời này, đó là cửa vào nước trời đời đời.
G.M
SUY NIỆM 4: YÊU ĐỂ ĐƯỢC SỐNG! (Mt 25, 31 – 46)
Đạo Công Giáo mà Đức Giêsu sáng lập là một thứ đạo yêu thương. Đạo yêu thương này được khởi đi từ tình yêu của Thiên Chúa đối với công trình tạo dựng và suốt dọc dài lịch sử cứu độ trong thời Cựu Ước nơi dân Israel.
Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa cho loài người. Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã rao giảng, đã chết để minh chứng tình thương, và đã sống lại để gieo niềm hy vọng. Như vậy, có thể nói rằng: Đạo Công Giáo là “Đạo Yêu Thương”. Ai không yêu thương thì không thuộc về đạo này. Nhưng yêu thương phải đi đến hành động thực tế, chứ không thể yêu trên đầu môi chóp lưỡi!
Hôm nay, bài Tin Mừng đưa chúng ta về viễn cảnh của ngày cánh chung qua giáo huấn của Đức Giêsu.
Hình ảnh mà Đức Giêsu đưa ra chính là một hình ảnh về ngày phán xét, nơi đó, vị thẩm phán công bằng, tối cao ngự đến để xét xử.
Điều kỳ lạ, đó là vị thẩm phấn này không xét xử dựa trên chức nghiệp để thưởng công, mà là ngang qua hành vi về sự cảm thông, lòng nhân ái đối với những người bần cùng của xã hội. Lạ kỳ hơn nữa là kết thúc, vị thẩm phán ấy đồng hóa chính mình với những người được giúp đỡ khi tuyên bố: “Mỗi lần các ngươi làm cho những người bé mọn ấy là làm cho chính ta”.
Nhìn ra thế giới hôm nay, chúng ta thấy không ít nếu không muốn nói là nhan nhản những hành vi như: bon chen, lừa lọc, mưu mô quỉ quyệt, chiến tranh, hận thù, khủng bố …
Tất cả những điều đó đi ngược lại quy luật của tình yêu, và tất nhiên, không thể đi vào trong mối tương quan với vị thẩm phán trong bài Tin Mừng hôm nay.
Xin Chúa ban cho mỗi người ý thức được hạnh phúc đích thực của chúng ta ở nơi Chúa, và chỉ có nơi Ngài mới trường tồn vạn kiếp. Vì thế, ngay trong giây phút này, xin cho chúng ta biết sống yêu thương nhau để sau này được hưởng niềm vui, hạnh phúc bên Thiên Chúa tình yêu. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM
1. Chiên và dê
Trong cuộc phán xét, lúc đầu mọi người tụ tập không phân biệt, nhưng ngay sau đó Con Người đến trong vinh quang và tách cả loài người ra làm hai nhóm. Ở đây, Đức Giêsu dùng hình ảnh để diễn tả như trong các dụ ngôn, tương tự như dụ ngôn “Mười trinh nữ” và dụ ngôn “Những yến bạc” (c. 1-30): Con Người hành động giống như người mục tử tách chiên ra khỏi dê, sau đó đặt chiên ở bên phải và dê ở bên trái của mình:
Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. (c. 32-33)
Hình ảnh này thật an ủi chúng ta, bởi vì chắc chắn chúng ta không phải là « dê », chẳng phải là dê con hay dê cụ gì cả. Loài người chúng tự bản chất là « chiên », và con chiên là biểu tượng của sự hiền lành, vì chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, được tái sinh trong máu của Con Chiên tinh tuyền, được kêu gọi trở thành môn đệ của Ngài.
Vậy cái lũ dê kia ở đâu mà ra vậy ? Thế nào là chiên, thế nào là dê ? Đâu là đặc điểm của chiên và đâu là đặc điểm của dê ?
2. Những người được chúc phúc và những kẻ bị nguyền rủa
Đức Vua gọi những người ở bên phải là những người được chúc phúc của Chúa Cha : « Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc ». Họ được mời đến đón nhận Nước Trời, đã được chuẩn bị cho họ từ thuở tạo thiên lập địa (c. 34). Những lời này làm chúng ta nhớ lại lời của thánh Phaolô : « Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện nhờ tình thương của Người » (Eph 1, 4). Họ được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, và sống theo ơn gọi thần linh của mình, đó là thông truyền, là chia sẻ, là động lòng, là cảm thông.
Đức Vua gọi những người ở bên trái là « những kẻ bị nguyền rủa » (c. 41). Họ bị đuổi xa khỏi Đức Vua, để vào nơi lửa cháy muôn đời vốn đã được chuẩn bị cho ma quỉ và các thần loại của nó. Điều lạ lùng là, Đức Vua đã không kể ra những hành vi phạm tội ghê gớm mà luật cấm : ghét anh em, trộm cắp, nói dối, lừa gạt, thề gian, bóc lột, cướp của, gian dâm, giết người. Nhưng lại kể ra những việc những người này đã không làm!
Như thế, vấn đề không phải là những hành vi ghê gớm đã phạm, bởi vì Đức Vua không lấy sổ ra đọc to lên mọi tội lỗi mà chúng ta đã vi phạm: phạm tội gì, phạm bao nhiều lần! Ngài cũng không xét xử từng người một ; Ngài chỉ nêu ra thái độ thờ ơ, dửng dưng đối với anh chị em đồng loại của cả một nhóm người đứng bên trái; nghĩa là những gì chúng ta đáng lẽ phải làm, không phải vì luật buộc, nhưng vì lòng mến, nhưng chúng ta đã không làm. Đức Vua không quan tâm đến những hành vi sai trái mà lề luật đạo đời nghiêm cấm, nhưng Ngài xét xử năng động sống với người khác ở nơi sâu thẳm của mỗi người. Có thể nói, những người đứng bên trái là những người đã sống theo năng động của ma quỉ và các thần của nó, đó là qui về mình, là không san sẻ, là cứng lòng, là vô cảm.
Họ sẽ về sống với ma quỉ, xét cho cùng họ không cần phải bị xét xử và bị dẫn đi đến đó, bởi vì họ lựa chọn đi đến đó. Họ sinh ra là « chiên », nhưng họ tự biến hay tự nguyện để ma quỉ biến mình thành « dê » !
3. « Những anh em bé nhỏ nhất của Ta»
Khi công bố lí do của lời phán quyết, Đức Vua nói chính mình đã đói, đã khát, đã là khách lạ, là người không có cái khố che thân, là tù nhân. Và Ngài không nói theo nghĩa bóng hay nghĩa liên đới, vì Ngài đã thực sự là con người đáng thương này ; hay đúng hơn, tất cả những con người đáng thương trong nhân loại mọi thời, mà Ngài gọi là những người bé nhỏ nhất và là “anh em của Ngài” (c. 40 và 45), đều hội tụ nơi ngôi vị của Ngài, nhất là trong cuộc Thương Khó.
* * *
Như thế, vẫn còn một nhóm người nữa, đó là « những anh chị em bé nhỏ nhất » của Chúa. Họ đâu rồi ? Họ là anh chị em của Đức Kitô, họ thuộc về Đức Kitô, vì thế họ không bị xét xử. Đơn giản là vì Đức Kitô, không thể xét xử người thân của mình được !
Vì thế, lời mời gọi tận cùng của Lời Chúa hôm nay, là chúng ta hãy trở nên người thân của Đức Kitô, trở nên anh chị em của Đức Kitô ; điều này có nghĩa là trở nên nhỏ bé như chính Đức Kitô đã trở nên nhỏ bé trong thế giới loài người : « Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ, cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan ! » (Tv 8, 2c-3).
Như thế, chúng ta sẽ không bị đưa ra xét xử, như thánh Phaolô nói :
Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Kitô,
thì không còn bị lên án nữa. (Rm 8, 1)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn