Thứ Hai tuần 3 Phục Sinh.
"Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời".
Lời Chúa: Ga 6, 22-29
Hôm sau, đám người còn ở lại bên kia biển thấy rằng không có thuyền nào khác, duy chỉ có một chiếc, mà Chúa Giêsu không lên thuyền đó với các môn đệ, chỉ có các môn đệ ra đi mà thôi. Nhưng có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh. Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu.
Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?" Chúa Giêsu đáp: "Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu". Họ liền thưa lại rằng: "Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?" Chúa Giêsu đáp: "Đây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến".
SUY NIỆM 1: Lương thực thường tồn
Suy niệm:
Xóa đói giảm nghèo, giảm số trẻ em suy dinh dưỡng,
nâng chiều cao của giới trẻ Việt Nam lên bằng các nước trong vùng,
đó là mối quan tâm của những người mang trách nhiệm,
vì sức khỏe thân xác cần thiết cho sự phát triển toàn diện con người.
Làm sao để con người lớn lên cân đối về mọi mặt,
đó là mục tiêu tối hậu của mọi công tác giáo dục.
Đức Giêsu đã làm phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi đám đông.
Ngài quan tâm đến nhu cầu của thân xác họ.
Nhưng Ngài cũng biết rằng không thể làm phép lạ như thế mãi.
Hơn nữa, phép lạ này chỉ giúp họ khỏi đói trong vài giờ,
và đây là cái đói của thân xác.
Phép lạ này dù lớn, nhưng chỉ nuôi được một đám đông vài ngàn người,
vẫn còn bao người trên thế giới cần được nuôi ăn.
Đức Giêsu mong nuôi được nhiều người hơn, nuôi được mọi người.
Không phải chỉ nuôi về thân xác, mà nhất là về tinh thần.
Không phải chỉ nuôi bằng thức ăn trần thế là bánh và cá,
mà nuôi bằng giáo huấn của mình, bằng chính con người mình.
Sau phép lạ bánh hóa nhiều, khi đám đông định tôn Đức Giêsu lên làm vua,
chắc họ đã nghĩ đến sự bảo đảm về mặt vật chất mà Ngài mang lại.
Lúc nào cũng có bánh ăn no nê,
đó là ước mơ của nhiều người nghèo thời ấy.
Nhưng Đức Giêsu đã từ chối đứng lên khởi nghĩa giành độc lập.
Ngài không phải là một Mêsia làm chính trị.
Bánh và cá mà Ngài giúp họ tạm thời vượt qua cơn đói
chỉ là thứ lương thực mau hư nát dành cho xác thân (c. 27).
Lương thực đó là dấu chỉ cho một thứ lương thực khác Ngài sắp ban.
Đó là lương thực thường tồn đem lại sự sống vĩnh cửu (c. 27).
Hẳn nhiên, lương thực sau này quan trọng hơn nhiều.
Theo Mẹ Têrêsa Calcutta, người nghèo hôm nay cần cơm bánh,
nhưng còn cần những thức ăn tinh thần khác nữa.
Cái đói của thân xác không cồn cào bằng cái đói tinh thần.
Con người đói công bằng và hạnh phúc, đói yêu thương và kính trọng.
Con người khát niềm vui và bình an, cảm thông và sự thật.
Trong nơi sâu thẳm, con người đói khát Ai đó để mình yêu mến tôn thờ.
Đức Giêsu mời ta hãy tin vào Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến (c.29).
Hãy đến với Giêsu để bắt đầu được nếm thử tấm bánh của Ngài,
vì chính Ngài là Tình yêu, Sự thật và Bình an.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
có một ngọn đèn dầu gần Nhà Tạm,
ngọn đèn đỏ mời con dừng bước chân,
và nhắc con về sự hiện diện của Chúa.
Con mong sự hiện diện ấy lan tỏa khắp nơi,
để đâu đâu cũng thấy những ngọn đèn đỏ.
Nơi xóm nghèo mùa mưa nhớp nháp,
nơi lớp học tình thương lúc chiều tà,
nơi những trung tâm phục hồi nhân phẩm,
nơi bảo sanh viện nâng niu sự sống của trẻ thơ,
nơi khách sạn năm sao, noi quán bia đầu ngõ,
nơi các tiệm cho mướn băng video,
noi tình yêu trong ngần của đôi bạn trẻ...
Nhưng lạy Chúa, trước hết,
xin cho đời con là một ngọn đèn,
xin cho chúng con là những ngọn đèn màu đỏ,
mời người ta dừng lại, trầm tư,
và gặp được Chúa. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 2: Hoán cải nội tâm
Ở thời đại nào, đám đông cũng có thể là một sức mạnh mù quáng, hành động thiếu suy nghĩ và bị lôi cuốn bởi những dòng chảy của sự dữ. Trước khi bị các thượng tế và tổng trấn Philatô kết án, Chúa Giêsu đã bị chính đám đông kết án. Cái đám đông đã từng tung hô Ngài trong ngày Ngài khải hoàn tiến vào Giêrusalem, cũng cái đám đông ấy gào thét, đòi đóng đinh Ngài vào thập giá. Bi kịch ấy dường như được thánh Gioan báo trước qua đoạn Tin Mừng được Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe và suy niệm hôm nay. Ðám đông được Chúa Giêsu cho ăn no nê ngày hôm trước, ngày hôm sau vẫn còn đứng bên kia bờ Biển hồ. Chúa Giêsu đã đọc được động lực thúc đẩy họ tìm kiếm Ngài, họ đã đi tìm kiếm Ngài không phải vì Ngài là đối tượng của khát vọng tìm kiếm của họ, mà chỉ vì đã được Ngài cho ăn no nê; họ đi tìm kiếm không phải vì đã nhận ra ý nghĩa của phép lạ nhân bánh và cá ra nhiều; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì chính Ngài đã mang lại ý nghĩa và giá trị cho cuộc sống của họ; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì giáo huấn của Ngài; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì những giá trị cao quí của cuộc sống mà Ngài đến để bày tỏ. Cái đám đông ấy bị lôi kéo bởi những cái hời hợt, nhất thời và chóng qua là cơm bánh. Ðây chính là bi kịch đã xảy ra cho Chúa Giêsu. Ðám đông đã khước từ Ngài và treo Ngài lên thập giá chỉ vì họ đã không hành động theo những xác tín thâm sâu thể hiện trên đạo lý, trên tiếng gọi của lương tâm, mà chỉ sống theo cảm tính và những xu thế mù quáng. Ðây cũng chính là nguy cơ mà người tín hữu Kitô có thể rơi vào.
Dĩ nhiên, nói đến đạo là nói đến đám đông. Chúng ta lãnh nhận đức tin trong một cộng đồng. Chúng ta sống và thể hiện đức tin trong một cộng đồng. Chúng ta cần có một đám đông nào đó để nâng đỡ niềm tin của chúng ta. Tuy nhiên, cái đám đông ấy cũng dễ lôi kéo và biến việc thể hiện đức tin của chúng ta thành một lối giữ đạo hình thức và máy móc. Ðạo dễ trở thành một chuỗi biểu dương bên ngoài hơn là một cuộc gặp gỡ thâm sâu giữa tha nhân và Chúa. Ðạo sẽ chỉ còn là những bó buộc và nghĩa vụ mà đám đông thôi thúc để tuân giữ hơn là được thực thi vì xác tín và lòng mến.
Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh mà chúng ta đón nhận mỗi ngày trong Thánh Thể và gặp gỡ thường xuyên qua tha nhân trở thành đối tượng của sự khao khát và tìm kiếm không ngơi nghỉ của chúng ta, để trong tất cả mọi sự, chúng ta có thể thốt lên như thánh Phaolô: "Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi".
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Tại sao theo Đức Giêsu
Vậy khi dân chúng thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm kiếm Người. Khi đã gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” Đức Giêsu đáp:
“Thật, tôi bảo thật các ông,
các ông đi tìm tôi
không phải vì các ông đã thấy dấu lạ,
nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.
Các ông hãy ra công làm việc
Không phải vì của ăn hay hư nát,
Nhưng để có lương thực trường tồn
Đem lại phúc trường sinh,
Là thứ lương thực
Con Người sẽ ban cho các ông
Bởi vì chính Con Người là Đấng
Chính Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” (Ga. 6, 24-27)
Bài giảng về bánh hằng sống trong hội đường Ca-phác-na-um sau ngày phép lạ bánh hóa nhiều có lẽ là một tổng hợp các bài giảng ở nhiều nơi. Dân chúng ngạc nhiên khi thấy các môn đệ và Đức Giêsu ở Ca-phác-na-um vì họ không thấy Người xuống thuyền đi sang Ca-phác-na-um với các môn đệ, mà bây giờ lại thấy Người ở đây. Còn “Đức Giêsu khi thấy họ sắp bắt mình đem đi tôn làm vua, thì Người lánh mặt, đi lên núi một mình”, mãi tới đêm, biển động vì gió thổi mạnh, các ông thấy Đức Giêsu đi trên mặt biển hồ đến gần thuyền … Ngay lúc đó thuyền đã tới bờ của miền Ca-phác-na-um.
Như thói quen, thánh Gio-an sắp nối kết sự kiện phép lạ cụ thể này với ý nghĩa thần học: Họ tìm … họ ngạc nhiên vì không biết Người đến đây bằng cách nào? Người đã đến đây bằng cách lạ lùng là đi trên mặt biển giữa đêm khuya gió to sóng lớn. Cũng thế, Đức Giêsu đã đến với họ không phải từ làng Na-gia-rét, như người ta biết, nhưng là từ trời mà người ta không biết, cũng như Người từ bờ hồ phía đông nơi bánh hóa nhiều, đi qua biển tới bờ hồ phía tây nơi miền Ca-phác-na-um.
Họ cố gắng tìm Đức Giêsu là điều đáng ca ngợi, còn đáng ca ngợi hơn nữa khi họ tìm Người trong đức tin, và liên kết với Người không vì của nuôi xác nhưng vì của ăn đời đời. Tuy nhiên, dân chúng vẫn tiếp tục đòi của vật chất, họ chú trọng đến man-na nuôi sống cha ông họ hằng ngày trong sa-mạc và so sánh với phép lạ hóa bánh ra nhiều để cầu mong Đức Giêsu cho họ được ăn như vậy. Còn Đức Giêsu, Người nhấn mạnh đến sự đói khát tinh thần, đến của ăn hằng sống cho linh hồn. Đó mới chính là sứ mệnh quan trọng của Người. Người đã hết sức nhẫn nại như đã nhẫn nại giải thích cho ông Ni-cô-đê-mô về sự tái sinh, cho bà ở Sa-ma-ri về nước trường sinh. Lúc này, Người cũng kiên nhẫn giải thích về bánh man-na dựa vào thánh vịnh 78, 24 để dẫn họ tới bánh ban sự sống đời đời. Bài diễn thuyết này có thể hiểu như một giảng đạo có ba phần: Thiên Chúa đã ban Đức Giêsu là quà tặng của Thiên Chúa (câu 32-40), bánh bởi trời: Đức Giêsu đến từ trời (câu 41-50), để làm của ăn: như bánh ăn (câu 52-58).
L.P
SUY NIỆM 4: Sự lao công đích thực
Người Ấn Độ có kể câu chuyện ngụ ngôn sau đây: Một gia đình khỉ nọ sống giữa một khu rừng rậm. Mùa đông đến, cả gia đình khỉ rét run vì lạnh. Một đêm nọ nhìn từ xa thấy một con đom đóm đang bay lượn, chúng tưởng là một cục than hồng. Thế là nhà khỉ bắt lấy con đom đóm mang về, cẩn thận để củi và rơm vào rồi ngồi quanh mà sưởi. Có con còn kề miệng sát vào con đom đóm để thổi với hy vọng lửa bốc cháy. Một con chim bay qua tình cờ thấy cảnh tượng bèn dừng lại nói với bầy khỉ: “Các bạn ơi, đây không phải là lửa mà chỉ là một con đom đóm”. Nhưng bầy khỉ không đếm xỉa gì đến nhận xét của con chim, chúng lại chúi đầu vào con đom đóm mà thổi. Một lần nữa con chim trở lại bình tĩnh nói đó chỉ là một con đom đóm. Tức giận vì lời dạy khôn của con chim, bầy khỉ túm lấy nó và giết đi. Rồi chúng tiếp tục thổi hơi vào con đom đóm. Sáng hôm sau, người ta thấy cả gia đình khỉ chết cóng vì lạnh bên cạnh con đom đóm.
Khao khát hạnh phúc đích thực, nhưng lại chạy theo ảo ảnh; muốn sống sung mãn, nhưng lại chạy theo những phù phiếm chóng qua, có thể đó là bài học mà câu chuyện ngụ ngôn trên đây muốn ngỏ với chúng ta.
Tin mừng hôm nay dường như cũng muốn nhắc nhở chúng ta về sự lạc hướng ấy. Đám đông tụ tập bên Chúa Giêsu để được ăn uống thoả thích là hình ảnh của một nhân loại đang lạc hướng. Đám đông những người Do thái trong Tin mừng hôm nay là những người đã từng chứng kiến phép lạ của Chúa Giêsu, thế nhưng họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì đã tin nhận Ngài hoặc để lắng nghe giáo huấn của Ngài, mà chỉ mong được Ngài cho ăn uống no thoả.
Chúa Giêsu không đến thế gian để mang lại một cây đũa thần cho những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của con người. Ngài đến để cho con người được sống và hạnh phúc thực sự. Sự sống và hạnh phúc ấy chính là nhận biết và yêu mến Ngài trên hết mọi sự. Chỉ có Thiên Chúa mới thoả mãn mọi khát vọng trong tâm hồn con người, chỉ có Ngài mới đem lại cho con người hạnh phúc trọn hảo.
Mùa Phục Sinh, Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta ý thức về sự sống thần linh đang châu lưu trong tâm hồn người tín hữu. Sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian đó là chỗ đứng của người tín hữu trong trần thế này. Mưu cầu cuộc sống tạm bợ nhưng người tín hữu luôn hướng về trời cao; bôn ba về của cải vật chất, nhưng không quên gắn bó với những giá trị Nước Trời như công lý, hoà bình, tình huynh đệ, lòng bác ái. Trong mọi sự, họ phải luôn nhớ lời khuyên của thánh Phaolô: “Anh em hãy tưởng nghĩ đến những sự trên trời”. Một cách cụ thể, người tín hữu tìm kiếm và xây dựng Nước Trời ngay giữa những thực tại trần thế, bằng cách không bán rẻ lương tâm vì một chút lợi lộc chóng qua, không chối bỏ hình anh cao quí của Thiên Chúa nơi bản thân, không cha đạp nhân phẩm của người anh em. Trong mọi sự họ tìm kiếm Chúa như gia nghiệp duy nhất của cuộc đời.
Nguyện xin Đức Kitô Phục Sinh hướng dẫn và cũng cố chúng ta trong niềm tin ấy.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 5: TIN CHÚA VÌ MỤC ĐÍCH GÌ? (Ga 6, 22-29)
Danh tiếng của Đức Giêsu ngày càng lan rộng, nhất là sau cuộc hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân chúng. Tuy nhiên, vì tình thương, nên Ngài đã làm phép lạ này chứ không phải vì muốn nổi danh! Nhưng đối với người Dothái, họ có lối suy nghĩ khác! Thay vì họ tạ ơn Chúa vì lòng thương xót của Ngài, thì ngược lại, họ chỉ nghĩ đến cái bụng và khao khát được thỏa cơm đói. Vì thế, dân chúng nghĩ rằng: có Đức Giêsu hiện diện ở giữa họ thì có lẽ sẽ không phải đói khát và có khi chẳng cần làm lụng vất vả cũng có ăn! Thế nên, họ tìm cách để tôn vinh Ngài lên làm vua. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lánh đi để sang bờ bên kia trước họ.
Vì biết được lộ trình của Đức Giêsu, nên họ đã tìm mọi cách để gặp Đức Giêsu. Khi gặp Ngài, họ cất tiếng hỏi: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?", Đức Giêsu thừa biết mục đích của họ, vì thế Ngài nói ngay: "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6, 26 ). Khi nói như thế, Đức Giêsu mời gọi họ hướng tới một cuộc "vượt qua" khác, sâu xa hơn, đó là cuộc vượt qua từ bánh hóa nhiều đến với Đấng ban bánh ấy, vượt qua từ dấu chỉ là bánh đến với Đấng chính là Bánh Trường Sinh (x. Ga 6, 27 ).
Ngày nay, trong đời sống đạo, nhiều người vẫn còn thói quen tin Chúa như những người Dothái. Tức là tin Chúa khi vui, lúc thành công, nhất là tin khi được lợi. Vì thế, chúng ta vẫn thấy có chuyện như: thích thì đi lễ, đi chầu, đọc kinh... không thích thì thôi!
Trong tâm tình cầu nguyện, mấy ai nghĩ đến chuyện chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa vì những điều kỳ diệu cũng như ơn lành Ngài đã làm cho! Hoặc liệu có ai xin Chúa cho được đạo đức, thánh thiện, sám hối, khiêm nhường, nhất là yêu mến Lời Chúa ... Nhưng mỗi khi đến nhà thờ là lâm râm xin cho được cái này, được cái kia, nhất là xin cho được ăn ra làm nên... Mỗi khi như thế, chúng ta cũng không hơn gì người Dothái muốn tôn Chúa làm vua và đi tìm Ngài chỉ vì cái bụng chứ không phải vì lòng mến!
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết hướng về Chúa như là nguồn cội của hạnh phúc, và xin ban cho chúng con làm mọi cách vì hạnh phúc mai hậu trong Nước Trời. Amen.
Ngọc Biển SSP
A- Phân tích (Hạt giống...)
Bắt đầu bài giáo lý về Bí tích Thánh Thể: vì đã được ăn bánh no nê nên dân chúng đi tìm Chúa Giêsu. Sáng hôm sau, họ tìm gặp Ngài ở bên kia biển hồ. Ngài nói với họ: “...các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê”. Rồi Ngài dạy cho họ một thứ lương thực khác quan trọng hơn: “Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Vì còn mang thân xác nên con người còn bám víu quá nhiều vào những thứ thoả mãn các nhu cầu của thân xác. Thế nhưng là tín hữu, chúng ta đã biết ngoài sự sống thân xác này còn sự sống linh hồn nữa. Chúa Giêsu nhắc nhở dân chúng ngày xưa cũng là nhắc nhở chúng ta ngày nay: hằng ngày chúng con thường tìm gì ? Tìm những thứ thoả mãn nhu cầu thân xác hay những thứ thoả mãn nhu cầu tâm linh ?
2. Một lời nhắc nhở khác của Chúa: chúng con thường ra công làm việc vì cái gì: vì thức ăn hay hư nát hay thức ăn tồn tại đến cuộc sống đời đời ?
3. “Nhà đấu quyền anh J. Demsey chỉ có thể thiếp ngủ vào lúc 2 giờ sáng sau khi đoạt giải vô địch chiều trước đó. Nhưng nằm ngủ được một tiếng đồng hồ, anh ta bỗng thức giấc vì nằm mơ thấy mình bị mất chức vô địch. Rồi vì không ngủ được, anh đi ra phố mua tờ báo vừa mới xuất bản để đọc lại những lời tường thuật trận đấu, hầu trấn an là mình còn giữ chức vô địch. Demsey ghi lại cảm tưởng của mình thế này: “Sau khi đọc bài báo, tôi hiểu rằng sự thành công không có mùi vị thơm ngon như tôi hằng mơ tưởng trước đó. Sau biến cố, tôi vẫn còn cảm thấy trống rỗng” (…) Có bao giờ chúng ta cảm nghiệm được như anh J. Demsey không ? Chúng ta ta dồn tất cả tài năng, sức lực cho một danh vọng, một địa vị nào đó. Nhưng cuối cùng chỉ thấy trống rỗng, vô nghiã; bởi vì nó không giúp ta đạt tới hạnh phúc đích thực. Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu lên tiếng cảnh tỉnh: “Đừng mải mê chạy theo những gì không đem lại hạnh phúc đích thực”. (Mỗi ngày một tin vui)
4. “Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”.
Tôi đến nhà thờ mỗi tuần hầu như chỉ vì thói quen, vì khoe khoang quần áo hay chỉ vì tỏ ra mình là người đạo đức. Tôi đến với Chúa hầu như để giảm bớt cơn sầu hay xin xỏ điều này điều nọ.
Mặt khác tôi sống và làm việc, học tập chẳng qua chỉ vì muồn tìm cho mình một việc làm có lương bổng cao, một địa vị kha khá để mọi người phải kiêng nể.
Tôi nào đã biết mình đã nhắm sai mục đích. Mục đích trọng yếu là: “Sự sống đời đời”. Điều mà tôi chỉ thoáng nghĩ đến như một ý niệm mơ hồ.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết ra đi tìm kiếm Chúa, biết quy tụ mọi điểm về Chúa, biết tìm kiến của ăn không hư nát là chính Chúa và giáo lý của Ngài. (Epphata)
Câu chuyện
Vua Louis XIV, vị vua được gọi là Vua Mặt Trời (Le Roi Soleil) và cũng được biết với danh hiệu Louis Đại đế (Louis le Grand hay Le Grand Monarque). Triều đại của ông kéo dài 72 năm, dài nhất trong lịch sử nước Pháp. Vua Louis thường có thói quen dâng thánh lễ tại nhà thờ Versailles. Dân chúng cũng đến đó tham dự thánh lễ rất đông.
Một Chúa Nhật kia, vua cũng đi dâng thánh lễ, nhưng hôm nay rất lạ vì có rất ít người tham dự. Nhà vua ngạc nhiên và hỏi Đức Giám mục chủ tế thánh lễ, lý do tại sao mà giáo dân hôm nay tham dự thánh lễ ít thế. Đức Giám mục trả lời là vì chính ngài đã tung tin ra: Hôm nay nhà vua không đi dự thánh lễ được. Bây giờ nhà vua mới hiểu ra được là người ta đi tham dự thánh lễ vì ai: Nhà vua hay Thiên Chúa…
Tìm đến với Chúa ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa, thế nhưng lại chỉ mong được gặp vua, ngắm vua…
Suy niệm
Dân chúng Do Thái, sau khi được Chúa dưỡng nuôi bằng phép lạ bánh hóa nhiều, họ đi tìm để gặp Chúa, tôn vinh Ngài lên làm vua. Tôn vinh Ngài không phải vì tin nhưng vì được nuôi dưỡng, được no bụng: “Động cơ thúc đẩy họ vẫn là mùi vị của bánh trần gian: họ đã không nhìn thấy trong ân huệ bánh dư thừa, dấu chỉ của một lương thực khác phải tìm kiếm, thứ lương thực trường tồn ban phúc trường sinh mà Con Người sẽ ban cho” (X.Léon Dufour “Lecture de l'evangile de Gioan”). Cho nên mục đích của việc dân chúng tìm Đức Kitô chỉ lo bảo đảm cho họ được của ăn vật chất luôn mãi…
Chúa Giêsu đã nhìn thấy mục đích việc tìm đến với Ngài của họ, Ngài đã đưa ra ánh sáng tâm tư mờ ảo đầy bụi trần của họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26).
Qua lời mời gọi dân Do Thái, Đức Kitô mời gọi cả nhân loại tìm đến và tin vào Ngài, tức là tin vào Đấng Thiên Chúa Cha sai đến. Chính việc tìm kiếm này sẽ đem lại cho con người sự sống đời đời.
Tìm đến bên Ngài, tin vào Ngài, Chúa không bảo người tin là biếng nhác làm việc, là ngồi chờ sung rụng, là chi trông chờ phép lạ... Ngài mời gọi người tin, làm việc không ngừng, làm việc hết mình để có thể tìm kiếm sự bền vững trong đời: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,27).
Thật thế, khi tìm Chúa và tin theo Lời Ngài là dẫn bước đi tìm nước Trời, không chỉ được hạnh phúc vĩnh cửu đời sau mà còn được lòng yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa cưu mang ngay ở đời này như Ngài đã nói: “Các ngươi hãy tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời, rồi mọi sự đó sẽ được cho thêm” (Lc 12,31).
Tìm Chúa, theo Chúa và tin vào Ngài, theo lời dạy của thánh Phaolô: “Chúng ta hãy sống theo đức tin chân chính chứ không theo những tư tưởng sai lạc” (x. Cl 2,6-8), những tư tưởng mang những tâm tư bụi trần với những lo toan của ăn, vật chất hay niềm tin bị điều kiện hoá bởi phép lạ. Thật thế, Chúa chúng ta không phải là “cái bụng” hay “máy phép lạ” như dân chúng Do Thái đã tìm kiếm Chúa, Chúa chúng ta “là đường là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).
Ý lực sống
“Người nhận biết Thánh Danh, sẽ một niềm tin cậy,
vì lạy Chúa, Chúa chẳng bỏ rơi những ai kiếm tìm Ngài”
(Tv 9,11).
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn