Thứ Hai tuần 5 mùa Chay.

Chủ nhật - 21/03/2021 09:06

Thứ Hai tuần 5 mùa Chay. – Ta không kết tội. Hãy đi, đừng phạm tội nữa.

Ta không kết tội. Hãy đi, đừng phạm tội nữa.

22/03 – Thứ Hai tuần 5 mùa Chay.

"Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi".

 

Lời Chúa: Ga 8, 1-11

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?" Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất.

Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi". Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất.

Nghe nói thế họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó.

Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: "Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?" Nàng đáp: "Thưa Thầy, không có ai". Chúa Giêsu bảo: "Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Đừng phạm tội nữa

Bị bắt quả tang phạm tội là điều đáng xấu hổ.

Nhưng nếu tội đó là tội ngoại tình

thì thật là kinh khủng.

Ta cần hình dung người phụ nữ ấy, xốc xếch, rối bù,

bị lôi đi, mắt cúi xuống tránh những cái nhìn khinh miệt.

Trời tang tảng sáng, nơi Ðền Thờ Giêrusalem,

Ðức Giêsu đang ngồi giảng dạy cho đám đông.

Chị ta bị đặt trước mặt Ngài, đứng ngay giữa.

Các kinh sư và pharisêu hí hửng với cái bẫy của mình.

Người phụ nữ này thật là một cơ may hiếm có

để họ có bằng chứng tố cáo Ngài.

“Luật Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng người này.

Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”

Quả là một câu hỏi bất ngờ, lịch sự và nham hiểm.

Ðức Giêsu không thể nói ngược với luật Môsê,

và cũng không thể nói ngược với trái tim của mình.

Ngài cúi xuống, lấy tay vẽ nguệch ngoạc trên đất.

Có vẻ như Ngài thờ ơ, không muốn can dự vào

hay Ngài đang suy nghĩ cho ra câu trả lời thích hợp.

Thời gian thinh lặng trôi qua, các kẻ tố cáo sốt ruột.

Họ đắc thắng gặng hỏi, tưởng Ngài bị dồn vào thế bí.

“Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá trước đi.”

Ngài trả lời, rồi lại cúi xuống viết trên đất.

Câu trả lời của Ngài bất ngờ vang trong tĩnh lặng,

bắt người ta phải trở về đối diện với lòng mình.

Ai dám tự hào mình vô tội?

Có bao tội bất trung nặng chẳng kém tội ngoại tình.

Có bao tội ngoại tình thầm kín không bị bắt quả tang.

Có bao tội ngoại tình trong tư tưởng và ước muốn.

Khi tố giác người khác, người ta thường quên tội của mình.

Không thấy cái xà ở mình mà lại thấy cái rác nơi người khác.

Các kinh sư và pharisêu đã khiêm tốn xét mình.

Họ lần lượt rút lui, gián tiếp nhận mình có tội.

Kẻ trước người sau, người lớn tuổi đi trước.

Chúng ta trân trọng thái độ chân thành của họ.

Họ ra đi, để lại hai người mà họ tố cáo và định tố cáo.

Cuối cùng chỉ còn lại người đáng thương và chính Tình Thương.

Bầu khí trở nên nhẹ hơn, êm hơn cho cuộc đối thoại.

Ðấng duy nhất có thể ném đá lại nói:

“Tôi không lên án chị đâu! Chị về đi,

từ nay đừng phạm tội nữa.”

Lắm khi việc áp dụng luật lại dẫn đến bế tắc.

Ném đá quả là một hình phạt răn đe hữu hiệu,

nhưng lại không ích lợi gì cho người phạm tội.

Ðức Giêsu chẳng những đã cứu một mạng người,

Ngài còn làm sống lại một đời người.

Dù con người vốn yếu đuối, dễ sa ngã,

nhưng Ngài vẫn tin tưởng, yêu mến và hy vọng vào họ.

Ngài không dung túng cái xấu, nhưng Ngài khơi dậy cái tốt

còn đang yên ngủ nơi người phụ nữ và cả nơi các kinh sư.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,

nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa

vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường

để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,

mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,

không một biến cố nào làm xáo trộn,

không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,

cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

Xin cho quả tim con đủ lớn

để yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở

để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: THIÊN CHÚA SỰ SỐNG

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Sự chết rình rập tiêu diệt con người. Con người tự nộp mình vào chỗ chết khi phạm tội. Con người tiêu diệt lẫn nhau bằng những âm mưu hiểm độc gian dối. Nếu không có Chúa ta không có hi vọng được cứu sống.

Chúa cứu sống bà Su-za-na bằng cuộc phân xử công minh. Phơi bầy sự thật. Vạch trần gian dối. Người công chính được minh oan. Kẻ gian ác bị trừng phạt. Chúa đảo ngược thế cờ. Không để cho sự dữ hoành hành. Không để cho kẻ ác thống trị. Người lành được bình an. Thế giới được hạnh phúc. Công minh tuyệt đối. Đó là Cựu ước. Nhưng đến thời Tân ước có những bước tiến mới hơn công minh.

Chúa cứu người phụ nữ ngoại tình bằng một cuộc phân xử khác. Công minh và nhân hậu.

Công minh khi Chúa hỏi những người tố cáo: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Thực vậy nếu phải ném đá có lẽ phải ném chính bản thân. Vì trước mặt Chúa nào có ai vô tội? Đã không kết án mình đâu còn dám kết án người khác.

Nhân hậu khi Chúa nói với người phụ nữ: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu!”. Và lòng nhân hậu lên đến tuyệt đỉnh khi Chúa nói: “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Không kết án. Không giết chết. Nhưng còn hơn thế nữa, mở cho ta con đường sự sống. Không đóng đinh con người vào quá khứ. Nhưng mở cho con người một tương lai. Không nghi ngờ con người yếu đuối. Nhưng tin tưởng thiện chí và khả năng đổi mới.

Không chỉ cứu mạng sống thân xác chóng qua. Nhưng cứu sự sống của linh hồn bất tử. Không chỉ cứu một người phụ nữ. Nhưng cứu tất cả mọi người. Những người có mặt hôm ấy khi về nhà phải duyệt xét lương tâm. Biết mình có tội. Biết sám hối. Mọi người sẽ được sự sống.

Quả thực Chúa là vị thẩm phán công minh và nhân hậu. Xử án không phải để kết án nhưng để tha thứ. Không phải để giết chết nhưng để cứu sống. Vì Chúa là Thiên Chúa sự sống.

 

SUY NIỆM 3: Khả năng chinh phục

Đức cha Bossuet là một văn hào và một nhà hùng biện Pháp đã tuyên bố: “Ai muốn tranh luận giáo lý, hãy đến với tôi, tôi sẽ làm cho họ thua lý”. Còn Đức cha Salêsiô thì lại chinh phục những người lạc giáo bằng cách đón tiếp, lắng nghe, tìm hiểu và giải quyết những thắc mắc của họ.

Khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã cho thấy Ngài có khả năng chinh phục lạ thường. Không ai có uy quyền như Ngài để làm những việc kỳ diệu, để chứng minh Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng được Chúa Cha sai đến; những lời Ngài nói có sức hấp dẫn đến độ dân chúng nghe Ngài đã nhận xét: “Không ai ăn nói được như Ngài”. Tuy nhiên, quyền năng chinh phục của Ngài không hủy diệt sự tự do của con người. Trước thái độ không tin và bắt bẻ của người Biệt phái, Ngài đã dùng ngôn ngữ của con người để mặc khải sự thật cao cả của Thiên Chúa, sự thật có sức cứu rỗi.

Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta xét lại thái độ sống đức tin của chúng ta: biết bao lần Chúa Giêsu đã thực hiện những dấu lạ trong đời sống cá nhân chúng ta cũng như trong sinh hoạt cộng đoàn để nhắc nhở chúng ta rằng Ngài là Đấng Cứu Thế, là Ánh Sáng, là Chân lý, nhưng chúng ta đã nhìn nhận ánh sáng và chân lý Ngài đem đến với tất cả chân thành và khiêm tốn chưa? Tác giả tập sách Đường Hy vọng đã viết:

“Đối với người kitô hữu tin trước hết là chấp nhận được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương. Chúa không phải là Đấng bắt con kính mến, nhưng đúng hơn Ngài là Đấng con phải để cho Ngài yêu thương. Nhân loại cảm thấy mình làm được mọi sự, nhưng không biết tại sao mình sống, mình đi về đâu, tương lại thế nào. Nhân loại đang trải qua cơn khủng hoảng hy vọng, nhưng có thể chính cá nhân chúng ta cũng đang gặp cơn khủng hoảng đó, vì chúng ta không có đức tin trọn vẹn, không chấp nhận sự thật mà Chúa mạc khải… Ta là Ánh sáng thế gian, ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống. Đó là bí quyết của niềm hy vọng”.

Xin Chúa gia tăng đức tin và hướng dẫn chúng ta theo ánh sáng chân lý để cuộc đời chúng ta trổ sinh hoa trái làm vinh danh Chúa và phục vụ anh em.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Tôi không kết án chị.

Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Họ để chị ta đứng giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”. (Ga. 8, 2-5)

Nếu chúng ta còn hồ nghi lòng thương xót của Thiên Chúa, thì hãy suy niệm cảnh chưa từng nghe về người phụ nữ ngoại tình này trong Tin mừng thánh Gio-an để trừ khử mọi nỗi lo sợ của chúng ta.

Một phiên tòa tiểu hình diễn tả năm màn, đối kháng giữa lòng bao dung đại lượng của Đức Giêsu và sự bỉ ổi hẹp hòi của loài người.

Cảnh một: Màn tố cáo – Một phụ nữ bị chộp quả tang phạm tội ngoại tình bị điệu đến trước mặt Đức Kitô, giữa chốn công cộng. “Thưa Ngài Giêsu, Ngài nghĩ sao? Cần phải làm gì đối với trọng tội này? Theo luật Mô-sê tất nhiên phải ném đá. Còn Ngài thì sao …”.

Cảnh hai: Màn cúi xuống đất – Đức Kitô, Vị quan tòa lặng thinh, thong thả vẽ những hình nguệch ngoạc nực cười, không nói một tiếng.

Cảnh ba: Những kẻ tố cáo bắt đầu khó chịu, bực bội, đứng trước vị ngôn sứ im lìm nặng nề – Đức Kitô đã biết rõ mục đích của họ đã sốt sắng nại đến việc giữ luật Mô-sê để thúc giục Người mắc vào cạm bẫy này: Nếu Người chống lại luật ném đá, họ tố cáo Người phá luật Mô-sê. Nếu Người ra lệnh ném đá, Người mất hết danh tiếng tốt lành và nhân từ thương xót. Đức Kitô ngước mắt nhìn hạng người mưu mô đáng ghét đó luôn luôn bới lông tìm vết bắt bẻ Người. Người nhìn họ với lòng thương hại, nhưng bình tĩnh trả lời họ: “Ai trong các ông không có tội, hãy ném đá chị này trước”.

Cảnh bốn: Màn bối rối và kinh ngạc, bất lực trả lời trước lời đề nghị của vị quan tòa đang xét xử các ông - Các ông rất lúng túng, từng người bỏ đi, bắt đầu từ người già nhất, chứng tỏ họ quá khôn, lo tự vệ mình trước hay đúng hơn có thể họ lại bị kết án đồng phạm với chị.

Cảnh năm: Đức Giêsu còn lại một mình, thanh thản, trong sáng, trước người nữ bị hạ nhục, mắng nhiếc, bôi nhọ trước công chúng.

Không một lời than trách, không một cử chỉ khinh chê, không một vẻ làm cao hay thương hại. Nhã nhặn, lịch lãm biết bao, Giêsu ơi! Đối nghịch lại với lối cư xử của chúng ta quen làm đến tàn nhẫn, chôn vùi lương tâm mình để buộc người khác phải xưng thú những sai lỗi nhỏ mọn đến từng chi tiết.

Còn Đức Giêsu, Người chỉ tuyên bố một câu ngắn gọn: “Không ai kết án chị ư? Tôi cũng thế, Tôi không kết án chị”. Đó là câu đầy tình thương yêu.

G.M

 

SUY NIỆM 5: TÔI KHÔNG KẾT ÁN CHỊ (Ga 8, 1 -11)

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay diễn ra trong khung cảnh Lễ Lều. Khi nói đến Lễ Lều, là nhắc lại cho dân về hành trình trong Samạc suốt bốn mươi năm trường. Đây cũng gọi là lễ tạ ơn sau mùa gặt. Lễ này được dành cho mọi người không phân biệt giàu nghèo, giai cấp, địa vị trong xã hội. Vì thế, không ai bị loại trừ, cho nên người ta gọi lễ này là lễ của Vui Mừng.

Vì là lễ hội vui mừng nhất của người Dothái, nên người ta hứng khởi và vui tươi khi về dự lễ. Vì vậy, nó cũng cuốn hút lượng người có lẽ là đông nhất trong các dịp lễ của năm. Đây cũng là cơ hội để họ hẹn hò, tâm sự, chia sẻ...

Nhân có hội này, các Kinh Sư và Pharisêu cố tìm ra cho được một lời tố cáo Đức Giêsu nhằm hạ uy tín của Ngài, bởi vì đây là dịp đông người, hơn nữa, nếu thắng thế, họ có đủ lý do thuận tiện để giết Ngài.

Và cơ hội ngàn năm một thủa đã đến khi họ bắt được quả tang một người phụ nữ đang ngoại tình, và họ dẫn nàng đến với Đức Giêsu.

Họ dẫn đến để xin Ngài xét xử. Họ nói: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môisê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?".

Tuy nhiên, vì biết rõ lòng họ độc, nên Đức Giêsu phản ứng bằng việc bình tĩnh lấy tay viết trên đất! Hành động này của Đức Giêsu khiến cho họ sinh thêm bực bội và nóng lòng sốt ruột.

Họ sốt ruột là vì cái bẫy đã giăng, chỉ chờ Đức Giêsu mắc phải là ra tay đối với Ngài! Thật thế, nếu Đức Giêsu tuyên bố tha thì Ngài rơi vào bẫy chống luật Môsê, còn nếu tuyên án tử cho chị phụ nữ thì sẽ bị mất uy tín và đi ngược lại đường lối của Thiên Chúa cũng như những lời rao giảng của Ngài.

Sự thinh lặng và viết trên đất là cách thế Đức Giêsu thức tỉnh lương tâm những người Pharisêu khi chuyển phiên tòa dành cho chị phụ nữ, rồi đến Đức Giêsu, giờ đây sang phiên tòa lương tâm của chính họ khi nói: "Ai trong các ông không có tội, hãy ném đá chị này trước". Bị bại lộ ý đồ và xấu hổ vì thấy mình tội lỗi, nên họ đã dần dần bỏ đi.

Cuối cùng, Đức Giêsu lên tiếng với chị phụ nữ: "Không ai lên án chị sao?"; “tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!".

Ngày nay cũng không thiếu gì những con người có lòng bỉ ổi, hẹp hòi, tàn nhẫn, nên đã đẩy anh chị em mình vào chỗ chết như vậy.

Điều đau buồn hơn cả là nhiều khi lại nhân danh Thiên Chúa để hạ uy tín anh chị em mình. Không phải vì tình yêu, cũng chẳng phải lòng tốt, càng không phải vì sự công chính hay phẫn nộ tội lỗi, mà là do ghen tỵ mà tìm dịp thuận tiện để gài bẫy và đẩy đưa anh chị em chúng ta đến chỗ chết. Những người này thuộc hạng: “Miệng tụng lời nam mô nhưng bụng chứa đầy bồ dao găm”.

Lạy Chúa Giêsu, cách hành xử của Chúa thật tuyệt vời, đáng làm cho chúng con suy nghĩ về những cung cách mà chúng con đã gây ra cho anh chị em chúng con. Xin Chúa tha thứ và ban cho chúng con biết can đảm thay đổi nếp sống không tốt để đáng được Chúa ban ơn cứu độ. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6Tình thương tha thứ

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Người Do thái có nhiều lễ trong một năm. Lễ Lều Trại có lẽ là cơ hội để người ta lạm dụng, ăn ở phóng túng. Trong suốt tám ngày sống ở lều, ngoài rừng, thuận tiện cho những cuộc gặp gỡ lả lướt. Những cuộc giao du nơi này qua nơi khác vẫn hay có những hội ngộ tình cờ, không hợp với luân thường đạo lý là bao. Chính sau cuộc lễ này mà xẩy ra câu chuyện trong  bài Tin Mừng.

Sau bài giảng trong Đền thờ nhân dịp lễ Lều Trại của người Do thái, Đức Giêsu đi ra nghỉ tại núi Cây Dầu. Bao giờ có dịp về thủ đô, Ngài cũng qua nghỉ đêm tại đó. Tảng sáng hôm sau, Ngài lại vào Đền thờ và toàn dân đến cùng Ngài, nên Ngài ngồi xuống đất mà giảng.

Tình cờ người ta đem đến cùng Ngài một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Những người luật sĩ và biệt phái lợi dụng cơ hội này để thử thách Đức Giêsu.

2. Hôm nay, các luật sĩ và biệt phái sử dụng “nguyên lý triệt tam” để tung ra một đòn quyết định, đặt Đức Giêsu và một tình thế tiến thoái lưỡng nan, mà nếu Ngài ngả theo phía nào thì họ cũng có cái cớ để tố cáo Ngài.

Họ đưa đến trước mặt Đức Giêsu một người phụ nữ phạm tội ngoại tình, rồi hỏi Ngài sẽ xử lý thế nào khi luật Maisen dạy phải ném đá chết. Cái bẫy của họ gài vào là nếu Đức Giêsu nói không thì họ kết án Chúa lỗi luật Maisen, còn nếu Ngài nói có thì họ sẽ có cớ phản bác trái với luật yêu thương mà Ngài giảng dạy.

Đức Giêsu không trả lời trực tiếp với họ, nhưng với một lời nói của Ngài đã đặt các luật sĩ và biệt phái vào một sự chất vấn của lương tâm và phơi bầy lòng dạ khi đối diện với Đấng thấu suốt mọi sự: “Ai trong các ngươi sạch tội thì hãy lấy đá mà ném trước đi”. Cuối cùng họ lặng lẽ rút êm, bắt đầu từ người lớn tuổi nhất.

3. Rõ ràng có một sự khác biệt rất lớn giữa cách hành xử của những người luật sĩ, biệt phái với Đức Giêsu. Nhóm biệt phái thì muốn kết tội, còn Đức Giêsu thì muốn tha thứ. Nếu đọc kỹ câu chuyện chúng ta thấy, nhóm biệt phái chỉ muốn ném đá người đàn bà này cho chết, và họ còn cảm thấy rất thích thú khi được làm điều này. Họ cảm thấy vui sướng khi quyền lực được sử dụng để kết án. Còn Đức Giêsu, thì Ngài không muốn làm như vậy. Ngài không cảm thấy vui  khi quyền lực được dùng để kết tội. Ngài  muốn dùng quyền hành để tha thứ.

4. Qua sự kiện này, chúng ta thấy có một nghịch lý đáng buồn và cũng đáng trách: một đàng Thiên Chúa là Đấng thánh thiện vô cùng lại đầy lòng thương xót và khoan dung đối với người tội lỗi... Còn con người thì ai cũng mắc tội không nhiều thì ít, không nặng thì nhẹ lại hay xét đoán, phê bình chỉ trích và lên án người khác nhất là những kẻ tội lỗi. Do đó, nhiều khi đã vô tình xô đẩy thêm kẻ có tội vào vũng lầy không lối thoát.

5. Qua câu trả lời của Đức Giêsu: “Ai trong các ông sạch tội  thì hãy ném đá người phụ nữ này đi”, chúng ta tìm ra được nguyên tắc của Đức Giêsu là chỉ người vô tội mới được đoán xét những lỗi lầm của người khác.

Hôm nay, Chúa dạy chúng ta một bài học là phải dành quyền xét đoán cho Thiên Chúa vì chỉ ai không có tội mới có quyền xét đoán và lên án, còn chúng ta là những người tội lỗi phải có lòng thương cảm đối với tội nhân.

Còn về phía mình, Chúa nhắc nhở ta phải biết hồi tâm, phải nhận ra mình là kẻ có tội, phải đi xưng tội để làm hòa với Chúa. Khi đã có một tâm tình như vậy, tự nhiên chúng ta không dám xét đoán và lên án ai.

6. Truyện: Cần lòng thương xót.

Ngày kia, có một phụ nữ đến van xin hoàng đế Napoléon tha thiết cho con trai của bà. Anh thanh niên đó đã phạm một tội nặng. Lề luật đã rõ. Công lý đòi buộc anh ta phải chết. Hoàng đế quả quyết rằng đảm bảo phải thi hành công lý. Nhưng bà mẹ năn nỉ:

- Thưa bệ hạ, tôi đến van xin lòng thương xót của ngài, không phải vì công lý.

Hoàng đế Napoléon trả lời:

- Nhưng hắn ta không đáng được xót thương.

Bà mẹ nói:

- Tâu bệ hạ, nếu nó xứng đáng thì không cần gọi là lòng thương xót nữa.

Hoàng đế Napoléon đáp:

- Thôi được. Ta rủ lòng thương xót nó.

 

Hãy đi và đừng phạm tội nữa – SN song ngữ ngày 22.3.2021

Thứ Hai (March 22): “Go, and do not sin again”

 

Gospel Reading:  John 8:1-11  

1 but Jesus went to the Mount of Olives. 2 Early in the morning he came again to the temple; all the people came to him, and he sat down and taught them. 3 The scribes and the Pharisees brought a woman who had been caught in adultery, and placing her in the midst 4 they said to him, “Teacher, this woman has been caught in the act of adultery. 5 Now in the law Moses commanded us to stone such. What do you say about her?” 6 This they said to test him, that they might have some charge to bring against him. Jesus bent down and wrote with his finger on the ground. 7 And as they continued to ask him, he stood up and said to them, “Let him who is without sin among you be the first to throw a stone at her.” 8 And once more he bent down and wrote with his finger on the ground. 9 But when they heard it, they went away, one by one, beginning with the eldest, and Jesus was left alone with the woman standing before him. 10 Jesus looked up and said to her, “Woman, where are they? Has no one condemned you?” 11 She said, “No one, Lord.” And Jesus said, “Neither do I condemn you; go, and do not sin again.”

Thứ Hai   22-3     Hãy đi và đừng phạm tội nữa

 

Ga 8,1-11

1 Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu.2 Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ.3 Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa,4 rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình.5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? “6 Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”8 Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất.9 Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.10 Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? “11Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”

Meditation: 

 

Are you ready to be changed and transformed in Christ-like holiness? God never withholds his grace from us. His steadfast love and mercy is new every day (Lamentations 3:22-23). Through the gift and grace of the Holy Spirit we can be changed and made new in Christ. He can set us free from our unruly desires and passions. 

Unjust accusations against Jesus 

 

The Gospel accounts frequently describe how Jesus had to face unjust accusations made by the Pharisees, the ruling elders of Israel. They were upset with Jesus’ teaching and they wanted to discredit him in any way they could. They wanted to not only silence him, but to get rid of him because of his claim to speak with God’s authority. When a moral dilemma or difficult legal question arose, it was typical for the Jews to take the matter to a rabbi for a decision. The scribes and the Pharisees brought to Jesus a woman who had been caught in the act of adultery. John writes that they wanted to “test” Jesus on the issue of retribution so ” they might have some charge to bring against him” (John 8:6).

Jewish law treated adultery as a serious crime since it violated God’s ordinance and wreaked havoc on the stability of marriage and family life. It was one of the three gravest sins punishable by death. If Jesus said the woman must be pardoned, he would be accused of breaking the law of Moses. If  he said the woman must be stoned, he would lose his reputation for being the merciful friend of sinners.

Jesus then does something quite unexpected – he begins to write in the sand. The word for “writing” which is used here in the Gospel text has a literal meaning “to write down a record against someone” (for another example see Job 13:26). Perhaps Jesus was writing down a list of the sins of the accusers standing before him. Jesus now turns the challenge towards his accusers. In effect he says: Go ahead and stone her! But let the man who is without sin be the first to cast a stone. The Lord leaves the matter to their own consciences.

Pardon, restoration, and new life 

When the adulterous woman is left alone with Jesus, he both expresses mercy and he strongly exhorts her to not sin again. The scribes wished to condemn, Jesus wished to forgive and to restore the sinner to health. His challenge involved a choice – either to go back to her former way of sin and death or to reach out to God’s offer of forgiveness, restoration, and new life in his kingdom of peace and righteousness. Jesus gave her pardon and a new start on life. God’s grace enables us to confront our sin for what it is – unfaithfulness to God, and to turn back to God with a repentant heart and a thankful spirit for God’s mercy and forgiveness. Do you know the joy of repentance and a clean conscience?

“God our Father, we find it difficult to come to you, because our knowledge of you is imperfect. In our ignorance we have imagined you to be our enemy; we have wrongly thought that you take pleasure in punishing our sins; and we have foolishly conceived you to be a tyrant over human life. But since Jesus came among us, he has shown that you are loving, that you are on our side against all that stunts life, and that our resentment against you was groundless. So we come to you, asking you to forgive our past ignorance, and wanting to know more and more of you and your forgiving love, through Jesus Christ our Lord.” (Prayer of Saint Augustine)

Suy niệm:

 

Bạn có sẵn sàng thay đổi và thích ứng với sự thánh thiện như Đức Kitô không? Thiên Chúa không bao giờ khước từ ơn sủng của Người với chúng ta. Tình yêu kiên vững và lòng thương xót của Người luôn mới mỗi ngày (Ac 3,22-23). Ngang qua ân huệ của Chúa Thánh Thần chúng ta có thể thay đổi và nên mới trong Đức Kitô. Người có thể giải thoát chúng ta khỏi những ước muốn và đam mê phóng túng.

Những lời kết án bất công chống lại Đức Giêsu

Các Tin mừng thường mô tả cách thức Đức Giêsu đã đối mặt với những lời buộc tội cách bất công của người Pharisêu, các bậc kỳ lão của dân Israel. Họ rất bực mình với giáo huấn của Đức Giêsu và họ muốn làm cho Người mất uy tín bằng mọi cách có thể được. Họ không chỉ muốn làm cho Người im lặng, mà còn trừ khử Người bởi vì Người tuyên bố mình nói với uy quyền của Thiên Chúa. Khi tình trạng luân lý khó xử hay nghi vấn khó khăn nảy sinh, người Dothái thường đem vấn đề đến một vị Rabbi để cho quyết định. Các người luật sĩ và Pharisêu đem tới cho Đức Giêsu một người đàn bà bị bắt vì tội ngoại tình. Gioan viết rằng họ muốn “thử” Đức Giêsu về vấn đề xử phạt, để có bằng cớ tố cáo Người (Ga 8,6).

 

 

Luật Do thái coi sự ngoại tình là một trọng tội vì nó vi phạm mệnh lệnh của Thiên Chúa và phá hủy sự bền vững của hôn nhân và đời sống gia đình. Nó là một trong ba trọng tội bị án tử hình. Nếu Đức Giêsu nói phải tha thứ cho người đàn bà, Người sẽ bị buộc tội vi phạm luật Môisen. Nếu Người nói phải ném đá người đàn bà, Người sẽ đánh mất danh tiếng là bạn hữu có lòng thương xót với các tội nhân.

 

Đức Giêsu đã làm một điều ngoài dự tính của họ – Người bắt đầu viết trên cát. Hạn từ “viết” được dùng ở đây trong bản văn Tin mừng theo nghĩa đen có nghĩa là “viết xuống bản buộc tội chống lại ai đó” (xin xem sách Gióp 13,26 để biết thêm một ví dụ khác). Có lẽ Đức Giêsu đang viết xuống một danh sách tội trạng của những kẻ buộc tội đang đứng trước mặt Người. Giờ đây, Đức Giêsu đã đảo ngược sự thách đố về phía những người buộc tội. Thực tế Người nói: Cứ ném đá cô ấy đi! Nhưng hãy để người nào sạch tội ném viên đá đầu tiên. Chúa đặt vấn đề cho lương tâm của chính họ.

Tha thứ, phục hồi, và sự sống mới

Khi người đàn bà phạm tội ngoại tình còn lại một mình với Đức Giêsu, Người vừa bày tỏ lòng thương xót và Người mạnh mẽ khích lệ cô đừng phạm tội nữa. Các kinh sư muốn kết án, Đức Giêsu muốn tha thứ và phục hồi sự lành mạnh cho tội nhân. Sự thách đố của Người liên hệ đến sự chọn lựa – hoặc trở lại với con đường tội lỗi và chết chóc trước kia, hoặc vươn tới con đường sự sống và hạnh phúc mới với Người. Đức Giêsu ban cho cô ta sự tha thứ và sự khởi đầu cuộc sống mới. Ơn sủng của Thiên Chúa giúp chúng ta đối diện với tội lỗi của mình vì những gì nó là – sự bất trung với Thiên Chúa, và trở về với Thiên Chúa bằng một tấm lòng thống hối và một tinh thần biết ơn về lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa. Bạn có biết niềm vui của sự thống hối và một lương tâm trong sạch không?

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, chúng con thấy khó khăn để đến với Cha, bởi vì sự hiểu biết của chúng con về Cha thật bất toàn. Trong sự nông cạn của mình, chúng con hình dung Cha là kẻ thù của mình; chúng con đã suy nghĩ sai lạc rằng Cha sung sướng trong việc xử phạt những tội lỗi của chúng con; và chúng con dại dột nghĩ rằng Cha là một bạo chúa trên cuộc đời con người. Nhưng vì Chúa Giêsu đã đến giữa chúng con, Ngài đã bày tỏ rằng Cha rất đáng yêu mến, và sự phẫn uất của chúng con về Cha là vô căn cứ. Nên chúng con đến với Cha, cầu xin Cha tha thứ cho sự ngu dốt trong quá khứ của chúng con, và muốn ngày càng hiểu biết về Cha và tình yêu tha thứ của Cha hơn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. (Lời cầu nguyện của thánh Augustine)

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây