THỨ HAI TUẦN V PHỤC SINH NĂM C
Ga 14,21-26
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
21 Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”
22 Ông Giu-đa, không phải Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian ?”
23 Đức Giê-su đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.
24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.
25 Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em.
26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.
SUY NIỆM 1: VÂNG LỜI LÀ YÊU MẾN
Khi được Chúa Giê-su hỏi “Con có yêu mến Thầy không”, Thánh Phê-rô đã mau mắn trả lời rằng: “Thầy biết con yêu mến Thầy”. Tuy Thánh Phê-rô đã trả lời đến 3 lần như thế, mà thậm chí là 30 lần đi nữa thì vẫn chưa đảm bảo được điều gì. Bởi tình yêu mà Chúa Giê-su muốn chúng ta dành cho Ngài là một tình yêu với những hành động cụ thể và thiết thực, chứ không phải một tình yêu mang nặng cảm tính hay chỉ nằm nơi đầu môi chót lưỡi.
Cụ thể qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa muốn chúng ta dành tình yêu cho Chúa qua việc tuân giữ các giới răn của Ngài.
Nói đến việc tuân giữ lời Chúa, có những người rất hăng say. Họ tìm mọi cách, không ngừng nỗ lực cố gắng để mong sao có thể giữ và sống lời Chúa dạy một cách tốt nhất. Thế nhưng, cũng có không ít người, đặc biệt là những người trẻ cảm thấy mệt mỏi nặng nề khi phải sống theo 10 điều răn, thậm chí còn phàn nàn cả Giáo Hội. Tại sao lại như thế?
Lý do là ngày nay rất nhiều người coi việc tuân giữ các giới răn của Chúa như là một bổn phận, một trách nhiệm buộc phải làm, chứ không phải vì lòng yêu mến Chúa.
Bằng chứng là việc tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật. Vì chỉ coi đó là 1 bổn phận, không đi thì sợ mắc tội trọng, sợ bị người khác dèm pha; nên nhiều người đi nhưng đi thì muộn mà về thì sớm, tìm mọi cách để cắt đầu cắt đuôi, được khúc nào hay khúc đó; đi nhưng không chịu vào trong nhà thờ, thấy hay không thấy bàn thờ không quan trọng, nghe được gì hay không nghe cũng mặc kệ, miễn là có mặt ở nhà thờ cho xong trách nhiệm là được. Thành thật mà nói, giữ đạo như vậy thì mệt mỏi lắm thưa cộng đoàn!
Còn những anh chị em có lòng yêu mến Chúa thật sự ta sẽ thấy họ có những hành động tuy âm thầm, tuy nhỏ bé, tuy nhẹ nhàng nhưng đáng để chúng ta ngưỡng mộ. Có những anh chị em đi rất sớm, để tìm cho mình một chỗ ngồi trong nhà thờ sao cho có thể nhìn thấy rõ Chúa, nghe rõ cha giảng, sau lễ còn ở lại để cầu nguyện để cám ơn Chúa.
Như thế việc tuân giữ các giới răn của Chúa không khó, nhưng khó là nằm ở tấm lòng của mỗi người đối với Chúa mà thôi.
Tóm lại, lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy suy gẫm hai câu nói này:
Câu thứ nhất là câu nói của Chúa Giê-su: “Ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy”.
Và câu thứ hai là lời của Thánh Gio-an tông đồ: “Ai nói rằng mình biết và yêu mến Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Ngài, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy” (1Ga 2,4). Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 2: YÊU MẾN THẦY LÀ GIỮ GIỚI RĂN THẦY
Khi đến “giờ Chúa Giê-su qua khỏi thế gian này để về cùng Đức Chúa Cha” (Ga 13, 1), trong tâm trạng bồi hồi xúc động chia ly của tình Thầy trò đôi ngả đôi nơi. Chúa Giê-su đã dành cho các môn đệ những lời tâm huyết: “Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy” (Ga 14, 21). Thầy cũng nói rõ cho trò biết: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14. 23), và dĩ nhiên sẽ được Chúa Cha yêu mến. Lời di chúc của người sắp ra đi thật không đơn giản, bởi nó trang trọng và sâu sắc! Lời ấy có ý nói: các con yêu mến Thầy thế là đủ, vì nếu yêu mến tức khắc giới răn của Thầy sẽ được tuân giữ, nghĩa là: khi yêu mến Chúa Giê-su, người ta sẽ tuân giữ các giới răn Chúa để lại. Có thể hiểu: nếu các con yêu mến Thầy, điều đó chứng tỏ rằng các con tôn trọng lệnh Thầy truyền.
Thực hành lời Chúa Giê-su dạy là yêu mến Chúa xem ra có vẻ dễ, nhưng giữ lời Chúa truyền là cả một vấn đề. Hỏi: Chúa truyền dạy chúng ta điều gì? Thưa: Chúa dạy chúng ta nhiều điều, Chúa dạy chúng ta yêu mến Thiên Chúa và tuân giữ các giới răn. Giới răn thì có nhiều nhưng chung quy lại là kính mến Thiên Chúa như Cha, yêu thương tha nhân như là anh em.
Chúng ta hãy để ý đến thuật ngữ Đấng Bầu Chữa, Trạng Sư, hay Đấng An Ủi. Trong ngành tư pháp Do thái, vị luật sư hỗ trợ thân chủ của mình và tư vấn, vì khi bào chữa cho thân chủ là lúc luật sư cố gắng bảo vệ chính mình. Điều này ám chỉ về Chúa Thánh Thần. Người nâng đỡ các môn đệ trong hành động cũng như lời nói, “Chúa Thánh Thần sẽ dạy các con mọi sự” (Ga 14, 26).
Lạy Chúa Giê-su, chúng con nài xin Chúa xin Chúa Cha cử Chúa Thánh Thần đến với chúng con, và ở trên chúng con như đã ở với các môn đệ Chúa, để dạy chúng con mọi sự.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
SUY NIỆM 3: BẰNG CHỨNG LÒNG MẾN CHÚA
1. Đức Giê-su tiếp tục cho các môn đệ biết hoàn cảnh sinh hoạt sau khi Ngài ra đi: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”. Đức Giê-su muốn nhấn mạnh mối liên kết giữa lòng yêu mến và sự trung thành với giáo huấn của Ngài. Không thể nói yêu Ngài nếu không nghe lời Ngài. Không thể thì hành Lời Ngài trọn vẹn nếu không vì yêu Ngài. Tình yêu biểu hiện cụ thể qua hành động tuân giữ trong sự tự nguyện.
Điều khát mong của Đức Giê-su được bày tỏ qua lời trăng trối: “Hãy yêu thương nhau”. Nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa thật sự, chúng ta có thể yêu người khác như chính mình.
2. “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”.
Lắng nghe và thực hành Lời Chúa là bằng chứng của lòng yêu mến Chúa và được Chúa yêu thương. Đức Giê-su nhắc lại cách tích cực về điều kiện để được Chúa yêu mến và tỏ mình cho, đó là tuân giữ Lời Chúa. Kiểu nói “ở lại” diễn tả hiệu quả của sự liên hệ mới: không chỉ đơn thuần là sự kết hợp với Chúa Giê-su, nhưng còn sát nhập những kẻ giữ Lời Chúa vào trong mối liên hệ mới với Chúa Cha nữa. Như vậy, Ngài trả lời cho ông Giu-đa biết: Chúa tỏ mình ra cho hết bất cứ ai tuân giữ Lời Chúa, chứ không chỉ riêng các môn đệ.
3. Trong cuốn sách “The living stone” có một câu chuyện như sau: Jonathan làm được những việc phi thường, phần lớn vì hấp thụ được từ vị thầy khả kính. Ngày vị thầy sắp lìa trần, ngài cho gọi Jonathan trở về để gặp thầy lần cuối. Jonathan hy vọng thầy sẽ truyền cho bí quyết đặc biệt mà suốt đời thầy còn cất giữ. Nhưng lời trăn trối cuối cùng của ông chỉ vỏn vẹn mấy chữ “Hãy hành động vì yêu mến”.
Chúa Giê-su trước khi giã biệt các môn đệ cũng nhắn nhủ các ông về điều căn bản “Ai nghe và giữ giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Chúa Giê-su không đòi những kẻ yêu mến Ngài phải có những rung động thuộc cảm tính… Tuy nhiên một tình yêu đúng nghĩa là luôn luôn tìm cách làm đẹp lòng người yêu sẵn sàng cho đi tất cả vì người yêu, chứ không dừng lại ở những rung động của thân xác phần nào nói lên tính vị kỷ của mình (Mỗi ngày một tin vui).
4. Tình yêu không bao giờ chỉ là một thứ tình cảm thuần túy nhưng tình yêu đòi buộc phải có hành động. Chẳng ai có thể nói “yêu” người khác mà không có bất cứ một ‘hành động” nào để biểu lộ tình yêu của mình. Mà “hành động” ở đây có nghĩa là tất cả con người của mình, cả hồn lẫn xác, cả khối óc và con tim, cả tình cảm cũng như việc làm. Chúng ta có thể tìm thấy gương mẫu diễn tả tình yêu bằng “hành động” như vậy nơi Chúa Giê-su. Ngài yêu mến Chúa Cha bằng việc vâng lời chấp nhận nhập thể, chấp nhận cái chết ô nhục trên thập giá. Trước lúc chia ly các môn đệ, Chúa Giê-su cũng đòi hỏi các ông phải diễn tả tình yêu của mình bằng hành động cụ thể, đó là: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14,23).
5. Yêu là tuân giữ Lời của Chúa: Tình yêu không dừng lại ở cái nhìn thấy hay chỉ là tình cảm xuông hoặc xúc động thuần túy như là một cảm xúc chỉ lưu lại ở trong trái tim. Tình yêu là một nội lực và luôn thúc đẩy dẫn tới hành động. Tình yêu không có hành động là tình yêu không sức sống, là tình yêu lý thuyết, tình yêu chết… Hành động là bằng chứng của tình yêu đích thực như thánh Grégoire le Grand đã khẳng định: “Bằng chứng của tình yêu là chứng nhân qua những công trình. Không bao giờ tình yêu của Thiên Chúa cư ngụ trong nhàn rỗi. Khi tình yêu hiện hữu, tình yêu luôn làm những sự việc lớn lao”.
6. Khi yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu Ngài bằng một tình yêu đơn sơ chân thành. Tình yêu của con người đối với người cha. Tuy nhiên, để tình yêu được nên trọn vẹn, chúng ta còn phải có chiều kích thứ hai, đó là yêu tha nhân như Chúa yêu. Tức là yêu hết mọi người không phân biệt. Yêu người thương mình và yêu cả người ghét mình. Chỉ có tình yêu như thế, mới đem lại cho ta hạnh phúc thực sự. Ngược lại, nếu chỉ yêu kẻ làm ơn cho mình, thì phải chăng là thứ tình yêu tự nhiên thuần túy.
7. Truyện: Thánh Phan-xi-cô Át-si-si và người bạn.
Thánh Phan-xi-cô Át-si-si có lòng mến Chúa và yêu người rất sâu xa. Một hôm, ngài gặp một người bạn, có lẽ anh đã gặp nhiều thử thách trong đời, vì thế, anh chia sẻ với Phan-xi-cô rằng anh không thể nào yêu mến Thiên Chúa được.
Đang khi hai người đi đường thì gặp một người hành khất vừa mù vừa què ngồi bên lề đường. Ngài dừng lại hỏi người hành khất: “Này anh, nếu tôi chữa cho anh thấy được và đi được thì anh có yêu mến tôi không”?
Người hành khất trả lời: “Dạ thưa ngài, không những tôi yêu mến ngài, mà tôi còn xin dâng hiến trọn phần còn lại của đời tôi để phục vụ ngài”.
Nghe câu trả lời của người hành khất, thánh Phan-xi-cô quay sang nói với người bạn: “Đấy anh thấy không, người hành khất này chỉ thấy được, đi được mà còn hứa với tôi như thế huống hồ là anh, anh không những được Chúa dựng nên với chân tay mặt mũi lành lặn, Ngài còn chịu chết để cứu chuộc anh nữa, đang khi đáng lý ra anh phải chết vì tội của anh, vậy mà anh không yêu mến Chúa sao”?
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
SUY NIỆM 4:
Tuần này, phụng vụ lời Chúa bài đọc I tiếp tục mời gọi chúng ta đồng hành với Phaolô và Barnaba trên những nẻo đường truyền giáo cho dân ngoại lần thứ nhất. Đoạn sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay nói đến những vui buồn, sướng khổ khi thi hành sứ mạng truyền giáo.
– Vui vì được nhiều người dân ngoại đón nhận Tin mừng của Chúa.
– Sướng vì những khả năng làm phép lạ do Chúa ban để củng cố niềm tin cho tín hữu và góp phần thuận lợi cho việc loan báo Tin mừng.
Nhưng bên cạnh đó cũng gặp rất nhiều đau khổ.
– Buồn vì bị hiểu lầm bởi dân ngoại, bị ghi kỵ, làm nhục và chống đối liên tục của những người gốc Do Thái.
– Khổ vì ném đá, bị bắt và bị đánh đập đến nữa sống nữa chết và bị trục xuất ra khỏi thành của họ.
Nhưng cho dù sướng hay khổ, vui hay buồn, thành công hay thất bại vẫn không thể nào làm sờn lòng nản chí tông đồ Phaolô và Barnaba. Bởi hai ông luôn ý thức được truyền giáo chính là lệnh truyền tâm quyết của Chúa Giêsu phục sinh trao ban cho các ngài trước khi về trời: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19).
Loan báo Tin mừng còn mang một giá trị cao quý khác gắn liền với đời sống của Phaolô, nên nếu không thi hành sứ vụ ấy ngài sẽ cảm thấy đau khổ: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.”(1 Cr 9,16).
Làm chứng nhân cho Chúa là một vinh dự cao quý do Chúa Phục Sinh trao ban, nhưng đây lại là nhiệm vụ đầy dẩy cam go thử thách. Để thi hành nhiệm vụ này, Phaolô và Barnaba đã phải hy sinh bằng mồ hôi, nước mắt và sức lực, ngay cả phải hy mạng sống mình. Nhiệm vụ này không chỉ khó khăn đối với các tông đồ vào thời GH ban đầu, mà ngay cả ngày nay nhiệm vụ ấy lại càng trở nên khó khăn hơn đối với GH, bởi cuộc sống con người hôm nay có quá nhiều rào cản… Vì thế mà đòi hỏi con cái GH phải nổ lực và hy sinh rất nhiều.
Xin cho chúng ta biết noi gương hai thánh tông đồ Phaolô và Barnaba mà góp phần tích cực vào công cuộc truyền giáo của GH, cho dù gặp phải những chống đối, ghi kỵ, loại trừ của thế gian, vì tin rằng Chúa luôn ở bên ta để nâng đỡ, bảo vệ, dự liệu và ban ân sủng cho ta trong khi thi hành nhiệm vụ cao cả này. Như Lời Chúa phán với Phaolô:“Ơn Ta đủ cho ngươi, vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối” (2Cr 12,9).
Lm. Seoka
SUY NIỆM 5: THÁNH THẦN SẼ DẠY MỌI ĐIỀU
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Hai Tuần 5 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chỉ có Chúa mới làm cho chúng ta nên một lòng một ý, xin Chúa cho tất cả chúng ta biết yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, để dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng ta vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật.
Yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, để chiến thắng cùng với Đấng chiến thắng, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, trích sách Khải Huyền nói về: Đấng Mêsia chiến thắng khải hoàn, ta sẽ thấy một người cưỡi ngựa xuất hiện trên trời. Phải đọc các ngôn sứ mới hiểu nhân vật này là ai. Người khoác một áo choàng đẫm máu, và danh hiệu của Người là: Lời của Thiên Chúa. Người đạp trong bồn đạp nho chứa thứ rượu là cơn lôi đình thịnh nộ của Thiên Chúa Toàn Năng. Người mang một danh hiệu viết trên áo choàng và trên vế: Vua các vua, Chúa các chúa.
Yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, để trở thành thụ tạo mới trong công trình sáng tạo mới, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách thánh Ghêgôriô Nítxê nói về: Trưởng Tử trong tạo thành mới… Nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới.
Yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, để luôn tìm kiếm vinh danh Chúa hơn, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách Công Vụ Tông Đồ, ông Phaolô nói: Chúng tôi loan Tin Mừng cho các bạn, là hãy bỏ những cái hão huyền, mà trở lại cùng Thiên Chúa hằng sống. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 113B, vịnh gia kêu xin: Xin đừng làm rạng rỡ chúng con, vâng lạy Chúa, xin đừng, nhưng xin cho danh Ngài rạng rỡ, bởi vì Ngài thành tín yêu thương. Sao chư dân lại nói: Thiên Chúa chúng ở đâu?
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều, và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều. Thánh Thần sẽ dạy, sẽ làm cho nhớ lại mọi điều, mà Đức Giê-su đã nói. Đức Giêsu đã nói gì? Người nói về một tạo thành mới, một sự sống mới sinh ra không bởi khí huyết, nhưng, bởi Thiên Chúa. Sự sống mới được cưu mang nhờ đức tin, được đưa ra ánh sáng nhờ phép rửa tái sinh, được Mẹ Hội Thánh dùng lời giáo huấn mà nuôi dưỡng, có lương thực là bánh bởi trời, và gia tài sản nghiệp là hạnh phúc thiên đàng. Đây là ngày Chúa đã làm ra, là ngày khởi đầu một cuộc sáng tạo mới, là ngày Thiên Chúa làm ra trời mới, đất mới: Trời là cung lòng tin tưởng, cậy trông, tín thác vào Đức Kitô; và đất là tâm hồn thiện hảo, làm trổ sinh nhiều gié lúa trĩu hạt. Trong cuộc sáng tạo mới này, mặt trời là đời sống trong sạch; tinh tú là các nhân đức; khí trời là cách ăn nết ở quang minh chính đại; biển khơi là sự khôn ngoan, thông biết sâu thẳm; và cây sinh trái nhờ việc tuân giữ giới luật yêu thương của Chúa. Đây là ngày Chúa đã làm ra: làm tiêu tan mọi nỗi đau đớn do cái chết gây ra, là ngày sinh ra Vị Trưởng Tử trong số những kẻ chết. Đấng vốn là Con Một Thiên Chúa, mà đã làm người vì ta, nên đã làm cho ta trở thành anh chị em của Người, và thành con cái của Cha trên trời. Nếu chúng ta tin nhận Thiên Chúa là Cha, thì, chúng ta cũng phải nhìn nhận nhau là anh chị em. Chỉ có Chúa mới làm cho chúng ta nên một lòng một ý, xin Chúa cho tất cả chúng ta biết yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, để dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng ta vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
SUY NIỆM 6: DÂY CHUYỀN VÀ PHẬN VỤ CỦA TÌNH YÊU
Thánh Gioan định nghĩa “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8). Tình yêu không chỉ là một trong những phẩm tính của Thiên Chúa, nhưng Người là chính tình yêu. Tình yêu bao trùm lấy ngôi vị của Người. Thánh Gioan nói tiếp: “tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 8,10).
Mỗi tín hữu đều được mời gọi cảm nghiệm được tình yêu Chúa dành cho mình và cho toàn thể nhân loại. Một cảm nghiệm sâu sắc sẽ dẫn người ta đến đáp trả tình yêu. Hành động cụ thể của lòng yêu mến Chúa là “có và giữ các điều răn của Người” (Ga 14,21). Điều răn quan trọng nhất của Đức Giê-su là “điều răn mới: Anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34). Ý muốn của Thiên Chúa tình yêu thật lạ lùng. Người muốn chúng ta chứng tỏ tình yêu Người bằng cách giữ các điều răn của Người, bằng cách yêu thương nhau. Sao Chúa không đòi hỏi chúng ta làm gì cho Chúa mà bảo chúng ta làm cho nhau, ấy là yêu thương Chúa? Bởi vì điều Chúa muốn là lan tỏa tình yêu.
Điều tốt nhất mà chúng ta làm cho Chúa là lan tỏa tình yêu càng xa càng tốt, đến càng nhiều người càng hay. Yêu thương nhau là yêu Chúa Giê-su, yêu Chúa Giê-su là yêu Chúa Cha và được Chúa Cha yêu, được Chúa Cha và Chúa Giêsu đến và “cư ngụ” trong mình. Ngược lại với những người chứng tỏ tình yêu của mình bằng cách “giữ các điều răn của Chúa” là những người không yêu và không giữ “những lời của Chúa”.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết cảm nhận được tình yêu của Chúa dành cho mình và cho gia đình mình để rồi chúng con cũng biết đáp trả bằng những hành động yêu thương dành cho người khác. Amen.
Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD