THỨ HAI TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN THÁNH NỮ MARTHA, MARIA VÀ LADARÔ

Chủ nhật - 28/07/2024 19:48
THỨ HAI TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN
THÁNH NỮ MARTHA, MARIA VÀ LADARÔ
Ga 11, 19-27

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.  

19 Khi ấy, nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô là La-da-rô mới qua đời.
20 Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà.
21 Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.
22 Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.”
23 Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại!”
24 Cô Mác-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.”
25 Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.
26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?”
27 Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”

SUY NIỆM 1:
Sứ điệp: Với tư cách là con người, Chúa Giêsu đến viếng thăm để an ủi. Với tư cách là Con Thiên Chúa, Ngài còn đến để phục sinh: phục sinh tâm hồn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã dựng nên con người có trái tim biết yêu thương. Nhờ đó, chúng con biết chung chia vui buồn với nhau. Khi chung vui, niềm vui như được nhân tăng và khi chia buồn, nỗi buồn như vơi nhẹ. Tuy thế, đôi lúc sự chia buồn của chúng con gần như vô nghĩa khi đứng trước nỗi đau quá lớn lao. Chúng con bó tay, chúng con ngọng miệng trước những đau khổ vượt sức chịu đựng của con người.
Loài người bó tay, loài người ngọng miệng nhưng Chúa thì không. Hoàn cảnh của chị Mác-ta hôm nay thật đáng thương: Gia đình có 3 chị em mà em trai duy nhất lại qua đời. Chúa đến không phải chỉ an ủi mà còn khơi lại niềm tin, niềm hy vọng cho chị em Mác-ta. “Em chị sẽ sống lại” là lời phục sinh niềm tin cho chị Mác-ta. Lời quyền năng của Chúa đã dẫn chị ra khỏi nỗi buồn thất vọng để tới niềm vui tin tưởng. Chị đã thưa với Chúa: “Con biết em con sẽ sống lại”.
Lạy Chúa, vì chúng con đến với nhau mà không mời Chúa đi theo, nên chúng con chưa giúp nhau được nhiều. Giúp nhau bằng sức người, có những lúc chúng con bó tay. Cần phải giúp nhau bằng sức Chúa, bằng cầu nguyện, bằng hy sinh. Động viên, hướng dẫn nhau bằng Lời Chúa mới không làm chúng con bí lối. Cần phải có Chúa Phục sinh đến thăm, chúng con mới sống lại thật về phần linh hồn.
Và lạy Chúa, mỗi khi chúng con gặp gian nan, xin cho chúng con biết khôn ngoan tìm đến Chúa. Rồi khi thấy anh em khốn khó, xin cho chúng con biết dẫn anh em đến với Chúa. Đến được với Chúa là chúng con đã tìm được địa chỉ tốt nhất để được bình an. Amen.
Ghi nhớ: “Con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
TGM Giuse Nguyễn Năng

SUY NIỆM 2:TÌNH GIA ĐÌNH
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Khi viết lại cuộc đời của Chúa Giêsu, các Thánh sử cho biết có ít là hai lần Chúa Giêsu từng đến với nhà của ba chị em Matta, Maria và Lazaro: lần thứ nhất khi Chúa Giêsu đến, cô Matta lo việc bếp núc còn cô Maria thì ngồi nghe Chúa nói; lần thứ hai được kể lại trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, đó là sau cái chết của Lazaro. Và có lẽ còn nhiều lần khác nữa.
Vậy có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi là: Tại sao Chúa Giêsu lại cứ thích lui tới với gia đình này? Phải chăng Ngài có 1 tình cảm đặc biệt dành cho họ hơn những người khác?
Thưa không, trong bài đọc 1, thánh Gioan đã cho chúng ta câu trả lời. Ngài nói: “Nếu chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa sẽ đến và ở lại trong chúng ta”.
Sở dĩ Chúa Giêsu thích lui tới nhà của Matta, Maria và Lazado vì họ đã sống tình yêu 1 cách trọn hảo, thể hiện qua tình chị em, tình gia đình.
Chúng ta vẫn thường hát như thế thưa cộng đoàn. “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi, ở đấy có ân sủng Người”.
Như vậy thì không riêng gì gia đình của 3 chị em Matta, nhưng Chúa cũng sẽ hiện diện và chúc phúc cho gia đình của mỗi người/ nếu chúng ta thật sự sống hòa thuận yêu thương nhau.
Đây chính là sứ điệp đầu tiên mà ngày lễ hôm nay muốn gởi đến tất cả chúng ta. Hãy làm cho đức ái ngập tràn trong chính gia đình của mình. Thánh Paul mời gọi, đã là vợ chồng, đã là phận làm con, đã là anh chị em ruột thịt thì hãy tin tưởng nhau, hy sinh cho nhau, nhẫn nhục chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau; đó là hoa trái của 1 tình yêu đúng nghĩa, hoa trái của tình gia đình. Nếu chúng ta làm được như thế thì Chúa sẽ luôn hiện diện và chúc phúc cho gia đình của mỗi chúng ta, như xưa Ngài đã làm với gia đình của Matta, Maria, và Lazaro.
Sứ điệp thứ 2, một khi gia đình có Chúa thì mọi người trong nhà luôn vững niềm tin. Chính nhờ có CGS luôn ghé thăm và nâng đỡ đức tin, nên dầu đang đối diện với 1 nỗi đau khổ tột cùng là cái chết của người em Ladarô, nhưng cô Matta vẫn giữ vững và tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu là Chúa của kẻ sống và kẻ chết.
Đức tin mà không có ơn Chúa trợ giúp thì sẽ không bao bằng 1 hạt cải thưa anh chị em.
Tóm lại, lời Chúa và khung cảnh của ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta noi gương 3 chị em Matta, là hãy sống hòa thuận yêu thương nhau để tình yêu Chúa có thể ngự trị trong gia đình mình, để chính Chúa sẽ nâng đỡ đức tin còn non yếu của mỗi thành viên trong nhà. Bởi vì “đâu có tình bác ái, thì Chúa chúc lành không ngơi. Và đâu ý hợp tâm đầu, ở đấy chứa chan niềm vui”. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 3: SỐNG NIỀM TIN MẠNH MẼ
Hôm nay Giáo hội cử hành lễ nhớ thánh nữ Matta. Làng Bêtania là nơi gia đình của chị em Matta, Maria và Lagiarô sinh sống; thỉnh thoảng Chúa Giêsu và các môn đệ Người đã ghé thăm ba chị em Matta, sau những quãng đường dài đi truyền giáo đầy mệt mỏi.
Chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu có lòng yêu mến gia đình của chị em Matta cách đặc biệt, vì gia đình này đã sống thân tình với Chúa, đã biết lắng nghe và thực thi lời của Người.
Tin Mừng đã cho thấy Matta đã xuất hiện ba lần trong các sách Tin Mừng:
- Bữa cơm chị em Matta tiếp Chúa trong nhà mình (Lc 10, 38).
- Nhân ngày Chúa cho Lagiarô chết bốn ngày được sống lại (Ga 11, 27)
- Bữa tiệc đãi Chúa sáu ngày trước lễ Vượt Qua (Ga 12, 2)
Chúng ta nhận thấy có  ba đặc điểm nổi bật nơi Matta:
1/ Đón tiếp Chúa.
Matta luôn là người đứng ra đón tiếp Chúa Giêsu và các môn đệ cách ân cần, chu đáo.
2/ Phục vụ Chúa.
Chính Matta đã phục vụ Chúa Giêsu qua các bữa ăn ngon, khi Người đến thăm gia đình Matta. Chúng ta có thể nhận thấy Matta đã phải bận rộn sửa soạn bữa ăn cho Chúa Giêsu và các môn đệ của Người như thế nào. Đến nỗi Matta phải xin Chúa Giêsu nhắc cho cô em Maria phụ giúp mình một tay, vì Maria đang ngồi bên chân Chúa Giêsu mà nghe lời Người: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo em con giúp con với!” Chúa Giêsu rất hài lòng với công việc phục vụ dễ thương của Matta. Tuy vậy, Người muốn cho Matta hiểu rằng việc nghe lời Chúa và cầu nguyện thì có tầm quan trọng hơn. Vì thế, Chúa Giêsu đã dịu dàng nói: “Matta, Matta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện! Chỉ có một chuyện cần mà thôi! Maria em con đã chọn phần tốt nhất!” (Lc 10, 42).
3/ Niềm tin vào Chúa
Khi người em là Lazarô chết, Matta và Maria buồn sầu báo tin cho Chúa Giêsu. Giữa những đau khổ thử thách đó, Matta vẫn giữ được bình tĩnh. Matta đã thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Dù rằng em cô là Lazarô đã chết, Matta vẫn tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu cách tuyệt đối: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”. (Ga 11, 27).
Với niềm tin của Matta, Chúa Giêsu đã làm phép lạ cho Lagiarô sống lại sau khi chôn cất trong mồ đã bốn ngày.
Mừng lễ thánh nữ Matta hôm nay, chúng ta nguyện xin Chúa qua lời cầu bầu của thánh Matta, ban cho chúng ta sống theo mẫu gương của thánh nữ, luôn ân cần đón tiếp Chúa và sẵn sàng hy sinh phục vụ Chúa, phục vụ Giáo Hội và tha nhân. Đón tiếp Chúa bằng việc lắng nghe lời Chúa, suy gẫm và cầu nguyện. Đón tiếp Chúa Giêsu Thánh Thể để có sự sống của Ngài hun đúc tinh thần tông đồ, nuôi dưỡng đời sống đạo. Đón tiếp Chúa với lòng yêu mến chân thành, sẽ giúp chúng ta được gần bên Chúa, gần gũi tha nhân. Đồng thời, theo gương thánh nữ Matta, chúng ta sống đức tin mạnh mẽ giữa những cơn thử thách của cuộc sống. Nhờ đó, chúng ta cố gắng vượt qua những thử thách hiện tại và hướng đến sự phục sinh vinh quang với Chúa Kitô.
Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang

SUY NIỆM 4: NIỀM TIN VÀO CHÚA 

Trong cuộc sống, khó khăn, đau khổ, thử thách luôn là những điều   mà chúng ta không sao tránh được. Để vượt qua những đoạn đường gian nan, khó khăn ấy thì chúng ta cần phải có một tinh thần lạc quan và một niềm tin tưởng vững vàng.
Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay hiện lên khuôn mặt của Mátta đầy u sầu và ảm đạm. Bởi chị vừa mất đi người em trai ruột thịt của mình. Nhưng trong lúc đau khổ và đầy thử thách ấy, Mácta vẫn giữ niềm tin của mình và mạnh mẽ tuyên xưng niềm tin ấy vào Chúa Giêsu “Thưa Thầy, con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” (Ga 11,27). Nhờ có niềm tin vào Thiên Chúa mà nỗi đau buồn của Mátta chợt hóa thành niềm vui khôn xiết. Chúa Giêsu đã cho Ladarô sống lại và dẫn đưa Mácta bước sâu vào con đường đức tin, hướng tới sự sống vĩnh hằng nơi Đức Kitô.
“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. (Ga 11,25-26). Thật vậy, Đức Giêsu là sự sống lại cho những người đã chết và Người cũng là sự sống cho những người đang sống. Chính Đức Giêsu Phục Sinh đảm bảo cho những người tin có được sự sống đời này và cả sự sống lại ở đời sau. Bởi chính “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Trong cuộc sống, có muôn vàn cái hữu vây quanh khiến ta mệt mỏi, chán chường, thất vọng và dễ đánh mất niềm tin vào Chúa. Trước đức tin của Mácta, chúng ta phải xét lại đức tin của mình. Trong cầu nguyện, ta đừng bao giờ nghi ngờ hay nản chí. Thay vào đó, ta phải vững tin vào những điều mình xin. Bởi đối với Thiên Chúa thì không có gì là không thể làm được.
Lạy Chúa, cho dù đường đi nguy khó luôn giăng đầy, cho dù đường đời lắm nỗi chông gai, xin cho chúng con một lòng cậy trông nơi Chúa, để qua những khó khăn thử thách, đức tin của chúng con càng thêm vững mạnh hơn. Amen.
Tu sĩ Giuse Phạm Công Minh, SVD
SUY NIỆM 5: GIA ĐÌNH CHỊ EM MARIA (Lc 10, 38-42)
Trong cuộc đời công khai giảng dạy, Chúa Giêsu được nhiều người thương mến và giúp đỡ. Trong số đó không thiếu những người phụ nữ đi theo Chúa, cách đặc biệt một gia đình mà Chúa thường đến thăm và quan tâm tận tình: gia đình của chị em bà Matta và Maria. Các Tin mừng ghi nhận ít là ba lần Chúa đến nhà chị em này (Ga 11, 1-45; 12, 1-11; Lc 10, 38-42).
Làng Bêtania
Nói đến gia đình Matta và Maria chúng ta không thể nào không nhắc đến một địa danh lịch sử, gắn liền với tên tuổi của hai Thánh nữ. Bêtania một làng nằm ở phía đông nam núi Cây dầu, thuộc vùng phụ cận Giêrusalem, trên đường nối liền với Giêricô. Nơi ở của Lazarô, Mátta và Maria(Ga 11,1). Là nơi Chúa cho Lazarô sống lại (Ga 11). Bêtania bây giờ là El-Azariyeh, “nhà của Lazarô”. Nhìn từ xa, làng Bêtania được mô tả như là “nơi tốt đẹp đáng ghi nhớ, nơi ẩn náu của sự bình yên, của nguồn yêu thương”. Bây giờ cũng chỉ là một làng nhỏ. Dân số hiện nay khỏang 5000 người. Bêtania ngày nay là vùng đất tự do, chẳng thuộc quản lý của Israel hay của Palestine. Từ Giêrusalem về Bêtania xe hơi chạy khỏang một giờ đồng hồ”.
Mátta và Maria
Câu chuyện Chúa Giêsu vào nhà Mátta và Maria nghỉ ngơi, khi cùng với các môn đệ đang trên đường rao giảng Tin mừng, cho chúng ta một nét đẹp trong chân dung của người Tông đồ phục vụ anh chị em mình. Trong khi cô em là Maria đang ngồi lắng nghe lời chúa, thì Mátta tất bật với công việc một người nội trợ thật tuyệt vời. Chúa Giêsu không có ý xem nhẹ, thái độ đón tiếp của bà. Bởi Chúa cũng cần lắm những cộng sự viên năng nổ, năng động như Mátta. Nếu làm một cuộc so sánh hai chị em thì chúng ta phải khẳng định rằng: Maria là người thiên về đời sống nội tâm, còn Mátta thì hướng đến sự chia sẻ và trao ban. Cả hai đều là những cách thế thể hiện một tình yêu đón nhận từ Thiên Chúa và tặng ban cho con người. Vả lại, Maria là người em nên có khi hơi ỷ lại một chút, công việc bếp núc cũng có phần nặng nhọc và cần đến sự khéo léo và tài tình, nên dành cho người chị thì có lẻ tốt hơn.
Một lần khác, khi ra chào đón Chúa Giêsu vào thăm trong hòan cảnh người em mới qua đời, Mátta bộc bạch cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy” (Ga 11, 21). Lazarô đã chết, thế nhưng Mátta vẫn tin rằng Chúa Giêsu là sự sống vĩnh cửu của con người. Nói cách khác Mátta tin nhận Thầy Giêsu là Đấng Thiên sai, Đấng Messia mà thiên Chúa tặng ban cho nhân lọai.
Lắng nghe và thực thi Lời Chúa dạy
Tin mừng dù ghi nhận sự khác biệt của hai chị em Maria và Mát-ta trong việc đón nhận lời Chúa, một bên là tĩnh lặng của tâm hồn, một bên là xao động của từng đường gân thớ thịt. Thế nhưng không ai có thể phủ nhận con tim của cả hai đang dạt dào tình yêu mến Thiên Chúa một cách vô bờ bến, trong con người của Mát-ta và Maria.
Kết hợp những nét đẹp rạng ngời của cả hai chị em, mỗi người sẽ thấy được việc lắng nghe và thực thi lời Chúa, chỉ là hai cách thế diễn tả của một tình yêu Giê-su.
Lm Giacôbê Tạ Chúc
SUY NIỆM: THÁNH MÁC-TA, MA-RI-A VÀ LA-DA-RÔ (Lc 10, 38-42)
Hôm nay, Giáo hội kính nhớ các thánh Mát-ta, Ma-ri-a và La-da-rô là 3 chị em ở làng Bê-ta-ni-a. Lễ này đã được Đức Thánh Cha Phan-xi-cô thêm vào lịch phụng vụ chung của Giáo hội Công giáo Rô-ma, ngày 2/2/2021. Ngày này trước đây, chỉ được sử dụng để kính nhớ duy nhất thánh Mát-ta.
Sắc lệnh của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã giải thích rằng Đức Thánh Cha thêm ba vị thánh vào lịch phụng vụ chung của Giáo hội Công giáo Rô-ma “vì chứng tá Phúc âm quan trọng của họ trong việc đón rước Chúa Giê-su vào nhà họ, chăm chú lắng nghe Người, tin rằng Người là sự sống lại và là sự sống.”
Sắc lệnh khẳng định: “Trong ngôi nhà ở Bê-ta-ni-a, Chúa Giê-su cảm nghiệm tình gia đình và tình bạn của Marta, Maria và La-da-rô, và vì lý do này, Phúc âm thánh Gio-an khẳng định rằng Chúa yêu thương họ. Bà Mát-ta đã rộng lượng tiếp đãi Người, bà Ma-ri-a ngoan ngoãn lắng nghe lời Người và ông La-da-rô nhanh chóng đi ra khỏi mộ theo lệnh của Đấng đã chiến thắng sự chết.”
Bài Phúc âm trích đọc trong thánh lễ này (Lc 10, 38-42) minh chứng tình cảm mà chị em nhà này đã dành cho Chúa. Họ tận tình tiếp đãi Chúa mỗi người một cách thế. Dầu vậy, Bài Phúc âm cũng mời gọi chúng ta suy nghĩ về trật tự của những việc chúng ta làm cho Chúa.
Mát-ta đón thầy trong tư cách chị cả. Chị tất bật trong bếp lo bữa ăn để tiếp đãi Thầy, chị lo lắng phải làm sao để tiếp đón Thầy cho xứng. Còn Ma-ri-a đón tiếp Chúa bằng cách thanh thản, lặng lẽ ngồi bên chân Thầy để lắng nghe.
Mát-ta là người đảm đang, thạo việc, nhanh nhẹn. Nhưng chị không muốn khách phải chờ đợi lâu, và chị cũng muốn đãi khách một bữa ăn tương đối thịnh soạn. Nhưng trong tình thế này, chị thấy rất cần sự giúp đỡ của cô em.
Chị đề nghị: “Xin Thầy bảo em giúp con một tay !” Ước mơ của Mát-ta rất đỗi bình thường. Tiếc thay, Thầy Giê-su lại đang kể chuyện cho Ma-ri-a, và cô này đang lắng nghe một cách thích thú. Nhờ Thầy kêu em xuống bếp là phá vỡ câu chuyện còn dang dở của Thầy. Mát-ta bị mối lo về bữa ăn chi phối khiến chị quên cả lịch sự cần có. Chị quên rằng Thầy Giê-su không chỉ cần bữa ăn, mà còn cần tình bạn. Và tiếp khách cũng là một cách phục vụ không kém giá trị.
Thầy Giê-su nhìn thấy sự căng thẳng, lúng túng của Mát-ta. và nhận ra lòng tốt của chị, khi chị muốn dọn một bữa ăn xứng đáng. Thầy gọi tên chị hai lần cách trìu mến: Mát-ta, Mát-ta. Ngài nhẹ nhàng trách chị vì đã lo lắng băn khoăn về nhiều chuyện quá. “Chỉ cần một chuyện thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt hơn”.
Thầy Giê-su không bảo rằng điều Mát-ta làm là điều không tốt. Nhưng ngồi nghe Thầy vẫn là điều tốt hơn, cần hơn.
Cuộc sống hôm nay dễ làm chúng ta bị cuốn vào chọn lựa của Mát-ta, bị đè nặng bởi công việc. Chúng ta quên mất: điều cần hơn là dành thời giờ để gặp Chúa, ở bên chân Chúa mà lắng nghe. 
Đời sống của người Ki-tô hữu là kết hợp hài hoà giữa chọn lựa của Mát-ta và Ma-ri-a. Vừa làm việc của Chúa, vừa gặp gỡ chính Chúa.
Lm. Giu-se Vũ Công Viện
SUY NIỆM 6: MÁCTA, MỘT CON NGƯỜI PHỤC VỤ (Lc 10, 38-42)
Tin Mừng thánh Luc thuật lại rằng: “Trong khi Thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria, cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ” (Lc 10, 38-40 ). Tin Mừng cũng cho thấy, Mácta cũng đón Chúa dùng bữa với gia đình sáu ngày trước lễ phục sinh. Trong hai bữa ăn đó, Mácta tỏ ra tất bật, lo lắng cho Chúa Giêsu và các môn đệ. Cô Mácta có lòng hiếu khách một cách triệt để: thánh nữ bận rộn với việc bếp núc, cố gắng làm những món ăn ngon, hợp khẩu vị để thết đãi Chúa Giêsu và các môn đệ. Lần khác, Chúa Giêsu tới Bêtania và làm cho Lazarô chết bốn ngày, đã nặng mùi, được sống lại. Trước khi làm phép lạ, Mácta đã tuyên xưng lòng tin của mình: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” ( Ga 11,27) Lòng tin của Mácta đưa nhân loại liên tưởng tới lời tuyên xưng của thánh Phêrô. Chính lời tuyên xưng đức tin của vị tông đồ trưởng làm cho Ngài trở nên tảng đá vững chắc, Chúa xây dựng Giáo Hội của Người trên ấy. Mácta tuyên xưng Chúa là Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Điều này nói lên, chính Thiên Chúa đã mạc khải cho thánh nữ và Thánh Thần đã tác động trong thánh nữ để Mácta nhận ra Chúa là Đấng thiên sai phải đến trong thế gian. Mácta bận rộn, lo lắng và trong sự mệt mỏi, thánh nữ đã than phiền về việc Maria không chịu giúp cô làm bếp để hầu hạ và phục vụ Chúa Giêsu cùng các môn đệ: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay” (Lc 10, 40 ). Sự thực Chúa Giêsu rất trân trọng thái độ hiếu khách của Mácta, tuy nhiên, Ngài cũng trách Mácta quá lo âu, lo lắng mà quên đi việc chính yếu là lắng nghe lời Chúa: “Mác ta ! Mácta ơi ! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi“( Lc 10, 41-42 ).
Thái độ nào cần phải có?
Maria em cô Mácta đã lấy thuốc thơm xức cho Chúa, đã ngồi bên chân Chúa mà nghe Chúa giảng dạy (Lc 10,39). Cả hai thái độ của Mácta và Maria đều đáng trân trọng, nhưng phải làm sao để đời sống hoạt động và đời sống chiêm niệm, cầu nguyện trở nên hài hòa. Lo lắng, băn khoăn, náo động mà quên đi phải có những lúc tĩnh, những lúc yên nghỉ để lắng đọng tâm hồn, kết hợp với Chúa, là điều thiếu xót, chưa hoàn hảo. Chúa Giêsu muốn con người vừa phục vụ nhưng phải biết hồi tỉnh để cầu nguyện. Maria và Mácta sẽ bổ túc cho nhau để đời sống trở nên hoàn hảo.
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xưa Con Một Chúa đã nhận lời mời và đến trú ngụ tại nhà thánh nữ Mácta. Nhờ lời thánh nữ cầu thay nguyện giúp, xin Chúa cho chúng con hết tình phục vụ Đức Kitô hiện diện trong mọi người để mai sau được Chúa đón nhận vào nhà Chúa (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh nữ Mácta)
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
SUY NIỆM:
Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.
1/ Em Maria chọn ngồi bên chân Chúa để nghe Ngài giảng dạy: Nhiều người chắc cũng nghĩ như chị Mát-ta: con bé này lười quá hay "mồm miệng đỡ tay chân!" Nhưng đây là một lựa chọn rất tính toán và khôn ngoan, như Chúa Giêsu đã phải khen Maria bên dưới. Một số lý do có thể Maria đã dựa vào để làm sự lựa chọn này:
+ Cô biết rõ thứ tự ưu tiên của cuộc đời: phải chọn Thiên Chúa trước hết. Maria biết chẳng có ai có những lời khôn ngoan và mang lại sự sống như Chúa Giêsu; vì thế, cô phải hoãn tất cả các việc khác để lắng nghe những gì Ngài muốn truyền đạt.
+ Cô biết nắm lấy cơ hội khi nó xảy đến: Một người bận rộn rao giảng như Chúa không dễ gặp. Cô biết cơ hội để đàm đạo với Chúa không thường xảy ra: nếu không biết nắm lấy ngay, cô không biết có còn cơ hội nào khác không! Chúng ta phải học nơi Maria điều này, để khi Chúa gởi những nhà rao giảng đến, chúng ta biết sắp xếp công việc hàng ngày để nghe những gì họ rao giảng. Đừng giả sử cơ hội sẽ có mãi, kẻo phải tiếc nuối sau này!
+ Khách đến nhà không chỉ để ăn, nhưng còn để chuyện vãn, tâm sự. Maria thấy chị bận rộn nấu nướng; cô chọn để trò chuyện với Chúa. Nhiều người chúng ta không chịu để ý đến khía cạnh tế nhị này; nên đã để cho khách ngồi một mình trong phòng khách chờ đợi trong khi chúng ta chuẩn bị thức ăn dưới bếp. Hiểu như thế, quyết định của Maria thật sáng suốt: chị lo nấu ăn, em lo tiếp khách.
2/ Chị Mát-ta chọn để vất vả lo việc phục vụ Chúa Giêsu: Khi một thượng khách như Chúa Giêsu đến nhà, đó là lúc để chủ nhà biểu tỏ tài nội trợ, nấu nướng, và tính hiếu khách. Chúng ta không lạ gì khi Mát-ta quá vất vả lo lắng tới độ cô tiến lại Chúa Giêsu và than phiền với Ngài: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!" Ngược lại với những gì Mát-ta mong đợi, Chúa Giêsu đáp: "Mát-ta! Mát-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." Có nhiều điều chúng ta có thể học hỏi từ câu trả lời của Chúa Giêsu:
+ Mát-ta không hiểu rõ thứ tự ưu tiên của cuộc đời: Chúa Giêsu sữa chữa lỗi lầm cho cô khi Ngài nói: "Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." Thức ăn có ngon mấy chăng nữa rồi cũng qua đi; nhưng Lời Chúa sẽ ở lại trong tâm hồn và soi sáng cho con người biết cách sống thế nào để có hạnh phúc trong cuộc đời.
+ Mát-ta không quan tâm đến người khác: Cô có thể nghĩ chỉ có việc của cô mới đáng làm, việc của Maria không quan trọng! Đây là một lỗi lầm mà nhiều người chúng ta mắc phải. Chúng ta đừng bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như mình, vì mỗi người có những suy nghĩ và hành động khác nhau. Chúng ta cũng không hiểu đủ để xác quyết việc nào là việc tốt nhất, cho đến khi được tuyên bố rõ ràng bởi Thiên Chúa.
+ Mát-ta không biết sắp xếp thời giờ: Có thể Mát-ta không biết khi nào Chúa đến, vì ngày xưa không có thói quen có giờ hẹn như thời nay. Dù sao chăng nữa, Mát-ta không nên lo lắng quá nhiều đến chuyện ăn uống, vì khách tới nhà để thăm viếng chứ không chỉ để ăn! Các gia đình Việt-nam chúng ta cần chú trọng điều này, để đừng làm quá nhiều thức ăn mỗi khi tiếp khách. Hầu hết trong các bữa tiệc, khách không dùng hết một nửa các thức ăn của chủ nhà bày ra. Hậu quả là gia chủ phải ăn đồ thừa hay phải lãng phí thức ăn cách không cần thiết.
Áp dụng trong cuộc sống:
- Chúng ta phải dành ưu tiên hàng đầu cho mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa bằng cách dành thời giờ để cầu nguyện, lắng nghe, học hỏi, và thực hành những gì Chúa dạy.
- Lời Chúa soi sáng cho chúng ta biết cách lựa chọn những điều xảy ra cho phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa; đồng thời cũng cung cấp cho chúng ta sức mạnh để làm theo.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây