Thứ Năm tuần 20 thường niên

Thứ tư - 19/08/2020 08:09

Thứ Năm tuần 20 thường niên. – Thánh Bênađô, viện phụ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Các ngươi gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới".

 

Thánh nhân sinh năm 1090 gần Đi-giông, nước Pháp. Được giáo dục theo nếp sống đạo đức, năm 1111, người nhập dòng các đan sĩ Xitô. Ít lâu sau, người được chọn làm viện phụ. Người đã dùng hoạt động và gương sáng để hướng dẫn các đan sĩ tập luyện các nhân đức. Vì có sự phân ly trong Hội Thánh, người đã đi khắp châu Âu để lo vãn hồi sự hòa bình và hiệp nhất. Người đã biên soạn nhiều tác phẩm thần học và tu đức. Người qua đời năm 1153.

 

Lời Chúa: Mt 22, 1-14

Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: "Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: "Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới". Nhưng những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán, những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: "Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới". Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.

Đoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: "Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?" Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: "Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng!" Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít".

 

 

SUY NIỆM 1: Tiệc cưới đã sẵn sàng

Suy niệm :

Dụ ngôn hôm nay nói về một tình yêu bị từ chối.

Chẳng có gì long trọng và tưng bừng cho bằng tiệc cưới của hoàng tử.

Tiệc cưới này do chính nhà vua khoản đãi với sự chuẩn bị chu đáo.

Vua đã mời các quan khách từ trước, và còn mời nhiều lần sau đó.

Trước những lời mời trân trọng của nhà vua, họ đã chối từ.

Thái độ của quan khách thật không sao hiểu nổi.

Họ chẳng sợ xúc phạm đến nhà vua khi coi chuyện đi buôn và chăn nuôi

quan trọng hơn chuyện dự tiệc cưới hoàng tử (c. 5).

Thậm chí có kẻ còn bắt các đầy tớ, hành hạ và giết đi (c. 6).

Những khách quý bây giờ trở thành kẻ sát nhân.

Họ sẽ phải chịu cơn thịnh nộ ghê gớm của nhà vua về sự xúc phạm đó.

Như thế tiệc cưới cho hoàng tử sẽ đi về đâu?

Ai là người sẽ được mời tiếp theo, khi những người trước tỏ ra bất xứng?

Nhà vua đã đưa ra một quyết định rất bất ngờ.

“Hãy đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới” (c. 9).

Như thế phòng tiệc bây giờ vẫn đầy người được mời, có cả tốt lẫn xấu.

Dụ ngôn trên đây lại được kết nối với một dụ ngôn khác.

Chúng ta ngạc nhiên khi thấy nhà vua đi vào phòng tiệc

để quan sát cách ăn mặc của những vị khách đến từ đường phố (c. 11).

Có người không mặc y phục lễ cưới và đã bị trừng phạt nặng nề (c. 13).

Tại sao lại phạt anh, khi anh bất ngờ được đưa vào ăn cưới?

Nhưng đừng quên các người khác đều mang y phục lễ cưới đầy đủ,

nên anh chẳng nói được gì để tự biện minh (c. 12).

Lịch sự với Thiên Chúa là điều ta dễ quên.

Ngài vẫn trân trọng mời ta dự tiệc chung vui với Ngài, với Con của Ngài.

“Mọi sự đã sẵn, mời quý vị đến dự tiệc cưới” (c. 4).

Đối với Ngài, sự hiện diện của chúng ta đem lại niềm vui lớn.

Khi đa số dân Do thái, những khách quý được mời trước, từ chối Ngài,

Ngài đã không muốn phòng tiệc bị trống, tiệc cưới bị đình hoãn.

Thiên Chúa chấp nhận mở cửa phòng tiệc cho mọi người.

Họ đến từ muôn phương, có người tốt người xấu, để làm nên Giáo hội.

Giáo hội gồm những người được mời và được gọi một cách nhưng không.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần lịch sự với Thiên Chúa, người chủ tiệc,

cần mặc y phục lễ cưới một cách đàng hoàng.

Y phục ấy chính là một đời sống nghiêm túc theo giáo huấn của Đức Giêsu.

Các Kitô hữu chúng ta đã được ngồi trong phòng tiệc của Thiên Chúa.

Chúng ta đã được mời và được gọi để sống trong Giáo hội,

nhưng chưa chắc chúng ta nằm trong số những người được tuyển chọn.

Số người được chọn bao giờ cũng ít hơn số người được gọi.

Để vào số những người được chọn, chúng ta phải biết trân trọng ơn ban.

Có khi chúng ta cũng coi chuyện buôn bán làm ăn của mình

quan trọng hơn những lời mời khẩn thiết đến từ Thiên Chúa.

Làm thế nào để chúng ta giữ được ơn cứu độ Chúa đang ban hôm nay?

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

xin thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa.

Xin ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương,

để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ.

Xin cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa.

Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,

đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.

Ước gì Hội Thánh trở nên men

được vùi sâu trong khối bột loài người

để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.

Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp

để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.

Xin cho Hội Thánh trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,

nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

Cuối cùng xin cho chúng con

biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,

nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,

nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: MẶC ÁO CƯỚI

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thiên Chúa yêu thương luôn ngỏ lời với con người, kết ước với con người. Con người lại luôn phản bội, làm ngơ trước lời mời gọi yêu thương của Chúa. Nhưng Thiên Chúa không thể ngừng yêu thương, nên cuối cùng đã sai Con Một xuống trần gian để mời con người vào dự tiệc tình yêu hạnh phúc với Chúa.

Bữa tiệc cưới hết sức yêu thương vì Chúa Giêsu, Con Một yêu dấu của Chúa Cha đã xuống trần ở với nhân loại, mặc lấy thân xác nhân loại, kết duyên với nhân loại. Hai bản tính hòa hợp làm một trong Chúa Giêsu. Đó là bữa tiệc cưới hạnh phúc. Thế nhưng dân nhiều người chối từ tình yêu của Thiên Chúa vì say mê trần gian. “Kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết”.

Chúa đành phải từ bỏ khách mời cũ để dành chỗ cho những khách mời mới, thuộc đủ mọi chủng tộc, mầu da, ngôn ngữ, giai cấp khác nhau. Chỉ với một điều kiện: Phải mặc áo cưới. Vào dự tiệc cưới thì phải mặc áo cưới. Đó là tự nhiên và hợp lý. Áo cưới là gì? Là con người mới. Là từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa.

Thủ lãnh Ghíp-tắc đã là người mặc áo cưới. Ở nhà thân phụ, ông là con một khách làng chơi. Khi thân phụ qua đời, ông bị các anh em loại trừ. Khi Ít-ra-en bị quân Am-mon đàn áp, Ghíp tắc nhận lời lãnh đạo kháng chiến với điều kiện “Chúa ở với ông”. Chúa đã ở với ông, và ông trở thành một người mới. Ông chiến thắng quân Am-mon. Và hơn thế nữa, ông giữ lời đã thề hứa với Chúa là dâng chính con một của mình cho Chúa. Ông đã trở thành người lãnh đạo nêu gương cho dân vì trung tín giữ lời giao ước. Ghíp-tắc đã bị loại trừ nay lại được mời gọi vào Nước Chúa. Vì ông bỏ ý riêng và trung tín làm theo ý Chúa.

Tiên tri Ê-de-kien cho biết con người mới mặc áo cưới là con người có trái tim mới, một trái tim bằng thịt biết rung động trước tình yêu của Chúa, chứ không còn là trái tim chai đá chỉ biết chạy theo những gian dối của trần gian. Trái tim mới cũng là trái tim trong sạch vì được tẩy rửa trong nước thánh, sạch mọi thần tượng trần gian ô uế và gian tà để xứng đáng đón tiếp tình yêu của Chúa. Trái tim mới là trái tim sống theo Thần Khí, biết đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Chúa và đem ra thực hành. Chứ không còn sống theo xác thịt với những đam mê dục vọng của nó.

Con người mới có trái tim mới đó chính là con người mặc áo cưới mới, xứng đáng với bàn tiệc hạnh phúc Chúa dọn cho nhân loại.

 

SUY NIỆM 3: Tiệc Cưới, Áo Cưới

Dụ ngôn tiệc cưới và chiếc áo cưới trong Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta mặc lấy một trong những tâm tình cơ bản nhất của Kitô giáo, đó là hân hoan, vui mừng. Kitô giáo thiết yếu là đạo của Tin Mừng.

Trong rất nhiều sinh hoạt và hình ảnh của cuộc sống, Chúa Giêsu đã chọn bữa ăn như dấu chỉ ưu việt nhất để rao giảng Tin Mừng của Ngài. Nước Trời giống như một tiệc cưới, đây là một trong những hình ảnh được Chúa Giêsu sử dụng nhiều nhất để nói lên niềm vui của Nước Trời. Chúa Giêsu cũng mặc cho bữa tiệc của Ngài một ý nghĩa tượng trưng đặc biệt. Chúng ta chỉ cần nhớ lại tiệc cưới Cana, trong đó Chúa Giêsu đã biến nước thành rượu để khách dự tiệc được tiếp tục cuộc vui. Ngài dự tiệc do Lêvi, do Zakêu và rất nhiều người thu thuế khoản đãi; Ngài đồng bàn với họ, chia sẻ một tấm bánh và uống một chén rượu với họ.

Không những đồng bàn với những người tội lỗi, Chúa Giêsu cũng không từ chối lời mời của những người Biệt phái, những người giàu có. Ngài chia sẻ bữa ăn thân thiết với gia đình Marta, Maria và Lazarô tại Bêtania. Ngài thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong bữa ăn cuối cùng của Ngài với các môn đệ. Sau khi sống lại, Ngài ngồi đồng bàn với hai môn đệ trên đường Emmau. Ngài hiện ra trên bờ hồ và chuẩn bị bữa ăn cho các môn đệ, rồi Ngài cùng ăn cùng uống với các ông.

Bữa ăn là nơi thể hiện của những giá trị cao quí nhất trong cuộc sống của con người, như gặp gỡ, hiệp thông, trao ban, chia sẻ, hân hoan. Chính vì ý nghĩa cao quí ấy, Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh bữa tiệc để nói lên những thực tại Nước Trời. Ðến đây, chúng ta hiểu được ý nghĩa của hình ảnh chiếc áo cưới mà thực khách phải mặc vào khi dự tiệc cưới. Chiếc áo cưới ấy chính là tâm tình gặp gỡ, chia sẻ, trao ban, hân hoan mà con người phải mặc lấy để thuộc về Nước Trời.

Có người đã tưởng tượng ra Thiên đàng, hỏa ngục như hai bàn tiệc. Bàn tiệc dưới hỏa ngục cũng mâm cao cỗ đầy, thế nhưng khách dự tiệc thì ngồi ủ rũ buồn thiu, bởi vì mỗi người đều cầm trong tay một đôi đũa dài đến độ thức ăn thì gắp được, nhưng không thể đưa thức ăn vào miệng. Bàn tiệc trên Thiên đàng cũng y hệt, nhưng khác một điều, là thay vì gắp thức ăn cho vào miệng mình, người ta lại gắp thức ăn và đưa vào miệng người đối diện, thế là vui vẻ cả, vì ai cũng được ăn uống no nê.

Ước gì niềm vui bàn tiệc thánh mà chúng ta tham dự cũng được tiếp tục thể hiện trong đời thường của chúng ta. Ước gì cả cuộc sống chúng ta luôn được diễn ra trong gặp gỡ, chia sẻ, trao ban, vui tươi, nhờ đó chúng ta cảm nhận được niềm vui đích thực của Nước Trời và thắng vượt được mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Mặc Áo Cưới

Thiên Chúa ban ơn và mời gọi mọi người đến lãnh nhận ơn cứu rỗi để được hưởng hạnh phúc đời đời, điều này được diễn tả qua hình ảnh bữa tiệc cưới được dọn ra cho con người nhưng những kẻ được mời đã không đến dự. Con người tìm hạnh phúc ở nơi khác ngoài Thiên Chúa, ngoài chương trình Thiên Chúa mong muốn. Sự chối từ của con người không làm cho Thiên Chúa bỏ dở công cuộc của Ngài, Ngài tiếp tục mời gọi con người đến với Ngài. Nhưng có một chi tiết đáng lưu ý, những kẻ bước vào dự tiệc phải giữ điều tối thiểu đó là mặc áo cưới. Các nhà chú giải hiểu việc mặc áo cưới như là mặc lấy Chúa Kitô và được thánh Phaolô tông đồ giải thích nơi thư Êphêsô như sau: "Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa kia, là con người phải hư nát vì những ham muốn lừa lọc. Anh em phải để Thánh Thần đổi mới tâm trí anh em và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thực sự sống công chính và thánh thiện". Ðể vào Nước Thiên Chúa theo lời mời gọi của Chúa, mọi người phải mặc áo cưới, tức là mặc lấy Chúa Kitô, sống thánh thiện, từ bỏ những hành vi xấu xa tội lỗi. Thiên Chúa luôn ban ơn nhưng con người cần cộng tác với ơn Chúa. Chúng ta đừng tìm lý do trì hoãn sự dấn thân đáp trả lời mời gọi của Chúa.

Lạy Chúa

Chúng con chúc tụng lòng nhân từ của Chúa muốn ban ơn cứu rỗi cho tất cả mọi người. Xin giúp chúng con mau mắn đáp lại tiếng Chúa kêu mời, luôn canh tân đời sống, mặc lấy Chúa Kitô để thực sự vui hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa, cùng hiệp an với các thánh nhân trên trời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 5: Cơ Hội Cho Kẻ Giàu

Đức Giêsu lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: “Nước Trời cũng giống như vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến.”

Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy đó có một người không mặc y phục lễ cưới. (Mt. 22, 1-3, 10-11)

Người ta cho rằng dụ ngôn này ám chỉ người Do-thái trước hết. Chính họ là những người nghe đầu tiên, thế mà khi nói với họ, Người lại bị họ theo dõi… truy lùng…. Họ là những người giầu trong Nước Trời. họ được đặc quyền sống với Thiên Chúa từ bao thế kỷ rồi.

Khách mời của Chúa.

Luôn luôn có nhiều người giầu trên thế giới. Nước Trời được dâng biếu cho họ trước hết. Đúng vì họ giầu, họ có thể giúp đỡ người nghèo. Họ có thể hiến thân. Nếu họ đi sai, có phải chính vì họ không nghe tiếng Chúa không?

Để dự tiệc cưới…

Không thiếu những kẻ muốn dự tiệc cưới. Không phải chỉ vì họ không có gì tặng, nhưng chỉ vì họ không chịu mặc áo cưới: đó là điều kiện độc nhất như luật tiệc cưới buộc. Ngạc nhiên ư? nếu người ta chấp nhận thì phải mặc trang phục tiệc cưới để vào ăn cưới theo tục lệ thời đó. Thế mà vào dự tiệc, chúng ta lại quá tự do, tự diễn không theo ý chủ mời nên mới phải chịu trách nhiệm! Đàng khác, chúng ta được lựa chọn, có thể từ chối. Nhiều người đã xin lỗi từ chối. Ngày nay, người ta lấy cớ giữ giới răn thì cổ lỗ chừng nào. Giáo lý của Giáo Hội nhất là về công bằng, bác ái thì lạc hậu biết bao!

Người ta thỏa mãn với nhiều thần tượng khác, người ta sống trong giầu có dư thừa và độc lập tự mãn; tại sao tự khép kín, tự tôn mình làm Thiên Chúa như thế?

Vua sai đầy tớ đi thỉnh khách đã được mời trước, nhưng họ từ chối. Chúng ta từ chối, chúng ta phải hứng chịu những hậu quả ghê gớm mai ngày sau cái chết, và ngay ngày hôm nay chúng ta đang sống. Những giới răn của Thiên Chúa không còn giá trị nữa sao? Chúng ta đã thay thế giới răn đó bằng thứ gì? Người ta từ chối dự tiệc Nước Trời để được tự do: như đứa con hoang đàng, chúng ta bằng lòng dự tiệc với đồ ăn của heo sao?

Nhưng Cha trên trời đang ở đó để chờ đợi chúng ta luôn luôn! chúng ta không chỉ là khách được mời, chúng ta còn là con Cha nữa.

J.M

 

SUY NIỆM 6: Y PHỤC LỄ CƯỚI (Mt 22, 1-14)

Xem lại CN 28 TNA, Thứ Ba tuần 31 TN.

Hôm nay, Tin Mừng trình thuật việc Đức Giêsu lấy hình ảnh hôn lễ để nói về Nước Trời. Ông Vua chính là Thiên Chúa Cha. Hoàng Tử là Đức Giêsu. Hôn Thê là Giáo Hội. Khách được mời là dân Dothái, nhưng họ đã khước từ, vì thế khách được mời là hết mọi người, không phân biệt. Ngày cưới là ngày chung cuộc, ngày phán xét, ngày Vua tập hợp tất cả mọi người trên mọi nẻo đường, mọi thành phần tốt cũng như xấu, và đến giờ, nhà vua mới tiến vào và phán xét mọi người để phân biệt đâu là chiên và đâu là dê!

Tiêu chuẩn để không bị xét xử là phải mặc y phục lễ cưới. Nếu không sẽ bị đuổi ra ngoài.

Y phục mà Đức Giêsu muốn nói đến ở đây là gì? Thưa! Đó là sự đổi mới. Đổi mới là từ bỏ lòng ích kỷ cá nhân để mặc vào lòng bác ái vị tha. Từ bỏ sự hiềm khích, vô ơn, bất chính, để mặc vào  tình yêu thương chân chính và lòng biết ơn. Từ bỏ sự hờ hững, vô tâm để mặc lấy lòng nhiệt thành, liên đới, cảm thông.

Vì thế, mặc y phục lễ cưới là mặc lấy tinh thần mới, lối nhìn mới và cách sống mới. Tiếc thay, điều kiện của Vua thì rất là dễ, nhưng lại trở thành quá khó đối với một số người cố thủ trong ích kỷ, biếng nhác, tham lam và ghen ghét. Vì thế, họ bị đuổi ra ngoài.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức lại việc mình được mời đến dự tiệc Thánh Thể và Lời Chúa hằng ngày. Tuy nhiên, chúng ta đã đáp trả như thế nào? Thờ ơ lãnh đạm như dân Dothái xưa không đi dự tiệc vì quá nhiều bận rộn trong đời sống, hay chúng ta đi dự tiệc mà không mặc y phục lễ cưới là phẩm hạnh của bàn tiệc mà Đức Giêsu đòi hỏi như: y phục của lòng tin, cậy, mến; y phục của lòng ăn năn sám hối và sự kính trọng đối với Thiên Chúa; y phục của tình yêu thương, liên đới và chia sẻ với người nghèo!

Mong thay, mỗi người chúng ta, khi được tham dự bàn tiệc Thánh Thể và Lời Chúa thì cũng được biến đổi, để ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và đủ điều kiện để một ngày kia tham dự vào bàn tiệc Thiên Quốc. Amen.

Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM

1. Biểu tượng “tiệc cưới”

Biểu tượng “tiệc cưới” thật quen thuộc đối với chúng ta, bởi vì tiệc cưới cũng là một sự kiện mà ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm; có thể chúng ta chưa và sẽ không bao giờ làm đám cưới, nhưng chắc chắn đã từng đi ăn cưới. Tuy nhiên, dụ ngôn “tiệc cưới” của Đức Giê-su lại gây ra cho chúng ta nhiều thắc mắc, thậm chí những vấn nạn, bởi lẽ dụ ngôn có nhiều điều điều lạ lùng, hay không bình thường.

Tiệc cưới là một trong những hình ảnh rất sống động diễn tả lời ca tụng, chính vì thế Đức Giê-su hay dùng để nói về Nước Trời, cùng đích của sáng tạo và lịch sử cứu độ. Tiệc cưới là hình ảnh sống động diễn tả lời ca tụng, bởi vì đó là nơi chốn của niềm vui (lời ca tiếng hát) và hiệp thông (một cơ hội lớn để qui tụ), và là cơ hội để tạ ơn, ca tụng Chúa và chúc mừng nhau. Đó là tâm tình của Thánh Lễ Hôn Phối và nghi thức cầu nguyện tại gia đình hai họ khi tiễn và đón cô dâu.

Và để chia vui và hiệp thông với mọi người trong lời chúc mừng và tạ ơn, mỗi người được mời phải ra khỏi nhà, đôi khi phải đi thật xa và thật sớm, phải tạm dừng nhịp sống bình thường và quen thuộc của mình, phải tạm gác công việc đôi khi quan trọng và cấp bách và nhất là phải ra khỏi những bận tâm để có một tâm hồn cởi mở, có được sự tự do nội tâm.

Trong dụ ngôn, những người được mời đã không làm được như vậy: được mời trước, và được thỉnh tại nhà một lần nữa, họ vẫn không chịu đến! Nhà vua lại sai các tôi tớ đi mời thêm một lần nữa, và đây là lần thứ ba với lời dặn tha thiết: “Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!”(c. 4) Chúng ta cần cảm nhận rằng, cả lời mời gọi lẫn lời từ chối đều được đẩy tới mức độ triệt để. Nhưng, như chúng ta thấy, họ không ra khỏi được thế giới riêng của mình, họ như là bị giam ở trong đó và vì thế tất yếu dẫn đến bạo lực:

Quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. (c. 5-6)

Đó chính là năng động tất yếu của sự chối từ và đóng kín. Thái độ ngược lại là ra khỏi mình để chia vui, hiệp thông, chúc mừng và ca tụng; và thái độ này làm cho chúng ta được tự do với những gì giam cầm chúng ta, và giải thoát khỏi những năng động đóng kín gây chết chóc. Chúng ta đôi khi cũng có thái độ và hành động tương tự đối với lời mời gọi nhưng không và tha thiết của Chúa đến tham dự cầu nguyện, Thánh Lễ, hay những dịp gặp gỡ để diễn tả niềm vui và hiệp thông.

2. Những điều lạ lùng

Một vị vua mở tiệc cưới cho hoàng tử là điều bình thường, nhưng cách vua mời các quan khách thì thật là lạ: vua đã gởi “thiệp mời” trước rồi, nhưng sắp đến ngày cưới lại sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời. Điều này lạ, nhưng cũng không quá lạ, nhất là đối với chúng ta ngày nay, vì người đã nhận được thiệp mời rồi, vẫn có thể nhận được lời nhắc nhở qua điện thoại hay tin nhắn trước ngày lễ.

Điều lạ lùng hơn là khi nhà vua thêm một lần nữa sai những đầy tớ khác đi, và lần thứ hai này có một sứ điệp rất quảng đại, rất tha thiết và rất hiếu khách:

Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: “Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!” (c. 4)

Từ chối không đến dự tiệc cưới vì bận việc, phải đi thăm nông trại, phải đi buôn (những việc cần phải tiến hành đúng lúc), cũng là chuyện bình thường; nhưng “bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết” là điều hoàn toàn không bình thường. Điều này thật không bình thường trong dụ ngôn, nghĩa là trong câu chuyện Đức Giêsu đang kể, nhưng lại là điều có thật trong lịch sử: những người được Thiên Chúa sai đến để nói về tình yêu nhưng không và lòng thương xót của Thiên Chúa đều đã bị bách hại ; và tất cả các nhân chứng bị bách hại trong lịch sử loài người hội tụ nơi Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh, Đấng bị loại trừ “hoàn hảo” nhất; điều này đã diễn ra trong quá khứ, nhưng vẫn còn đang diễn ra hôm nay và sẽ còn như thế nữa.

Sự kiện những kẻ tàn ác và sát nhân bị tru diệt, đó là điều bình thường trong lịch sử và cả trong lịch sử cứu độ nữa, như lời Thánh Vịnh nói: “Cho bọn ác nhân sa vào hố chính chúng đào” (Tv 141, 10). Bởi lẽ, ai chọn hành xử bạo lực, thì sẽ chứng kiến bạo lực đổ xuống trên chính mình. Nhưng tiệc cưới đã chuẩn bị xong và đã bày ra bàn rồi, mà đưa quân đi đánh nhau, quả là điều rất lạ lùng! Ở đây không phải là thanh toán một vài người nhưng là tiêu diệt cả một thành, nghĩa là phải tiến hành chiến tranh ! Sau cùng, Nhà Vua quyết định mời tất cả mọi người:

Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới. (c. 9)

Đây là một trong những chi tiết lạ lùng nhất của dụ ngôn và chi tiết này nói lên cách tuyệt vời ơn huệ quảng đại và nhưng không của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người không phân biệt. thể hiện nơi Đức Giê-su. Ơn huệ Thánh Lễ hằng ngày nhắc nhớ và diễn tả cho chúng ta tình yêu quảng đại và nhưng không này của Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều lạ lùng lớn nhất và cũng là cũng là khó khăn lớn nhất của dụ ngôn, chính là vấn đề “y phục lễ cưới”.

Chúng ta thường đi thẳng vào ý nghĩa đạo đức hay luân lí của hình ảnh “y phục lễ cưới”: trách nhiệm luân lí, lương tâm ngay thẳng, những việc đạo đức và bác ái… Tuy nhiên, nếu chúng ta đặt chi tiết “y phục lễ cưới” vào trong toàn bộ dụ ngôn, chúng ta thấy có nhiều điều không bình thường:

  • Đang đi đường, được kéo vào phòng tiệc, thì làm sao mà có áo đẹp và đúng nghi thức được.
  • Những người kia cũng từ ngoài đường đi vào đột xuất, tại sao họ có y phục lễ cưới, còn người này thì không? Tại sao chỉ có một người? Xét cho cùng xác xuất rất ít: một trên nhiều ngàn người!
  • “Y phục lễ cưới” không thể là đức hạnh hay đời sống luân lí được, vì trong phòng cưới đầy người: “xấu tốt” : « Các đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận tốt xấu, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách » (c. 10).

Tóm lại, hình ảnh “y phục lễ cưới” vừa không khớp với toàn bộ câu chuyện, vừa khó tìm ra ý nghĩa. Chính vì thế, Giáo Hội cho phép không đọc phần này; để cho phần kết của dụ ngôn trở nên “có hậu” hơn[1].

 3. Ơn huệ “y phục lễ cưới”

Tuy nhiên, chi tiết này lại là đỉnh cao của dụ ngôn, dụ ngôn này và của hai dụ ngôn trước, dụ ngôn “hai người con” và dụ ngôn “những tá điền sát nhân”, được thánh sử Mát-thêu kể lại trong Mt 21, 28-46:

  • Lời của nhà vua ngỏ đích thân với một người được mời; hình ảnh này muốn nói cho chúng ta rằng, những người trong phòng tiệc không thể là một đám đông ô hợp, dù trước đó họ đã là như thế, và từng người trong phòng tiệc không thể là vô danh với nhau và nhất là với Nhà Vua.
  • Nhà Vua ước ao đi vào tương quan đích thân với từng người được mời. Và riêng với người này, Ngài chất vấn về cái thiếu của anh ta, cái thiếu rất quan trọng và rất thiết yếu. Trước mặt Chúa, trước ân huệ và lòng thương xót của Chúa, ai trong chúng ta cũng đều thiếu điều gì đó rất quan trọng, rất riêng tư và rất sâu thẳm; và chỉ có một mình Chúa và chúng ta mới biết được thôi.
  • Chúa hỏi và Chúa chờ đợi chúng ta trả lời. Thiếu sót nghiêm trọng của nhân vật trong dụ ngôn có lẽ không phải là « y phục », cho bằng anh đã “câm miệng”, vì sợ hãi hay vì không muốn mở lòng ra, đi ra khỏi chính mình để đáp lời Nhà Vua với tất cả con người thật của mình và kêu cầu lòng thương xót.

Từ ngoài đường vào phòng tiệc cưới, không ai có được “y phục lễ cưới”. Chúng ta hãy đáp lại lời mời của Chúa và cả lời chất vất nữa; chúng ta hãy giải bày con người thật của mình và xin Ngài ban cho chúng ta “y phục lễ cưới”.

*  *  *

Thực ra Chúa ban cho chúng ta rồi, chúng chỉ cần mặc vào thôi, đó ơn công chính mà Thiên Chúa ban không cho mỗi người chúng ta nơi Đức Giê-su:

Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su. (Rm 3, 23 -24)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Đó là trường hợp dụ ngôn này được công bố vào Chúa Nhật XXVIII, Thường Niên, Năm A.
 

Họ không muốn đến để dự tiệc! – SN Song ngữ ngày 20.8.2020

 

Thursday (August 20): They would not come to the feast!

Scripture: Matthew 22:1-14

1 And again Jesus spoke to them in parables, saying, 2 “The kingdom of heaven may be compared to a king who gave a marriage feast for his son,3 and sent his servants to call those who were invited to the marriage feast;but they would not come. 4 Again he sent other servants, saying, `Tell those who are invited, Behold, I have made ready my dinner, my oxen and my fat calves are killed, and everything is ready; come to the marriage feast.’ 5 But they made light of it and went off, one to his farm, another to his business, 6 while the rest seized his servants, treated them shamefully, and killed them. 7 The king was angry, and he sent his troops and destroyed those murderers and burned their city. 8 Then he said to his servants, `The wedding is ready, but those invited were not worthy. 9 Go therefore to the thoroughfares, and invite to the marriage feast as many as you find.’ 10 And those servants went out into the streets and gathered all whom they found, both bad and good; so the wedding hall was filled with guests. 11 “But when the king came in to look at the guests, he saw there a man who had no wedding garment; 12 and he said to him, `Friend, how did you get in here without a wedding garment?’ And he was speechless. 13 Then the king said to the attendants, `Bind him hand and foot, and cast him into the outer darkness; there men will weep and gnash their teeth.’ 14 For many are called, but few are chosen.”

Thứ Năm  20-8           Họ không muốn đến để dự tiệc!

 

Mt 22,1-14

1 Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng:2 “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình.3 Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến.4 Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: “Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới! “5 Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn,6 còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết.7 Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng.8 Rồi nhà vua bảo đầy tớ: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng.9 Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.”10 Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.11 “Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới,12 mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới? ” Người ấy câm miệng không nói được gì.13 Nhà vua liền bảo những người phục dịch: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng!14 Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.”

Meditation: 

What can a royal wedding party tell us about God’s kingdom? One of the most beautiful images used in the Scriptures to depict what heaven is like is the wedding celebration and royal feast given by the King for his newly-wed son and bride. Whatever grand feast we can imagine on earth, heaven is the feast of all feasts because the Lord of heaven and earth invites us to the most important banquet of all – not simply as bystanders or guests – but as members of Christ’s own body, his bride the church! The last book in the Bible ends with an invitation to the wedding feast of the Lamb – the Lord Jesus who offered his life as an atoning sacrifice for our sins and who now reigns as King of Kings and Lord of Lords. The Spirit and the Bride say, Come! (Revelations 22:17).  The Lord Jesus invites us to be united with himself in his heavenly kingdom of peace and righteousness.

 

 

 

Whose interests come first – God or mine?

Why does Jesus’ parable of the marriage feast seem to focus on an angry king who ends up punishing those who refused his invitation and who mistreated his servants? Jesus’ parable contains two stories. The first has to do with the original guests invited to the marriage  feast. The king had sent out invitations well in advance to his subjects, so they would have plenty of time to prepare for coming to the feast. How insulting for the invited guests to then refuse when the time for celebrating came! They made light of the King’s request because they put their own interests above his. They not only insulted the King but the heir to the throne as well. The king’s anger is justified because they openly refused to give the king the honor he was due. Jesus directed this warning to the Jews of his day, both to convey how much God wanted them to share in the joy of his kingdom, but also to give a warning about the consequences of refusing his Son, their Messiah and Savior.

 

 

 

 

An invitation we cannot refuse!

The second part of the story focuses on those who had no claim on the king and who would never have considered getting such an invitation. The “good and the bad” along the highways certainly referred to the Gentiles (non-Jews) and to sinners. This is certainly an invitation of grace – undeserved, unmerited favor and kindness! But this invitation also contains a warning for those who refuse it or who approach the wedding feast unworthily. God’s grace is a free gift, but it is also an awesome responsibility.

Cheap grace or costly grace?

Dieterich Bonhoeffer, a Lutheran pastor and theologian in Germany who died for his faith under Hitler’s Nazi rule, contrasted “cheap grace” and “costly grace”.

“Cheap grace is the grace we bestow on ourselves… the preaching of forgiveness without requiring repentance… grace without discipleship, grace without the cross, grace without Jesus Christ, living and incarnate… Costly grace is the gospel which must be sought again and again, the gift which must be asked for, the door at which a man must knock. Such grace is costly because it calls us to follow Jesus Christ. It is costly because it costs a man his life, and it is grace because it gives a man the only true life.”

 

 

 

God invites each of us as his friends to his heavenly banquet that we may celebrate with him and share in his joy. Are you ready to feast at the Lord’s banquet table?

 

“Lord Jesus, may I always know the joy of living in your presence and grow in the hope of seeing you face to face in your everlasting kingdom.”

 

Suy niệm:

 

 Tiệc cưới của nhà vua nói với chúng ta điều gì về nước Thiên Chúa? Một trong những hình ảnh đẹp đẽ nhất được dùng trong Kinh thánh để miêu tả nước Chúa ra sao là bữa tiệc cưới mà nhà vua tổ chức cho con mình. Những gì có trong bữa tiệc, chúng ta đều có thể nhận thấy ở thế gian. Thiên đàng là bữa tiệc trên hết các bữa tiệc, bởi vì Chúa trời đất mời gọi chúng ta đến dự bữa tiệc quan trọng nhất trong tất cả các bữa tiệc – không chỉ đơn giản là những người qua đường hay khách khứa – nhưng là các thành phần trong thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô, hiền thê của Người là Giáo hội! Quyển sách cuối cùng trong Kinh thánh kết thúc với lời mời gọi đến bữa tiệc của Con Chiên – Chúa Giêsu, Đấng ban tặng cho chúng ta mạng sống của Người như của lễ đền bù vì tội lỗi chúng ta, và là Đấng giờ đây đang hiển trị, là Vua trên hết các vua, là Chúa trên hết các chúa. Thần Khí và Hiền thê nói rằng “Hãy đến!” (Kh 22,17). Chúa Giêsu mời gọi chúng ta kết hiệp với Người trong vương quốc bình an và công chính của Người.

Mối quan tâm của ai trước – TC hay của tôi?

Tại sao dụ ngôn của Đức Giêsu về bữa tiệc cưới xem ra nhắm tới vị vua giận dữ, đã trừng phạt những kẻ từ chối lời mời của ông, và cư xử không tốt với đầy tớ của ông? Dụ ngôn của Đức Giêsu gồm hai câu chuyện. Câu chuyện thứ nhất nói tới những vị khách đầu tiên được mời tới bữa tiệc cưới. Nhà vua đã gởi lời mời trước tới các thần dân của ông, cho nên lẽ ra họ phải có nhiều thời gian để chuẩn bị đi dự tiệc. Thật sỉ nhục biết bao cho những vị khách được mời lại từ chối khi thời gian cử hành tiệc cưới bắt đầu! Họ xem thường lời mời của nhà vua, bởi vì họ đặt những quyền lợi của mình lên trên quyền lợi của nhà vua. Họ không chỉ sỉ nhục nhà vua, mà còn sỉ nhục cả người sẽ thừa kế ngai vàng. Cơn giận của nhà vua thật chính đáng bởi vì họ công khai từ chối bày tỏ lòng kính trọng đối với vua mà lẽ ra phải có đối với ông. Đức Giêsu trực tiếp nói lời cảnh báo này tới những người Do thái thời đó, vừa muốn truyền đạt thông điệp Thiên Chúa muốn họ chia sẻ niềm vui trong vương quốc của Người biết bao, vừa đưa ra lời cảnh báo về những hậu quả của việc từ chối Con của Người, Đấng Mêsia và Cứu tinh của họ.

Lời mời chúng ta không thể từ chối!

Phần thứ hai của câu chuyện quy chiếu vào những người đòi hỏi nhà vua và cũng không bao giờ nghĩ mình được mời đến dự một bữa tiệc như thế. Những người “tốt và xấu” trên đường đi chắc hẳn nhắm đến những người ngoại giáo và tội lỗi. Đây chắc chắn là một lời mời của ơn sủng – ơn sủng và lòng tốt không tương xứng! Nhưng lời mời này cũng hàm chứa một lời cảnh báo cho những ai từ chối nó, hay những ai đến tham dự bữa tiệc cưới cách bất xứng. Ơn sủng là một món quà nhưng không, nhưng nó cũng là một trách nhiệm đáng sợ.

Ơn sủng rẻ tiền hay đắt giá?

Dieterich Bonhoeffer, một mục sư Tin lành và là nhà thần học ở Đức, người đã chết cho niềm tin của mình dưới thời cai trị của nhà độc tài Đức quốc xã Adolf Hitler, đã làm nổi bật sự khác nhau giữa “ơn sủng rẻ tiền” và “ơn sủng quý giá”.

“Ơn sủng rẻ tiền là ơn sủng chúng ta cầu xin cho mình… chủ trương ơn tha thứ mà không cần hoán cải ăn năn… ơn sủng không có luật lệ, ơn sủng không có thánh giá, ơn sủng không có Đức Giêsu Kitô sống động và nhập thể… Ơn sủng quý giá là Tin mừng, phải được tìm kiếm không ngừng, là quà tặng phải được cầu xin, là cánh cửa mà người ta phải gõ. Ơn sủng như vậy là quý giá, bởi vì nó kêu gọi chúng ta đi theo Đức Giêsu Kitô. Nó thật quý giá bởi vì nó đòi chính mạng sống của người ta, và nó là ơn sủng bởi vì nó ban cho người ta sự sống duy nhất và chân thật.”

Thiên Chúa mời gọi mỗi người chúng ta như những người bạn hữu đến bữa tiệc nước trời, mà chúng ta có thể tham dự với Người và chia sẻ niềm vui với Người. Bạn có sẵn sàng đến dự bàn tiệc của Chúa chưa?

Lạy Chúa Giêsu, ước gì con luôn luôn biết hân hoan sống trong sự hiện diện của Chúa và lớn lên trong hy vọng được thấy mặt Chúa diện đối diện trong nước Trời.”

 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây