THỨ NĂM TUẦN V PHỤC SINH NĂM C Ga 15,9-11

Thứ sáu - 16/05/2025 11:34
THỨ NĂM TUẦN V PHỤC SINH NĂM C
Ga 15,9-11

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
9Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.
10Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.
11Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

SUY NIỆM 1: HỌC CHÚA YÊU THƯƠNG
Ngày nay người ta nói rất nhiều về Tình yêu. Tình yêu được ca tụng trong mọi lãnh vực, từ phim ảnh, tiểu thuyết, báo chí, đến thi ca; và đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc. Bởi tình yêu luôn truyền cho con người nguồn cảm hứng và ý nghĩa để tiếp tục sống.
Nhưng nghịch lý thay, cũng chưa bao giờ con người lại sống thiếu tình yêu như ngày hôm nay. Hằng ngày trên các trang mạng xã hội liên tục đưa tin về các vụ chém giết lẫn nhau, con cái hất hủi cha mẹ, anh chị em ruột thịt kiện tụng để tranh giành đất đai. Mỗi năm có đến hàng chục ngàn thai nhi vô tội bị giết bỏ. Ngay cả vợ chồng từng thề non hẹn biển sẽ yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời, nhưng rồi cũng đòi ly thân ly dị… Chắc không khó để mỗi người nhận thấy điều đó xung quanh cuộc sống của chúng ta.
Tại sao lại như thế thưa cộng đoàn? Tại sao ngày nay chúng ta nói nhiều về tình yêu nhưng lại không sống trọn vẹn được hai tiếng “yêu thương” ngọt ngào ấy?
Thưa, là tại vì chúng ta không nhắm đến một tiêu chuẩn nào để sống yêu thương. Chúng ta yêu thương chủ yếu dựa trên cảm xúc “lúc nắng lúc mưa”: vui thì yêu mặn nồng tha thiết-yêu chẳng biết điểm dừng, còn buồn thì cho rằng không cần thiết phải tiếp tục yêu thương.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta biết làm thế nào để có thể sống trọn vẹn 2 tiếng “yêu thương”.
Đầu tiên, chúng ta cần phải có một tiêu chuẩn để sống yêu thương, tiêu chuẩn đó không ai khác là chính Chúa.

Mỗi người được mời gọi hãy ở lại trong tình yêu của Chúa để cảm nhận thật sâu thế nào là Thiên Chúa yêu thương con người: hãy nhớ lại xem, Thiên Chúa đã yêu thương con người như thế nào, Ngài đã làm những gì, hy sinh những gì; để rồi ta học đòi bắt chước.
Kế đến, chúng ta cần phải có những hành động cụ thể để chứng tỏ mình là người biết sống yêu thương. Và việc tuân giữ các giới răn của Chúa là cách thức để chúng ta thể hiện tình yêu của mình.
Nếu chúng ta không thảo kính cha mẹ, chúng ta phá bỏ các thai nhi là máu mủ của mình, chúng ta không giữ sự công bằng với anh chị em, chúng ta ham muốn vợ chồng người khác; thì làm sao chúng ta có thể nói là chúng ta biết sống yêu thương được.
Và sau cùng, là có những dấu hiệu để giúp ta nhận ra mình có thật sự biết yêu thương hay không, dấu hiệu đó chính là niềm vui.
Nếu chúng ta sống theo các giới răn của Chúa mà chúng ta cảm nhận được niềm vui. Nếu chúng ta hy sinh tất cả vì hạnh phúc gia đình, nếu chúng ta nhịn nhục những người xung quanh, nếu chúng ta tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình, mà chúng ta cảm nhận được niềm vui qua những hành động ấy; thì đó là dấu hiệu cho biết tình yêu trong ta rất dạt dào.
Tóm lại, lời Chúa hôm này muốn nhắc nhở chúng ta rằng, 2 chữ “yêu thương” tuy rất gần gũi những cũng rất khó sống, tuy nó ngắn gọn nhưng ý nghĩa rất sâu xa. Mỗi người cần phải ở lại trong tình yêu của Chúa và tuân giữ các giới răn của Ngài, thì mới hiểu hết và sống đúng 2 tiếng “yêu thương”.
Ai làm được như thế và cảm nhận được niềm vui thì đó mới là người biết yêu thương thật sự. Amen.
Lm Antôn

SUY NIỆM 2: ANH EM HÃY Ở LẠI TRONG TÌNH THƯƠNG CỦA THẦY
Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,16). Chúa Giê-su yêu con người với tình yêu bao la của Thiên Chúa. Ngài tha thiết mời gọi con người “ở lại” trong tình yêu thương của Ngài.
Giống như sự liên kết giữa cây nho và cành nho, động từ “ở lại” diễn tả một sự kết hợp mật thiết, thân tình của con người với Chúa Giê-su. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể “ở lại” trong tình thương của Ngài. Chúa đã chỉ cho chúng ta con con đường cụ thể: đó là tuân giữ các điều răn của Chúa, là những đòi hỏi căn bản và nền tảng cho nếp sống của người tín hữu. Tuy nhiên, tất cả giới răn này đều quy hướng về tình yêu thương (x. Mt 22,34-40) và suy cho cùng, Chúa Giê-su muốn chúng ta “ở lại” trong tình yêu của Ngài, nghĩa là hãy sống với tình yêu mà Ngài đã yêu chúng ta, tình yêu của người dám hiến mạng sống mình vì người mình yêu (x. Ga 15,12-13).

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, trong một bài giảng tại nhà nguyện Thánh Mác-ta đã giải thích rằng việc Chúa Giê-su mời gọi con người “ở lại” trong tình yêu của Ngài bởi vì trong cuộc sống hôm nay còn có nhiều tình yêu khác đang lôi cuốn chúng ta: tình yêu tiền của, tình yêu danh lợi, tình yêu vị kỷ, tình yêu quyền lực… Nhưng tất cả những tình yêu này không phải là tình yêu của Chúa Giê-su, không phải là tình yêu của Thiên Chúa Cha. Chúng chỉ làm cho chúng ta dần rời xa tình yêu của các Ngài.

Là người tín hữu, mỗi chúng ta được mời gọi ý thức tình yêu cao cả mà Đức Giê-su đã dành cho chúng ta. Trong mỗi Thánh Lễ, qua bàn tay linh mục, hy tế thập giá xưa kia của Chúa được tái hiện lại để ban Mình và Máu Thánh, dưới hình bánh rượu, là lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng chúng ta. Mỗi khi rước Mình Thánh Chúa, chẳng phải chúng ta đang “ở lại” trong tình thương của Ngài? Xin đừng để những thói xấu, tội lỗi của trần gian làm cho chúng ta trở nên bất xứng với ân huệ cao vời mà Ngài đã dành cho chúng ta.
Lm. Gio-an Trần Văn Viện

SUY NIỆM 3: TÌNH CHÚA YÊU THƯƠNG TA
1. Đức Giê-su mời gọi chúng ta hãy ở lại trong tình thương của Ngài: Ngài yêu thương chúng ta bằng chính tình yêu mà Chúa Cha đã yêu Ngài. Tất cả những gì Đức Giê-su lãnh nhận  từ nơi Cha, Ngài đã trao ban cho chúng ta, không giữ lại gì cho mình. Đức Giê-su dạy chúng ta biết chia sẻ tình thương với anh em. Chính nhờ sống yêu thương mà chúng ta có được niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn.

2. Có một tác giả đã viết  trong một bài ca của ông như sau: “Dù anh lấy bầu trời làm giấy, lấy nước biển làm mực, đốn cây rừng làm bút viết, và dùng con người trên thế giới trải qua mọi thời đại làm người viết, thì anh cũng không bao giờ diễn tả hết được tình yêu Thiên Chúa”. Đây là một kiểu nói có tính cách khoa đại, nhưng không phải là không đúng sự thật, vì Kinh Thánh nói: ”Từ muôn thưở Chúa đã yêu con”, “Chúa yêu con từ khi con chưa có tuổi, từ khi chưa có sao trời”. Nếu xét về hiện hữu thì con người chẳng hơn gì sự có mặt của muôn tinh tú trong thái dương hệ bao la này. Nhưng vũ trụ bao la ấy một ngày kia sẽ trở về hư không như lời Kinh Thánh: ”Trời đất này sẽ qua đi”. Nhưng khi mọi sự qua đi, thì chính con người sẽ tồn tại mãi mãi, tồn tại cả xác lẫn hồn (Lm. Phạm Văn Phượng).

3. ”Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9).
Theo kinh nghiệm, hễ đã yêu thương ai, hẳn chúng ta muốn sống bên cạnh người ấy để chia sẻ và lấy sở thích của người ấy làm của mình. Tình yêu giữa con người với nhau còn như thế, huống nữa là tình yêu giữa Thiên Chúa và con người. Đức Giê-su đã rất mực yêu thương các môn đệ, Ngài muốn họ luôn ở với Ngài cũng như Ngài hằng ở với Thiên Chúa; Ngài muốn họ thực hành Lời Ngài cũng như Ngài luôn vâng phục  lệnh truyền của Cha Ngài. Đó là điều được ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay (Mỗi ngày một tin vui).

4. Ở lại trong tình yêu là luôn hướng về nhau: Nghĩa là dù phải “xa mặt nhưng không cách lòng”, không gian địa lý hay thời gian cách biệt cũng không thể tách rời hai con tim đang hướng về nhau. Cũng thế, khi Kitô hữu yêu mến Đức Ki-tô thì luôn luôn nhớ và kết hiệp với Người mọi nơi mọi lúc trong mọi sinh hoạt của cuộc sống.
Ở lại trong tình yêu là giữ lời nhau: Khi yêu nhau thật lòng người ta không quản ngại thực hiện những gì đòi hỏi phải có dành cho nhau; cam kết những ràng buộc trong tình yêu.
Chúa Cha rất hài lòng về Chúa Con khi phán: ”Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các con hãy vâng nghe lời Người”. Ki-tô hữu không thể nói yêu Chúa mà không giữ giới răn của Chúa. Ki-tô hữu yêu Chúa  là làm theo ý Chúa và giữ điều răn Chúa. Bởi vì như Đức Giê-su đã nói rõ điều kiện: ”Nếu các con giữ điều răn của Thầy, các con ở lại trong tình yêu của Thầy, như Thầy đã giữ các điêu răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,10).

5. Trong bữa Tiệc ly, Đức Giê-su biết rằng mình chẳng còn ở lại một cách hữu hình với các môn đệ được bao lâu nữa, do đó, để tránh cho các môn đệ cảnh xa mặt cách lòng, Đức Giê-su mời gọi và truyền dạy các ông một phương cách mới để duy trì tình yêu đối với Ngài, đó là tuân giữ các lệnh truyền của Ngài như Ngài đã tuân giữ các lệnh truyền của Chúa Cha và luôn kết hợp với Ngài. Đức Giê-su chia sẻ cho các môn đệ kinh nghiệm sống của Ngài với Chúa Cha và lấy đó làm lý tưởng cho cuộc sống đức tin của các môn đệ trong thời gian sau biến cố Phục sinh, thời gian của sự dấn thân làm chứng cho Ngài. Người làm chứng cho Chúa phải sống kết hợp với Chúa, tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, và quan trong nhất là lệnh truyền: ”Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.

6. Như Đức Giê-su đã mời gọi: ”Hãy ở lại trong tình thương của Thầy”, đó là cội nguồn của tình yêu phát xuất từ Chúa Cha qua Đức Giê-su tuôn chảy đến nhân loại: Tất cả những gì Đức Giê-su lãnh nhận từ nơi Cha. Ngài đã trao ban cho chúng ta, không giữ lại gì cho mình. Và nhân loại cũng phải trao cho nhau như Đức Giê-su đã truyền: Biết chia sẻ tình thương với anh em. Chính nhờ sống yêu thương mà chúng ta có được niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn.

7. Truyện: Hãy học biết yêu thương.
Ngày xưa có một chàng thanh niên hồ nghi về sự hiện diện của Thiên Chúa. Một hôm anh ta tìm đến một tu sĩ nổi tiếng và đạo đức, anh hỏi: – Ngài có tin Thiên Chúa không?
– Vâng, tôi tin. Vị tu sĩ trả lời.
– Nhưng dựa vào đâu mà ngài tin như thế?
– Tôi tin Thiên Chúa vì tôi biết Ngài. Tôi cảm nhận được sự hiện diện của Ngài trong tôi mỗi ngày.
– Nhưng làm sao cảm nhận được như thế?
– Khi ta yêu thì ta sẽ cảm nhận được Chúa, và những hồ nghi sẽ tan biến như sương mai phải tan biến lúc mặt trời mọc.
Chàng thanh niên suy nghĩ một hồi rồi hỏi tiếp:
– Xin Ngài chỉ rõ cho tôi phải làm điều đó bằng cách nào?
– Bằng cách thực hiện những việc yêu thương. Anh hãy cố gắng yêu thương những người chung quanh anh, yêu thương tích cực và không ngừng. Khi anh học biết yêu thương ngày càng nhiều hơn thì anh cũng sẽ càng ngày càng xác tín hơn về sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự bất tử của linh hồn. Việc này đã được thử nghiệm rồi đấy. Đó là sự thật.
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

SUY NIỆM 4:
Bài Tin Mừng hôm nay nói lên tương quan tình yêu, trào tràn từ tình yêu Ba Ngôi đến cho con người, qua lời khẳng định của Chúa Giê-su: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9).
Trong mầu nhiệm Ba Ngôi: Chúa Cha yêu Chúa Con đã nhiệm xuy ra Thánh Thần Tình Yêu, tình yêu giữa Ba Ngôi liên kết với nhau khi hướng về nhau đến nỗi trở nên một với nhau. Chúa Giê-su cũng yêu các môn đệ bằng cách luôn hướng các môn đệ, và muốn các môn đệ cũng đáp lại tình yêu đó là luôn hướng về Người, kết hiệp với Người và Ở LẠI trong Người, để cùng nên một với Người, như Người ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Người vậy.

Ao ước của Chúa Giê-su đối với các môn đệ là: “Hãy ở lại trong tình yêu của Người”. Thật vậy, tình yêu không phải gặp nhau hay biết nhau rồi để đó, mà là phải ở lại trong tình yêu dành cho nhau. Nghĩa là yêu Chúa thì luôn ở trong tình yêu của Chúa, chứ không phải chạy theo những thứ khác.
- Ở lại trong tình yêu là luôn hướng về nhau: Nghĩa là dù phải “xa mặt nhưng không cách lòng”, không gian địa lý hay thời gian cách biệt cũng không thể tách rời hai con tim đang hướng về nhau.


Cũng thế, khi Kitô hữu yêu mến Chúa Giê-su thì luôn nhớ và kết hiệp với Người mọi nơi mọi lúc trong mọi sinh hoạt của cuộc sống. Như thánh Phaolô từng nói: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8,35.39).

- Ở lại trong tình yêu là giữ lời nhau: Khi yêu nhau thật lòng, người ta không quản ngại thực hiện những gì đòi hỏi phải có dành cho nhau; cam kết những ràng buộc với nhau; ao ước và muốn làm những gì người yêu thích và làm hết sức để vui lòng người yêu.
Chúa Cha rất hài lòng về Chúa Con khi phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người! " (Mt 17,5 // Mc 9,7; Lc 9,35).
Kitô hữu không thể nói yêu Chúa mà không giữ giới răn của Chúa, Kitô hữu yêu Chúa là làm theo ý Chúa và giữ điều răn Chúa. Bởi vì như Chúa Giê-su đã nói rõ điều kiện: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,10).

Tóm lại, yêu nhau là ở lại trong tình yêu dành cho nhau, chứ không phải dành cho ai khác – yêu Chúa là dành tình yêu cho duy mình Chúa chứ không dành cho thụ tạo hay dành cho cái ghế hoặc thần tài danh lợi thú…
Yêu nhau là luôn hướng về nhau chứ không phải hướng về những thứ khác – yêu Chúa là lòng trí luôn kết hiệp với Chúa mọi nơi mọi lúc chứ không phải thả mình cho những đam mê lo ra chia trí…Yêu nhau là luôn lo lắng và thực hiện nguyện vọng của nhau hơn là lo thực hiện ý mình – Yêu Chúa là lo thực hành ý Chúa qua giới răn Người ban chứ không phải lo làm theo ý mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết giữ điều răn Chúa dạy là “phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu”, để chúng con được ở lại trong Chúa, như Chúa ở lại trong tình yêu Chúa Cha. Amen.
Hiền Lâm

SUY NIỆM 5: « ANH EM HÃY Ở LẠI TRONG TÌNH THƯƠNG CỦA THẦY »
1. Tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa (c. 9a)
Trong bầu khí của Bữa Tiệc Ly, nghĩa là bầu khí của “tình yêu đến cùng”, được Đức Giê-su diễn tả qua cử chỉ rửa chân và nhất là qua bí tích Thánh Thể, Người nói:
Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. (c. 9)
Tình thương được thông truyền và thông truyền cách trọn vẹn: “thế nào… như vậy”, vì đó là bản chất của tình thương, từ Cha sang Con và từ Con sang anh em của Con. Đây là một mạc khải vô cùng lớn lao về một tình yêu mà không một ai dám nghĩ tới hay mơ tưởng: Chúa Cha yêu mến Đức Giê-su bằng một tình yêu hiền phụ trong Thánh Thần, thì Đức Giê-su cũng yêu mến các môn đệ bằng một tình yêu tình yêu hiền phụ trong Thánh Thần như thế, không thể khác hơn được; Chúa Cha yêu Đức Giê-su hết lòng, hết sức, và trao ban tất cả, thì Đức Giê-su cũng yêu mến các môn đệ như thế, không giảm bớt.

Và tình thương mà Đức Giê-su dành cho các môn đệ và cho mọi người là một tình yêu đến cùng, một tình yêu “hiến mạng vì bạn hữu”, được diễn tả bởi hành vi rửa chân, và ơn huệ Thánh Thể được hoàn tất nơi mầu nhiệm Thập Giá. Tình yêu này đến từ tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, như thánh Gioan đã nhận ra và kinh nghiệm sâu xa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8. 16) và “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con  Một, để ai tin vào Con của Người thi khỏi phải chết” (Ga 3, 16).
Chúng hãy xin được hiểu và cảm nếm tình yêu Đức Giê-su dành cho chúng ta, vì đó cũng chính là tình yêu của Thiên Chúa Cha dành cho Đức Giê-su: vừa thiết thân và gần gũi, nhưng cũng vừa lạ lùng và khôn dò. Chúng ta hãy ngỡ ngàng và không ngừng làm mới lại kinh nghiệm ngỡ ngàng này: tại sao Thiên Chúa đã yêu thương và chọn lựa tôi, một tội nhân bất xứng, như Thiên Chúa đã yêu thương Đức Giê-su, Người Con Yêu Dấu, vô cùng thánh thiện của Người? Không những thế, Thiên Chúa lại còn ước ao tôi ở lại trong tình thương của Ngài, để có niềm vui trọn vẹn nữa. Thật là một điều vô cùng mầu nhiệm và cao quý mời gọi tôi phải khám phá mỗi ngày: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu thương chúng ta dường nào. Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thật sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1 Ga 3,1).

2. “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (c. 9b-10)
Tiếp đến, chúng ta được Đức Giê-su mời gọi lưu lại trong tình thương của Người, vốn là tình thương thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là một lời mời gọi yêu thương, vì thế, Người tôn trọng tự do của chúng ta: chúng ta có thể tự do lưu lại và bỏ đi; và để lưu lại, chúng ta được mời gọi giữ các điều răn của Người.
Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. (c. 9b-10)
Lời của Đức Giê-su ngắn gọn, nhẹ nhàng và tự phát, nhưng có một cấu trúc rất cân đối hoàn hảo; và vì thế, mang nặng ý nghĩa:
(A) Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy (c. 9b)
(B) Giữ các điều răn của Thầy (c. 10a)
(A’) Anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy (c. 10b)
Nguồn và mẫu: Đức Giê-su giữ các điều răn của Chúa Cha và ở lại trong tình thương của Người (c. 10c)
Đức Giê-su mời gọi: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (c. 9b) và đồng thời, Người cũng chỉ ra cách thức để ở lại trong tình thương của Người: “Anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy” (c. 10b), đó là “giữ các điều răn” của Người (c. 10a). Khuôn mẫu của cách người môn đệ ở lại trong tình thương của Thầy Giê-su, qua việc giữ các giới răn của Người, là tương quan giữa Người và Chúa Cha: “Như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người (c. 10c). Sự hiệp nhất tình yêu giữa Đức Giê-su và Chúa Cha không chỉ là khuôn mẫu cho sự hiệp nhất tình yêu giữa người môn đệ và Thầy Giê-su, nhưng còn là suối nguồn. Bởi vì, tình thương của Đức Giê-su dành cho các môn đệ, đến từ tình yêu của Chúa Cha dành cho Đức Giê-su và của Đức Giê-su dành cho Chúa Cha.
Để hiểu điều mà Đức Giê-su gọi là “điều răn”, chúng ta hãy so sánh với “lề luật”. Lề luật (tiếng Hi-lạp: nomos) là một nguyên tắc vô hồn, trong mức độ đó là chữ, chứ không phải lời, dành cho nhiều người, và trong mọi tình huống không gian và thời gian. Trong khi điều răn (tiếng Hi-lạp: entolê) là lời dặn dò sống động của một người dành cho một người trong một mối tương quan đặc thù và có chiều dày lịch sử (x. St 2, 25). Vì thế, Đức Giê-su không ban lề luật, nhưng ban điều răn, nghĩa là những lời dặn dò Người dành cho các môn đệ trong bối cảnh bữa tiệc li, nghĩa là bối cảnh “tình yêu đến cùng”, và sau một hành trình đồng hành với nhau đủ dài, được ghi khắc bởi tình yêu nhưng không và lòng tin tưởng.
Trước đó, Đức Giê-su còn nói: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy… Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy” (Ga 14, 23-24). Như thế, ở lại trong tình thương của Người có nghĩa là yêu mến Người. Lời nói này của Đức Giê-su thật đơn sơ và thật nhân tính; thật nhân tính, là bởi vì ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: yêu nhau thì giữ lời nhau; giữ lời nhau thì là yêu nhau! Lời nói đơn sơ và nhân tính, nhưng lại mặc khải cho chúng ta căn nguyên sâu xa của tội nguyên tổ, và vì thế, căn nguyên sâu xa của mọi tội của loài người và của chính chúng ta: đó là không yêu mến. Còn chúng ta, những người sống Giao Ước hôn nhân hay đời tu, như là “lề luật” hay như là “điều răn”? Sống Giao Ước như những “điều răn”, là sống như những lời dặn dò yêu thương của một người dành cho một người trên nền tảng giao ước tình yêu nhưng không.
Khuôn mẫu là cách Đức Giêsu giữ các điều răn của Chúa Cha. Ở đây chúng hãy lấy làm lạ: Đức Giêsu cũng phải giữ các điều răn của Thiên Chúa như chúng ta! Bởi vì đó là sự diễn tả cụ thể của tình yêu.

3. Niềm vui (c. 11)
Và lý do tận cùng của việc giữ điều răn, đó không phải là để trắc nghiệm, thử thách hay làm khó chúng ta để xem chúng ta có xứng đáng hay không, nhưng là niềm vui:
Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. (c. 11)
Theo Tin Mừng Gioan, trong diễn từ biệt ly, Đức Giê-su nói đến niềm vui nhiều lần (x.Ga 15, 11; 16, 20-22. 24; 17, 13). Đặc biệt là sau cuộc Thương Khó, mỗi khi Đức Ki-tô Phục Sinh tỏ mình ra, Người thông truyền niềm vui và bình an cho các môn đệ. Đó là một niềm vui sâu xa và bền vững (x. Ga 17,13; 1Ga 1, 4; 2Ga 12), cho dù phải trải qua những gian truân và thử thách (Ga 16, 20-24; 14, 28).
Như thế, Đức Giêsu muốn cho các môn đệ, muốn chúng ta ngay hôm nay hưởng niềm vui, niềm vui trọn vẹn. Điều này hoàn toàn phù hợp với hình ảnh “trái nho và rượu nho” diễn tả và mang lại niềm vui. Điều Ngài muốn chỉ có thể là niềm vui mà thôi, bởi vì là tình thương. Tình thương đem lại niềm vui, niềm vui ngay trong hành vi cho đi tất cả, hy sinh tất cả, dâng hiến tất cả.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

SUY NIỆM 6: SỰ TRUNG THÀNH
Trong tương quan tình yêu, một khi người ta đã cảm nếm được  vị  ngọn ngào của tình yêu thương thì họ sẽ sẵn sàng mời gọi người bạn của mình hãy ở lại trong tình yêu.
Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su cho ta thấy được tình yêu thương mà Ngài dành cho các môn đệ. Ngài mời gọi các môn đệ: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (c. 9). Ở lại lâu dài hay không thì điều này phụ thuộc vào sự trung thành của người môn đệ “nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy” (c. 10). Có thể nói, tình yêu mà Chúa Cha dành cho Đức Giê-su thế nào thì nay tình yêu của Đức Giê-su cũng dành cho các môn đệ y như vậy; Ngài nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (c. 9). Yêu mến và ở lại trong tình thương của Thầy Giê-su chính là khi ta tuân giữ các giới răn của Thầy truyền dạy; giới răn mà Thầy truyền dạy chính là “anh em hay yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

Đối với mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng thế, muốn được ở lại trong tình yêu của Chúa thì điều cần là tuân giữ các giới răn yêu thương mà chính Chúa truyền dạy cho chúng ta. Một khi ta sống công chính thánh thiện, yêu thương đồng loại và sẻ chia cho người cần sự giúp đỡ… Đó chính là cách thức thực thi giới luật yêu thương mà Thầy Giê-su truyền dạy.
Lạy Chúa Giê-su, chỉ có nơi Ngài tình yêu mới nên hoàn thiện. Xin cho chúng con biết dùng tình yêu đáp lại tình yêu và đáp lại cả hận thù nữa. Và xin cho chúng con biết giữ các giới răn Chúa truyền để chúng con được ở lại trong tình thương của Chúa. Amen.

Tu sĩ Giuse Hoàng Quốc Phán, SVD

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây