Thứ Sáu tuần 2 Phục Sinh.
"Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích".
Lời Chúa: Ga 6, 1-15
Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới. Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: "Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?" Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: "Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút".
Một trong những môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: "Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người". Chúa Giêsu nói: "Cứ bảo người ta ngồi xuống". Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn. Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã no nê, Người bảo các môn đệ: "Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi". Họ thu lại mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.
Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: "Thật ông này là Đấng Tiên tri phải đến trong thế gian". Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.
SUY NIỆM 1: Ăn bao nhiêu tùy ý
Suy niệm :
Có người coi tôn giáo như một thứ duy tâm, duy linh,
chỉ để ý đến chuyện linh hồn, chuyện đời sau,
mà hững hờ với cái đói cái no của thân xác, với chuyện áo cơm thường nhật.
Kitô giáo hẳn không phải là thế.
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã khai mở Nước Thiên Chúa trên trần gian
không phải chỉ bằng việc rao giảng như một thầy dạy,
mà còn bằng việc chữa bệnh thân xác như một thầy thuốc.
Ơn cứu độ do Ngài mang lại có tính toàn diện, cả xác lẫn hồn,
và ơn cứu độ ấy đã bắt đầu ngay từ đời này rồi.
Trong Mùa Phục sinh, Giáo hội cho ta nghe đọc chương 6 của Tin Mừng Gioan,
bởi lẽ chương này nói về Đức Giêsu là Bánh hằng sống, Bánh ban sự sống.
Chương này khởi đầu bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều.
Phép lạ diễn ra ở bên kia hồ Galilê, vào mùa xuân, cỏ mọc xanh mướt.
Đám đông đến với Đức Giêsu đang ở trên núi với các môn đệ.
Tất cả bắt đầu bằng câu hỏi bất ngờ của Thầy Giêsu :
“Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?”
Các câu trả lời của hai ông Philípphê và Anrê thật đáng thất vọng.
Hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ mỗi người một chút (c. 7).
Năm cái bánh lúa mạch và hai con cá khô thì thấm vào đâu (c. 9).
Nhưng Đức Giêsu lại cần năm cái bánh và hai con cá đó.
Ngài đón nhận sự đóng góp của con người, dù là rất nhỏ mọn.
Nhỏ mọn nhưng là tất cả những gì tìm được ở chốn hoang vu này.
Không có sự đóng góp của một em bé, không chắc phép lạ đã xảy ra.
Khi mọi người đã ngồi xuống trên cỏ theo lệnh các tông đồ,
Đức Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn và phân phát cho họ.
Chắc các tông đồ đã giúp Ngài phân phát đến tay dân.
Chính khi bẻ ra để phân phát thì bánh và cá hóa nhiều.
Chúng ta không hiểu được điều gì đang diễn ra.
Mầu nhiệm chia sẻ vẫn làm chúng ta ngỡ ngàng, sửng sốt.
Chia sẻ là biến điều ít ỏi ta đang có trở thành kho báu vô tận cho mọi người.
Chia sẻ làm chúng ta chẳng vơi đi, nhưng còn mãi.
Hơn năm ngàn con người đã được ăn tùy ý, được no nê, được dư thừa.
Gần một tỷ con người sống trên trái đất hôm nay cũng mong được như vậy.
Đức Thánh Cha coi việc liên đới chia sẻ
như một cách thức để thoát ra khỏi nạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Ước gì việc chúng ta chia sẻ Tấm Bánh thánh trong nhà thờ
giúp chúng ta tiếp tục chia sẻ những tấm bánh vật chất ngoài cuộc sống.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới :
Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này
là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.
Con mơ ước
không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng,
bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.
Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,
không còn những cô gái đứng đường
hay những người ăn xin.
Con mơ ước
những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng,
các ông chủ coi công nhân như anh em.
Con mơ ước
tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình,
các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.
Lạy Chúa của con,
con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,
xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,
và xanh của bao niềm hy vọng
nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.
Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,
thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 2: Đấng cứu rỗi thế gian
Phép lạ bánh và cá được hóa ra nhiều là phép lạ duy nhất được tường thuật trong cả bốn Phúc Âm. Ðiều này chứng minh cho chúng ta biết tầm quan trọng của dấu lạ này trong toàn bộ giáo huấn của Chúa Giêsu, cũng như trong sinh hoạt của cộng đoàn Kitô tiên khởi thời các tông đồ. Những người Kitô đầu tiên thường dùng dấu hiệu bánh và cá để nói lên niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Ðấng cứu rỗi thế gian, và là của ăn ban sự sống đời đời. Chúa Giêsu sẽ giải thích điểm này rộng rãi hơn trong bài giảng tiếp sau biến cố phép lạ bánh và cá được hóa ra nhiều. Chúng ta sẽ lần lượt suy niệm về những lời giảng dạy này trong những ngày tới.
Trong những phút suy niệm hôm nay, chúng ta hãy chú ý đến thái độ của dân chúng đối với dấu lạ Chúa thực hiện. Có thể nói rằng dân chúng đã hiểu lầm ý định của Chúa Giêsu. Nói cách khác, chúng ta có thể nói rằng dân chúng đã trần tục hóa biến cố, họ hiểu biến cố trong lăng kính vụ lợi vật chất cho bản thân. Phúc Âm theo thánh Gioan ghi lại chi tiết này: "Sau biến cố, dân chúng muốn bắt Chúa đi mà tôn lên làm vua", có lẽ để tiếp tục phục vụ cho những lợi lộc vật chất, cho những tham vọng của họ. Thay vì biến đổi con người mình trở nên sẵn sàng hơn để lắng nghe sứ điệp của Chúa muốn nói với họ. Hãy cố gắng để được ăn của ăn không hư nát, để được sống đời đời, thì dân chúng lại giới hạn dấu lạ trong chiều kích trần tục của cơm bánh để nuôi sống thể xác mà thôi. Ðây có thể nói là một trong những cám dỗ thường hằng của con người qua mọi thời đại, cám dỗ bắt buộc Thiên Chúa phải và chỉ phục vụ cho những nhu cầu vật chất trần tục mà thôi.
Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi làm nô lệ cho những tham vọng trần tục. Chúa vẫn luôn tiếp tục thực hiện những dấu lạ trong đời sống của con, để mời gọi con luôn nâng tâm hồn lên mà nhìn nhận và tôn vinh Chúa hằng ngày. Xin cho con được luôn sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa dạy và sống thực hành trong mọi hoàn cảnh. Xin cho con biết đến gặp Chúa trong bí tích Thánh Thể để được Chúa soi sáng và bổ dưỡng thêm sức mạnh và chu toàn trọn vẹn hơn sứ mạng Chúa đã trao phó cho con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Sự cộng tác của con người
Kể từ năm 1891, sau khi Đức Lêô XIII ban hành thông điệp Tân sự, đã có nhiều thông điệp khác về vấn đề xã hội được công bố nhằm đánh dấu sự phát triển và đào sâu giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Năm 1931 có thông điệp kỷ niệm năm thứ 40 do Đức Piô XI ban hành; năm 1961 có thông điệp Mẹ và Thầy của Đức Gioan XXIII; năm 1981, Đức Gioan Phaolô II kỷ niệm 90 năm thông điệp Tân sự bằng Thông điệp về lao động; năm 1987 ngài ban hành thông điệp “Mối quan tâm về vấn đề xã hội” nhằm kỷ niệm 20 năm thông điệp Phát triển các dân tộc của Đức Phaolô VI; năm 1991 ngài ban hành thông điệp kỷ niệm năm thứ 100 thông điệp Tân sự.
Tuy với những hoàn cảnh cụ thể và dưới những góc độ khác nhau, những văn kiện trên của các Giáo Hoàng đều đề cập đến những vấn đề của thời đại, đó là tương quan giữa lao động và phát triển. Giáo Hội không đề cao bất cứ một thứ chủ nghĩa chính trị và kinh tế nào. Giáo Hội không ngừng cổ võ sự phát triển dựa trên công lý và tình liên đới. Theo giáo huấn của Giáo Hội, nếu trên thế giới còn có các quốc gia nghèo khổ, là vì những nước giầu còn quá ích kỷ chưa muốn san sẻ tài nguyên và sự phát triển của họ. Nếu trong cùng một quốc gia, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo càng lúc càng tăng, là bởi vì người giầu không muốn chia sẻ của cải mình cho người nghèo.
Tin mừng hôm nay là một trong những trang từ đó Giáo Hội mức lấy giáo huấn của mình về vấn đề xã hội. Chúa Giêsu là Đấng toàn năng, Ngài chỉ cần phán một lời thì đám đông hơn 5.000 người đi theo Ngài có thể ăn no nê. Nhưng chúa Giêsu đã không làm thế. Phép lạ Ngài thực hiện xem chừng chỉ có thể diễn ra nhờ 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé. 5 chiếc bánh và 2 con cá không là gì so với một đám đông như thế; vả lại trong xã hội Do thái thời đó, em bé vốn cũng chỉ là một con số không trong bậc thang xã hội; vậy mà từ con số không ấy, từ một sự đáp trả khiêm tốn ấy, đám đông hơn 5.000 người đã được ăn no nê.
Bài học mà Giáo Hội đón nhận từ phép lạ ấy thật rõ ràng: lòng quảng đại, sự san sẻ của con người là chìa khoá giúp giải quyết vấn đề nghèo đói. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hiện diện trong Giáo Hội của Ngài, vào Giaó Hội tin rằng Ngài vẫn tiếp tục nhân bánh và cá ra nhiều cho những người nghèo đói. Qua bao nhiêu thế kỷ, với những đóng góp và chia sẻ của các tín hữu, đã có biết bao người được ăn uống no nê. Những hoạt động từ thiện, những chương trình trợ giúp phát triển của Giáo Hội là những phép lạ mà Chúa Giêsu không ngừng thực hiện cho những người nghèo đói. Những mẹ Têrêxa Calcutta, những cha Pierre, những nữ tu Emmanuel và bao nhiêu gương mặt âm thầm khác trong Giáo Hội, đó là những em bé với 5 chiếc bánh và 2 con cá đã đóng góp vào việc thực hiện phép lạ.
Một em bé với 5 chiếc bánh và 2 con cá, chỉ với một đóng góp ít ỏi đó cũng đủ để Chúa Giêsu làm một phép lạ cả thể. Ngày nay liệu chúng ta có đủ lòng tin để tin rằng với một ít san sẻ do lòng quảng đại của chúng ta, Chúa Giêsu vẫn còn đó có thể làm phép lạ để bao người đói khổ chung quanh chúng ta được ăn no nê không?
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 4: Dự tính tương lai
Vậy Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý. Khi họ đã ăn no nê rồi thì Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiế bánh lúa mạch người ta đã ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” (Ga. 6, 11-14)
Đã bao giờ chúng ta suy niệm về điểm quan trọng này chưa? Giáo lý thuở ban đầu đã dạy về phép lạ bánh hóa nhiều bằng sáu câu chuyện tương tự được Tin mừng kể lại. Những câu chuyện này chắc chắn có một số nét chung. Hai lần Đức Giêsu đã làm phép lạ cho bánh hóa nhiều: Một lần từ năm chiếc bánh và hai con cá và thu được mười hai thúng còn dư. Một lần từ bảy chiếc bánh và vài con cá, còn thu được bảy thúng còn dư.
Sự dư thừa dồi dào còn được đối chiếu với câu chuyện Cựu ước trong sách Các Vua từ tám thế kỷ trước Đức Giêsu: Ngôn sứ Ê-li-sê đã làm cho hai mươi tấm bánh hóa ra nhiều cho một trăm người ăn, Chúa cũng đã nói với ngôn sứ: “Họ ăn và còn dư”. Cùng đề tài dồi dào dư thừa do lòng quảng đại của Chúa đã được thể hiện lại trong Tin mừng thánh Gio-an ở tiệc cưới Ca-na: Phép lạ nước biến thành rượu, dồi dào đầy những chum nước lớn chứ không chỉ đầy các chai trên bàn tiệc.
Chắc hẳn, việc Đức Giêsu ban dồi dào dư thừa đó không chỉ là rượu, bánh, của ăn vật chất, nhưng chính là Người nữa, vì Người đã nói: “Ta là cây nho thật” và “Ta là bánh ban sự sống”. Tất nhiên chúng ta phải nghĩ đến phép Thánh Thể. Toàn thể mầu nhiệm về Đức Kitô hàm chứa trong những câu: “Ta là” đã được Tin mừng thánh Gio-an ghi lại: “Ta là … ánh sáng thế gian, là mục tử tốt lành, là cửa chuồng chiên, là sự sống lại và sự sống, là đường, là sự thật và sự sống”. Phải là tất cả những gì chúng ta cần: bánh, rượu, ánh sáng, sự sống, che chở, hướng dẫn, Đức Giêsu là tất cả thứ đó. Thánh Gio-an thêm một định nghĩa nữa Đức Giêsu là Ngôi Lời, nghĩa là Lời Hằng Sống. Với Gio-an, Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, Đấng nói với chính Gio-an và với thế nhân, Đấng đã tự nói ra qua các tín hữu của mình … Như thánh Phao-lô đã gọi: Đức Kitô toàn diện, Đức Kitô phục sinh đã nhập thể vào tất cả các kẻ tin nhờ Thánh Thần.
Chúng ta cần phải sống với Đức Giêsu, Đấng đã nuôi dưỡng và tái tạo chúng ta trong Thánh Thần, Đấng đã ban Thánh Thần cho chúng ta, đổi mới chúng ta luôn mãi, Đấng là nguồn mạch sự sống không ngừng, đó là nguồn suối trường sinh khôn lường. Con người mới mà thánh Phao-lô nói với chúng ta, phải thanh tẩy không ngừng, làm việc không ngừng để phụng sự Thiên Chúa. Đấng là nguồn suối chặn đứng mọi cơn khát và mọi già nua, suy thoái của chúng ta.
L.P
SUY NIỆM 5: PHÉP LẠ DO TÌNH THƯƠNG (Ga 6,1-15)
Trong bài hát “để gió cuốn đi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ngay ở đầu bản nhạc có viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”.
Thật vậy, trong cuộc sống, nếu ai ai cũng có tấm lòng, dù chỉ một chút thôi, thì chắc con người sẽ sống với nhau trong cảnh hòa bình, ấm no và hạnh phúc! Nhưng tiếc thay, xã hội ngày càng phát triển, nhiều người giàu có, nhưng cùng lúc, phát sinh nạn phân biệt giàu nghèo rõ rệt hơn bao giờ hết! Vì vậy, vẫn còn đó chuyện “nơi ăn không hết, chỗ lần không ra”.
Hôm nay, Tin Mừng trình thuật việc Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Khởi đi từ lòng thương xót của Ngài: “Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philípphê: ‘Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?’" (Ga 6, 5).
Tiếp theo là tấm lòng quảng đại của một em bé: “Có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá”, và, Đức Giêsu đã tiếp nhận tấm lòng nhỏ bé nhưng tinh thần lớn lao của em để kết hợp với lòng thương xót của Ngài, Ngài làm nên chuyện phi thường là làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân chúng (x. Ga 6, 11).
Ai nấy đều được no nê nhờ vào tấm lòng của vị Mục Tử Giêsu và sự quảng đại của em nhỏ.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết chia cơm sẻ bánh cho nhau, tức là sống với nhau trong tinh thần liên đới, trách nhiệm. Đạo Công Giáo không bao giờ chấp nhận chuyện mạnh ai nấy sống. Sống như thế là ích kỷ, là chỉ biết đến cái bụng mà không hề làm cho trái tim lớn lên trong tình yêu.
Bên cạnh đó, chúng ta còn học được bài học tin tưởng, phó thác nơi Chúa, vì có Chúa là có tất cả, không chỉ vậy, mà còn dồi dào. Hình ảnh các môn đệ “thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng” có ý muốn nói và củng cố cho chúng ta về lòng tín thác nơi Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết sống quảng đại, biết nghĩ đến người khác hơn là nghĩ đến bản thân mình. Biết sống tình bác ái huynh đệ để trở thành môn đệ của Chúa đích thực. Xin cũng ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con luôn vững tin vào quyền năng Chúa. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM
“Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái”. Như thế, bầu khí của của trình thuật “Bánh hóa nhiều” trong Tin Mừng theo thánh Gioan tái hiện lại bầu khí của Xuất Hành; Đức Giê-su tái hiện lại bầu khí này, nhưng tái hiện lại một cách mới mẻ, chứ không lập lại như cũ: bánh ăn là khởi điểm, là dấu chỉ của bánh đích thật: đó là Lời và Ngôi Vị của Ngài. Đức Kitô là như thế đối với lịch sử dân Chúa, cũng như đối với lịch sử cuộc đời của chúng ta.
Tuy nhiên, nơi những gì sách Tin Mừng kể lại cho chúng ta, có một điểm khác tuyệt đối: họ, đám đông và các môn đệ, đi theo chính Đức Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa, thay vì Môsê.
1. Đức Giêsu “thử thách” Philiphê
Đức Giê-su hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Và thánh sử Gioan thêm: “Người nói thế là để thử ông!” Trong các Tin Mừng nhất lãm, lí do Đức Giêsu muốn cho dân chúng ăn là vì họ đã theo Ngài suốt ngày và lúc đó trời đã xế chiều, họ đang đói lả. Với Tin Mừng theo thánh Gioan, lý do khác hẳn, và có tầm mức lịch sử cứu độ: đó là trong bầu khí của Lễ Vượt Qua, Đức Giê-su muốn tái hiện lại ơn huệ Đức Chúa nuôi dưỡng dân chúng bằng Manna, bánh ban xuống từ trời, và dâng hiến chính bản thân mình để làm cho viên mãn ơn huệ lương thực trong lịch sử cứu độ và cả trong sáng tạo nữa (x. St 1, 29).
Thực vậy, xưa kia Đức Chúa thử thách Dân của Ngài trong sa mạc, ở đây Đức Giêsu thử thách đích thân môn đệ Philiphê! Chúa cũng thử thách đích thân mỗi người chúng ta. Chúa thử thách chúng ta, tùy chúng ta hiểu Chúa thử thách để làm gì. Nhưng kinh nghiệm tưởng nhớ và nhận ra ơn huệ mang tính quyết định, nhất là ơn huệ tha thứ và tái tạo. Thánh I-nhã cho chúng ta một giải đáp: “để chúng ta cảm nhận cách sâu xa tất cả là ơn huệ và là ân sủng của Thiên Chúa, Chúa chúng ta” (Linh Thao, số 322).
Chúa thử thách chúng ta, đó là quyền của Đấng Tạo Dựng, của Đấng Sinh Thành; nhưng chúng ta là tạo vật, là tôi tớ, là con cái, là môn đệ, chúng ta có quyền thử thách Chúa không? Nhà Dòng thử thách chúng ta trong thời gian huấn luyện, nhưng chúng ta có thể thử thách Nhà Dòng không? Thế mà, Dân Chúa xưa kia đã thử thách Đức Chúa tới 10 lần (Ds 14, 22), nghĩa là lúc nào cũng thử thách, không chịu tin. Ở đây, dường như các tông đồ Phi-líp-phê, Anrê và các môn đệ cũng thử thách Đức Giêsu khi nêu ra vấn đề tiền bạc và khả năng eo hẹp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”. Trong khi kho lương thực chỉ có “năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá”, hơn nữa không phải của nhóm các môn đệ, nhưng của một em bé!
Trước một nhu cầu lớn như thế, các môn đệ nghĩ ngay đến tiền. Chúa mời gọi họ làm nhưng lại không cho tiền ! « Tiền » ở đây có thể được hiểu theo nghĩa rộng là tất cả các phương tiện và điều kiện để làm việc, nhằm đáp ứng nhu cầu của người khác cách nhanh chóng và hiệu quả. Nhưng sống tương quan với Chúa, và nhất là khi cộng tác với sứ mạng của Chúa, nghĩa là làm chứng cho Tin Mừng qua đời sống gia đình, đời sống tu trì, việc phục vụ, việc tông đồ, mục vụ…, chúng ta không thể chỉ suy xét trên bình diện phương tiện, nhưng còn trên bình diện thần nhiệm nữa, như thánh Phaolô đã kinh nghiệm : « Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi : Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối » (2Cr 12, 8-9). Sống chiều kích thần nhiệm là kết hợp với Đức Kitô và để sức sống Phục Sinh của Ngài tỏ hiện ra nơi con người giới hạn, mỏng dòn, yếu đuối của chúng ta, và nơi những phương tiện hạn hẹp và nghèo nàn của chúng ta. Năm chiếc bánh và hai con cá diễn tả con người thật của chúng ta.
2. Lời tạ ơn trên bánh
Chúng ta hãy dừng lại để nhìn và nghe từng cử chỉ là lời nói của Đức Giêsu : Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Các Tin Mừng Nhất lãm kể rằng, Ngài trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Các môn đệ phân phát bánh, nhưng không còn là bánh của mình nữa, nhưng là từ bàn tay của Chúa. Chúa không làm cho bánh rơi xuống từ trời ào ào, như xưa Đức Chúa cho Manna đổ xuống từ trời như mưa rào, nhưng Đức Giêsu làm cho những gì có sẵn, dù rất nhỏ bé và giới hạn sinh sôi nẩy nở đến vô hạn. Đó lạ dấu lạ cả thể, nhưng lại được thực hiện ngang qua một hành động rất đỗi bình thường nhưng ý nghĩa thật lớn lao: Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó.
Bánh đến từ đất trời và công lao của con người: “Lạy Chúa, là Chúa Cả Trời Đất, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này, là hoa màu của ruộng đất và công lao của con Người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên Bánh Trường Sinh cho chúng con”. Và Bánh chưa hóa nhiều, nhưng Đức Giêsu đã tạ ơn rồi; cũng như trong cuộc thương khó, Đức Giêsu chưa được cứu thoát khỏi sự chết, Ngài đã tạ ơn rồi, ngang qua Bí tích Thánh Thể (Eucharistie), vốn là Bí Tích Tạ ơn. Đó là lời Tiền Tụng (Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta – Thật là chính đáng…) trước khi truyền phép trên bánh và rượu, hiện thân của cuộc Thương Khó. Tạ ơn trước khi dấu lạ xẩy ra, tạ ơn trước khi được Thiên Chúa cho trỗi dậy từ cõi chết, đó là diễn tả lòng tín thác vào quyền năng Thiên Chúa ở mức độ tột cùng. Chúng ta được mời gọi tạ ơn hằng ngày, dù còn đang ở trên đường đi đầy thách đố. Chúng ta có thể dừng lại thật lâu để chiêm ngắm từng cử chỉ của Chúa, và để những cử chỉ này đánh động, gợi mở, soi sáng ơn gọi và những băn khoăn của chúng ta. Có ba cấp độ ý nghĩa của phép lạ bánh hóa nhiều.
(1) Bánh lương thực. Bánh ăn hằng ngày đã hóa nhiều thực sự, và trong những năm thi hành sứ vụ, Đức Giêsu thực hiện hai lần (1 lần theo Tin Mừng Gioan). Điều này cho thấy, Đức Giêsu đến không để giải quyết nạn đói cho con người. Vì con người có khả năng lo cho nhau no đủ, nếu biết chia sẻ. Phép lạ là những « dấu chỉ » của một thực tại khác.
Tuy nhiên, dấu chỉ “Bánh Hóa Nhiều” vẫn mời gọi chúng ta nhận ra “bánh” chúng ta dùng hằng ngày trong suốt cuộc đời chúng ta, thực sự đến từ hồng ân lạ lùng Chúa ban: “Người ban bánh cho tất cả chúng sinh” (Tv 136).
(2) Bánh Lời Chúa. Dấu lạ « Bánh Lời Chúa » được Chúa thực hiện cho chúng ta mỗi ngày cách dư tràn trong Thánh Lễ và nhất là khi chúng ta cầu nguyện với Lời Chúa và chia sẻ Lời Chúa. Và Bánh Lời Chúa hướng chúng ta đến Bánh Thánh Thể, bởi vì Chúa vừa gieo Lời và vừa gieo Mình (x. Ga 12, 24); và Lời và Mình Chúa là một.
(3) Bánh Thánh Thể. Thiên Chúa ban cho chúng ta bánh hằng ngày (x. Tv 136, 25) chính là để hướng chúng ta đến Bánh Hằng Sống; nói cách khác, bánh hằng ngày đã chứa đựng lời hứa ban bánh Hằng Sống rồi (x. St 1, 29). Vì thế, ngay sau khi thực hiện dấu lạ bánh hóa nhiều, Đức Giê-su nói về Bánh Hằng Sống là chính Người (x. Ga 6, 22-58).
Bánh Hằng Sống được trao ban cho chúng ta một cách quảng đại mỗi ngàynơi Bánh Thánh Thể trong Thánh Lễ ; chúng ta chỉ cần mở tay và mở lòng ra để đón nhận. Tuy không có sự dư tràn vật chất, nhưng lại có sự « dư tràn » về ơn huệ sự sống và ngôi vị của Đức Ki-tô.
Bánh hằng ngày, Bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể được trao ban cho chúng ta cách nhưng không, chính là để làm cho chúng ta trở thành “Tấm Bánh” theo khuôn mẫu của “Tấm Bánh Giê-su”. Thật vậy, Chúng ta được mời gọi dâng cho Chúa « tất cả », tất cả những gì chúng ta có và những gì chúng ta là ; và cái « tất cả » của chúng ta thì nhỏ bé và giới hạn như « 5 cái bánh và 2 con cá », nhưng chúng ta được mời gọi trao vào tay Chúa. Đây là cử chỉ mang chiều kích Thánh Thể : « năm chiếc bánh và hai con cá », là chính con người chúng ta, đã trở thành chính Chúa ; tương tự như bánh là « hoa mầu của ruộng đất và công lao của con người » nhưng được dâng cho Chúa, để trở thành « Bánh Trường Sinh » nuôi dưỡng chúng ta. Và chúng ta được mời gọi cộng tác để chia sẻ và trao ban chiếc « bánh đời tôi », đã được trao vào tay Chúa và Chúa làm cho trở thành chính Chúa, cho nhiều người.
3. Ơn huệ dư tràn
Xưa kia, Đức Chúa không cho để dành Manna cho hôm sau: “Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi. Dân sẽ ra lượm lấy khẩu phần cho mình, ngày nào cho ngày đó; Ta muốn thử thách chúng như vậy để xem chúng có tuân theo luật của ta hay không” (Xh 16:4). Lệnh truyền này mời gọi Dân sống bởi ân huệ Thiên Chúa ban cách trực tiếp từng ngày một, không được ham muốn. Và khi họ không giữ lời Chúa dặn, và biến dấu chỉ Manna thành một tài sản, thì khi đó: “dòi bọ sinh sôi và phần để dành bốc mùi hôi thối” (Xh 16:20). Điều này có nghĩa là ơn huệ sẽ trở nên vô nghĩa, bốc mùi sự chết, nếu bị ham muốn, bị giữ làm của riêng.
Ơn huệ bánh của Đức Kitô được ban dư tràn, và Ngài còn mời gọi thu lượm lại. « Dư Tràn » nhưng không chính là dấu vết của Thiên Chúa (mẻ cá lạ, gấp trăm, 70 lần 7, 6 chum nước trở thành rượu ngon, chữa bệnh gắn liền với tha tội, nước hằng sống..). Bánh tiếp tục được ban cho dân của Chúa, cho từng người chúng ta mỗi ngày, mỗi ngày cách dư tràn. Bánh diễn tả hồng ân, hồng ân Thiên Chúa được ban ngang qua đất trời và bàn tay của con người của anh chị em, đó là những bữa ăn hàng ngày ; bánh diễn tả sự sống đời đời, đó là bánh Thánh Thể ; và cả hai đều diễn tả chính Chúa, chính Ngôi vị của Chúa. Đấng chúng ta khát khao và chỉ mình Ngài mới làm chúng ta no thỏa, dư tràn mà thôi.
* * *
Qua ơn huệ bánh được ban dư tràn, thay vì đón nhận như một dấu chỉ và nghe ra Lời yêu thương của Thiên Chúa, họ lại muốn tôn Đức Giêsu làm vua. Đây chính là một cách thức khác để giữ lại bánh, nhưng nghiêm trọng hơn vì, Đức Giêsu mà làm Vua, thì ta sẽ có tất cả: quyền bính, tiền tài và danh vọng, tương lại bảo đảm. Có phải chúng ta đi theo Chúa là vì vậy không? Có phải chúng ta sống đời tu, vì ham muốn những chuyện này không? (x. Mt 20, 17-28)
Đức Giêsu lánh mặt, nhưng khi họ bắt Ngài đi đóng đinh thì Ngài chịu. Và trên thập giá họ viết: INRI (Iesus Nazarenus, Rex Iudaeorum), Giêsu Nazareth, Vua Dân Do Thái. Bởi vì, Đức Giêsu không muốn làm vua theo kiểu loài người, bắt người khác phải phục vụ và trao ban; Đức Giêsu muốn làm vua theo cách thức của Thiên Chúa, đó là phục vụ và trao ban chính mình cho muôn người.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn