Thứ Sáu tuần 27 thường niên.
"Nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi".
Lời Chúa: Lc 11, 15-26
Khi ấy, (lúc Chúa Giêsu trừ quỷ), thì có mấy người trong dân chúng nói rằng: "Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ". Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống.
Nhưng Người biết ý của họ, liền phán: "Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi.
"Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tán hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán.
"Khi thần ô uế ra khỏi người nào, thì nó đi dông dài những nơi khô ráo, tìm chỗ nghỉ ngơi, nhưng không tìm được, nên nó nói rằng: "Ta sẽ trở lại nhà ta, nơi ta đã ra đi". Khi đến nơi, nó thấy nhà đó đã được quét sạch và sắp đặt ngăn nắp. Bấy giờ nó đi rủ bảy tà thần khác hung ác hơn nó, chúng vào cư ngụ ở đó. Và tình trạng sau cùng của người ấy trở nên tệ hại hơn trước".
Suy Niệm 1: Ngón tay Thiên Chúa
Suy niệm :
Nếu đời người là một cuộc chiến đấu không ngừng
thì Đức Giêsu khi sống ở đời, cũng không tránh khỏi cuộc chiến ấy.
Cha sai Ngài đến để khai mở Nước Thiên Chúa trên trần gian.
Để làm việc đó, Nước của Xatan cần bị triệt tiêu.
Cuộc đối đầu giữa Đức Giêsu và Xatan là điều không tránh khỏi.
Ngay trước khi bắt đầu sứ vụ,
Đức Giêsu đã phải đối diện với những mồi chài khôn khéo của Xatan.
Và Ngài đã thắng, đã bắt Xatan phải xéo đi cho khuất mắt (Mt 4, 10).
Khi làm việc Cha giao, khi gần gũi với con người,
Đức Giêsu thấy rất rõ sự hiện diện đầy quyền lực của tên tướng quỷ.
Xatan và Nước của nó chi phối và tác động trên con người.
Đức Giêsu là Đấng giải phóng con người khỏi nô lệ bởi Xatan.
Một công việc không ai chối cãi được của Ngài là trừ quỷ.
Nhưng có nhiều cách giải thích chuyện trừ quỷ của Ngài.
Có người coi Đức Giêsu đã trừ quỷ dựa vào thế lực của Bêendêbun.
Bêendêbun là một vị thần xứ Canaan, ở đây được coi là Xatan.
Không thể nào tướng quỷ lại giúp Ngài diệt các quỷ nhỏ của hắn.
Nếu thế Nước của Xatan chẳng thể nào tồn tại đến nay (c. 18).
Đức Giêsu khẳng định mình dùng ngón tay Thiên Chúa để trừ quỷ (c. 20).
Chỉ cần chút quyền năng Thiên Chúa cũng đủ để xua đuổi ác thần,
và khai mở Nước Thiên Chúa giữa lòng thế giới.
Chúng ta thường quên Xatan là nhân vật có thật và hùng mạnh,
có vũ trang đầy đủ để canh giữ lâu đài của hắn cho an toàn (c. 21).
Nhưng Đức Giêsu chính là người hùng mạnh hơn và thắng được hắn.
Ngài có khả năng tước vũ khí và phân chia chiến lợi phẩm (cc. 21-22).
Cuộc chiến của Đức Giêsu chống lại Ác thần vẫn còn kéo dài đến tận thế.
Có những lúc chúng ta tưởng Xatan là kẻ hùng mạnh hơn,
và dường như thế giới nằm dưới móng vuốt của hắn.
Nhưng chiến thắng cuối cùng thuộc về Đức Giêsu, khi Ngài quang lâm.
Chúng ta không đứng ngoài cuộc chiến giữa Đức Giêsu với Xatan.
Chúng ta cùng chiến đấu với Giêsu cho một thế giới không còn tội ác,
một thế giới không còn bạo lực, bất công, thất vọng, muộn phiền,
một thế giới không còn khổ đau, bệnh tật, đói nghèo, mất hướng.
Đứng hẳn về phía Giêsu, đi với Giêsu, thu góp với Giêsu:
đó là chọn lựa của người Kitô hữu (c. 23).
Ngay cả khi đã trục xuất được quỷ dữ khỏi đời mình,
và khi ngôi nhà đời mình đã được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi,
ta cũng phải hết sức cảnh giác, vì có nguy cơ quỷ trở lại.
Sự trở lại này có thể còn kinh khủng hơn trước (c. 26).
Có vẻ quỷ thích ở lại với con người hơn là lang thang nơi hoang mạc,
nên căn nhà tâm hồn của chúng ta cần được bảo vệ bằng lũy hào Lời Chúa.
Xin Đức Giêsu dạy chúng ta biết cách nhận diện kẻ thù,
biết cách đuổi Xatan ra khỏi đời mình và ngăn không cho nó trở lại.
Cầu nguyện :
Lạy Cha từ ái,
đây là niềm tin của con.
Con tin Cha là Tình yêu,
và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.
Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,
cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,
cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,
con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.
Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,
chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.
Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất
cũng có một đốm lửa của sự thiện,
được vùi sâu dưới những lớp tro.
Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành
cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.
Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,
thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.
Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.
Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.
Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ
đang chuyển mình tiến về với Cha,
qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu
và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.
Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,
vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng,
mọi dị biệt, thành kiến,
để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời
mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.
Lạy Cha, đó là niềm tin của con.
Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy Niệm 2: DỌN CỖ CHO MA
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Đổi đời là ước vọng ngàn đời của con người. Ai cũng mong ước được đổi mới cuộc đời. Gio-en tiên báo sẽ có cuộc đổi đời quyết liệt, triệt để, toàn diện. Đó là ngày thế giới cũ, con người cũ bị tận diệt. “Ôi ngày đáng sợ thay! Ngày của Đức Chúa quả đã gần kề! Ngày sẽ đến tựa cơn tàn phá do lệnh Đấng Toàn Năng”. Đó là ngày tận số cho những kẻ làm điều ác. “Run lên đi, mọi cư dân trong xứ, vì Ngày của Đức Chúa đến rồi, Ngày ấy đã kề bên. Ngày tối tăm u ám, Ngày mây mù tối đen”. Nhưng thế hệ xấu qua đi để có một thế hệ tốt mới xuất hiện. Thần dân của bóng tối qua đi, để Dân Thiên Chúa, dân của ánh sáng xuất hiện: “Một dân đông đúc và hùng mạnh đang tràn ngập núi đồi như thể ánh bình minh. Một dân như vậy xưa nay chưa hề có và muôn năm muôn đời cũng sẽ chẳng bao giờ có nữa” (năm lẻ).
Lời tiên báo đó ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su. Chúa đến tiêu diệt vương quốc bóng tối của ma quỉ. Giải phóng con người khỏi ách nô lệ ma quỉ. Xua đuổi chúng về miền tăm tối. Ma quỉ không còn phải là kẻ mạnh nhất nữa. Chính Chúa Giê-su, Đấng Cứu Thế mới là Đấng Toàn Năng, mạnh mẽ: “Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. Nhưng nếu co người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được”. Chúa đã chiếm lại được sự sống và tự do từ tay ma quỉ. Chúa đem sự sống và tự do trả lại cho con người.
Tuy nhiên lại có một vấn đề. Con người có tự do, có đón nhận Chúa không? Những người không tin Chúa cho rằng Chúa là tướng quỉ đến trừ quỉ. Họ dọn cỗ cho ma. Vì không chấp nhận Chúa thì họ sẽ như căn nhà bỏ hoang sau khi được Chúa quét dọn sạch sẽ. Ma quỉ sẽ quay trở lại. Không có Chúa, số phận họ sẽ khốn khổ hơn trước.
Muốn đón nhận Chúa phải có đức tin. Chính đức tin làm cho con người nên công chính. Chính đức tin làm nên sức mạnh. Vì sống bằng sức sống và sức mạnh của Chúa. Chính đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh giải phóng ta khỏi bị nguyền rủa. “Khi vì chúng ta chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa”. Chịu chết Chúa qui tụ một dân đông đúc và hùng mạnh. “Các dân ngoại cũng được hưởng phúc lành dành cho ông Áp-ra-ham”. Đó là dân hùng mạnh vì thoát khỏi ách quỉ thần. Và sống bằng Thần Khí nhờ đức tin như thánh Phao-lô dạy: “nhờ đức tin, chúng ta nhận được ơn Thiên Chúa đã hứa tức là Thần Khí” (năm chẵn).
Suy Niệm 3: Nương Tựa Vào Chúa
Dù với công thức dài như ở Tin Mừng Matthêu hay ngắn gọn nơi Tin Mừng Luca, Kinh Lạy Cha được kết thúc bằng câu: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ". Nhắc nhở các môn đệ cầu xin cho khỏi sa chước cám dỗ, Chúa Giêsu cũng muốn nói đến một thực tại luôn có mặt trong thế giới này để làm hại con người, đó là sự dữ hay ma quỉ. Ở bên cạnh con người, nhưng ma quỉ không hiện nguyên hình, mà lại mượn chính hình dạng con người để quyến rũ và lôi kéo con người đến điều ác.
Ðó cũng là sự kiện đã xảy ra như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay: sau khi Chúa Giêsu chữa cho một người bị quỉ ám được khỏi, trong đám đông có mấy người nói rằng Ngài đã nhờ thế của quỉ vương Beelzebul mà trừ quỉ. Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này để mạc khải về Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa đã đến và trong đó có bóng dáng của ma quỉ. Một Phêrô vừa được khen thưởng vì đã tuyên xưng đúng tước hiện của Chúa Kitô, thì lập tức đã bị khiển trách là Satan khi ông căn ngăn Chúa Giêsu lên Yêrusalem để chịu khổ nạn.
Chúa Giêsu đã đến để chiến thắng ma quỉ và tội lỗi, đồng thời Ngài cũng đòi hỏi những kẻ theo Ngài phải có một thái độ dứt khoát: "Ai không theo tôi, là chống tôi, và ai không cùng tôi thu góp, là phân tán". Hình ảnh người võ trang canh giữ nhà của mình là một lời mời gọi những kẻ theo Chúa biết hoàn toàn đặt tin tưởng, phó thác vào Ngài. Tìm một người hùng mạnh để canh giữ cho mình được an toàn thì có ai bằng Thiên Chúa; kiếm một nơi ẩn náu trước những tấn công của kẻ thù, thì có đâu vững chắc cho bằng núp bóng dưới cánh tay Ngài.
Chúng ta phải tìm nơi nương tựa mạnh mẽ, vững chắc, vì ma quỉ như sư tử luôn gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé, làm hại chúng ta. Một lần thất bại, nó không nản lòng, nó sẽ trở lại với một lực lượng hùng mạnh hơn. Bởi đó, chúng ta phải kiên trì trong lời cầu nguyện: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ". Cám dỗ là vũ khí ma quỉ dùng để đánh bại chúng ta, nhưng chúng ta vẫn không nao núng, nếu biết đứng vững trong đức tin để chống cự và biết ẩn núp dưới sự che chở của Chúa.
Nguyện xin Chúa gìn giữ chúng ta luôn kiên vững trong niềm xác tín đó.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Quyền Năng Trên Quỉ Dữ
Phép lạ Chúa Giêsu thực hiện là một dấu chỉ để mạc khải nước Thiên Chúa và tình thương giải phóng của Thiên Chúa đối với con người. Nhưng mọi dấu chỉ đều lưỡng vị, hai nghĩa và người ta có thể giải thích cách này hay cách khác, tùy theo tâm hồn họ như thế nào. Thiên Chúa chấp nhận để cho con người làm như vậy là vì Ngài kính trọng tự do của người chứng kiến và giải thích dấu chỉ. Ðó là điều đã xảy ra và được kể lại trong đoạn Phúc Âm chúng ta vừa đọc lại trên đây.
Nhiều người kính phục quyền năng giải phóng và tình thương nhân từ của Thiên Chúa được thể hiện nơi và qua hành động của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, vài người khác thì giải thích xấu đi, cho rằng Chúa Giêsu cấu kết với quyền lực của quỷ vương để trừ quỷ con. Nhưng giải thích như vậy không hợp lý gì cả. Lòng gian tà và ý xấu muốn bôi nhọ Chúa Giêsu làm cho họ ra mù quáng và lý luận không còn hợp lý nữa. Chúa Giêsu chỉ cho họ thấy khuyết điểm này với những lời như sau: "Vương quốc nào chia rẽ thì sẽ bị tan rã. Giờ đây, nếu Satan cũng chia rẽ thì làm sao chúng đứng vững được". Giải thích duy nhất đúng là qua dấu lạ đó mà nhìn nhận Ðấng thực hiện dấu lạ có quyền năng trên quỷ dữ và như thế là Nước Thiên Chúa và hành động giải phóng của Ngài đã đến giữa con người trước mặt họ.
Ðể chấp nhận lời mạc khải của Chúa và trong trường hợp này, lời giải thích của Chúa Giêsu về ý nghĩa của dấu lạ Chúa vừa thực hiện, con người cần nhờ đến ánh sáng siêu nhiên hướng dẫn, cần có đức tin, cần có sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Ðây là điều mà những kẻ thù của Chúa Giêsu không có được đức tin là hồng ân của Thiên Chúa, chứ không phải là kết luận của suy tư. Vì thế, trước dấu lạ Chúa Giêsu thực hiện, con người không nhất thiết có thể nhìn nhận ý nghĩa của dấu lạ đó và tuyên xưng đức tin. Nếu đức tin là kết luận của suy tư lý trí thì trước dấu lạ Chúa thực hiện, mọi người đều đã tin Chúa hết cả rồi.
Con người cần khiêm tốn cầu xin Thiên Chúa ban cho ơn đức tin, để có thể nhận ra ý nghĩa của dấu lạ và được củng cố trong đức tin. Trước dấu lạ của Chúa, con người chỉ có một trong hai thái độ: tin hay không tin; chấp nhận hay chối từ mà thôi. Và một khi đã tin rồi, người đồ đệ cần phải góp phần của mình để bồi dưỡng thêm cho đức tin, góp phần làm cho đức tin được phát triển, được vững mạnh hơn. Nếu không, tình trạng bị mất đức tin sau đó sẽ trở thành tồi tệ hơn trước khi tin Chúa, ma quỷ tấn công trở lại mạnh mẽ hơn muôn vạn cho đến bảy lần hơn.
Ðể hiểu rõ một ai thì cần phải yêu mến người đó và thường xuyên trao đổi với người đó. Ðối với Chúa Giêsu cũng vậy, để biết Chúa nhiều hơn, thì cần phải yêu mến Ngài và có những trao đổi thường xuyên với Ngài qua việc cầu nguyện, lắng nghe lời Chúa. Ðể có thể luôn luôn đứng về phe Chúa, luôn luôn trung thành theo Chúa thì không có cách nào tốt hơn là hữu hiệu hơn là sống thân mật kết hiệp với Chúa qua việc cầu nguyện và lắng nghe lời Ngài. Ðiều này đòi hỏi chúng ta phải luôn sám hối, hoán cải, để có thể cùng với Chúa mà chiến thắng sức mạnh thần dữ muốn chiếm đoạt chúng ta theo phe chúng.
Lạy Chúa là Cha chúng con.
Chúng con cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng con đức tin. Xin thương ban xuống tràn đầy Chúa Thánh Thần trên chúng con để chúng con được củng cố mỗi ngày một thêm trong đức tin.
Lạy Chúa.
Xin gia tăng đức tin cho chúng con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 5: Không thuận là chống
“Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.” (Lc. 11, 23)
Đó là lý luận đơn giản. Người ta không thể vừa thuận vừa chống cùng một lúc. Người ta tố cáo Đức Kitô lấy quyền quỷ mà trừ quỷ! Thưa quý vị, quý vị nếu có một chút thông minh, quý vị sẽ thấy rõ đó là cuộc nội chiến ghê gớm của Satan. Thiên Chúa nhân lành đã làm rất nhiều để chống lại Satan và bè lũ của nó. Muốn diệt chúng hoàn toàn, Chúa chỉ để chúng đánh nhau từ trong nội bộ là xong. Nhưng khốn nỗi, không bao giờ Ngài làm thế.
Không, không phải Đức Kitô nhờ tướng quỷ Bendêbút mà trừ quỷ. Người Aramê đã gọi Bendêbút là “chúa phân bớn” “chúa ruồi nhặng”. Những tiếng khinh bỉ đó không bao giờ dám gán cho Đức Kitô. Nhưng những kẻ dám gán cho Người rất quỷ quyệt, tuy nhiên họ lại ngu dốt đến nỗi cho thấy họ đã tự mâu thuẫn với chính mình!
Chính nhờ ngón tay Thiên Chúa có ý nghĩa là sức mạnh của Thiên Chúa mà Đức Kitô hành động. Vì từ nay đi, nhờ Người triều đại Thiên Chúa đã tiếp tục trị đến trong thế gian. Satan không thể nào chống được Con Thiên Chúa. Nó đã rình mò thám thính thử đến thuê mướn Người lúc ăn chay 40 ngày trong sa mạc. Người mạnh hơn nó trên thế gian, từ nay chính Người là Đấng Thiên Sai Cứu Thế! Người đến cứu độ nhân loại. Người ở lại đây, không bỏ đi nữa. Ai ở với Người và không chống lại Người thì được bảo vệ và được nâng đỡ mãi mãi trong tình yêu của Người.
Nhưng xin chú ý, chú ý! Người ta có thể thuận theo Người, thành thật chọn Người, muốn theo Người tới cùng, bằng mọi giá, tin cậy núp bóng Người luôn luôn! Nhưng đừng tưởng Satan không còn nữa, thời của nó đã trôi vào quá khứ, nó không còn thể chống lại loài người nữa; chối quyền lực của nó thì liều mình đi đến sa ngã thất bại. Nó còn hoạt động hơn bao giờ hết! nó biết lừa cơ hội để khai thác những yếu đuối sâu sa của chúng ta một cách đáng sợ! những làn sóng ngầm của sự dữ lôi cuốn thế giới chúng ta là chứng cớ rõ ràng có bàn tay lầm ngầm của ma quỷ. Sự đánh thức những bản năng hạ đẳng nhất của nhân loại là dấu chỉ chắc chắn quỷ đang có mặt giữa chúng ta! đừng sợ, đừng đánh thức những thú hạ đẳng đó, dù thần dữ không bao giờ đầu hàng, nhưng hãy tin cậy vững mạnh vào Đức Kitô vì Người đã chiến thắng thế gian; Phần chúng ta phải sáng suốt đi theo Người.
GF
Suy Niệm 6: KHÔNG ĐƯỢC VU KHỐNG (Lc 11, 15-26)
Xem CN 10 TN B (Mc 3,20-35) thứ Hai tuần 8 TN, thứ Năm tuần 3 MC và thứ Ba tuần 14 TN
Có một thời người ta đổ xô đi mua cuốn sách: “Cơn cám dỗ cuối cùng” của tác giả Nikos Kazantzakis, và trong những năm gần đây, đạo diễn Martin Scoresse đã hiện thực hóa trong bộ phim cùng tên. Khi phim được trình chiếu, nhiều người đã tỏ ra bức xúc vì những lời lẽ và hành động được tác giả gán cho Đức Giêsu xem ra có vẻ tầm thường và đôi khi không được tốt đẹp cho lắm!
Đó là câu chuyện thời nay, còn thời xưa, những người Pharisêu đã không ngần ngại gán cho Đức Giêsu rằng: Ngài đã nhờ Tướng Quỉ để mà trừ quỉ. Đây là một sự xúc phạm nặng nề đến bản tính của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, họ đã bị phản pháo, khi Đức Giêsu đưa ra hai luận chứng nhằm lý giải cho họ biết rằng những lời họ vu cáo không có căn cứ:
- Trước tiên, Ngài không thể lấy danh của Tướng Quỷ mà trừ quỷ được. Lý do: một là Tướng Quỷ không đời nào cho như vậy; hai là nếu chúng đồng ý thì hẳn nước của chúng tới hồi kết thúc.
- Tiếp theo, Đức Giêsu dùng biện pháp lấy “độc trị độc” hay “gậy ông đập chính lưng ông” khi nói: “Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ?”
Nghe đến đây, họ đã câm miệng vì những lời lẽ khôn ngoan được thốt lên từ miệng Đức Giêsu.
Với những lời phi bác ấy, Đức Giêsu đã vô hiệu hóa việc vu khống của những người Pharisêu.
Khi đánh tan sự xuyên tạc của chúng, Đức Giêsu vạch trần mục đích đen tối của họ là xấu xa, gian ác, nhằm mục đích hại người.
Trong thực trạng xã hội hiện nay, vẫn còn đó những Pharisêu kiểu hiện đại với những lời lẽ vu khống hết sức xảo quyệt. Họ luôn dùng chiêu thức: “Cả vú lấp miệng em” để đè ép, vu khống và cướp bóc nơi những người thấp cổ bé họng không có tiếng nói.
Còn về phía chính chúng ta, nhiều khi chúng ta không phỉ báng Chúa như những người Pharisêu, nhưng không chừng, chúng ta đang phỉ báng Chúa cách nặng nề hơn họ khi mỗi lần chúng ta rước Chúa vào lòng cách bất xứng với đầy tội lỗi; hay mỗi khi chúng ta khước từ Giáo Huấn của Chúa. Sống ích kỷ, kiêu ngạo, bất nhân và ác ý...
Như vậy, sự tốt - xấu; bóng đêm - ánh sáng vẫn luôn hiện diện trong mọi thời, và người công chính vẫn phải chịu cảnh thua thiệt.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đấu tranh cho lẽ phải bằng cách lựa chọn điều tốt, tránh điều xấu làm phương hại đến đời sống tâm linh của ta cũng như mọi người. Không bao giờ được sống kiểu lập lờ; bắt cá hai tay... Tránh cho xa cái thói đê tiện làm cho ta ghen tức mà tìm cách hại người khác như triệt hạ uy tín của họ cách này hay cách khác. Cần có sự tha thứ cho anh chị em mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con tin tưởng vào quyền năng của Chúa. Luôn biết sống trong sự khiêm tốn và yêu thương mọi người. Amen.
Ngọc Biển SSP
Friday (October 9): “If it is by the finger of God”
Scripture: Luke 11:15-26 15 But some of them said, “He casts out demons by Beelzebul, the prince of demons”; 16 while others, to test him, sought from him a sign from heaven. 17 But he, knowing their thoughts, said to them, “Every kingdom divided against itself is laid waste, and a divided household falls. 18 And if Satan also is divided against himself, how will his kingdom stand? For you say that I cast out demons by Beelzebul. 19 And if I cast out demons by Beelzebul, by whom do your sons cast them out? Therefore they shall be your judges. 20 But if it is by the finger of God that I cast out demons, then the kingdom of God has come upon you. 21 When a strong man, fully armed, guards his own palace, his goods are in peace; 22 but when one stronger than he assails him and overcomes him, he takes away his armour in which he trusted, and divides his spoil. 23 He who is not with me is against me, and he who does not gather with me scatters. 24 “When the unclean spirit has gone out of a man, he passes through waterless places seeking rest; and finding none he says, `I will return to my house from which I came.’ 25 And when he comes he finds it swept and put in order. 26 Then he goes and brings seven other spirits eviler than himself, and they enter and dwell there, and the last state of that man becomes worse than the first. |
Thứ Sáu 9-10 Nếu tôi dùng ngón tay của Thiên Chúa
Lc 11,15-26 15 Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.”16 Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời.17 Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia.18 Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được? … bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.19 Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông.20 Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.21 Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn.22 Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được.23 “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.24 “Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi. Mà vì tìm không ra, nó nói: “Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi.”25 Khi đến nơi, nó thấy nhà được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi.26 Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước.” |
Meditation:
When danger lurks, what kind of protection do you seek? Jesus came to free us from the greatest danger of all – the corrupting force of evil which destroys us from within and makes us slaves to sin and Satan (John 8:34). Evil is not an impersonal force that just happens. It has a name and a face and it seeks to master every heart and soul on the face of the earth (1 Peter 5:8-9). Scripture identifies the Evil One by many names, ‘Satan’, ‘Beelzebul – the ‘prince of demons’, the ‘Devil’, the ‘Deceiver’, the ‘Father of Lies’, and ‘Lucifer’, the fallen angel who broke rank with God and established his own army and kingdom in opposition to God. Jesus has the power to cast out the Deceiver and set us free Jesus declared that he came to overthrow the power of Satan and his kingdom (John 12:31). Jesus’ numerous exorcisms brought freedom to many who were troubled and oppressed by the work of evil spirits. Jesus himself encountered personal opposition and battle with Satan when he was put to the test in the wilderness just before his public ministry (Matthew 4:1; Luke 4:1). He overcame the Evil One through his obedience to the will of his Father. Some of the Jewish leaders reacted vehemently to Jesus’ healings and exorcisms and they opposed him with malicious slander. How could Jesus get the power and authority to release individuals from Satan’s influence and control? They assumed that he had to be in league with Satan. They attributed his power to Satan rather than to God. Jesus answers their charge with two arguments. There were many exorcists in Palestine in Jesus’ time. So Jesus retorted by saying that they also incriminate their own kin who cast out demons. If they condemn Jesus they also condemn themselves. Whose kingdom do you follow and serve? In his second argument, Jesus asserts that no kingdom divided against itself can survive for long. We have witnessed enough civil wars in our own time to prove the destructive force at work here for the annihilation of whole peoples and their land. If Satan lends his power against his own forces then he is finished.
Cyril of Alexandria, a 5th-century church father explains the force of Jesus’ argument: Kingdoms are established by the fidelity of subjects and the obedience of those under the royal sceptre. Houses are established when those who belong to them in no way whatsoever thwart one another but, on the contrary, agree in will and deed. I suppose it would establish the kingdom too of Beelzebub, had he determined to abstain from everything contrary to himself. How then does Satan cast out Satan? It follows then that devils do not depart from people on their own accord but retire unwillingly. “Satan,” he says, “does not fight with himself.” He does not rebuke his own servants. He does not permit himself to injure his own armour bearers. On the contrary, he helps his kingdom. “It remains for you to understand that I crush Satan by divine power.” [Commentary on Luke, Homily 80] How can a strong person be defeated except by someone who is stronger? Jesus asserted his power and authority to cast out demons as a clear demonstration of the reign of God. Jesus’ reference to the ‘finger of God’ points back to Moses’ confrontation with Pharoah and his magicians who represented Satan and the kingdom of darkness (see Exodus 8:19). Jesus claims to be carrying on the tradition of Moses whose miracles freed the Israelites from bondage by the finger of God. God’s power is clearly at work in the exorcisms which Jesus performed and they give evidence that God’s kingdom has come.
God and his Word is the source of our protection and security What is the point of Jesus’ grim story about a vacant house being occupied by an evil force? It is not enough to banish evil thoughts and habits from our lives. We must also fill the void with God who is the source of all that is good, wholesome, true, and life-giving for us. Augustine of Hippo said that our lives have a God-shaped void which only God can fill. If we attempt to leave it vacant or to fill it with something else which is not of God, we will end up being in a worse state in the end. What do you fill the void in your life with? The Lord Jesus wants to fill our minds and hearts with the power of his life-giving word and healing love. Jesus makes it very clear that there are no neutral parties in this world. We are either for the Lord Jesus or against him, for the kingdom of God or against it. We cannot serve two kingdoms opposed to each another. There are ultimately only two universal kingdoms which stand in opposition to one another – the kingdom of God – his kingdom of light and truth – and the kingdom of darkness – which is opposed to God’s truth and justice and which is dominated by Satan’s lies and deception. If we disobey God’s word, we open to door to the power of sin and the deception of Satan in our personal lives. Is Jesus the Lord of your mind, heart, and home? If we want to live in true freedom, then our “house” (the inner core of our true being) must be occupied by Jesus where he is enthroned as Lord and Savior. The Lord assures us of his protection from spiritual harm and he gives us the help and strength we need to resist the devil and his lies (James 4:7). The Scriptures remind us that God is our refuge and his angels stand guard over us: “Because you have made the Lord your refuge, the Highest your habitation, no evil shall befall you, no scourge come near your tent. For he will give his angels charge of you to guard you in all your ways”(Psalm 91:9-11). Do you know the peace and security of a life submitted to God and his word? “Lord Jesus, be the ruler of my heart and the master of my home. May there be nothing in my life that is not under your lordship.”
|
Suy niệm:
Khi nguy hiểm xuất hiện, bạn tìm kiếm loại bảo vệ nào? Đức Giêsu đến để giải thoát chúng ta khỏi sự nguy hiểm lớn nhất – sức mạnh đồi bại của sự dữ mà phá hủy chúng ta từ bên trong, và làm cho chúng ta ra nô lệ cho tội lỗi và Satan (Ga 8,34). Sự dữ không phải là một sức mạnh bâng quơ không liên quan tới ai bỗng dưng xảy ra. Nó có tên và mặt mũi, và tìm kiếm để làm chủ các tâm hồn trên trái đất (1Pr 5,8-9). Kinh thánh nhận dạng Ác thần với nhiều tên: Satan, Beelzebul, tướng quỷ, Ma quỷ, Kẻ lừa dối, Cha kẻ lừa dối, Luxiphe, thiên thần sa ngã đã tách lìa với Thiên Chúa và thiết lập quân đội và vương quốc riêng của mình để chống lại Thiên Chúa.
Đức Giêsu có sức mạnh đuổi kẻ lừa dối và giải thoát chúng ta Đức Giêsu tuyên bố rằng Người đến để chế ngự quyền lực của Satan và vương quốc của nó (Ga 12,31). Những lần trừ quỷ vô số của Đức Giêsu đem lại tự do cho nhiều người, đã bị điều khiển và bị thống trị bởi công cụ của thần dữ. Chính Đức Giêsu đã đối mặt và chiến đấu với Satan khi hắn thử thách Người trong hoang địa trước sứ mệnh công khai của Người (Mt 4,1; Lc 4,1). Người chế ngự ác thần qua sự vâng phục thánh ý Chúa Cha. Vài người lãnh đạo Do thái phản ứng kịch liệt đối với các việc chữa lành và trừ quỷ của Chúa Giêsu. Họ chống đối Người với sự phỉ báng độc ác. Làm thế nào Đức Giêsu có thể có quyền năng để giải thoát người ta khỏi ảnh hưởng và kiểm soát của Satan? Họ ra vẻ như Người thông đồng với Satan. Họ cho rằng quyền lực của Satan hơn quyền lực của Thiên Chúa. Đức Giêsu trả lời sự buộc tội của họ với hai cuộc tranh luận. Vào thời Đức Giêsu có rất nhiều người trừ quỷ ở Palestine. Cho nên Đức Giêsu vặn lại họ bằng cách nói rằng họ cũng đổ tội cho người họ hàng trừ quỷ của mình. Nếu như họ kết tội Đức Giêsu, thì họ cũng kết tội chính họ. Bạn theo và phục vụ cho vương quốc nào? Trong cuộc tranh cãi thứ hai, Đức Giêsu quả quyết rằng không có vương quốc nào chia rẽ lại có thể tồn tại lâu dài được. Chúng ta đã chứng kiến rất rõ về những cuộc nội chiến trong thời kỳ của mình để chứng minh sức mạnh hủy hoại về con người và đất đai. Nếu Satan để cho người khác mượn quyền lực của mình để chống lại những lực lượng của chính mình thì đời hắn đã tàn. Cyril thành Alexandria, một giáo phụ ở thế kỷ thứ 5 giải thích về sức mạnh của cuộc tranh luận của Đức Giêsu như sau: Các vương quốc được thiết lập bởi lòng trung thành của thần dân, và sự vâng phục của các người cận thần. Nhà cửa được xây dựng khi mọi người trong nhà không ai cản trở, trái lại tất cả đều đồng ý trong tư tưởng cũng như việc làm. Cũng vậy, giả sử muốn thiết lập vương quốc của Beelzebub, hắn phải tránh bất cứ điều gì chống lại chính mình. Thế thì làm sao Satan đánh đuổi Satan được? Do đó, ma quỷ không bao giờ tự ý rời khỏi người ta, nếu không bị cưỡng bách. Hắn nói: “Satan, đừng tự đánh mình.” Hắn không quở trách tôi tớ của hắn. Hắn không cho phép mình gây hại các chiến binh của mình. Trái lại, hắn trợ giúp vương quốc của mình. “Để cho các ngươi hiểu biết rằng Ta dùng sức mạnh của Thiên Chúa để tiêu diệt Satan.” (Giải thích Tin mừng thánh Luca, bài giảng 80). Làm thế nào một người khỏe mạnh bị đánh bại nếu như không có người khác mạnh hơn sao? Đức Giêsu quả quyết quyền năng của Người xua đuổi ma quỷ là dấu chỉ rõ ràng về triều đại của Thiên Chúa. Lời chứng nhận “ngón tay Thiên Chúa” của Đức Giêsu nhắc lại sự đương đầu của Môisen với vua Pharoah và các nhà phù thủy, đại diện cho Satan và vương quốc tối tăm (Xh 8,19). Đức Giêsu tuyên bố Người đi theo truyền thống của Môisen, người có những phép lạ đã giải thoát dân Israel khỏi cảnh nô lệ, nhờ ngón tay của Thiên Chúa. Uy quyền của Thiên Chúa rõ ràng bày tỏ trong những lần trừ quỷ, mà Đức Giêsu thực hiện và chúng đưa ra bằng chứng rằng vương quốc của Chúa đã đến. Thiên Chúa và Lời Người là nguồn bảo vệ và che chở của chúng ta Điểm then chốt câu chuyện ấn tượng của Đức Giêsu về căn nhà trống bị ma quỷ chiếm hữu là gì? Sự loại bỏ những tư tưởng xấu và những thói quen xấu ra khỏi cuộc sống của chúng ta vẫn chưa đủ. Chúng ta cũng phải lấp đầy khoảng trống bằng Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của tất cả sự tốt lành, thánh thiện, chân thật, và ban sự sống cho chúng ta. Thánh Augustinô thành Hippo nói rằng cuộc sống của chúng ta có một khoảng trống hình bóng của Thiên Chúa, mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn. Nếu chúng ta bị cám dỗ để nó trống trải, hay lấp đầy bằng những thứ khác, chúng ta sẽ kết thúc với một tình trạng bi thảm. Bạn lấp đầy khoảng trống vắng trong cuộc đời mình bằng điều gì? Chúa Giêsu muốn lấp đầy tâm trí chúng ta với sức mạnh của lời ban sự sống và tình yêu chữa lành của Người. Đức Giêsu tuyên bố dứt khoát rằng không có phe trung lập trong thế giới này. Một là chúng ta ủng hộ Chúa Giêsu, hai là chống đối Người, ủng hộ vương quốc của Thiên Chúa hay chống đối nó. Cuối cùng chỉ có hai vương quốc đối lập nhau – vương quốc của Thiên Chúa và vương quốc của bóng tối do Satan thống trị. Nếu chúng ta không vâng phục lời Chúa, chúng ta mở cửa cho quyền lực của tội lỗi và sự lừa dối của Satan vào trong cuộc sống của chính mình. Đức Giêsu có phải là Chúa của lý trí, tâm hồn, và gia đình bạn không? Nếu chúng ta muốn sống trong tự do thật sự, thì “căn nhà” của chúng ta (nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn) phải được Đức Giêsu ngự trị, nơi Người được tôn phong làm Chúa và làm Đấng cứu độ. Thiên Chúa đoan chắc bảo vệ chúng ta khỏi sự nguy hại thiêng liêng, và ban cho chúng ta sự trợ giúp và sức mạnh cần thiết để chống lại ma quỷ và sự lừa dối của nó (Gc 4,7). Kinh thánh nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa là nơi trú ẩn và các thiên thần của Người sẽ gìn giữ bạn: “Vì bạn có Chúa làm nơi trú ẩn, có Đấng tối cao làm chỗ nương thân. Bạn sẽ không gặp điều ác hại, và tai ương không bén mảng tới nhà”, bởi chưng Người truyền cho thiên sứ, giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường (Tv 91,9-11).
Bạn có biết sự bình an và an toàn của cuộc sống vâng phục Chúa và lời của Người không? Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đấng cai trị lòng con và là Chủ của gia đình con. Chớ gì mọi sự trong đời con đều ở dưới sự thống trị của Chúa. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
SUY NIỆM
1. Sự hiện diện của ma quỉ
Ít có khi nào Đức Giê-su nói về Satan và các thần của nó rõ và nhiều như trong bài Tin Mừng hôm nay. Trong sách Linh Thao, thánh Inhaxiô Loyola cũng nói rõ và nhiều về Satan và các thần của nó, khi truyền đạt lại cho chúng ta các quy tắc nhận định thần loại (x. LT 313-336).
Ngày nay, Satan và các thứ quỉ của nó ít được nói tới, nhưng sức mạnh của chúng dường như càng ngày càng lớn mạnh ở mọi cấp độ: cá nhân, nhóm và cả một cộng đồng, một xã hội. Satan và các thứ quỉ của nó không cần ra mặt nữa, vì thế giới loài ngày nay mang lại cho chúng quá nhiều phương tiện để ẩn nấp và sử dụng nhằm phá hoại sự sống của con người. Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su nói tới cả một “nước hay triều đại của Satan”, cùng một từ ngữ basileia, khi Ngài nói về Nước hay Triều Đại của Thiên Chúa.
Khi được ơn hiểu biết và yêu mến Đức Ki-tô, được các Tin Mừng kể lại, chúng ta sẽ nhận ra một cách dễ dàng Satan và những gì thuộc về Satan.
2. Vương quốc của Satan
Đức Giê-su trừ một tên quỉ, và đó là quỉ câm. Như thế, có một thứ quỉ làm cho câm lặng, làm cho không nghe được thực sự, và vì thế không nói được thực sự. Bởi vì, câm là do điếc. Chúng ta cũng hay điếc với Chúa, điếc với anh em đồng loại, nên chúng ta câm. Vì thế, chúng ta cũng có thể bị quỉ câm ám!
Tuy nhiên, bài Tin Mừng còn kể lại cho chúng ta có một thứ “câm điếc” nghiêm trọng hơn: “câm điếc” đối với những dấu chỉ mà Thiên Chúa ban qua Đức Giê-su. Cùng chứng kiến dấu chỉ mà Đức Giê-su vừa thực hiện, một dấu chỉ đầy ý nghĩa, nhưng:
có một số người bảo ông ấy dựa thế quỉ vương mà trừ quỉ;
còn những người khác thì muốn thử Ngài, đòi một dấu lạ từ trời.
Và những phản ứng này diễn ra ở trong thâm tâm. Chắc chắn là Đức Giê-su rất buồn lòng, chúng ta cần nghiệm ra tâm tình của Ngài ở bên dưới những lời Ngài nói. Và Ngài nói một tràng dài, rất tự phát và mạnh mẽ về ma quỉ: Ngài nói về vương quốc của chúng, về sức mạnh của chúng và về thói quen của chúng
Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia. Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được? … bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ. Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông…” (c. 17-20)
3. Vương Quốc của Đức Giê-su
Tuy nhiên, xét cho cùng, những người nghe Đức Giê-su và phản ứng như thế, đâu đã đến nỗi nào, nghĩa là chưa rơi vào tình trạng tệ hại vì bị một tên quỉ cộng thêm bảy tên quỉ khác dữ hơn làm chủ. Chúng ta cũng có thể nói như vậy về chính mình, về cộng đoàn hay cộng đồng của chúng ta.
Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi. Mà vì tìm không ra, nó nói: “Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi.” Khi đến nơi, nó thấy nhà được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước. (c. 24-26)
Nhưng đàng khác, những người nghe Đức Giê-su ngày xưa cũng như hôm nay vẫn chưa có một một lựa chọn dứt khoát và triệt để Tin Mừng của Đức Giê-su và Triều đại Thiên Chúa, vẫn chưa để cho mình bị cuốn hút bởi Thần khí của Giê-su. Nếu chúng ta đang trong tình trạng “dở dở ương ương” như thế, Đức Giê-su cảnh báo cho chúng ta rằng, chúng ta sẽ tất yếu rơi vào tình trạng tệ hại, nghĩa là rơi vào lưới, hay nước của Satan.
Biết và giữ các giới răn mà không có Thần Khí, cũng là một thứ “dở dở ương ương” hay “có, không ra có; không, không ra không” (x. Gl 3, 7-14). Bởi vì, việc giữ luật sẽ trở nên vô nghĩa, nặng nề và chỉ có vẻ bề ngoài, khi người ta không biết hay không cần biết mình giữ luật là vì ai, nhờ ai và cho ai? Đức Giê-su là Đường, Sự Thật và Sự Sống và Người sẽ giúp chúng ta hoàn tất Lề Luật theo Thần Khí (x. Mt 5, 17-48). Đó chính là ý nghĩa của những lời thật mạnh mẽ này của Đức Giê-su:
Ai không đi với tôi là chống lại tôi,
và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn