THỨ SÁU TUẦN V PHỤC SINH NĂM C Ga 15,12-17

Thứ sáu - 16/05/2025 11:45
THỨ SÁU TUẦN V PHỤC SINH NĂM C
Ga 15,12-17

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
12Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.
14Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm.
Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
16Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.
17Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.
  
SUY NIỆM 1: TÌNH CHÚA YÊU TÔI
Bài Tin mừng hôm nay cho biết, trước khi rời bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Chúa Giê-su đã nói với chúng ta ba lời này, và rất đáng để chúng ta suy gẫm.
Lời thứ nhất, “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Đây là điệp khúc được lặp đi lặp lại từ đầu tuần đến hôm nay. Sở dĩ điều này được lặp lại nhiều như thế, là bởi vì đây chính là lời trăng trối của Chúa Giê-su, trước khi Ngài đi chịu chết.
Hôm nay nghe lại lời di chúc này của Chúa Giê-su, sẽ không phân tích hay giải thích gì thêm, cũng không chỉ cho anh chị em cách thức để sống, vì chúng ta quá biết Chúa muốn chúng ta phải yêu thương nhau thế nào; nhưng chỉ muốn mời gọi anh chị em hãy cùng nhau đấm ngực nhìn lại chính mình, để xem chúng ta đã thực hiện lời trăng trối này của Chúa ra sao: linh mục với giáo dân, vợ với chồng, cha mẹ với con cái, đã sống yêu thương như thế nào?

Lời thứ hai, “Chính anh em là bạn hữu của Thầy”. Nói đến tình bạn thì ai trong chúng ta cũng rất phong phú. Phía các bà các chị thì có bạn học, bạn bán hàng, bạn thích làm đẹp, bạn selfie (chụp hình đăng face)... Còn phía các ông các anh thì có bạn làm ăn, bạn làm vườn, bạn thể thao giải trí, bạn nhậu… Đây là những mối tương quan nên có thưa anh chị em.
Vậy Chúa Giê-su là bạn với chúng ta trong lãnh vực nào thưa cộng đoàn? Thưa Chúa Giê-su là người bạn thiêng liêng với mỗi người chúng ta trong đời sống đời đức tin. Ngài muốn đồng hành với mỗi người trên mọi nẻo đường, như xưa Ngài đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau.
Nếu như khi đối diện những niềm vui nỗi buồn, chúng ta thường xuyên tâm sự hàn thuyên với bạn bè, thì mọi chuyện lớn nhỏ trong cuộc sống hãy kể cho Chúa nghe. Mỗi người đừng quên Chúa chính là người bạn tri kỉ với chúng ta trong đời sống đức tin.

Lời thứ ba, “Không phải anh em đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em”. Có bao giờ anh chị em tự hỏi rằng, tại sao giữa biết bao nhiêu người mà Chúa lại chọn tôi làm thành viên của HĐMV mở rộng của giáo xứ; giữa biết bao người mà Chúa lại chọn con tôi vào ban điều hành các giới, các đoàn thể, tham gia vào ca đoàn, giúp lễ? Tất cả chỉ tóm gọn trong một câu trả lời: Vì Chúa yêu thương và tin tưởng nên Ngài mới chọn chúng ta. Những ai được Chúa chọn hãy hy sinh hết mình và phục vụ hết tình để không làm phụ lòng Thiên Chúa.
Ước gì mỗi người nhận ra và cảm nhận được nỗi lòng của Chúa, để chúng ta có những quyết tâm để sống lời Chúa dạy hôm nay, mà đáp lại tình Chúa yêu thương. Amen.
Lm Antôn

SUY NIỆM 2: ANH EM LÀ HÃY YÊU THƯƠNG NHAU
Bài giáo lý về Kitô hữu phải yêu mến nhau.
Lòng “yêu mến nhau” mà Chúa muốn các môn đệ mình phải vươn tới là những mức độ sau đây:
- “Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con.”
- “Không có tình yêu nào lớn hơn bằng tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình.”
Suy gẫm
1. “Yêu thương,” “Tình gia đình,” “Huynh đệ,” “Chia sẻ,” “hiệp thông…” là những từ ngữ được nói quá nhiều nhưng nhiều khi chỉ là sáo ngữ, rỗng tuếch, ngôn hành tương phản. Chính con cũng rất nhiều lần nói như thế. Từ nay con muốn nói những chữ ấy một cách thật lòng, nhất là nói với những người cùng niềm tin, cùng lý tưởng với con.

2. Yêu thương, nếu chỉ là một cảm giác dễ chịu thì chưa phải là tình yêu thật. Tình yêu thật phải cho được, phải hy sinh. Cho đi càng nhiều, hy sinh càng lớn thì tình yêu càng đúng nghĩa. Bởi thế Chúa Giêsu nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn bằng tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình.”

3. “Không có tình yêu nào lớn hơn bằng tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình.” Câu Tin Mừng này khiến tôi liên tưởng đến một chuyện tôi đã đọc hồi còn nhỏ, tựa đề: “Anh phải sống.” Hai vợ chồng nghèo đi kiếm củi trên ngàn để bán lấy tiền nuôi con. Hôm đó trời giông bão, họ bị nước cuốn trôi đi. Chỉ có một khúc cây đủ cho một người bám. Người chồng bảo vợ hãy bám vào khúc cây, vì “em phải sống để lo cho các con.” Người vợ cũng bảo người chồng “anh phải sống.” Cuối cùng người vợ buông tay, tự tìm lấy cái chết cho mình, để nhường sự sống lại cho chồng và cho con.

4. “Điều Thầy truyền dạy cho anh em là hãy yêu thương nhau.” Từ 23 tháng chạp đến tết, đất Trung Quốc nhộn nhịp hẳn lên vì chuẩn bị cầu phúc. Trong những ngày này, Lỗ Tấn gặp thím Tường Lâm. Thím là một nông dân cần cù. Chồng trước thì chết sớm, chồng sau chết vì thương hàn, thằng con nhỏ thì bị chó sói vồ… Họ còn đồn rằng mai sau thím sẽ bị cưa đôi để chia cho hai con ma chồng. Thím luôn phải sống trong sợ hãi. Ai cũng nói thím là đồ ô uế. Chủ nhà không cho thím sờ tay vào các lễ vật, dù đó chỉ là cái chân đèn… Thím từ từ suy sụp và sinh hoảng loạn.
Lỗ Tấn thấy thím tóc trắng tóa, tay sách cái làn tre, trong có cái bát mẻ không đựng gì, tay kia cầm cây gậy trúc đầu toe tóe, lang thang trên đường, miệng lẩm bẩm gọi tên con mình…
Tiết trời lạnh lẽo, thím nằm chết trên một đống tuyết vào lúc giao thừa đến, pháo nổ vang trời. Các gia đình giàu có mở cửa ra, thấy vậy quát lên: “Tại sao chết vào lúc tao đang cầu phúc?”
Lạy Chúa, có nhiều người bên con vẫn đang âm thầm đau khổ chỉ vì những suy nghĩ, lời nói và hành động thiếu yêu thương của con, xin giúp con hiểu và thực thi giới răn yêu thương của Ngài.

5. Tin Mừng hôm nay bộc bạch một cách trong suốt trái tim của bậc Thầy. Điệp khúc gói trọn lời trăn trối của Ngài là: “Hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu thương các con.” Như Ta đã yêu thương các con, đó là mức độ của một tình yêu đích thực và đặc điểm của một giáo huấn chân thật. Chúa Giê-su quả thật là yêu thương các môn đệ và yêu thương đến cùng, đó là tình yêu cao cả của người thí mạng sống mình vì bạn hữu.
Cái chết của Chúa Giê-su trên Thập Giá là mạc khải tối thượng về Thiên Chúa và về con người. Qua cái chết ấy, Chúa Giê-su cũng đồng thời mạc khải cho nhân loại rằng chỉ có một Thiên Chúa và Thiên Chúa đó yêu thương con người. Qua cái chết ấy Chúa Giê-su cũng đồng thời mạc khải cho nhân loại rằng con người chỉ có một ơn gọi, đó là sống yêu thương, càng sống yêu thương, con người càng đến gần chân lý và càng trở thành bạn hữu của Thiên Chúa.
Chân lý không phải chỉ để tin nhận, mà thiết yếu là để được thực thi, và như Chúa Giêsu đã nói với Nicôđêmô: “Ai thực thi chân lý thì đến cùng ánh sáng.” Thật thế, ai sống yêu thương, người đó sẽ hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, phẩm giá của con người và chắc chắn sẽ cảm nhận được sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa. Trái lại, ai nuôi dưỡng hận thù, xúc phạm đến tha nhân, người đó cũng chối bỏ chân lý về con người và về Thiên Chúa, đồng thời cũng giam hãm mình trong tăm tối của cô đơn.
Nguyện xin Đấng là chân lý ban cho chúng ta ánh sáng và sức sống thần linh của Ngài, để chúng ta luôn tiến bước trong cuộc sống với niềm tin tưởng lạc quan. Xin cho các Kitô hữu xác tín rằng chỉ bằng cuộc sống yêu thương, chúng ta mới thực sự làm chứng cho chân lý.
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

SUY NIỆM 3:
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giê-su trối lại cho các môn đệ một giới răn mới, là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Nói là giới răn mới không phải vì Mười Giới Răn trong lề luật cũ chưa nói tới, nhưng mới ở đây là “Yêu Như Chúa Yêu”, là tình yêu lớn nhất khi sẵn sàng hi sinh tính mạng vì người mình yêu.
 * Tình yêu lớn nhất
“Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Khi hai người yêu nhau, những thứ thư từ, quà cáp, tiền bạc, lời nói… chỉ là những thứ phụ thuộc, điều họ cần chính là con người của nhau, cần hiến dâng hoàn toàn cho nhau, cần được kết hợp với nhau tuy hai mà một…, và đó cũng là chất thể của Bí Tích Hôn Nhân. Hơn ai hết, Chúa Giê-su là Vua Tình Yêu, Ngài quá thấu hiểu sự thiếu thốn của con người là đối tượng yêu của Ngài. Những lời nói, hành động của Ngài để lại thật quý, nhưng có gì quý hơn và con người cần hơn? Có gì minh chứng tình yêu hơn là sự trao ban chính thân mình Ngài cho con người?

* Tương giao bạn hữu
Khi đặt mình trong tương giao bạn hữu, Chúa Giê-su phải hạ mình từ một Thiên Chúa cao vời khôn ví xuống làm một con người bình thường để có thể làm bạn với con người.
Khi thổ lộ cho ai về cảnh ngộ cá nhân hay gia đình, ngay cả những tâm tư và bí mật của đời mình là dấu chỉ mình tín nhiệm người đó kín đáo, muốn gần gũi với người đó và muốn mở lòng để người đó đi vào đời mình. Ðó là cách thế Ðức Giê-su đã làm để trở nên bạn hữu với ta: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”.

* Chính Thầy đã chọn anh em
Chúng ta nhớ lại lời Chúa Giê-su đã nói trước đó: “Không ai đến được với Tôi nếu Chúa Cha không lôi kéo người ấy”. Rõ ràng, ơn đức tin là một ơn ban chứ không phải dễ dàng mà có đức tin được.
Ơn gọi không phải bắt đầu từ con người, mà là do tác động từ Thiên Chúa trước. Đây cũng là điều mà Chúa Giê-su nói với Phê-rô khi ông tuyên xưng Người là Đấng Kitô: “…Không phải là xác thịt mà là do Chúa Cha đã mặc khải”. Thật vậy, nhận biết Chúa Giêsu Kitô là một ân ban yêu thương đến từ Thiên Chúa Cha. Mọi nỗ lực của con người không thể thay thế hồng ân Chúa ban khi tuyển chọn họ, kêu gọi họ nhận biết Người theo đúng chân lý.

Trình thuật các Tin Mừng đều cho thấy chính Chúa Giê-su đến kêu gọi các môn đệ, chứ không phải các môn đệ đến chạy theo Người. Chúa Giê-su không chọn rồi để đó mà là cắt cử các môn đệ đi để họ mang lại hoa trái. Thật vậy, chọn bước theo Chúa không phải là để được an nhàn thư thái mà là để trao ban và phục vụ, để sinh ích cho các linh hồn.

Tóm lại, tình yêu không thể diễn tả được hết bằng ngôn từ, nhưng là sự cảm nhận rất riêng của mỗi người trong sự rung cảm của trái tim mà không bị lệ thuộc của bất cứ ranh giới nào. Tuy nhiên, người môn đệ có một tiêu chuẩn để diễn tả tình yêu đích thực là tuân giữ điều răn yêu thương của Chúa dành cho tha nhân, yêu thương một cách vô vị lợi, không so đo tính toán thiệt hơn, mà là YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU khi sẵn sàng hi sinh cả tính mạng vì bạn hữu.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã yêu và yêu đến cùng khi trao ban đến giọt máu cuối cùng trên thập giá, xin cho chúng con cũng biết yêu thương, hi sinh và trao ban cho nhau một cách không so đo tính toán, để chúng con trở nên môn đệ đích thực của Chúa, là BIẾT YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ CHÚA ĐÃ YÊU THƯƠNG CHÚNG CON. Amen
Hiền Lâm

SUY NIỆM 4: CỐ GẮNG YÊU THƯƠNG 
Câu chuyện
Khi người ta hỏi cha Phêrô (Abbé Pierre), người được người Pháp yêu mến nhất trong thế kỷ XX (cha giúp đỡ anh em bất hạnh đầu đường xó chợ có công ăn việc làm để mưu sinh): Nếu mai đây ngài mất đi, người ta nên ghi lại điều gì về cuộc đời ngài. Cha trả lời liền không ngần ngại: “Xin đề trên mộ tôi câu này: Nơi yên nghỉ của một người đã cố gắng yêu thương”.

Mục sư Martin Luther King người đã xả thân tranh đấu cho dân da đen được bình đẳng như người da trắng tại Hoa Kỳ, được giải thưởng Nobel Hòa bình. Cũng vì tinh thần dấn thân, vì quyền lợi của người da đen mà ông đã bị ám sát. Trong quyển nhật ký của Luther King đã viết những dòng sau đây: “Tôi rất hãnh diện, nếu ngày tôi qua đời ai đó sẽ kể lại rằng Martin Luther King là người đã cố gắng sống và yêu thương”.

Suy niệm
Lời mời gọi của Chúa Kitô dành cho những ai bước đi theo Ngài: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9c). Dịch sát theo nguyên tự Hy Lạp là: “Hãy ở trong tình yêu vốn thuộc về Thầy” (xe lu Abel, Gl:ammaire du treo biblique 33r Rem.I) nghĩa là “trong tình yêu Thầy dành cho anh em”. Yêu Ngài, gắn bó với Ngài thúc đẩy theo mệnh lệnh của Ngài thực thi điều răn quan trọng nhất: “Ðây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

Từ ngữ trung tâm của lời Chúa truyền là “tình yêu” (tiếng Hy Lạp: agape), và tình yêu cũng là từ chìa khóa của chuyển động tuần hoàn vòng tròn. Tác giả A. Marchadour đưa ra một nhận xét: “Trong trường hợp này, hoàn trả và tặng đáp lễ, luật của tình yêu, luôn hướng về một đối tượng khác với người đã trao tặng. Sự đáp trả của Đức Giê-su đối với tình yêu của Chúa Cha lại hướng về các môn đệ. Cũng thế sự đáp trả của các môn đệ đối với tình yêu của Đức Giê-su dành cho mình lại hướng về anh em” (Tin Mừng theo thánh Gio-an, Centurion, trang 202).

Tình yêu trao ban cho anh em mà Đức Giê-su muốn người môn đệ thực hành luôn mang những đặc tính tiệm tiến:
- Yêu như Chúa yêu: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống... và sai Con Một Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,8-11). Tình yêu chia sẻ ấy đã được thánh Gio-an tông đồ mô tả: “Căn cứ vào điều này chúng ta biết tình yêu là gì, đó là Đức Kitô đã phó mạng vì chúng ta” (1Ga 3,16), yêu như thầy: “Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12). Yêu tận cùng bằng hy sinh bản thân và cho đến chết.

- Yêu đến tận cùng như Chúa Giê-su dạy: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Ngài đã thực hiện chính sự hy sinh cao độ như các tông đồ xác tín: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta” (x. Rm 5,6.8; Ep 5,2; 1Ga 3,16). Thánh Gio-an diễn giải: “Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16). Bằng việc làm cụ thể, đòi phải hy sinh, mà hy sinh càng lớn thì tình yêu càng sâu đậm, càng tha thiết.
- Tình yêu phải được thể hiện trong việc làm như Chúa Giê-su truyền là: “Nếu như các con giữ điều răn của Thầy”. Thánh Gio-an diễn giải: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,16-18).

Theo lệnh truyền của Thầy, chúng ta cùng tiến bước vào thế giới mang tâm tình: “Chúng ta được đặt để vào trong trái đất này một không gian nhỏ bé, để chúng ta có thể học hỏi được việc mang lại những tia sáng của tình yêu” (William Blake).
Ý lực sống: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,18).
Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ

SUY NIỆM 5: YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ.
Hôm qua, lời Chúa đã mặc khải cho chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chúng ta phải trung thành với Đấng đã đặt hy vọng nơi chúng ta.
Hôm nay, Đức Giê-su dạy cho chúng ta biết rõ phải đáp trả tình yêu của Chúa: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Phẩm chất của tình yêu Kitô hữu là nên giống tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu của chúng ta phải đối chiếu với cách thức của Đức Giê-su yêu thương chúng ta: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.

Tình yêu của Kitô hữu là tặng ban sự sống, thời giờ và công việc, tình cảm và lợi ích của mình cho người khác. Tình yêu Kitô hữu hoàn thành trong sự hy sinh trọn vẹn đời mình cho người khác.
Chúng ta có thể thực hành tình thương người dần dần theo từng giai đoạn. Bắt đầu chúng ta thử thực hiện giúp đỡ người chung quanh chúng ta mỗi ngày mỗi tốt hơn. Thứ đến chúng ta tìm hiểu và liệt kê những điều họ cần thiết để tìm cách giúp đỡ họ mạnh sức hơn. Rồi sẽ đến ngày chúng ta hy sinh cả những lúc nghỉ ngơi, những việc riêng tư.
Tới ngày đó, chúng ta sẽ thực hiện được lời thánh Phao-lô: “Chúng tôi hoàn tất trong thân xác chúng tôi điều còn thiếu trong đau khổ của Đức Kitô”. Chúng tôi thực hiện hình ảnh của Đức Kitô đã khẳng định mình là tôi tớ mọi người.

Trong Thánh lễ tạ ơn này, chúng ta cử hành cuộc tưởng niệm tình yêu của Chúa để làm sống lại những cử chỉ trong bữa tiệc ly, những cử chỉ đó bầy tỏ rõ rằng phẩm chất tình yêu của Đấng cứu độ đã ban cho chúng ta: “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy đã bị nộp vì anh em”.
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 6: YÊU THƯƠNG NHAU 
Có người nói, “còn thở là còn sống, là còn yêu. Còn sống bao lâu trên cõi đời, tôi vẫn được yêu và biết yêu người”. Một dòng chảy cảm xúc mãnh liệt như hòa tan đi cái băng giá của tâm hồn, một cái nhìn đầy tràn tươi sáng và bình an trong đời người. Và có lẽ đây chính là điều mà Đức Giê-su muốn trao gửi cho các môn đệ nơi Lời Chúa hôm nay.

Đứng trước những ngày giông bão sắp đến, Đức Giê-su càng ý thức về phận mỏng manh của con người, một con người đứng cô đơn giữa quảng trường rộng lớn để mặc cho người ta lên án và kêu gào: “Đóng đinh nó đi!” (Ga 19,6). Đức Giê-su thương cảm vì sắp phải lìa bỏ các môn đệ. Người muốn trao gửi các ông bài học cuối cùng để đánh thức “nhân tính” đang nằm sâu thẳm nơi tâm hồn yếu đuối của các ông, “Hãy yêu thương nhau!” (Ga 15,12.17). Theo đó, khi biết yêu thương nhau thật, các môn đệ không còn chỉ là học trò, mà trở nên bạn hữu của Thầy, là người cùng sẻ chia sứ vụ Tin Mừng, là trao ban tình yêu của Thiên Chúa đến mọi người.

Chúng ta cũng thế, có hiểu rồi mới có thương, có yêu. Nếu ngay bây giờ chúng ta vẫn còn đang chơi vơi trên con đường đi tìm cho mình ý nghĩa sống, còn đang mải mê chạy theo những thứ phù phiếm mà ta cho rằng “Sống” là phải thế. Thì nghe Lời Chúa hôm nay, chầm chậm lại thôi,… vội vã làm chi, cuối ngày, nắng cũng tắt thôi. Sống là phải biết tận hưởng cuộc sống. Bởi lẽ sống là để yêu và được yêu. Chẳng phải, chúng ta mỗi ngày được lang thang trên con đường quen thuộc, cũng là một niềm hạnh phúc hay sao? Chẳng phải, mỗi ngày được nhấm nháp ly cà phê sáng với những người bạn, là một niềm hạnh phúc hay sao? Nếu bất chợt lúc nào đó cảm thấy cuộc sống đã quá bức bối và đau đớn, thì hãy im lặng và tìm một chỗ nào đấy yên tĩnh, nhớ lại Lời Đức Giê-su hôm nay và xem coi mình đã thực sự sống để yêu và được yêu hay chưa?

Lạy Chúa Giêsu, giữa muôn ngược xuôi của cuộc đời, xin cho chúng con luôn tựa nương bên Người để được yêu thương và biết yêu thương nhau. Amen.
Tu sĩ G. B. Đinh Dương Minh Quân, SVD

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây