THỨ SÁU TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN THÁNH LUCA, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG

Thứ năm - 17/10/2024 07:15

THỨ SÁU TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN

THÁNH LUCA, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG

Lc 10,1-9

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

1Sau đó, Chúa cử thêm bảy mươi hai người khác, và sai họ, cứ từng hai người, đi trước Ngài đến mọi thành và nơi chốn Ngài định đến. 2 Ngài bả họ: "Mùa màng nhiều, thợ gặt ít! Vậy các ngươi hãy xin Chủ mùa sai thợ gặt đồng lúa của Người. 3 Các ngươi hãy đi! này Ta sai các ngươi như chiên vào giữa sói. 4 Ðừng mang ví tiền, bao bị, giày dép; cũng đừng chào hỏi dọc đường. 5 Hễ vào nhà nào, trước tiên hãy nói; Bình an cho nhà này! 6 Nếu ở đó, có con cái của phúc bình an, thì bình an các ngươi chúc sẽ đậu xuống trên đó, nhược bằng không, nó sẽ quay trở lại trên các ngươi. 7 Hãy lưu lại nhà ấy, và ăn uống những gì họ có, vì làm thợ thì đáng được công. Ðừng có hết nhà này lại sang nhà nọ. 8 Vào thành nào người ta tiếp đón các ngươi, thì họ dọn gì, các ngươi hãy ăn. 9 Và hãy chữa các kẻ ốm đau trong thành; hãy bảo họ: "Nước Thiên Chúa đã gần bên các ngươi!" 

 

SUY NIỆM: BIẾN ĐỜI SỐNG THÀNH TIN MỪNG CỦA CHÚA GIÊSU

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính Thánh Luca, Tác Giả Sách Tin Mừng. Thánh nhân là ai? Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta biết thánh sử là một trong những cộng sự của Thánh Phaolô: “Anh thân mến, anh Đêma đã bỏ tôi, bởi yêu mến thế gian này; anh ta đã đi Thêxalônica. Anh Cơrétxen đã đi sang miền Galát, anh Titô đi sang miền Đanmatia. Chỉ còn một mình anh Luca ở với tôi” (2 Tm 4:10-11). Dù người khác bỏ Thánh Phaolô, Luca không bỏ rơi. Điều này chứng tỏ thánh nhân là một người “trung thành” với ơn kêu gọi của mình và sẵn sàng gắn bó và cộng tác với người khác trong công việc loan báo Tin Mừng. Đây chính là điều đầu tiên chúng ta có thể học hỏi ở thánh nhân. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta không cộng tác với những người chúng ta thấy không hợp, không thích. Chúng ta đánh đổi niềm vui mang Chúa đến cho người khác với một vài cảm xúc khó chịu khi sống và làm việc chung với người khác. Đừng để bất kỳ điều gì cướp mất niềm vui rao giảng Tin Mừng của chúng ta.

Như chúng ta biết, Thánh Luca được xem là tác giả của Tin Mừng và Sách Công Vụ Các Tông Đồ. Ngài được đồng hoá với Luca của Thánh Phaolô, là một thầy thuốc được yêu thương (x. Cl 4:14). Vì vậy, thánh nhân là bổn mạng của các y bác sĩ và phẫu thuật gia. Biểu tượng của thánh sử là con bò [hay con bê] bởi vì đây là những biểu tượng của hy tế – hy tế của Chúa Giêsu cho toàn thể nhân loại. Mừng lễ kính thánh sử, chúng ta được mời gọi biến cuộc đời chúng ta thành một hy lễ đẹp lòng Thiên Chúa qua việc biến cuộc đời mình thành một Tin Mừng sống động để loan báo sứ điệp tình yêu và tha thứ của Thiên Chúa cho mọi người.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta việc “Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10:1). Chi tiết này cho thấy, nhóm môn đệ này khác với nhóm Mười Hai. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây là “chính Chúa Giêsu chỉ định” họ chứ không phải họ tự chỉ định. Từ chỉ định ở đây có thể được hiểu là “chọn.” Họ được chọn để được sai “từng hai người một đi trước” Chúa Giêsu. Vai trò của họ là được sai đi như những người báo tin, những người chuẩn bị cho người khác để đón Chúa Giêsu. Đây là điều Thánh Luca đã làm qua việc trình thuật những gì Chúa Giêsu đã làm, đã nói. Đây cũng là sứ mệnh của mỗi người chúng ta. Chúng ta được chọn và sai đi để chuẩn bị anh chị em chúng ta đón nhận Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta không được sai đi một mình mà được sai đi với anh chị em của chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần học làm việc với nhau hay đúng hơn, chúng ta được chọn và sai đến với nhau trước khi được chọn và sai đến những người bên ngoài. Một chi tiết quan trọng khác là việc các ông được sai đi đến “tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.” Những lời này ám chỉ rằng các môn đệ không đi đến những nơi mình muốn đến, mà đến những nơi Chúa muốn đến.

Trước khi sai các môn đệ đến những nơi Ngài muốn đến, Chúa Giêsu trình bày cho họ (1) thái độ họ cần có trước khi ra đi, (2) những điều cần thiết họ phải mang cho hành trình, (3) những điều họ cần phải nói, và (4) những điều họ cần phải làm. Chúng ta cùng nhau chia sẻ vắn tắt về những điều này.

Thái độ cần có trước khi các môn đệ được sai đi là thái độ cầu nguyện liên lỉ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10:2). Nhờ cầu nguyện, các môn đệ sẽ ý thức được mình là thợ gặt chứ không phải chủ mùa gặt. Nói cách khác, cầu nguyện giúp cho người môn đệ biết được căn tính của mình. Qua cầu nguyện, người môn đệ sẽ nhận ra rằng: mọi sự bắt đầu từ Thiên Chúa và trở về với Ngài. Nếu không gắn bó với Ngài, người môn đệ sẽ không gặt hái gì cho Thiên Chúa, mà chỉ chiếm lấy “chiến lợi phẩm” cho chính mình.

Theo Chúa Giêsu, điều cần thiết cho hành trình là sự “hiền lành và đơn sơ” của con chiên. Khi có hai điều này, người môn đệ nhận ra rằng những thứ vật chất như túi tiền, bao bị, giày dép hoặc những mối tương quan chào hỏi mang tính xã giao dọc đường không phải là những thứ quan trọng cho hành trình (x. Lc 10:3-4). Nếu chúng ta xem xét kỹ, chúng ta sẽ nhận ra rằng, hiền lành và đơn của con chiên ám chỉ về Chúa Giêsu, Đấng là Chiên Thiên Chúa. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta nhận ra điều Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ mang theo cho hành trình là chính Ngài.

Sứ điệp hoà bình hay sứ điệp bình an là điều các môn đệ phải rao giảng: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’ Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em” (Lc 10:5-6). Đây là điều mà Chúa Giêsu mang đến cho con người. Vì vậy, đây cũng là điều mà các môn đệ phải mang đến cho người khác. Nói cách khác, các môn đệ Chúa Giêsu phải là những con người của bình an, những người mang lại hoà bình chứ không phải là những người mang chiến tranh. Nhưng đáng buồn thay, điều này không luôn luôn xảy ra nơi các môn đệ Chúa Giêsu. Chúng ta đã từng chứng kiến những “trận chiến tàn khốc” giữa những người tự hào mình là môn đệ Chúa Giêsu. Hãy trở nên những con người mang lại hoà bình! Điều này chỉ có được khi chúng ta có được sự bình an của Chúa Giêsu. Thứ bình an này chính là hoa trái của một cảm nghiệm “được yêu và được tha thứ vô điều kiện.”

Cuối cùng, điều các môn đệ cần làm là “chấp nhận” những gì người khác “trao tặng” cho mình, dù đó là điều tốt hay chống đối. Nhưng trên hết, họ phải làm hai điều mà chính Chúa Giêsu làm, đó là “chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông’” (Lc 10:9). Người môn đệ là người chữa lành những vết thương của anh chị em mình. Điều này mời gọi chúng ta nhìn lại thái độ sống của mình. Chúng ta phải chân nhận rằng, nhiều lần chúng ta thay vì chữa lành anh chị em, chúng ta lại tạo ra những vết thương nơi thân xác và nhất là trong tâm hồn [tâm trí] của anh chị em mình. Hãy là những người chữa lành, chứ đừng gây tổn thương cho người khác. Đây chính là điều Thánh Luca đã thực hiện, không chỉ với nghề nghiệp của mình, nhưng với ơn gọi và sứ mệnh của ngài như là một thánh sử.

Lm Ngọc Dũng, SDB

SUY NIỆM:

Vào ngày lễ kính Thánh Luca hôm nay, chúng ta lắng nghe thư của Thánh Phaolô gửi cho người môn đệ thân tín của ngài là Timôthê, trong thư ngài than phiền rằng ngài chỉ còn một mình Luca đi cùng, ngoài ra chẳng còn ai. Trong bài tường thuật của Luca về các cuộc hành trình của Phaolô trong sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta thấy ở một vài chỗ có sự thay đổi đột ngột trong tường thuật: đó là các chỗ gọi là “các đoạn chúng tôi” trong sách Công Vụ (x. Cv 16:10-17; 20:5-15; 21:1-18; 27:1-28). Cho tới câu 10:16, viết ở ngôi thứ ba, tên của Luca vẫn chưa được nhắc đến. Trong các câu 1 đến 9, người viết kể lại các chuyến hành trình của Phaolô đến Phrygia, Galatia, Mysia, Bithynia và Troas. Nhưng bắt đầu từ câu 10, Luca viết ở ngôi thứ nhất số nhiều: “Lập tức chúng tôi tìm cách đi Makêđônia, vì hiểu ra rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho họ.” Luca lên thuyền cùng với Phaolô, và qua tài kể truyện của ông, ông mời gọi độc giả đi theo chuyến hành trình truyền giáo của các ông.

Luca tiết lộ một chi tiết về bản thân ông ở đầu sách Tin Mừng. Ông viết rằng ông đang trình bày những sự kiện “đã được thực hiện giữa chúng ta” như ông đã lãnh nhận từ “những người đã chứng kiến tận mắt,” những người đã ở với Đức Giêsu từ lúc khởi đầu sứ vụ công khai của Người (x. Lc 1:1-2). Trong đoạn mở đầu này, Luca tiết lộ cho các độc giả rằng bản thân ông không phải là một nhân chứng trực tiếp về những điều ông kể lại. Tác giả Tin Mừng này là một thành viên của cộng đoàn Kitô hữu mới được khai sinh nhờ những chứng từ trực tiếp của những người đã tai nghe mắt thấy Đức Giêsu rao giảng và đã chứng kiến việc Người chịu đóng đinh và sống lại.

Mátthêu (10:1), Máccô (6:7), và Luca (9:1), mỗi người đều thuật lại sự kiện Đức Giêsu gọi “Nhóm Mười Hai”, và sau một thời gian dạy dỗ họ, Người sai họ đi loan báo Tin Mừng. Nhưng chỉ một mình Luca thuật lại rằng Đức Giêsu sau đó sai một nhóm môn đệ đông hơn, bảy mươi hai người, mà chúng ta được nghe nói đến trong bài đọc Tin Mừng hôm nay. Theo Luca, trong cuộc loan báo Tin Mừng đầu tiên, không chỉ có Nhóm Mười Hai, mà còn có thêm nhiều người rao giảng Tin Mừng khác nữa. Ngay trước khi chọn và sai họ đi rao giảng, Đức Giêsu đã bắt đầu cuộc hành trình lên Giêrusalem rồi (x. Lc 9:51). Người sai bảy mươi hai môn đệ đi trước để chuẩn bị cho Người đến các thành phố khác nhau. Sự kiện này là hình ảnh dự báo trước trải nghiệm cá nhân của Luca khi ông đồng hành với Phaolô trong hành trình truyền giáo.

Việc Đức Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ (hay bảy mươi, theo một số thủ bản khác) vừa báo trước vừa cung cấp một mô hình cho hoạt động truyền giáo của Hội Thánh cho mọi dân tộc. Trong truyền thống Do Thái, các dân tộc trên trái đất được nghe công bố Lề Luật trên núi Sinai gồm bảy mươi dân tộc (x. St 10; Đnl 32:8); vì vậy, các môn đệ của Đức Giêsu được sai đến với mọi dân tộc.

Đoạn Tin Mừng của phụng vụ hôm nay trình bày việc tông đồ như là sự mặc khải về Nước Thiên Chúa và cuộc phán xét đã bắt đầu trên thế giới này. Theo Luca, đó không phải là việc loan báo cho Ítraen sự vĩ đại của Nước Thiên Chúa, nhưng là công bố cho mọi dân tộc rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần. Tác giả Tin Mừng viết ra vào thời điểm mà “trong mọi dân tộc” đã có những chứng nhân về Chúa Phục Sinh. Đây là thời khắc quyết định trong lịch sử, ở đó mọi người được cống hiến cơ hội trở nên thành phần của Nước Thiên Chúa.

Phương pháp, tính chất và các viễn cảnh của hoạt động truyền giáo được thực hiện bởi bảy mươi hai môn đệ thì tương tự với những gì được thực hiện bởi Nhóm Mười Hai. Các chỉ dẫn của Đức Giêsu mở ra với một sự mô tả về tình hình; tình hình lúa chín đầy đồng được nhắc đến tương phản rõ rệt về tình trạng thợ gặt thì ít. Vì thế Đức Giêsu dạy các môn đệ: “Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” “Cầu nguyện là linh hồn của việc truyền giáo,” Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết cho Hồng Y Filoni ngày 22 tháng 10, 2017. Sáng kiến bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng là chủ mùa gặt; Người kêu gọi và sai đi. Đó là một lời mời gọi tham gia vào lời cầu nguyện và cuộc ra đi của Đức Giêsu về với Cha, được diễn tả trong việc Người nộp mình vào tay người ta: “Này Thầy sai anh em đi như chiên giữa bầy sói.” Các người thừa sai không bao giờ được ỷ vào sức riêng, quyền lực hay bạo lực. Họ chỉ được phong phú trong đức tin và lời cầu nguyện để giữ họ trong mối quan hệ tình yêu với Đức Giêsu, Người Thầy sai họ đi.

Sự nghèo khó lúc ban đầu trở thành nền tảng và dấu chỉ sự tự do và tự hiến hoàn toàn của họ cho nhiệm vụ duy nhất giải phóng họ khỏi mọi sự cản trở hay trì hoãn. Tất cả điều này được xác định rõ trong một loạt nguyên tắc: không vướng mắc cản trở gì, những người được sai đi đều nhắm thẳng mục tiêu, không dừng lại, ngay cả để chào hỏi, là điều mà theo tập tục của Phương Đông, đòi hỏi khá nhiều thời gian (x. 2 V 4:29). Trái lại, việc chào hỏi được dành cho những người mà sứ mạng được nhắm tới. Việc chào hỏi này không chỉ là một lời tiên tri hay công bố, nhưng là một lời nói hiệu quả đem lại niềm vui và hạnh phúc. Tóm lại, đó là sự “bình an” của thời đại Mêsia, kèm theo ơn cứu rỗi (x. Lc 10:5-6). Những người được sai đi, giống như Chúa Giêsu, thiết lập với những người tiếp nhận họ các mối quan hệ mà trong đó cuộc sống bình an trong Nước Trời đã bắt đầu. Hành vi ứng xử của họ dẫn họ tới chỗ lệ thuộc vào những người tiếp nhận họ, họ giao phó bản thân mình và chính cuộc đời mình cho những người này. Vì thế các người thừa sai hoàn toàn dấn mình, thậm chí cả sự mưu sinh của mình, vào những nguy cơ của sứ mạng: được tiếp nhận hay bị từ chối, thành công hay thất bại. “Nhà” và “thành” biểu trưng cho đời sống riêng tư và đời sống công cộng. Những người được sai đi lệ thuộc vào sự hiếu khách của những người đón nhận sứ điệp, nhưng không gì có thể làm họ dừng lại hay cản trở họ thi hành sứ mạng; họ là những người truyền giáo mang đến lời kêu gọi khẩn cấp cuối cùng về khả năng cứu rỗi, lời kêu gọi ấy phải đến được tai của mọi người, đến được trái tim của mọi người, bằng bất cứ giá nào.

Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng 

SUY NIỆM: RAO GIẢNG CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH

“Nước Thiên Chúa đã đến gần các ông.”

Luca, “người thầy thuốc yêu quý” là bạn đồng hành của thánh Phaolo và cũng là tác giả sách Tin Mừng, trong sách này người đã trình bày lòng nhân hậu của Chúa Kitô rõ ràng hơn ai hết. Qua ngòi bút của con người thông thạo văn chương như người, Tin Mừng trở thành bài thánh ca tạ ơn trong bầu khí vui tươi và lạc quan phấn khởi. Luca là người tông đồ được Chúa sai đi vào cánh đồng truyền giáo giống như bảy mươi hai môn đệ  được sai đi trong đoạn Tin Mừng Lc 10,1-9 .

Khi sai các môn đệ đi rao giảng, Chúa Giêsu khuyên bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này, Thầy sai anh em đi như chiên con ở giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường…”

 Trước khi ra đi, Người môn đệ phải cầu nguyện và có sự chuẩn bị.  Hành trang của các môn đệ được sai đi phải rất đơn giản. Cần tránh những lời chào hỏi, những cuộc trò chuyện thường hay kéo dài, theo thói tục người Đông Phương, vì sứ điệp mang đến cho dân là một cái gì rất khẩn thiết.

“Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà người ta đón tiếp, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em.” Chúa mong muốn cho các sứ giả thừa sai của Người không bận tâm về cách được tiếp đón và những tiện nghi vật chất, và hoàn toàn dấn thân cho sứ mạng truyền giáo của họ. Sự gần gũi sẽ giúp cho người môn đệ dễ dàng hoàn thành sứ mạng của mình. Đây cũng chính là điều mà Đức Thánh Cha Phanxico đã nhấn mạnh với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong chuyến hành hương Ad Limina 2018 vừa qua.

Sứ điệp mà các môn đệ mang đến cho dân chúng là sự bình an, và loan báo Nước Thiên Chúa đã gần đến. Đó cũng chính là việc đem niềm vui, ơn chữa lành đến cho muôn dân: “Hãy chữa lành những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Nước Thiên Chúa đã đến gần các ông”. Như thế, người được Chúa sai đi là người của sự bình an, của công lý và hòa bình.

Mang sứ điệp lời Chúa đến với tha nhân : đó là sứ mạng của người môn đệ. Để hoàn thành sứ mạng đó, người môn đệ cần sống tinh thần đơn sơ, phó thác, luôn biết cậy dựa vào sức mạnh của Chúa để dấn thân cho công lý và hòa bình. Các thánh Tông Đồ đã sống tinh thần ấy và đã trở thành nền tảng của Giáo Hội. Xin cho Hội Thánh ngày càng có nhiều người trẻ dấn thân phục vụ cho công lý và hòa bình để trở nên môn đệ đích thực của Chúa Kitô.  Amen

Lm. Giuse Quốc Huy

SUY NIỆM: CHÚA SAI TÔI ĐI    

Theo tường thuật của Thánh Luca, Chúa Giêsu đã sai đi rao giảng không phải chỉ nhóm 12 tông đồ mà còn cả nhóm 72 môn đệ nữa. Luca muốn nhấn mạnh rằng không riêng gì các tông đồ, mà tất cả mọi người đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Ngài cũng sai “từng nhóm hai người” như ngầm ngụ ý: việc loan Tin mừng không phải là việc của một cá nhân riêng lẻ, mà là việc của cộng đoàn, không phải là độc quyền của riêng ai, nhưng phải liên đới và liên kết với nhiều người khác.

Nhưng trên hết, trình thuật hôm nay nhắm đến 3 công việc mà người truyền giáo phải biết, đó là:

+ Cầu nguyện: cầu nguyện cho Hội Thánh có nhiều thợ lành nghề theo như lòng Chúa mong muốn.

+ Sống thanh thoát với của cải: vì cái mà người truyền giáo cần có là ơn Chúa chứ không phải là những phương tiện vật chất (túi tiền, bao bị, giày dép…)

+ “Chữa lành các bệnh tật”; Đây là việc làm chính của người truyền giáo. Người truyền giáo phải là người làm giảm bớt đi những đau khổ tinh thần và vật chất nơi tha nhân.

Nhưng xem ra lối sống của người tín hữu hôm nay chỉ nhắm đến việc giữ đạo, sống đạo mà ít quan tâm đến việc truyền giáo. Có mấy ai đã cầu nguyện cho việc truyền giáo? Có mấy ai đã biểu lộ việc truyền giáo bằng việc sống thanh thoát với của cải trần gian và xoa dị nỗi đau cho anh em?

Thành thực mà nói cũng có, nhưng rất ít. Có khi chỉ là một cánh én đơn độc nên vẫn chưa mang lại mùa xuân truyền giáo cho Giáo hội. Ngay cả các sứ giả hôm nay cũng được sai đi nhưng cũng chỉ là để đến với tín hữu, đến với những cộng đoàn có đạo để củng cố niềm tin cho họ, và dường như Giáo hội Việt Nam vẫn chưa có một linh mục được sai đi chỉ để loan báo tin mừng cho dân ngoại. Chính vì thế, rất nhiều linh mục đến với những vùng hẻo lánh, các ngài lại chú trọng việc xây cất cho bằng chị bằng em, nhưng lại thiếu thời giờ để đến với lương dân.

Có lẽ, chính vì thế từ người giáo dân đến linh mục đều chú trọng việc sống đạo nhưng không có sáng kiến mục vụ để thu hút người ngoại đạo, kể chi đến việc mang tin mừng đến cho anh em lương dân. Giáo hội đã quá chú trọng đào tạo nhân sự từ linh mục, tu sĩ, tông đồ giáo dân nhưng đều được tung vào vườn nho để quản lý vườn nho mà không được mang đến cánh đồng truyền giáo bát ngát. Giáo hội cũng tốn kém rất nhiều tiền bạc vào việc đào tạo nhân sự nhưng lại không bao giờ tặng anh em lương dân một tấm hình đạo, một quyển phúc âm… như là một hình thức giới thiệu đạo Chúa cho anh em. Dường như các chủ chăn chỉ loay hoay gìn giữ các con chiên và cũng chẳng mấy khi đi tìm kiếm con chiên lạc trở về, và có lẽ khó mà có thời giờ đến với muôn dân không thuộc đàn chiên của mình.

Hôm vừa rồi, có một cán bộ tôn giáo nói với tôi: “Nếu giáo hội Công giáo không quan tâm đủ đến người dân tộc thiểu số ở trong xứ đạo, coi chừng họ theo Tin Lành hết”. Được biết người tín hữu tin lành họ rất quan tâm đến anh em lương dân của họ. Họ luôn tìm cách tiếp cận và giới thiệu tin mừng cho anh em lương dân. Họ coi đây là việc làm hàng đầu của người tín hữu. Họ không quan trọng việc đi lễ hay các bí tích, nhưng điều quan yếu của họ là làm sao tin mừng đến được với muôn dân.

Giáo hội vẫn nói sứ mạng hàng đầu của Giáo hội là truyền giáo, nhưng xem ra hành vi truyền giáo vẫn chưa cụ thể, vẫn chung chung… Chúa Giê-su không gọi chung chung, Ngài cũng không sai đi chung chung, nhưng Ngài gọi từng người một và sai đi. Ngài sai đi không phải đến một làng, một vùng mà đến các vùng lân cận để rao giảng. Xem ra Giáo hội là truyền giáo nhưng lại thiếu những con người có thể đi đến với những làng lân cận mà rao giảng Nước Thiên Chúa như 72 môn đệ. Không có cuộc ra đi. Không có mùa gặt hái. Không có mùa bội thu. Giáo hội vẫn là thiểu số giữa muôn dân, muôn sắc tộc.

Hôm nay không phải là ngày Khánh Nhật Truyền Giáo nhưng lời Chúa vẫn vang vọng bên tai chúng ta: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Lời Chúa vẫn nhắc nhở chúng ta về sứ vụ truyền giáo của Giáo hội, của chúng ta là thành viên của Giáo Hội. Chúa Giê-su vẫn tiếp tục sai chúng ta ra đi gặt lúa của Người. Chúa Giê-su vẫn tha thiết kêu mời chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội có thêm thợ lành nghề. Chúa Giê-su vẫn mời gọi chúng ta hãy ra khỏi chính mình để đến với những kẻ bất hạnh lầm than, để xoa dịu nỗi đau cho nhân thế.

Ước gì đời ky-tô hữu chúng ta luôn là một đời truyền giáo bằng gương lành bác ái, bằng lời nói về Chúa cho tha nhân. Xin cho chúng ta luôn thao thức về cánh đồng truyền giáo đang chính vàng, nếu không nhanh tay thì chim trời sẽ ăn hết. Thế nên, mỗi người chúng ta cần thể hiện tinh thần truyền giáo của mình cách cụ thể quá lời nói và việc làm của mình. Amen.

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

 

SUY NIỆM: TRUYỀN GIÁO    

Khi dân một làng Samaria không đón tiếp, Đức Giêsu đã đi sang làng khác. Đức Giêsu đã chỉ định bảy mươi hai môn đệ, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, để mở đường. Thực ra, con số bảy mươi hai đây chỉ là biểu tượng, không phải con số số học. Con số bảy mươi hai là lớn, nhưng thấm vào đâu so với cánh đồng lúa chín mênh mông. Lúa chín vàng không gặt sẽ rụng, khoai quá ngày không cuốc cũng hỏng. Thiếu các thừa sai, con người cũng hư mất.

Để có các Thừa sai, Đức Giêsu đưa ra cho chúng ta một giải pháp, đầu tiên là sự cầu nguyện. Đối với Người, rõ ràng công việc Tông đồ, không phải là công việc của con người như tuyên truyền hay quảng cáo, nhưng là một công việc của Thiên Chúa. Thiên Chúa là chủ, Phaolô trồng, Apôlô tưới. Thiên Chúa làm cho phát triển, vì thế phải cầu nguyện. Cầu nguyện là công việc đầu tiên và cốt lõi của việc Tông đồ.

Công việc Tông đồ được Đức Giêsu gọi với danh hiệu mùa gặt. Mùa gặt, theo truyền thống Kinh thánh được dùng là hình ảnh để nói về thời kỳ sau hết, về sự can thiệp của Thiên Chúa vào thời thế mạc (Ge 4,13 & Mt 13,19 & Kh 14,15-16). Trong Đức Giêsu, thời kỳ sau hết này đã bắt đầu. Đức Giêsu nhìn thấy sự dồi dào của mùa gặt thiêng thánh ấy. Trong mùa gặt ấy, các tín hữu, những môn đệ được sai đi: “Thầy sai anh em đi”, đó là một mệnh lệnh.

Đức Giêsu không che dấu sự khó khăn trong công việc này. Đức Giêsu đã lấy hình ảnh chiên con và bầy sói, để nói lên những khó khăn đó. Vâng, trong công việc truyền giáo, người tín hữu như một con chiên con bị bầy sói tấn công. Vì thế, chúng ta đừng ngạc nhiên khi có nhiều người mất đức tin, do những thất bại to lớn trong việc truyền bá đức tin. Chúng ta cũng đừng gán cho dân ngoại, những lương dân là bầy sói. Thực ra, mọi dân ngoại, mọi người vô tín đều được Chúa yêu thương. Họ là những con chiên bơ vơ, chưa được đưa về đàn. Chúng ta có bổn phận phải đưa họ về, để chỉ có một đàn chiên và một Chủ chiên.

Điều đáng lưu ý, hành trang người truyền giáo phải có, không phải túi tiền, bao bị, giày dép… nhưng là cách sống, trước tiên là nghèo khó. Không nên ỷ lại vào các phương tiện của con người. Đức Giêsu đã không sử dụng các vũ khí quyền lực của sự giàu sang, của vẻ lộng lẫy huy hoàng… Đức Giêsu không ra vẻ trịnh trọng, Người vốn giàu sang đã trở nên nghèo khó. Yêu sách đầu tiên Chúa đòi giáo hội phải theo gương Người, là nghèo khó.

Người truyền giáo cũng không nên mất thời gian vì những cử chỉ lễ phép quá mức và dài dòng, vì những lề thói thế tục. Cũng cần chào hỏi, nhưng đừng để ảnh hưởng đến việc truyền giáo. Việc truyền giáo là việc làm cấp bách. Trong Luca, điều gây ấn tượng mạnh là sứ giả của Tin Mừng chạy khắp nơi. Đức Maria vội vã đi thăm bà Isave, các mục đồng chạy đến máng cỏ, Philiphê chạy để đuổi kịp chiếc xe của một người Ethiôpe (Cv 8,30)….

Đức Giêsu cũng dạy người truyền giáo: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này”. Vâng, sứ mệnh của người truyền giáo là thông ban sự bình an, sự bình an đó chính là Đức Kitô. Tin Mừng cũng chính là điều đó. Người ta chỉ có thể cho người khác cái mình có. Người truyền giáo cũng chỉ thông ban sự bình an của Đức Kitô cho người khác, khi người ấy có. Cũng chỉ ai đáng hưởng, sự bình an của Đức Kitô mới đậu trên người ấy, bằng không sự bình an đó sẽ quay về với nhà truyền giáo.

Về vấn đề ăn uống, nhà truyền giáo không phải bận tâm, hãy ăn những thức ăn người ta dọn cho. Không cần đặt câu hỏi: Thức ăn đó sạch hay dơ? Như thế, Đức Giêsu có ý dạy ta phải có một tâm hồn cởi mở, phóng khoáng đối với tục lệ tập quán của những người khác, chấp nhận các tục lệ văn hoá của các dân tộc mà chúng ta muốn rao giảng Tin Mừng. Nói cách khác là hội nhập văn hoá.

Tuy nhiên, sứ mạng của các môn đệ là rao giảng Nước Thiên Chúa, nói với họ về Triều đại của Thiên Chúa. Triều đại của Thiên Chúa là gì? Chính là Đức Giêsu. Với Đức Giêsu, Thiên Chúa hiển trị, Thiên Chúa ở đó ngay từ bây giờ. Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa hoàn thành thế gian. Thế gian sẽ không trường tồn mãi. Lịch sử của nhân loại sẽ có lúc kết thúc. Nhưng sự chấm dứt này, không phải là hư vô. Cùng đích của vũ trụ là chính Thiên Chúa. Thế gian là một cuộc chiến đấu, Chính nghĩa Thiên Chúa sẽ thắng. Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Thánh ý của Thiên Chúa sẽ là điều tốt lành trọn vẹn của con người: Sự chữa trị các bệnh tật là một dấu chỉ của thánh ý ấy. Như Lời Chúa nói: “Anh em hãy chữa lành những người đau yếu trong thành, vì Triều đại Thiên Chúa đã đến”. Triều đại đó luôn được các môn đệ, các tín hữu công bố, dù người ta tin hay không, một ngày kia Thiên Chúa sẽ hiển trị. Đó là ngày phán xét. Dĩ nhiên những người ngoan cố chối từ, trong ngày ấy, họ sẽ bị trừng phạt hơn thành Sôđôma.

Bảy mươi hai môn đệ ra đi, trở về hân hoan, vì những thành công của họ, ngay cả ma quỷ cũng phải khuất phục. Đức Giêsu bảo họ: Điều đáng mừng hơn, đó là tên họ đã được ghi trên trời.

Lm Giuse Nguyễn An Khang

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây