THỨ TƯ TUẦN V MÙA CHAY NĂM C
Ga 8,31-42
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan
31 Khi ấy, Đức Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Người rằng: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; 32 các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.”
33 Họ đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do ?”
34 Đức Giê-su trả lời: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội.
35 Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi.
36 Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do.
37 Tôi biết các ông là dòng dõi ông Áp-ra-ham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông.
38 Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói.”
39 Họ đáp: “Cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham.” Đức Giê-su nói: “Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm.
40 Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm.
41 Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm.”
Họ mới nói: “Chúng tôi đâu phải là con hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha: đó là Thiên Chúa!”
42 Đức Giê-su bảo họ: “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi.”
SUY NIỆM: NÔ LỆ VÀ TỰ DO
Người Do thái cho rằng mình tự do. Thực sự họ sống trong nô lệ. Vì họ không sống trong sự thật. Họ bị lầm lạc.
Họ lầm tưởng mình tự do. Nhưng họ đã phạm tội. Phạm tội là nô lệ cho tội lỗi. Sống dưới ách ma quỉ. Bị dục vọng trói buộc. Chỉ có Chúa Giê-su tự do. Vì Chúa là Đấng Thánh. Chỉ khi nào người Do thái được Chúa giải phóng khỏi tội lỗi họ mới có tự do. “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội…Vậy nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thật sự là những người tự do”.
Họ lầm tưởng mình là con cháu Áp-ra-ham. Nhưng thực sự không phải. vì Áp-ra-ham luôn lắng nghe và tuân hành ý Chúa. Còn họ thì không: “Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm. Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm”.
Họ lầm tưởng họ là con Thiên Chúa. Nhưng không phải. Vì họ không yêu mến Chúa Giê-su là Đấng Cha sai đến: “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến”.
Sống trong lầm lạc. Họ nô lệ cho sự lầm lạc. Họ ở ngoài Thiên Chúa. Cần phải có sự thật giải phóng họ mới được tự do. Chúa Giê-su chính là sự thật. Vì Người luôn ở trong Thiên Chúa.
Giống như Đa-ni-en và các bạn. Họ tự do. Vì họ luôn ở trong Thiên Chúa. Nên dù bị trói họ vẫn thảnh thơi. Có bị ném vào lò lửa, họ vẫn tự do. Đi lại ca hát chúc tụng Thiên Chúa. “Nhưng ta thấy có bốn người đang tự do đi lại trong lò lửa mà không hề hấn gì”. Họ tự do vì không chịu sống trong lầm lạc. Không chịu khuất phục trước cường quyền, Không sợ cả cái chết. Chính Na-bu-cô-đô-no-so là người bị nô lệ cho dục vọng và sự lầm lạc của mình.
Mùa Chay là mùa giải thoát. Ăn chay là để vượt thoát khỏi sự lầm lạc. Khỏi dục vọng. Khỏi ý riêng. Để ta được ở trong Thiên Chúa. Ở trong sự thật. Ta được tự do. Tâm hồn tự do khi ta trói buộc được xác thịt. Khi thả lỏng dục vọng ta sẽ bị mất tự do.
Lạy Chúa xin dùng sự thật giải phóng chúng con.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
SUY NIỆM: TỰ DO ĐÍCH THỰC
Tự do vốn là món quà vô giá mà Thiên Chúa tặng cho con người ngay từ những ngày đầu của công trình tạo dựng. Khi làm như thế, Chúa muốn con người dùng tự do để ca tụng Chúa và thăng tiến bản thân mình.
Thế nhưng, kể từ khi có tự do, con người lại đòi quyền tự lập. Người ta muốn thoát ra khỏi những định chế, mà họ cho rằng, những điều ấy đang bó buộc tự do của họ: từ những nguyên tắc xã hội đến những hướng dẫn của Giáo Hội, từ những lời dạy của Chúa đến những lễ nghĩa gia phong của gia đình, rồi còn muốn thoát ra khỏi những ràng buộc của lương tâm.
Trong bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu cho biết, cái làm chúng ta mất tự do không phải là luật lệ, nhưng là tội lỗi. Không phải gia đình, cũng không phải xã hội, càng không phải Giáo Hội; nhưng chính tội lỗi đang giam hãm tự do của chúng ta, làm chúng ta trở thành nô lệ của chúng.
Hình ảnh người con hoang đàng trong Thánh Kinh sẽ giúp ta hiểu điều này: Ngày anh bước chân ra đi mang theo bao ảo tưởng hạnh phúc. Anh cảm thấy mình thoải mái vì không có gia đình bên cạnh, không có người kèm cặp. Ở đó, anh đắm mình trong những cuộc ăn chơi sa đọa. Người ta bu bám lấy anh và anh cảm thấy như thế là hạnh phúc. Anh tưởng cuộc sống ấy là vô tận, là tự do. Anh hả hê tận hưởng những men say của cuộc đời, những ham muốn của xác thịt, cùng những khoái lạc của trần thế. Anh nào biết, mình đang dần trở thành nô lệ cho những điều ấy, mình đang lún sâu trong tội (x.Lc 15, 11-32).
Thiết nghĩ chính bản thân mỗi người hiểu rất rõ, có những thứ tội dứt ra không được; có những đam mê không phải dễ bỏ chút nào; có những phương tiện trở thành vật bất khả li thân.
Nói lên điều đó không phải để ta tuyệt vọng buông xuôi, nhưng để chúng ta hiểu tự do đích thực của người con cái Chúa là gì. Chính Thánh Phaolô cũng từng bị giằng co như thế trong cái gọi là tự do, khi ngài cho biết: “Có những điều tốt, tôi muốn làm nhưng không làm. Còn những điều xấu, tôi không muốn nhưng tôi lại làm” (Rm 7,19).
Thưa anh chị em, Chúa Giêsu cho biết, chỉ có Ngài mới đủ bản lĩnh để giải phóng chúng ta khỏi ách thống trị của tội lỗi, mới giúp mỗi người tìm lại được tự do đích thực cho bản thân mình (Ga 8,36).
Mỗi người hãy năng tìm đến với Chúa Giêsu. Chính Ngài sẽ giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của tội lỗi, và dẫn đưa chúng ta vào vương quốc tự do của Ngài (x.Cl 1,13). Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM:
Tự do khỏi lề luật, tự do khỏi tội và tự do khỏi chết là ba chiều kích cứu độ học trong các thư tín của thánh Phaolô. Một cách tương tự, Văn Chương Gioan cũng lần lượt khai triển về ba chiều kích này mà Chúa Giêsu thực hiện. Hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định với người Do-thái là: “Ai phạm tội thì nô lệ cho tội… nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do” (Ga 8,34.36). Nghĩa là Chúa Giêsu giải thoát nhân loại để họ được tự do khỏi tội.
Đối tượng mà Chúa Giêsu giảng dạy hôm nay được Tin Mừng ghi rõ là “những người Do-thái đã tin Đức Giêsu”. Như thế, dù đã tin, nhưng tội vẫn còn đó khi chưa được Chúa Giêsu cứu chuộc thì vẫn bị tội lỗi giam giữ.
Thông thường, nô lệ được hiểu như là một người làm tôi tớ phục vụ một ông chủ, hoàn toàn lệ thuộc ông chủ, không còn quyền lợi gì trên mình kể cả mạng sống. Người Do-thái cũng nghĩ như thế, khi họ nói, chính họ nói họ không làm nô lệ cho ai cả. Thế nhưng, hiểu rộng hơn là, khi chúng ta bị lệ thuộc điều gì thì chính chúng ta đang nô lệ cho điều đó. Chẳng hạn người ham tiền bạc thì nô lệ cho tiền bạc, kẻ sống theo dục vọng thì bị lệ thuộc bởi xác thịt…
Thời chế độ chiếm hữu nô lệ, thì nô lệ như một món hàng để mua bán, ông chủ có nhiều tiền thì mua được nhiều nô lệ về làm công. Nô lệ thì vĩnh viễn là nô lệ, không có tài sản, không có quyền lợi, và mất hết tự do, thậm chí còn hèn kém hơn cả một vật nuôi trong nhà. Trừ khi có một ai đó đến trả một giá đắt mà chuộc lại họ và cho họ được tự do.
Khi tội lỗi xâm nhập trần gian, con người đắm chìm trong tội, nô lệ cho mọi khuynh hướng xấu, bị giam hãm trong tội nguyên tổ, sự xuống cấp của một luân lý suy đồi “tội trần gian” và làm tôi cho ma quỷ. Tự sức con người không thể tự giải thoát mình, nên cần đến ơn Cứu Độ, Chúa Giêsu đã phải trả giá đắt để chuộc con người và đưa con người trở nên con cái tự do.
Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi” (Ga 8,35). Các ông chủ mua bán nô lệ với nhau, và người nô lệ rời khỏi chủ này lại bị buộc làm nô lệ chủ khác và thậm chí còn thê thảm hơn; còn Chúa Giêsu, Ơn Cứu Chuộc của Người có đó, nhưng để cho con người sự tự do lựa chọn, vì từ ngày sáng tạo, Thiên Chúa đã ban cho con người sự tự do. Sau khi giải phóng con người, Chúa Giêsu không bắt họ phải làm nô lệ Thiên Chúa, mà là phục hồi cho họ quyền làm con, mà làm con thì được tự do hưởng quyền thừa tự và ở mãi trong nhà Cha mình.
Có thể lấy ví dụ minh họa rằng: Tội nguyên tổ như một quả bom pha chế bằng thuốc kiêu ngạo rơi xuống cắt đứt con đường nối nhân loại với Thiên Chúa tạo nên một cái hố sâu ngăn cách, từ đó bên phía nhân loại không làm sao vượt qua cái hố sâu để đến với Thiên Chúa được nữa. Chúa Giêsu đã dùng cây thập giá như cây cầu bắc qua cái hố sâu đó, cây cầu làm bằng gỗ khiêm tốn. Tuy nhiên, cây cầu đã có đó, nhưng nhân loại có tự do, họ có quyền chọn lựa bước qua cầu để về bên kia, hay đã quá quen và an phận trong tội mà ở lại…
Tóm lại, ơn cứu độ của Chúa Giêsu đến giải thoát nhân loại chúng ta khỏi bị nô lệ cho tội lỗi, được làm con cái Thiên Chúa và thừa kế gia nghiệp với Chúa Giêsu trong nước Cha của Người.
Lạy Chúa Giêsu, đã gần đến ngày tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa, xin cho chúng con ý thức thân phận làm con của Chúa, để nếu chúng con đang yếu đuối trong tội lỗi, thì mau mắn chạy đến với toà cáo giải xưng thú hết mọi lỗi lầm, hầu được Chúa phục hồi lại ân sủng quyền làm con. Amen
Hiền Lâm
SUY NIỆM: Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU CỦA THẦY
Câu chuyện
Một sinh viên Nhật Bản đến văn phòng của một linh mục ở Boston, và nói: “Thưa Cha, con đang đi tìm một đời sống đẹp. Cha có thể chỉ cho con biết phải tìm ở đâu?”
Linh mục đáp: “Chắc anh muốn trao đổi về tôn giáo?”
“Thưa không, con không muốn trao đổi về lý thuyết. Việc đó con thấy nhan nhản rồi. Con cần thứ khác. Cha biết không, khi còn ở ký túc xá Đại học Cambridge con ở chung phòng với một anh thợ mộc, người mà con cho là anh có đời sống rất đẹp. Anh không bao giờ nghĩ về mình, mà luôn nghĩ về người khác. Sinh viên tụi con nhiều khi sống cẩu thả, chén dĩa lung tung, đồ ăn vứt bừa bãi. Thấy thế, anh không nói gì. Nhưng khi mọi người ra khỏi phòng ăn, một mình anh đi thu dọn, sắp xếp lại cho ngăn nắp”, anh sinh viên đáp.
Nghe thế, cha đưa cho anh cuốn Thánh Kinh và nói: “Hãy cầm lấy. Nếu anh muốn tìm một đời sống đẹp, anh hãy tìm trong đó”.
… Hai năm sau, người sinh viên Nhật ấy đến gặp cha cười cười nói: “Cha có nhận ra con không?”
“Hình như tôi đã gặp anh ở đâu, nhưng không nhớ rõ”, vị linh mục đáp.
Anh đưa cuốn Thánh Kinh ra và nói: “Con đã tìm thấy đời sống đẹp. Con đã tìm thấy đời sống đó nơi Đức Kitô”.
Suy niệm:
Ðức Giêsu nói: “Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi”. “Ở lại trong Đức Kitô”, “ở lại trong Lời Ta (Thầy)” hay “ở lại trong tình yêu của Thầy”, sự gắn bó sâu thẳm với Thầy – một thực tại thiêng liêng khi đón nhận Đức Kitô hằng sống, đón nhận Lời chân thật của Thầy, nghiền ngẫm và sống Lời đó trong tận thâm cung lòng mình. Kết hiệp mật thiết với Thầy, người môn đệ sẽ được Thầy chỉ cho biết được sự thật về Thiên Chúa và về con người, và sự thật là nguồn mạch để giải phóng:
Giải phóng khỏi sợ hãi: Vì có Chúa cùng đồng hành, chúng ta không sợ gì.
Giải phóng khỏi bản ngã vì Chúa Giêsu sẽ tái tạo ta thành con người mới, hợp với ý Ngài.
Giải phóng khỏi bận tâm thế gian: Môn đệ Chúa không bận tâm điều người ta nói, vì họ chỉ nghĩ đến thánh ý của Thiên Chúa qua Lời.
Giải phóng khỏi tội lỗi: Thân phận con người mỏng giòn khó mà không phạm tội, nhưng ơn Chúa sẽ giúp chúng ta vượt thắng tội lỗi.
Giải phóng cho chúng ta tự do… Sự tự do mà Ðức Giêsu muốn nói ở đây là sự sống trong ân sủng của Thiên Chúa. Khi chúng ta phạm tội mất ơn thánh, nghĩa là chúng ta phải sống xa Chúa là sự tự do tuyệt đối. Sự tự do ấy chỉ có lại được trong Ðức Giêsu, khi ta gắn bó lại, liên kết lại cuộc đời chúng ta với Ngài. Chúng ta chỉ có thể hạnh phúc khi sống địa vị làm con Thiên Chúa – con của tự do.
Thật thế, chính Chúa Giêsu là con đường duy nhất dẫn tới sự tự do đích thực: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), Ngài là ánh sáng đã chiến thắng bóng tối đem lại tự do cho chúng ta bằng cái chết trên thập giá, tiêu diệt sự chết và tất cả những gì trói buộc chúng ta.
Chúng ta giục lòng tin vào Chúa bằng cách lắng nghe và đón nhận Ngài, xin Ngài giải phóng chúng ta bước đi trong tự do của Ngài, từng ngày và mọi ngày trong cuộc đời.
Ý lực sống: “Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do” (2Cr 3,17).
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ
SUY NIỆM: THIÊN CHÚA HAY CÁC THẦN TƯỢNG
Vậy Đức Giêsu nói với những người Do-thái đã tin Người:
“Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ của tôi;
các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.”
Họ đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?” Đức Giêsu trả lời:
“Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội”. (Ga. 8, 31-34)
Nếu quả thật lập trường của chúng ta là phục vụ chỉ một Thiên Chúa và chỉ yêu mến Ngài thôi, thì lúc đó trái tim chúng ta có còn bị chia sẻ và gắn bó với nhiều thần tượng trần thế này không? Phải thú nhận rằng, tất cả chúng ta nhiều hoặc ít vẫn còn thờ thần tượng khác, như kinh tế, tiền tài, quyền lực, danh vọng, tiện nghi, thú vui, chỉ kể ba thứ trong đó nhiều thứ khác nữa. Chắc chắn chúng chống lại Thiên Chúa và chống lại cả chúng ta, buộc chúng ta phải thú nhận rằng trong những sự kiện đó đã làm chúng ta xa phụng sự một mình Thiên Chúa rồi. Chúng ta đã là đầy tớ của nhiều thứ, song chúng ta vẫn bào chữa như người Do thái rằng: “Chúng tôi là dòng giống Áp-ra-ham không bao giờ chúng tôi là nô lệ của ai”.
Như Si-rác, Mi-sác và Áp-đê-na-gô, chúng ta có bổn phận phải từ chối phục vụ bất cứ thần tượng nào, nếu đó không phải là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô. Và này, Người là ai mà có thể dẫn dắt chúng ta ngày nay được như thế. “Vậy nếu Người Con có giải phóng các ông, các ông mới thực sự tự do”. Chỉ mình Đức Giêsu Kitô mới chống lại các thần tượng các thời đại và có thể làm cho tâm thức trở lại và khám phá thấy sự khác biệt giữa hai lối sống: tự do hay nô lệ. Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta phải biết dùng của cải Thiên Chúa đã dựng nên, chứ đừng làm nô lệ cho của cải. Nếu không, chúng ta không được giải phóng.
Chúng ta biết rằng: Không ai có thể làm tôi hai chủ. Đó là chân lý làm cho chúng ta được tự do mà mỗi người phải tự trả lời trước mặt Thiên Chúa. Chỉ khi thực hiện được điều kiện này, trái tim chúng ta mới có thể gắn bó thực sự với việc phục vụ Thiên Chúa duy nhất mà thôi.
G.F
SUY NIỆM: ÐỨC TIN CHÂN CHÍNH
Trong bài Tin Mừng vừa đọc lại trên đây, số thính giả nghe Chúa Giêsu nói được thu gọn lại trong vòng những kẻ đã tin Người, và Chúa Giêsu đã khởi đi từ lòng tin này để mời gọi họ tiến xa hơn nữa bằng cách ở lại trong Lời của Người, nghĩa là bằng cách sống những gì Người truyền dạy để trở thành môn đệ của Người, và một khi trở thành môn đệ của Người, họ sẽ bước đi trong sự thật và được sự thật giải phóng khỏi vòng mê muội của tội lỗi. Tuy đã tin vào Chúa Giêsu, nhưng những thính giả này vẫn chưa thay đổi được lối suy nghĩ chỉ dựa trên đời sống trần tục của họ. Khi nghe Chúa Giêsu nói đến việc giải phóng, họ nghĩ ngay tới tình trạng của những người nô lệ phải làm tôi mọi cho chủ, mà họ thì đang làm chủ chính mình, họ có làm tôi mọi cho ai đâu mà cần được giải phóng. Xét về mặt trần thế thì họ suy nghĩ rất đúng, nhưng Chúa Giêsu đâu muốn đề cập đến tình trạng nô lệ hay tự do về mặt xã hội. Người muốn nói với họ về sự tự do đích thực của những người thoát khỏi vòng kiềm tỏa của tội lỗi.
Sứ mạng Chúa Cha trao phó cho Người là xóa bỏ quyền thống trị của sự dữ trên mặt đất này và mang lại cho loài người cuộc sống tự do, xứng với danh hiệu con cái Thiên Chúa. Họ xưng mình là con cái ông Abraham, là dòng dõi của một dân tộc được giải phóng khỏi ách nô lệ ngoại bang. Thế nhưng, cuộc sống của họ đang bị ràng buộc bởi vô số xiềng xích của ma quỉ, họ tự do bên ngoài, còn bên trong thì vẫn nô lệ cho sự dữ, cho tội lỗi. Sự thừa kế dòng dõi ông Abraham không đương nhiên biến họ thành những con người lương thiện công chính. Muốn trở nên công chính, họ cần phải làm một cuộc đổi đời, phải tẩy trừ cái ác ra khỏi lòng mình và cương quyết tiến lên trên đường trọn lành, có như thế, họ mới thực sự trở nên con cái ông Abraham và là những con người tự do đích thực.
Phần chúng ta đây, chúng ta là những người mang danh hiệu Kitô, là những người tự nhận mình là con cái Thiên Chúa. Tuy nhiên, danh xưng không làm nên thực chất, cái áo không làm nên thầy tu, chỉ có danh nghĩa bên ngoài và thậm chí ngay cả những việc đạo đức bên ngoài mà thôi, thì vẫn chưa làm nên một đời sống đức tin đích thực. Ðức tin chân chính được thể hiện qua những việc làm công chính. Người ta thường nói “xem quả biết cây”, chúng ta đã suy nghĩ, nói năng, hành động như thế nào trong cuộc sống hàng ngày.
Lạy Chúa, nhiều lúc con cảm thấy yên tâm vì mình là người có đạo. Con có đạo như có một cuốn sách hay có một cái máy truyền hình, khi nào con cần hoặc khi nào con thích thì con mở ra xem, khi nào không cần thì con để yên ở đó, nhưng Chúa đâu muốn những người chỉ có đạo mà không sống đạo.
Lạy Chúa, xin giúp con can đảm lựa chọn đứng vào hàng ngũ con cái Thiên Chúa, một sự lựa chọn dứt khoát dẫn tới việc dấn thân quyết liệt cho điều mình lựa chọn. Xin cho con đừng chỉ hài lòng với danh xưng là người có đạo mà thôi, nhưng phải là một người sống đạo thực sự.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)