THỨ TƯ TUẦN V PHỤC SINH NĂM C Ga 15,1-8

Thứ sáu - 16/05/2025 11:21
THỨ TƯ TUẦN V PHỤC SINH NĂM C
Ga 15,1-8

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
1 “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.
3Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.
5Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.
6Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.
8Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

SUY NIỆM 1: Ở LẠI TRONG CHÚA
Có lẽ bài Tin mừng hôm nay không quá khó hiểu với chúng ta. Cành phải gắn liền với thân cây như một điều kiện tất yếu để sinh tồn. Cây cung cấp nhựa sống và dưỡng chất để cành đơm bông kết trái là quy luật tự nhiên của các loài thực vật. Chúng ta phần lớn là dân trồng trọt nên chúng ta quá hiểu về nguyên lý này.
Chúa Giê-su muốn chúng ta dựa trên hình ảnh ấy, để xác định lại tương quan giữa một người kitô hữu với Chúa là cần thiết như thế nào.

Trong cuộc sống chúng ta có rất nhiều mối tương quan: tương quan trong gia đình, tương quan trong công việc, tương quan bè bạn và tương quan hàng xóm láng giềng. Có lẽ tất cả các mối tương quan trên đều rất quan trọng với mỗi người.
Bởi vì có người chấp nhận hy sinh tất cả để bảo vệ hạnh phúc gia đình, có người đầu tư rất nhiều công sức, tiền của và thời gian để giữ các mối liên hệ trong công việc làm ăn, có người chấp nhận nhịn nhục để giữ tình nghĩa bạn bè, tình làng nghĩa xóm.

Vậy còn với Chúa thì sao? Chúng ta đầu tư được bao nhiêu để giữ mối tương quan giữa mình với Chúa?
Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy ở lại trong tình yêu của Ngài để cuộc đời sinh nhiều hoa trái. Người ta cứ đặt vấn đề là tại sao thế giới hôm nay lại đầy dẫy hận thù, chiến tranh, và chết chóc? Người ta cứ hỏi tại sao giới trẻ hôm nay lại sa vào các tệ nạn xì ke, ma túy, nạo phá thai hàng loạt…? Câu trả lời rất đơn giản: vì thiếu Chúa là đường là sự thật và là sự sống.

Tạ ơn Chúa vì phần lớn chúng ta nhận ra Chúa là lẽ sống và gắn bó đời mình với Ngài. Đó là một tín hiệu đáng vui mừng và cần phải gìn giữ. Mỗi người hãy cùng với Chúa cắt tỉa chính mình, là bỏ đi những thói hư tật xấu, và những đam mê quyến rũ bất chính; để cuộc đời của mỗi người được trổ sinh những hoa thơm trái ngọt là các việc lành phúc đức.
Nhưng điều mà chúng ta cần phải quan tâm nhất lúc này là con em của chúng ta, là thế hệ tương lai của giáo xứ và Giáo Hội. Bởi chúng đang trở thành nạn nhân của xã hội tục hóa này.
Chúng đang bị cám dỗ và muốn tách mình ra khỏi đường lối huấn lệnh của Chúa, để hòa mình vào các trào lưu phi luân lý của thời đại, và nghĩ rằng như thế mà là tự do. Như cành lìa cây, chúng đâu ngờ rằng, mình đang chết dần chết mòn trong tội.

Là những mục tử, là những người làm cha làm mẹ, chúng ta hãy cùng nhau cứu sống con em của chúng ta. Hãy thường xuyên bảo ban, nhắc nhở, thậm chí là la rầy để các em quan tâm hơn trong việc giữ đạo và sống đạo, hãy làm những gì có thể để giúp các em gắn bó cuộc đời với Chúa; vì chỉ có những ai ở lại trong Chúa thì mới sinh được nhiều hoa trái thánh thiện.
Ước gì một khi chúng ta biết chăm lo cho đời sống đức tin của mình, thì cũng hãy biết chăm lo cho đời sống đức tin của con cái. Để chúng ta và cả con em chúng ta nữa, trổ sinh được những hoa thơm trái tốt, nhờ luôn kết hiệp đời mình với Chúa Giê-su.
Cầu chúc mối tương quan của mỗi người với Chúa ngày thêm đậm đà thắm thiết. Amen.
Lm Antôn

SUY NIỆM 2:
Vườn nho hay cây nho là hình ảnh rất quen thuộc của người Do-thái. Cây nho cho họ thứ rượu uống hằng ngày và trở thành thức uống không thể thiếu trong các buổi tiệc. Hình ảnh vườn nho hay cây nho cũng được ví như nhà Israel dưới ngòi bút của các ngôn sứ Isaia, Giêrêmia và Ezêkiel: Dân Israel là vườn nho của Chúa trồng lên và chăm sóc bảo vệ chúng, lắm khi chúng đã trở nên tan hoang và sinh nho dại.
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su cũng lấy lại hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên tương quan của Người với các môn đệ. Như cành lìa cây sẽ bị héo khô và chết vì mất nguồn sống, thì những ai tách lìa khỏi sự sống duy nhất là Đức Kitô sẽ hư mất đời đời.
Cành nho sống được là nhờ hút nhựa sống từ thân cây, nhưng không phải hút để ra lá mà là để sinh hoa trái. Đó là nội dung chúng ta suy niệm hôm nay:
* Hút nhựa sống

Một sự thật hiển nhiên là cành nho bị cắt đứt lìa thân cây chắc chắn sẽ héo khô và chết, vì nhựa sống của cành nho không tự có mà là nhựa sống được truyền từ cây sang cành. Khi sử dụng hình ảnh cây nho - cành nho này, Chúa Giê-su khẳng định sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự hiện hữu của con người. Chỉ có Thiên Chúa mới tự hữu, còn con người chỉ hiện hữu lệ thuộc vào sự sống của Thiên Chúa.
Cụ thể, sự sống tâm linh của tín hữu sẽ không còn khi tách lìa với Đức Kitô là “sự sống” như Người từng tuyên bố: “Thầy là Sự Sống”. Như vậy, không thể có Kitô hữu nào mà lại không kết hợp với Chúa Giêsu, đặc biệt kín múc sự sống của Người từ việc cầu nguyện, lãnh các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể
* Sinh hoa trái
Tuy nhiên, chức năng của cành nho không phải là trơ trụi hoặc ra lá, mà là phải sinh hoa trái, sinh hoa trái tốt chứ không phải hoa trái xấu, nếu không thì phải bị cắt bỏ để khỏi làm tổn hại đến cây và các cành khác.
= Không sinh hoa trái: Có thứ cành nho vẫn hút nhựa sống từ cây, nhưng lại chỉ ra lá. Đó là tình trạng của những con người ích kỷ chỉ lo cho mình, được hưởng bao ân huệ của Chúa nhưng lại không chia sẻ cho tha nhân, nhất là thiếu đi tinh thần truyền giáo.

Việc yêu mến Thiên Chúa thật tự nó sinh hoa trái, người luôn có sự sống thân tình với Thiên Chúa thì cũng đương nhiên có đời sống tương quan đức ái với mọi người.
= Sinh hoa trái xấu: Có loại cành nho lại sinh hoa trái xấu, có thể vì không hút được đủ dinh dưỡng từ cây, cũng có thể do bị sâu bọ cắn phá. Đó là những ai hời hợt với ơn Chúa, hoặc để cho những thứ tác động bên ngoài xâm nhập đục khoét tâm hồn, nên đời sống họ không thể sinh hoa trái công phúc việc lành cho Giáo Hội.  Tóm lại, chức năng của cành nho là hút nhựa sống từ cây nho để sống và sinh hoa thơm trái tốt, thì chức năng của Kitô hữu là kết hợp với Đức Kitô để kín múc sự sống tự nơi Người, hầu sinh hoa kết trái dồi dào cho Giáo Hội.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết kết hiệp mật thiết với Chúa, để được thông truyền sự sống thần linh, hầu chúng con được sống, được hiện hữu và sinh hoa trái cho Chúa là các linh hồn. Amen.

Hiền Lâm 

SUY NIỆM 3: GẮN BÓ VỚI THẦY
Câu chuyện
Học trò hỏi tôn sư:
“Con phải làm gì để đạt tới Thượng Đế?”.
“Nếu con muốn đạt tới Thượng Đế, con phải biết hai điều này. Điều thứ nhất là mọi cố gắng để đạt tới Ngài đều hoài công”.
“Còn điều thứ hai?”.
“Con phải hành động như thể con nên một với Thượng Đế” (Một phút minh triết, nên một).
Suy niệm
Chúa Giê-su dùng hình ảnh cây nho và Thiên Chúa Cha được Ngài nhấn mạnh là người trồng nho: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho” (Ga 15,1). Hình ảnh cây nho và các cành nho được Chúa Giê-su nhấn mạnh như biểu tượng cho sự gắn bó thầy - trò, sự gắn bó qua Thầy với Thiên Chúa: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15,5). Như thế, người gắn bó với thầy, được biểu tượng bằng hình ảnh sống động của cành cây nho, theo cái nhìn của người trồng nho là những nhánh được chọn từ một số nhánh khỏe nhất, được cắt tỉa, được nuôi dưỡng khi gắn bó với thân nho qua nhựa sống nuôi từ gốc.
“Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi…” (Ga 15,2). Đó là hình ảnh những người được xem gắn bó với Thầy, mang danh là môn đệ Chúa Kitô, nhưng không có tinh thần gắn bó với Chúa Kitô. Họ là những người môn đệ, Kitô hữu “hữu danh vô thực” như thánh Phaolô có nói về một tình trạng tương tự như vậy trong Do Thái giáo (x. Rm 2,17-23). Còn số phận của những kẻ đứng bên ngoài Thầy: “Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như cành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi”. Thánh Vịnh có nói về số phận của kẻ không gắn bó với Thầy: “Kìa ai xa Chúa, sẽ mai một hết… “ (Tv 73,27).
“Cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15,2b). Cành sinh trái là cành luôn gắn bó với thân, được nuôi sống bởi nhựa đến từ gốc cây nho. Thật thế, như hình ảnh cành nho liên kết với thân nho, chúng ta cũng vậy nếu “gắn liền với” hay “ở lại trong” Đức Kitô, chúng ta sẽ nhận được sức sống, sức mạnh của Ngài vì: “Cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho” (Ga 15,4). Cho nên, Tagore luôn cảm nghiệm: “Con nhìn nhận Chúa chính nguồn tình yêu” (Mong chẳng còn gì).
Cành đơm trái được nuôi sống và gắn liền với thân nho, phải luôn được cắt tỉa, là một điều kiện cần thiết để nho sinh nhiều hoa trái. Hình ảnh cắt tỉa cây nho luôn mang hai ý nghĩa cho người gắn bó với Đức Kitô như cành liên kết với thân nho:
Chịu cắt tỉa trong đau thương để cùng tham dự vào sự chết và vinh quang của Chúa Giê-su, như thánh Phaolô nhấn mạnh: “Một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8,17). Khi được cắt tỉa, đau thương nhưng với Đức Giê-su là “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ” (1Pr 4,13). Bị cắt tỉa đau thương góp phần sinh hoa trái: “Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường” (1Pr 5,10).

Cắt tỉa những lá già, những cành phụ không cần thiết là chiết bỏ những tật hư đam mê xấu, để dành sức sống thẳng tiến trong Chúa Kitô như thánh Clément d'Alexandrie nhận định: “Cây nho không được cắt tỉa trở nên hoang dã, Ngôi Lời là một thanh kiếm cắt tỉa những cành um tùm: Thanh kiếm bẻ gãy những dục vọng để không còn sa ngã và để sinh hoa trái”.
Cắt tỉa để gắn bó với Thầy. Thật thế, chính nhờ sức sống của Thầy chảy trong con người tôi, như nhựa nuôi sống cành nho, như thánh Phaolô cảm nghiệm: “Tôi sống không phải là tôi sống, nhưng là Chúa Giêsu Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Ý lực sống: “Như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21).
Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ

SUY NIỆM 4: LIÊN KẾT VỚI CHÚA GIÊSU
Hôm nay chúng ta suy niệm về sự sống trong Chúa Giê-su.
1. Chữ “Kitô hữu” có nghĩa là “người thuộc về Đức Kitô”. Cho nên cuộc sống Kitô hữu đương nhiên phải là cuộc sống trong Đức Kitô và sống bằng sức sống của Ngài.
Một nhà truyền giáo sống tại Phi Châu, một lục địa còn sống rất xa đối với ánh sáng văn minh hiện đại.
Tại một trung tâm truyền giáo mà vị thừa sai kia làm việc, người ta mới mua được một máy điện nhỏ, để cung cấp điện cho trung tâm.
Vì nghe thấy tiếng máy nổ, một số những người sống chung quanh trung tâm, kể cả con nít lẫn người lớn, đã kéo nhau đến để xem tiếng nổ kia là gì.
Khi đến trung tâm, họ vô cùng ngạc nhiên, vì không hiểu tại sao lại có những chiếc đèn, dài có, tròn có, treo ngược ở trên trần nhà và đang tỏa sáng. Họ lại càng ngạc nhiên hơn nữa khi thấy nhà truyền giáo thắp sáng những ngọn đèn này mà không cần phải mồi lửa cho chúng. Họ chỉ thấy ngài sờ vào một cục gì đó ở trên tường, thế là ngọn đèn bỗng sáng trưng.
Một người trong nhóm đến xem, thấy ở trong góc nhà có một cái bóng đèn dài người ta bỏ đi đang nằm ở đó. Anh đánh bạo xin nhà truyền giáo.
Tưởng là người này xin bóng đèn kia về nhà trưng chơi, nên ông đồng ý.
Ít ngày sau, trong dịp đi thăm các gia đình, nhà truyền giáo ghé vào nhà của người hôm trước đã xin bóng đèn. Vừa bước vào trong căn nhà lụp sụp, nhà truyền giáo đã thấy ngay cái bóng đèn điện mà ngài cho hôm trước, được treo ở trên xà nhà, bằng một sợi giây. Ngài còn đang tủm tỉm cười về ý nghĩ thật đơn sơ của người dân ở đây, thì chủ nhà lên tiếng;
- Thưa Cha, sao bóng đèn cha cho con chẳng sáng gì cả. Phải thắp sáng nó như thế nào hở cha?
Nhà truyền giáo phá lên cười rồi giải thích:
- Để cho đèn này sáng, cần phải có một dòng điện, phát ra từ một máy phát điện. Dòng điện này được dẫn đến bóng đèn bằng một dây kim loại. Ở đây không có điện, đàng khác bóng đèn này hư rồi, nên làm sao sáng được.
Ngày xưa, khi giảng về sự cần thiết phải liên kết với Chúa, Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh cây nho và cành nho.
Ngày nay, nếu Chúa có trở lại trần gian này để giảng cho chúng ta về đề tài phải liên kết với Ngài, có lẽ Ngài sẽ không dùng hình ảnh cây nho và cành nho nữa, mà có thể Ngài dùng hình ảnh bóng đèn điện, với máy phát điện.
Điều mà Chúa Giê-su muốn nói với chúng ta qua hình ảnh cây nho và cành nho được thuật lại trong Tin Mừng hôm nay, đó là chúng ta phải liên kết với Ngài để sức sống của Thiên Chúa được chuyển thông đến chúng ta. Đừng để bất cứ thứ gì cản ngăn sự chuyển thông đó.

2. Liên kết bằng cách nào đây?
Chúng ta có thể và phải kết hợp chặt chẽ với Đức Kitô: bằng cầu nguyện, bằng tưởng nhớ, bằng thi hành những lời Ngài dạy… Ai không làm những điều đó thì người ấy không phải là Kitô hữu thật, người ấy là cành nho khô, sớm muộn gì thì cũng bị chặt đi và quăng vào lửa.
Hơn nữa, để cây nho được sai trái thì Chúa bảo cần phải cắt tỉa. Thánh Anphongsô đã được Thiên Chúa cắt tỉa bằng việc để Ngài thất bại ê chề trong một cuộc xử kiện mà Ngài làm luật sư. Thánh Ignatiô được cắt tỉa khi bị thương què chân trong một trận chiến.
Cắt tỉa là bị chặt đi, mất đi nhưng thử hỏi có cuộc đời nào mà chẳng được đánh giá bằng những cái mất và những cái được không. Tuy nhiên, với con mắt đức tin, người ta vẫn nhìn thấy cái được trong cái mất….Đức Hồng Y Etchegaray có lần đã nói: “Đứng trước cánh rừng, chúng ta không nên dừng lại ở tiếng ngã đổ của cây rừng, nhưng hãy lắng nghe âm thanh của những mầm non đang mọc lên. (Mỗi ngày một tin vui).
Nếu Thánh Anphongsô đã không được Thiên Chúa cắt tỉa bằng việc để cho Ngài thất bại ê chề trong một cuộc xử kiện mà Ngài làm luật sư, cũng như thánh Ignatiô không bị cắt tỉa bằng việc bị thương què chân trong một trận chiến, thì chưa chắc gì các ngài đã tìm ra lý tưởng để đi theo. Chính nhờ sự cắt tỉa đớn đau đó mà các ngài đã nhận ra tiếng Chúa mời gọi và đã đi theo Chúa, làm cho cuộc đời của mình đẹp hơn nhiều. Như vậy, các Ngài mất một điều nhưng được lại nhiều điều khác còn quý hơn.
Bài thơ của Tagore
Chỉ mong Ngài lấy đi
Mong chẳng còn gì thuộc về con,
Mong chẳng còn gì là của con.
Để con được trắng tay,
Con chỉ còn Ngài để giữ lấy,
Con được chọn Chúa mãi là của con.
Chỉ mong Ngài xóa đi
Mong chẳng còn gì để chiếm hữu,
Mong chẳng còn gì ràng buộc con.
Để con được ngước lên
Con tìm được Ngài là chân lý.
Con được cùng Chúa đồng hành luôn.
Chỉ mong Ngài cất đi,
mong chẳng còn gì để nắm giữ,
mong chẳng còn gì mà tự tôn.
Để con chỉ biết yêu,
Yêu một mình Ngài trọn đời con.
Lm Giuse Đinh Tất Quý

SUY NIỆM 5: KẾT HỢP ĐỂ SINH HOA TRÁI
Khi nói đến cây nho, chúng ta nghĩ ngay đến bà con nông dân khu vực duyên hải Miền Trung Việt Nam, bởi vì nơi đây, phong trào trồng nho đã trở thành nghề chính của người dân. Khi trồng nho, người ta phải chăm bón, và nhất là cắt tỉa đúng quy cách mới mong một vụ mùa bội thu. Nếu không biết chăm bón đúng cách và không dám cắt tỉa, cây nho sẽ không sinh trái hay chỉ sinh ra những trái sâu xi, sần sùi, èo ọt...

Hôm nay, Đức Giê-su dùng hình ảnh cây nho để nói lên mối tương quan giữa Ngài với dân và đồng thời cũng nói lên thực tại Nước Trời ngang qua hình ảnh cây nho và cành nho.
Cây nho là thứ cây trồng chủ yếu của người Palestina thời Đức Giê-su. Cây nho còn là biểu trưng của chính dân Israel. Vào thời Cựu Ước, các tiên tri đã lên tiếng cảnh tỉnh dân chúng khi mượn hình ảnh cây nho không trái hay cho ra những loại rượu đắng chát không đạt tiêu chuẩn để nói lên sự thờ ơ, bất trung, phản bội của dân với Thiên Chúa.

Hôm nay, Đức Giê-su cũng dùng lại hình ảnh cây nho để nói lên sự gắn bó và hệ quả của nó trong tương quan giữa Ngài với ta. Vì vậy, Ngài đã ví mình là cây nho, chúng ta là cành nho. Đồng thời, Ngài cũng tiên báo, muốn được sinh hoa trái thiêng liêng, ắt phải cắt tỉa những cành ích kỷ, vụ lợi, giả hình, kiêu ngạo, gian dối, bất công..., để từ đó nảy thêm những mầm nho mới và sẽ sinh ra hoa trái của chân thực, nhân từ, bao dung, khiêm nhường, từ bi, nhân hậu...

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy kết hợp với Chúa như cành nho với thân nho, như hình với bóng, để sự sống của ta là của Chúa và hoa trái được sinh ra chính là hoa trái cùng dòng giống với Đức Giê-su.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa là cây nho, chúng con là cành. Xin cho chúng con mãi mãi được gắn bó với Chúa như cành liền cây, để chúng con được ơn cứu chuộc và chia sẻ hoa trái cứu chuộc đó cho anh chị em xung quanh. Amen.
Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM 6: GIÁ TRỊ CỦA SỰ CẮT TỈA 
Cứ sau mỗi mùa thu hoạch, chủ vườn đều cắt bỏ bớt những cành nho già, kém năng suất để ươm những chồi non mới với mục đích là có được năng suất tốt hơn trong vụ mùa kế tiếp. Cũng vậy, trên con đường tiến tới sự hoàn hảo, mỗi Kitô hữu phải không ngừng loại bỏ dần những thói hư tật xấu để ngày càng hoàn thiện chính mình hơn.
Chúa Cha là người trồng nho, Chúa Giê-su là cây nho và chúng ta là cành nho. Để có thể trổ sinh được nhiều hoa trái, chúng ta phải để cho Chủ vườn chăm sóc và cắt tỉa.
Bản chất của sự cắt tỉa chính là quá trình chúng ta loại trừ dần những giá trị không phù hợp, để biết hướng đến những giá trị cao đẹp hơn. Dù rằng, cắt tỉa thì đau đớn, nhưng cắt tỉa mà không đau đớn thì sự cắt tỉa đó không có giá trị.

Sách Gương Phúc dạy rằng: lửa thử vàng, gian nan thử đức. Như lửa loại bỏ những tạp chất để vàng trở nên tinh ròng hơn thế nào, thì sự cắt tỉa cũng là quá trình chúng ta tôi luyện mình để trở nên một con người có ích và tốt đẹp như thế.
Thật vậy, muốn sống có ích cho tha nhân, cho môi trường mình đang sống và thuộc về. Chúng ta cần can đảm buông bỏ những giá trị bất cập, những tư tưởng không phù hợp, để cùng nhau hướng đến cái chung, cái đại đồng và hơn hết là sự hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.
Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa luôn đồng hành với chúng con. Vì theo Chúa là đi ngược lại với lời mời gọi của thế gian; là chọn đi trên con đường hẹp; là chấp nhận bị cắt tỉa để trổ sinh được nhiều hoa trái hơn; là chấp nhận bị tôi luyện như lửa thử vàng để trở nên tinh ròng hơn… nhờ đó chúng con sẽ ngày càng thuộc trọn về Chúa hơn. Amen.
Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Căn, SVD

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây