GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


THỨ SÁU TUẦN III PHỤC SINH Ga 6,52-59

THỨ SÁU TUẦN III PHỤC SINH Ga 6,52-59
THỨ SÁU TUẦN III PHỤC SINH
Ga 6,52-59

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
52 Khi ấy, những người Do Thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được ?”
53 Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi.
54 Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. 55 Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. 56 Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy.
57 Cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. 58 Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời”.
59 Người giảng dạy những điều này tại Hội đường Caphar-naum.

SUY NIỆM:
Sứ điệp: Ai lãnh nhận Chúa Giêsu Thánh Thể, thì ở đời này được kết hiệp với Chúa, được sự sống đời đời và ngày sau hết được sống lại. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy siêng năng rước Mình Thánh Chúa với một đức tin sống động.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con xin cảm tạ Chúa đã thiết lập bí tích Thánh Thể làm thần lương nuôi dưỡng sự sống thiêng liêng của con. Như sự sống thể xác cần được nuôi dưỡng, cần phải lớn lên theo năm tháng cuộc đời, thì sự sống làm con Thiên Chúa nơi con cũng cần được dưỡng nuôi và lớn lên mỗi ngày. Vâng, lạy Chúa, Chúa đã chịu chết và sống lại để tái sinh con, để trao ban sự sống mới, sự sống thần linh. Chúa đã ban sự sống và còn lập bí tích Thánh Thể để tiếp tục dưỡng nuôi và làm sự sống mới được lớn mạnh. Biết bao người đã cảm nhận sự trống vắng, sự đói khát thiêng liêng, khi phải xa bàn tiệc Thánh Thể.
Xin cho con biết siêng năng tham dự thánh lễ, siêng năng rước lễ với một đức tin vững vàng, với thái độ trân trọng, với lòng khao khát mến yêu. Xin Chúa cũng thứ tha cho con những lần ơ hờ, những lần rước Chúa chỉ vì thói quen, nhất là thái độ bất kính xúc phạm khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa không xứng đáng. Xin cho con ngày càng liên kết mật thiết với Chúa nhờ việc rước lễ cách ý thức. Xin đừng để con gắn bó với thực tại thế gian chóng qua làm ngăn trở con nên một với Chúa.
Xin cho con hợp nhất với Chúa để nên của lễ hiến tế tôn vinh Thiên Chúa: Tôn vinh Thiên Chúa từng giây từng phút, trong mỗi công việc, trong từng suy nghĩ, và chứng tỏ bằng hoa bác ái yêu thương. Amen.
Ghi nhớ: “Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống”.
TGM Giuse Nguyễn Năng

SUY NIỆM: BƯỚC VÀO ĐỜI SỐNG
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu Tuần 3 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúng ta đã được phúc đón nhận Tin Mừng Đức Kitô sống lại, xin Chúa ban Thánh Thần tình yêu, dẫn chúng ta bước vào đời sống mới.
Bước vào đời sống mới là một đời sống rao giảng Lời Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Khải Huyền cho thấy: Lời Chúa vừa ngọt ngào, vừa cay đắng, là của ăn nuôi dưỡng chúng ta trong cuộc đời buồn vui lẫn lộn: Tôi cầm lấy cuốn sách nhỏ từ tay thiên thần và nuốt đi. Trong miệng tôi, nó ngọt ngào như mật ong, nhưng khi tôi nuốt rồi, thì bụng dạ tôi cay đắng. Và có tiếng bảo tôi: Một lần nữa, ông phải tuyên sấm về nhiều nước, nhiều dân, nhiều ngôn ngữ và vua chúa.
Bước vào đời sống mới là bước vào chiến thắng nhờ thập giá Đức Kitô, như trong  bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Éprem đã nói: Lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa, bởi vì Chúa đã lấy thập giá làm cây cầu bắc qua vực thẳm sự chết, để các linh hồn đi qua đó mà ra khỏi cõi chết và bước vào cõi sống. Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi; Tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Bước vào đời sống mới là bước vào cái chết và phục sinh của Đức Kitô, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật việc thánh Phaolô không nhìn thấy được, khi bị ngã ngựa trên đường Đamát, và sau ba ngày đã được bình phục: Suốt ba ngày, ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn, chẳng uống… Lập tức có những cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông Saolô, và ông lại thấy được. Ông đứng dậy và chịu phép rửa. Rồi ông ăn và khoẻ lại.
Bước vào đời sống mới là một đời sống chứng tá, ra đi rao giảng Tin Mừng, như trong  bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 116, vịnh gia đã kêu gọi: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng. Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa, ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người! Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã nói: Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Bước vào một đời sống mới là bước vào một đời sống không còn sống nhờ những của ăn mau hư nát nữa, nhưng là, sống nhờ lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, chính là thịt và máu Đức Kitô. Rao giảng Tin Mừng là rao giảng chính Đức Kitô; làm chứng cho Tin Mừng là làm chứng cho Đức Kitô. Không ăn thịt và không uống máu Đức Kitô sẽ không thể trở nên đồng hình đồng dạng với Người, lúc bấy giờ, chúng ta sẽ rao giảng và làm chứng cho một ai khác, chứ không phải là Đức Kitô: Đấng đến không phải để được hầu hạ, nhưng là, để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn Người. Ước gì chúng ta luôn biết tin tưởng vào Đức Kitô, mau mắn đến lãnh nhận thịt và máu Người, để chúng ta được ở lại trong Người, và Người ở lại trong chúng ta, hầu, sự sống vĩnh cửu sẽ nảy sinh cho chính chúng ta và cho những người xung quanh. Ước gì được như thế!

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

SUY NIỆM: HIỆU QUẢ CỦA THÁNH THỂ
Câu chuyện
Daniel Connell, người đã giải phóng dân tộc Ái Nhĩ Lan, là một tín hữu can đảm và nhiệt thành. Khi có một số bạn bè theo đạo Tin Lành chế nhạo ông vì họ không hiểu rõ và cũng không tin Đức Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể.
Bấy giờ Daniel đã trả lời như sau: “Sao các ông lại hỏi tôi? Lẽ ra các ông phải hỏi Đức Giêsu mới đúng. Phần tôi, tôi chỉ tin vào Lời Chúa nói. Nếu Lời Chúa khẳng định rằng: “Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống” mà thực sự không đúng, thì người nói là Đức Giêsu mới đáng trách chứ không phải là tôi! Nhưng tôi luôn tin rằng: Lời Chúa là sự thật, là Lời hằng sống và sẽ tồn tại đến muôn đời”.
Câu trả lời của Daniel Connell cho ta thấy: Niềm tin vào bí tích Thánh Thể cũng như toàn bộ niềm tin của chúng ta đã được xây dựng trên nền tảng vững chắc là Lời Chúa trong Thánh Kinh. Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường, là sức sống của ta, là căn bản đức tin của ta, là lương thực nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Do đó, ta cần phải có thái độ tôn trọng Lời Chúa, yêu mến và thực hành Lời Chúa, là điều kiện để ta được ơn cứu độ (Vietcatholic).
Suy niệm
Tin Mừng Ga 6,53-60, là phần kết của diễn từ Thánh Thể ở Capharnaum (x. Ga 6,22-58), sau khi Chúa Giêsu khẳng định chính Ngài là bánh ban sự sống được Giáo hội gọi là bí tích Thánh Thể. Chúa Kitô cho chúng ta biết ba hiệu quả của Thánh Thể: Thánh thể cho ta được sống muôn đời, Thánh Thể làm cho ta được kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu, Thánh Thể làm chúng ta sống nhờ sự sống của Chúa Giêsu, theo khuôn mẫu sự kết hiệp giữa Đức Giêsu với Chúa Cha.
Thánh Thể ban cho ta được sống muôn đời và được sống lại như Người phán: “Ai ăn thịt và uống máu Ta thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54). Nếu như ngày xưa manna là của ăn được ban để nuôi thân xác, ngày nay hơn bất cứ của ăn nào, Mình Máu Chúa Kitô ban cho ta ơn thần hóa vĩnh cửu: “Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời” (Ga 6,48-50.58). Bằng những lời xác quyết như thế, Chúa Giêsu giới thiệu cách long trọng bánh hằng sống, bánh muôn đời tồn tại và đầy quyền năng trao ban ơn sống đời vĩnh cửu cho tất cả những ai rước lấy trong đức tin với lòng trong sạch, đơn sơ, ngay lành.
Hiệu quả thứ hai của bí tích Thánh Thể - bí tích Tình yêu, làm cho ta được kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu như Người khẳng định: “Ai ăn thịt và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong người ấy” (Ga 6,56). Cách nói “ở lại trong” và “ở trong người ấy” (x. Ga 14,10-20; 15,4-5; 1Ga 3,24; 4,15-16) chỉ một sự trao đổi, kết hiệp vừa thân mật vừa hỗ tương. Chính dụ ngôn cây nho và các cành sẽ làm sáng tỏ ý nghĩa này hơn nữa (x. Ga 15,1-17): Người rước Thánh Thể ở lại trong sự sung mãn của Chúa Kitô, đón nhận sự sống Người tuôn chảy vào trong họ như dòng nhựa sống nuôi thân nho đơm trái.
Hiệu quả thứ ba của Thánh Thể là hệ quả của hiệu quả thứ hai khi kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô thì được sống nhờ sự sống của Ngài, theo khuôn mẫu sự kết hiệp giữa Đức Giêsu với Chúa Cha: “Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai Ta, và Ta sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Ta, cũng sẽ nhờ Ta mà được sự sống như vậy” (Ga 6,57).
Với ba hiệu quả trên, trong Thánh Thể, Chúa Kitô trở nên lương thực nuôi dưỡng chúng ta, Ngài trở nên như cơm bánh là sức sống của chúng ta. Cho nên, rước Thánh Thể là cách thức duy nhất giúp ta tránh được tình trạng suy nhược thiêng liêng và cái chết linh hồn. Rước Thánh Thể là rước Chúa Kitô, sức sống của ta được tiếp sức sống của Chúa Kitô. Nếu chúng ta hiệp thông đều đặn vào sự sống này của Người, chúng ta đã được đặt để trong tình trạng ân phúc, và tình trạng này sẽ triển nở thành vinh quang trong cuộc sống vĩnh cửu. Như người cô đơn tìm được nguồn an ủi; người yếu đuối tìm được sức mạnh; người tội lỗi tìm được ơn tha thứ; người đau đớn tìm được sự chữa lành; người bất hạnh tìm được nghị lực tinh thần; người mất niềm tin vào cuộc đời tìm được chỗ nương thân… nguồn tình yêu chất chứa đầy sự thông cảm và âu yếm.
Ý lực sống: “Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời” (Ga 6,58b).
Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ       

SUY NIỆM: LỐC THÁNH THẦN
“Saun, Saun, sao ngươi bắt bớ Ta?”.
Trong một bữa tiệc, Mark Twain ngồi đối diện với một mệnh phụ xinh đẹp nhưng xem ra khá kênh kiệu. Ông nói, “Cô thật xinh!”. Phụ nữ ấy không hề cảm kích mà còn khích nộ, “Rất tiếc, không cách nào để tôi có một lời khen tương tự dành cho ông!”. Mark Twain bình thản, “Không sao cả, cô có thể nói một điều gì đó ‘hơi dối’ như tôi vậy!”. Nghe xong, cô ấy xấu hổ, cúi mặt và nói lí nhí, “Tôi, một con người cao ngạo, thành thật xin lỗi ông!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu hai tuần qua, chúng ta mục kích những hoạt động của Thánh Thần trên các tông đồ, những con người ‘được ru hời’ khi họ để mình ‘cuốn theo chiều gió’ Thánh Linh, thì trình thuật Phaolô - “một con người cao ngạo” - bị quật ngã và trỗi dậy hôm nay là một cái gì khốc liệt hơn, chớp nhoáng hơn và mạnh mẽ hơn. Nó được gọi là ‘lốc Thánh Thần!’.
“Saun, Saun, sao ngươi bắt bớ Ta?”, tiếng sấm từ trời ấy đã hỏi một con người nửa tỉnh nửa mê đang ngã quỵ; một người ‘cuồng nhiệt’ mang dáng dấp một kẻ ‘cuồng tín!’. Saun đâu biết, nhiệt thành với điều thánh thiêng không luôn đồng nghĩa với một con tim rộng mở trước Thiên Chúa. Saun gục ngã; nhưng may thay, lốc dịu lại và gió Thánh Thần lại nâng ông lên. Dẫu sợ hãi, nhưng tâm hồn Saun bắt đầu mở ra để ân sủng được ban xuống cho một phẩm giá được phục hồi. Vậy mà, tất cả những điều ấy chỉ xảy ra ngang qua sự khiêm nhường của một con người đã từng cao ngạo cuồng tín đáng thương.
Hành trình của Saun là hành trình của một người dám để Chúa biến đổi trái tim mình. Tiếng sấm từ trời không chỉ tra vấn Saun, nhưng còn mời ông “Đứng lên!”. Đứng dậy, Saun biết mình đã mù, ông đưa tay cho người ta dắt. Từ đó, tim ông mở ra và Thánh Thần đã biến Saun thành một “Phaolô” khiêm hạ. Cũng từ đó, Phaolô thi hành sứ mệnh mới, “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Phaolô không còn là mình, nhưng đã nên một với Chúa Kitô, “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà Chúa Kitô sống trong tôi!”. Tin Mừng hôm nay nói đến việc nên một - ở lại trong Chúa Kitô - nhờ việc rước Mình Máu Ngài, “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy!”. Chớ gì ‘lốc Thánh Thần’ không chỉ thổi tróc những cao ngạo của bạn và tôi nhưng còn ‘lôi kéo’ chúng ta đến với Thánh Thể hầu có thể nên một với Chúa Kitô mỗi ngày!
Kính thưa Anh Chị em,
“Sao ngươi bắt bớ Ta?”. Một khi mời gọi ai, Thiên Chúa luôn luôn tra vấn người ấy. Và Ngài cho phép xảy ra những gì cần thiết vốn chỉ nhằm giúp người ấy trở nên khiêm tốn để có thể mở rộng con tim cho Ngài. Thế nhưng, chúng ta đừng quên, nhân vật chính ở các câu chuyện của những con người được ‘lốc Thánh Thần’ không phải là các “đương sự” nhưng là Chúa Thánh Thần. Nhân vật chính trong Giáo Hội là Thánh Thần; chủ thể của các câu chuyện trong Tông Đồ Công Vụ là Thánh Thần. Ngài không ngừng hà hơi và nếu cần, tạo nên những cơn lốc. Có thể đó là việc quật ngã sự nhiệt thành cuồng tín hay một ý chí lệch lạc; cũng có thể là đánh sập một sự cao ngạo hay tự phụ nơi một ai đó. Tất cả như để dọn đường cho những kế sách Ngài đang hoạch định.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Thánh Thần, cứ thổi tróc cao ngạo của con, nhưng đừng quên nâng con lên, cho con được ru hời hầu có thể trở nên con người Chúa muốn con trở thành!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

SUY NIỆM: TIN THÌ ĐƯỢC SỐNG 
Tin Mừng hôm nay trình thuật lời tuyên bố của Đức Giêsu về một vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp tới Ngài và tới tất cả những ai tin Ngài, đó là “Bánh Hằng Sống”. Ngài không nói quanh co bóng gió, nhưng rõ ràng minh bạch: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”. Khi tuyên bố như thế, ngay sau đó, Ngài liền khẳng định: “Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51).
Như một sự tiệm tiến, Đức Giêsu không chỉ ao ước, cũng như không chỉ có ý định trở thành lương thực cho con người, nhưng Ngài còn thực sự muốn và thực hiện điều đó. Vì thế, Ngài nói: “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”; “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (x. Ga 6, 54-56).
Khi tuyên bố như thế, Đức Giêsu cho thấy, lương thực Ngài ban tặng chính là lương thực Thần Linh, hoàn toàn khác biệt với những thứ lương thực trong đời thường, bởi vì Bánh mà Đức Giêsu trao ban chính là Ngài.
Khi trao ban cho con người chính bản thân mình, Đức Giêsu mong muốn được trở thành nguồn nuôi sống và nhất là thông truyền sự sống Thần Linh của Ngài cho nhân loại. Sự liên kết này được thể hiện qua việc ăn Thịt và uống Máu Chúa trong niềm tin. Chính vì thế, thánh Phaolô đã nhắc nhở tín hữu Côrintô: “Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình”.
Nói như thế, thánh Phaolô muốn nhấn mạnh đến việc chuẩn bị và ý thức cách xứng đáng để tương xứng với hồng ân cao trọng mà vì yêu, nên Đức Giêsu sẵn sàng trao hiến cho con người.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho chúng con hiểu được sự cao trọng của Bí tích Thánh Thể và ý thức được giá trị của việc đón nhận Mình Máu Thánh Chúa để được sống đời đời. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây