HỒNG ÂN THÁNH HIẾN - ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU THỦY
Thứ ba - 11/07/2023 21:11
Hôm nay ngày 11.07.2023, Giáo hội mừng lễ thánh Biển Đức viện phụ, cách riêng toàn Dòng Xitô mừng lễ ngài một cách trọng thể. Thánh Biển Đức được coi như tổ phụ đời sống đan tu ở Tây Phương. Từ đời sống thánh thiện và gương tìm Chúa của ngài đã phát sinh ra Dòng Biển Đức và sau này là Dòng Xitô (thế kỷ 11).
Tiếp nối đời sống Thánh Tổ Biển Đức, hôm nay một số Anh Em thuộc Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy đã tiến lên trong giai đoạn mới qua Thánh lễ trọng thể và Nghi thức Khấn tạm, Khấn trọng, Mừng Ngân Khánh Khấn Dòng của một số linh mục.
Xem hình 1
Lúc 9g00, đoàn đồng tế tiến vào Nhà nguyện. Viện M. Giuse Hoàng Văn Thắng, Bề trên Đan viện chủ sự Thánh lễ và Nghi Khức Khấn Dòng. Cùng đồng có nguyên Viện phụ Gioan Boscô, quý Bề trên, quý cha Hạt, cha giám đốc đại chủng viện thánh Nicolas, quý cha trong cộng đoàn, một số cha trong Hội dòng Xitô Thánh Gia, quý cha, đại diện Liên tu sĩ Giáo phận Phan Thiết, quý nam nữ Đan sĩ Xitô Thánh gia, quý tu sĩ, quý ông bà cố, thân nhân, ân nhân của Đan viện cũng như của các Khấn sinh, của quý cha mừng Ngân Khánh Khấn Dòng hôm nay.
Sau bài ca Nhập lễ Viện phụ Giuse nói lên ý nghĩa của ngày lễ hôm nay. Tạ ơn Chúa vì hồng ân thánh hiến: Khấn tạm, Khấn trọng và quý cha Mừng Ngân Khánh Khấn Dòng.
Viện phụ dựa vào các bài đọc phụng vụ hôm nay chia sẻ như sau:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, xin được dẫn vào mấy phút chia sẻ bài Tin Mừng hôm nay bằng một câu chuyện. Cách đây khá lâu, lúc tôi mới chịu chức linh mục, một lần nọ gặp một cán bộ an ninh bị cho về nghỉ hưu non. Gặp nhau hỏi thăm sức khỏe, chuyện trò, sau đó anh bắt qua chuyện xây dựng Nhà thờ. Bỗng nhiên, anh bột miệng hỏi tôi : Tôi hỏi thật Linh mục, bên Công giáo, các linh mục xây dựng xong một Nhà thờ, thì kiếm chác được bao nhiêu ? Tôi trả lời anh là bên Công giáo chúng tôi không có chuyện kiếm chác đâu. Một số linh mục khi xây dựng Nhà thờ, đang đi chiếc xe máy tốt đã tự nguyện bán đi để góp vào công việc xây dựng. Một số vị, con cháu cho bao nhiêu cũng đổ vào đó. Rồi, trong thời gian xây dựng Nhà thờ, các linh mục phải rất tiết kiệm, ăn uống kham khổ nữa là khác. Nghe xong, anh nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên.
Kính thưa cộng đoàn, câu chuyện trên đây giúp chúng ta dễ hiểu hơn vấn nạn của thánh Phêrô trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe : “Phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con được gì ?” (Mt 19, 27). Tuy nhiên, để dễ hiểu hơn đoạn Tin Mừng vừa nghe, chúng ta cần đặt đoạn Tin Mừng trong bối cảnh trước đó.
Trước đó, một thanh niên giàu có, một tín hữu Do thái giáo ngoan đạo, đã tuân giữ nhặt nhiệm những đòi hỏi của luật Mô-sê. Nhưng vẫn cảm thấy chơi vơi giữa những thăng trầm và biến động của dòng đời. Nhiều lúc anh cảm thấy chưa an tâm về phần rỗi của mình nên mới đến hỏi Đức Giê-su : “Lạy Thầy nhân lành, con phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” (Mt, 19, 16). Và Chúa Giê-su đưa ra quan điểm chung của con người thời đó, là tuân giữ các giới răn mà cụ thể là Mười Giới Răn. Nếu giữ trọn các Giới Răn sẽ được hạnh phúc Thiên Đàng. Anh ta trả lời là đã giữ trọn vẹn, nhặt nhiệm luật Mô-sê từ nhỏ. Thấy anh là một tín hữu tốt, Chúa Giê-su mời gọi anh vươn lên một bậc sống cao hơn, đó là về : Bán tất cả những gì Anh có, đem cho người nghèo, để được kho tàng đích thực trên trời, rồi đến theo Chúa Giê-su, vị Tôn sư “Không có một hòn đá để gối đầu” (Lc 9, 58). Nhưng anh đã từ chối lời mời gọi đó, vì Chúa đòi hỏi điều anh đang tìm mọi cách để nắm giữ. Nếu anh quảng đại đáp tiếng Chúa mời gọi, thì cuộc đời của anh sẽ sang một trang sử mới. Tuy nhiên, Tin Mừng không cho biết cái kết của cuộc đời anh. Qua đó cũng cho thấy Thiên Chúa kêu gọi, nhưng con người tự do đáp trả, Đức Chúa Trời chẳng ép lòng ai.
Xem hình 2
Anh thanh niên này là một tín hữu ngoan đạo, nhưng quá bám vứu vào của cải, thế gian, nên Chúa Giê-su cảm thấy ngạc nhiên và Ngài đã phải buồn bã thốt lên : “Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa biết bao” (Mt 19, 23). Nhưng, các Tông Đồ lại ngạc nhiên về sự ngạc nhiên của Chúa Giê-su, vì trong Cựu Ước : Đông con nhiều cháu, của cải sung túc là dấu chỉ Thiên Chúa chúc phúc. Trong bầu khí khó hiểu và ngỡ ngàng đó, thánh Phêrô đặt thẳng với Chúa Giê-su vấn đề mà các ông đã nhiều lần muốn hỏi Chúa và đây là cơ hội “Phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con được gì ?” (Mt 19, 27). Câu hỏi của thánh Phêrô bao hàm 2 ý: Thứ nhất : Chê anh chàng thanh niên này chẳng siêu thoát chút nào cả, còn nhiều tham, sân si, ham mê của cải vật chất. Thứ hai là đề cao mình : Thầy coi, chúng con đây mới ngon : Vợ đẹp, con khôn, nghề nghiệp, ghe thuyền bỏ hết. Và câu hỏi của thánh nhân đi đến hậu kết bằng một sự đòi hỏi : Từ bỏ như vậy chúng con được gì ? Hay đâu là “cái được, cái mất của những người theo Chúa ? Đi theo Chúa là một chọn lựa, mà chọn lựa nào cũng bao hàm sự từ bỏ và hy sinh. Hay nói cách khác, sự từ bỏ nào cũng là một sự giằng co, một cuộc đấu tranh nội tâm cả.
Vậy, chúng con được gì ?
Chúa Giêsu không phớt lờ hay làm ngơ trước câu hỏi này của ông Phêrô. Chúa còn muốn trả lời câu hỏi này cho cả những người ở thế hệ kế tiếp. Bất cứ ai vì Chúa và vì Tin Mừng mà từ bỏ những điều được coi là thiết yếu đối với cuộc sống như tương quan máu mủ: cha mẹ, anh chị em, con cái; những phương tiện để sinh sống : nhà cửa, ruộng đất, nghề nghiệp; những người ấy, ngay bây giờ, ở đời này, sẽ được gấp trăm về những điều đã mất. Hơn nữa, họ còn được sự sống vĩnh cửu ở đời sau, điều mà anh thanh niên giàu có mơ ước. Nhưng, Đức Giê-su cũng không giấu những khó khăn, thử thách, bách hại đang chờ đợi họ phía trước.
Chắc hẳn các môn đệ sau khi theo Chúa đã chẳng có thêm nhà cửa, đất đai, vợ con đâu. Nhưng họ đã thuộc về một cộng đoàn đức tin rộng lớn hơn gia đình xưa của họ. Nơi cộng đoàn đức tin này, gia đình nào cũng là nhà của họ, mảnh đất nào cũng là nơi họ gắn bó thân quen như của mình. Và rõ ràng, trong đại gia đình đức tin này, họ có nhiều anh chị em và con cái hơn xưa. Anh chị em tu sĩ chúng ta cũng vậy, khi từ bỏ gia đình nhỏ bé của mình để theo Chúa trong hành trình dâng hiến, chúng ta có một gia đình rộng lớn là Giáo hội, là Hội dòng, là Cộng đoàn. Và khi sống triệt để các lời khuyên của Tin Mừng, chúng ta sẽ được lãnh phần thưởng hạnh phúc Nước Trời Chúa hứa ban : “Phúc cho những ai có tinh thần ngèo khó, vì Nước Trời là của họ”
Kính thưa cộng đoàn, trong ngày lãnh bí tích Rửa Tội hay trong ngày khấn hứa, chúng ta đã cam kết với Chúa là từ bỏ tội lỗi và những gì nghịch với giáo huấn của Tin Mừng để sống cho Chúa, để sống theo các lời khuyên Phúc Âm. Nhưng cuộc đời lắm chông gai, thử thách và cám dỗ. Nhiều lần và rất nhiều lần chúng ta đã quay lưng lại với Chúa để sống theo bản năng của mình. Xin Chúa ban cho cộng đoàn chúng ta, đặc biệt các Tân khấn sinh và các Tân đan sĩ, cũng như quý cha mừng Ngân khánh Khấn dòng hôm nay ý chí, nghị lực và sự cương quyết, để dù cuộc đời có đổi trắng thay đen vẫn luôn dám hy sinh từ bỏ, nếu cần kể cả mạng sống, để luôn chọn Chúa và trung thành với những gì mình đã cam kết với Chúa. Amen.
Sau bài chia sẻ Tin mừng là Nghi thức Khấn tạm và Khấn trọng.
Nghi thức gồm 6 phần:
Trước hết, cha Tập sư Bênađô Trần Nghiêm giới thiệu Tập sinh với Viện phụ:
Thầy M. Micael BÙI QUANG THANH
Phần thứ 2: Viện phụ huấn từ và thẩm vấn Tập sinh. Phần thứ 3: lời nguyện. Phần 4: Tập sinh đọc lời Tuyên khấn: Khiết tịnh, Khó nghèo, Vâng phục, Vĩnh cư, và Canh Tân theo Tu Luật Thánh Phụ Biển Đức và Hiến Pháp Hội Dòng Xitô Thánh Gia, trong thời hạn ba năm, trong Đan viện Thánh Mẫu Châu Thủy. Phần 5: làm phép và trao tu phụ. Phần 6: lời nguyện chúc lành.
Tiếp theo là Nghi thức Khấn Trọng. Sau một thời gian dài (bảy tám năm) tìm hiểu, cầu nguyện, sống ơn gọi đan tu, nay các thầy cương quyết dứt khoát đọc lên Lời Khấn trọng để dứt khoát tận hiến cho Thiên Chúa trọn cuộc đời.
Các thầy gồm:
M. Gieronimo NGUYỄN VĂN VIỆT
M. Thadeo ĐẶNG QUỐC MINH TRIỂN
Nghi thứ gồm 7 phần:
Phần thứ nhất, cha Tập sư Bênađô giới thiệu các ứng sinh cho Viện phụ. Phần thứ 2: Viện phụ huấn từ và thẩm vấn. Phần 3: Kinh Cầu Các Thánh. Phần 4: các ứng sinh đọc lời Tuyên Khấn trọng: Khiết tịnh, Khó nghèo, Vâng phục, Vĩnh cư, và Canh Tân theo Tu Luật Thánh Phụ Biển Đức và Hiến Pháp Hội Dòng Xitô Thánh Gia, cho đến chết, trong Đan viện Thánh Mẫu Châu Thủy. Phần 5: lời nguyện Thánh hiến. Phần 6: làm phép và trao tu phục. Phần 7: hôn chúc bình an và lời nguyện hiệp nhất.
Kế tiếp là Nghi thức Mừng Ngân Khánh Khấn Dòng của các cha:
Cha M. Max. Kolbe HOÀNG VĂN THÁI
Cha M. Louis Gonzaga HOÀNG LUẬT
Cha M. Phaolô NGUYỄN VĂN THỤY
Cha M. Fx. Paula NGUYỄN VĂN ĐÌNH
Các ngài khấn dòng vào năm 1998. Hôm nay nhìn lại chặng đường 25 năm, các ngài không khỏi bỡ ngỡ trước những phước lành của Thiên. Chỉ biết cúi đầu tạ ơn Chúa vì Ngài đã yêu thương gìn giữ trong suốt những năm dài. Đồng thời xin Chúa tiếp tục nâng đỡ, chúc lành để luôn trung tín với lời khấn hứa của mình năm xưa.
Tiếp theo là Kinh tin kính và phụng vụ Thánh Thể.
Sau lời nguyện kết lễ, một phụ huynh đại diện các anh em mừng lễ hôm nay, cám ơn Viện phụ, đan viện, quý Bề trên, quý cha và cộng đoàn tham dự. Viện phụ thay mặt Đan viện cám ơn cộng đoàn, đặc biệt cám ơn cha mẹ, thân nhân của các Tân Khấn sinh, Tân Đan sĩ, quý cha Mừng Ngân Khánh hôm nay, đã hy sinh dâng hiến con cho Đan viện để phục vụ Chúa và Giáo hội. Thánh lễ kết thúc trong niềm vui tươi phấn khởi với những lãng hoa tươi thắm và lời chúc mừng thật ý nghĩa. Mọi người cùng chung niềm vui qua bữa tiệc đơn sơ tại hội trường Đan viện.
BTT. Đan viện Châu Thủy