Điều gì đã xảy ra cho 12 vị Tông đồ của Chúa Giêsu
Thứ năm - 08/10/2020 08:06
Điều gì đã xảy ra cho 12 vị Tông đồ của Chúa Giêsu
Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ rằng “Anh em hãy đi” (Mt 28, 19), và đây chính là điều các ngài đã làm đó là rao giảng Tin mừng trên khắp thế giới.
Trước khi về Trời, Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Được thúc đẩy bởi lệnh truyền đã thúc bách họ ra đi rao giảng Tin mừng cho thế giới, các tông đồ không lãng phí thời giờ, mà ngay lập tức chuyên tâm vào nhiệm vụ của mình, và họ đã gieo trồng hạt mầm đức tin ở những nơi họ đi qua.
1. PHÊRÔ: TỪ ANTIÔKIA ĐẾN ROMA
|
|
Truyền thống kể rằng thánh Phêrô là người đầu tiên đến Antiôkia và ngài đã thành lập một cộng đoàn ở đó. Ngài không sống lâu dài ở Antiôkia nhưng thường xuyên được nhắc đến như vị giám mục đầu tiên của Antiôkia. Có thể sau đó ngài đến thăm Côrintô trước khi đến Rôma. Ở đó thánh nhân đã hỗ trợ để hình thành cộng đoàn Kitô hữu trước khi chịu tử đạo trong hý trường của Nêrô khoảng năm 67 tại Rôma. Vương Cung Thánh Đường thánh Phêrô được xây trên lăng mộ của ngài ở Rôma.
2. ANRÊ: NHÀ TRUYỀN GIÁO Ở HY LẠP
Sau lễ Ngũ Tuần, nhiều truyền thống đã biến thánh Anrê, anh của Phêrô, thành Tông đồ của người Hy Lạp. Ngài đã rao giảng Tin mừng cho cộng đồng người Hy lạp và có thể đã chịu tử đạo ở Patrasso, trên thánh giá hình chữ X (vì thế thánh giá này được gọi là “thánh giá thánh Anrê). Di hài của ngài sau đó được chuyển về nhà thờ chính toà Amalffi, nước Ý.
3. GIACÔBÊ CON ÔNG DÊBÊDÊ: TỪ GALILÊ ĐẾN GIÊRUSALEM
Người ta cho rằng thánh Giacôbê là vị Tông đồ đầu tiên chịu tử đạo. Trong sách Công vụ Tông đồ có ghi: “Thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Nhà vua đã cho chém đầu ông Giacôbê là anh ông Gioan” ( Cv 12,1-2). Thánh nhân qua đời vào năm 44 tại Giêrusalem. Sau khi qua đời thi hài của ngài được đưa đến thành phố hiện thời, lấy tên là Santiago ở Compostela. Mộ của ngài là điểm đến của các khách hành hương thập phương qua nhiều thế kỷ và đã trở nên phổ biến cho đến nay.
4. GIOAN: TỪ ĐẢO PATMOS ĐẾN ÊPHÊSÔ
Thánh Gioan, được cho là tác giả Tin mừng thứ tư, ba trong số các “thư tín” và sách Khải huyền, là người duy nhất trong số các tông đồ mà theo truyền thống không chịu tử đạo. Trong sách Khải huyền thánh Gioan có nói về đảo Patmos: “Tôi là Gioan, một người anh em của anh em, tôi cùng chia sẻ nỗi gian truân, cùng hưởng vương quốc và cùng kiên trì chịu đựng với anh em trong Đức Giêsu. Lúc ấy, tôi đang ở đảo gọi là Patmos, vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giêsu” (Kh 1, 9). Thánh Gioan qua đời khoảng năm 100 và được an táng gần Êphêsô.
5. PHILIPPHÊ: NHÀ TRUYỀN GIÁO Ở HY LẠP
Trong những năm sau lễ Hiện Xuống, Philipphê đã rao giảng Tin mừng cho cộng đoàn Hy lạp. Chúng ta biết rất ít về cuộc phiêu lưu của ngài, ngoài sự kiện thánh nhân chịu tử đạo vào khoảng năm 80. Thánh tích của ngài được cho là đang lưu giữ tại đền thờ các Thánh Tông Đồ ở Rôma.
6. BATÔLÔMÊÔ: TỪ Ả RẬP ĐẾN ẤN ĐỘ.
Chúng ta biết rất ít về những nỗ lực truyền giáo của thánh Batôlômêô. Theo các truyền thống khác nhau, ngài đã đi truyền giáo một số nơi. Có lẽ thánh nhân đã rao giảng Tin mừng ở Ả Rập, Ba tư và có thể là Ấn độ. Thánh Batôlômêô chịu tử đạo và thánh tích của ngài hiện đang ở đền thờ thánh Batôlômêô nằm trên đảo Tibê ở Rôma.
7. TÔMA: NHÀ TRUYỀN GIÁO Ở ẤN ĐỘ.
Thánh Tôma, vị tông đồ “cứng lòng tin”, được biết đến rất nhiều vì những công việc truyền giáo của ngài ở Ấn độ. Có một câu chuyện dân gian về những chuyến đi của ngài, liên quan đến việc cải đạo của một quốc vương “cứng lòng tin”. Thánh nhân qua đời khoảng năm 72. Phần mộ của ngài hiện nay nằm ở Mylaporê, Ấn độ.
8. MATTHÊÔ: TỪ ĐỊA TRUNG HẢI ĐẾN ÊTHIÔPIA.
Thánh Matthêô cũng là một trong bốn thánh sử, vì thế, ngài được biết nhiều qua Tin mừng của mình. Ngài đã rao giảng Tin mừng ở các cộng đoàn khác nhau thuộc vùng Địa Trung Hải trước khi chịu tử đạo ở Êthiôpia. Nhà thờ chính tòa Salernô ở Ý hiện đang lưu giữ hài cốt của ngài.
9. GIACÔBÊ (HẬU): VỊ GIÁM MỤC ĐẦU TIÊN Ở GIÊRUSALEM
Các nhà nghiên cứu cho rằng thánh Giacôbê (hậu) là tác giả thư Giacôbê trong Tân ước. Sau khi các Tông đồ rời khỏi Giêrusalem, thánh nhân ở lại đó và trở thành vị Giám mục đầu tiên của Thành Thánh. Ngài đã ở lại đây vài thập kỷ trước khi bị chính quyền Do Thái ném đá cho đến chết vào năm 62. Một số thánh tích của ngài đang được lưu giữ tại đền thờ các Thánh Tông Đồ ở Rôma. Tuy nhiên mộ của ngài được đặt tại nhà thờ chính tòa thánh Giacôbê thuộc Giêrusalem.
10. GIUĐA TAĐÊÔ: TỪ ARMÊNIA ĐẾN LI BĂNG.
Ngài là vị Tông đồ “bị lãng quên”, do tên của ngài giống tên Giuđa Iscariốt. Thánh Giuđa truyền giáo ở nhiều nơi khác nhau. Giáo hội Armênia gọi ngài là vị “tông đồ của người Armêni”. Thánh nhân chịu tử đạo khoảng năm 65 ở Beirut, thủ đô của Li Băng. Các thánh tích của ngài hiện được lưu giữ tại đền thờ thánh Phêrô ở Rôma.
11. SIMON NHIỆT THÀNH: TỪ ARMÊNIA ĐẾN LI BĂNG
Theo một số người, thánh Simon được cho là cùng đi truyền giáo chung với thánh Giuđa Tađêô. Chúng ta biết được điều này một phần là do truyền thống cho biết cả hai vị đều chịu tử đạo ở Beirut trong cùng một năm. Cũng như thánh Giacôbê, thánh tích của ngài hiện được lưu giữ tại đền thờ thánh Phêrô ở Rôma.
12. MATTHIA: TỪ BIỂN CASPIO ĐẾN COLCHIS
Sau khi được chọn làm Tông đồ thay thế cho Giuđa Iscariốt, có truyền thống cho rằng thánh Mathia đã lập một Giáo hội ở Cappadocia, và ngài đã truyền giáo cho các cộng đoàn bên bờ biển Caspio. Ngài bị chặt đầu ở Colchis, dưới bàn tay của những người ngoại giáo địa phương. Một phần thánh tích của thánh Matthia được thánh nữ Êlêna đưa về Rôma.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
https://it.aleteia.org/2020/10/02/12-apostoli-storie-tradizioni/