Lễ Giáng Sinh - Lễ rạng đông, lễ ban ngày

Thứ sáu - 23/12/2022 19:57
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 1: Gặp Đấng Cứu Độ đặt nằm trong máng cỏ - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức
Suy niệm 2: Bình an, hạnh phúc vì được Chúa thương - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 3: “Thuở ban đầu đã có Ngôi Lời” (Jn 1,1) - Lễ ban ngày - Peter Felmeier.
Suy niệm 4: Giáng Sinh: Mầu Nhiệm Của Lòng Thương Xót - ĐGM. Giuse Nguyễn Năng




Suy niệm 1: Gặp Đấng Cứu Độ đặt nằm trong máng cỏ - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức

“Họ liền hối hả ra đi và gặp bà Maria, ông Giuse, cùng Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16)
Kính thưa quý ông bà, anh chị em thân mến trong Đức Kitô!
1. Không biết từ khi nào, con người đã biết mừng sinh nhật của mình. Đối với nhiều người, sinh nhật là một ngày quan trọng và nhiều niềm vui. Quan trọng là vì ngày đó đánh dấu sự hiện diện của chúng ta trong thế giới bên ngoài. Niềm vui là vì ngày đó nhắc nhở chúng ta về sự chờ đợi của mẹ cha ròng rã chín tháng mười ngày. Thế nên, vào ngày sinh nhật, tâm hồn ai cũng lâng lâng một niềm vui, vì trong ngày đó, chúng ta không chỉ được những người thân nhớ đến, được cộng đoàn cầu nguyện, được bạn bè gửi thiệp và tặng quà với những lời chúc sinh nhật nồng ấm và ý nghĩa, mà còn một điều quan trọng hơn nữa là được gặp gỡ họ. Từ ngày sinh nhật của con người, chúng ta hãy nghĩ về ngày sinh nhật của Hài Nhi Giêsu. Nếu như ngày sinh nhật của con người được xem là trọng đại và nhiều niềm vui, thì ngày sinh nhật của Đấng Cứu Độ còn trọng đại và nhiều niềm vui biết là chừng nào mà không thể diễn tả được. Với sự trọng đại và nhiều niềm vui trong ngày Đấng Cứu Độ ra đời, vậy ai được diễm phúc là người đầu tiên đến gặp gỡ Ngài?
Gặp Đấng Cứu Độ Trong Máng Cỏ
2. Hôm nay, các Kitô hữu khắp nơi, và cả những người không cùng niềm tin với chúng ta, hân hoan mừng sinh nhật của Đấng Cứu Thế. Là Ngôi Hai Thiên Chúa, Người được Chúa Cha sinh ra từ trước muôn đời, trước khi có thời gian, và tồn tại muôn đời. Trong bản tính Thiên Chúa, Ngôi Lời không có ngày sinh và cũng chẳng có ngày chết. Thế nhưng khi hạ sinh làm người, Ngôi Lời Thiên Chúa, đã để cho sự hiện hữu vô biên, hằng hữu của mình bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Trong bản tính nhân loại, Hài Nhi Giêsu đã được sinh hạ bởi Đức Trinh Nữ Maria, tại Bêlem, thành của vua Đavít, vào thời vua Hêrôđê. Tưởng rằng Con Thiên Chúa giáng sinh làm người, thì muôn người sẽ tuôn đến gặp gỡ. Thực tế thì ngược lại. Những người đầu tiên đến gặp Hài Nhi lại là các mục đồng (GLHTCG 525). Thánh sử Luca thuật lại rằng: “Họ [những người chăn chiên] liền hối hả ra đi và gặp bà Maria, ông Giuse, cùng Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16).
3. Trong lời tường thuật vừa nêu chúng ta cần chú ý đến có hai chi tiết. Chi tiết thứ nhất là việc các mục đồng “hối hả” cho thấy lòng ao ước nhìn thấy điều kỳ diệu của Thiên Chúa. “Hối hả” là vì muốn nhìn thấy Đấng Cứu Độ đến với họ. Thánh sử Luca không cho biết họ đã tìm kiếm như thế nào, nhưng chỉ cho biết đến cuối chặng đường đến Bêlem, họ đã “thấy” dấu hiệu “Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” đúng như điều Chúa đã cho họ biết: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Máng cỏ cũng chính là chi tiết thứ hai mà chúng ta muốn đề cập đến. Hài Nhi Giêsu được đặt nằm “máng cỏ”, một nơi có thể gọi là không xứng đáng chút nào, tuy nhiên nơi này lại được dùng để làm nổi bật một sự kiện cao cả. Truyền thống các bức họa, dựa trên các giáo phụ, cắt nghĩa “máng cỏ”, theo chiều kích thần học, được được xem như một bàn thờ. [1] Thánh Augustinô giải thích ý nghĩa “máng cỏ” hết sức độc đáo. Máng cỏ là nơi thú vật tìm thấy thức ăn nuôi dưỡng chúng. Nhưng giờ đây, máng cỏ được dùng để đặt Đấng là Bánh từ trời, Bánh Hằng Sống, là thức ăn thiêng liêng nuôi dưỡng con người, là của ăn mang lại cho con người sự sống chân thật và sự sống vĩnh cữu. Theo nghĩa này, máng cỏ chính là Bàn Tiệc mà Thiên Chúa mời gọi con người đón nhận Bánh Hằng Sống. Đấng Cứu Thế sinh ra trong sự nghèo hèn tỏ lộ một thực tại lớn lao của mầu nhiệm cứu độ nhân loại.
4. Quả thật, nếu ai tinh ý sẽ nhận thấy, cả hai chi tiết này đều hội tụ trong một chữ. Đó là chữ “nghèo”. Những mục đồng là những người ở gần biến cố giáng sinh nhất, chứ không phải những người dân đang chìm trong giấc ngủ thanh bình. Họ không ở xa Thiên Chúa, Đấng xuống thế làm người. Biến cố giáng sinh thuộc về dân nghèo, thuộc về những tâm hồn đơn sơ. Họ là những người được Chúa Giêsu chúc phúc, bởi họ là những người được mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa (x. Lc 10,21). Họ là những người đại diện cho những người nghèo Ítraen, những người nghèo khổ nói chung: những đối tượng ưu tiên của tình yêu và lòng nhân hậu của Thiên Chúa.
Gặp Đấng Cứu Độ Trong Đời Thường
5. Trải qua hai mươi mốt thế kỷ, Giáo hội mừng Lễ Sinh Nhật của Con Chúa. Là con cái của Mẹ Hội Thánh, hôm nay chúng ta cùng hoan hỷ mừng sinh nhật Đấng Cứu Thế, “Người vốn được sinh ra trước mọi thời gian, nay bắt đầu hiện hữu trong thời gian”[2], đến giải thoát dân Ítraen khỏi cảnh lưu đày Babylon, như lời Đức Chúa phán trong bài đọc một: “Kìa ơn cứu độ ngươi đang tới” (Is 62,11), cũng như lời reo vui tạ ơn trong Kinh Tiền Tụng: “Nhờ Người mà hôm nay đã bừng sáng lên cuộc trao đổi làm cho chúng con được đổi mới. Vì khi Ngôi Lời của Chúa mặc lấy thân phận mỏng dòn của chúng con, thì loài người phải chết, không những được hưởng vinh dự vĩnh cửu, mà nhờ việc tham dự kỳ diệu ấy, Chúa còn cho chúng con được sống muôn đời.”[3] Hôm nay, chúng ta mừng sinh nhật của Đấng làm người để phục hồi phẩm giá con người, như thánh giáo phụ Irênê đã nói: “Chính Người đã làm người, để chúng ta được trở thành những vị thần” (GLHTCG 460). Hôm nay, chúng ta mừng Sinh nhật của Đấng đã đến cứu chuộc chúng ta mà Thánh Phaolô đã nói trong bài đọc hai: “Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới” (Tt 3,5). Thế nhưng, liệu rằng ngày nay chúng ta có hối hả đến gặp “Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” hay chưa?
6. Quả thật, nếu chúng ta mang trong mình một niềm vui lớn lao là được gặp Hài Nhi, là Đấng Cứu Thế và là Đức Chúa, thì chúng ta cũng sẽ gặp được Ngài trong đời thường. Chúng ta hãy học hỏi nơi các mục đồng chất phác, những chứng nhân đầu tiên của biến cố vĩ đại này, bài học “trở nên trẻ thơ” và học hỏi nơi máng cỏ bài học “bàn thờ”. Với bài học đầu tiên, “trở nên trẻ nhỏ” trong tương quan với Thiên Chúa là điều kiện để vào Nước Trời (x. Mt 18,3-4); để được vậy, cần phải tự hạ (x. Mt 23,12), phải trở nên bé mọn; hơn nữa, còn phải “được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” (Ga 3,7), được sinh ra từ Thiên Chúa (x. Ga 1,13) để trở nên con cái Thiên Chúa (x. Ga 1,12). Mầu nhiệm Giáng Sinh được thực hiện nơi chúng ta khi Đức Kitô “được thành hình” nơi chúng ta (x. Gl 4,19). Việc Giáng Sinh của Chúa Giêsu là mầu nhiệm của “việc trao đổi kỳ diệu” này: “Cuộc trao đổi sao mà kỳ diệu! Đấng Tạo Hoá của nhân loại, nhận lấy một thân xác có linh hồn,  khấng  hạ sinh bởi một Trinh Nữ; khi làm người mà chẳng cần mầm giống nam nhân, Người đã rộng ban cho chúng ta thần tính của Người”.[4] Ước gì mỗi người chúng ta luôn cố gắng mỗi ngày để “trở nên trẻ thơ”.
7. Với bài học thứ hai, bàn thờ, quanh đó Hội Thánh được quy tụ để cử hành bí tích Thánh Thể, nói lên hai phương diện của cùng một mầu nhiệm: bàn thờ hy tế và bàn tiệc của Chúa; hơn nữa, bàn thờ Kitô giáo là biểu tượng của chính Đức Kitô đang hiện diện giữa cộng đoàn các tín hữu, vừa như lễ vật được dâng lên để chúng ta được giao hoà, vừa như lương thực trên trời trao ban chính mình cho chúng ta. Thánh Ambrôsiô nói: “Bàn thờ của Đức Kitô là gì, nếu không phải là hình ảnh Thân thể của Đức Kitô?”[5], và trong đoạn văn khác, thánh nhân nói: “Bàn thờ tượng trưng Thân thể của Đức Kitô và Thân thể của Đức Kitô thì ở trên bàn thờ”[6]. Phụng vụ diễn tả tính thống nhất này của hy tế và rước lễ trong nhiều lời nguyện. Giáo Hội Rôma cầu nguyện trong Kinh nguyện Thánh Thể như sau: “Lạy Chúa toàn năng, chúng con nài xin Chúa sai Sứ thần dâng lễ vật này lên bàn thờ cao sang trước tôn nhan uy linh Chúa, để hết thảy khi tham dự bàn tiệc này là rước Mình và Máu cực thánh Con Chúa, chúng con được tràn đầy ân phúc bởi trời”[7]. Ước gì mỗi gì chúng ta hãy siêng năng tham sự tham dự thánh lễ để hiệp thông vào bàn tiệc huyền nhiệm của Chúa.
8. Tóm lại, mỗi năm khi mừng lễ Sinh Nhật của Đấng Cứu Thế, chúng ta lại càng có lý do để mừng sinh nhật của đời mình. Chúng ta mừng sinh nhật của mình là để gặp gỡ những người mình thân và mình thương trong gia đình, và trên hết là để được gặp gỡ Chúa trong đời thường.
Lạy Chúa, chính vì sự sống của con người mà Chúa đã đến thế gian này. Xưa kia Chúa đã sinh ra. trong máng cỏ, để ngày nay chúng con được sinh ra trong ơn cứu độ. Xin Chúa làm cho cuộc đời của chúng con được bừng sáng lên trong hân hoan. Và mỗi ngày khi sống cuộc đời có Chúa, chúng con hân hoan bước đi trong cuộc đời này vì hy vọng sẽ được Chúa đưa dẫn vào cuộc sống đời đời mai sau. Amen.


[1] x. Bênêđictô XVI, Thời thơ ấu của Đức Giêsu (biên dịch: Lm. Fx. Phạm Đình Phước SDB), Nxb. Hồng Đức 2013.
[2] Kinh tiền tụng Giáng sinh II
[3] Kinh tiền tụng Giáng sinh III
[4]  Lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Điệp Ca Kinh Chiều I và II: Các Giờ Kinh Phụng Vụ
[5] Thánh Ambrôsiô, De sacramentis, 5, 7
[6] Thánh Ambrôsiô, De sacramentis, 4, 7
[7] Kinh  nguyện  Thánh  Thể  I  hay  Lễ  Quy  Rôma,  94: Sách Lễ Rôma

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 2: Bình an, hạnh phúc vì được Chúa thương - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Vận động viên điền kinh người Kenya Abel Mutai đang chạy dẫn đầu, nhưng khi gần đến đích, anh bị rối mắt bởi các bảng chỉ dẫn, tưởng đã đến đích nên anh dừng lại. Ivan Fernandez người Tây Ban Nha chạy ngay sau anh ta nhận ra điều ấy và hô anh chạy tới, nhưng anh ta không hiểu, vì thế  chính Ivan đẩy anh tới trước để anh ấy đoạt giải. Khi trả lời phỏng vấn, Ivan nói rằng: danh dự của chiếc huy chương không phải là lợi dụng điểm yếu của người khác để chiến thắng. Chiếc huy chương ấy là của anh Mutai.
Lối sống văn minh, thực tiễn và duy vật ngày nay khiến người ta nghĩ rằng mình chỉ có hạnh phúc khi chiếm hữu: chiếm hữu tiền bạc, tài sản và cả chiếm hữu người khác nữa! Nhưng để chiếm hữu, người ta phải chiến đấu với người khác, phải loại trừ họ, và thích thú khi hạ người khác xuống để giành lấy chiến thắng!
Có một thứ hạnh phúc mà nhiều khi người ta không để ‎ý, đó là hạnh phúc được thương yêu, được chọn. Ngay cả trong đời sống tôn giáo, người ta hay nói đến công trạng của mình, thành tích đạo đức của mình và thấy đó là bảo đảm cho hạnh phúc của mình! Nhưng điều đó làm cho người ta tự phụ về nhân đức, về công phúc của mình, và sinh ra xem thường người khác! Rồi có lúc người ta nhận ra mình cũng đầy yếu đuối, mình cứ ngã lên ngã xuống, thế là người ta chán nản, buông xuôi!
Nhận biết mình được Thiên Chúa chọn để thuộc về Dân của Ngài, đó là hạnh phúc. Những người chăn chiên hạnh phúc vì được Thiên Chúa chọn để mạc khải về Đấng Cứu Độ mới sinh ra. Mọi người nghe kể lại cũng vui mừng vì thấy họ được Thiên Chúa yêu thương. Hạnh phúc vì được Thiên Chúa yêu thương thì vững bền, vì Thiên Chúa yêu thương con người bất chấp những yếu đuối, giới hạn của họ. Hạnh phúc vì được Thiên Chúa yêu thương thì không ghen tỵ, không loại trừ người khác, nhưng vui vì hạnh phúc của người khác và mở lòng ra với mọi người.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 3: “Thuở ban đầu đã có Ngôi Lời” (Jn 1,1) - Lễ ban ngày - Peter Felmeier.
Chuyển ngữ : Văn Hào SDB
Lời nói là cách diễn đạt sự tương kính của chúng ta đối với một ai, trân trọng họ hay khẳng định sự hiện hữu của họ. “Lời” là một ý niệm sâu xa, phong phú và rất mạnh mẽ. Lời nói để đổi trao, để tiếp cận mọi người, và cũng là một phương cách mà ai ai cũng sử dụng. Nhiều tín đồ Ấn giáo cho rằng, vũ trụ được hình thành và duy trì bằng sức mạnh của Lời (Sanskrit).  Cũng thế, triết gia Platon cho rằng Lời (logos) là nguyên lý chủ đạo, nhờ đó thế giới được tạo thành cách linh thiêng. Philo, một học giả lỗi lạc thuộc thế giới Do Thái cổ xưa, đã xem Lời như là nguyên lý vận hành mà Thượng đế đã dùng để điều quản vũ trụ.
Cựu ước cũng diễn tả sức mạnh của Lời với những dạng thức kỳ diệu khác nhau. Lời khiến moi sự được tạo thành. Trong sách Sáng thế, Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ bằng Lời của Ngài. “Hãy có ánh sáng” và liền có ánh sáng. Giacóp đón nhận phúc lành từ Isaac thế chỗ của Esau. Khi lời chúc phúc được ban ra, lời đó không thể rút lại, và Giacóp hưởng nhận sự chúc lành từ thân phụ mình. “Lời” còn có một ý nghĩa khác. Đó là sự mạc khải của Thiên Chúa, và sâu xa hơn, “Lời” chính là sự hiện diện của Thiên Chúa nơi cuộc sống con  người.
Hiểu ý nghĩa sâu xa của hạn từ này, chúng ta sẽ không lạ gì khi Gioan khởi đầu Tin Mừng bằng xác quyết: “Thuở ban đầu đã có Lời, và Lời ở với Thiên Chúa, Lời chính là Thiên Chúa”. Sau đó Thánh Gioan giải thích: “Mọi sự đều có qua Ngài. Nhờ Ngài, có sự sống, và sự sống chính là ánh sáng cho nhân loại”. Hơn nữa, đó chính là nguồn mạch sự khôn ngoan của vũ trụ.
Thánh Gioan nói tiếp về một điều rất kỳ diệu và khó hiểu: “ Lời đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Đây không phải là sự đánh đố đối với đầu óc con người. Ở đây, Gioan nói về một việc xem ra có vẻ bất khả thi, nhưng đã thành sự thật, đó là “sự kết hợp tuyệt đối giữa Đấng Tạo Thành với thụ tạo, giữa vĩnh cửu với hữu hạn, giữa thực thể hay chết với Đấng Hằng Sống”, vì ‘đối với Chúa, không có gì là không thể làm được’ (Mt 19,26) . Thần học gia Karl Rahner SJ đã có lần suy tư như sau: “Thiên Chúa là Đấng chúng ta không thể hiểu biết, và cũng là đấng mạo hiểm trong tình yêu. Ngôi Lời đã quá mạo hiểm và liều lĩnh khi đi vào thời gian để trở nên một  người phàm giữa chúng ta”.
Với suy nghĩ đó, câu nói “Tôi ngỏ lời với ban” mang một chiều kích tổng thể khác sâu xa hơn. Thiên Chúa ban Lời của Ngài cho con người, không chỉ nói về sự tương kính, hay nói về sự hiện hữu của Ngài, nhưng còn sâu xa hơn rất nhiều. Lời đã tạo thành mọi sự, và Lời chính là ánh sáng đã đến cư ngụ giữa chúng ta. Đây chính là quà tặng của Thiên Chúa, quà tặng trao ban chính Ngài cho con người.
Khi chiêm ngắm Hài Nhi tại máng cỏ Bêlem, chúng ta cũng phải suy nghĩ về cuộc mạo hiểm trong tình yêu của Thiên Chúa với cách thái độc đáo của Ngài.  Thiên Chúa đã trở nên người phàm, một con người mỏng dòn yếu ớt để mang ánh sáng soi dọi những chỗ tăm tối nơi phận người. Thiên Chúa đã liều lĩnh, và sự liều lĩnh đó đáng giá biết bao. Gioan đã từng nói về sự nhập thể của Thiên Chúa như là sự đối kháng giữa tình trạng trở nên con Thiên Chúa so với tình trạng một con người bị lạc mất giữa bóng đêm. Gioan cũng nói cho chúng ta biết rằng, những ai tin vào Ngài sẽ được thấy ánh sáng, được đầy tràn ân sủng và sự thật, đầy dư ân sủng trong chính nguồn ơn sủng vô biên, và những ai ở trong bóng tối ‘sẽ không biết Ngài’. Ngôi Lời của Thiên Chúa thách đố chúng ta trước những chọn lựa cho cuộc sống mình khi chiêm ngắm thực tại này.
Thánh Gioan vạch rõ cho ta thấy, sứ điệp ngày lễ Giáng sinh không phải chỉ  là sự giáng sinh của Ngôi Lời đến giữa chúng ta. Nó còn đề cập đến sự sinh ra của chính mỗi người chúng ta trong Thiên Chúa. Trong dịp lễ Giáng sinh, không phải chúng ta chỉ dừng lại nơi máng cỏ Belem. Niềm tin mời gọi chúng ta rộng mở tâm hồn để đón nhận ánh sáng. Cuộc sống chúng ta được ngập tràn ánh sáng, và chúng ta sẽ sống trong ánh sáng đó. Ánh sáng thần linh sẽ rực lên khi chúng ta diễn bày lòng yêu thương đối với cận nhận chung quanh. Ánh sáng đó sẽ chói lọi khi chúng ta đem lòng trắc ẩn, bảo vệ những người cùng khổ, bị gạt ra bên lề xã hội, những người thấp cổ bé họng, những người lang thang không nhà cửa. “Hãy nhớ, anh em cũng đã từng là những khách ngoại kiều” (Xh 22,21). Ánh sáng đó cũng thắp lên niềm vui được sẻ chia, khi chúng ta ý thức rằng Thiên Chúa cũng đang mời gọi chúng ta sao chép lại tình yêu của Ngài, Đấng đã tự hư vô hóa mình để chúng ta được thông dự vào Thần Khí thánh thiêng và được chia sẻ  vinh quang của Ngài.
Với lời cầu nguyện trong đêm Giáng sinh, chúng ta xin Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng đã tác thành chúng ta, cũng soi dọi ánh sáng vào cuộc sống mỗi người, để Ngài cũng đến và cư ngụ dồi dào trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta xin Ngôi Lời của Thiên Chúa “Nói” trong chúng ta, và qua chúng ta, tỏ hiện ánh sáng của Ngài nơi  chính cuộc sống chúng ta ngày hôm nay.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 4: Giáng Sinh: Mầu Nhiệm Của Lòng Thương Xót - ĐGM. Giuse Nguyễn Năng

Trung tâm điểm và đồng thời cũng là cao điểm của bài Tin Mừng hôm nay là lời khẳng định của thánh Gioan: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Con Thiên Chúa đã trở nên con người và đi vào lịch sử loài người. Con Thiên Chúa nhập thể để làm gì?
1. Thánh Gioan nói trong lời mở đầu của Tin Mừng: Ngôi Lời đến để chiếu sáng thế gian, để tỏ cho thế gian biết Chúa Cha; nhưng đây là thế gian chìm ngập trong bóng tối. Tác giả thư Do Thái (Bài đọc 2) cho thấy Con Thiên Chúa đến trần gian để mạc khải Chúa Cha cho chúng ta, và còn hơn nữa, để chịu chết và đền tội cho chúng ta. Con Thiên Chúa đến trần gian để tẩy trừ tội lỗi, và “sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Con Thiên Chúa lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời”.
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Ngôi Lời làm người để cứu độ nhân loại. Ơn cứu độ trước hết hệ tại ở ơn tha tội. Thiên Chúa tha thứ cho tội lỗi của nhân loại. Chúa Giêsu đã thực sự sống cuộc đời của con người, trải qua những kinh nghiệm của đời người, chỉ trừ tội lỗi, để đền tội cho chúng ta.
2. Ơn cứu độ không phải là một trò ảo thuật. Nhân loại chìm ngập trong bóng tối tội lỗi cần được Ánh sáng chiếu soi. Nhưng Thiên Chúa không đọc câu thần chú để làm tiêu tan bóng tối. Để chiếu sáng thế gian, Ánh sáng đã đi vào thế gian tăm tối, chứ không chiếu sáng từ bên ngoài. Nhân loại chìm ngập trong tội lỗi cần được tha thứ. Nhưng Thiên Chúa không cứ ở mãi trên trời cao tuyên bố lời tha bổng tội lỗi cho con người. Không, tội lỗi quá nặng nề, nên ơn tha tội không quá rẻ như thế. Thiên Chúa không ở trên toà cao, trái lại, đã cho Con Một mình đi vào đời, làm người để đền tội cho chúng ta.
Có tội thì phải đền tội. Đó là lẽ công bằng, là đòi hỏi của công lý. Nếu không đền tội, thì còn đâu công lý? Nhưng ngược lại, nếu Thiên Chúa cứ đòi hỏi theo luật công bằng thì còn đâu tình yêu thương? Hơn nữa, loài người đâu có gì để đền bù cho cân xứng với sự xúc phạm đến Thiên Chúa.
Trong mầu nhiệm Nhập thể, Thiên Chúa đã làm một tổng hợp tuyệt vời, vừa thực thi công lý vừa biểu lộ lòng thương xót. Đúng hơn, công lý của Thiên Chúa lại cũng chính là lòng thương xót, bắt nguồn từ lòng thương xót. Do lòng thương xót, Thiên Chúa ban cho chúng ta có cái gì đó để đền bù tội lỗi cho cân xứng. “Cái gì đó” là chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người.
Người ta kể về một trong những ông thị trưởng đầu tiên của thành phố New York bên Hoa Kỳ giai thoại như sau. Một ngày mùa đông lạnh buốt nọ, ông thị trưởng phải chủ tọa các phiên tòa. Người ta điệu đến trước mặt ông một ông lão quần áo tả tơi. Người đàn ông này bị tố cáo là đã ăn cắp một ổ bánh mì. Lời tự biện hộ duy nhất mà người đàn ông khốn khổ đưa ra là: “Gia đình tôi đang chết đói”.
Nghe xong lời cáo buộc của cử tọa cũng như lời biện bạch của ông lão, ông thị trưởng đưa ra phán quyết như sau: “Luật pháp không tha thứ cho bất cứ một hành động xấu nào. Tôi thấy cần phải trừng phạt ông, và hình phạt cho tội ăn cắp là ông phải nộp 10 đôla”. Vừa công bố bản án, ông thị trưởng rút trong túi của mình ra 10 đôla và trao cho người đàn ông khốn khổ.
Đó là phần đầu của câu chuyện. Cùng một lúc, ông thị trưởng vừa thi hành công lý vừa tỏ lòng thương xót đối với kẻ ăn trộm, thi hành công lý bằng cách thương xót.
Thiên Chúa là vị Quan toà tối cao đòi loài người phải đền tội vì đã phạm tội, xúc phạm nặng nề đến Thiên Chúa. Đó là công lý. Nhưng Thiên Chúa lại thi hành công lý bằng cách thực thi lòng thương xót. Vì quá yêu thương thế gian, Thiên Chúa đã ban tặng Con Một cho thế gian, để người Con ấy đền tội thay cho chúng ta. Con Một của Thiên Chúa đã làm người để đền bù tội lỗi thay cho toàn thể nhân loại. Thiên Chúa đi bước trước và biểu lộ lòng thương xót để chúng ta có khả năng thi hành công lý đối với Thiên Chúa.
Công lý là những gì chúng ta nhận được do việc chúng ta làm. Còn lòng thương xót là những gì chúng ta nhận được do việc Thiên Chúa làm. Lòng thương xót của Thiên Chúa bao trùm và vượt trên cả những đòi hỏi của công lý.
Mầu nhiệm Giáng sinh là mầu nhiệm của lòng thương xót. “Thiên Chúa ta đầy lòng thương xót, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta” (Lc 1, 78). Khi mừng mầu nhiệm Giáng sinh, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã ban cho chúng ta người Con Một để người Con ấy đền tội nhân danh toàn thể nhân loại. Mầu nhiệm Giáng sinh là quà tặng của lòng thương xót. Lòng thương xót được biểu lộ hôm nay qua mầu nhiệm Giáng sinh, và sẽ đạt tột đỉnh qua việc Thiên Chúa hy sinh trọn vẹn Con Một mình trong mầu nhiệm Thập giá.
3. Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Mầu nhiệm Nhập thể chiếu toả ánh sáng vào thân phận con người để chúng ta nhận ra rằng những anh chị em nghèo hèn đói khổ đang sống bên cạnh chúng ta là chính Chúa. Chúng ta đã được Thiên Chúa thương xót, vì thế hãy thương xót lẫn nhau.
Trở lại với câu chuyện ăn cắp ổ bánh mì.
Sau khi trao cho người ăn cắp 10 đôla để nộp phạt, ông thị trưởng quay xuống cử tọa nói tiếp: “Ông lão đã bồi thường vì tội ăn cắp của ông. Còn phần quý vị, tôi yêu cầu mỗi người phải đóng 50 xu tiền phạt vì sống dửng dưng đến độ để cho trong thành phố của chúng ta còn có một người nghèo phải đi ăn cắp". Nói xong, ông ra lệnh cho viên biện lý đi thu tiền và trao tất cả cho ông lão. Khi chiếc mũ đã được chuyền một vòng, người ta đếm được 47 đôla 50 xu. Ông thị trưởng trao tất cả cho ông lão. (Trích từ “Lẽ Sống”).
Có bao giờ chúng ta nhận thấy mình cũng có trách nhiệm về những tội ác xảy ra hằng ngày chung quanh chúng ta không? Biết đâu vì chúng ta dửng dưng vô cảm, thiếu liên đới chia sẻ, nên mới xảy ra biết bao tội ác trong xã hội! Không nhiều thì ít, một cách nào đó, trực tiếp hoặc gián tiếp.
Nếu chúng ta ý thức về trách nhiệm liên đới, chia sẻ, thực sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, chúng ta sẽ góp phần giảm bớt cảnh đói khổ, và như thế tội ác trên thế giới cũng sẽ giảm đi. Thế giới không thiếu thực phẩm, không thiếu tài nguyên. Chỉ tại thiếu lòng thương xót.
Chúng ta thực sự có lỗi, có tội, có trách nhiệm, và là lỗi nặng, trách nhiệm nặng, khi không quan tâm đến cảnh đói khổ của tha nhân. Dụ ngôn về ngày phán xét chung (x. Mt 25, 31-46) cho ta hiểu rằng sự dửng dưng vô cảm trước những nỗi đói khổ của người khác là một lỗi nặng đưa chúng ta đến lửa đời đời. Mầu nhiệm Nhập thể nhắc chúng ta nhớ rằng mỗi người sẽ bị xét xử tuỳ theo thái độ của mình đối với người anh chị em nghèo hèn đói khổ, không phải chỉ vì họ là hình ảnh của Chúa, mà hơn nữa, vì khi chúng ta giúp đỡ họ là chúng ta giúp đỡ Chúa, và ngược lại, khi sống vô cảm mà gạt bỏ họ là chúng ta gạt gạt bỏ chính Chúa.
4. Có bao giờ chúng ta tự hỏi: nếu thế giới này không có Chúa Giêsu thì sẽ ra sao? Nếu Thiên Chúa không thương xót nhân loại mà ban tặng Con Một, nhân loại có còn tồn tại đến hôm nay không? Thư Do Thái (Bài đọc 2) trả lời: “Thiên Chúa đã nhờ Con Một mà dựng nên vũ trụ”; hơn nữa, vạn vật được duy trì và tồn tại là nhờ Chúa Giêsu. Còn trong Tin Mừng, thánh Gioan khẳng định: “Từ nguồn sung mãn của (Ngôi Lời làm người), tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”.
Mầu nhiệm Giáng sinh củng cố niềm hy vọng của thế giới. Nhân loại còn sống và tồn tại được là vì có Chúa Giêsu, cuộc đời chúng ta tràn đầy niềm vui và hy vọng là nhờ tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Tương lai của nhân loại tuỳ thuộc thái độ của con người sống lòng thương xót như thế nào, tuỳ thuộc con người có biết đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa và biết thương xót lẫn nhau không. Thế giới này là “nhà” của Chúa Giêsu, nhưng khi “Ngài đến nhà mình, thì người nhà đã không đón nhận”. Qua mầu nhiệm Giáng sinh, chúng ta hiểu rằng nhân loại không thể hưởng bình an và hạnh phúc nếu không có Chúa Giêsu, thế giới này sẽ không có tương lai khi gạt bỏ Chúa Giêsu là hiện thân của lòng thương xót.
Lễ Giáng sinh là khởi đầu cho tương lai tươi sáng của nhân loại. Hãy xây dựng đời mình trên nền tảng chân lý và ân sủng là chính Chúa Giêsu.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM


 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây