Thánh Gioakim và thánh Anna
Thứ ba - 25/07/2023 03:58
Lời Chúa: Mt 13, 16-17
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe".
SUY NIỆM 1: Thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria--Lm Giuse Đinh Lập Liễm
Sấm ngôn của tiên tri Isaia làm chúng ta khó hiểu. Tại sao lắng nghe mà không hiểu? Trố mắt nhìn mà chẳng thấy? Phải chăng Thiên Chúa không muốn cho chúng ta hiểu? Nếu tách lời sấm riêng ra thì chúng ta có thể đặt vấn đề như vậy. Nhưng lời sấm này đặt trong mạch văn và trong toàn bộ Thánh kinh thì không thể cắt nghĩa như vậy.
Thiên Chúa luôn yêu thương và muốn cứu thoát con người. Chúa Giêsu được sai xuống trần gian chỉ vì mục đích đó. Thế nên, nếu con người không được ơn cứu độ, không phải vì tại Thiên Chúa, nhưng vì tại con người bưng tai chẳng thèm nghe, bịt mắt không thèm nhìn mà thôi.
Lưu ý quan trọng:
Đoạn Tin mừng gây không ít thắc mắc cho người đọc, vì nó khiến chúng ta nghĩ rằng Chúa Giêsu cố ý dùng dụ ngôn khó hiểu để người ta không hiểu được và không được cứu rỗi.
Thực ra, ở đây Chúa Giêsu trích một câu của tiên tri Isaia. Mà Isaia nói đến một thực tế (chứ không phải ý muốn của Thiên Chúa) là sự cứng lòng của dân, đến nỗi dù họ có tai có mắt mà cũng như điếc như mù, cho họ nghe và xem cái gì cũng vô ích. Một số người thời Chúa Giêsu cũng thế.
Bởi vậy, Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta: “Ai có tai thì nghe”, nghĩa là ai cũng có khả năng hiểu dụ ngôn (ai cũng có tai), nhưng điều quan trọng là dùng khả năng đó để thực hiện những điều mình đã nghe. Càng thực hiện thì càng hiểu Nước trời hơn, càng sống Lời Chúa thì càng hiểu Lời Chúa hơn (Giải thích của Carôlô).
Hôm nay Chúa Giêsu giải thích cho các Tông đồ về việc Ngài dùng dụ ngôn để giảng dạy về mầu nhiệm Nước trời. Lý do rất dễ hiểu vì đạo của Chúa là đạo từ trời. Bởi vậy trong lời giảng, Chúa Giêsu hay dùng dụ ngôn để giúp cho dân chúng dễ hiểu hơn. Thực ra khi nói về Nước trời, một thực tại không dễ diễn tả bằng ngôn ngữ loài người, và nếu có cố gắng, thì con người cũng không thể hiểu nổi vì nó vượt khỏi thế giới khả giác. Hoặc như thánh Phaolô nói: “Đây là thực tại mà mắt con người chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, lòng người chưa từng cảm nghiệm”. Thực tại ấy không thể thu hẹp trong một vài câu định nghĩa, mà phải diễn tả bằng dụ ngôn, vì cách diễn tả này không giới hạn, nhưng tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu sâu xa hơn.
Câu trả lời của Chúa Giêsu, mới nghe thì hình như có vẻ mâu thuẫn. Chúa giảng dạy dân chúng hẳn là có mục đích để cho họ hiểu, và việc Chúa thay đổi cách giảng, dùng hình thức dụ ngôn, cũng không ngoài mục đích đó, vì dụ ngôn là sự so sánh cụ thể làm cho dễ hiểu một giáo huấn trừu tượng, nghĩa là dùng hình ảnh cụ thể trong đời sống để so sánh làm cho người ta dễ hiểu một giáo thuyết trừu tượng. Thế mà Chúa lại nói: Chúa giảng dạy dụ ngôn để cho dân chúng không hiểu được mầu nhiệm Nước trời, mà chỉ dành riêng cho các môn đệ được hiểu thôi. Như thế là tại sao? Sau khi giảng dạy dụ ngôn người gieo giống, Chúa đã tuyên bố: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe”. Chúa đã dùng dụ ngôn mà nói, có ý gợi lên nơi thính giả sự tò mò tìm hiểu, và nếu ai không hiểu mà hỏi Chúa sẽ được Chúa giải thích cho.
Dụ ngôn là một thứ ngôn ngữ nói với những người trong cuộc, những người sống trong tình thân với nhau. Để hiểu được dụ ngôn, cần phải có hai đức tính quan trọng, đó là tâm hồn rộng mở và ước muốn tìm hiểu.
Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Về phần các con đã được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước trời, còn họ thì không”. Nói khác đi, các môn đệ đã được chấp nhận vào cộng đoàn những kẻ tin vào Chúa Giêsu, vì thế, các ông có thể hiểu rõ các mầu nhiệm. Còn những kẻ ở ngoài, nhất là những kẻ ở bên ngoài vì kiêu hãnh, vì khép kín, vì định kiến, như các luật sĩ và biệt phái, thì khi nhìn vào các mầu nhiệm họ chỉ thấy bí ẩn và khó hiểu. Chính cách trả lời của Chúa là tiêu chuẩn để biết được ai là người thuộc về Chúa và ai là người ngoài cuộc: “Nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe. Còn các con, mắt các con thật có phúc vì được thấy, tai các con có phúc vì được nghe” (Mt 13, 16) (Mỗi ngày một tin vui).
Truyện: Lời tỏ tình của Thiên Chúa
Một nhà bác học nọ muốn làm một cuộc nghiên cứu tại một vùng sa mạc. Ông nhờ một người Ả rập làm hướng đạo. Lên đường từ rạng đông, người bác học thấy người Ả rập làm một cử chỉ khó hiểu là trải tấm thảm lên cát và hướng về mặt trời phủ phục cầu nguyện. Nhà bác học hỏi:
- Ông bạn làm gì vậy?
Người Ả rập trả lời:
- Tôi cầu nguyện với Chúa.
Nhà bác học lại hỏi:
- Nhưng ông bạn có thấy, có nghe, có sờ được Chúa không?
Thấy người Ả rập thinh lặng vì bị tấn công quá bất ngờ, nhà bác học nói thêm:
- Ông bạn quả là một tên khùng, ông bạn tin ở một người mà ông bạn không bao giờ thấy được, sờ được.
Ngày hôm sau, khi mặt trời vừa lên, nhà bác học bước ra khỏi lều nhìn chung quanh và đưa ra nhận xét:
- Hẳn tối qua phải có một con lạc đà đi ngang qua đây.
Một chút ánh sáng lóe lên trong ánh mắt người Ả rập, anh hỏi nhà bác học:
- Ông có thấy tận mắt con lạc đà không?
Dĩ nhiên nhà bác học chỉ có thể trả lời là không. Sau câu trả lời không ấy, người Ả rập kết luận:
- Ông quả là một người ngu: ông không thấy, không nghe, không sờ được con lạc đà mà lại bảo rằng đêm qua nó đi qua đây.
Nhà bác học liền lý luận như một nhà khoa học chân chính:
- Tôi không thấy, không nghe, không sờ được nó, nhưng tôi thấy dấu chân nó trên cát, đó là dấu chỉ biểu hiện con lạc đà.
Người Ả rập đưa tay về hướng mặt trời và nói:
- Ông hãy nhìn những dấu vết của Đấng Tạo Hoá. Hãy biết rằng Ngài hiện hữu và yêu thương chúng ta.
SUY NIỆM 2: PHÚC VÌ ĐƯỢC THẤY − Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Người ta không có dữ liệu lịch sử chính xác về song thân của Đức Maria. Lòng sùng kính người sinh ra Đức Maria được gọi tên là Anna, chỉ xuất hiện vào thế kỷ 4 ở Đông Phương và vào thế kỷ 10 ở Tây Phương. Còn lòng sùng kính người sinh ra Đức Maria được gọi tên là Gioakim, chỉ xuất hiện vào thế kỷ 17. Do lòng kính mến với Đức Maria, tín hữu cũng có lòng tôn kính với các vị sinh thành nên Mẹ. Lòng đạo đức của cha mẹ quả thật được truyền sang con cái, điều mà sách Huấn Ca hôm nay gọi là vinh quang của các ngài được truyền qua các thế hệ. Điều này cần được nhắc lại cho thế hệ hôm nay với lối sống “mất ký ức” khi không muốn cưu mang ân tình và thành quả của những thế hệ đi trước, và cũng bất kể hậu quả của lối sống của mình trên thế hệ mai sau.
Tuy nhiên, nguyên điều đó thôi cũng chưa đủ. Ngày lễ hôm nay được Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho việc tôn kính người lớn tuổi. Lòng tôn kính các bậc tiền bối không làm cho chúng ta dừng lại ở những điều bên ngoài, tuân giữ các thói quen từ ông bà, cha mẹ; và thế hệ đi trước cũng đừng dừng lại ở những đòi buộc hình thức nơi thế hệ đi sau. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: anh em có phúc vì thấy và nghe những điều mà những thế hệ trước không có được (x. Mt 13,16-17). Cốt lõi của lòng đạo đức không phải là những tục lệ, những thói quen, nhưng là khám phá điều mà Thánh Thần mời gọi. Và như thế, Thánh Thần vẫn có những lời mời gọi mới mà mỗi thế hệ phải khám phá cho mình. Thánh Thần đó vẫn là một, nhưng luôn luôn mới. Mỗi thế hệ tôn trọng những con đường mà thế hệ trước đã khám phá, đã đi qua; để rồi tới phiên mình, thế hệ sau cũng phải tiếp tục khám phá những bước tiếp theo của lộ trình mà Thánh Thần gợi ra. Cùng một lộ trình nhưng với những nét phong phú và mới mẻ của những giai đoạn khác nhau. Tiếp bước cách thông minh, với tâm hồn mở ra để được Thánh Thần dẫn dắt, đó mới thực sự là tiếp bước cha ông.
SUY NIỆM 3: Phúc vì được thấy, phúc vì được nghe--Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J.
Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, Đức Giê-su nói: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe.” Trong bối cảnh phụng vụ, lời này của Đức Giê-su được ứng nghiệm cho đôi mắt và đôi tai của “ông bà ngoại” của Người, nghĩa là của hai thánh Gioakim và Anna.
Tuy nhiên, lời này của Đức Giê-su cũng liên quan đến đôi mắt và đôi tai của chúng ta.
Thực vậy, qua kinh nghiệm cuộc sống, nhất là khi chúng ta có dịp đến phục vụ những người tàn tật, những người mù, những người câm điếc, chúng ta mới nhận ra rằng sự kiện chúng ta thấy được và nghe được, là một ơn huệ; và khi nhận ra đôi mắt và đôi tai của chúng ta là một ơn huệ, chúng ta được mời gọi nhận ra Đấng ban ơn để tạ ơn và ca tụng, và chia sẻ ơn huệ mà chúng ta có cho người khác, nhất là cho những người tàn tật, không có cùng một ơn huệ như chúng ta.
Tuy nhiên, ngay trước đó, Đức Giê-su còn nói tới một bệnh mù khác, một bệnh điếc khác: “họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe, không hiểu” (c. 13). Như thế, mối phúc mà Đức Giê-su nói tới, không chỉ là khả năng thể lý nhìn thấy sự vật và nghe được âm thanh.
1. Phúc vì được thấy
Thật vậy, đôi mắt của chúng ta được dựng nên, có “ơn gọi” không phải là nhìn thấy những điều hữu hình, nhưng qua những điều hữu hình, nhận ra những thực tại vô hình. Thực vậy, chúng ta được mời gọi nhìn thấy sự vật không chỉ như là sự vật, nhưng còn là những quà tặng, những ơn huệ, những dấu chỉ, nói lên sự hiện diện của ai đó, của tình thương, nói lên Đấng ban ơn, nói lên chính Đấng tạo dựng.
Và nhất là khi nhìn thấy một người, đôi mắt của chúng ta không được dừng lại ở vẻ bề ngoài, ở ngoại hình, ở trang phục, không được coi người người này là đối tượng để mình thỏa mãn nhu cầu, thỏa mãn lòng ham muốn; nhưng đôi mắt của chúng ta được mời gọi nhìn người khác trong sự thật, nghĩa là người đó là một ngôi vị tự do và có lòng ước ao, có ơn gọi riêng, có quá khứ và những vấn đề riêng, có hành trình riêng cần tôn trọng; nếu sự thật là người ấy có những hành vi phạm lỗi đáng lên án, thì chúng ta được mời gọi nhận ra một sự thật khác lớn hơn: người ấy còn là một ngôi vị bất hạnh đang đau khổ, và có khi người này ở trong bất hạnh mà không biết. Đó cái nhìn của Người Cha nhân hậu đối với người con hoang đàng, đó là cái nhìn của Đức Giê-su về người phụ nữ ngoại tình, đó là cái nhìn của Ba Ngôi Thiên Chúa đối với loài người chúng ta, với từng người chúng ta.
Đôi mắt của thánh Gioakim và thánh Anna, đôi mắt của các môn đệ và đôi mắt của chúng ta thật là có phúc, như Đức Giê-su nói: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy”, bởi vì chúng ta được ơn nhận biết Đức Giê-su Nazareth là Đức Ki-tô, Con Thiên Hằng Sống và Ngôi Lời nhập thể. Đôi mắt có phúc là đôi mắt nhận biết Đức Giê-su Ki-tô; và đôi mắt nhận biết Đức Giê-su Ki-tô là đôi mắt sống đúng với ơn gọi của mình.
2. Phúc vì được nghe
Cũng vậy đối với đôi tai của chúng ta: đôi tai của chúng ta được ban cho, có ơn gọi không phải là nghe tiếng động hay âm thanh, nhưng là nghe ra sự hài hòa của âm thanh, nghe được giai điệu, kết cấu của âm thanh, truyền đạt cho chúng ta một ý nghĩa, một sứ điệp, truyền đạt cho chúng ta Ngôi Lời, bởi vì ‘‘Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành’’ (Ga 1, 3 và St 1):
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm. (Tv 19, 2).
Thế mà ý nghĩa và sứ điệp, được tạo ra bởi sự liên kết hài hòa theo qui luật giữa các âm thanh, thì hoàn toàn thinh lặng, không có tiếng động. Thiên Chúa nói với con người qua rất nhiều lời nói: lời trong Kinh Thánh, lời từ các chứng nhân của Thiên Chúa, nhưng chính Đức Giêsu Nazareth, Ngôi Lời Thiên Chúa làm nên sự hợp nhất của những lời nói cụ thể này. Như thế, Ngôi Lời không làm cho bất cứ đôi tai nào rung lên, Ngôi Lời chỉ được thốt lên và chỉ được nghe trong thinh lặng. Thiên Chúa ngỏ sự thinh lặng của Ngôi Lời cho người biết lắng nghe:
Không trung loan báo việc tay Người làm.
Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
đêm này kể lại với đêm kia.
Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh,
mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển. (Tv 19, 4-5)
3. Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa
Thánh Phao-lô trong thư gởi Tín Hữu Roma đã trích Tv 19, nhưng một cách rất lạ lùng. Bởi vì, đối với thánh nhân “Tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.” (Tv 19, 5) không là gì khác hơn là việc rao giảng Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô! Thật vậy, ngài đã viết trong thư gởi các tín hữu Roma:
Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Ki-tô. Nhưng tôi xin hỏi: Phải chăng họ đã không được nghe giảng? Có chứ!
“Tiếng các ngài đã dội khắp hoàn cầu,
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển” (Rm 10, 17-18)
Theo thánh Phao-lô, sứ điệp của công trình tạo dựng và sứ điệp của các tác viên Tin Mừng là cùng một sứ điệp, đó là sứ điệp “Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa”. Như thế, điều mà thánh Phaolô cảm nhận thì thật là lạ lùng! Trình thuật, lời công bố và sứ điệp, vốn là lời sáng tạo như là chúng ta nghe được trong sự thinh lặng của Ngôi Lời, nay bỗng dưng vang vọng trong miệng của thánh nhân, cũng như trong miệng của mọi tác viên loan báo Tin Mừng, trong đó có chúng ta hôm nay.
* * *
Như thế, nếu chúng ta nghe ra sứ điệp được truyền đạt “ngày này cho ngày kia” và “đêm này cho đêm kia” kể từ khởi nguyên của thế giới sáng tạo, chúng ta sẽ nghe được sứ điệp Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô. Và ngược lại, nếu chúng ta đón nhận sứ điệp Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta sẽ nghe được sứ điệp của ngày và đêm. Bởi lẽ, cả hai, công trình sáng tạo và Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô,có cùng một nội dung, đó là Ngôi Lời Thiên Chúa; và
Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. (Ga 1, 3)
SUY NIỆM 4: Thánh Gioakim và Anna--Enzo Lodi
1. Ghi nhận lịch sử - phụng vụ
Ngày lễ song thân Đức Trinh Nữ Maria trùng với ngày cung hiến Đại Thánh Đường Thánh Anna ở Constantinople vào khoảng năm 550. Từ thế kỷ XIII, lễ này đã phổ biến sang phương Tây qua các đoàn thập tự chinh, nhưng mãi đến 1584 mới thấy xuất hiện trong sách lễ Roma. Còn lễ Thánh Gioakim thì mãi 1522 mới thấy nhập vào phương Tây. Việc kết hợp hai lễ riêng lẻ này thành một lễ kính “ông bà” của Đức Giêsu, tức là hai vị “công chính” Gioakim và Anna, đã thấy xuất hiện trong phụng vụ dòng Phan Sinh vào ngày 20 tháng Ba, rồi vào nhiều ngày khác. Tại phương Đông, lịch Byzance mừng kính các Thánh Gioakim và Anna vào ngày 9 tháng Chín, ngày tiếp sau lễ sinh nhật Đức Maria, theo tập quán muốn mừng cha mẹ vì đã sinh con. Từ năm 1968, song thân của Đức Maria được mừng chung. Tất cả những gì chúng ta biết về các ngài là nhờ cuốn Ngụy Phúc Âm của Giacôbê, một bản ngụy kinh thuộc thế kỷ II, trong đó kể rằng, Đức Maria đã được sinh ra cách kỳ diệu do hai cha mẹ son sẻ: sứ thần báo tin cho ông Gioakim sau khi ăn chay bốn mươi ngày, rằng lời nguyện của ông được chấp nhận, trong khi Bà Anna đứng đợi ông nơi Cửa Vàng ở Jérusalem.
Thánh Anna được đặc biệt tôn kính ở làng Sainte Anne d’Auray (Bretagne) và làng Sainte Anne de Beaupré (Canada).
2. Thông điệp và tính thời sự
Cac lời nguyện trong Thánh Lễ lấy từ sách lễ Paris 1738, nhấn mạnh hai điểm cùng có trong những bản văn phụng vụ khác.
Lời nguyện trong ngày và lời nguyện trên lễ vật mừng song thân Đức Maria, Đấng mang ơn cứu rỗi đến cho chúng ta cũng như mang “lời chúc phúc đã hứa cho Abraham và miêu duệ Người”. Đây chính là sự tiếp nối nhiệm cục cứu rỗi của Thiên Chúa, ý định này đã được thực hiện từ Abraham, qua các tổ phụ trong niềm tin, đến với hai thánh Gioakim và Anna, đến Đức Maria con của các ngài và Đức Giêsu Con Mẹ. Thiên Chúa vẫn trung thành suốt chuỗi dài các thế hệ đó, nhờ thế chúng ta cũng được hưởng những ân huệ trong sự cứu rỗi muôn đời và trong lời chúc phúc đã hứa với Abraham và miêu duệ Ông.
Lời nguyện hiệp lễ nhấn mạnh mầu nhiệm này: Thiên Chúa đã muốn Con Một mình “sinh bởi một gia đình nhân loại”. Quả thế, qua việc chọn dân riêng, Chúa đã tặng cho toàn nhân loại ơn cứu rỗi, nhân loại mà Người là thành viên không thể chia lìa. Vì thế đích thân Thiên Chúa trở thành liên đới với loài người.
Trong Phụng vụ Bài đọc, bài giảng của Thánh Gioan Đamascênô lấy lại tư tưởng đó: “Thánh Gioakim và Thánh Anna là cặp vợ chồng thanh khiết! Khi các ngài tuân giữ sự khiết tịnh trong luật lệ tự nhiên, các ngài đã được thưởng điều vượt quá những gì thiên nhiên ban tặng, đó là đã sinh ra cho thế gian Đấng không ăn ở với chồng nhưng sẽ là Mẹ Thiên Chúa”.