Thứ Sáu tuần 28 thường niên. – Thánh Têrêxa Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh

Thứ năm - 14/10/2021 04:41

Thứ Sáu tuần 28 thường niên. – Thánh Têrêxa Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Mọi sợi tóc trên đều các con cũng đã được đếm cả rồi".

 

* Chào đời năm 1515 tại Avila, Tây Ban Nha, Têrêxa là một nhà cải tổ dòng Cát Minh, một con người vừa chiêm niệm vừa hoạt động. Là người chiêm niệm, chị đã ghi lại kinh nghiệm thần bí của mình trong “chuyến đi lên Thiên Chúa”. Các tập sách của chị đã khiến chị thành bậc thầy về đường thiêng liêng.

Là người sáng lập, chị đã rảo khắp nước Tây Ban Nha để thiết lập các đan viện. Tâm hồn chị được thống nhất nhờ nỗi khao khát được sống “một mình với Đấng Độc Nhất”. Chị qua đời ở Avila năm 1582.

 

Lời Chúa: Lc 12, 1-7

Khi ấy, có nhiều đám đông dân chúng đứng chung quanh, đến nỗi chen đạp lẫn nhau, nên Chúa Giêsu bắt đầu dạy các môn đệ trước tiên rằng: "Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái, nghĩa là sự giả hình.

Không có gì che đậy mà không bị tiết lộ ra, và không có gì giấu kín mà chẳng biết được. Vì vậy, những điều các con nói trong nơi tối tăm, sẽ được nói ra nơi sáng sủa, và điều các con nói rỉ tai trong buồng kín, sẽ được rao giảng trên mái nhà. "Thầy bảo các con là những bạn hữu của Thầy rằng: Các con đừng sợ chi những kẻ giết được thân xác, rồi sau đó không thể làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho các con biết phải sợ ai: Hãy sợ Ðấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục. Phải, Thầy bảo các con hãy sợ Ðấng ấy.

"Chớ thì năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền sao? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, mọi sợi tóc trên đầu các con cũng đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ".

 

Suy niệm 1: Môn đệ và bạn hữu

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Trước một đám đông kinh khủng chen lấn để đến gần Ngài,

Thầy Giêsu vẫn muốn ngỏ lời trước hết với các môn đệ dấu yêu.

Lần duy nhất trong Tin Mừng Nhất lãm, Thầy gọi họ là bạn hữu (c. 4).

Thầy dặn dò họ cảnh giác kẻo lây nhiễm men của người Pharisêu,

đó là thái độ đạo đức giả (c. 1).

Thái độ này luôn bao hàm một che giấu nào đó về sự thật,

khiến người nhìn bên ngoài dễ bị đánh lừa bởi những mặt nạ đạo đức.

Việc che giấu khéo léo này có thể xuôi chèo mát mái một thời gian.

Nhưng đối với Thầy Giêsu, nó không thể kéo dài mãi.

Sớm muộn gì sự thật cũng sẽ lộ diện, như chiếc kim trong bọc thò ra.

“Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra,

không có gì bí mật mà sẽ không bị người ta biết” (c. 2).

Nếu con người mãi mãi không biết, thì Thiên Chúa vẫn biết.

Chúng ta có thể tránh được máy kiểm tra nói dối của người đời,

nhưng không tránh được cái nhìn xuyên thấu tâm can của Thiên Chúa.

“Tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày;

điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà” (c. 3).

Như thế điều tưởng như không thể lọt ra ngoài, điều kín như bưng,

vẫn có thể bị đưa ra ánh sáng,

mặt nạ bị rơi xuống, và bản chất thật của con người được vén mở.

Đây là một lời đe dọa, hay đúng hơn, một lời khuyên hãy sống thực lòng.

Thầy Giêsu còn khuyên các môn đệ đừng sợ.

Chuyện bị bách hại và sát hại là chuyện có thể xảy ra.

Chuyện ấy sẽ xảy ra với Thầy và với các môn đệ nữa.

Điều quan trọng là đừng sợ kẻ sát nhân lấy đi mạng sống thân xác (c. 4).

Dù mạng sống thân xác thật đáng quý, đáng trọng,

nhưng con người không phải chỉ có thân xác hay chỉ là thân xác.

Thầy dạy cho các môn đệ biết phải sợ ai (c. 5).

Phải sợ chính Thiên Chúa, Đấng có quyền ném anh em vào hỏa ngục.

Các vị tử đạo đều tin, hiểu và sống các câu Tin Mừng này.

Họ đã chịu bao đớn đau nhục hình và cái chết thân xác,

nhưng họ đã tránh được hỏa ngục, và được đón vào lòng Thiên Chúa.

Kitô hữu phải đối diện với những thách đố cam go.

Lúc chịu bách hại lại tưởng mình bị Thiên Chúa bỏ rơi, ruồng rẫy.

Chim sẻ là thức ăn rẻ tiền cho người nghèo,

tiền lương một ngày mua được những 40 con chim sẻ.

Nếu Thiên Chúa không quên một con sẻ nào,

thì Ngài lại càng không thể quên được những người bạn của Con Ngài.

Nếu từng sợi tóc của chúng ta đã được Thiên Chúa biết,

thì chuyện mạng sống của ta hẳn được Ngài quan tâm hơn nhiều.

Hãy để lòng mình bình an vì sống không gian dối, nên không sợ bị lộ.

Hãy để lòng mình bình an vì cái chết chẳng phải là dấu chấm hết.

Hãy hạnh phúc vì biết mình là môn đệ và là bạn hữu của Thầy Giêsu.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được ơn khôn ngoan

để con biết sợ điều phải sợ.

Cho con đừng sợ những đe dọa đến thân xác, tiếng tăm,

nhưng biết sợ mất đi vĩnh viễn toàn bộ con người mình.

Cho con đừng sợ những kẻ làm hại con ở đời này,

nhưng biết sợ phải xa Đấng yêu con và muốn con hạnh phúc mãi.

Xin giải phóng con khỏi những nỗi sợ đã ăn sâu vào cuộc sống,

những nỗi sợ ngấm ngầm mà chính con không dám thú nhận,

những nỗi sợ làm con chẳng bao giờ được tự do và an vui.

Nhờ đó con dám sống thật sự là mình,

tươi tắn và hồn nhiên, nhẹ nhàng và không lo lắng.

Xin dạy con ngắm những bông hoa dại vệ đường

để thấy chúng được điểm trang lộng lẫy,

và ngắm chính mình mỗi ngày,

để thấy vẻ đẹp nơi mình như một quà tặng của tình yêu.

Xin dạy con ngắm đàn chim sẻ ríu rít buổi sáng,

để biết mình chẳng nên quá lo về chuyện cơm áo gạo tiền,

nhưng nên phó thác như em thơ ngồi trong lòng mẹ.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đặt đời mình trong tay Cha.

Xin cho con cũng đặt đời con trong tay Chúa.

 

Suy niệm 2: Sống công chính

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Sống đạo là sống mối tương quan với Thiên Chúa. Mối tương quan này được người đời kính trọng. Vì thế sống đạo dễ biến chất. Trở thành phương tiện gây uy tín. Trục lợi. Thành giả hình. Sống hình thức trước mặt người đời. Quên mất điều cốt lõi là sống trước mặt Thiên Chúa.

Người Pha-ri-sêu sống kiểu này. Chính vì thế Chúa Giê-su khuyên dạy các tông đồ: “Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu, tức là thói đạo đức giả”. Phải tránh xa. Vì giả dối trước sau gì cũng bại lộ trước mặt người đời. Nhưng còn hơn thế nữa. Giả dối không che được mắt Chúa. Chúa thấu biết mọi sự. Vì thế phải luôn sống ngay thẳng. Sống công chính.

Sống công chính có thể bị thiệt thòi trước mặt người đời. Không được lợi lộc gì. Có khi còn bị bắt bớ, hành hạ, và bị giết chết nữa. Giả hình là hèn nhát. Sợ người đời. Công chính là không sợ người đời. Chỉ sợ Thiên Chúa. Sống đúng mối tương quan với Thiên Chúa. Người giả hình chỉ được đời này mà mất đời sau. Người công chính có thể mất đời này. Nhưng được đời sau. Nhưng trên hết người công chính được Thiên Chúa yêu thương. Luôn quan phòng chăm sóc. Được tình yêu của Thiên Chúa. Được chính Thiên Chúa. Đó là hạnh phúc. “Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa…Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ”.

Tổ phụ Áp-ra-ham được kể là công chính. Vì ngài từ bỏ hết những lợi lộc đời này. Chỉ tin vào lời hứa. Nên đi theo Chúa. Làm theo những gì Chúa chỉ dạy. Kể cả từ bỏ đứa con một yêu quí. Thực ra chẳng ai tự mình nên công chính. Chỉ Thiên Chúa mới làm cho ta nên công chính. Nên “lòng tin làm cho người ấy được Thiên Chúa kể là công chính”. Và người công chính sống bằng đức tin(năm lẻ).

Để giúp ta dễ dàng sống công chính, Thiên Chúa đã gửi Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Người xuống thế. Ai tin vào Chúa Giê-su sẽ nên công chính. Vì “trong Chúa Ki-tô, Thiên Chúa đã chọn chúng ta… Trong Chúa Ki-tô, cả anh em nữa, anh em đã được nghe lời chân lý là Tin Mừng cứu độ anh em; vẫn trong Chúa Ki-tô một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần…là bảo chững phần gia nghiệp của chúng ta” (năm chẵn).

Tạ ơn Chúa. Chúng ta vốn tội lỗi. Nhưng Chúa làm cho ta nên công chính. Tha tội lỗi chúng ta. Hãy vững tin vào Chúa. Ta sẽ được cứu chuộc.

 

Suy niệm 3: Các Con Ðừng Sợ

Thánh Justinô là một triết gia nổi tiếng của Kitô giáo vào thế kỷ thứ 2; ngài đã bị bắt giam tại Rôma cùng với một số Kitô hữu khác, vì tội tuyên truyền tôn giáo trong trường học do ngài điều khiển. Ra trước tòa, khi được hỏi về hành động của mình, thánh nhân dõng dạc tuyên bố:

- Suốt đời tôi, tôi đã đi tìm kiếm chân lý; tôi đã nghiên cứu sâu xa các triết lý Ðông Phương, Hy Lạp và Rôma; thế nhưng cuối cùng tôi đã tìm được giáo thuyết chân thật.

Quan tòa liền hỏi giáo thuyết chân thật đó là gì? Thánh nhân giải thích:

- Thưa là giáo thuyết của Chúa Giêsu Nazaret, giáo thuyết này nhằm giải phóng chúng ta khỏi các ngẫu tượng và dạy chúng ta thờ phượng một Thiên Chúa độc nhất, hằng sống và chân thật, là Ðấng tạo thành trời đất, là Ðấng cứu rỗi nhân loại.

Quan tòa lại hỏi: - Vậy ông là một Kitô hữu ư?

Thánh nhân liền tuyên xưng:

- Phải, tôi là một Kitô hữu và tôi lấy làm vinh dự được làm Kitô hữu cùng với các bạn tôi đây.

Quan tòa ra lệnh cho thánh nhân và các bạn của ngài phải tế thần, thánh nhân trả lời một cách cương quyết:

- Chúng tôi không tôn thờ ngẫu tượng, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi là những người vô thần. Chúng tôi thờ lạy một Thiên Chúa thiêng liêng, Cha của Chúa Giêsu. Một người có đầu óc lành mạnh không thể từ bỏ tôn giáo chân thật để chạy theo một tôn giáo giả.

Thấy không thể thuyết phục được thánh nhân bỏ đạo, quan tòa ra lệnh đánh đòn rồi xử trảm thánh nhân và các bạn.

Ðứng trước cái chết, ai cũng run sợ. Chúa Giêsu đã không thoát khỏi tâm trạng ấy: Ngài run sợ đến toát mồ hôi máu. Vậy đâu là sức mạnh giúp Chúa Giêsu thắng vượt sự sợ hãi ấy? Thưa, chính là sự kết hiệp với Chúa Cha. Niềm tín thác vào sự hiện diện và tình yêu của Chúa Cha đã giúp Chúa Giêsu thắng vượt mọi thử thách và yếu hèn trong thân phận làm người.

Ðó cũng là bí quyết của tất cả các thánh tử đạo. Sách Công vụ Tông Ðồ kể lại đầy đủ chi tiết cái chết của vị tử đạo tiên khởi là thánh Stêphanô. Thánh nhân cũng phải trải qua những giây phút kinh hãi như chính Chúa Giêsu; nhưng sách Công vụ Tông đồ mô tả thái độ của ngài như sau: "Ngài được đầy Thánh Thần, đăm đăm nhìn trời cao thấy vinh quang của Thiên Chúa và thấy Chúa Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa". Chỉ bằng một ánh mắt luôn hướng về trời cao như thế, con người mới có thể lướt qua thử thách và sợ hãi. Thánh Justinô đã có được sự bình thản trước cái chết, bởi vì ngài luôn tin tưởng vào Thiên Chúa hằng sống và chân thật.

Nhìn lại cung cách của một số vị tử đạo, chúng ta có được sức mạnh của Lời Chúa trong đời sống con người. Sứ điệp Tin Mừng hôm nay tập trung vào hai chữ: "Ðừng sợ" được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần. Ðây chính là một mệnh lệnh của Chúa Giêsu chạy xuyên suốt toàn bộ Tin Mừng. Trong biến cố Truyền tin, thiên sứ đã nói với Ðức Maria: "Ðừng sợ". Khi Chúa Giêsu sinh ra, các thiên sứ đã loan báo tin vui bằng lời trấn an các mục đồng: "Ðừng sợ". Ðây là công thức sẽ được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần với các môn đệ, và cao điểm là lúc Ngài tuyên bố: "Các con đừng sợ, vì Thầy đã thắng thế gian".

Khi được bầu làm Giáo Hoàng, trong diễn văn đầu tiên tại quảng trường thánh Phêrô, Ðức Gioan Phaolô II đã dõng dạc tuyên bố: "Ðừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô". Thật thế, khi con người mở rộng cửa cho Chúa Kitô, khi con người để Chúa Kitô sinh động trong tâm hồn, khi con người chỉ sống bằng sự sống của Chúa Kitô, thì lúc đó con người sẽ lướt thắng được mọi sợ hãi, và chỉ lúc đó, con người mới có thể lên tiếng công bố Lời Chúa cho mọi người.

Nguyện xin sức sống của Chúa Kitô tràn ngập tâm hồn chúng ta, để cả cuộc đời chúng ta trở thành lời ca tụng Chúa trước mặt mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 4: Men Pharisiêu

Ðoạn Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay là những câu đầu tiên trong chương 12 Phúc Âm theo thánh Luca. Nơi chương này, tác giả quy góp lại những lời dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ, mặc dù đám đông dân chúng đang hiện diện nơi đó không bị loại ra bên ngoài. Như chúng ta đọc thấy ngay câu thứ nhất của chương 12: "Dân chúng qui tụ quanh Chúa đông đảo đến độ dẫm chân lên nhau. Họ đến để nghe Lời Chúa giảng dạy và được gặp Chúa". Tuy nhiên nơi câu kế tiếp (tức câu thứ hai), tác giả sách Phúc Âm cho thấy là Chúa Giêsu chú ý nhiều hơn đến các môn đệ, nên ghi thêm chi tiết: "Chúa Giêsu bắt đầu nói trước hết với các môn đệ", lời giảng của Chúa Giêsu là cho tất cả mọi người nhưng đối với các môn đệ thì càng có giá trị bắt buộc nhiều hơn nữa.

Nếp sống mà Chúa muốn cho các môn đệ Ngài sống là hoàn toàn mới mẻ, khác với nếp sống của những biệt phái và thông luật bị Chúa nặng lời khiển trách trước đó: "Các con hãy giữ mình đừng bị men Pharisiêu tức sự sống giả hình". Các môn đệ Chúa sẽ dấn thân sống sự thật và phục vụ cho sự thật với hết lòng thành thật.

Những hành động, nếp sống hàng ngày của môn đệ cần phải phù hợp với tâm hồn bên trong, không thể nào che đậy giấu diếm tâm hồn xấu xa mãi được, không gì ẩn khuất bên trong mà không bị lộ ra; nhưng không phải chỉ có nếp sống thành thật không mà thôi. Nếp sống đó là một chứng tá công khai cho Chúa: "Ðiều tốt tự nhiên được loan truyền phổ biến". Ðiều các môn đệ nghe, nhận lãnh từ Chúa cần được loan báo cho mọi người. Người Kitô môn đệ Chúa không thể giấu diếm tài năng, những nén bạc Chúa ban cho mà cần phải rao giảng trên mái nhà, công khai cho mọi người được biết. Nếp sống chứng tá này không phải là điều dễ dàng đối với Chúa cũng như đối với các môn đệ. Sự hăm dọa và bách hại đã không thiếu trong đời sống của môn đệ làm cho các ngài nhiều khi phải có thái độ im lặng làm ngơ, không dám lên tiếng trình bày sự thật, làm chứng cho sự thật.

Chúa Giêsu khuyên các môn đệ hãy can đảm và tin tưởng vào sự chăm sóc của Thiên Chúa: "Chúng con đừng sợ những kẻ chỉ làm hại được trên thể xác, nhưng hãy có lòng kính sợ Chúa". Ðây là sự kính sợ của lòng yêu thương con thảo đối với Thiên Chúa Cha, là Ðấng luôn luôn hiện diện với con người, với những môn đệ: "Này, Ta sẽ ở cùng chúng con mỗi ngày cho đến tận thế". Lo sợ trước những thử thách, những bách hại, là phản ứng tự nhiên của con người, nhưng Chúa Giêsu muốn cho chúng ta vượt qua những phản ứng tự nhiên này bằng tình yêu mạnh mẽ đối với Chúa.

Lạy Chúa,

Chúng con cảm tạ Chúa vì đã muốn và huấn luyện chúng con trở thành những chứng nhân của Chúa nhưng chúng con tự nhiên lo sợ trước những thử thách. Xin thương giúp chúng con tin tưởng vào lời Chúa và sẵn sàng tuân theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần để làm chứng cho Chúa, sống đức tin và niềm hy vọng trong mọi hoàn cảnh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 5: Chân lý đã chiến thắng

“Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác, và sau đó không làm gì được hơn nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: Hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hỏa ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: Anh em hãy sợ Đấng ấy.” (Lc. 12, 4-5)

Dân chúng chen lấn xô đẩy nhau chung quanh không thể chú ý được nên trước hết Đức Giêsu bắt đầu nói với các môn đệ, Người gọi các ông bằng bạn hữu vì Người bày tỏ những mầu nhiệm Thiên Chúa cho các ông. Nhưng phải coi chừng đừng sợ chi!

Những biệt phái giả hình nhấn mạnh đến hình thức giữ đạo bên ngoài không đặt nền tảng trên tình yêu Thiên Chúa. Đức Giêsu lưu ý các môn đệ phải loại bỏ lối giữ đạo đó. Những khuynh hướng thầm kín nhất của con tim muốn bộc lộ bằng lời nói và hành động một cách tự nhiên và như thế dễ hời hợt sai lầm. Vậy không nên để nó điều đình với chân lý, dù để được kết quả rực rỡ.

Cũng không phải quan tâm lựa chọn nơi chốn mình tuyên xưng đức tin, Các môn đệ phải làm chứng liên tục luôn luôn mọi nơi mọi chỗ; dù trong hầm tối hay mộ hang toại đạo, dù trong phòng khách hay nơi bàn giấy, dù trong tù ngục hay trại lính, bằng cách rỉ tai đến cách công khai, đều có thể giúp làm chứng cho chân lý. Dù bằng cách nào, chân lý sẽ tự bộc lộ ra giữa ban ngày, không có chi ngăn cản được.

Hãy làm chứng đừng sợ

Chắc hẳn, như các ngôn sứ, các môn đệ phải liều mất mạng khi làm chứng, nếu kính sợ Thiên Chúa, thì không còn sợ chết nữa. Chính Chúa sẽ ban sự sống đời đời cho các ông. Chỉ sợ Ngài là Đấng có quyền giết rồi lại ném vào lửa ngục. Vậy Thiên Chúa đáng kính sợ hơn mọi công an cảnh sát chìm, hơn mọi kẻ hành quyết công chúng. Nhưng Đức Giêsu không đối lập hai thứ sợ hãi, Thiên Chúa là tình yêu và luôn săn sóc những kẻ bé mọn yếu hèn, nên càng có lý do tin tưởng Ngài yêu thương họ. Chính vì trông cậy vững chắc vào lòng thương yêu của Chúa mà các môn đệ phải sống làm chứng cho tình yêu của Ngài.

Lời Đức Giêsu nói với tất cả các bạn hữu của Người, những người đã chịu phép rửa của Hội thánh ở mọi nơi mọi thời, điều quan trọng là phải sống xứng đáng với ơn gọi để trở nên làm con Chúa Cha, chứ đừng thỏa hiệp với thế gian vì sợ hay vì kính tin nó.

Mọi Kitô hữu phải luôn nhớ rằng mình đang sống dưới ánh mắt của Thiên Chúa.

RC

 

Suy niệm 6: Sống vì mục đích Nước Trời

Xem lại CN 12 TN A, và thứ Bảy tuần 14 TN

Cả tuần nay, Tin Mừng trình thuật việc Đức Giêsu liên tiếp chống đối lối sống đạo đức dỏm của nhóm Pharisêu và Tiến Sĩ Luật. Hôm nay, lại một lần nữa, Đức Giêsu không chấp nhận lối sống giả hình của họ; đồng thời, Ngài cũng cảnh tỉnh các môn đệ của mình khỏi vướng vào lối sống giả nhân giả nghĩa như các người Pharisêu và Tiến Sĩ Luật đang làm.

Nhân dịp này, Đức Giêsu cũng mời gọi các môn đệ can đảm sống chứng tá cho Tin Mừng, dù có phải chết. Sự sống trên trần gian này là cuộc sống tạm bợ, mai hậu mới là vĩnh viễn. Vì thế, không nên khờ dại mà đánh đổi sự an nhàn đời này mà đau khổ mãi mãi đời sau. Luôn sống trong sự phó thác và tin tưởng vào Chúa Quan Phòng.

Ngày nay, không thiếu cảnh tín hữu Kitô nơi này, nơi kia bị bách hại. Nhiều tín hữu bị buộc phải cải đạo, nếu không sẽ phải chết. Tuy nhiên, đức tin mạnh mẽ vào Chúa Quan Phòng, nên nhiều anh chị em đã anh dũng hy sinh để bảo vệ đức tin cũng như thể hiện lòng yêu mến của mình vào Thiên Chúa cách tuyệt đối.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm sống thật, hành động thật và tin tưởng phó thác nơi Chúa. Đừng sợ những khó khăn thử thách trong đời sống đạo. Đón nhận con đường khổ giá như là điều kiện cần cho phần rỗi của mình.

Luôn nhớ rằng: khi chúng ta tin và sống đạo, hẳn chúng ta không thể thoát khỏi sự hiểu lầm, chống đối và đôi khi cả cái chết nữa. Tuy nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra ý nghĩa của đau khổ và ngang qua đó, chúng ta sẽ thấy cùng đích của cuộc đời nằm ở nơi Thiên Chúa chứ không phải những thứ mau qua, chóng hết ở đời này.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được yêu mến Chúa, can đảm sống đời chứng nhân trong cuộc sống hằng ngày của chúng con. Sẵn sàng làm chứng cho lẽ phải và sự công bằng. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 7: Thiên Chúa trợ giúp ta vượt qua những âu lo

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúng ta có những nỗi băn khoăn lo lắng cho ngày hôm nay, và cũng có những âu lo sợ hãi cho ngày mai, Thiên Chúa biết rõ tất cả. Ngài sẽ trợ giúp chúng ta vượt qua những trở ngại ấy.

Cầu nguyệnLạy Chúa, trước mặt Chúa, con không phải chỉ là con số vô danh, mất hút trong số sáu tỷ người trên thế giới, nhưng con là một cá nhân riêng biệt, được Chúa biết đến, được Chúa quan tâm và yêu thương vô vàn. Điều này làm con an tâm cho số phận mình và luôn tin tưởng phó thác nơi lòng thương yêu quan phòng của Chúa. Chúa chăm sóc cả đến những tạo vật nhỏ bé nhất. Chúa nhớ đến những con chim bé bỏng. Chúa quan tâm đến những vật rất tầm thường. Chúa để ý đến mọi sự…, huống chi là con. Lạy Chúa, con xin cảm tạ lòng thương vô biên Chúa.

Lạy Chúa, với lòng tin tưởng ấy, con hoàn toàn phó thác nơi Chúa cuộc đời con. Bởi vì khi sống điều Chúa dạy, con sẽ phải đối diện với bao thử thách, con sẽ gặp những khó khăn từ chính bản thân mình. Những vui buồn sướng khổ có thể dẫn con lạc hướng. Con cũng gặp những đe dọa từ phía những người khác. Con bị cản ngăn sống Lời Chúa, con bị chê cười khi thực hiện điều Chúa dạy. Nhưng Chúa ơi, con luôn đặt mình trước mặt Chúa để chỉ sống theo ý Chúa mà thôi. Con không sợ những đe dọa kia, con cũng không sợ người khác, nhưng con chỉ kính sợ một mình Chúa là Đấng xét xử con.

Lạy Chúa, con tin rằng Chúa thương yêu con cách riêng tư. Xin Chúa giúp con can đảm thực hành điều Chúa dạy như một đáp trả tình thương ấy. Amen.

Ghi nhớ: “Mọi sợi tóc trên đều các con cũng đã được đếm cả rồi”.

 

Suy niệm 8: Hãy can đảm làm chứng cho Chúa

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Sau bao nhiêu phép lạ đi kèm với lời giảng, uy tín của Đức Giêsu càng gia tăng, vì thế, dân chúng tụ họp quanh Ngài rất đông. Nhân dịp này Đức Giêsu dạy các môn đệ phải can đảm và làm chứng về Chúa. Bài học được bắt đầu với lời cảnh cáo về sự giả hình dối trá nơi những người biệt phái và thông luật, nó cũng có nguy cơ phát sinh nơi những ai không biết hết lòng cảnh giác. Người môn đệ Đức Giêsu phải nhiệt tâm loan báo Tin mừng với một thái độ yêu thương, khiêm nhường. Đức Giêsu an ủi, khuyến khích các môn đệ hãy luôn can đảm, phó thác sứ vụ và cả cuộc đời mình vào vòng tay yêu thương của Thiên Chúa.

Cả tuần này, Tin mừng trình thuật việc Đức Giêsu liên tiếp chống đối lối sống đạo đức dỏm của nhóm biệt phái và thông luật. Hôm nay, lại một lần nữa, Đức Giêsu không chấp nhận lối sống giả hình của họ; đồng thời, Ngài cũng cảnh tỉnh các môn đệ của mình khỏi vướng vào lối sống giả nhân giả nghĩa như các biệt phái và luật sĩ. Nhân dịp này, Đức Giêsu cũng mời các môn đệ can đảm sống chứng tá cho Tin mừng, dù có phải chết. Sự sống trên trần gian này là cuộc sống tạm bợ, mai hậu mới là vĩnh viễn. Vì thế, không nên khờ dại mà đánh đổi sự an nhàn đời này mà đau khổ mãi mãi đời sau. Luôn sống trong sự phó thác và tin tưởng vào Chúa quan phòng (Ngọc Biển).

Chúa dạy các môn đệ phải tránh “men biệt phái”, nghĩa là men đạo đức giả. Thứ men này rất nhỏ bé, được ví như một thứ vi rút cực hiếm và cực lạ, khó có thuốc chữa trị. Vì sao? Vì những thứ giả khác như bằng cấp giả, thuốc giả, hàng hoá giả là sự vật có thể bị soi xét nhận diện, còn đạo đức giả ở trong tâm hồn và được ngụy trang khéo léo bằng những hình thức bên ngoài, che giấu những bất chính trong tâm hồn rất khó phát hiện, nhằm đánh lừa người khác.

ĐTC Phanxicô cho rằng: thứ vi rút đạo đức giả này tựa như con rắn, cứ trườn bò luồn lách, không rõ ràng minh bạch, từ lừa dối này sang lừa dối khác qua lời đường mật và dáng mạo bên ngoài. Thứ vi rút đạo đức giả này vừa tàn phá nhân cách của mọi người, kể cả Kitô hữu, vừa lây nhiễm rất nhanh sang nhiều người. Tuy nhiên, như vị lương y thần linh, Chúa Giêsu khuyên nhủ ta tránh xa thứ “men biệt phái” đó, ngăn ngừa lây nhiễm thứ vi rút đạo đức giả đó, bằng cách tin tưởng và đối diện với Chúa hằng ngày (5 phút mỗi ngày).

Chúa khuyên các môn đệ “đừng sợ”. Động từ “đừng sợ” trong Tin mừng hôm nay được lặp đi lặp lại như một điệp khúc. Chúng ta cũng tìm thấy từ ngữ này 365 lần trong Thánh kinh. Cuộc sống đời thường với đầy những nỗi lo toan sợ hãi: sợ thua thiệt, sợ nghèo, sợ đói, sợ nhục, sợ chết... Nhưng Đức Giêsu chỉ cho chúng ta chỉ có một Đấng đáng để cho chúng ta kính sợ đó là Thiên Chúa Cha trên trời. Vì Người có thể giết cả hồn và xác chúng ta.

Chúa khuyên chúng ta hãy an tâm, bởi vì Thiên Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta. Ngài không cất khỏi chúng ta những chống đối, đau khổ và sự chết. Ngài chỉ cho chúng ta thấy đâu là ý nghĩa của đau khổ, đâu là cùng đích cuộc đời.

Bài Tin mừng hôm nay cho thấy Thiên Chúa quan phòng mỗi người con cái Thiên Chúa. Đức Giêsu đưa ra một bằng chứng cụ thể, để nâng đỡ đức tin của chúng ta vào sự quan phòng của Thiên Chúa đối với thụ tạo thượng đẳng của Người: một con chim sẻ hay cả từng sợi tóc trên đầu Chúa cũng thấu biết, huống chi vận mạng con người, vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc bằng chính giá máu của Người. Chúa Giêsu không chủ trương cho chúng ta lười biếng hay ỷ lại, mà muốn chúng ta đừng quá tin cậy vào sức mình, nhưng cần đến sự tin tưởng phó thác với sự quan phòng của Thiên Chúa.

Sự tin tưởng vào Chúa quan phòng không có tinh cách thụ động, khoanh tay ngồi chờ “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, không phải thái độ vô vi, yếm thế, buông trôi. Tín nhiệm hoàn toàn vào Thiên Chúa không có nghĩa là sống trong thụ động, mà là cộng tác với công việc của Thiên Chúa tùy ơn gọi của mỗi người: tự giúp mình thì trời sẽ giúp cho (Hiền Lâm).

Truyện: Đức Tổng giám mục Oscar Romero

Khi mới lên Tổng Giám mục giáo phận San Salvador, Đức cha Oscar Romero vẫn còn theo lập trường bảo thủ. Nhưng chẳng bao lâu sau, khi nhìn thấy những bất công xã hội, ngài đã thay đổi cái nhìn của mình.

Mỗi ngày Chúa nhật, ngài giảng ở nhà thờ chính toà để tố cáo những tội ác đã diễn ra mà đa số là các viên chức chính phủ. Các bài giảng của ngài như một luồng điện mạnh chạm đến toàn xã hội. Khi ngài nói, hầu như mọi người đều ngưng làm việc để lắng nghe ngài.

Ngài bị đặt vào trong tình trạng bị đe dọa thường xuyên. Một vài bạn bè thân thích của ngài đã bị giết chết. Nhưng ngài vẫn không im tiếng, cũng không lánh đi nơi khác an toàn hơn cho riêng mình. Ngài nói: “Một mục tử chân chính khi thấy nguy hiểm không thể bỏ đoàn chiên để cứu lấy mạng sống mình. Nhưng tôi sẽ ở lại với dân tôi”.

Và ngài đã bị chết dưới làn đạn của kẻ thù vào tháng ba năm 1980 đang lúc ngài dâng thánh lễ.

 

Suy niệm 9: Chúa Giêsu cảnh giác môn đệ

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Chúa Giêsu muốn cảnh giác ta hai điều:

1. Điều thứ nhất là hãy coi chừng thói giả hình của người Pharisêu.

Chúa coi thói giả hình như một thứ “men”: Men Pharisiêu. Các môn đệ hãy coi chừng đừng để mình bị lây nhiễm thói xấu đó vì nếu bị nhiễm thì đến phiên họ, họ cũng sẽ lây nhiễm sang nhiều người khác trong Giáo Hội.

Người môn đệ của Chúa phải luôn luôn biết sống thật với lòng mình. Chúa bảo: “Không có gì che dấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết” (Lc 12,2).

Ông Dung là chủ một nhà giữ xe và sửa xe rất lớn. Hôm ấy có người lái chiếc xe Cam-nhông ghé vào vì cần được sửa chữa đôi chút.

Xong việc, ông chủ tiệm trao cho anh tài xế xe Cam-nhông tờ hóa đơn để trả tiền.

Xem xong người tài xế trao lại cho ông chủ tiệm và đề nghị ông lấy thêm tiền cho vài dịch vụ khác nữa, dầu sao thì công ty cũng sẽ trả hết, như thế phần thặng dư sẽ chia đôi giữa người tài xế và ông chủ tiệm.

Vốn là người liêm chính, ông Dung từ chối thi hành lời đề nghị gian dối ấy.

Như không muốn bỏ mất cơ hội tốt đẹp, ông tài xế năn nỉ thêm và hứa sẽ trở thành khách hàng thường xuyên đến với ông. Tại sao lại không lợi dụng cơ hội tốt như thế này? Nào có ai biết gì đâu?

Một lần nữa, ông Dung thẳng thắn từ chối và nói thêm:

- Ðó không phải là cách làm việc của tôi.

Người lái xe năn nỉ thêm và cố tình thuyết phục ông chủ.

Ông chủ trả lời cách dứt khoát:

- Nếu ông muốn làm những chuyện gian tham đến như thế, xin ông hãy đi đến nơi khác, ở đây chúng tôi không thể chấp nhận bất cứ hình thức gian dối nào cả.

Trước cử chỉ anh dũng của ông chủ, bấy giờ người tài xế lịch sự nói với giọng đầy thán phục:

- Thưa ông, tôi đây chính là chủ hãng xe Cam-nhông, tôi chỉ muốn thử và tìm xem đâu là nơi sửa xe đáng được tín nhiệm nhất.

Hãy nhớ “Không có gì che dấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết” (Lc 12,2).

2. Điều thứ hai là hãy đặt mình vào hàng ngũ “các ngôn sứ và các tông đồ” (Lc 12,49) để lo cho công việc rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa và sẵn sàng chịu bách hại vì sứ mạng đó. Đừng sợ sự thù nghịch của thế gian.

Chúa muốn cho các môn đệ Chúa hiểu rằng:

- Muốn theo Chúa, người môn đệ cũng phải chịu đồng một số phận như Chúa. Đó là chuyện đương nhiên, không thể có con đường nào khác. Ngay trong chính bản thân, những xâu xé, giằng co cũng là chuyện không thể tránh được. Thế nhưng, Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy an tâm, bởi vì Thiên Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta. Ngài không cất khỏi chúng ta những chống đối, đau khổ và sự chết. Ngài chỉ cho chúng ta thấy đâu là ý nghĩa của đau khổ, đâu là cùng đích cuộc đời” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).

Hơn nữa, Chúa còn đưa ra những lý do để cho các môn đệ an tâm. Chẳng có gì phải sợ vì: Các quan quyền thế gian cùng lắm thì chỉ giết được thân xác của ta chứ không giết được sự sống thật của ta.

- Không sợ thôi không đủ, mà còn phải biết phó thác vào sự quan phòng của Chúa nữa.

Một giáo sư thực vật học tay cầm một hạt giống nhỏ màu nâu và nói với cả lớp rằng: - Tôi biết rõ hợp chất của hạt giống này. Nó gồm hydro, carbon và nitro. Tôi biết đúng tỉ lệ và có thể tạo ra một hạt giống khác trông y như hạt giống này.

Một học sinh đứng lên hỏi: - Thưa thầy, nếu đem hạt giống thầy chế tạo đó mà gieo xuống đất, nó có thể mọc lên không ạ?

Giáo sư trả lời: - Với hạt giống của tôi, điều đó không thể được. Nhưng nếu tôi đem hạt giống mà Thiên Chúa đã làm ra, nó sẽ mọc lên thành cây, vì nó chứa đựng nguyên tắc nhiệm mầu mà chúng ta gọi là nguyên tắc sinh tồn.

Hạt giống là một cái gì chứa đựng sự sống. Con người, với sự tài giỏi của khoa học có thể tạo ra những hạt giống tương tự hoặc tạo ra những người máy robot, song không thể nào tạo ra sự sống được. Quyền sống chết chỉ duy nhất ở trong tay Thiên Chúa mà thôi.

Mẹ Têrêsa nói: “Hãy để Chúa Giêsu dùng bạn mà không cần phải hỏi ý kiến của bạn. Chúng tôi để Ngài lấy những gì Ngài muốn nơi chúng tôi. Như thế, hãy nhận bất cứ gì Ngài cho và hãy trao ban bất cứ gì Ngài lấy với nụ cười thật tươi. Hãy nhận những quà tặng của Thiên Chúa và chân thành biết ơn. Nếu Ngài ban cho bạn một tài sản lớn, hãy tận dụng tài sản đó, cố chia sẻ cho người khác, nhất là với những người không có gì cả. Hãy luôn luôn chia sẻ cho người khác bởi vì ngay cả một chút giúp đỡ đó cũng có thể giúp họ khỏi chán nản”.

 

Suy niệm 10: ,,,

(Lm Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

1. Câu 1-3: Đoạn trước (11,37-54) đã cho ta thấy Chúa Giêsu bị nhóm pharisêu và nhóm luật sĩ bắt lỗi trong một bữa ăn. Câu chuyện đó khiến Ngài muốn cảnh giác các môn đệ mình hai điều. Điều thứ nhất là hãy coi chừng thói giả hình của người pharisêu: một mặt là đừng giả hình như họ, mặt khác các môn đệ hãy đặt mình vào hàng “các ngôn sứ và các tông đồ” (c 49) để lo rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa và sẵn sàng chịu bách hại vì sứ mạng đó.

  - “Men pharisêu”: Chữ “men” được Chúa Giêsu dùng ở đây muốn nói đến một thứ ẩn giấu trong bột để từ từ làm cho bột bị hư đi không còn là bột tinh tuyền nữa. Thái độ giả hình của người biệt phái cũng giống như vậy vì nó có thể lây lan làm hại nhiều người khác. Các môn đệ hãy coi chừng đừng để mình bị lây nhiễm thói xấu đó vì nếu bị nhiễm thì đến phiên họ cũng sẽ lây nhiễm sang nhiều người khác trong Giáo Hội.

  - Không giả hình tức là ta như thế nào thì tỏ ra thế ấy, bởi vì “Không có gì che dấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết”. Chú ý, câu này cũng được Mt ghi lại (Mt 10,27) nhưng trong một văn mạch khác nên mang ý nghĩa khác: Trong Mt nó muốn nói đến việc rao giảng Tin Mừng.

  - Chúa Giêsu quảng diễn thêm ý tưởng trên bằng hai kiểu nói nữa: “Tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín sẽ được công bố trên mái nhà”. Nên nhớ mái nhà ở do thái là nóc bằng nên cũng là nơi người ta thường lên để trò chuyện và thông báo tin tức cho nhau.

2. Câu 4-7: Điều thứ hai Ngài khuyên là đừng sợ sự thù nghịch của thế gian đối với người tông đồ của Chúa. Ngài đưa nhiều lý do để thuyết phục các môn đệ:

  - Lý do thứ nhất là các quan quyền thế gian cùng lắm chỉ giết được thân xác của ta chứ không giết được sự sống thật của ta là điều thuộc về quyền độc hữu của Thiên Chúa. Bởi vậy nên sợ Thiên Chúa hơn.

  - Không những đừng sợ các quan quyền thế gian, mà còn phải phó thác vào Thiên Chúa quan phòng: Đấng luôn chăm sóc từng con chim sẻ và từng sợi tóc trên đầu chúng ta lẽ nào lại không chăm sóc những người làm sứ mạng Ngài giao hay sao! (Về chi tiết chim sẻ: Mt 10,29 ghi hai con chim sẻ bán được một xu. Ở đây Lc ghi năm con bán một xu. Lc muốn nhấn mạnh hơn nữa ý tưởng Thiên Chúa chăm sóc những vật rất tầm thường).

B.... nẩy mầm.

1. Đừng sợ: “Chúa Giêsu đưa ra lời trấn an này vào giữa lúc các môn đệ Ngài nhận ra sự chống đối của biệt phái đối với Chúa Giêsu. Theo Chúa Giêsu Kitô, người môn đệ đồng chịu số phận chống đối. Đó là chuyện đương nhiên, không thể có con đường nào khác. Ngay trong chính bản thân, những xâu xé, giằng co cũng là chuyện không thể tránh được. Thế nhưng Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy an tâm, bởi vì Thiên Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta. Ngài không cất khỏi chúng ta những chống đối, đau khổ và sự chết. Ngài chỉ cho chúng ta thấy đâu là ý nghĩa của đau khổ, đâu là cùng đích cuộc đời” (Trích "Mỗi ngày một tin vui").

2. Chúa quan phòng: “Bài phúc âm hôm nay cho thấy Thiên Chúa quan phòng mỗi người con cái Chúa. Chúa bảo đảm rằng Chúa lo lắng cho từng con chim trời không con nào chết đói, từng bông hoa huệ nay còn mai mất mà có được màu trắng vương giả, thì con người quí giá ngàn trùng, càng được Chúa bảo trợ...” (Trích "TMCGK ngày trong tuần").

3. Một hôm Đức Ala gọi một Thiên sứ đến và truyền lệnh: “Ngươi hãy xuống trần gian để đưa về đây người đàn bà góa có 4 đứa con thơ”. Thiên sứ ra đi, gặp ngay người đàn bà góa đang cho đứa con nhỏ nhất bú. Ngài nhìn người đàn bà với 4 đứa con dại, rồi lại lên Đức Ala để tha thiết nài xin rút lại lệnh truyền. Làm sao có thể nhẫn tâm tách lìa người mẹ khỏi  những đứa con thơ ấy? Nhưng lời van xin của Sứ thần chẳng mảy may đánh động được Đức Ala. Cuối cùng Sứ thần đành phải vâng lệnh Đức Ala mà cướp người mẹ góa khỏi bầy con thơ và đưa về trời.

 Hoàn thành công tác, nhưng xem chừng vị thiên sứ lại có vẻ buồn. Phải, làm sao vui được trước cảnh chia ly giữa mẹ và con? Thấy sứ thần buồn, Đức Ala gọi đến và đưa vào sa mạc. Ngài chỉ cho sứ thần thấy một tảng đá lớn và bảo đập nó ra. Tảng đá vừa vỡ đôi, sứ thần ngạc nhiên vô cùng, vì từ trong tảng đá một con sâu nhỏ từ từ bò ra. Chợt hiểu được ý nghĩa của sự kiện ấy, sứ thần bỗng thốt lên: “Ôi lạy Đấng tối cao, mầu nhiệm thay công cuộc sáng tạo của Ngài. Với sự khôn ngoan thượng trí và tình yêu vô biên, Ngài đã không bỏ mặc một tạo vật bé nhỏ như con sâu kia, thì hẳn Ngài cũng sẽ không quên được 4 đứa trẻ mồ côi là con cái của Ngài.”  (Trích ”Món quà giáng sinh”)
 

SUY NIỆM

1. Điều sẽ được công bố

Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, một trong những lời của Đức Giê-su làm cho chúng ta phải chú ý, có lẽ là lời này:

Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra,
không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết.

(c. 2)

Chúng ta thường hiểu câu nói này của Đức Giê-su theo nghĩa luân lý ; theo đó, một ngày kia, vào lúc phán xét, mọi hành động, lời nói và tư tưởng của chúng ta, vốn đa phần vẫn còn được che dấu, tất cả sẽ được đem ra ánh sáng, được phơi bày trước mặt Thiên Chúa và loài người ; lúc ấy thật là xấu hổ. Vì thế, lời này của Đức Giê-su làm cho chúng ta lo sợ, hơn là mang lại bình an, tin tưởng và hi vọng.

Tuy nhiên, hiểu lời nói này của Chúa như thế, là không phù hợp với những gì Ngài nói ngay sau đó :

Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm,
sẽ được nghe giữa ban ngày;
và điều anh em rỉ tai trong buồng kín,
sẽ được công bố trên mái nhà.

(c. 3)

Do đó, điều che dấu hay bí mật chính là những mầu nhiệm kín ẩn của Thiên Chúa, sẽ tất yếu được công bố và được nghe. Và những mầu nhiệm này ngay bây giờ đã và đang được bày tỏ cho chúng ta nơi Lời của Đức Giê-su và nơi ngôi vị của Ngài rồi.

Thực vậy, thánh Phao-lô nói : « Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Ki-tô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài. Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật » (Ep 3, 8-9 ; và Rm 16, 25 ; Col 1, 25-27). Như thế, mầu nhiệm được giữ kín từ muôn thủa nơi Thiên Chúa, nhưng nay được hiển hiện, được đưa ra ánh sáng, được bày tỏ, được công bố và loan báo, chính là « Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Ki-tô ».

2. « Anh em đừng sợ ! »

Tuy nhiên, sự bách hại vẫn có thể xẩy ra, khiến chúng ta vẫn phải « nói lúc đêm hôm » và « rỉ tai trong buồng kín ». Nhưng Đức Giê-su mời gọi chúng ta « đừng sợ », và mời gọi chúng ta tín thác nơi quyền năng mạnh hơn sự chết của Thiên Chúa :

Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai:
hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền
ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết:
anh em hãy sợ Đấng ấy. 
(c. 5)

Và nhất là người môn đệ được mời gọi tín thác nơi tình yêu quan phòng của Người :

Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ. (c. 6-7)

Chim sẻ rẻ tiền như thế, nhưng vẫn không bị loại bỏ khỏi sự quan tâm yêu thương của Chúa Cha, trong khi chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được tái sinh trong Máu Đức Ki-tô để trở nên con Thiên Chúa ; vì thế, Người quí trọng từng « sợi tóc » trên đầu của chúng ta. Chứng kiến từng sợi tóc bạc mầu và rơi rụng theo năm tháng, nhất là khi đến tuổi, thay vì sợ hãi, chúng ta được mời gọi tín thác nơi Thiên Chúa « muôn ngàn đời vẫn trọn tình thương » (x. Tv 136).

3. Tình yêu Thiên Chúa

Vì thế, không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa và lòng thương xót của Người, được thể hiện nơi Đức Ki-tô, dù cho đó là “gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?… là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác” (Rm 8, 35-39).

Tin Mừng theo thánh Matthêu kể lại rằng, chia sẻ bánh và rượu xong, Đức Giêsu hướng đến cuộc Thương Khó của Ngài “sau khi đã hát Thánh Vịnh” (Mt 26, 30). Câu này đặc biệt gợi lại cho chúng ta Tv 136: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”, bởi vì cùng với các Thánh Vịnh khác, Tv 136 được hát lên để kết thúc bữa ăn Vượt Qua. Như thế Tv 136 hướng đến Thánh Thể và Thánh Thể làm tròn đầy Tv 136.

Nếu bánh ăn hằng ngày không làm cho chúng ta chiến thắng sự chết, thì Bánh Hằng Sống, là chính Đức Giê-su, sẽ làm cho chúng ta chiến thắng sự chết, bởi vì chính Ngài đã vượt qua và chiến thắng cả tiến trình dẫn đến sự chết và chính cái chết trong cuộc Thương Khó. Đức Kitô đã đưa những lời của Tv 136 vào trong chính cái chết của Ngài. Vì thế, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta được mời gọi nhận ra lời hứa vĩnh cửu nơi những lời của Tv 136:

Người ban BÁNH cho tất cả chúng sinh,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Chính tình yêu Thiên Chúa cuốn hút con tim và làm cho người môn đệ “tuyên bố Thầy trước mặt thiên hạ”, nghĩa là sống tương quan thiết thân với Người trong mọi nơi mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta được mời gọi bước vào hành trình chiêm ngắm mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Đức Ki-tô với tâm tình tạ ơn của Tv 136 và nhận ra “Tình yêu muôn ngàn đời của Thiên Chúa” được thể hiện cách trọn vẹn nơi Người.

Hãy tạ ơn Chúa cửu trùng,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác – SN song ngữ ngày 15.10.2021

 

 

Friday (October 15):  

 

“Do not fear those who kill the body”

Scripture:  Luke 12:1-7  

1 In the meantime, when so many thousands of the multitude had gathered together that they trod upon one another, he began to say to his disciples first, “Beware of the leaven of the Pharisees, which is hypocrisy. 2 Nothing is covered up that will not be revealed, or hidden that will not be known. 3 Therefore whatever you have said in the dark shall be heard in the light, and what you have whispered in private rooms shall be proclaimed  upon the housetops. 4 “I tell you, my friends, do not fear those who kill the body, and after that have no more that they can do. 5 But I will warn you whom to fear: fear him who, after he has killed, has power to cast into hell; yes, I tell you, fear him! 6 Are not five sparrows sold for two pennies? And not one of them is forgotten before God. 7 Why, even the hairs of your head are all numbered. Fear not; you are of more value than many sparrows.

Thứ Sáu     15-10                

 

Đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác 

Lc 12,1-7 

1 Trong lúc ấy, đám đông tụ họp hàng vạn người, đến nỗi giẫm lên nhau. Bấy giờ Đức Giê-su bắt đầu nói, trước hết là với các môn đệ: “Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu, tức là thói đạo đức giả.2 Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết.3 Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà.4 “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa.5 Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: anh em hãy sợ Đấng ấy.6 Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa.7 Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

Meditation: What does leaven have to do with hypocrisy? To the Jews leaven was a sign of evil. It was a piece of dough from left-over bread which fermented. Fermentation was associated with decay and rotting – the state of foul-smelling decomposition. Why did Jesus warn his disciples to avoid the ways of the Pharisees? The Pharisees wanted everyone to recognize that they were pious and good Jews because they meticulously and scrupulously performed their religious duties. Jesus turned the table on them by declaring that outward appearance doesn’t always match the inward intentions of the heart. Anyone can display outward signs of goodness while inwardly harboring evil thoughts and intentions. 

 

 

 

God’s light exposes darkness and transforms our minds and hearts

The word hypocrite means actor – someone who pretends to be what he or she is not. But who can truly be good, but God alone? Hypocrisy thrives on making a good appearance and masking what they don’t want others to see. The good news is that God’s light exposes the darkness of evil and sin in our hearts, even the sin which is unknown to us. And God’s light transforms our hearts and minds and enables us to overcome hatred with love, pride with humility, and pretense with integrity and truthfulness. God gives grace to the humble and contrite of heart to enable us to overcome the leaven of insincerity and hypocrisy in our lives.

 

 

Godly fear draws us to God’s love and truth

What does fear have to do with the kingdom of God? Fear is a powerful force. It can lead us to panic and flight or it can spur us to faith and action. The fear of God is the antidote to the fear of losing one’s life. “I sought the Lord, and he answered me, and delivered me from all my fears… O fear the Lord, you his saints, for those who fear him have no want! ..Come, O sons, listen to me, I will teach you the fear of the Lord.” (Psalm 34:4,9,11) 

 

What is godly fear? It is reverence for the One who made us in love and who sustains us in mercy and kindness. The greatest injury or loss which we can experience is not physical but spiritual – the loss of one’s soul and life to the power of hell. A healthy fear of God leads to spiritual maturity, wisdom, and right judgment and it frees us from the tyranny of sinful pride, deceit, and cowardice – especially in the face of evil, falsehood, and deception. Do you trust in God’s grace and mercy and do you submit to his life-giving word of truth and righteousness (moral goodness)?

 

 

“Lord Jesus, may the light of your word free my heart from the deception of sin and consume me with a burning love for your truth and righteousness.”

Suy niệm: Men có mối quan hệ gì với sự giả hình? Đối với người Dothái, men là dấu hiệu của sự dữ. Nó là một miếng bột mì còn thừa đã dậy men. Sự lên men gắn liền với sự thối rửa và mục nát – tình trạng của sự phân hủy có mùi hôi thối. Tại sao Đức Giêsu cảnh báo các môn đệ phải xa tránh những đường lối của những người Pharisêu? Những người Pharisêu muốn mọi người nhận biết rằng họ là những người Dothái thánh thiện và tốt lành, bởi vì họ tuân giữ lề luật Chúa cách tỉ mỉ và tuyệt đối. Đức Giêsu đảo ngược tình thế bằng việc tuyên bố rằng dáng vẻ bề ngoài không luôn luôn phù hợp với những ý định bên trong của tâm hồn. Ai cũng có thể tạo dáng vẻ bên ngoài tốt lành, trong khi bên trong chứa đầy những tư tưởng và ý định xấu xa.

 

Ánh sáng của Thiên Chúa vạch trần bóng tối và biến đổi tâm trí chúng ta

Hạn từ giả hình nghĩa là diễn viên – người giả bộ là gì đó mà mình không phải là. Nhưng ai là người thật sự tốt lành, ngoại trừ một mình Thiên Chúa? Sự giả hình lớn mạnh qua việc làm ra bộ mặt bên ngoài tốt lành, và che dấu những gì họ không muốn người khác nhìn thấy. Tin mừng là ánh sáng của Chúa phơi bày bóng tối sự dữ và tội lỗi trong tâm hồn chúng ta, thậm chí những tội mà chúng ta không biết. Ánh sáng của Chúa biến đổi tâm trí chúng ta, và giúp chúng ta chế ngự thù hận với yêu thương, kiêu ngạo với khiêm tốn, giả hình với thành thật. Thiên Chúa ban ơn sủng cho những kẻ có tâm hồn nhỏ bé và thống hối, để giúp chúng ta chế ngự được men giả dối và giả hình trong đời mình.

Kính sợ Chúa kéo chúng ta đến gần tình yêu và sự thật của Thiên Chúa

Sợ hãi có liên quan gì với vương quốc của Chúa? Sợ hãi có một sức mạnh ghê gớm. Nó có thể dẫn chúng ta tới hoang mang và trốn tránh, hay nó có thể nâng đỡ chúng ta trong đức tin và hành động. Sự kính sợ Chúa là thuốc giải cho sự sợ hãi cái chết. “Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Người đáp lại. Giải thoát tôi khỏi mọi nỗi kinh hoàng. Kính sợ Chúa đi, đoàn dân thánh hỡi, vì ai kính sợ Chúa chẳng thiếu thốn điều gì. Các con ơi, hãy tới mà nghe, ta sẽ dạy cho biết đường kính sợ Chúa” (Tv 34,5.10.12).

Kính sợ Chúa là gì? Đó là lòng tôn kính đối với Đấng đã tạo dựng nên ta trong tình yêu, và Đấng nâng đỡ chúng ta với lòng thương xót và nhân hậu. Vết thương hay nỗi mất mát lớn nhất mà chúng ta có thể cảm nghiệm được không phải về thể lý, nhưng về tinh thần – mất linh hồn cho quyền lực của Hoả ngục. Sự kính sợ Thiên Chúa dẫn tới sự trưởng thành tâm linh, khôn ngoan và phán đoán đúng đắn, và nó giải thoát chúng ta khỏi sự nô lệ cho tính kiêu ngạo, lừa dối, và hèn nhát tội lỗi – đặc biệt trong lãnh vực lừa dối xấu xa và tâm linh. Bạn có tin tưởng vào ơn sủng và lòng thương xót của Chúa, và bạn có quy phục lời Người không?

Lạy Chúa Giêsu, chớ gì ánh sáng lời Chúa giải thoát con khỏi sự dối trá của tội lỗi, và nung nấu con với tình yêu nóng cháy cho chân lý và sự công chính của Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây