Thứ Tư tuần 16 thường niên.
"Nó sinh hoa kết quả gấp trăm".
Lời Chúa: Mt 13, 1-9
Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi đến ngồi ở ven bờ biển. Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Và Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói:
"Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất. Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên nó khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt. Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt được sáu mươi, hạt ba mươi.
Ai có tai để nghe, thì hãy nghe".
SUY NIỆM 1: Có tai thì nghe
Suy niệm:
Dụ ngôn người gieo giống đầy tính lạc quan, hy vọng.
Ðức Giêsu gieo hạt giống Lời Chúa khắp nơi.
Có hạt bị chim trời ăn mất, khi chưa kịp nảy mầm.
Có hạt bị khô cháy khi chưa bám rễ.
Có hạt đã thành cây, nhưng bị gai làm chết ngạt.
Thực tế đau buồn ấy làm nản lòng nhiều người.
Ðức Giêsu đã gặp biết bao chống đối và thất bại.
Ngài có thật là Ðấng được Thiên Chúa sai đến
để thiết lập Nước Trời trên trần gian không?
May thay có những hạt rơi vào đất tốt,
và đem lại kết quả gấp bội.
Nhìn vào khuôn mặt của Giáo Hội hôm nay,
nhiều người thất vọng trước những khó khăn, khủng hoảng.
Ðức Giêsu khuyên ta hãy vững lòng.
Lời Chúa vẫn còn gặp được mảnh đất phì nhiêu.
Dụ ngôn người gieo giống đòi chúng ta phải xét mình
Có bao hạt Lời Chúa được gieo vào lòng tôi?
Ðâu là số phận của chúng?
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trên mặt đường.
Tôi nghe mà không hiểu.
Không hiểu vì không muốn hiểu, vì cố tình né tránh,
bởi lẽ Lời Chúa đòi tôi hoán cải và từ bỏ mình.
Thế là Lời Chúa trượt đi như nước đổ lá khoai.
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trên đất đá.
Tôi vội vã, hớn hở đón lấy ngay,
nhưng chỉ dừng lại ở bề mặt hời hợt.
Lời Chúa không đâm rễ sâu trong mảnh đất đời tôi.
Khi thử thách gay gắt của cuộc sống ập đến,
tôi té nhào và bỏ cuộc, chẳng dám sống Lời Ngài.
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trong bụi gai.
Bụi gai là nỗi lo âu chuyện đời, là đam mê của cải.
Bụi gai bóp nghẹt, làm cây Lời Chúa không sinh trái.
Có hạt rơi vào long tôi như rơi vào đất tốt.
Tôi nghe và hiểu.
Tôi hiểu được là nhờ dám sống Lời Chúa trong đời.
Chỉ ai hiểu nhờ sống mới đem lại mùa bội thu.
Dụ ngôn trên đòi tôi xét lại thái độ nghe Lời Chúa,
đòi tôi cải tạo lại mảnh đất lòng mình.
Có biết bao gai góc, đá sỏi trong mảnh đất đời tôi.
Có bao hạt giống bị mất mát vì tôi từ khước.
Nếu tôi dám để cho một câu Lời Chúa tự do lớn lên
thì đời tôi sẽ hoàn toàn thay đổi.
Hôm nay, tôi được mời gọi đi gieo hạt.
Nhưng trước hết, tôi cần được Lời Chúa biến đổi,
cần hiểu sâu nhờ dám sống Lời Chúa tận căn.
Xin Chúa giúp tôi tìm ra những lối gieo mới,
để Lời Chúa sai trái hơn trong thế giới hôm nay.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
SUY NIỆM 2: Hãy đón nhận lời yêu thương
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Thiên Chúa yêu thương. Yêu thương nên phải ngỏ lời. Từ tạo thiên lập địa đến tận thế Thiên Chúa không ngừng nói với nhân loại. Bằng những hình thức khác nhau.
Lời quyền năng. Tạo dựng vũ trụ vì yêu thương. Đưa con người từ hư vô trở thành hiện hữu. Ngoài Thiên Chúa không ai làm được. Đó là yêu thương sáng tạo.
Lời giải thoát. Lời Chúa hướng dẫn Mô-sê lập nên kỳ tích chiến thắng quân binh Ai cập, lập nên Dân Chúa. Đó là yêu thương che chở.
Lời chăm sóc. Chúa chăm sóc Dân Chúa từng miếng ăn ngụm uống. Hướng dẫn lấy nước từ tảng đá, thu lượm man-na bởi trời. Đó là yêu thương nuôi dưỡng (năm lẻ).
Lời kết hợp. Yêu thương ngày càng mãnh liệt. Thiên Chúa đặt lời vào miệng Giê-rê-mi-a để cùng vị tiên tri rao giảng. Đó là yêu thương trao ban (năm chẵn).
Lời ân sủng. Đến thời sau hết, Thiên Chúa ban chính Con Một. Là Ngôi Lời nhập thể. Trở nên một với loài người. Chúa Giê-su chính là người đi gieo hạt giống Lời Chúa. Suốt đời lặn lội gieo vãi. Yêu thương của Chúa chờ đợi con người đáp trả.
Tự do của con người thật khủng khiếp. Vì thế Lời Chúa gặp nhiều thất bại. Có những tâm hồn thờ ơ chai lì như con đường bị người ta dẫm đạp lên. Lời ân sủng như nước đổ lá khoai không thấm xuống được. Có những tâm hồn cứng cỏi lạnh lùng như sỏi đá. Lời ân sủng đành héo khô. Có những tâm hồn tràn đầy ham hố dục vọng như những bụi gai xù xì. Ân sủng đành bị bóp nghẹt không trổ sinh hoa trái. Nhưng Thiên Chúa kiên trì quyết đi đến thành công.
Lời yêu thương là lời tự hiến. Chính Chúa Giê-su, người đi gieo Lời Chúa giờ đây trở thành hạt lúa chịu mục nát đi. Mục nát đi để chìm xuống con đường. Mục nát đi để làm mềm đá sỏi. Mục nát đi để tiêu diệt gai góc. Người trở thành hạt giống mục nát đi cho cây đời chúng ta mọc lên lớn mạnh. Người chịu tàn lụi đi để ta trổ sinh hoa trái trăm ngàn. Đó là tình yêu tuyệt đối.
Lời Chúa yêu thương tha thiết muốn ngỏ với ta. Xin cho ta trở thành thửa đất tốt đón nhận. Xin cho ta sẵn sàng đem Lời Chúa đi gieo khắp nơi.
SUY NIỆM 3: Hạt Giống Lời Chúa
Một em bé 13 tuổi bị phong cùi và bị xua đuổi ra khỏi làng, có nhà truyền giáo nọ đưa em về nhà nuôi dưỡng, săn sóc. Cảm động trước tấm lòng tốt của nhà truyền giáo, em bé hỏi:
- Tại sao ông quan tâm lo lắng cho tôi như vậy?
Nhà truyền giáo trả lời:
- Bởi vì Thiên Chúa là Cha đã dựng nên chúng ta giống hình ảnh Ngài. Ngài yêu thương chúng ta và muốn chúng ta yêu thương liên đới với nhau. Ngài đã sai Con Một Ngài là Chúa Giêsu Kitô xuống trần gian để dạy mỗi người chúng ta sống xứng đáng với phẩm giá con người, vì thế vâng lời Ngài dạy, cha săn sóc cho con.
Từ đó, em bé này không bao giờ quên được cử chỉ yêu thương của nhà truyền giáo. Chẳng những thế, em còn xin làm môn đệ Chúa Giêsu và dùng thời gian còn lại để săn sóc cho những người phong cùi khác tại trung tâm của nhà truyền giáo.
"Vâng lời Chúa dạy, tôi săn sóc phục vụ anh chị em". Ðó là điều Thiên Chúa, qua hình ảnh của người gieo giống trong Tin Mừng hôm nay mong đợi nơi những môn đệ Chúa Kitô, những kẻ đã lãnh nhận hạt giống ân sủng và Lời Chúa trong cuộc đời của mình. Câu chuyện trên đây là một trong muôn vàn sự kiện cụ thể để chứng minh Lời Chúa qua các thế hệ phải trổ sinh hoa trái tốt đẹp trong lịch sử cuộc đời con người. Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện công việc của Ngài, nhưng nhiều khi chính con người từ chối chấp nhận Ngài và làm cho hạt giống ân sủng và Lời Chúa không trổ sinh được.
Người Kitô hữu chúng ta có thể biến những cánh đồng xã hội thành những cánh đồng tốt tươi, hoặc làm cho chúng trở thành những cánh đồng hoang, cỏ lác mọc um tùm. Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta ý thức bổn phận làm cho hạt giống Lời Chúa trổ sinh hoa trái tốt đẹp, có sức biến đổi cuộc đời mình và làm chứng cho tình yêu Chúa nơi những người chúng ta gặp gỡ.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 4: Người Gieo Giống (Mt 13,1-9)
Hôm nay chúng ta bắt đầu đọc và suy niệm chương thứ 13 Phúc Âm theo thánh Mátthêu. Chương 13 này được các nhà chú giải gọi là bài diễn văn thứ ba trong số năm bài diễn văn của Chúa Giêsu được tác giả Phúc Âm thánh Mátthêu ghi lại trong sách Phúc Âm của mình. Và mục đích của bài diễn văn dài này được ghi nơi chương 13 là để trình bày một chương trình sống của người đồ đệ của Chúa, người đồ đệ lắng nghe Lời Chúa.
Có tất cả là bảy dụ ngôn được tác giả xếp lại với nhau và hôm nay chúng ta suy niệm dụ ngôn về người gieo giống. Dụ ngôn này dài và gồm có ba phần. Phần thứ nhất Chúa Giêsu công bố dụ ngôn người gieo giống. Phần thứ hai Chúa Giêsu giải thích thêm tại sao Ngài dùng dụ ngôn mà giảng dạy. Và phần thứ ba Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa của dụ ngôn cho các môn đệ.
Chúng ta hãy suy niệm ý nghĩa chung của dụ ngôn. Chúa Giêsu dạy cho các đồ đệ của Ngài ngày xưa và cho chúng ta hôm nay một bài học về tinh thần lạc quan trong đời sống đức tin. Cuối cùng, ơn Chúa sẽ thắng, Lời Chúa sẽ được đón nhận và sinh hoa kết quả tốt đẹp. Những hoa trái đó có thể bù cho những thiệt mất trong thời gian chờ đợi chiến thắng cuối cùng và vĩnh viễn của Lời Chúa và ân sủng cứu rỗi của Ngài.
Bài học về tinh thần lạc quan tin tưởng này được giãi bày trong bốn dụ ngôn về hạt giống, về hạt cải, về men trong bột và về hạt giống tự động mọc lên. Ở những câu đầu công bố dụ ngôn (Mt 13,1-9) chúng ta thấy yếu tố chính mà tác giả Phúc Âm thánh Mátthêu muốn chúng ta lưu ý đến không phải là mảnh đất, không phải là người gieo giống mà là chính hạt giống. Tuy có bị mất mát, bị thiệt thòi vì những hoàn cảnh môi trường khác nhau, nhưng có hạt giống trổ sinh được hoa trái.
Sau này, khi giải thích về dụ ngôn cho các môn đệ, yếu tố chính không còn là hạt giống nữa mà là các loại đất khác nhau đón nhận hạt giống. Các loại đất tốt xấu là những trạng thái tâm hồn con người đón nhận hạt giống Lời Chúa.
Nhưng hôm nay chúng ta hãy dừng lại chiêm ngắm hạt giống trổ sinh hoa trái. Chúng ta hãy tin tưởng vào sức mạnh của Lời Chúa, không ngã lòng thất vọng trước những nghịch cảnh, những môi trường không thuận lợi cho Lời Chúa. Những người Do Thái chống đối khước từ Chúa đã không làm hư chương trình cứu rỗi của Ngài. Ngày hôm nay cũng không thiếu những hoàn cảnh đối nghịch với Lời Chúa nhưng chắc chắn sẽ không diệt bỏ được sức mạnh trổ sinh hoa trái của Lời Chúa. Ðây là điểm tựa cho niềm hy vọng của người đồ đệ.
Lạy Chúa là niềm hy vọng của con,
Chúa là người gieo hạt giống Lời Chúa khắp nơi. Xin thương mở rộng tâm hồn chúng con đón nhận Lời Chúa, làm cho Lời Chúa được trổ sinh nơi đời sống chúng con, trổ sinh tinh thần kiên trì, phục vụ quảng đại và hoán cải canh tân đời sống mình mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 5: Dụ Ngôn Là Gì?
Người nói: “Kìa người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: Hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.” (Mt. 13, 3b. 4-8)
Trong chương mười ba này, thánh Mát-thêu gom lại tất cả bảy dụ ngôn. Trong bài Phúc Âm này, ta chỉ đọc bốn là dụ ngôn cỏ lùng, kho bạc, ngọc quý, và chiếc lưới. Còn ba dụ ngôn khác, thì hai dụ ngôn Người gieo giống và hạt cải cùng có chung với Mát-cô và Lu-ca, riêng dụ ngôn men trong bột có chung với một mình Lu-ca mà thôi. Bảy dụ ngôn này quen gọi là: “Những dụ ngôn ven Biển Hồ về Nước Trời”, đã được giảng cho dân chúng trong cùng một ngày hay không thì không rõ, còn đám đông dân chúng, theo như Phúc Âm thứ nhất trình bày, thì rõ ràng vẫn là một đám đông ấy đã nghe Chúa giảng.
Qua những dụ ngôn này, Chúa Giêsu chủ tâm làm rõ nét những đặc tính của Nước Trời, đặc biệt là những tính chất mà truyền thống Do-thái hoặc không biết đến đã làm cho méo mó.
Để diễn tả phát triển của Nước Trời, Chúa Giêsu đã dùng hai hình ảnh tương phản nhau: Ở hai giai đoạn đầu, Nước Trời có vẻ khiêm tốn nhỏ bé, tăm tối, nhưng ở giai đoạn chót thì kết quả lại tuyệt vời, xán lạn. Nước Trời có giá trị cao quý, nhưng được giấu kín theo kiểu kho báu bị chôn vùi mà người ta phải khám phá, hoặc theo kiểu viên ngọc mà chỉ những người biết và kiếm tìm mới lượng giá được. Nước Trời đem lại những kết quả khác nhau tùy thái độ tâm tình và lòng mở ra đón nhận của mỗi người. Giai đoạn hiện tại của Nước Trời là thời kỳ pha trộn, chung sống giữa người lành kẻ dữ đợi ngày phân biệt và lựa chọn cuối cùng này.
Dụ ngôn là gì?
Đó là những câu chuyện được tạo dựa theo những phong tục và nếp sống thường ngày với mục đích trình bày một giáo lý nào đó trong lãnh vực siêu nhiên, tức là những mầu nhiệm về Nước Trời. khi so sánh hình ảnh tự nhiên trong câu chuyện của dụ ngôn. Tóm lại dụ ngôn là một sự so sánh cụ thể cốt để trình bày một giáo huấn trừu tượng.
Nước Trời.
Người ta rất hay bỏ qua ý nghĩa chính dụ ngôn để quan tâm đến những ý nghĩa ám chỉ, quên đi Nước Trời để đem áp dụng vào một hoàn cảnh cá nhân, cụ thể. Làm như vậy không phải là điều sai trái, nhưng khi ta chăm chú nghe lời ấy đúng như Chúa đã phán thì lời lẽ của Chúa cũng có sức mạnh, càng “thúc bách” để ta cố gằng hiểu biết đúng như ý Chúa muốn. Tại sao ta lại cho là khó thực hiện điều ấy, khi mà chính Chúa thực ra muốn nói gì, thì Người đều giải thích rõ cho ta vậy.
J.M
SUY NIỆM 6: HÃY LÀ THỬA ĐẤT TỐT (Mt 13, 1-9)
Xem lại CN 15 TN A
Hôm nay, Đức Giêsu dùng dụ ngôn “người gieo giống” để giúp cho những người đương thời nhận ra mình đang thuộc thành phần nào trong dụ ngôn, qua đó cần có một thái độ phù hợp với Tin Mừng.
Trước tiên, Đức Giêsu nói: “Có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất”. Hình ảnh này cho thấy có nhiều kẻ đón nhận Lời Chúa, nhưng Lời ấy không sinh ích lợi cho họ vì sự hời hợt chóng qua, nên Lời Chúa không thấm nhập gì trong lòng, khiến những thứ tội lỗi sớm chiếm hữu tâm hồn họ.
Rồi: “Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên nó khô héo”. Thật vậy, có người đón nhận theo trào lưu, theo sở thích hay hiệu ứng đám đông, chứ không có chiều sâu. Vì thế, khó khăn xảy đến, họ là những người cao chạy xa bay vì sợ liên lụy, không dám can đảm để chấp nhận mình là người thuộc về Chúa nữa. Tâm hồn họ sẽ héo dần theo năm tháng vì không có Chúa ở cùng.
Và: “Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt”. Trong đời sống của con người hiện nay cũng vậy, họ có quá nhiều sở thích, đến nỗi cái chính yếu lại trở thành phụ thuộc, cái bên lề lại đưa vào chính diện. Tin Chúa, nhưng đồng thời cũng tin đủ thứ, đời sống đức tin của họ thuộc dạng người thiếu lập trường, nên: “Gió chiều nào thì ngả theo chiều đó”.
Cuối cùng: “Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả... ”. Tuy nhiên, để trở thành thửa đất tốt theo tinh thần Tin Mừng, mảnh vườn tâm linh của con người phải là một mảnh vườn đơn sơ, chân thành để hạt giống một khi được gieo vãi, thì sẽ có cơ hội phát triển và trổ sinh bông hạt dồi dào.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con là hạt giống tốt và thửa ruộng màu mỡ, để Lời Chúa được lớn lên trong tâm hồn chúng con và được phát triển qua hành động tốt chúng con làm hằng ngày. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 6: Dụ ngôn người gieo giống
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Đọc bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy hình ảnh người gieo giống thật lạ: không những chỉ gieo vào đất tốt, mà còn gieo vào cả những nơi hạt giống khó có thể mọc lên như đá sỏi, bụi gai... Nhưng cuối cùng, chỉ có những hạt gieo nơi đất tốt mới sinh hoa kết trái.
Thiên Chúa của chúng ta cũng vậy, mặc dù con người có tội đến đâu đi nữa, nhưng ơn Chúa vẫn tuôn tràn trên tất cả. Nếu chúng ta để cho ơn Chúa biến đổi, Người sẽ làm cho chúng ta được sinh lợi gấp trăm. Còn nếu chúng ta cố chấp, lười biếng... khiến hạt giống bị chết nghẹt, đó là trách nhiệm về phía chúng ta. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải biết tin tưởng vào sức mạnh của Chúa và tích cực cộng tác với ơn Chúa ban.
2. Chính vì lớn lên ở thôn quê, chứng kiến cảnh gieo trồng, Chúa Giêsu đã mượn những hình ảnh của những sinh hoạt thôn dã để nói về Nước Trời. Việc gieo giống là một sinh hoạt rất bình thường và gần gũi của cuộc sống để trình bầy giáo lý của Ngài. Tất cả những sự việc bình thường hằng ngày có thể trở thành đề tài cho chúng ta chiêm ngưỡng và rút ra những bài học bổ ích. Xin Chúa cho chúng ta biết nhìn, biết chiêm ngưỡng và một thiện chí muốn học hỏi từ những việc bình thường trong cuộc sống hằng ngày.
Người gieo giống đã gieo hạt giống khắp nơi, một cách có thể nói là phung phí. Hằng ngày và hàng tuần, Chúa cũng ban Lời Chúa cho chúng ta một cách quảng đại. Khi chúng ta dự Thánh Lễ, khi chúng ta nghe giảng, khi chúng ta đọc sách đạo đức, khi chúng ta nguyện ngắm, khi chúng ta nghe huấn đức, khi chúng ta học...
3. Hạt giống là Lời Chúa và là chính Chúa Kitô. Người đi gieo chính là Thiên Chúa hiện thân trong Chúa Giêsu đã gieo trong yêu thương. Yêu thương đến độ chính Người lại trở nên một hạt giống, chịu chôn vùi, chịu mục nát để biến cải những mảnh ruộng gai góc, sỏi đá thành mầu mỡ phì nhiêu, mong một mùa gặt đầy những bông lúa chín vàng trĩu nặng.
Thiên Chúa luôn luôn gieo vãi Lời Người khắp nơi, với mọi hạng người, với mọi hoàn cảnh. Người gieo vừa hào phóng vừa kiên trì, vừa hy vọng vừa yêu thương. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho chúng ta thấy lòng quảng đại và hy vọng của Người đối với chúng ta. Người không tính toán hơn thiệt khi ban phát. Ngài không ngần ngại gieo hạt giống “Lời Chúa” và “Ân sủng” vào tâm hồn mỗi người. Người gieo không loại trừ. Những mảnh đất phì nhiêu mầu mỡ nhận được hạt giống đã đành. Cả đến những mảnh đất sỏi đá, gai góc cũng được hưởng ơn mưa móc. Cả đến lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. Người gieo không bỏ rơi một mảnh đất nào, một ngõ ngách nào. Người gieo muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp chốn (Hiền Lâm).
4. Quả thật, Thiên Chúa vô cùng quảng đại, mặc dầu Ngài biết chúng ta sẽ lãng phí thật nhiều ân huệ của Ngài, nhưng Ngài vẫn cứ vung tay ban phát thật rộng rãi. Chúng ta thử tưởng tượng: nếu Chúa so đo tính toán để không uổng phí chút nào những ân huệ của Ngài thì tình cảnh chúng ta sẽ ra sao? Nhưng không bao giờ Thiên Chúa hành động như thế. Sự quảng đại của Thiên Chúa trong việc ban phát các ơn lành cho chúng ta, làm cho chúng ta an tâm và tin tưởng vào tình yêu của Ngài. Ngài chẳng bao giờ rút lại tình yêu ấy, chỉ có chúng ta có thể từ chối hoặc bóp nghẹt, không cho tình yêu của Ngài triển nở trong chúng ta mà thôi.
5. Chắc chắn thính giả của Chúa Giêsu hôm ấy không điếc, họ đều có tai và nghe được lời Ngài giảng dạy. Thế mà cuối dụ ngôn, Chúa lại thêm một câu “khó nghe”: “Ai có tai thì nghe”. Quả thật, có những tâm hồn bịt tai lại trước Lời Chúa, như trường hợp những mảnh đất mà hạt giống bị chối từ hoặc chết yểu vì không đâm rễ sâu. Không phải Ngài sợ người ta không nghe được câu chuyện, nhưng Ngài muốn nhắc nhở người nghe hãy biến Lời Ngài thành hiện thực. Nghĩa là: nghe thôi thì không đủ, mà còn phải làm theo Lời đó nữa. Lời Chúa chỉ đem lại ơn cứu độ cho những ai biết hoán cải cuộc sống của mình bằng việc thực thi Lời đó.
Muốn cho hạt giống phát triển tốt thì phải bỏ thời gian chăm nom tưới bón đàng hoàng. Muốn cho Lời Chúa sinh hoa kết quả, chúng ta cũng không làm gì khác. Cần phải biết dùng thời giờ để lắng nghe, suy gẫm xem Chúa muốn ta làm gì mới có thể làm đúng ý Ngài và chắc chắn sẽ cho hoa quả tốt: “Hạt được một trăm, hạt được sáu mươi, hạt được ba mươi” hay không là tùy thuộc mức độ thấm nhuần Lời Chúa trong tâm hồn người tín hữu (5 phút Lời Chúa).
6. Truyện: Không có lối học đế vương.
Cách đây 23 thế kỷ, nhà toán học Euclide, thành Athènes ở Hy Lạp, đến thành Alexandria để mở trường dạy học. Vua Ptolémée nước Ai cập lúc đó dẫn hoàng tử Seronus đến xin học. Nhà vua xin dạy môn toán sao cho thật dễ bởi vì Seronus là hoảng tử.
Euclide trả lời:
- Tâu đức vua, không có lối học đế vương. Mọi môn đồ giàu cũng như nghèo đều phải hết sức tập trung ý chí và cố gắng làm việc hăng say thì mới có kết quả. Cách ngôn nói: “Không bao giờ thời tiết làm nên một thủy thủ” hoặc “Đại dương dễ dàng rơi ra những viên sỏi nhưng giấu kín những hạt ngọc”.
Lời Chúa cũng chỉ có kết quả nơi những tâm hồn biết đón nhận và đem ra thực hành như thế.
SUY NIỆM
1. Dụ ngôn đầu tiên
Đức Giêsu kể nhiều dụ ngôn, nhưng dụ ngôn “Người Gieo Giống” là dụ ngôn đầu tiên. Vì thế, dụ ngôn này có tầm quan trọng đặc biệt; thực vậy, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn” (Mc 4, 13). Có thể nói, đây là “dụ ngôn mẹ” nói cho chúng ta về “những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa”; đó là:
Trong dụ ngôn, có một sự so sánh mang nhiều ý nghĩa, nhưng chúng ta thường không để ý vì đã quá quen thuộc, đó là Lời Chúa không được ví như điều gì to lớn hùng mạnh, nhưng như hạt giống nhỏ bé đơn sơ, như chính Đức Giê-su giải thích: “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.” (c. 23) Theo lời kể của thánh sử Mác-cô, Đức Giê-su còn nói rõ hơn nữa: “Người gieo giống đây là người gieo lời” (Mc 4, 14). Như chính kinh nghiệm sống Lời Chúa của chúng ta cho thấy, Lời Chúa theo vẻ bề ngoài thật nhỏ bé, đơn sơ và kín ẩn, nhưng mang trong mình sức mạnh thần linh mạnh hơn sự chết và làm phát sinh sự sống dồi dào; như lời của một bài hát diễn tả: “Lời Chúa là hạt giống nhỏ, hứa hẹn cả mùa gặt bao la”
2. Dụ ngôn “Người Gieo Giống”
Có lẽ đa số chúng ta đều xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, nghĩa là làm vườn hay làm ruộng; hoặc chúng ta có kinh nghiệm ít nhiều về nghề này; nếu không, chúng ta cũng biết được những hoạt động này qua chương trình học phổ thông hay các phương tiện truyền thông. Đối với chúng ta, “người gieo giống ra đi gieo giống” là sự kiện quá đỗi bình thường và lập đi lập lại. Nhưng lời này, vì xuất phát từ miệng Đức Giêsu, nên diễn tả một biến cố thật lớn lao: Ngôi Lời Thiên Chúa, ra khỏi cung lòng Thiên Chúa, đi gieo Lời của mình (trong sáng tạo, trong lịch sử loài người và lịch sử cứu độ. và nhất là nơi Đức Giêsu-Kitô); và Ngài không chỉ gieo Lời của mình, mà còn gieo chính mình, gieo sự sống của mình, vì lời nói của Ngài và ngôi vị của Ngài là một. Như chính Đức Giê-su nói về cuộc Thương Khó của Ngài: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).
Trong dụ ngôn, có bốn trường hợp: trường hợp đầu là mất trắng, vì những con chim ăn mất hạt giống; trường hợp sau khá hơn một chút: hạt giống mọc lên ngay vì đất không sâu, nhưng vì nắng gắt và thiếu rễ sâu nên bị cháy và chết khô; trường hợp thứ ba khá hơn nữa: hạt giống nẩy mầm, mọc thành cây, nhưng vì sống ở giữa bụi gai, gai cũng lớn lên và mạnh hơn nên làm cây chết ghẹt. Chúng ta hãy nhìn vào bản thân mình, vào cuộc đời mình, và tự hỏi: đâu là số phận của hạt giống Lời Chúa? Và tuy hạt giống Lời Chúa vẫn chưa sinh hoa kết quả dồi dào, nhưng chắc chắn, cũng có những tiến bộ nào đó. Và chúng ta cũng tự hỏi: Đâu là “những chim chóc, nắng gắt, vấn đề thiếu gốc rễ và gai góc” ở nơi bản thân chúng ta, đã làm cho hạt giống không sinh hoa kết quả?
Dụ ngôn Người Gieo Giống chất vấn chúng ta, nhưng cũng mang lại cho chúng ta bình an và hi vọng. Bởi vì, trái với kinh nghiệm sống, Người Gieo Giống trong dụ ngôn của Đức Giê-su, có thể nói, gieo hạt giống quí báu của mình “tùm lum”, gieo đại trà, gieo quảng đại, gieo không phân biệt, không xét đoán. Và Lời Chúa vẫn được gieo quảng đại vào lòng chúng ta như thế hàng ngày trong Thánh Lễ.
Lời Chúa được gieo cách quảng đại vào lòng chúng ta, bởi vì Chúa tin rằng, dù sao đi chăng nữa, trong lòng chúng ta chắc chắn có phần đất tốt, hơn nữa, tự bản chất chúng ta là đất tốt, vì chúng ta được dựng nên bởi Lời Chúa và theo hình ảnh Thiên Chúa; và Chúa hi vọng rằng, có một ngày đẹp trời nào đó, Lời của Ngài sẽ rơi vào phần đất tốt này, rồi mọc lên và lớn mạnh, và sinh hoa kết quả gấp trăm, gấp sáu mươi, gấp ba mươi, nghĩa là bội thu và nhiều đến độ có thể bù lại tất cả những hạt đã mất, xét cho cùng không đáng bao nhiêu! Và đó là điểm tới tất yếu của Nước Trời.
* * *
Chính vì thế, khi kể xong dụ ngôn, Đức Giê-su mời gọi: “Ai có tai nghe thì nghe” (c. 9) và Người hay nhắc đi nhắc lại lời mời gọi này. Đó là bởi vì có điều gì đó rất hệ trọng liên quan đến đôi tai. Thật vậy, ơn gọi của đôi tai: không chỉ là nghe tiếng động, nhưng còn là nghe âm thanh và âm nhạc vốn tạo ra ý nghĩa; ơn gọi của đôi tai là nghe được ý nghĩa vốn thuộc bình diện thinh lặng. Khi nói: “con nghe rồi”, có nghĩa là hiểu được ý nghĩa rồi; và khi cha mẹ nói: “nó không chịu nghe”, thì ý nghĩa của động từ “nghe” còn đi xa hơn, sống điều mình hiểu.
Nghe dụ ngôn của Chúa và hiểu được mầu nhiệm Lời Chúa. Điều này mời gọi chúng ta cũng nghe đời mình, nghe cuộc sống như là một dụ ngôn.
3. Lời ban sự sống
Lời Chúa được ví như hạt giống trong dụ ngôn “Người gieo giống”, nhưng với lời của ngôn sứ Isaia, Lời Chúa còn được ví như mưa, như tuyết vốn là những điều kiện thiết yếu cho hạt giống lớn lên.
Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời
không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn,
thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta,
sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả,
chưa thực hiện ý muốn của Ta,
chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.
(Is 55, 10-11)
Ngoài ra, để nẩy mầm, lớn lên và sinh hoa kết trái, hạt giống còn cần ánh sáng nữa. Và Chúa cũng là ánh sáng. Như vậy, Lời Chúa là tất cả: vừa hạt, vừa điều kiện thiết yếu làm cho hạt nảy mầm; bởi lẽ Lời Chúa là chính Sự Sống.
Ước ao của Thiên Chúa, điều mà Lời được sai đi thực hiện là gì? Hình ảnh mưa và tuyết nói rõ: tưới gội mặt đất, làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói của bánh ăn. Thật là đẹp! Những hình ảnh thật sống động và rất gần gũi này diễn tả cho chúng ta Lời Chúa phục vụ sự sống như thế nào; bởi vì Lời Chúa là Sự Sống, hôm nay và mãi muôn đời.
Lời của ngôn sứ Isaia giúp chúng ta hiểu đúng hướng dụ ngôn Người Gieo Giống: hoa trái, và hoa trái bội thu tất yếu của Lời Chúa, bất chấp những trở ngại, thậm chí bất chấp điều tưởng là thất bại. Thay vì chỉ hiểu dụ ngôn theo hướng luân lí.
Thật vậy, nơi mầu nhiệm Thập Giá, trở ngại lớn nhất là sự dữ, và sự dữ được để cho đi đến cùng: hủy diệt Hạt Giống, vốn cũng là Người Gieo Giống. Nhưng điều kì diệu đã xảy ra: đó lại là con đường thần linh, nhưng cũng rất nhân linh và thiên nhiên, để cho Hạt Giống nảy mầm, lớn lên sinh hoa kết quả “gấp trăm” cho sự sống của con người, hôm nay và mãi mãi.
Đó chính là công trình của Thiên Chúa,
công trình kì diệu trước mắt chúng ta.
(Tv 118, 23; Mt 21, 42)
* * *
Xin Chúa, bằng Lời của Người, vun xới, chăm sóc, thanh tẩy tâm hồn chúng ta, và nhất là loại bỏ những ngăn trở làm cho hạt giống Lời Chúa không sinh hoa kết quả, đó là quỉ dữ, sự nông nổi nhất thời, những lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quí (x. Mt 13, 18-23), để cho lòng chúng ta, gia đình, cộng đoàn của chúng ta, trở thành những mảnh đất tốt, đón nhận Lời Chúa và làm cho Lời Chúa sinh hoa kết quả gấp một trăm, gấp sáu mươi, gấp ba mươi cho sự sống hôm nay và mãi mãi.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Wednesday (July 21): “Since they had no root they withered away”
Scripture: Matthew 13:1-9 1 That same day Jesus went out of the house and sat beside the sea. 2 And great crowds gathered about him, so that he got into a boat and sat there; and the whole crowd stood on the beach. 3 And he told them many things in parables, saying: “A sower went out to sow. 4 And as he sowed, some seeds fell along the path, and the birds came and devoured them. 5 Other seeds fell on rocky ground, where they had not much soil, and immediately they sprang up, since they had no depth of soil, 6 but when the sun rose they were scorched; and since they had no root they withered away. 7 Other seeds fell upon thorns, and the thorns grew up and choked them. 8 Other seeds fell on good soil and brought forth grain, some a hundredfold, some sixty, some thirty. 9 He who has ears, let him hear.” |
Thứ Tư 21-7 Vì chúng không có rễ nên chúng ra khô héo Mt 13,1-9 1 Hôm ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ.2 Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ.3 Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.4 Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.5 Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu;6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.7 Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt.8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.9 Ai có tai thì nghe.” |
Meditation:
Are you hungry for God’s word? Matthew tells us that Jesus taught many things to those who came to listen and learn. Jesus’ teaching method was a very simple one. He used parables – short stories and images taken from everyday life to convey hidden truths about the kingdom of God. Like a skillful artist, Jesus painted evocative pictures with short and simple words. A good image can speak more loudly and clearly than many words. Jesus used the ordinary everyday images of life and nature to point to another order of reality – hidden, yet visible to those who had “eyes to see” and “ears to hear”. Jesus communicated with pictures and stories, vivid illustrations which captured the imaginations of his audience more powerfully than an abstract presentation could. His parables are like buried treasure waiting to be discovered (Matthew 13:44). Sowing seeds that take root and grow What does the parable about seeds and roots say to us about the kingdom of God? Any farmer will attest to the importance of good soil for supplying nutrients for growth. And how does a plant get the necessary food and water it needs except by its roots? The Scriptures frequently use the image of fruit-bearing plants or trees to convey the principle of spiritual life and death. Blessed is the man who trusts in the Lord, whose trust is the Lord. He is like a tree planted by water, that sends out its roots by the stream, and does not fear when heat comes, for its leaves remain green, and is not anxious in the year of drought, for it does not cease to bear fruit (Jeremiah 17:7-8; see also Psalm 1:3). The shut mind and prejudiced hearer Jesus’ parable of the sower is aimed at the hearers of his word. There are different ways of accepting God’s word and they produce different kinds of fruit accordingly. There is the prejudiced hearer who has a shut mind. Such a person is unteachable and blind to what he or she doesn’t want to hear. Then there is the shallow hearer. He or she fails to think things out or think them through; they lack depth. They may initially respond with an emotional reaction; but when it wears off their mind wanders to something else. Too busy and preoccupied to listen Another type of hearer is the person who has many interests or cares, but who lacks the ability to hear or comprehend what is truly important. Such a person is for ever too busy to pray or too preoccupied to study and meditate on God’s word. He or she may work so hard that they are too tired to even think of anything else but their work. Then there is the one whose mind is open. Such a person is at all times willing to listen and to learn. He or she is never too proud or too busy to learn. They listen in order to understand. God gives grace to those who hunger for his word that they may understand his will and have the strength to live according to it. Do you hunger for God’s word?
“Lord Jesus, faith in your word is the way to wisdom, and to ponder your divine plan is to grow in the truth. Open my eyes to your deeds, and my ears to the sound of your call, that I may understand your will for my life and live according to it.” |
Suy niệm:
Bạn có đói khát lời Chúa không? Mátthêu nói với chúng ta rằng Đức Giêsu dạy dỗ nhiều điều cho những ai đến lắng nghe và học hỏi. Phương pháp giáo huấn của Đức Giêsu rất là đơn giản. Ngài dùng những dụ ngôn – những câu chuyện ngắn và những hình ảnh trong cuộc đời thường ngày để khám phá những chân lý ẩn giấu về Nước Thiên Chúa. Như một họa sĩ tài ba, Đức Giêsu đã vẽ những bức tranh gợi ý với những lời lẽ ngắn gọn và đơn giản. Một hình ảnh đẹp có thể nói nhiều và rõ ràng hơn cả ngàn lời nói. Đức Giêsu sử dụng sự việc hằng ngày để chỉ đến một giá trị thực tại khác – được ẩn giấu, nhưng rõ ràng cho những ai có mắt để thấy và có tai để nghe. Đức Giêsu liên kết những hình ảnh và những câu chuyện, những minh họa sống động, thu hút những khả năng sáng tạo của thính giả, mạnh mẽ hơn cả một bài diễn thuyết trừu tượng. Các dụ ngôn của Ngài giống như kho tàng được cất giấu, đang chờ được khám phá (Mt 13,44). Gieo giống để mọc rễ và lớn lên Dụ ngôn về hạt giống và rễ nói với chúng ta điều gì về nước Thiên Chúa? Bất kỳ người nông dân nào cũng sẽ thừa nhận về tầm quan trọng của đất tốt để cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển. Và làm thế nào một cây có được thức ăn và lượng nước cần thiết mà không cần đến rễ của nó? Kinh thánh thường sử dụng hình ảnh của cây sinh nhiều hoa trái để ám chỉ đến nguyên lý của đời sống và cái chết thiêng liêng. Phúc thay người đặt niềm tin tưởng vào Chúa, và có Chúa làm chỗ nương thân. Họ như cây trồng bên suối nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợgì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái. (Gr 17,7-8; và Tv 1,3).
Tâm trí khép kín và người nghe có thành kiến Dụ ngôn của Đức Giêsu về người gieo giống nhắm đến những người nghe lời Chúa. Có những cách thức đón nhận lời Chúa khác nhau và vì thế chúng cũng sản sinh ra những loại hoa trái khác nhau. Có loại người nghe với bộ óc thành kiến, không mở lòng trí ra. Một người như vậy thì không thể giáo huấn và mù quáng với những điều họ không muốn nghe. Có người nghe với bộ óc rỗng tuếch, không chịu suy gẫm cho thấu đáo. Một người như vậy thiếu chiều sâu nội tâm. Họ có thể bắt đầu với sự đáp trả nhiệt thành, nhưng khi sự nhiệt thành giảm sút, thì họ lại nghĩ đến chuyện khác. Quá bận rộn và lo lắng để lắng nghe Có loại người nghe khác, họ rất quan tâm, nhưng lại thiếu khả năng để nghe và hiểu những gì quan trọng thật sự. Một người như vậy thông thường lúc nào cũng quá bận rộn trong việc cầu nguyện hay quá lo lắng học hỏi và suy gẫm lời Chúa. Họ có thể làm việc quá sức đến nỗi quá mệt mỏi, thậm chí không còn nghĩ đến việc gì khác ngoài công việc của họ. Còn có người đầu óc họ luôn mở rộng, sẵn sàng tiếp thu điều mới. Một người như vậy lúc nào cũng sẵn sàng lắng nghe và học hỏi. Họ không bao giờ quá kiêu ngạo hay quá bận rộn để học hỏi. Họ lắng nghe để hiểu biết. Thiên Chúa ban ơn sủng cho những ai đói khát lời Người để họ có thể hiểu được ý định của Người và có được sức mạnh để thực hiện thánh ý đó. Bạn có đói khát lời Chúa không? Lạy Chúa Giêsu, tin vào lời Chúa là con đường dẫn tới sự khôn ngoan, và để suy nghĩ về kế hoạch thần linh của Chúa là lớn lên trong sự thật. Xin mở mắt con trước những việc Chúa làm, và mở tai con trước tiếng gọi của Chúa, để con có thể hiểu biết thánh ý Chúa dành cho cuộc đời con và sống phù hợp với nó. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn