Thứ Tư tuần 22 thường niên

Thứ ba - 05/09/2023 10:07
Lời Chúa: Lc 4, 38-44

Khi ấy, Chúa Giêsu chỗi dậy ra khỏi hội đường, Người đến nhà Simon. Nhạc mẫu ông Simon phải cơn sốt nặng, và người ta xin Người chữa bà ấy. Người đứng bên bà, truyền lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến khỏi bà. Tức thì bà chỗi dậy, và dọn bữa hầu các ngài.
Khi mặt trời lặn, mọi người có bệnh nhân đau những chứng bệnh khác nhau, đều dẫn họ đến cùng Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân, và chữa họ lành. Các quỷ xuất khỏi nhiều người và kêu lên rằng: "Ông là Con Thiên Chúa". Nhưng Người quát bảo không cho chúng nói, vì chúng biết chính Người là Đức Kitô.
Đến sáng ngày (hôm sau), Người ra đi vào hoang địa, dân chúng liền đi tìm đến cùng Người, họ cố cầm giữ Người lại, kẻo Người rời bỏ họ. Người bảo họ rằng: "Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến". Và Người giảng dạy trong các hội đường xứ Giuđêa.

thu tu tuan xxii mua thuong nien

Suy niệm 1: Phải loan báo Tin Mừng
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)


Sáng ngày sabát Đức Giêsu đã giảng dạy ở hội đường Caphácnaum.
Lời của Ngài đầy uy quyền và uy lực.
Lời ấy đã trục được quỷ khỏi một người đàn ông (Lc 4, 31-37).
Có lẽ đến trưa, Đức Giêsu rời khỏi hội đường để về nhà ông Simôn.
Tiếc thay bà mẹ vợ của ông lại bị sốt nặng, nằm một chỗ.
Người ta yêu cầu Ngài chữa cho người phụ nữ này.
Ngài đã lại gần và cúi xuống trên bà.
Ngài quát mắng cơn sốt như đã quát mắng thần ô uế (c. 39).
Lập tức cơn sốt phải rút lui.
Bà có thể đứng dậy được để phục vụ cơm nước cho Đức Giêsu và môn đệ.
Một lần nữa, chúng ta lại thấy sức mạnh của Lời Ngài.
Ngài chữa bệnh cho người phụ nữ chỉ bằng một lời ra lệnh.
Bệnh tật, dù nhẹ đi nữa, cũng làm phiền con người,
làm cản trở mọi sinh hoạt bình thường, và làm con người mất tự do.
Đức Giêsu đã nâng dậy một người đang nằm, mất sức làm việc.
Khi mặt trời lặn, lúc đã hết ngày sabát là ngày lễ nghỉ,
người ta mới đem cho Ngài những người bị đau đủ thứ bệnh.
Ngài chữa cho họ bằng cách đặt tay trên từng người (c. 40).
Đức Giêsu cúi xuống và chạm vào nỗi đau của từng thân xác.
Không rõ khi nào Ngài dừng tay để đi ngủ.
Chỉ biết khi trời hừng sáng, Ngài đã thức dậy ra đi, đến một nơi vắng vẻ.
Hẳn là Ngài cần chút thinh lặng, để xa đám đông, để gặp gỡ Cha,
Ngài cần dâng cho Cha một tuần mới đang đến.
Đức Giêsu không chỉ mê phục vụ cho đám đông,
Ngài còn mê ở một mình, mê cầu nguyện, mê chỗ vắng.
Nhưng các đám đông hối hả đi tìm Ngài, vì nhiều người cần chữa bệnh.
Khi bắt được Ngài, họ không cho Ngài lìa bỏ họ (c. 42).
Thành công và tiếng tăm, thiện cảm và sự thân quen gần gũi,
là những điều có thể giữ chân người tông đồ.
Trước sự chèo kéo của những người đau yếu đang thực sự cần Ngài,
Đức Giêsu vẫn muốn giữ cho mình sự tự do của người được Cha sai.
Ngài nhìn thấy cánh đồng mênh mông của thế giới.
Ngài hiểu là mình không được phép dừng chân ở một chỗ, để đặt trụ sở.
Ngài biết là mình được mời gọi lên đường mỗi ngày.
Đâu phải chỉ có thành Caphácnaum hay Nadarét hay vùng Galilê.
“Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa
cho các thành khác nữa, vì tôi được sai cốt để làm chuyện đó” (c. 43).
Chữ phải đến như một mệnh lệnh từ Cha, kéo Đức Giêsu đi không nghỉ.
Ngài vượt qua bao biên giới của gia đình, làng quê, tỉnh thành…
Rồi có ngày việc loan báo Tin Mừng sẽ trải dài đến tận cùng thế giới.
Khi chữa lành cho con người, Đức Giêsu cho thấy Nước Thiên Chúa đến.
Con người hôm nay cũng bị đau yếu về nhiều mặt.
Mong mỗi tông đồ hôm nay cũng có khả năng chữa lành như Thầy Giêsu.
 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. (Mẹ Têrêxa Calcutta)
 
Suy niệm 2: Tấm lòng bao la
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)


Như mặt trời trên bầu trời tỏa sáng trên muôn loài, đem sức sống cho con người và súc vật, cho hoa nở, cho trái chín, cho giòng nước trong xanh. Như mưa từ trời rơi xuống cho khí hậu mát mẻ, cho lúa mọc, cho sa mạc có sức sống. Tình Chúa bao la ấp ủ muôn loài.
Hãy xem một ngày làm việc của Chúa Giêsu. Người làm việc không biết mỏi mệt. Có giảng dậy trong Hội đường. Có chiến đấu với ma quỉ. Có đám đông mênh mông đến với Người. Nhưng cũng có thời giờ gặp gỡ riêng tư với người thân. Và nhất là có thì giờ tâm sự với Chúa Cha ngay từ sáng sớm. Người đi đến đâu là mở rộng Nước Thiên Chúa đến đấy. Phá tan vương quốc sự dữ. Diệt tan đau khổ, bệnh tật, bất hạnh. Đem đến an ủi, niềm hi vọng. Đem đến sự sống và sự sống dồi dào.
Nhiều người nhìn thấy trong đó mối lợi riêng tư, nên muốn giữ chân Người. Nhưng tấm lòng bao la, Người phải lên đường đi đến với hết mọi người ở khắp mọi nơi. Bao lâu còn khổ đau bước chân Người còn dong duổi. Ở đâu còn bất hạnh trái tim Người còn thổn thức. Tin Mừng chưa đến tận cùng trái đất tâm hồn Người chưa biết đến nghỉ ngơi. Người phải đi khắp nơi vì Nước Trời không biên giới. “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa”.
Nhưng có những môn đệ chưa hiểu điều đó, nên vẫn còn cục bộ phân chia. Kẻ theo A-pô-lô. Người theo Phao-lô. Đó là vì họ còn theo tính xác thịt chưa theo Thần Khí. Đó là vì họ còn muốn thiết lập nước trần gian chưa đi vào Nước Trời. Đó là vì họ còn ấu trĩ chưa đủ trưởng thành. “Vì anh em còn là những con người sống theo tính xác thịt. Bao lâu giữa anh em có sự ghen tương và cãi cọ, thì anh em chẳng phải là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao? Khi người này nói: “Tôi, tôi thuộc về ông Phao-lô” …thì anh em chẳng là người phàm tục sao” (năm chẵn).
Người môn đệ phải có tấm lòng bao la như Chúa. Bao la để đón tiếp và cộng tác với mọi sứ giả của Chúa, dù đó là Phao-lô, Ti-mô-thê hay Ê-páp-ra. Bao la để không chỉ yêu mến người thân, cộng đoàn mà còn yêu mến cả thế giới. Bao la để cho Tin Mừng lớn lên không chỉ ở một địa phương nhưng là toàn cầu. Bao la để cho niềm tin và niềm trông cậy vươn tới Nước Trời: “Tin Mừng này đang sinh hoa trái và lớn lên trên toàn thế giới như thế nào, thì nơi anh em cũng vậy” (năm lẻ).

SUY NIỆM 3:  ĐƯỢC CHỮA LÀNH ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI PHỤC VỤ − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Tin Mừng mà Chúa Giêsu mang lại là Tin Mừng chữa lành; không chỉ chữa lành bệnh tật thể lý, nhưng là chữa lành toàn bộ cuộc sống. Để từ đó, tín hữu mới có thể trở thành người phục vụ người khác. Bà mẹ vợ của ông Phêrô được Chúa Giêsu chữa lành và “ngay tức thì” (parachrēma, Lc 4,39), bà đứng lên phục vụ Đức Giêsu và các môn đệ. Đón nhận ơn chữa lành tận tâm hồn, thì biến đổi người ta trở thành người phục vụ người khác trong niềm hân hoan. Bên cạnh đó, dân thành Caphácnaum kéo đến để được chữa lành bệnh tật thì chỉ muốn giữ Ngài lại cho mình. Nhưng Đức Giêsu thì rời khỏi đó, bởi vì Ngài còn muốn rao giảng Tin Mừng cho những người khác nữa. “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” (Lc 4,43).
“Chính anh [Êpápra] đã cho chúng tôi hay về lòng mến mà Thần Khí ban cho anh em.” (Cl 1,8). Lòng mến đến từ Thánh Thần, Đấng đổi mới tận tâm hồn. Khi một tâm hồn thực sự được chữa lành, được đổi mới, thì có lòng mến. Và sự phục vụ phải đến từ lòng mến mới sinh ra hoa quả thật sự.
Tại sao có những người dấn trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội lại không mang lại được hoa quả của lòng mến, mà chỉ là những căng thẳng, những bất hoà, đổ vỡ...?!!! Vì họ chưa thực sự được chữa lành tận tâm can do từ Tin Mừng, chưa cảm nhận được tâm tư của người hạnh phúc vì được cứu độ thực sự, đó là ơn cứu độ mang đến sự thay đổi toàn bộ cuộc sống của họ. Họ làm tông đồ sớm quá, như làm ơn cho người khác, trong khi chính họ chưa cảm nhận chính mình được chữa lành những vết thương tâm lý và tâm hồn.
Mỗi kitô hữu cần để cho mình được chữa lành trước khi trở thành người phục vụ người khác. Hãy trải ra trước Thiên Chúa toàn bộ sự thật sâu thẳm của mình, và hãy để cho Thiên Chúa chữa lành.

SUY NIỆM 4: CUỘC ĐỜI PHỤC VỤ - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN

Cả cuộc đời Chúa đã được tóm gọn trong câu Chúa nói để giáo huấn các tông đồ: “Con người đến để phục vụ và phục vụ cho đến hiến mạng sống mình” (Lc 20:38) hay như lời thánh Luca thuật lại: “Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22:27). Hai tiếng phục vụ làm nên một biểu tưởng vô cùng cao quí  vì “Thiên Chúa ở cùng chúng tôi” Emmanuen!
    Hôm nay thánh Luac cho chúng ta thấy một ngày phụ vụ của Chúa. Chúa phục vụ từ sáng sớm cho đến lúc chiều tàn trong nỗi lòng yêu thương và trân trọng con người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
    Chúa cầm tay bà nhạc mẫu của ông Phêrô để đỡ lên. Chúa đặt tay chia sẻ, có khi là vuốt ve những con bệnh hiểm nghèo như bệnh phong cùi. Nhiều khi Chúa còn hỏi han chuyện trò để giúp người ta có lòng tin. Tin mừng của Chúa đầy những cuộc chữa lành và xua trừ ma quỉ. Chúa đến thế gian để chữa lành và cứu độ.
    Với sự hiện diện của Ngài, sự dữ rút lui. Sự dữ phần xác đã đành mà cả sự dữ thiêng liêng đó là tội lỗi, tuy ta không thấy nhưng chính tội lỗi phá hủy phẩm giá con người nhiều nhất. Khi Chúa trừ quỉ cũng là dấu hiệu những chiến thắng thiêng liêng của Chúa.
    Nếu hôm nay ta phục vụ tha nhân bằng cách chữa lành, ủi an phần xác, nâng đỡ tinh thần đem niềm tin đến cho bao người, đó là hoạt động nối dài của chính Chúa Kitô. Mọi thời đại, Chúa đều cần những chứng nhân tình yêu, những chiến sĩ đức tin, những tâm hồn quảng đại và lòng yêu thương bác ái.
Cầu nguyện:
 Lạy Chúa chí ái, sự hiện diện của Chúa  với nhân loại chúng con là một Hồng ân kỳ diệu. Ai có thể thương giúp con người bất hạnh như Chúa. Ai có thể dạy dỗ chân lý ngàn đời như Chúa, ai có thể chết đi để cứu chúng con và cả nhân loại như Chúa.
    Nhìn lại một ngày sống của Chúa, chúng con thấy ngay con tim yêu thương quá bao la vĩ đại của Chúa. Xin Chúa giúp chúng con kiến tạo một tâm hồn bác ái yêu thương để chúng con cộng tác tiếp tay với Chúa trong trân chiến chống lại đau khổ, chống lại sự dữ trên mặt đất này. Ước chi hằng ngày chúng con biết làm việc với Chúa, làm việc trong Chúa, nhằm thăng tiến, làm triển nở hạnh phúc cho bao kẻ chung quanh.
    Lạy Chúa để có thể phục vụ tốt đẹp nhất, từ sáng sớm Chúa đã đi cầu nguyện. Khi thì cầu nguyện chung ở nơi Hội Đường, khi một mình trên núi hay một nơi vắng vẻ nào đó, để Chúa múc lấy nguồn tình yêu nơi Cha, sự khôn ngoan nơi Thánh Linh, và sức mạnh của chiêm ngắm lý tưởng cứu độ.
    Lửa nhiệt tình, lửa tình yêu bùng cháy trong trái tim Chúa, để rồi Chúa ra đi trong một tâm tư tận hiến cao cả, yêu  thương cao cả, cho đi không ngừng, phục vụ không ngừng.
    Lạy Chúa xin dạy chúng con biết suy gẫm, biết chiêm ngắm Thiên nhan Cha với những Lời Kinh thánh, với những tâm tư thánh thiện của bao vị thánh hiền cửu ước. Đó là những hơi thở, là sự sống của Chúa Thánh Thần, để nuôi hồn con như giòng sữa mẹ nuôi đứa con thơ. Xin giúp con nghiền ngẫm những lời dạy của Chúa trong Tin Mừng, để cáng thấm nhuần con càng phục vụ nhiệt tình như Chúa phục vụ và yêu thương anh em hết tình như Chúa yêu thương. Amen.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây