Khi nhà thờ là nơi ẩn trú trong chiến tranh
Thứ tư - 02/03/2022 08:29
Khi nhà thờ là nơi ẩn trú trong chiến tranh
KHI NHÀ THỜ LÀ NƠI ẨN TRÚ TRONG CHIẾN TRANH
Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
WHĐ (01.3.2022) - Đối với bất kỳ tôn giáo nào, nhà thờ hoặc đền thờ luôn là nơi thánh thiêng. Ở đó, tín hữu có thể lắng đọng tâm hồn bên Đấng Tối Cao để nguyện cầu, thờ lạy. Nơi nhà thờ Công giáo, chúng ta tin có Thiên Chúa hiện diện. Hơn nữa Ngài vẫn hằng chờ mong tín hữu đến trò chuyện với Ngài trong mọi lúc. Chắc hẳn Thiên Chúa không muốn cánh cửa nhà thờ đóng kín, nhất là những thời khắc con người cần ẩn trú để tránh những làn đạn, bom mìn. Vì Giáo hội là Mẹ luôn che chở, bảo vệ sự sống của con mình, nên nhất là trong chiến tranh người dân cần được giúp đỡ; và họ cũng tin rằng Thiên Chúa sẽ phù trì, che chở cho họ, người thân và dân tộc của họ.
Trong khi chiến sự tại Ukraina chưa có dấu hiệu xuống thang, cả thế giới vẫn đang tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraina. Về phía Giáo hội Công giáo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang làm mọi thứ có thể để giúp chấm dứt xung đột[1]. Trước dòng người tỵ nạn và hàng triệu người đang có nguy cơ rơi vào cảnh chạy loạn, Đức Giáo Hoàng tiếp tục kêu gọi các giáo phận ở các nước cứu trợ nhân đạo. Theo lời kêu gọi khẩn cấp này, chúng ta đang thấy nhà thờ ở các giáo phận tại Ukraina đang là nơi ẩn lánh tương đối an toàn cho người dân. Bên cạnh đó, các giáo phận tại vài nước láng giềng cũng đang nhanh chóng lên kế hoạch để cứu trợ nhân đạo trong những ngày tới.
Mỗi khi nhìn về Giáo hội, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường ví: “Giáo hội như là một bệnh viện dã chiến bên chiến trường”[2], đón nhận những người đau khổ và cần được giúp đỡ (x. Cv 5,12-16). Theo Đức Thánh Cha, nhà thờ hoặc Giáo hội là nơi tràn đầy Chúa Thánh Thần. “Giáo hội có thể xoa dịu chữa lành, một sự giao tiếp về sức khỏe, tuôn trào sự dịu dàng của Đấng Phục sinh đang cúi mình trước bệnh tật và phục hồi sự sống, ơn cứu độ và phẩm giá. Theo cách này, Thiên Chúa biểu lộ sự gần gũi của Người và làm cho những vết thương của con cái Người trở thành nơi chốn của thần học về sự dịu dàng của Người”[3]. Hơn nữa, sự dịu dàng, lòng thương xót này của Thiên Chúa nơi nhà thờ, Giáo hội lại càng cần thiết và sinh động hơn trong thời khắc chiến tranh.
Để hiểu rõ nội dung của một bệnh viện dã chiến này, Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng cho thấy đó là một Giáo hội chào đón những người vô gia cư, nghiện ngập, những người tỵ nạn, những dân tộc bản địa, những người già đang ngày càng bị cô lập và bỏ rơi, và nhiều thành phần khác. Đó là một Giáo hội không biên giới, một Giáo hội coi mình là mẹ cho mọi người. Vì lý do này, Đức Giáo Hoàng khuyến khích tất cả các nước hãy quảng đại mở cửa trợ giúp những ai cần đến[4]! Dĩ nhiên điều này lại càng khẩn thiết cho các Giáo hội thời chiến.
Với tinh thần trên, chúng ta thấy nhiều nhà thờ đã mở cửa để đón người dân trú nạn. Các giáo xứ biên giới với Ukraina là Balan, Romania, Hungary và Slovakia cũng đang nỗ lực có nhiều sáng kiến để đón tiếp người dân. Sau một ngày chiến sự xảy ra (25/2/2022), Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi điện cho tổng giám mục Sviatoslav Shevchuk, thuộc Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraina, để bày tỏ sự gần gũi, ủng hộ và lời cầu nguyện của ngài cho Ukraina. Trong đó Đức Tổng Giám mục cũng nói với Đức Thánh Cha rằng: “Thay vì đi họp với các Đức Giám Mục ở xung quanh Địa Trung Hải, con quyết định ở lại giữa người dân và phục vụ những người khó khăn nhất.” Ngài cho biết thêm: “Tầng hầm của nhà thờ chính tòa Phục Sinh ở Kiev là nơi ẩn náu cho mọi người.”[5] Đức Tổng giám mục đã chuẩn bị tầng hầm của Nhà thờ Phục sinh để người dân đến trú nạn trước các cuộc tấn công tên lửa dữ dội của Nga[6].
Là người đứng đầu Giáo hội tại Ukraina, Đức Tổng đã cho thấy thế nào là một mục tử tốt lành, một Giáo hội luôn đồng hành và sống chết vì đoàn chiên (x. Ga 10,11). Bởi trong thời chiến, Giáo hội địa phương phải là nơi bảo vệ những ai muốn tìm nơi trú ẩn. Nơi đó có sự an toàn, có cộng đoàn và nhất là có Thiên Chúa. “Chúng ta tin tưởng rằng, trong thời khắc lịch sử này, Thiên Chúa đang ở với chúng ta. Thiên Chúa, Đấng nắm trong tay vận mệnh của toàn thế giới và từng người chúng ta, luôn đứng về phía các nạn nhân của sự xâm lược bất công cũng như những người đau khổ và nô lệ.”[7]
Đức Tổng Giám mục tại giáo phận Lviv (Ukraina) Mieczyslaw Mokrzycki cũng kêu gọi các giáo xứ mở cửa cứu trợ các nạn nhân. Ngài cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng chào đón mọi người trong các nhà thờ. Nơi đó họ được cung cấp thức ăn và nước uống. Chúng tôi đã tổ chức các khóa học sơ cấp cứu cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân để chăm sóc những người bị thương, nếu cần thiết.”[8] Tuy không ở trong hoàn cảnh này, nhưng ít nhiều chúng ta cũng cảm nhận được biết bao nỗ lực của các nhà xứ để giúp cho đoàn chiên được an toàn trước khói lửa chiến tranh. Chắc chắn Thiên Chúa cũng đang làm việc nơi các mục tử, các tu sĩ, các tình nguyện viên và nhiều tổ chức thiện nguyện trong việc cứu trợ nhân đạo này. Nơi đó, Giáo hội đang thực sự là những bệnh viện dã chiến thể hiện lòng thương xót vô ngần của Thiên Chúa.
Chúng ta chưa biết khi nào kết thúc chiến tranh, nhưng theo nhiều chuyên gia dự đoán rằng chiến sự sẽ còn kéo dài. Ít là trong những ngày tới, dòng người tỵ nạn tiếp tục tháo chạy vào những nước láng giềng. Nơi đây các giáo phận, các nhà thờ cũng đang sẵn sàng trợ giúp họ. Bởi trong thời khắc này, các giáo phận gần Ukraina hơn ai hết đều hiểu rằng: “Hội Thánh được kêu gọi trở thành Nhà Cha, luôn luôn mở rộng cửa. Một dấu hiệu của sự mở ra này là các nhà thờ của chúng ta phải luôn luôn mở cửa, để nếu có ai được Chúa Thánh Thần thúc đẩy đến đây tìm Thiên Chúa, họ sẽ không thấy cửa nhà thờ đang đóng.”[9] Nhà thờ đang mở cửa, giáo dân đang làm việc, dòng người tỵ nạn cũng đang đổ về...hình ảnh này cho chúng ta hy vọng rằng người dân sẽ tìm được chút bình an, nâng đỡ và hiệp thông trong môi trường giáo xứ, nhà thờ.
Chúng ta yêu chuộng hòa bình và tiếp tục cầu nguyện cho những nạn nhân đang gặp vô vàn khó khăn tại Ukraina. Nhất là theo lời kêu gọi của Tòa Thánh, trong thứ Tư Lễ Tro, cả thế giới cầu nguyện cho hòa bình tại quốc gia này. Thiên Chúa là Vua Hòa Bình sẽ nhận lời cầu khẩn của chúng ta. Ngài tiếp tục mời gọi mỗi người, mỗi nhà thờ tiếp tục làm mọi sự có thể để cho thấy sức mạnh của tình yêu. Là người Công giáo Việt Nam, chúng ta hiệp thông với những giáo xứ tại Ukraina và những nước lân cận đang mở rộng vòng tay yêu thương của Thiên Chúa chăm sóc đoàn người tỵ nạn lầm than.
Xin Chúa ban cho họ có nhiều sức khỏe, nghị lực và tinh thần đoàn kết để giúp đỡ càng nhiều người càng tốt nơi Nhà của Thiên Chúa. Chúng ta cũng tiếp tục xin Chúa ban cho các nhà thờ ở những nơi trợ giúp đoàn người tỵ nạn có nhiều sáng kiến, nhiều tình nguyện viên và vật chất để phục vụ những đoàn người đang dơ tay cầu cứu. Để Giáo hội trở nên bệnh viện dã chiến sống động, ước gì mỗi người đặc biệt hưởng ứng lời mời gọi này của Đức Giáo Hoàng: “Tôi xin tái mời gọi tất cả mọi người hãy thực hiện một ngày cầu nguyện và ăn chay vì hòa bình ở Ukraina vào ngày 2 tháng 3, Thứ Tư Lễ Tro. Một ngày để gần gũi với những đau khổ của người dân Ukraina, để chúng ta cảm nhận tất cả là anh chị em và cầu xin Chúa cho chiến tranh kết thúc.”[10]
Nếu chiến tranh được xem là những điều xấu xa của ác quỷ, thì giống quỷ ấy, ngoài những nỗ lực dấn thân cho hoà bình, còn cần cầu nguyện và ăn chay nữa (x. Mt 17,21). Chiến tranh sẽ kết thúc, tình yêu sẽ chiến thắng và thế giới sẽ được hòa bình. Chúng ta có quyền hy vọng như thế, bởi Thiên Chúa – Đấng là nguồn mạch bình an - luôn ở với con người.
Suy niệm ban sáng, nhà nguyện thánh Marta, ngày 14/12/2017.
Xem Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 209-212.
Xem thêm: Tông Huấn Evangelii Gaudium - Niềm Vui Tin Mừng, số 47.