TẢN MẠN VỀ CON RẮN-TRÁI TÁO VÀ BÀ EVA
Lm. Anphong Nguyễn Công Vinh
Năm nay theo Âm lịch là Ất Tỵ, năm Con Rắn.
Theo khoa học thì không biết con rắn có phải là con vật xuất hiện đầu tiên trong các loài động vật hay không, nhưng trong Kinh thánh Do Thái và Tân ước thì nhắc nhiều đến con rắn. Các chương đầu của Sách Sáng Thế thuật lại : con rắn xuất hiện đầu tiên trong câu chuyện cám dỗ bà Evà. Trong các truyền thống tôn giáo và văn hóa của Hy Lạp cổ đại, Ai Cập, Lưỡng Hà và Ca-na-an, rắn đóng vai trò quan trọng. Nó được coi như biểu tượng của sự dữ, sức mạnh của ma quỷ, biểu tượng của khả năng sinh sản, sự chữa lành và tái sinh. Con rắn cũng liên quan đến bói toán, thực hành bói toán. Con rắn cổ đại được xác định là Sa-tan kiêu ngạo hoặc Ác quỷ (x. Kh 12,9 ; 20,2). Sách Sáng Thế thì gọi con rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng mà Thiên Chúa đã làm ra (x. St 3,1). Đây là con vật được nêu cách cụ thể đầu tiên trong lịch sử tạo dựng và nhắc đến trong sách Khải Huyền của thánh Gio-an, cuốn sách cuối cùng trong bộ Kinh Thánh. Trong cuộc giao chiến giữa các thiên thần với con mãng xà…Con mãng xà thua bại bị tống ra khỏi trời. Con mãng xà này là Con Rắn Xưa mà người ta gọi là ma quỷ hay Sa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ (x. Kh 12,7-10). Hóa ra con rắn này cùng « họ hàng » và là một với con rắn trong vườn Địa Đàng và quyền lực của nó thật ghê gớm. Nó là con vật bí ẩn và có nhiều liên hệ với sự khôn ngoan và tính dục trong các tôn giáo cổ xưa. Nơi nhiều nền văn hóa, con rắn được gán ghép với mầu nhiệm sự sống và sự chết. Chính vì thế mà Sáng Thế chương 2 nói có hai cây trong vườn Địa Đàng : một cây trường sinh và một cây biết thiện ác đem lại sự chết.
Bây giờ bàn đến con người thì ông Ađam xuất hiện đầu tiên. Thiên Chúa tạo nên ông bằng bùn đất và thở hơi ban sự sống cho ông (x. St 1,27 ; 2,7). Sau đó thấy ông cô đơn buồn bã, Chúa tạo nên bà Evà bằng chiếc xương sườn của ông. Ông sung sướng bao la vì có được một người bạn đời cùng xương thịt và phẩm giá với mình (x. St 2,18 ; 21-23). Nhưng phúc họa đi đôi. Người đàn bà là ngươi bạn đời quý giá trong phút chốc dại khờ đã trở thành người đần bà mang lại đau khổ muộn phiền và gánh nặng, rắc rối ! Sách Sáng Thế thuật rằng : « Rắn nói với người đàn bà : Có thật Thiên Chúa bảo : Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không ? Người đàn bà nói với con rắn : Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo : Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết, rắn nói với người đàn bà : Chẳng chết chóc gì đâu, nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác. Người đàn bà thấy trái đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý, vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình, ông cùng ăn » (St 3, 1-7).
Rắn khôn thiệt, từ xưa đã rành luật Thính Giác: Nó biết rằng lỗ tai người đàn bà gắn liền với trái tim. Những gì vào lỗ tai liền rơi thẳng ngay vào tim, chứ không lên bộ óc. Vì thế, đàn bà thích nghe và dễ tin những điều người ta nói, dễ tin những lời tán tỉnh, ngon ngọt. Con rắn không đe dọa nhưng dùng những lời ngọt ngào khôn khéo đẫn dụ và cuối cùng bà Evà sập bẫy. Có người giải thích rằng tội này là tội về tình dục giữa đàn ông và đàn bà. Giải thích như thế không chính xác. Kinh Thánh không phải là sách lịch sử hay khoa học, nhưng có tính cách biểu tượng để giải thích những chân lý hoặc ý nghĩa tôn giáo trong lịch sử con người. Chương 3 sách Sáng Thế cho biết việc con người đối diện với thế giới chung quanh mình thế nào, cũng như biết mình ở vị trí nào trong liên hệ với Thiên Chúa. Sự đổ vỡ khó hiểu trong tự do của con người khi bị sự dữ lôi cuốn làm cho họ không nhận đúng vị trí thụ tạo của mình mà lại muốn ra khỏi quỹ đạo của Thiên Chúa đến độ muốn ngang bằng với Người để xét định điều thiện điều ác. Đây là tội kiêu ngạo, muốn hoàn toàn quy hướng về chính mình và tôn vinh mình, cắt đứt liên hệ với Thiên Chúa và tạo dựng của Người. Sự cắt đứt này làm cho con người nhìn mọi mọi sự vật, cả người bạn yêu quý của mình, đã dược tạo dựng tốt đẹp, ra xấu xa. Sáng Thế chương 2,25 cho biết rằng trước sa ngã, người đàn ông và đàn bà trần truồng mà không cảm thấy xấu hổ. Trong Kinh Thánh, sự trần truồng không có ý nghĩa tính dục. Trần truồng đồng nghĩa với sự nghèo nàn, giới hạn, yếu đuối, hổ thẹn, mất phẩm cách (x. Hs 2,11 ; Is 20,4). Đàn ông và đàn bà trần truồng trước mặt nhau mà không xấu hổ có nghĩa là giữa họ có sự hòa hợp, có mối liên hệ tốt đẹp trong sự tôn trọng những giới hạn và khác biệt của nhau. Tình trạng này bị con rắn can thiệp vào phá hủy, đưa đến cái nhìn đối kháng và muốn chiếm đoạt nhau. Tội không vâng phục Chúa đưa đến những tội khác kể cả tội về tính dục.
Theo Sáng Thế chương 2 thì lúc đó có cả ông Ađam nữa, mà tại sao con rắn không cám dỗ ông Ađam mà lại cám dỗ bà Evà ? Có quan niệm giải thích rằng : con rắn muốn nói chuyện với người đàn bà là bởi vì đàn bà tò mò hơn, yếu ớt hơn, dễ nghe hơn, dễ tin hơn, hay nhiều chuyện hơn ; với nhược điểm đó con rắn có nhiều cơ hội thuyết phục và thành công. Vì thế mà bà Evà bị coi là người dụ dỗ và làm hư hỏng người đàn ông ngây ngô (x. Hc 25,24 ; 1Tm 2,14). Nhưng quan điểm khác thuộc loại first lady lại cho rằng trong trình thuật Vườn Địa Đàng thì lúc ấy đàn bà là người có suy nghĩ, đối đáp và hành động, còn đàn ông có đó nhưng trơ như đực rựa và chỉ biết nghe lời đàn bà !
Bây giờ bàn đến trái táo. Sách Sáng Thế nói bà Evà ăn trái cấm, hoặc trái cây biết lành biết dữ, chứ không nói đến trái táo hay trái gì khác. Nhắc đến trái cấm bà Evà ăn, người ta thừơng cho đó là trái táo. Sự lầm lẫn này có lẽ do danh từ giống nhau. Trong tiếng la-tinh mãlum có nghĩa là sự xấu xa, còn quả táo là mala hoặc mãlum. Sự trùng hợp này đưa đến sự lầm lẫn gọi trái cấm là trái táo. Chưa ai biết trái cấm chính xác là trái gì cả. Trái cấm có thể là bất kỳ quả gì, kể cả trái táo. Trái cấm có thể là trái vả, vì sau khi ăn trái Chúa cấm, hai ông bà đã lấy lá vả kết lại che thân. Điều này xác nhận rằng lúc ấy và ở chỗ đó không có cây nào khác, chỉ có cây vả và như vậy trái cây bà Evà ăn là trái vả. Cũng có người cho rằng Trái cấm là quả cà chua, vì ngôn ngữ slave gọi cà chua là ‘rajcĩca’ hoặc ‘paradjz’ những từ này đều gần với từ ‘thiên đàng’. Từ thế kỷ 15 về sau, các hoạ sĩ khi vẽ bức tranh ‘sa ngã’, người thì vẽ trái cấm là trái thanh yên , là quả mơ , hay quả lựu. Đến thế kỷ 16, quả táo trở thành phổ biến trong hội họa và thơ văn khi nhắc đến trái cấm, họ vẽ trái táo, có lẽ vì nó đẹp, thơm và hấp đẫn !
Con rắn và trái táo là tượng trưng cho sự dữ, sự lôi cuốn cám dỗ. Người ta hay gọi trái táo tình yêu, trái cấm tinh yêu mà ai cũng thích, người đời người tu, người trẻ người già loạng quạng là mắc bẫy. Ở Trung Quốc, trái táo biểu trưng cho tình yêu và vẻ đẹp nữ tính ở người phụ nữ. Mới đây có mấy ông nhà ta ăn táo nhà hoài chê nhỏ, không đẹp, không thơm, nên khi có dịp ra nước ngoài thấy táo Chilê, táo New Zealand to đẹp, thơm liền tranh thủ. Nhưng chưa ăn kịp thì bị phát hiện, may mà chuồn kịp, không thì cũng rắc rối to. Các bạn trẻ bây giờ hay nói về trái táo tình yêu, nói riết nhìn riết thèm nên muốn thử. Họ ngụy biện rằng lý do muốn thử không phải vì dục vọng, nhưng đó là bằng chứng yêu nhau thật sự và là điều cần thiết để tình yêu phát triển. Nòi rắn là họ hàng của ma quỷ nên con nào cũng dối trá ngon ngọt và có nọc độc. Khi để chúng phun nọc thì chỉ có chết hoặc bất toại. Đừng dại dột nghe con rắn. Bao nhiêu người có chức quyền danh vị đạo đời thân bại danh liệt vì nghe lời con rắn dụ dỗ nếm thử táo ngon bà Evà.
Năm 2025 theo Âm lịch là năm con rắn (Ất tỵ). Trong văn hóa Phương Đông, con rắn được xem là hiện thân của sự khôn ngoan, linh hoạt và kiên nhẫn. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu dạy phải khôn ngoan như con rắn (x. Mt 10,16), có nghĩa là phải khôn khéo, linh hoạt và kiên nhẫn trong việc sống đức tin, rao giảng Tin mừng, tìm kiếm sự thiện, sự thật, chống lại cái ác, chứ không phải bắt chước sự gian dối, lừa đảo, quỷ quyệt của con rắn. Mong rằng trong năm nay, mỗi người cố gắng sống đẹp lòng Chúa, xa tránh những cám dỗ nguy hại của loài rắn khi nhìn trái táo.
Pierre Debergé, L’amour et la Sexualité dans la Bible, Racines nouvelle cité, Paris 2001.
Lm. Nguyễn Công Vinh, Tình yêu Hôn Nhân, NXB. Phương Đông, 2009.
Forbidden fruit là hình ảnh tượng trưng sự thèm muốn điều gì đó mê hoặc là kết quả của sự biết rằng không thể hoặc không nên đạt đươc hay điều ai đó muốn nhưng không thể có.
Hubert và Jan van Eyck (1432)
Defende Ferrari (1520-25).
Peter Paul Rubens (1628-29).
Trong bài này cứ tạm gọi trái cấm là trái táo nha.
BBC News tiếng Việt ngày 13/11/2024 (Chilê) và ngày 12/12/24 (New Zealand)