Kinh Mười Điều Răn có câu kết: “Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà nhớ: Trước kính mến một Thiên Chúa trên hết mọi sự; Sau lại yêu người như mình ta vậy.Amen“.
Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc trao đổi giữa nhóm tiến sĩ luật và Chúa Giêsu về hai điều răn trong Cựu Ước như sau:
Khi một người thông luật hỏi Chúa Giêsu: “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?”. Chúa Giêsu trả lời: “Giới răn quan trọng nhất chính là: Thiên Chúa chúng ta là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn ấy”. Ông kinh sư hoàn toàn đồng ý với Người và còn thêm lời bình: “Đó là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”. Chúa Giêsu được một lần sảng khoái vì gặp một ông kinh sư thân thiện với mình, Người khích lệ: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!”. Tại sao lại không còn xa? Bởi vì, Nước Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu đang ở trước mặt ông!
Chúa Giêsu kết hợp hai điều răn trong Cựu Ước (Đnl 6,4-5 và Lv 19,18) thành một điều răn duy nhất là Yêu Thương. Chúa Giêsu đã nối kết giới răn mến Chúa trong kinh Shema ở sách Đệ nhị luật với giới răn yêu thương người thân cận trong sách Lêvi.Cái độc đáo trong câu trả lời của Chúa Giêsu chính là sự liên kết chặt chẽ hai giới luật này với nhau.
“Mến Chúa, yêu người” là nét độc đáo nhất của Kitô giáo. Hai giới luật tạo thành một toàn thể bất khả phân ly và là hai nguyên lý nền tảng của tất cả đạo đức học. Tin Mừng của Chúa Giêsu muốn loan truyền đến mọi người là tình yêu thương. Khi công bố giới luật yêu thương, Chúa Giêsu cũng nêu gương thực hiện giới luật ấy để chúng ta thấy sáng lên tình yêu cứu độ và gặp được những điểm nhấn mà bắt chước thực hành.
1. Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.
Thiên Chúa là chủ tể trời đất. Ngài dựng nên muôn loài muôn vật. Ngài là nguồn mạch sự sống và là cùng đích của muôn loài muôn vật.
Thiên Chúa là Cha yêu thương tất cả con cái. Cho nên người tín hữu yêu mến Ngài trên hết mọi sự. Thiên Chúa là quan trọng nhất của con người.
Thực tế ở đời có rất nhiều điều quan trọng, tuỳ ở hoàn cảnh và tuỳ ở từng người. Nhưng nếu điều gì cũng quan trọng nhất thì cuối cùng chẳng có gì là nhất cả, mọi sự đều tương đối. Mọi sự đều tương đối, nhưng mọi sự đều quan trọng, kể cả niềm tin tôn giáo, kể cả Chúa. Đó là não trạng của con người thời nay, là cám dỗ của thời đại.
Người tin Chúa và theo Chúa, cũng có người nghĩ như vậy: tiền quan trọng, mà Chúa cũng quan trọng. Có những người khá hơn, trên lý thuyết vẫn cho Chúa là quan trọng nhất, nhưng trong thực tế có những lúc tiền bạc, tình yêu và thành công ở đời cũng quan trọng như Chúa.
Nhiều người nghĩ rằng ở thế gian này không có gì là duy nhất, kể cả những điều loài người thường cho là cao quý như là chân thiện mỹ chẳng hạn. Có những điều đối với người này là chân lý, đối với người kia lại là sai lầm; đối với người này là tốt, đối người kia là không; đối với một số người là đẹp, đối với những người khác là xấu. Không có gì tuyệt đối ở trần gian. Cám dỗ tương đối hoá mọi sự là cám dỗ lớn nhất của thời đại chúng ta. Cám dỗ này rất nguy hiểm. Dễ sa ngã vì con người không muốn bị ràng buộc và hướng chiều về hưởng thụ.
Thế gian không có gì là duy nhất, không có gì là tuyệt đối.
Thiên Chúa là Siêu Việt, là Vĩnh Hằng. Mọi sự đều qua đi. Chỉ có Chúa mới là quan trọng nhất, chỉ có Chúa mới là Tuyệt Đối. Do đó chúng ta được mời gọi yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực của mình.
Chúa Giêsu đã lập lại lời kêu gọi đó, khi trả lời cho người thông luật muốn hỏi trong các giới răn điều nào quan trọng nhất. Yêu mến Thiên Chúa là điều quan trọng nhất.
2. Yêu tha nhân như chính mình.
Thiên Chúa là Đấng vô hình vô ảnh ta không thấy được. Ta nói yêu mến Thiên Chúa, điều đó khó mà kiểm chứng được. Nên Thiên Chúa đã ràng buộc điều răn mến Chúa vào điều răn yêu người. Yêu Chúa thì phải yêu tha nhân. Yêu tha nhân là bằng chứng yêu mến Chúa. Còn hơn thế nữa, yêu tha nhân chính là yêu Chúa. Vì Chúa đã tự đồng hóa với con người, với những người bé nhỏ nhất trong xã hội. Điều này chính Chúa Giêsu đã công khai minh định: “Ta bảo thật, mỗi lần các ngươi giúp đỡ một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Thành ra hai giới răn chỉ là một. Đó chỉ là hai khía cạnh của cùng một giới răn.Thánh Gioan quả quyết: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là một kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, Ðấng mà họ không thấy” (1Ga 4,20); “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn ở trong bóng tối”(1Ga 2,9).
Đối với Chúa Giêsu, tình yêu là giới răn đứng hàng đầu trong các giới răn. Mọi lề luật đều phải hướng đến tình yêu. Ai chu toàn tình yêu là chu toàn lề luật.
Lề luật của Chúa thật nhẹ nhàng vì lề luật chính là tình yêu. Nếu yêu mến Chúa và yêu mến anh em, ta sẽ thấy việc giữ luật không còn gì khó khăn nữa. Tình yêu sẽ làm cho ta cảm nếm sự ngọt ngào trong việc tuân giữ lề luật.
Lề luật của Chúa cô đọng trong một thái độ là yêu mến.Giữ luật mà quên yêu mến có thể dẫn đến óc nệ luật.Giữ luật phải trở nên phương thế để bày tỏ tình yêu. Vì “Yêu mến là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).
3. Việc làm của Đức tin là Đức ái.
Thánh Giacôbê nói một câu bất hủ: “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). “Việc làm” mà Thánh Tông Đồ nói đến là thực hành bác ái. Thánh Phaolô ca ngợi đức mến: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng,chũm chọe xoang xoảng” (1Cr 13,1).
Đức tin và Đức mến liên hệ mật thiết với nhau.
Đức tin không có đức mến thì không mang lại thành quả và đức mến không có đức tin thì sẽ là một tình cảm luôn tùy thuộc sự nghi ngờ. Đức tin và đức mến cần có nhau, đức này giúp đức kia thực hiện hành trình của mình. Có nhiều Kitô hữu yêu thương tận tụy dành cuộc đời phục vụ những người lẻ loi, bị gạt ra ngoài lề hoặc bị loại trừ, coi họ như những người đầu tiên cần đi tới và như người quan trọng nhất cần được nâng đỡ, vì chính nơi người ấy có phản ánh khuôn mặt của Chúa Kitô. Nhờ đức tin, chúng ta có thể nhận ra tôn nhan Chúa phục sinh nơi những người đang xin tình thương của chúng ta. “Tất cả những gì các con đã làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, tức là các con đã làm cho Thầy” (Mt 25,40) : những lời này là một lời cảnh giác không nên quên, và là một lời mời gọi trường kỳ hãy đáp trả tình yêu mà Chúa đã chăm sóc chúng ta. Đó là đức tin giúp nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu Chúa thúc đẩy cứu giúp Chúa mỗi khi Ngài trở thành người thân cận của chúng ta trong cuộc sống. Được đức tin nâng đỡ, chúng ta hy vọng hướng nhìn sự dấn thân của chúng ta trong thế giới, trong khi chờ đợi “trời mới đất mới, trong đó có công lý cư ngụ” (2 Pr 3,13 ; x. Kh 21,1). (x.Porta Fidei, Số 14).
Thư Mục Vụ Năm Đức Tin HĐGMVN nói về mối liên hệ đức tin và đức mến: Cách riêng, trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, đức tin của người Công giáo cần được thể hiện qua việc thực thi bác ái. Đức Tin và Đức Mến cần đến nhau và hỗ trợ cho nhau: “Chính đức Tin giúp chúng ta nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu Chúa thôi thúc chúng ta chạy đến phục vụ Chúa mỗi khi Người trở thành người thân cận của chúng ta trên nẻo đường cuộc sống”. Được Lời Chúa soi sáng và tình yêu Chúa thấm nhập trong suy nghĩ cũng như hành động, chúng ta sẽ trở nên những chứng tá đáng tin trong xã hội ngày nay. (Số 7).
Dưới ánh sáng Lời Chúa Giêsu, tình yêu là mực thước đức tin, và đức tin là linh hồn của tình yêu. Chúng ta không còn có thể tách biệt đời sống tôn giáo ra khỏi việc phục vụ anh em, những người anh em cụ thể mà chúng ta gặp. Chúng ta không còn có thể tách biệt kinh nguyện, cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong các bí tích, khỏi sự lắng nghe tha nhân, gần gũi cuộc sống của họ, nhất là những vết thương của họ.
Luật mới của Chúa Giêsu chính là mức độ hoàn hảo nhất của Mười Điều Răn. Đoạn cuối của kinh Mười Điều Răn: “Mười điều răn ấy tóm về hai nầy mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen.”
Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con: mến Chúa yêu người là điều răn quan trọng nhất, xin cho con biết sống và liên lỉ thực hành giới răn này trong đời sống thường ngày của con.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn