1. Vụ Đức Hồng Y Becciu trở nên trầm trọng hơn

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, trích dẫn các phương tiện truyền thông tại Ý cho biết doanh nhân người Ý Gianluigi Torzi đã cung cấp thông tin chi tiết cho các nhà điều tra về vụ bê bối tài chính đang diễn ra ở Vatican. Tin tức về sự hợp tác của Torzi với các công tố viên được đưa ra sau khi Đức Hồng Y Angelo Becciu từ chức vào tuần trước; và có thông báo của Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm một công tố viên mới để đẩy nhanh tiến trình làm rõ vụ tai tiếng này. Đồng thời, Đức Hồng Y George Pell, nguyên tổng trưởng Bộ Kinh Tế Tòa Thánh đã về tới Rôma. Nhiệm vụ của ngài được tường thuật là để tham gia vào vụ án này.

Torzi đã bị các nhà điều tra của Vatican bắt giữ vào tháng 6 và bị buộc tội “tống tiền, tham ô, gian lận trầm trọng và tự rửa tiền”, liên quan can dự của anh ta trong vụ này.

Theo tờ La Repubblica, sau khi bị bắt, Torzi đã bỏ ra ba ngày với các nhà chức trách Vatican, hướng dẫn họ qua các chi tiết của vụ việc, và các nhà chức trách Ý hiện đang hỗ trợ Vatican theo dõi đường đi của hàng trăm triệu euro tiền quỹ của Vatican.

Hôm thứ Hai, Tòa thánh cũng thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm một luật sư người Ý và là giáo sư luật thương mại làm công tố viên bổ sung tại tòa án của quốc gia Thành Vatican. Điều này dường như là một tiên báo cho thấy Hồng Y Becciu và một số đồng nghiệp cũ của ngài tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh có thể bị truy tố hình sự trong Thành phố Vatican.

Cùng ngày, trang tin Domani của Ý đưa tin rằng một công ty sản xuất bia do anh trai của Đức Hồng Y Becciu làm chủ đã nhận được một khoản vay 1.5 triệu euro từ một doanh nhân ở Phi châu có liên hệ với Hồng Y Becciu và Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Khoản vay được thực hiện bởi doanh nhân người Angola là Antonio Mosquito, một người quen lâu năm của Hồng Y Becciu, khi ngài còn là sứ thần Tòa thánh tại quốc gia Phi châu từ năm 2001 đến 2009.

Vào năm 2012, sau khi chuyển đến Rôma với tư cách là Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Becciu đã tham gia vào việc xem xét một khoản đầu tư được báo cáo là lên đến 200 triệu đô la vào công ty Falcon Oil của Mosquito.

Sau khi xem xét thương vụ này trong một năm, Phủ Quốc Vụ Khanh đã chọn đầu tư với doanh nhân người Ý Raffaele Mincione để mua một tòa nhà ở London gây ra nhiều tranh cãi, dẫn đến cuộc điều tra hiện tại.

Ông Mario Becciu nói với tờ Domani rằng số tiền này nhằm giúp đỡ trẻ em mắc chứng tự kỷ.

Ngoài vụ bắt giữ Torzi vào tháng 6, cảnh sát Ý đã tống đạt lệnh khám xét và bắt giữ Mincione vào tháng 7, được ban hành theo yêu cầu của các công tố viên Vatican. Các điều tra viên đã lấy đi điện thoại di động và máy tính bảng để khám nghiệm liên quan đến vụ án. Mincione đã nhiều lần phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào, và đầu năm nay đã đệ đơn kiện Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh lên tòa án Vương quốc Anh, yêu cầu một thẩm phán ra phán quyết rằng anh ta đã hành động rất thiện chí trong các giao dịch của mình với Vatican.

Hôm thứ Hai, luật sư của gia đình Hồng Y Becciu, là ông Ivano Iai, đã đưa ra một tuyên bố với giới truyền thông nói rằng họ đã nộp đơn khiếu nại chính thức về việc “vu khống và bôi nhọ trầm trọng” gia đình họ và “rò rỉ bất hợp pháp thông tin và tài liệu bí mật” cho truyền thông. Thông cáo không nêu rõ phương tiện truyền thông nào, hoặc khiếu nại đã được gửi đến ai.

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, Ivano Iai tuyên bố rút lui không làm luật sư cho gia đình Đức Hồng Y Becciu nữa.

Theo lời Ivano Iai, anh ta là người tập thể hình và thường đưa các hình ảnh của mình trong quần áo tắm lên các mạng xã hội. Anh ta sợ điều này sẽ có ảnh hưởng đến Đức Hồng Y Becciu.

Trong một tuyên bố gởi cho CNA, anh ta viết:

“Với nỗi buồn lớn, tôi thông báo rằng tôi đã từ bỏ nhiệm vụ mà gia đình Becciu đã trao cho tôi, những người đã tôn vinh tôi bằng sự tin tưởng và tình cảm hiếm có của họ.”

Kể từ tháng 10, các nhà điều tra ở Thành phố Vatican đã tiến hành nhiều cuộc đột kích vào các bộ phận khác nhau của Vatican liên quan đến thương vụ bất động sản ở London và các khoản đầu tư có liên quan. Các nhà điều tra đã đột kích các văn phòng của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và AIF, cơ quan giám sát tài chính của Vatican, thu giữ máy tính và điện thoại, dẫn đến việc đình chỉ một số nhân viên.

Sau những cuộc đột kích đó, các nhà điều tra cũng đột kích vào nhà và văn phòng của Đức Ông Alberto Perlasca, là người đã làm việc chặt chẽ với Hồng Y Becciu tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.


Source:Catholic News AgencyCardinal Becciu allegations mount as Vatican appoints new prosecutor
2. Việc Đức Hồng Y Becciu từ bỏ các đặc quyền liên quan đến tước hiệu Hồng Y có ý nghĩa gì?

Tối thứ Năm 24 tháng 9, Tòa thánh thông báo rằng Đức Hồng Y Angelo Becciu đã từ bỏ các đặc quyền dành cho các thành viên của Hồng Y Đoàn. Thông báo vắn tắt này không nói rõ vị Hồng Y đã mất những quyền nào.

Việc xem xét các trường hợp trước đây của các Hồng Y đã từ bỏ các đặc quyền liên quan đến tước hiệu Hồng Y có thể đưa ra một số ý tưởng về ý nghĩa của điều này trong trường hợp của Đức Hồng Y Becciu, người đang bị cáo buộc có các sơ suất về tài chính, mà ngài đã quyết liệt phủ nhận trong một cuộc họp báo ngày 25 tháng 9.

Năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận một sự từ bỏ tương tự từ Hồng Y Keith O'Brien người Tô Cách Lan. Vào năm 2013, Đức Hồng Y O'Brien đã thừa nhận hành vi sai trái tình dục. Do đó, ngài không tham dự các sự kiện công cộng của Giáo hội và không đủ điều kiện tham gia mật nghị bầu giáo hoàng.

Vào thời điểm đó, Đức Hồng Y Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y Đoàn, giải thích rằng Đức Hồng Y O'Brien đã từ bỏ các quyền và đặc quyền được nêu trong các điều 349, 353 và 356 của Bộ Giáo luật Giáo Hội Công Giáo.

Các giáo luật này liên quan đến khả năng của một vị Hồng Y được tham gia mật nghị bầu Giáo Hoàng, và cộng tác với Đức Giáo Hoàng trong việc cai quản Giáo Hội.

Các quyền được mô tả trong Điều 349 bao gồm việc tham gia bầu Giáo Hoàng với tư cách là cử tri Hồng Y và hỗ trợ vị Giáo Hoàng đương nhiệm trong công việc chăm sóc Giáo hội hoàn vũ.

Giáo luật 353 đề cập đến khả năng của một Hồng Y trong việc tham gia vào các công nghị thông thường và ngoại thường.

Công nghị là một hội đồng các Hồng Y được triệu tập khi Đức Giáo Hoàng cần lời khuyên của các Hồng Y về một số vấn đề quan trọng, hoặc để đưa ra quyết định của ngài một cách trang trọng. Công nghị Hồng Y thường liên quan đến việc vinh thăng các Hồng Y mới. Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng công nghị Hồng Y như một loại ban cố vấn về các vấn đề cốt lõi, tổ chức các cuộc họp đặc biệt về các vấn đề của gia đình và cải cách giáo triều Rôma.

Cuối cùng, Giáo luật 356 tuyên bố rằng các Hồng Y nhất định phải tích cực cộng tác với Đức Giáo Hoàng, yêu cầu các ngài phải sống ở Rôma trừ khi các ngài được bổ nhiệm giữ chức vụ giám mục giáo phận.

Cần lưu ý rằng khi Theodore McCarrick từ chức Hồng Y Đoàn vào ngày 28 tháng 7 năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã đình chỉ McCarrick khỏi việc thi hành bất kỳ mục vụ công khai nào và hướng dẫn ông ta tuân thủ đời sống cầu nguyện và sám hối, vì những cáo buộc nghiêm trọng về lạm dụng chống lại ông ta.

Đức Hồng Y O'Brien, cho đến khi qua đời vào năm 2018, đã sống trong những điều kiện tương tự như những điều kiện áp đặt đối với McCarrick, vị giám chức người Tô Cách Lan này vẫn được phép giữ danh hiệu Hồng Y của mình.

Trong trường hợp của McCarrick, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một vạ, theo điều 1333 của Bộ Giáo luật, cấm ông không được thực hiện các hành vi thuộc quyền thánh chức;

thuộc quyền lãnh đạo; các quyền lợi hay nghĩa vụ gắn liền với tước vị Hồng Y. Sau đó, ngày 16 tháng 2, 2019 Tòa Thánh tuyên bố McCarrick bị huyền chức trở thành một giáo dân bình thường.


Source:Catholic News Agency
What does it mean for Becciu to lose his rights as a cardinal?