Như chúng tôi đã loan tin, trước tình trạng dịch bệnh coronavirus lây lan kinh hoàng hơn 1 triệu người bị nhiễm bệnh và hơn 53,000 người thiệt mạng, các Giám Mục Mễ Tây Cơ đã kêu gọi các tín hữu cử hành ngày Toàn Quốc Thống Hối vào ngày thứ Sáu 3 tháng Tư, tức là thứ Sáu trước Lễ Lá, thường được gọi là “Ngày Thứ Sáu Sầu Bi” theo truyền thống tại quốc gia này.

Trong ngày Toàn Quốc Thống Hối này, các Giám Mục kêu gọi anh chị em ăn chay, thống hối và cầu nguyện xin cho đại dịch sớm chấm dứt.

Tại Ý, cũng có truyền thống cử hành Thứ Sáu kính Đức Mẹ Sầu Bi. Trong đoạn video này quý vị và anh chị em có thể thấy Đức Cha Enrico Solmi, Giám Mục Parma đang cầu nguyện vào lúc 12 giờ trưa ngày thứ Sáu 3 tháng Tư, trước bức tượng Đức Mẹ được đặt ở mặt tiền của tòa thị chính Parma. Thành phố Parma, cách Rôma 458km về phía Tây Bắc, là một thành phố miền Emilia-Romagna. Kế bên bức tượng Đức Mẹ có đặt vài cành ô liu và hoa hồng trắng tượng trưng cho niềm tin rằng Đức Mẹ sẽ giúp nước Ý chiến thắng dịch bệnh này.

Thiệt hại về nhân mạng của Emilia-Romagna chỉ sau miền Lombardy.

“Xin Đức Mẹ cứu chúng con khỏi dịch bệnh này”. Đức Cha Enrico kêu cầu trước bức ảnh Đức Mẹ đầu đội vương miện, là tác phẩm của nhà điêu khắc Jean Baptiste Boudard. Trên vương miện có hàng chữ “Hostis turetur quia Parmam virgo tuetur”, nghĩa là kẻ thù đang run rẩy vì Đức Trinh Nữ bảo vệ Parma

Bên cạnh Đức Cha Enrico là ông Alessandro Tassi Carboni, chủ tịch hội đồng thành phố và thị trưởng Federico Pizzarotti.

Đức Thánh Cha dâng lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi

Lúc 7 sáng thứ Sáu 3 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho những ai đang giúp giải quyết những vấn nạn gây ra bởi dịch bệnh coronavirus bao gồm thất nghiệp, bần cùng và đói khát. Ngài cầu nguyện cho tất cả những người đang quảng đại giúp đỡ trong ngày hôm nay, nhưng cũng nghĩ đến tương lai.

Mở đầu thánh lễ thứ Sáu tuần Thứ Năm Mùa Chay, thường được gọi là Thứ Sáu Kính Đức Mẹ Sầu Bi, Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho tất cả những người đang quảng đại giúp đỡ giải quyết những vấn nạn gây ra bởi dịch bệnh ngày hôm nay, đồng thời họ cũng nghĩ đến tương lai, để giúp tất cả chúng ta. Hôm nay, sẽ thật là tốt khi chúng ta nghĩ về những nỗi buồn của Đức Mẹ và cảm ơn Đức Maria vì đã chấp nhận làm Mẹ.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Lòng sùng kính của các Kitô hữu theo dòng thời gian đã thu thập những nỗi buồn của Đức Mẹ thành “Bảy sự sầu bi”.

Đầu tiên, là chỉ sau 40 ngày sau khi Chúa Giêsu chào đời, Ông Simeon đã nói tiên tri về một thanh kiếm sẽ đâm vào trái tim Mẹ.

Sau đó, là cuộc chạy trốn sang Ai Cập để cứu mạng con khỏi tay vua Hêrôđê.

Nỗi buồn thứ ba là Chúa Giêsu ở lại trong Đền thờ, mà Đức Mẹ tìm kiếm Người ba ngày. Khi Đức Mẹ đem Con đi lễ đền thờ thành Giêrusalem, mà khi về lạc mất Con, thì Đức Mẹ những thức thâu đêm than thở khóc lóc, và lo buồn đau đớn.

Kế tiếp là khi Đức Mẹ gặp Đức Chúa Giêsu đang vác cây Thánh giá lên núi Calvariô. Chúa ngã xuống đất nhiều lần, mà quân dữ đạp dậy, giục đi cho chóng

Nỗi buồn thứ năm, khi Đức Mẹ thấy Con treo trên cây Thánh giá phán ra bảy lời, như trối trăn cùng Mẹ, đoạn thì gục đầu xuống từ giã Đức Mẹ mà sinh thì.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng trong nỗi buồn thứ sáu và thứ bảy, Đức Maria tiếp tục đồng hành cùng Chúa Giêsu khi được đưa xuống khỏi Thập giá và sau đó được táng xác trong mồ.

Thật là tốt cho chúng ta, nếu vào cuối mỗi buổi tối, sau khi đọc kinh Truyền Tin, chúng ta nhớ đến bảy nỗi buồn này như một sự tưởng nhớ đến Mẹ của Giáo hội, là đấng, với rất nhiều nỗi đau, đã sinh ra tất cả chúng ta.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Đức Mẹ không bao giờ yêu cầu bất cứ điều gì cho riêng mình. Mẹ chỉ đồng ý làm mẹ. Mẹ đi cùng với Chúa Giêsu như một môn đệ, vì Tin Mừng cho thấy Mẹ đi theo Chúa Giêsu: cùng với những người bạn, những người phụ nữ ngoan đạo, Mẹ đã theo Chúa Giêsu, Mẹ lắng nghe Chúa Giêsu.

Trước tình cảnh đáng sợ trên khắp thế giới vì dịch bệnh coronavirus, Đức Thánh Cha đã mời gọi chúng ta tôn vinh Đức Mẹ và nói với lòng tín thác rằng ‘Đây là Mẹ con’, vì Mẹ là một người mẹ. Và tước hiệu này Mẹ nhận được từ Chúa Giêsu, ngay dưới chân Thánh giá, nghĩa là ngay trong thời khắc kinh hoàng và đau đớn nhất.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói: Đức Mẹ không muốn lấy đi bất kỳ danh hiệu nào từ Chúa Giêsu. Mẹ đã nhận được ân sủng trở thành Mẹ của Ngài và nghĩa vụ đồng hành với chúng ta như một người mẹ, Mẹ là mẹ của chúng ta. Mẹ không yêu cầu mình trở thành đấng đồng công chuộc tội hay đồng cứu độ: không. Đấng Cứu Độ là duy nhất.
 
Source:Vatican NewsPope prays for those helping to solve problems caused by Covid-19