Ngày 09/03: Thánh Phanxica Rôma - nữ tu (1384 - 1440)

Thứ hai - 11/03/2019 06:24

Phanxica thuộc vào một gia đình quí tộc ở Bussi de Leoni. Nhưng Ngài đã sinh ra và sống ở Roma. Từ lúc 6 tuổi Ngài đã thực hành sám hối, muốn vào tu lúc 11 tuổi. Cha Ngài thấy đây chỉ là tưởng tượng của con nít và năm sau đã gả Ngài cho lãnh Chúa trẻ trung Lorenzo di Ponziani. Người vợ trẻ sẽ dẫn đắt chồng mình theo đường trọn lành.

Phanxica một thánh nữ tươi đẹp. Sống giữa xã hội hào nhoáng Ngài tỏ ra rất hòa nhã dịu dàng. Ngài giữ kín những khổ hạnh của mình. Có ai biết rằng: áo nhặm dưới y phục lộng lẫy của Ngài đã làm Ngài mang thương tích. Ngài dậy sớm để giờ cầu nguyện khỏi bị ngăn trở, Varozza, người em dâu, cùng chia sẻ lý tưởng bác ái với Ngài. Hai người cùng hồi tâm trong một cái hang ở cuối vườn. Họ phục vụ các bệnh nhân tại nhà thương và giúp đỡ những người cùng khốn. Bà mẹ chồng nặng tinh thần thế tục thấy thế nên giận dữ. Nhưng con bà, người chồng trẻ đã trả lời:
  - Sao lại trách họ vì những thói quen đạo đức ấy? Vả lại thói quen ấy có ngăn trở gì tới việc bổn phận của họ đâu?

Thực vậy, Phanxica luôn sẵn sàng bỏ mọi sự để các bổn phận của một quản gia khỏi bị suy suyển gì. Một mẫu chuyện cho thấy Thiên Chúa chúc lành cho Ngài như thế nào. Phanxica đang cầu nguyện. Người ta tới kêu. Ngài mau mắn bỏ sách đó và trở lại sau khi phục vụ xong. Lần thứ nhất, lần thứ hai... bốn lần liên tiếp như vậy, Ngài đều bình thản bỏ dở việc cầu nguyện. Lần thứ năm Ngài trở lại và thấy sách kinh có dòng chữ vàng. Người ta không hề giã từ Chúa khi phục vụ tha nhân và hiến mình phục vụ cũng là cầu nguyện.

Cha giải tội và nhà chép sử thánh Phanxica cho biết tình trạng được ơn thần bí của thánh nữ. Thiên thần của Ngài chiếu tỏa một ánh sáng để chỉ cho Ngài biết Thiên Chúa thỏa lòng đối với Ngài. Cũng thế, dù khi lỗi nhẹ, thiên thần liền đánh vào Ngài và thánh nữ tạ ơn Thiên Chúa đã giữ cho mình khỏi rơi vào mưu chước quỉ ma. Với thiên thần, Ngài nên mạnh mẽ. Một lần có sức mạnh quỉ ma đẩy Ngài xuống sông Tibre, thiên thần cứu Ngài lên bờ.

Sau khi mẹ chồng qua đời, người thiếu phụ nắm quyền quản trị nhà họ Ponziani. Ngài coi gia nhân như anh chị em được gọi để chia sẻ nước Thiên Chúa với Ngài, nếu họ ngã bệnh Ngài tận tâm săn sóc họ. Vào thời đói kém, khi đã cho hết những gì thuộc quyền mình, Ngài ăn xin để giúp đỡ người thiếu thốn, ngày kia, Ngài gọi Varozza lên kho lẫm thu lúa mì còn sót lại trong rơm. Lorenzo theo họ lên coi, đã thấy đống lúa vàng thay vì rơm rạ, một phép lạ xảy ra tương tự tại một thùng rượu không. Đầy thán phục, Lorenzo đã để cho người vợ thánh thiện được tự do xếp đặt cuộc sống mình. Thế là Phanxica bán mọi thứ sang trọng, và chỉ mặc y phục khiêm tốn, lại còn hãm mình nghiêm ngặt hơn.

Khi chiến đấu cho Đức Thánh Cha, Lorenzo bị trọng thương và được mang về nhà khi đang hấp hối. Thánh nữ đã thành công trong việc làm cho ông sống lại. Faluzzô, em Ngài, bị bắt tù, người ta cho Ngài biết phải nộp con trưởng Gioan Tẩy giả của Ngài làm con tin, nếu không Paluzzô sẽ bị giết chết. Phanxica hoảng hốt đem con đi giấu. Nhưng Don Antoniô là cha giải tội chặn đường lại nói:
  - Con làm gì thế? Hãy đưa đứa con cho người đòi nó.

Phanxica vâng lời để cứu em chồng, rồi vào nhà thờ quì khóc trước tượng Đức Trinh Nữ. Còn đang cầu nguyện thì viên sĩ quan địch mang đứa bé trả lại, vì ngựa ông không chịu đi.

Tiếp đến là những biến cố thảm khốc. Roma bị xâm chiếm và bị cướp phá. Lorenzzô phải trốn đi để lại trách nhiệm cho vợ mình, Phanxica ở lại, với hai con Evangêlista và Anê. Cơn dịch xẩy ra, Evangêlista ngã bệnh, lúc chết cậu nói với mẹ:
  - Mẹ đừng khóc, con sẽ được hạnh phúc vì này Thiên thần đến tìm con.

Một đêm kia Ngài cầu nguyện và thấy người con hiện ra báo tin mình đang ở giữa các Thiên thần và cho biết mình sẽ đến tìm đứa em gái, cho nó chia sẻ hạnh phúc. Một niềm vui siêu nhiên hòa lẫn với các đớn đau loài người. Ngài ngã bệnh và các thị kíến về hỏa ngục làm Ngài thêm khổ cực. An bình trở lại Roma. Lorenzô trở về chứng kiến những tang tóc và cướp phá. Phanxica đau đớn trong lòng, nhưng vẫn tìm lời trấn an đầy tha thứ. Ngài hòa giải thù địch với người chồng chỉ còn biết sống để chia sẻ bước tiến thiêng liêng của vợ mình.

Phanxica cũng lôi kéo các phụ nữ Roma vào việc giúp đỡ cho những tình cảnh khốn khổ do chiến tranh để lại. Ngài tụ họp vào một nhà những bà cùng một lý tưởng bác ái và khổ hạnh. Đây là thời đầu của dòng những người tận hiến cho Đức Maria. Gọi như thế vì khi tự hiến họ dùng từ ngữ: “Con hiến mình” thay vì tuyên đọc lời khấn. Trong số những cuộc trở lại Phanxica tạo được, có cuộc trở lại của vợ của Gioan Tẩy giả, con Ngài.

Sau bốn năm hoà hiệp, Phanxica mất chồng. Ngài tới quì trước cửa tu viện mình đã thiết lập. Đi chân không. đeo giây vào cổ, Ngài xin nhập dòng.

Gioan Tẩy giả ngã bệnh, Phanxica bỏ dòng về thăm, Ngài đã bị lên cơn sốt và đã qua đời chính tại nhà mình. Các nữ tu vây quanh Ngài để nghe những lời khuyên cao cả:

  - Hãy trung tín đến chết, Satan sẽ tấn công các chị như đã tấn công tôi. Nhưng không thử thách nào quá độc dữ nếu các chị trung thành với Chúa Giêsu.

Nói lời cuối cùng xong, cửa trời mở ra, thiên thần của Ngài ra dấu kêu gọi Ngài theo.

Ðức Giáo Hoàng Phaolô V đã tôn ngài lên bậc Hiển Thánh năm 1608.

Thánh Phanxica được chọn làm thánh bảo trợ của các phụ nữ đã lập gia đình và ở nên góa bụa.

Đọc thêm:


1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

march 09 st frances of romeThánh nữ Francoise (Francesca di Bussi di Leoni) được gọi là người Rôma hay là người “rất Rôma trong số các vị thánh”, chỉ vì Bà được sinh ra trong một gia đình quí tộc Rôma và sống suốt đời tại đây, vào lúc Giáo Hội Đông Phương ly khai khỏi Giáo Hội Tây Phương (1378-1417) và bệnh dịch tàn phá thành phố vào năm 1413-1414.

Được rửa tội và thêm sức tại đại thánh đường Saint-Agnès, kết hôn vào lúc 13 tuổi với quận công Lorenzo Ponziani, có được 3 người con. Francoise sống với chồng 37 năm, cho đến lúc ông qua đời. Bà thật là một mẫu gương làm vợ và làm mẹ.

Dù rất tất bật trong gia đình, Francoise cùng với chị dâu và cũng là bạn Vanozza, thích cầu nguyện, thực hành sám hối, viếng nhà thờ và các nhà thương, để chăm sóc người nghèo và bệnh nhân. Theo Hạnh thánh, Bà luôn làm sự lành để đối lại sự ác, luôn tạo việc thiện cho những người nói xấu, phê bình và chăm chít đời sống của Bà.

Khi chồng qua đời, Francoise bỏ lâu đài Transtévère để chia sẻ đời sống với các Người “Tận hiến cho Đức Maria – Oblates de Marie” mà Bà tập họp lại, theo luật Dòng thánh Bênêđicto, trong nhà Tor de’ Specchi tại Rôma. Các Bà đạo đức này sống cuộc đời khổ hạnh và phục vụ các công việc bác ái.

Được Thiên Chúa ban cho nhiều hồng ân đặc biệt, ngất trí và thị kiến, Francoise sống rất mật thiết với Thiên thần giữ mình của Bà. Bà qua đời ngày 09.03.1440 khi đến nhà người con Battista đang đau. Những lời cuối cùng Bà nói với những người con tinh thần của Bà: “Hãy trung thành cho đến lúc chết. Satan sẽ tấn công các chị cũng như đã tấn công tôi, nhưng không có thử thách nào dữ tợn cả, nếu chúng ta trung thành với Chúa Kitô.”

Được phong thánh vào năm 1608, Bà được chọn làm thánh quan thầy của các Bà đã lập gia đình, các Bà goá và các người lái xe. Mỹ thuật trình bày Bà cùng với Thiên thần giữ mình và mang một thúng thực phẩm.

2. Thông điệp và tính thời sự

Người Rôma rất kính trọng thánh nữ Francoise vì đã có “một đời sống gương mẫu trong hôn nhân, sau đó là đời sống của một nữ tu”; vì thế chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta theo gương thánh nữ Francoise, trung thành phục vụ “trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.”

a. Trong đời sống hôn nhân và gia đình, Francoise đã biết những thử thách: cái chết của 2 người con còn nhỏ, lâu đài bị cướp phá và mất của cải, chồng bị thương nặng và bị lưu đày, con trai bị bắt làm con tin...Dù vậy, Bà không bị lay chuyển, luôn trung thành với chồng, Bà đã đáp ơn gọi làm vợ và làm mẹ một cách trung thành như trong các công tác bác ái giữa một thành phố bị chiến tranh và ghẻ chóc thử thách. Ngay trong lâu đài bị cướp phá, Bà lập một nhà thương, và khi tài sản không còn nữa, Bà đi ăn xin để giúp người nghèo và bệnh nhân.

b. Sự phong phú nội tâm thúc đẩy Bà đến với kẻ khác, và đồng thời rất nhiều người được lôi kéo đến với Bà.

Hạnh sử thánh Francoise Romaine được Phụng Vụ Giờ Kinh trích dẫn có ghi:

“Thiên Chúa không chọn Bà để Bà trở thành một vị thánh cho chính mình, nhưng để Bà phục vụ cho những ân sủng mà Thiên Chúa ban cho Bà, để cứu giúp tinh thần và thể xác người đồng loại.”

- “Thiên Chúa đã gia ân cho thánh nữ Francoise với một sự dễ thương mà mọi người khi tiếp xúc với Bà, có thể cảm nghiệm tình yêu của Bà và sẵn sàng theo lời chỉ dẫn của Bà.”

Tinh thần bác ái là động lực cho thánh nữ, thúc đẩy Bà đi tìm các bệnh nhân đem về nhà mình hay đến các nhà thương: “Bà làm giảm cơn khát, dọn giường, băng bó các vết thương cho họ...”

- Thánh nữ lo lắng việc chăm sóc tinh thần của bệnh nhân. Người ta thấy Bà đi tìm các linh mục và dẫn các ngài đến với bệnh nhân đã được chuẩn bị để lãnh nhận các bí tích sám hối và Thánh Thể.

c. Sứ điệp của thánh nữ Francoise đưa đến cho mọi người hôm nay, có thể tóm lại trong câu đáp của Phụng Vụ Giờ Kinh:

- Chỉ có tình yêu mới có những hoa trái công chính.

- Hãy để cho tình yêu theo đuổi trong anh em những công trình của nó.

- Hãy mở mắt ra cho ánh sáng tình thương.

Enzo Lodi

Nguồn tin: giaophanlangson.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây