Đức Phanxicô, vị Giáo Hoàng mục vụ

Chủ nhật - 12/05/2019 22:31

Đức Phanxicô, vị Giáo Hoàng mục vụ

Vào ngày 11/2/2013, dường như cả thế giới ngỡ ngàng trước tuyên bố thoái vị của người đứng đầu Giáo hội Công giáo Rôma, Đức Bênêdictô XVI. Sự ngỡ ngàng này lại tiếp tục xảy đến khi Tổng Giám mục Jorge Mario Bergoglio của Buenos Aires, Argentina được bầu làm Giáo hoàng ngày 13/3/2013 với tước hiệu Phanxicô. Với nhiều người, đặc biệt là các tín hữu Công giáo, sự ngỡ ngàng giờ đây cộng thêm sự lo lắng cho tương lai của Giáo hội. Bởi lẽ vị tân Giáo hoàng tựu chức khi tuổi đời đã bước sang hai con số 7, với một lá phổi hoạt động trong mình và hơn nữa, ngài lại đến từ một vùng đất xa xôi được mệnh danh là tân thế giới. Với cái nhìn của con mắt thế gian, nhiều người có lý để nghi ngại việc đảm nhận trọng trách to lớn mà ngài phải đương đầu.

00 00 pape francois et brebi

Thế nhưng sự lo lắng đó dần dần tan biến khi Đức Phanxicô từng bước lèo lái con thuyền Giáo hội vượt qua những sóng gió của thời đại theo một đường hướng mục vụ thật khôn ngoan. Ngài cũng chứng tỏ cho mọi người thấy trên mỗi cung đường đi hay trong mỗi suy tư của ngài không hề mang dáng dấp của một ông lão chỉ có một lá phổi. Sau hơn 6 năm (6 năm 2 tháng) trong triều đại Giáo hoàng, Đức Phanxicô đã làm được nhiều điều hơn người ta mong đợi, đến nỗi gây tiếng vang lớn trên thế giới và chiếm được thiện cảm trong lòng mỗi người, không riêng gì người Công giáo. Với cung cách sống và đường hướng mục vụ thành công như thế, nhiều người không ngần ngại gọi ngài là vị Giáo hoàng mục vụ. Thiết nghĩ, nhận định này của nhiều người thật hợp lý. Để thấy rõ sự hợp lý như thế nào chúng ta cùng đi tìm lời giải đáp.

  1. Đức Phanxicô, vị Giáo hoàng của sự thay đổi

Khác với các vị tiền nhiệm, ngay buổi đầu “ra mắt” công chúng tại ban công chính toà nhà thánh Phêrô, Đức Phanxicô đã không mặc cho mình chiếc áo choàng đỏ sang trọng hay thánh giá vàng, ngài cũng không mang cho mình đôi giày đỏ dành riêng, nhưng ngài chỉ mặc áo trắng của Giáo hoàng với dây Stola đơn giản để ban phép lành cho mọi người. Cũng ngay tại thời điểm đó, trước khi ban phép lành cho dân chúng, Đức Phanxicô đã làm một việc có thể nói vô tiền khoáng hậu khi cầu xin họ một đặc ân là hãy thinh lặng và cầu nguyện cho ngài[1]. Bên cạnh đó, Đức Phanxicô cũng thay đổi cách mục vụ của mình khi chọn sống trong nhà khách thánh Martha, là nơi dành cho các giám mục, linh mục hay giáo dân khi trú ngụ tại Rôma chứ không phải là sống trong căn hộ riêng dành cho Giáo hoàng. Lý giải cho việc lựa chọn này, ngài cho biết chỉ vì ngài không muốn bị cách biệt và trở nên xa cách với mọi người[2]. Như vậy, tựu chung lại chỉ vì muốn xoá bỏ khoảng cách để gần gũi dân chúng hơn mà Giáo hoàng Phanxicô đã thực hiện các sự thay đổi trên. Và sự thay đổi được xem là đỉnh điểm của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong mục vụ chính là nghi thức Rửa chân diễn ra vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Quả thật, trong năm đầu tiên triều đại giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô đã bỏ qua sàn đá cẩm thạch của vương cung thánh đường Gioan Latêranô, để đến với sàn đá nâu xám ở trung tâm cải tạo thanh thiếu niên Casal del Marmô. Tại đây, ngài đã rửa và hôn lên những đôi chân, không phải của những giáo sĩ hay những người Công giáo thế giá được tuyển chọn cẩn thận, nhưng là của những phạm nhân nam nữ nghèo hèn và được xem là tội lỗi[3]. Với việc làm này Đức giáo hoàng Phanxicô đã gây một cú sốc vô cùng lớn cho mọi người trên thế giới và trực tiếp thay đổi nghi thức Rửa chân trong quy định của lễ quy Rôma (được phép chọn phụ nữ để rửa chân).

  1. Đức Phanxicô, vị Giáo hoàng của sự cải tổ giáo triều

Điều Đức Phanxicô đặc biệt quan tâm khi được bầu làm Giáo hoàng chính là giáo triều Rôma, vì tự thâm tâm ngài hiểu rằng giáo triều đang tồn tại một văn hoá xơ cứng không chỉ trong cơ cấu mà còn trong cả những con người đang làm việc tại đó. Thế nên, Đức Phanxicô đã bắt tay vào việc cải tổ giáo triều Rôma ngay sau khi khai mạc triều đại Giáo hoàng của mình. Ngài thành lập một nhóm làm việc với tám vị Hồng y cố vấn đến từ nhiều nước để giúp ngài cải tổ giáo triều Rôma. Với việc thành lập nhóm này, Đức Phanxicô cho thấy việc điều hành Giáo hội giờ đây không chỉ dành riêng cho Giáo hoàng (dĩ nhiên Đức giáo hoàng vẫn là người quyết định sau cùng), hay dành riêng cho các bộ tại giáo triều nhưng sự điều hành đó cần đến sự trợ giúp của các cơ quan có chức năng tư vấn. Thậm chí ngài còn muốn trao quyền độc lập nhiều hơn nữa cho các Hội đồng Giám mục quốc gia chứ không phải phó mặc cho Thượng Hội đồng Giám mục nhóm họp ba năm một lần[4].

Song song với việc thành lập nhóm tám vị Hồng y cố vấn, Đức Phanxicô cũng tiến hành thay đổi nhân sự, cải cách các cơ quan trong giáo triều. Chẳng hạn như ngài bổ nhiệm Tổng Giám mục Pietro Parolin làm Quốc Vụ khanh Tòa Thánh thay cho Hồng y Tarcisio Bertone, Đức ông Mauro Rivella làm Giám đốc Bộ phận thông thường của Văn phòng Quản trị Tài sản Tông Toà…Ngài cho sáp nhập các Hội đồng về Giáo dân và Gia đình thành một cơ quan: “Gia đình và Sự sống”. Các Hội đồng Công lý Hoà bình, Cor Unum, Mục vụ di dân và Mục vụ nhân viên ý tế được gộp lại thành một cơ quan: “Phục vụ sự phát triển toàn diện con người”. Ngoài ra, ngài còn thêm hai văn phòng phụ trách về “Kinh tế” và “Truyền thông”[5].

  1. Đức Phanxicô, vị Giáo hoàng luôn “đi ra” để đến với mọi người

Trong vai trò kế vị thánh Phêrô, Đức Phanxicô đã cho mọi người thấy ngài là một vị Giáo hoàng luôn “đi ra”. Ngài không chỉ đi ra khỏi căn phòng vật lý để đến với mọi người mà còn ẩn sâu trong đó là “đi ra” khỏi chính con người của mình để đến với họ bằng tình yêu thương và sự quan tâm. Người ta đã chứng kiến nhiều lần Đức Phanxicô đến với người nghèo, người vô gia cư, người tị nạn, các tù nhân ở nhiều nơi khác nhau. Và mỗi lần đến thăm như thế ngài thường đồng bàn, nói chuyện vui vẻ với họ như những người thân, người bạn của nhau. Có thể nói khi một Giáo hoàng như Đức Phanxicô tự nguyện “hạ mình” trước những con người được ví là dưới đáy của xã hội thì sự “đi ra” đó là sự “đi ra” đến cùng tận.

Sự “đi ra” của Đức Giáo hoàng Phanxicô không dừng lại ở đó. Ngài không từ khước bất kỳ ai ngay cả những người vô thần. Thậm chí ngài còn gởi tín hiệu bày tỏ lòng kính phục sâu xa đối với những người vô thần, vì những đóng góp của họ và hơn hết vì họ cũng là con cái Thiên Chúa. Đặc biệt hơn, Đức Phanxicô còn đến với những người thường xuyên công khai chỉ trích Giáo hội, chỉ trích hàng ngũ giáo sĩ dưới mọi hình thức.[6]

Mặt khác, Đức Giáo hoàng Phanxicô không chỉ “đi ra” một mình, nhưng trên cương vị lãnh đạo Giáo hội, ngài còn mời gọi tất cả mọi người hãy “đi ra” để cống hiến, để trao ban cho tha nhân sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Ngài nhắc nhở mọi người, cách riêng là các mục tử cần phải “đi ra” để mang mùi chiên vào mình, để gặp gỡ mọi người mà không chờ họ đến nhà thờ[7]. Cách mạnh mẽ hơn, trong Tông huấn “Evangelii gaudium” (Niềm vui của Tin Mừng) Đức Phanxicô viết: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục.”[8]

  1. Đức Phanxicô, vị Giáo hoàng của những bài giảng và văn kiện mang tính mục vụ

Người ta thống kê được con số các bài giảng, huấn dụ và văn kiện của Đức Phanxicô sau hơn 6 năm triều đại Giáo hoàng như sau: ngài đã có hơn1000 bài giảng, trong đó có hơn 670 trong các Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Martha, 1200 diễn văn trình bày trước công chúng, 342 bài huấn dụ ngắn dựa trên Tin mừng trong các buổi đọc Kinh Truyền Tin và Kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng. Bên cạnh đó, ngài cũng công bố 2 thông điệp: Ánh sáng đức tin và Laudato Si’, 4 Tông huấn: Evangelii gaudium, Amoris laetitia, Gaudete et exsultate và Christus vivit, 36 Tông hiến, 27 Tự sắc và 1 Tông sắc Khai mạc Năm Thánh Lòng Thương xót[9]. Những bài giảng và những văn kiện này của Đức Phanxicô được cho là mang tính mục vụ cao. Chẳng hạn như trong bài giảng tại Đại hội Giới trẻ Thế giới diễn ra ở Brazil vào ngày 27/07/2013, ngài nói: “Anh chị em thân mến, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta, mỗi người chúng ta, bằng cả họ và tên, đi loan báo Tin Mừng và phát triển nền văn hoá gặp gỡ niềm vui...”.[10] Hay như bài giảng vào ngày 02/09/2013: “Hãy nói có với sự thân thiện để bước đi cùng với dân Chúa. Hãy nói có với sự dịu dàng, đặc biệt với tội nhân và những người bị bỏ rơi, vì biết rằng Chúa đang ở giữa họ.”[11] Thế còn những văn kiện, nhất là 4 Tông huấn (Evangelii gaudium, Amoris laetitia, Gaudete et exsultate và Christus vivit) là những văn kiện quan trọng hơn cả cũng mang tính mục vụ cao không kém. Nếu như Tông huấn “Evangelii gaudium” (Niềm vui của Tin Mừng) phác hoạ tầm nhìn của Đức Phanxicô về một Giáo hội phải mang tính truyền giáo, Tông huấn “Amoris laetitia” (Niềm vui Yêu thương) mời gọi xem xét một cách cẩn thận các vấn đề liên quan đến mục vụ gia đình, nhất là kêu gọi các thừa tác viên hãy dịu dàng thân thiện trong cách các ngài gặp gỡ những người đang ở trong những tình cảnh khó khăn, Tông huấn “Gaudete et exsultate” (Hãy vui mừng và hoan hỷ) nhắc nhở mọi người hãy nên thánh trong cuộc sống hằng ngày của mình bằng việc sống các mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô được thể hiện trong các khía cạnh của đời sống như phục vụ, bác ái, khó nghèo, khiêm tốn… thì Tông huấn Christus vivit (Đức Kitô đang sống) lại như một Tông huấn dành cho người trẻ khi ngài dành những tâm tình cho người trẻ.

  1. Đức Phanxicô, vị Giáo hoàng của những chuyến đi mục vụ

Sau hơn 6 năm triều đại Giáo hoàng, Đức Phanxicô đã thực hiện được 30 chuyến tông du nước ngoài và viếng thăm 42 quốc gia (nếu tính cả Rumani từ ngày 31-5 đến 2-6-2019), chưa kể những chuyến viếng thăm trong nước Ý[12]. Trong khi đó, Đức Bênêđictô XVI thực hiện được 24 chuyến đi trong vòng 7 năm, còn Đức Gioan Phaolô II đã đi được 129 quốc gia trong vòng 27 năm triều đại giáo hoàng của ngài[13]. Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại trung bình mỗi năm Đức Phanxicô thực hiện 5 chuyến tông du nước ngoài, viếng thăm 7 quốc gia, Đức Bênêđictô XVI thực hiện được khoảng 3,4 chuyến tông du, còn Đức Gioan Phaolô II thăm được khoảng 4,7 quốc gia. Nếu được phép so sánh thì chúng ta có thể nói được rằng so với hai vị giáo hoàng tiền nhiệm, Đức Phanxicô có nhiều chuyến đi và viếng thăm mục vụ hơn cả dù rằng thời gian trị vị của ngài còn phía trước. Cũng cần nói thêm, trong 30 quốc gia vừa nói, có 28 nước (67%) đa số dân theo Kitô giáo: 17 nước Công Giáo, 6 nước theo Chính Thống giáo và 5 nước có đa số dân theo Tin Lành. Có 10 nước đa số theo Hồi giáo (24%). 40% các nước được Đức Giáo hoàng đến thăm là những nước đa số theo Công Giáo[14]. Với những con số vừa phân tích, ít nhiều chúng ta cũng thấy được rằng Đức Phanxicô quả là một vị Giáo hoàng gắn liền với những chuyến đi mục vụ.

Tạm kết

Chỉ mới trải qua hơn 6 năm điều hành Giáo hội nhưng Đức Giáo hoàng Phanxicô thực sự mang đến cho Giáo hội nhiều điều tích cực và mới lạ. Ngài đã thay đổi tận căn nhiều người với những lối suy nghĩ cổ hủ trước đây. Ngài cũng làm cho nhiều tâm hồn mỏi mệt biết trở về tựa nương bên Giáo hội.  Hơn hết, ngài đã làm cho nhiều người hình dung được dung mạo của một vị Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Có thể nói, qua sự trợ giúp của Chúa Thánh Linh, Đức Phanxicô đã mở ra cho Giáo hội một luồng ánh sáng mới sau những năm tháng ảm đạm. Và những luồng ánh sáng này được nhen nhúm từ những hoạt động mục vụ của ngài cũng như từ những lời kêu gọi, giáo huấn của ngài. Nói như vậy để thấy được rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô quả là một vị Giáo hoàng của mục vụ.

 

Antôn Hoàng Văn Phúc, OP

 

[1] Lê Hoàng Nam, Nhớ Lại Việc Bầu Cử Giáo Hoàng Một Năm Trước. Truy cập ngày 22/3/2019, https://dongten.net/2014/03/12/nho-lai-viec-bau-cu-mot-nam-truoc/

[2] Jos. Tú Nạc, ĐGH Phanxicô chọn sống trong Nhà khách Thánh Martha để không bị cách biệt. Truy cập ngày 22/3/2019. http://conggiao.info/dgh-phanxico-chon-song-trong-nha-khach-thanh-martha-de-khong-bi-cach-biet-d-16026

[3] Chris Lowney, cd. Thái Hoà, Tinh thần lãnh đạo của giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên, (TpHCM: Phương Đông, 2016), tr. 84.

[4] Marco Politi, nd. Ngô Gia Biên, OP, Cuộc cách mạng của Giáo hoàng Phanxicô, (TpHCM: Học viện Đa Minh, 2015), tr. 239-244.

[5] Phan Tấn Thành, Giải thích Giáo luật, tập II: Dân Thiên Chúa, (TpHCM: Tôn Giáo, 2017), tr. 165.

[6] Marco Politi, nd. Ngô Gia Biên, OP, Cuộc cách mạng của Giáo hoàng Phanxicô, (TpHCM: Học viện Đa Minh, 2015), tr. 151-152.

[7] Diane M. Houdek, bd. Học viện Đa Minh, Lời mời gọi hướng đến niềm vui, (TpHCM: Học viện Đa Minh: 2017), tr. 57.

[8] Giáo hoàng Phanxicô, Niềm vui của Tin Mừng, (Không rõ nơi xuất bản: nhà xb, năm xb), số 49.

[9] Hồng Thuỷ, 6 năm Giáo hoàng của ĐTC Phanxicô. Truy cập ngày 25/3/2019, http://trungtammucvudcct.com/6-nam-giao-hoang-cua-dtc-phanxico/

[10] Kenvin Cotter, cd. Học viện Đa Minh, 365 ngày với Đức Phanxicô, (TpHCM: Học viện Đa Minh, không rõ năm xb), tr. 140.

[11] Kenvin Cotter, Sđd, tr. 240.

[12] Trần Đức Anh, OP, 30 cuộc tông du của ĐGH Phanxicô tại 42 quốc gia. Truy cập ngày 23/03/2019, https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2019-01/30-cuoc-tong-du-cua-dgh-phanxico-tai-42-quoc-gia.html

[13] Bd. Nguyễn Tùng Lâm, Vì sao giáo hoàng tông du?. Truy cập ngày 23/03/2019, http://phanxico.vn/2018/01/18/vi-sao-giao-hoang-tong-du/

[14] Trần Đức Anh, OP, Ibid.

Nguồn tin: gpbuichu.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây