Thứ Ba tuần 8 thường niên.

Thứ hai - 04/03/2019 07:37

Thứ Ba tuần 8 thường niên.

"Ngay ở đời này, lúc bị bắt bớ, các con lãnh được gấp trăm, còn đời sau các con sẽ được sự sống vĩnh cửu".

 

Lời Chúa: Mc 10, 28-31

Khi ấy, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?"

Chúa Giêsu trả lời rằng: "Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất".

 

 

 

Suy Niệm 1: Phần thưởng gấp trăm

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp liền những lời dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ về sự nguy hiểm của tiền của. Sau khi người thanh niên rời lìa Chúa, vì anh ta không thể từ bỏ của cải, Chúa Giêsu đã nói: "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa". Ở đây rõ ràng Chúa Giêsu sử dụng kiểu nói khuyếch đại như người Ðông phương thường dùng để kích thích sự chú ý. Hình ảnh con lạc đà chở nặng trên mình cho thấy sự say mê dính bén tiền của là một ngăn trở không cho con người trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.

Trước sự sửng sốt của các môn đệ: "Thế thì ai có thể được cứu?", Chúa Giêsu xác quyết rằng ơn cứu độ hoàn toàn vượt quá những khả năng của loài người; đó là một ơn nhưng không của Thiên Chúa, vì chỉ mình Ngài mới có thể cứu độ con người. Nhưng quan điểm này còn khiến các môn đệ hoang mang hơn. Bằng chứng là phản ứng của Phêrô. Nhân danh Nhóm Mười Hai, ông thắc mắc muốn biết sự dấn thân của các ông có được thưởng gì không? Chẳng lẽ lòng quảng đại của các ông lại vô ích sao? Nếu những người giàu có, mặc dù nhiều của cải không thể vào Nước Thiên Chúa đã đành, còn những người đã từ bỏ những của cải hợp pháp nhất, liệu họ không có cơ may được vào đó được sao?

Trả lời cho câu hỏi của Phêrô, Chúa Giêsu hứa ban gấp trăm ngay ở đời này và đời sau được hưởng sự sống đời đời. Kiểu nói "gấp trăm ở đời này" cần được hiểu theo nghĩa phẩm chất hơn là theo nghĩa số lượng: từ bỏ cha mẹ không có nghĩa là để được một trăm cha mẹ ngay ở đời này, nhưng là để được điều quý giá hơn cha mẹ, đó là cộng đoàn anh em sống hiệp nhất với nhau trong đức tin. Trong câu trả lời của Chúa, cần lưu ý một chi tiết, đó là ngoài những gì nhận được bây giờ, còn có sự bách hại nữa. Bị bách hại, bị ngược đãi là vận mệnh của người môn đệ; bước theo Chúa là chấp nhận phiêu lưu với Ngài trên con đường sống đức tin với những đau khổ, thử thách không thể tránh được.

Nguyện xin Chúa ban sức mạnh tình yêu để chúng ta sống trọn ơn gọi và chu toàn sứ mệnh Chúa đã trao phó.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Phần thưởng gấp trăm

Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Đức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái, ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà bây giờ ngay ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời đời ở đời sau.” (Mc. 10, 28-30)

Ai mà đã không có lần mơ tưởng đến phần thưởng gấp trăm ấy được hứa cho những ai từ bỏ tất cả: ly kỳ nữa là được cả một lô mẹ, anh em, chị em, nhà cửa… nhưng, ôi thôi!, lại cùng với sự ngược đãi nữa chứ? Giống như việc mua bán ở chợ, còn gì hấp dẫn cho bằng “bán chạy như tôm tươi”. Mơ ước hình như chưa bao giờ thực hiện được, ít ra là đối với những ai đã chơi bài. Sẽ được thực hiện ở thế giới bên kia không? Chẳng ai đã khẳng định điều đó bao giờ. Chẳng có gì ngạc nhiên, khi họa hoằn mới có những người dám đánh cuộc, một cái nắm trong tay còn hơn một trăm cái chưa có là vậy.

Hãy mở rộng nhãn giới của ta

Lời hứa như thế cho Phêrô và những người giống như ông là một lời hứa có tính tiên tri liên quan tới tương lai của cộng đồng các Kitô hữu sẽ sống những gía trị mà Chúa Giêsu đã loan báo. Không phải là loan báo thưởng gấp trăm lần hơn những gì người ta sẽ từ bỏ, nhưng là sự mô tả trước về những cộng đoàn sẽ sinh ra từ những ai sẽ mở rộng tâm hồn của họ tới chiều kích toàn cầu, những ai mà tình huynh đệ và yêu thương của họ sẽ không đóng khung trong gia đình, quê hương hay cục bộ, nhưng vươn tới hết mọi người bất kỳ họ là ai và ở nơi nào. Ở đây, chúng ta có được bài miêu tả có tính tiên tri về Giáo hội, và đại gia đình nhân loại, nơi đây tình huynh đệ và quyền sở hữu của cải sẽ không bị một quyền độc đoán nào khác giới hạn.

Giáo hội, gia đình của các con cái Thiên Chúa sẽ chỉ đạt được sự hoàn thiện tròn đầy, trọn vẹn ngày mà chúng ta sẽ chỉ là một trong Chúa Kitô, ngày mà người ta gọi là ngày sau hết, ngày thế mạt. Giáo hội ấy, cộng đồng không biên giới ấy, đã được thể hiện hôm nay trong những cơn bách hại, trong đau khổ của thập giá, nhưng cũng đang được hân hoan khi đi theo con đường Chúa đã đi và sống theo đường lối Đức Kitô đã muốn.

Giáo hội ấy, cộng đồng của những người anh em thuộc mọi chủng tộc, với những mái nhà đủ kiểu, với những môi trường văn hóa muôn vẻ thật đúng là phần thưởng gấp trăm đầy phấn khich cho những người biết sông yêu thương.

Giáo hội ấy có bành trướng không phải là để loại trừ những cộng đồng địa phương; mà sự bành trướng có chiều kích toàn cầu ấy còn bị những tâm hồn hẹp hòi ích kỷ tranh giành và bách hại vì nghĩ rằng họ sẽ bị tổn thương.

 

Suy Niệm 3: THEO CHÚA TA ĐƯỢC GÌ? (Mc 10,28 –31)

Sự nguy hiểm của tiền bạc đã làm cho người thanh niên có tiếng là đạo đức lầm lũi ra đi, vì tiền của anh ở đâu thì lòng anh ở đó!

Thật là một sự xót xa cho số phận chàng thanh niên giàu có này! Thấy được sự nguy hiểm như vậy, nên  tiếp theo đó, Đức Giêsu đã thốt lên với các môn đệ: “Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa biết bao”; “Con lạc đà chiu qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”.

Nghe đến đây, các môn đệ hiểu được sự nguy hiểm của tiền của, tuy nhiên, nó đã làm cho các ông hoang mang, bởi vì khó như thế thì có lẽ không ai vào được! Vì vậy, Phêrô đã đứng lên thay lời anh em và thưa với Đức Giêsu rằng: “Thế thì ai có thể được cứu?”; “Và chúng con đã bỏ mọi sự để đi theo Thầy thì được gì?”. Để giải thoát cho các ông về sự lo lắng này, Đức Giêsu đã mặc khải cho các ông biết: đối với loài người thì không thể làm được, nhưng đối với Thiên Chúa thì hoàn toàn có thể. Vì ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa chứ không phải đến từ cố gắng hay phấn đấu thuần túy của con người. Nhân đây, Đức Giêsu cũng nói rõ để các môn đệ nhận ra những ân huệ mà Chúa ban cho những ai trung thành với Ngài, đó là sự sống đời sau.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết trung thành đi trên con đường Chúa đã đi, để chúng con gặp được Chúa là nguồn bình an, hạnh phúc ở cuối con đường cuộc đời trần gian. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 4: Bỏ mọi sự vì Thầy

Suy niệm :

Bình thường con người làm gì cũng ít nhiều nghĩ đến cái lợi cho mình.

Không lợi vật chất thì cũng lợi tinh thần.

Không lợi đời này thì cũng lợi đời sau.

Không lợi cho cá nhân mình

thì cũng lợi cho gia đình mình, tôn giáo của mình, quê hương của mình.

Con người dám hy sinh bỏ cái này để được cái kia lớn hơn.

Nếu biết giữ cho đúng mực, khuynh hướng này không phải là xấu.

Anh thanh niên giàu có đã không dám bán và cho tất cả tài sản

để nhẹ nhàng thanh thản bước theo Thầy Giêsu.

Đối với anh, cái mất ở đời này lớn quá so với cái được ở tương lai.

Ngược lại, các môn đệ đã bỏ gia đình và nghề nghiệp ổn định

để đi theo một vị Thầy không chỗ tựa đầu,

sống cuộc sống bấp bênh, vất vả, thiếu thốn.

Khi nghĩ về cuộc sống hiện tại của cả nhóm đang theo Thầy,

Phêrô đại diện anh em đặt câu hỏi:

“Phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” (c. 28).

Vậy chúng con sẽ được gì? (x. Mt 19, 27).

Thầy Giêsu không coi thường hay gạt bỏ câu hỏi này của Phêrô.

Thầy còn muốn long trọng trả lời câu hỏi này

cho cả những người ở thế hệ kế tiếp.

Bất cứ ai vì Thầy và vì Tin Mừng

mà bỏ những điều được coi là thiết yếu đối với cuộc sống

như tương quan máu mủ: cha mẹ, anh chị em, con cái,

như phương tiện để sống và sống còn: nhà cửa, ruộng đất (c. 29),

những người ấy, ngay bây giờ, ở đời này,

sẽ được gấp trăm về những điều đã mất.

Hơn nữa, họ còn được sự sống vĩnh cửu ở đời sau (c. 30),

điều mà anh thanh niên giàu có mơ ước.

Nhưng Thầy cũng không giấu những bách hại đang chờ đợi họ.

Hẳn các môn đệ sau khi theo Chúa đã chẳng có thêm nhà đất, vợ con.

Nhưng họ đã thuộc về một cộng đoàn rộng lớn hơn gia đình xưa của họ.

Nơi cộng đoàn Kitô này, gia đình nào cũng là nhà của họ,

mảnh đất nào cũng là nơi họ gắn bó thân quen như của mình.

Và rõ ràng họ có nhiều anh chị em và con cái hơn xưa.

Hạnh phúc đến ngay từ đời này khi con tim và vòng tay rộng mở.

Hạnh phúc này chỉ là hưởng trước chút hạnh phúc đời sau.

Người kitô hữu hôm nay sống ở thế kỷ hai mươi mốt

cũng có lúc nghĩ về cái mất, cái được của việc một đời theo Giêsu.

Chúa Giêsu đòi chúng ta đặt mọi sự dưới Ngài và sau Ngài.

Điều đó kéo theo những từ bỏ đớn đau, những thập giá thầm lặng.

Theo Giêsu, chúng ta thấy mình phải bỏ thế gian với bao quyến rũ.

Theo Giêsu, chúng ta thấy mình không thể chiều theo cái tự nhiên.

Nhưng theo Giêsu, chúng ta được điều lớn hơn cả.

Đó là chính Giêsu.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa,

khi đến với Chúa

con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con

con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con,

con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,

con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con,

để con được ở một mình với Ngài,

lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.

Sau khi được ở với Ngài,

con sẽ xỏ giày vào

để đi theo đường của Chúa,

con sẽ đeo đồng hồ

để sống trong thời gian của Chúa,

con sẽ đeo kính vào

để nhìn thế giới của Chúa,

con sẽ mở bút ra

để viết những tư tưởng của Chúa,

con sẽ cầm chìa khóa lên

để mở những cánh cửa của Chúa. Amen. (Graham Kings)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM:

Với một vài khác biệt[1], cả ba Tin Mừng nhất lãm đều thuật lại câu nói của thánh Phê-rô: “Chúng con đây (nghĩa là không như anh thanh niên có nhiều của cải, vừa bỏ đi trước lời mời gọi đi theo Đức Giê-su), chúng con đã bỏ lại tất cả và chúng con đi theo Thầy”. Nhưng câu trả lời của Đức Giê-su theo Tin Mừng Mác-cô trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, là đặc biệt nhất.

Thật vậy, trong cả ba Tin Mừng, Đức Giê-su đều kể ra những gì mà Phê-rô và tất cả những ai đi theo Ngài đã từ bỏ: nhà cửa, anh em, chị em, người cha, người mẹ, con cái, ruộng đất. Tuy nhiên, câu trả lời của Đức Giê-su theo Tin Mừng Mác-cô có ít nhất hai đặc điểm:

  • Đức Giê-su nói: “Bây giờ, ở đời này, lại không nhận được… gấp trăm”; và Ngài kể lại chính xác những gì người môn đệ đã từ bỏ: nhà cửa, anh em, chị em, người mẹ, con cái, ruộng đất. Trong các Tin Mừng khác, Đức Giê-su chỉ nói cách tổng quát rằng, người môn đệ sẽ nhận được hơn nhiều.
  • Và Người nói thêm: “Và cùng với sự ngược đãi”. Các tác giả Tin Mừng khác không kể lại chi tiết này.

 1. Dứt bỏ điều không thể

Là người Ki-tô hữu, dù lớn hay bé, chúng ta đều được mời gọi đi theo Đức Ki-tô, sống và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài trong đời sống hằng ngày, với ơn gọi Chúa ban cho mỗi người chúng ta. Và để đi theo Đức Ki-tô, sống và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài, chúng ta được mời gọi từ bỏ; và những gì chúng ta được mời gọi từ bỏ lại những điều và những người rất thiết thân với chúng ta, như chính Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng: nhà cửa, anh em, chị em, người cha, người mẹ, con cái và ruộng đất.

Tất cả những điều này tạo nên một hình ảnh hoàn chỉnh và rất đỗi thân thương, đó là căn nhà, trong nhà có cha mẹ, các anh chị em, và chung quanh nhà là ruộng đất. Chúng ta thử nghĩ mà xem, trên đời này có những gì và có những ai thân thương và cần cho sự sống đối với chúng ta hơn là căn nhà, đất đai và gia đình của chúng ta. Vậy thì, làm sao mà từ bỏ được? Và phải chăng đòi hỏi của Đức Giê-su là không hợp lí, không hợp tình và nhất là không hợp với lẽ sống của con người? Vậy thì, chúng ta phải hiểu như thế nào đòi hỏi quá triệt để nàu của Đức Giê-su, đến độ không thể chấp nhận được?

Vậy “từ bỏ” Chúa nói ở đây có nghĩa là gì? Dứt bỏ theo Đức Giê-su, hay nói đúng hơn, dứt bỏ trong Chúa,  những người thân yêu, chính là để nhận lại như một quà tặng Thiên Chúa ban; và Chúa hứa là chúng ta sẽ nhận lại gấp trăm. Vì thế, từ bỏ mà Chúa đòi hỏi, là từ bỏ quyền làm chủ người này trên người kia. Nếu không từ bỏ hiểu như trên, chúng ta sẽ coi những người thân yêu và những gì gắn liền với những người thân yêu, là của riêng mình, và tự coi mình là chủ có quyền định đoạt theo ý riêng. Kinh nghiệm cho thấy, làm như thế chúng ta sẽ đánh mất nhau, đánh mất chính mình và đánh mất tất cả.

Dứt bỏ mọi sự để trở thành môn đệ của Đức Giê-su, chính là để yêu mến nhau như Chúa yêu mến chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ không “đánh mất nhau”, nhưng ngược lại, chúng ta sẽ “tìm lại được nhau” và nhận lại “gấp trăm” trong tương quan tình yêu đích thật và muôn đời. Bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

2. Gấp trăm

Nếu Đức Giêsu chỉ nói: “anh em sẽ nhận được nhiều hơn” như trong Tin Mừng Mát-thêu và Luca (Mt 19, 27-30; Lc 18, 28 -30), chúng ta rất dễ hiểu lời hứa “nhiều hơn” theo nghĩa “thiêng liêng phi thân thể”. Chẳng hạn, một nhà chú giải đã giải thích “nhiều hơn” là niềm vui Nước Trời lớn hơn niềm vui hôn nhân, gia đình và sở hữu. Nhưng cách trả lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay, mời gọi chúng ta hiểu và nhất là kinh nghiệm một cách thật cụ thể điều mà Đức Giêsu hứa: “bây giờ, trong thời này, anh em sẽ nhận được ở mức độ gấp trăm nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con cái, ruộng đất”.

Và quả thật, các môn đệ và đến lượt chúng ta được mời gọi nhận ra rằng, trong hành trình bỏ mọi sự để đi theo Đức Giêsu, mình đã thực sự nhận lại nhà, đất, anh em, chị em, mẹ, con cái gấp trăm. Bởi lẽ, quả thật chúng ta có nhiều nhà, nếu không muốn nói ở đâu cũng là nhà; và ai cũng là người thân của chúng ta, khởi đi từ những anh em cùng chia sẻ một đức tin và nhất là cùng một ơn gọi. Gấp trăm xảy ra được, bởi vì chúng ta vượt qua tương quan huyết thống và sở hữu, để đi vào tương quan Nước Trời là hiệp thông và chia sẻ.

  • Hiệp thông trong tình yêu của Thiên Chúa là Cha, và như thế, mọi người là anh chị em.
  • Chia sẻ những gì mình có, và đón nhận những gì mình được chia sẻ.

Nhưng Đức Giêsu còn nói tới khả thể bách hại. Với những cơn bách hại, chúng ta có thể bị mất hết, bị tước đoạt, bị cắt đứt mọi tương quan, bị trắng tay, và mất cả sự sống của mình. Như tổ tiên của chúng ta trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam đã từng có kinh nghiệm. Bởi vì, tất cả những gì Chúa ban cho chúng ta ở đời này chỉ là hình ảnh của sự sống hiệp thông và chia sẻ viên mãn được chính Đức Giê-su hứa ban ở đời sau: “và sự sống vĩnh cửu ở đời sau”.

Còn một chi tiết rất đáng lưu ý trong câu trả lời của Đức Giêsu: Trong danh sách những gì người đệ sẽ nhận lại, chỉ có “mẹ”, chứ không có “bố”. Ngài chỉ nói anh em sẽ nhận được gấp trăm về mẹ, chứ không nói gấp trăm về bố! Và lời hứa này của Đức Giê-su quả thực đã luôn ứng nghiệm trong hành trình đi theo Người.

3. Mầu nhiệm Vượt Qua

Sau cùng, Đức Giê-su còn nói: “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.” Lời này của Đức Giê-su xem ra không tương thích với cuộc đối thoại của Đức Giê-su và các môn đệ về vấn đề “từ bỏ và nhận lại”. Chính vì thế, chúng ta không thấy câu này được ghi lại trong Tin Mừng theo thánh Luca (x. Lc 18, 28-30). Hơn nữa, dường như câu nói này của Đức Giê-su hay một lời tương tự như thế, cũng được ghi lại trong một bối cảnh khác.

Tuy nhiên, theo cách kể truyện của thánh Mác-cô, chúng ta được mời gọi lắng nghe lời nói này của Đức Giê-su như là câu kết luận không chỉ của cuộc đối thoại này, nhưng còn của cả một trình thuật dài, kể từ khi Người dạy các môn đệ về mầu nhiệm Vượt Qua lần thứ hai (Mc 9, 30 – 10, 30). Bởi lẽ, ngay sau đó, Người sẽ nói về mầu nhiệm Vượt Qua lần thứ ba. Vì thế, chúng ta được mời gọi hiểu lời này của Đức Giê-su: “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu”, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua của Người, để thay đổi cái nhìn của chúng ta về mọi sự:

  1. Về vấn đề “ai là người lớn hơn hết” (9, 33-37); về vấn đề có người không thuộc nhóm các môn đệ, danh của Thầy Giê-su để trừ quỉ (c. 38-40); về vấn đề làm cớ cho người ta sa ngã (c. 42-50); về vấn đề đời sống hôn nhân (10, 1-12); và về vấn đề tương quan giữa trẻ em và Nước Trời (c. 13-18).
  2. Về vấn đề gắn bó với của cải (c. 17-27) và về lựa chọn từ bỏ mọi sự để đi theo Đức Giê-su (c. 28-30)
  3. Ngoài ra, dựa vào sự ngược đãi mà Đức Giê-su vừa nói (c. 30), chúng ta cũng có thể hiểu rằng, Đức Giê-su loan báo sẽ có sự đảo ngược các giá trị vào ngày phán xét. Lời loan báo này mang lại niềm hi vọng cho tất cả những ai “đã bỏ mọi mà theo Thầy”.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, ông Phê-rô nói thêm: “Vậy chúng con sẽ được gì?” Câu hỏi dường như hướng tới chuyện “lương bổng” (Mt 19, 27); trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô và thánh Luc-ca, ông nhấn mạnh đến sự kiện bỏ lại mọi tài sản, thay vì gắn bó như những người giàu có: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ những gì là của mình mà theo Thầy” (Lc 18, 28).

 

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày Song ngữ

 

Tuesday (March 05): “We have left everything and followed you”

 

Scripture: Mark 10:28-31

28 Peter began to say to him, “Lo, we have left everything and followed you.” 29 Jesus said, “Truly, I say to you, there is no one who has left house or brothers or sisters or mother or father or children or lands, for my sake and for the gospel, 30 who will not receive a hundredfold now in this time, houses and brothers and sisters and mothers and children and lands, with persecutions, and in the age to come eternal life. 31 But many that are first will be last, and the last first.”

Thứ Ba     05-03         Chúng con đã bỏ mọi sự mà đi theo Thầy

 

Mc 10, 28-31

28 Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy! “29 Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng,30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.31 Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”

 

Meditation: 

What’s the best investment you can make with your life? The gospel presents us with a paradox: we lose what we keep, and we gain what we give away. When we lose our lives for Jesus Christ, we gain a priceless treasure and an inheritance which lasts forever. Whatever we give to God comes back a hundredfold. Generosity flows from a heart full of gratitude for the abundant mercy and grace which God grants. Do you give freely and generously? And why do you give, for reward or for love?

The Lord Jesus rewards those who follow him

Right after a wealthy young man refused to follow Jesus, Peter, somewhat crudely wanted to know what he and the other disciples would get out of it since they had freely accepted Jesus’ offer to follow him unconditionally. Jesus spoke with utter honesty: Those who left all for him would receive a hundred times more now, even in this life, as well as unending  life in the age to come. Jesus’ disciples can expect opposition and persecution from those who are opposed to Jesus Christ and his Gospel.

The joy and treasure of God’s everlasting kingdom 

Should we be surprised if we lose favor and experience ridicule, intimidation, and injury when we take a stand for truth and righteousness? In place of material wealth, Jesus promised his disciples the blessing and joy of rich fellowship with the community of believers. No earthly good or possession can rival the joy and bliss of knowing God and the peace and unity he grants to his disciples. The Lord Jesus wants to fill our hearts with the vision of the heavenly kingdom – a kingdom of righteousness, peace, and joy in the Holy Spirit (Romans 14:17). Do you know the joy of following the Lord Jesus and serving him? Ask the Holy Spirit to fill you with the joy and peace of God which does not pass away and with the assurance of his personal love for you which never fails.

“Lord Jesus, I want to follow you as your disciple and to love you wholeheartedly with all that I have. Fill my heart with faith, hope, and love that I may always find peace and joy in your presence.”

Suy niệm:

 

Sự đầu tư tốt nhất bạn có thể làm cho cuộc đời mình là gì? Tin mừng giới thiệu với chúng ta một nghịch lý: chúng ta mất những gì chúng ta giữ lại, và chúng ta được những gì chúng ta cho đi. Khi chúng ta đánh mất cuộc đời mình cho Đức Giêsu Kitô, chúng ta có được kho báu vô giá và quyền thừa kế tồn tại vĩnh viễn. Bất cứ điều gì chúng ta dâng cho Chúa sẽ được đền đáp gấp trăm. Lòng quảng đại xuất phát từ một trái tim biết ơn về lòng thương xót và ơn sủng dạt dào mà Thiên Chúa ban cho. Bạn có cho đi một cách tự nguyện và quảng đại không? Và tại sao bạn cho đi, vì phần thưởng hay vì tình yêu?

Chúa Giêsu ban thưởng cho những ai theo Người

Ngay sau khi người thanh niên giàu có từ chối đi theo Đức Giêsu, Phêrô, một cách nào đó đã mạnh dạn muốn biết mình và các môn đệ khác sẽ được gì khi họ sẵn sàng tiếp nhận lời mời gọi của Đức Giêsu để đi theo người vô điều kiện. Đức Giêsu nói một cách dứt khoát rằng: Ai từ bỏ mọi sự mà đi theo Người sẽ nhận được gấp trăm ở đời này, cũng như ở đời sau. Các môn đệ Đức Giêsu có thể đương đầu với sự chống đối và ngược đãi từ những người chống đối Đức Giêsu Kitô và Tin mừng của Người.

 

Niềm vui và kho báu của vương quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa

Chúng ta có ngạc nhiên khi chúng ta mất mát sự ưu đãi và cảm nghiệm sự nhạo báng, đe dọa, và tổn thương khi chúng ta đứng về sự thật và công chính không? Thay vì sự giàu có về vật chất, Đức Giêsu hứa ban cho các môn đệ phúc lành và niềm vui của tình bằng hữu thấm thiết với cộng đoàn các tín hữu. Không một của cải hay sở hữu trần thế nào có thể cạnh tranh với niềm vui và phúc lành được nhận biết Thiên Chúa, sự bình an và sự liên kết mà Người ban cho các môn đệ. Chúa Giêsu muốn lấp đầy lòng chúng ta cảnh tượng Thiên đàng – một vương quốc của sự công chính, bình an, và niềm vui trong Chúa Thánh Thần (Rm 14,17). Bạn có biết niềm vui đi theo Chúa Giêsu và phụng sự Người không? Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đỗ tràn đầy niềm vui và bình an của Thiên Chúa, điều không thể qua đi và với sự bảo đảm tình yêu cá vị của Người dành cho bạn sẽ không bao giờ thay đổi.

 

Lạy Chúa Giêsu, con muốn đi theo Chúa như người môn đệ, và để yêu mến Chúa cách trọn vẹn với tất cả những gì con có. Xin Chúa lấp đầy lòng con với niềm tin, hy vọng, và tình yêu mà con có thể luôn luôn tìm được sự bình an và niềm vui trong sự hiện diện của Chúa.

 

 

giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu– chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây