"VẠ" là gì…

Thứ hai - 25/03/2019 23:06

Thưa cha, con vẫn thường nghe nói đến vạ tuyệt thông. Con lại nghe có một cha đã tuyên bố sẽ ra vạ tuyệt thông cho những ai không làm đúng những gì mà cha bảo làm. Xin cha vui lòng cho biết vạ là gì ? Hậu quả của nó ra sao và những ai có thể ra vạ cho tín hữu ?

Giải đáp

Bạn thân mến,

Rất thông cảm với thắc mắc của bạn cũng là thắc mắc của nhiều người giáo dân khác vì ở một số nơi nhiều người cảm thấy lo lắng khi bị bề trên đe là sẽ ra vạ tuyệt thông như bạn vừa trình bầy.

Truớc hết phải nói đến chữ Vạ theo cách hiểu bình dân. Đó là một điều gì không may, một thứ tai họa xẩy đến cách bất ngờ như trong những câu nói “ coi chừng bị vạ lây, tai bay vạ gió, vạ mồm vạ miệng”. Vạ còn có nghĩa một hình phạt đối với những người phạm tội ở làng xã thời phong kiến, thường nộp bằng tiền: nộp vạ, phạt vạ.

Còn trong Giáo Luật thì chữ “ Vạ” được dùng để chỉ các hình phạt với mục đích khiển trách phạm nhân, giúp họ hối cải và kêu gọi họ từ bỏ sự ngoan cố và được gọi là Hình Phạt Chữa Trị để phân biệt với Hình Phạt Thục Tội. Ý nghĩa của chữ “Vạ” trong giáo Luật không hoàn toàn trùng với nghĩa thông thường nên cần được giải thích để hiểu chính xác hơn.

1. Hình phạt chữa trị là gì?

Trong bản La tinh thì dùng chữ poena medicinalis có nghĩa là hình phạt để trị liệu như ta vẫn thấy trong từ ngữ y khoa có từ medicina là thuốc men. Đó là hình phạt dành cho những phạm nhân ngoan cố, lì lợm trong sự chống đối và cố tình phạm pháp của mình. Hình phạt này nhằm giúp họ từ bỏ sự cố chấp mà hối hận vì lầm lỗi của mình. Chính vì thế mà trước khi tuyên kết bằng một vạ bao giờ cũng phải có sự cảnh cáo để phạm nhân không tiếp tục con đường sai lỗi của mình và nếu họ thôi không còn ngoan cố nữa thì không cần thiết phải ra Vạ làm gì. Giáo Luật điều 1347 §1 nói rất rõ về điểm này :

Không thể tuyên kết cách hữu hiệu một vạ, nếu trước đó phạm nhân không được khuyến cáo ít là một lần để chấm dứt sự cố chấp, và được dành một thời gian xứng hợp để hối cải.

Tuy nhiên có một điểm đặc biệt cần lưu ý là tùy theo tính chất của tội phạm được qui định trong luật mà Vạ sẽ mang tính tiền kết hay hậu kết. Vạ tiền kết là Vạ mà phạm nhân sẽ phải chịu hình phạt ngay khi phạm pháp trước khi bị tuyên án. Thí dụ như trong trường hợp tội phá thai (GL. 1398), tội xúc phạm đến Mình Thánh Chúa (GL. 1367), giải tội cho người đồng phạm điều răn thứ sáu (GL.1378 §1). Những trường hợp này không cần cảnh cáo vì sự cố chấp nằm ngay trong việc cố tình hành động sai trái phạm vào một điều luật có kèm hình phạt tiền kết. Vạ tiền kết phải đươc nói rõ trong luật hay trong mệnh lệnh hình sự.

Còn với vạ hậu kết phạm nhân chỉ thụ hình sau khi đã có bản án được tuyên kết bởi những người có thẩm quyền. Trước khi tuyên kết nhà chức trách sẽ phải xét xem đương sự có thực sự ngoan cố không. Sau khi đã cảnh cáo mà phạm nhân vẫn không chịu sửa mình thì lúc đó mới ra Vạ cho đương sự. Thí dụ một nhà thần học phổ biến những chủ trương sai lạc về tín lý và đức tin gây thiệt hại cho đời sống đạo của các Kitô hữu đã được Tòa Thánh nhắc nhở và cảnh cáo nhưng vẫn cố tình không thay đổi cách hành động thì sau đó có thể bị vạ tuyệt thông.

Hình phạt tiền kết và hậu kết nói chung được trình bầy trong Giáo Luật điều 1314 như sau :

Nói chung hình phạt là hậu kết (ferendae sententae), nghĩa là chỉ ràng buộc phạm nhân sau khi đã tuyên án; còn hình phạt tiền kết (latae sententiae), nghĩa là đương nhiên mắc hình phạt do chính việc phạm tội, khi nào luật pháp hay mệnh lệnh đã ấn định rõ ràng như vậy.

2. Những hình thức phạt vạ theo giáo luật 1983 hiện hành

Trong bộ Giáo Luật hiện nay có ba hình thức phạt vạ được gọi là hình phạt chữa trị : Vạ tuyệt thông, Vạ cấm chế và Vạ huyền chức.

Vạ tuyệt thông hay vẫn hay đuợc nói cách bình dân là “ dứt phép thông công” là hình phạt được nói đến trong Giáo Luật điều 1331 gồm 3 sự ngăn cấm :

– Không được làm các thừa tác viên trong các nghi thức phụng tự.

– Không được cử hành bí tích hay á bí tích, và lãnh nhận các bí tích.

– Không được giữ các chức vụ trong Hội Thánh hay thực hiện các hành vi cai trị.

Trong tinh thần giảm thiểu các hình phạt nhất là các hình phạt tiền kết thì số các điều luật liên quan đến hình phạt vạ tuyệt thông tiền kết chỉ còn có 7 điều : người bội giáo, lạc giáo và ly giáo (GL.1364 §1); xúc phạm đến mình thánh Chúa (GL.1367); hành hung Đức thánh Cha (GL. 1370 §1); phong chức Giám mục mà không được ủy nhiệm thư thì Giám mục phong chức và người được phong bị vạ (GL.1382); giải tội cho người đồng phạm điều răn thứ sáu (GL.1382); cha giải tội vi phạm trực tiếp ấn bí tích giải tội (GL.1388 §1); phá thai có kết quả (GL. 1398).

Có những vạ tuyệt thông chắc chắn nhiều người không thể phạm được vì chỉ dành cho hàng giáo sĩ và có những hình phạt không tác động đến người bị phạt bao nhiêu vì họ đã rời bỏ Giáo hội rồi như trường hợp bội giáo. Tóm lại, sẽ không còn nhiều lắm trường hợp bị vạ tuyệt thông tiền kết.

Vạ cấm chế theo Giáo Luật điều 1332 thì người mắc vạ bị ràng buộc bởi những lệnh cấm.

– Không được làm các thừa tác viên trong các nghi thức phụng tự.

– Không được cử hành bí tích hay á bí tích, và lãnh nhận các bí tích.

Vạ huyền chức hay ngôn ngữ bình dân vẫn gọi là treo chén chỉ chi phối các giáo sĩ theo Giáo Luật điều 1333 §1 và gồm những điều cấm sau đây :

– Cấm tất cả hoặc vài hành vi của quyền thánh chức.

– Cấm tất cả hoặc vài hành vi của quyền cai trị.

– Cấm thi hành tất cả hoặc vài quyền lợi và nghĩa vụ gắn liền với một chức vụ.

Vì phạm vi hạn hẹp của bài nên chỉ xin trình bầy cách vắn tắt chứ không đi sâu vào chi tiết của vấn đề vì khi vạ tiền kết chưa bị tuyên bố thì tội phạm vẫn trong tình trạng chưa công khai và hình phạt có khác biệt với vạ đã được tuyên bố hoặc tuyên kết. Để hiểu rõ chi tiết của vấn đề xin tham khảo các số Giáo Luật từ điều 1331 đến 1335.

3. Thẩm quyền ra vạ và tuyên kết

Một điểm thắc mắc nữa đã được bạn nêu lên là ai có thể ra vạ được.

Như phần trước đã trình bầy thì vạ hay hình phạt chữa trị là do Giáo Luật qui định. Vậy chỉ những người có quyền lập pháp mới có thể ban hành hình luật. Thẩm quyền lập pháp trong Giáo Hội gồm có :

1. Đức thánh Cha và Công Đồng hoàn vũ.

2. Các Công đồng địa phương đối với địa phương ( quốc gia, miền).

3. Các Giám Mục giáo phận đối với giáo phận của mình.

Ngoài những gì đã được ấn định trong Giáo Luật thì Giám Mục giáo phận có thể ban hành luật kèm theo hình phạt dành cho địa phương của mình (GL. 1315 §1). Tuy nhiên, bộ Giáo Luật cũng nhắc nhở cơ quan lập pháp chỉ nên thiết lập hình phạt khi thật sự cần thiết để bảo vệ kỷ luật Giáo Hội một cách thích hợp hơn (X. GL. 1317). Còn về vạ tuyệt thông thì chỉ nên thiết lập một cách hết sức hạn chế và dành cho những tội rất nặng mà thôi (x. GL.1318).

Một thẩm quyền khác có thể ban hành những mệnh lệnh hình sự (praeceptum poenale) là những mệnh lệnh có kèm theo hình phạt. Đó là những người nắm quyền cai quản ở tòa ngoài. Có thể kể ra Đức Giáo Hoàng, Các Giám Mục giáo phận, các cha Tổng đại diện, Các Bề trên Dòng tu giáo sĩ và Tu đoàn tông đồ theo luật giáo hoàng được hưởng quyền cai trị tòa ngoài. Trong danh sách này ta thấy không có các cha quản hạt hay các cha xứ trừ phi họ được ủy quyền để thi hành chứ không có quyền ra mệnh lệnh hình sự.

Mệnh lệnh hình sự đươc ban ra cho một cá nhân hay một số người nhất định buộc họ phải làm hay bỏ một điều gì nhất là để thúc bách tuân giữ luật và ngăm đe một hình phạt nhất định (x. GL. 49; 1319 §1). Tuy nhiên, việc ra các mệnh lệnh hình sự cũng phải được cân nhắc chín chắn và cũng chỉ sử dụng cách hết sức hạn chế khi cần phải bảo vệ kỷ luật mà thôi (x. GL. 1319 §2).

Những điều luật hình sự hay mệnh lệnh hình sự nếu không đuợc ấn định rõ ràng là hình phạt tiền kết thì cần phải được tuyên kết bằng biện pháp tố tụng (tòa án) hay hành chánh (nghị định). Trong truờng hợp phạm nhân không chịu sửa mình cải hóa qua sự răn bảo và khiển trách thì thẩm quyền tuyên bố hay tuyên kết sẽ là vị Thường quyền (x.GL. 1341).

4. Những tín hữu có thể bị phạt và

Vậy ai là những người có thể bị phạt vạ ?

Đó là người vi phạm một luật hay môt mệnh lệnh có kèm theo hình phạt và họ bị qui trách nhiệm nặng theo Giáo Luật điều 1321 §1 như sau :

Không ai có thể bị trừng phạt, nếu việc vi phạm luật pháp hay mệnh lệnh bên ngoài không thể bị quy trách nặng do gian ý hay do lỗi lầm.

Điều này cho thấy là phải có 3 yếu tố để cấu thành tội phạm : sự vi phạm bên ngoài một điều luật hay một mệnh lệnh, luật hay mệnh lệnh có kèm hình phạt, sự cố tình vi phạm có thể qui trách nặng cho phạm nhân.

Có một nguyên tắc trong luật pháp hiện nay là không thể qui trách nhiệm nếu không có luật. Như chúng ta biết là trên thế giới đã rất lúng túng khi phải xử lý trường hợp những tin tặc (hacker) khi họ đột nhập và gây tổn hại cho các máy vi tính trong thời gian chưa có luật để trừng phạt họ. Các nhà làm luật đã phải mau chóng thiết lập luật hình sự sau đó mới có thể trừng phạt các phạm nhân.

Giáo Luật cũng tuân theo nguyên tắc là không thể có hình phạt nếu không có luật (nulla poena sine lege). Trong khi đề cập đến quyền lợi tín hữu, Giáo Luật đã khẳng định là các tín hữu có quyền chỉ bị thụ án phạt theo Giáo Luật hợp với qui tắc luật định(GL. 221 §3). Như vậy, người tín hữu không thể bị tuyên phạt vì bất cứ lý do gì huống nữa là Vạ tuyệt thông chỉ dành cho những tội phạm ngoan cố.

Để qui trách nặng cho một người thì người đó phải có khả năng thể lý và tâm lý để vi phạm một luật hay một mệnh lệnh. Người vi phạm phải có ý thức và tự do. Trong Giáo Luật điều 1323 trưng dẫn nhiều hoàn cảnh đưa đến việc phạm nhân có thể không bị phạt. Có thể liệt kê một vài điều như sau :

– Không biết mình vi phạm luật pháp hay mệnh lệnh; sự không biết ấy không phải tại lỗi của họ.

– Hành động do một áp lực thể lý hay do trường hợp ngẫu nhiên không thể đề phòng, hay nếu đã đề phòng nhưng cũng không thể tránh được.

– Bị cưỡng bách hành động vì sợ hãi trầm trọng tuy chỉ có tính cách tương đối, hay vì nhu cầu thúc đẩy, hay vì tránh một hiểm họa; miễn là hành vi ấy không xấu tự bản tính hay không gây nguy hại đến các linh hồn.

– Hành động để phòng vệ chính đáng ……

Giáo Luật điều 1324 trình bầy những hoàn cảnh hình phạt được giảm nhẹ hay được thay thế bằng một việc sám hối :

– Người không sử dụng trí khôn do say rượu hay sự thác loạn tinh thần.

– Người hành động do một cơn nóng giận miễn là chính sự nóng giận ấy không do cố tình kích thích và nuôi duỡng.

– Người bị cưỡng bách vì sợ hãi trầm trọng hoặc vì nhu cầu thúc đẩy, vì tránh một hiểm họa; nếu tội phạm tự bản tính là xấu hay gây nguy hại đến các linh hồn.

– Người phản ứng lại kẻ khiêu khích trầm trọng và bất công.

– Người hành động mà không thể chịu hoàn toàn trách nhiệm, tuy dù trách nhiệm này vẫn còn nặng …

Qua nhưng điểm vừa trình bầy ở trên ( khá dài !) để trả lời cho bạn về thắc mắc liên quan đến vạ hay hình phạt chữa trị để bạn có được một cái nhìn tổng quát . Chắc bạn cũng thấy rằng không dễ dàng bị vạ tuyệt thông. Hi vọng những trình bầy ở trên có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về những đổi mới trong Giáo Hội với bộ Giáo Luật mới 1983. Những biện pháp hình sự không nhằm trừng phạt phạm nhân hay loại trừ họ ra khỏi cộng đoàn mà chỉ muốn sửa phạt và cải hóa họ. Sự cải hóa phải là mục tiêu chính rồi mới đến sự đền bù như là hành động hợp lẽ công bằng.

Cuối cùng thì chắc bạn đã có thể rút ra kết luận cho thắc mắc của mình là một linh mục không có thẩm quyền như luật định thì không thể ra Vạ tuyệt thông được.

 Lm Giuse Nguyễn Ngọc Bích CSsR

Nguồn tin: dcctvn.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây