Mái Ấm Hoa Huệ: Mái ấm cho trẻ em mồ côi ở Việt Nam

Thứ bảy - 26/01/2019 23:05

Dòng Đức Mẹ Lên Trời cứu các em bé trong viện mồ côi của mình. Năm 2014, độc giả báo Pèlerin đã giúp dòng mua miếng đất để nới rộng. Các tu sĩ Dòng cần sự giúp đỡ của quý độc giả để hoàn tất dự án cho năm 2019. 

Mái Ấm Hoa Huệ: Mái ấm cho trẻ em mồ côi ở Việt Nam

Các trẻ em mồ côi chơi ngoài sân ở mái ấm dòng Đức Mẹ Lên Trời phía Bắc Sài Gòn, nơi sẽ xây một trung tâm tiếp nhận mới cho các em. © Laurent Weyl

Trở về lại trong mớ bòng bong của thành phố luôn sôi sục! Sài Gòn, thành phố đông dân của miền Nam không ngừng mở rộng, mở đến tận các đồng ruộng ngày xưa, đến hàng dừa, băng qua các chiếc cầu mới trên sông bùn nước rạch để dựng lên các tua khổng lồ tận cuối cùng làn sóng. Sự hỗn loạn của đô thị với gần 13 triệu dân với khói mù mịt của xe máy ở thành phố mang tên mới từ năm 1975, thành phố Hồ Chí Minh. Tuy vậy, vẫn còn hàng trăm con hẻm rợp bóng mát với các cửa hàng đầy màu sắc là nơi yên bình có cuộc sống êm ả.

Nhiệt độ 32 độ dưới bóng râm, như thế nước dừa sẽ bốc nóng lên dần! Năm 2014, nhờ độc giả báo Pèlerin, các tu sĩ dòng Đức Mẹ Lên Trời đã mua được miếng đất, với trái cây miền nhiệt đới làm cho trẻ con thích thú khi chúng đỡ khát. © Laurent Weyl

Ở phía tây-bắc thành phố, không xa phi trường và con đường náo nhiệt đi về phía biên giới Cao Miên, đường Đông Hưng Thuận không thay đổi. Con đường có các bức tường đầy màu sắc, các quán càphê khách ngồi trên ghế nhựa nhỏ, thưởng thức món phở truyền thống, nhưng con đường này dẫn đến ngôi nhà hẹp, đằng sau cánh cổng sắt là cây thánh giá dựng lên trên tòa nhà bốn tầng: Mái Ấm Hoa Huệ, nơi có 32 em bé trai tuổi từ 7 đến 22, đến từ mười mấy tỉnh của 64 tỉnh của Việt Nam.

Rất nhiều em mất một hoặc cả hai cha mẹ. Nhiều em con nhà rất nghèo, con của cha mẹ ở tù hoặc làm điếm. Ở đây tất cả các em đi học trường công hoặc buổi sáng, hoặc buổi chiều sau đó các em được các sinh viên thiện nguyện dạy thêm, các em làm việc nhà và chuẩn bị cho bữa ăn.

Huy động mọi người sáng chúa nhật ở nhà bếp Mái ấm! Một nhóm phụ nữ công giáo tận tụy được mệnh danh là “Đèn đỏ nhà bếp” làm thiện nguyện trong các nhà trẻ hay nhà hưu dưỡng, họ đến đây nấu ăn. Sự hiện diện các khuôn mặt nữ, các bà nấu bếp, các nữ tu, các nữ sinh viên là quan trọng cho các em vì họ mang đến lòng dịu dàng và lắng nghe các em. © Laurent Weyl

Từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối, thời khóa biểu bất di bất dịch, nhất là giờ cầu nguyện và thánh lễ. Thật ra là các linh mục và các thầy dòng Đức Mẹ Lên Trời quản trị nơi này từ năm 2006 theo đặc sủng và theo sứ mạng xã hội của hội dòng. Vào thời đó, bà Bùi Kim Huệ, một bà góa với một lòng tốt vô bờ, từ sáu năm qua bà nuôi các em nhưng tài chánh không ổn định, bà giao căn nhà cho các tu sĩ dòng Đức Mẹ Lên Trời, họ đã sửa sang, quản trị và đảm bảo tài chánh. Mục đích này đã dần dần thực hiện được và báo Pèlerin đã kiểm chứng trong bài phóng sự năm 2014, “một viện mồ côi mang hình ảnh của một gia đình lớn lao”.

Tuy nhiên với sự phát triển nhanh chóng, cơ sở trở nên quá chật, trẻ em ngủ lộn đầu lộn đuôi cả bốn tầng, phòng ăn là dã chiến vì sau khi ăn thì làm phòng học, và hè đường là sân chơi. Vì thế năm 2014, dòng nảy sinh ý định xây một mái ấm lớn hơn, tốt hơn và đủ sức đón nhận các em nhiều hơn.

Và các tu sĩ đi tìm đất để mua với lợi thế trong túi: độc giả báo Pèlerin giúp đỡ. Cuối năm 2014, vào Mùa Vọng, báo Pèlerin lên chiến dịch “Pèlerin tương trợ” và quý độc giả đã hỗ trợ đông đảo. Đến mức phần lớn nhờ vào sự giúp đỡ này mà các tu sĩ dòng Đức Mẹ Lên Trời đã mua được đất, sau chuỗi thăm dò và thương thuyết lâu dài, họ đã có được miếng đất lý tưởng để xây dựng căn nhà hy vọng. 

Nôi và Thiên, hai bạn trẻ đã rời Mái ấm, hai em làm việc ở xưởng may để có tiền đi học. Chủ xưởng may là người công giáo ở gần dòng Đức Mẹ Lên Trời. © Laurent Weyl

Như thế hoan hô báo Pèlerin, báo đã trở lại Sài Gòn vào tháng 11 vừa qua để xem miếng đất và để dự trù dự án mới. Chuyến đi bắt đầu bằng… phóng xe. Với tất cả trẻ em và nhân viên của mái ấm, mọi người chất lên mấy chiếc xe tải nhỏ, luồn lách như con chạch trên các con đường kẹt xe. Hai mươi phút lượn xe. Rồi đến vùng thiên nhiên gần nhánh sông Sài Gòn nơi có lục bình trôi giạt; miếng đất 8 500 mét vuông, cỏ cao, có cây ăn trái, lá tả tơi như ruộng lúa, với các con kênh nhỏ làm động mạch sống cho mùa khô. Một vườn cho trẻ con, và giống như tất cả trẻ con vùng quê, chúng leo lên cây để hái dừa, lấy tay trần thò xuống lạch để bắt rạm nước ngọt và cá bạc má.

Chính nơi đây, sang năm các tu sĩ dòng Đức Mẹ Lên Trời sẽ xây một viện mồ côi mới có thể đón gấp đôi số em (64 em thay vì 32 em như hiện nay) trong các điều kiện giáo dục, vệ sinh tốt đẹp xứng tầm với sứ mạng của dòng.

Gặp lại nhau đầy xúc động ở Bình Dương của em bé Bảo và người mẹ mù Tô Thị Hằng của em. © Laurent Weyl

Mái ấm và trung tâm giáo dục

Cách đây bốn năm, trại mồ côi chỉ là nơi đón nhận các em lạc lối, bây giờ với dự án từ thiện hoàn tựu, mái ấm xây dựng một trung tâm giáo dục hoàn thiện cho các em. Mọi người chăm lo cho các em, các tu sĩ, các giáo dân của trung tâm sẽ theo sát sinh hoạt học hành của từng em.

Chúng tôi đã đi một chặng đường dài với các em để xoa dịu các em bé trai này và để chính chúng tôi có hiệu quả hơn với các em.

Hiểu rõ gốc gác và bối cảnh gia đình các em, chú trọng đến vấn đề tâm lý từng trường hợp một, kèm học thêm và săn sóc sức khỏe… Thầy Gioan-Baotixita Nguyễn Ngọc Thăng cho biết: “Chúng tôi đã đi một chặng đường dài với các em để xoa dịu các em bé trai này và để chính chúng tôi có hiệu quả hơn với các em”, thầy có mặt từ đầu trong chương trình này, chủ yếu giữ nhiệm vụ liên lạc với gia đình các em. Qua các tiếp xúc này đã dẫn chúng tôi đến Bình Dương, vùng kỹ nghệ mọc lên như nấm ở ven biên phía bắc Sài Gòn, xếp hàng loạt với các xưởng may mặc, giày dép. Một vùng ngoại vi phát triển, người nông dân thành người thợ, nhân viên, thành các doanh nhân nhỏ.

Sau thánh lễ sáng chúa nhật, các em lần lượt được ba bác sĩ làm việc ở các bệnh viện Sài Gòn đến khám thiện nguyện cho các em. © Laurent Weyl

Và đó là trường hợp của cô Nguyễn Thị Hằng, 29 tuổi, mù bẩm sinh mẹ của em Bảo 8 tuổi, em được nhận vào viện mồ côi. Cô Hằng đến từ đồng bằng sông Cửu Long, xa chồng, cùng với hai người bạn mù khác, cô mở phòng đấm bóp ở Bình Dương! Cả một ý chí để làm được như vậy! Sau khi học xong trung học, nhờ các nữ tu ở Sài Gòn giúp đỡ, nhờ bền chí luyện tập, cô đã trở thành vận động viên bơi bướm ở Việt Nam thể loại khuyết tật. Với tiền có được nhờ thắng các giải bơi, cô theo học khóa đào tạo y tế đại học dành cho người khiếm thị. Nhưng với lợi tức thấp, với khiếm thị cô không thể lo cho em Bảo. Được các tu sĩ dòng Đức Mẹ Lên Trời nhận, em Bảo học hành tiến bộ, cũng với nghị lực sắt như mẹ. Mẹ của em đến thăm em hằng tháng, theo quy luật của viện mồ côi: giữ liên hệ chặt chẽ giữa em bé và gia đình, các em nghỉ hè với gia đình mỗi năm hai lần.

Trở về Mái ấm trong con đường yên tỉnh, xa bụi bặm ồn ào của thành phố, đời sống yên bình với giờ đọc sách, xem phim trong các căn phòng rất nhỏ. © Laurent Weyl

Một bằng chứng khác của cách giáo dục thống nhất, lần này ở phía nam Sài Gòn, chỉ cách Vũng Tàu 20 cây số, thầy Gioan-Baotixita Thăng và Tân 17 tuổi vội vã lên đường đến chân đồi rừng. Trên con đường là vùng trồng rau, nơi bà Nguyễn Thị Cậy 60 tuổi, bà ngoại của Tân đã nuôi dạy Tân khi cha mẹ bỏ em. Bà chỉ kiếm được 50 000 đồng mỗi ngày nhờ tiền bán rau, bà phải giao cháu cho Mái ấm và luôn hỏi thăm việc học của cháu. Họ thường gặp nhau để trao đổi các tiến bộ học hành của Tân, bây giờ Tân rất vui được gặp lại bà ngoại và giúp bà cắt rau muống để ngày mai ra chợ bán. Ở viện mồ côi, không một em nào mất liên lạc với gia đình!

Khoảng mười lăm sinh viên thiện nguyện dạy kèm cho các em mỗi ngày để các em có kết quả tốt. Đối với các tu sĩ dòng Đức Mẹ Lên Trời theo dõi việc học của 32 em là một trong các ưu tiên hàng đầu của họ. Ngoài ra các em còn đi lễ và học giáo lý. Cầu nguyện thì theo nếp sống hàng ngày của viện mồ côi. Các giá trị kitô nằm trong phần giáo dục các em, từ những năm 1990 các tu sĩ đã được dạy lại sau năm tháng dài bị chế độ cộng sản áp bức. Thiếu phương tiện khi đối diện vấn đề di cư, nghèo khổ và bất bình đẳng vốn có trong một đất nước phát triển dữ dội, ngày nay nhà cầm quyền đã để cho người công giáo lo một phần các công việc xã hội. © Laurent Weyl

Tương lai các em cũng được chăm sóc rất kỹ. Chủ yếu các em rời mái ấm lúc các em 18 hay 19 tuổi, đã học được một nghề hay đã lên học cấp cao. Chẳng hạn đã có sáu em được một chủ nhân gần Mái ấm thâu nhận. Được ở miễn phí, các em làm hai mười giờ một tuần và lãnh được 4 triệu mỗi tháng, các em may nhãn áo quần cho một hãng lớn của Mỹ, như thế các em có đủ thì giờ và tiền để tiếp tục học lên đại học.

Tân về nhà giúp bà ngoại hái rau để ngày mai ra chợ bán. © Laurent Weyl

Với các xưởng làm việc có tính cách xã hội, cùng với mười mấy thiện nguyện viên làm việc mỗi ngày, các em giữ được liên lạc với gia đình, họ không bao giờ ‘bỏ’ con đã giao cho viện, sự hiện diện của các linh mục và các thầy dòng Đức Mẹ Lên Trời, Mái Ấm Hoa Huệ là một gia đình vững chắc trong vạc dầu Sài Gòn. Bây giờ chỉ còn cung cấp cho các em một cơ sở giáo dục mới trên miếng đất báo Pèlerin đã giúp mua. Chắc chắn bây giờ các độc giả của báo sẽ tiếp tục hỗ trợ cho việc xây dựng cơ sở mà cách đây bốn năm họ đã quảng đại giúp…

Cùng với thầy Gioan-Baotixita Thăng, một nữ tu dòng Chúa Quan Phòng (ở giữa) và một người bạn, họ bàn bạc việc học của Tân. © Laurent Weyl

Trên miếng đất mua năm 2014, một phần nhờ độc giả báo Pèlerin, các em tìm hiểu dự án mới của Mái ấm. © Laurent Weyl

“Mái Ấm Hoa Huệ” là cở sở bảo trợ xã hội trực thuộc quyền quản lý dòng Đức Mẹ Lên Trời, ở 23/3 Đông Hưng Thuận 32, Phường Tân Hưng Thuận Q.12

Thầy Phụ Trách Gioan Baotixita NGUYỄN NGỌC THĂNG
Mobile : 0975 6777 14 (+84975677714)
Email: ngocthang_aa@yahoo.com
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn tin: Phanxico

Nguồn tin: conggiao24h.com

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây