Ngày 7 tháng 1 THÁNH RÂY-MUN-ÐÔ PÊ-NHA-PHO Linh mục – Lễ nhớ (1175-1275)

Thứ hai - 06/01/2020 17:12

Ngày 7 tháng 1
THÁNH RÂY-MUN-ÐÔ PÊ-NHA-PHO
Linh mục – Lễ nhớ (1175-1275)

 

Tiểu sử
Cậu Rây-mun-đô sinh tại Ca-ta-lu-nha, gần Bác-xê-lô-na, nước Tây Ban Nha trong một gia đình quý phái thuộc dòng tộc Pê-nha-pho. Cậu có trí thông minh và sức khỏe khác thường. Thêm vào đó, cậu lại được hấp thụ một nền giáo huấn Ki-tô giáo chắc chắn ngay từ khi còn tấm bé.

Cậu Pê-nha-pho theo học phổ thông tại quê nhà. Sau đó, cậu đi Bô-lô-ni-a học giáo luật và dân luật. Năm 30 tuổi, đậu tiến sĩ và giảng dạy môn luật tại đại học Bô-lô-ni-a, nổi danh trong giới giáo sư thần học và giáo luật. Lúc này, Pê-nha-pho đã lãnh tác vụ linh mục. Mến phục tài đức của cha Rây-mun-đô, đức giám mục Be-ren-ga-ri-ô, giáo phận Bác-xê-lô-na mời cha về giúp giáo phận quê nhà. Ðức giám mục đặt cha làm kinh sĩ nhà thờ chánh tòa, cha đã nên gương sáng trong chức vụ đó cho cả hàng giáo sĩ lẫn giáo dân về nhân đức và sự hiểu biết, về nếp sống hiền hòa và lòng tôn kính Ðức Trinh nữ Ma-ri-a.

Cảm mến lý tưởng Dòng Ða Minh, năm 1222, cha đến tu viện thánh Ca-ta-ri-na xin gia nhập dòng. Trong dòng, cha sống một đời nhân đức, nổi nang về lòng bác ái, về tình thương đối với người nghèo, cha đã kiếm tiền để chuộc những người bị bắt làm nô lệ. Theo tương truyền, Ðức Mẹ đã hiện ra với thánh Phê-rô Nô-lát-cô, thánh Rây-mun-đô và vua Gia-cô-bê I dạy các vị lập một dòng chuyên lo việc chuộc những người bị bắt làm nô lệ. Ba vị đã lập một dòng lấy tên là “Dòng Ðức Mẹ cứu chuộc nô lệ”, còn gọi là dòng Ðức Mẹ thương xót. Chính cha Rây-mun-đô đã soạn thảo hiến pháp Dòng, đã được đức Ghê-gô-ri-ô IX châu phê và đặt cha Phê-rô Nô-lát-cô làm bề trên tổng quyền tiên khởi.

Việc cha vào sống trong một nhà dòng và việc sống đức khiêm tốn sâu xa không làm cho danh tiếng của cha bị mai một. Ðức giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô IX đã mời cha về Rô-ma làm việc tại giáo triều và làm linh hướng cho người. Ðức giáo hoàng trao cho cha quyền thu góp tất cả những sắc lệnh của các giáo hoàng ban bố qua các công đồng cùng với các văn thư khác để làm thành một tuyển tập. Chỉ trong 4 năm (1230-1234) cha đã hoàn thành nhiệm vụ. Ðã có lần cha khiêm tốn từ chối chức vụ tổng giám mục Tác-ra-cô-na.

Ở trong dòng, cha rất được tín nhiệm và được cử làm bề trên tổng quyền năm 1238, là người thứ hai kế nhiệm thánh phụ Ða Minh, sau cha Giô-đa-nô Xa-xô-ni-a. Hai năm sau cha xin từ chức. Vì sinh hoạt trí thức nhiều, cha bị bệnh phải về Bác-xê-lô-na nghỉ ngơi. Ít lâu sau cha Rây-mun-đô sang A-ra-gông làm linh hướng cho vua Gia-cô-bê I và giúp Vua lập tòa án tôn giáo, xét những vụ án vi phạm đức tin. Cha cũng đã chép một số sách vở ; với cuốn “Tổng luận về Ðức Sám Hối” ; cha để lại một tập luận nổi tiếng và có thứ tự về vấn đề mục vụ. Là một con người phong phú về giáo lý lẫn phong hóa, lại sẵn có lòng nhiệt tâm với việc đào luyện hàng giáo sĩ cho sứ vụ mai ngày, do đó người đã viết một tập “tổng luận” bàn về vấn đề mục vụ.

Người tỏ ra rất quả cảm, có tâm huyết trong việc tông đồ giữa người Do Thái, với sứ vụ truyền giáo ở Trung Phi, lúc thì cùng với anh em Dòng Ðức Mẹ cứu chuộc nô lệ, lúc thì cùng với anh em tu sĩ hành khất khác. Người chú tâm nhiều đến việc đối thoại với anh em đạo Hồi, vì lẽ đó, người muốn cho các anh em đi truyền giáo phải học tiếng Ả-rập và nghiên cứu sách kinh Cô-ran.

Cha qua đời ở Bác-xê-lô-na ngày 06-01-1275 lúc gần trăm tuổi. Ðức giáo hoàng Cơ-lê-men-tê VIII đã phong hiển thánh cho cha vào ngày 20-04-1601. Thánh Rây-mun-đô được mệnh danh là quan thầy các luật gia.

Bài đọc : Ed 33,1.7-11; 2 Cr 5,14-20 ; Gl 5,16-17.22-23a.24-25 ;
Tin Mừng : Mt 5,13-19; Lc 12,42-44.48b

Lời nguyện : Lạy Cha toàn năng chí thánh, Cha đã giãi bày sự sung mãn của lề luật Cha trong việc yêu mến đức bác ái bằng gương sáng và giáo lý của thánh Rây-mun-đô xin Cha nhân từ đổ tràn Thánh Thần Cha trên chúng con, để tâm hồn chúng con được vững mạnh nhờ sự yêu mến, nhờ đó, chúng con thực sự tiến triển trong tự do của con cái Cha. Chúng con cầu xin

 

Nguồn tin: hddmvn.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây