Niềm Vui Giáng Sinh Như Lễ Hội Tình Yêu Giữa Chúa Và Chúng Ta

Thứ năm - 09/12/2021 07:17

CHÚA NHẬT THỨ 3 MÙA VỌNG – CHÚA NHẬT MÀU HỒNG
NIỀM VUI GIÁNG SINH NHƯ LỄ HỘI TÌNH YÊU GIỮA CHÚA VÀ CHÚNG TA

Trong năm phụng vụ của Hội Thánh có hai chúa nhật màu hồng xen lẫn giữa sắc tím trong phụng vụ. Chúa nhật thứ tư mùa chay nhắc nhớ các tín hữu hướng đến niềm vui cuộc vượt qua hồng phúc của Chúa, để sống tinh thần từ hủy, hầu có thể được dìm mình vào cái chết cứu độ của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta và sống lại với Người. Chúa nhật thứ 3 mùa vọng hôm nay, nhằm loan báo niềm vui giáng sinh đã đến thật gần và vì thế, thúc đẩy các tín hữu tận dụng thời gian còn lại của mùa vọng, để chuẩn bị tâm hồn đón nhận niềm vui Chúa đến viếng thăm và cứu độ chúng ta. Các bài đọc lời Chúa hôm nay không chỉ nói đến niềm vui mà còn chỉ rõ niềm vui ấy đến từ đâu và cái gì là cốt lõi của niềm vui này.

Niềm vui lớn nhất mà ngôn sứ Xô-phô-ni-a loan báo cho Xion cũng là Giê-ru-sa-lem, cho các thiếu nữ của nó và toàn thể nhà Israel là niềm vui có Chúa ở cùng: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, họ vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi.” Đức Chúa ngự giữa họ không như trước đây Người ngự giữa giữa đền thờ Giê-ru-sa-lem. Giờ đây, Người ngự giữa đoàn dân đang lầm than dưới ách thống trị của quân thù như là Đấng Cứu Tinh, là Đấng Anh Hùng và là Vua, không chỉ của Israel mà của muôn dân muôn nước, của toàn cõi địa cầu. Người là Đâng cứu độ, là sức mạnh, là Đấng mọi người ca ngơi. Người đến và ngự giữa họ vì thế, không phải để dân phụng thờ hay để trách phạt họ nhưng là để cứu độ và cho họ được múc nước tận nguồn ơn cứu độ.

Niềm vui ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban tặng cho con người trước hết (1) Người rút án phạt lại. Hình phạt dành cho tội của dân chính là để cho quân thù chiếm đất mà Thiên Chúa hứa ban cho dân Người, còn họ lại bị đưa đi lưu đày trên đất khách quê người. Còn nỗi đau nào bằng kẻ có nhà có quê mà không được về. Đối với người tín hữu, còn nỗi đau nào bằng bị Chúa ruồng bỏ. Tuy nhiên, tất cả những đau thương ấy giờ đây không còn nữa. Chúa đã rút lại án lệnh đổ trên họ. Người đã tha thứ cho họ. Còn niềm vui nào bằng niềm vui của kẻ có tội được Chúa tha thứ và khoan dụng. Các vinh gia cũng nói đến niềm vui và hạnh phúc của dân Chúa “Hạnh phúc thay kẻ Chúa không hạch tội, kẻ có tội mà được Chúa thứ tha.” Chính chúng ta cũng trải nghiệm điều này sau khi xưng thú tội lỗi và được lãnh nhận ơn giao hòa của Chúa. (2) Kế đến, như một Anh Hùng, Thiên Chúa xua đuổi kẻ thù của họ để quân thù không còn đe dọa, quấy nhiễu họ. Nhờ đó, họ được sống cuộc sống an vui mà  không còn sợ hãi quân thù hay bất cứ tai tương nào. Thật vậy, khi có “Chúa là đồn lũy chở che, ta chẳng còn khiếp sợ bất cứ ai và bất cứ điều gì nữa. Ngay cả khi bọn ác nhân xông vào định nuốt sống thân ta, cho dù đó là một đạo quân, ta cũng chẳng sợ gì bởi vì, Chúa sẽ làm cho thù địch của ta phải lảo đảo té nhào. Trong một lời, khi Chúa đứng ra bảo vệ, ta sẽ được an vui vì quân thù chạy xa chẳng dám đền gần, và cho dù chúng con đến gần cũng chẳng thể làm gì được vì có Chúa ở cùng ta. (3) Cuối cùng, Chúa đến còn để thay đổi phận số của dân Người. Người không chỉ tha thứ, dẹp tan quân thù để đưa dân trở lại tình trạng ban đầu, mà biến đổi và làm cho họ nên tốt hơn trước nữa. Đó chính là niềm vui cứu độ mà Thiên Chúa trong Đức Ki-tô sẽ mang đến cho nhân loại khi Người trở nên Đấng Emmanuen. Người đến để chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân, xua trừ ma quỷ và làm cho kẻ chết sống lại. Người thu hẹp vương quốc của ma quỷ và cuối cùng đi đến chỗ tiêu diệt hoàn toàn bằng lời rao giảng và nhất là bằng cái chết và sự phục sinh của Người. Người thiết lập và mở rộng vương quốc của Thiên Chúa, vương quốc tràn đầy sự thật tình yêu và sự sống, tràn đầy niềm vui – Chúa Giê-su chính  là Tin Mừng Cứu Độ mà các sứ thần loan báo cho các mục đồng.

Niềm vui thứ hai là niềm vui của chính Thiên Chúa. Ngôn sư Xô-phô-ni-a loan báo “Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỉ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi Chúa sẽ nhảy mừng như trong ngày lễ hội.” Tha thứ và ban ơn cứu độ cho dân riêng của Người và toàn nhân loại là niềm vui và hạnh phúc của Thiên Chúa.”Thiên Chúa không đến gặp và ở giữa con người với khuôn mặt đưa đám, nhưng với niềm vui gặp gỡ của hai người yêu nhau. Sách Diễm Ca diễn tả niềm vui của Thiên Chúa trong cuộc gặp gỡ với con người như niềm vui gặp gỡ của hai người yêu nhau sau bao năm xa cách “Đây người tôi yêu, băng qua núi nhảy qua đồi…” Thánh Kinh khẳng định “Thiên Chúa vui thích ở giữa dân Người. Chúa Giê-su đã nói đến niềm vui của cả thiên đàng vì một người tội lỗi hối cải ăn năn sám hối trong những dụ ngôn về lòng thương xót: dụ ngôn đồng bạc mất; con chiên lạc và đứa con hoang đàng. Thánh Phaolo trong bài đọc thứ hai cũng khuyên các tín hữu “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em.” Vâng! Không phải vui niềm vui của chúng ta, niềm vui phàm trần mà niềm vui của Chúa. Niềm vui của Chúa chính là được thấy con người đươc sống và sống dồi dào. Sự sống đời đời là nhận biết Thiên Chúa chân thật và duy nhất và Đức Giê-su là Đấng được Chúa Cha sai đến. Bởi đó, niềm vui của Chúa còn là niềm vui được con người nhận biết, được yêu và nên một trong tình yêu. Ngôn sứ Xô-phô-ni-a diễn tả niềm vui của Thiên Chúa thật lơn lao: Người “vui mừng hoan hỉ và nhảy múa tưng bừng như trong một lễ hội.”.

Vấn đề quan trong ở đây chính là làm thế nào để niềm vui của “lễ hội tình yêu” giữa Chúa Giê-su, Đấng Cứu Độ chúng ta trở thành hiện thực qua từng ngày sống, cách đặc biệt trong đêm Giáng Sinh. Muốn thế, chúng ta phải bắt chước cách sống mà các bài đọc Lời Chúa hôm nay đề nghị
Trang Tin Mừng ghi lại: khi ấy dân chúng lũ lượt đến xin ông Gioan làm phép rửa để bày tỏ lòng sám hối. Tất cả trong số họ nhận thấy chỉ việc nhận phép rửa là chưa đủ, mà họ còn muốn Gioan chỉ cho họ thấy những gì phải làm để bày tỏ lòng sám hối đích thực. Gioan đã cho họ những hướng dẫn cụ thể.

Thứ nhất là chia sẻ những gì mình có cho những người thiếu thốn, những người đang cần sự giúp đỡ của họ. Đây cũng chính là những gì Chúa Giê-su đã rao giảng và sống đến cùng trong cuộc đơi dương thế của Người. Người biến mình trở thành Tin Mừng cho những người bị áp bức, những người nghèo, những người bị loại ra bên lề xã hội và cộng đồng đức tin. Sau cùng Người đã cho đi không phải những gì Người có nhưng là những gì Người là. Người đã cho đi mọi sự mà không giữ lại điều gì. Người đã chết để cho chúng ta được sống và sống dồi dào. Người cũng đòi buộc những kẻ theo Người phải buông bỏ mọi sự, bán những gì mình có để chia sẻ cho người nghèo trước khi bước theo Người.

Thứ hai, với những người thu thuế, Gioan yêu cầu họ sống công bình chính trực chứ không lợi dụng chức vụ của mình để áp bức những người cùng khốn. Chúa cũng đến làm bạn với những người thu thuế, giúp họ biết buông bỏ danh vọng, tiền tài và địa vị, để trở nên môn đệ của Người như tông đồ Matthew.
Với những người lính, hãy sống đúng với chức trách của bình là bảo vệ đất nước và người dân. Thay vì dùng vũ khí trang bị để hà hiếp hay chiếm đoạt của người khác, hãy bằng lòng với đồng lương của mình.
Thánh Gioan cho chúng ta một gương mẫu tuyệt đẹp khi sống khiêm tốn, thành thật và nhất là biết hủy mình ra không để Chúa Ki-tô được nhận biết và tôn thờ như Đấng Cứu Thế và Đức Chúa của mọi người.

Cuối cùng, thánh Phaolo lại cho các tín hữu một sứ điệp của niềm vui. Người khuyên các tín hữu thành Philipphe hãy cho mọi người thấy niềm vui của Chúa, niềm vui của người môn đệ Chúa qua cuộc sống đầy chất Tin Mừng của họ. Đó là cuộc sống hiền hòa rộng rãi, không lo lắng sự đời nhưng tín tác vào Chúa trong mọi sự qua những lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, và trên tất cả là một cuộc sống chiếu tỏa sự bình an của Thiên Chúa cho mọi người trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả khi tù đầy và án tử đang treo trên đầu.

Anh chị em thân mến! Niềm vui giáng sinh nếu chỉ dừng lại ở bên ngoài qua những bản thánh ca, những trang trí bên ngoài, những hoạt cảnh, diễn nguyện hay thậm chí những lễ nghi hoành tráng mà không tạo nên một gặp gỡ, một lễ hội với những điệu nhảy tình yêu giữa Đức Giê-su và mỗi chúng ta sẽ trở thành vô ích. Ngược lại, giáng sinh dù thiếu tất cả nhưng có niềm vui hoan lạc “Chúa ở giữa chúng ta” và sự bình an của Người, sẽ trở thành một lễ giáng sinh đúng nghĩa nhất. Giáng sinh khi ấy trở thành một Tin Mừng Cứu Độ trọng đại cho mỗi người và từng người chúng ta
Chúng ta phải làm gì để có được niềm vui giáng sinh như lòng Chúa mong ước. Câu hỏi ấy phải trở thành lời tra vấn của mỗi chúng ta trong hoàn cảnh cụ thể nơi gia đình, giáo xứ, cơ quan xí nghiệp, trường học, nơi nhà thờ và bất cứ nơi đâu chúng ta hiện diện. Chăc chắn dù là câu trả lời nào, cũng không thể văng bóng những đòi hỏi của tình yêu qua việc chia sẻ những gì mình có cho mọi người; qua việc loại trừ áp bức, bất công, tham lam, xảo trá, gian tà; qua việc loại trừ những hình thức cho vay nặng lãi, tín dụng đen, cầm cố, xiết nợ những người cùng khốn; đặc biệt, trong tình dịch bệnh này, chúng ta được mời gọi sống tinh thần 5 k về phương diện đức tin: giữ khoảng cách an toàn với những nguồn vi-rut tội lỗi; đeo khẩu trang ngăn ngừa những phát ngôn gây đổ vỡ quan hệ con người với Chúa và với nhau; khai báo, khử khuẩn và tiêm vác-xin bằng các bí tích nhất là bí tích hòa giải và Thánh Thể. Hướng đến một giáo hội hiệp hành, chúng ta được mời gọi  hãy để cho Tin Mừng và sự bình an của Chúa thấm nhập cuộc sống của chúng ta trong tương quan hiệp thông với mọi người  qua cuộc sống công mình chính trực, thánh thiện, yêu thương và phục vụ. Cuối cùng, hãy để mọi người, nhất là cho những người chưa biết Chúa nhận ra Người qua chính cuộc sống của chúng ta trong mùa vọng này, để đến lượt họ, cũng cảm nhận được niềm vui đích thực của mùa giáng sinh, được biến đổi để nên tốt hơn mỗi ngày và trong hy vọng, một ngày nào đó, cùng với họ, đi trên con đường mang tên Giê-su, Chúa chúng ta. Amen

Lm Augustinô Nguyễn Đức Lợi




 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây