Tài liệu huấn luyện HĐMVGX - Bài 13

Chủ nhật - 04/08/2019 03:37
BÀI 13
PHẦN TU ĐỨC
ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN MÔN ĐỆ: NĂNG ĐỘNG TRONG THÁNH THẦN
 
001 gnpi 015 first disciplesCộng đoàn môn đệ Đức Giêsu được dựng xây theo tầm nhìn và sứ mạng của Đấng Phục Sinh (Lc 24,35). Trong tầm nhìn ấy, thánh sử Lu-ca nhìn lễ hội mùa gặt, sau này Do Thái giáo đồng hóa lễ hội này với Giao Ước Sinai, như khởi đầu của Giao Ước mới với việc Thánh Thần hiện xuống trên Giáo Hội. Cộng đoàn tề tựu với nhau, cùng Đức Maria, đón nhận Thánh Thần hiện diện và hoạt động nơi cộng đoàn (Cv 1,14; 2,2-4). Thánh Thần hiệp nhất cộng đoàn, biến đổi cộng đoàn, và hướng dẫn cộng đoàn tiếp nối sứ mạng loan báo Tin mừng (Cv 2,36-42). Là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta không chỉ được qui tụ để ở lại với Chúa và với nhau, nhưng còn để được Người sai đi thi hành sứ mạng (Mc 3,14-15). Trong tầm nhìn của cộng đoàn môn đệ Đấng Phục Sinh, trình thuật lễ Ngũ Tuần cho thấy hình ảnh khởi đầu cũng là hình ảnh sống động của cộng đoàn môn đệ trong thực tế, một cộng đoàn năng động trong Thánh Thần (Cv 2,1-11).
 
Thánh Phao-lô cho thấy đời sống cộng đoàn môn đệ Đấng phục sinh trở nên phong phú như thế nào nhờ Thánh Thần. Nhờ Thánh Thần, các môn đệ được củng cố đức tin: “Đức tin của anh em mới không dựa vào lời lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa” (1Cr 2,5). Nhờ thánh thần, các môn đệ đón nhận tính cách làm con Thiên Chúa (Gl 4,4-6), không chỉ theo tình trạng lề luật nhưng còn thấm sâu vào ý thức của chúng ta, làm cho chúng ta có thể kêu lên: “Abba, lạy Cha của chúng con” (Rm, 12-17). Nhờ Thánh Thần, cộng đoàn môn đệ hiệp nhất trong khác biệt: “chỉ có một thân thể và một Thánh Thần” (Ep 4,3-6). Nhờ thánh thần, một cộng đoàn non trẻ ở Antiokia cũng đã có thể dấn thân thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng: “Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: ‘Hãy dành riêng Banaba và Saolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm’” (Cv 13,2).
 
Thánh Thần vun đắp sự hiệp nhất của Giáo Hội bằng sự phong phú của những ân huệ thiêng liêng vốn được ban một cách tự do cho tất cả mọi thành viên cộng đoàn: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12, 4-13). Ngài bảo đảm vận mệnh và sứ mạng người môn đệ Đức Giêsu. Trên hành trình đạt tới vận mệnh sau cùng của chúng ta và trong sự thử thách liên tục giữa ân sủng và tội lỗi trên thế gian và trong tâm hồn chúng ta, Chúa Thánh Thần là “bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa” (Ep 1, 11-14). Có thể nói, mọi năng động hiện diện và hoạt động của Giáo Hội đều được đánh dấu bởi những thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.
 
Trong tầm nhìn của cộng đoàn môn đệ Đấng Phục Sinh, chúng ta là chứng nhân của niềm hy vọng, không chỉ trong nhận thức hay cảm nghĩ, mà còn trên nét mặt, trong cung cách ứng xử và đời sống. Hơn thế nữa, là thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ, những người phục vụ cộng đoàn trong năng động của Thánh Thần, chúng ta không thể là môn đệ Đức Giêsu theo kiểu hay càm ràm, buồn rầu và thất vọng, với bộ mặt đưa đám như hai môn đệ trên đường Emmaus trước khi gặp Đấng Phục Sinh. Trái lại, là người được củng cố niềm tin nhờ gặp gỡ Đấng Phục Sinh, chúng ta được mời gọi làm cho anh chị em mình nên vững mạnh, như thánh Phê-rô (Lc 22,31-32), bằng cách hiện diện giữa cộng đoàn với niềm tin yêu, kể lại chuyện đời môn đệ của mình với niềm hy vọng, và phục vụ cộng đoàn với niềm hân hoan.
 
Hồi tâm.
  1. Là thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ, tôi thường gặp khó khăn thách đố ở đâu-với ai-khi làm việc gì?
  2. Tôi thường cảm nghĩ và phản ứng như thế nào khi gặp tình huống khó khăn: càm ràm, than trách, đổi lỗi cho người khác, biện minh cho mình,…?
  3. Niềm tin vào Đấng Phục Sinh soi sáng cho tôi như thế nào khi gặp tình huống cần hòa giải và xây dựng hòa bình, khi có căng thẳng giữa các thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ,..?
Lm Toma Vũ Ngọc Tín.SJ.
 
PHẦN QUẢN TRỊ MỤC VỤ
UỐNG NỔI...
“Đức Giê-su bảo: ‘Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?’ Họ đáp: ‘Thưa uống nổi’”. (Mt 20,22)
Dẫn vào
Thỉnh thoảng ai đó bị (hoặc “được”) coi là “Uống như hũ chìm”,[1] người nghe có thể nghĩ hình tượng đến tiếng nước tràn vào lòng một cái hũ không nào đó đang tròng trành trong nước, bị uống nước cho đầy, rồi chìm, chìm nghỉm; đồng thời, người nghe cũng có thể nghĩ đến hình tượng một tay nát rượu, “cao khẩu rượu” nào đó: đang nốc ừng ực những rượu là rượu, trong rượu ngoài rượu, chìm ngập trong bể rượu.[2] Tuy nhiên, hũ chìm, uống chìm… khác với “uống nổi” của tựa đề bài viết ra sao?
 
Đức Giê-su bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi”.[3]
 
Không biết các người xin gì
Nhờ mẹ của mình đến xin cho bằng được hai vị trí cao trọng trong “vương quốc” mà Chúa Giê-su sắp thiết lập: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy”,[4] Gia-cô-bê và Gio-an cam kết sẽ “uống nổi” chén Thầy Giê-su sắp uống. Tuy nhiên, quá chủ quan, các ông không biết chén Thầy Giê-su sắp uống là chén gì. Các ông không biết các ông đang xin gì. Cũng là con người với tính ham mê quyền lực, các ông cam kết đại, các ông hứa uống đại, uống bừa, “uống như hũ chìm”. Trong khi đó, “uống nổi” chén Thầy Giê-su sắp uống chắc chắn là “không nổi” – có chăng chỉ là “chìm” – trừ phi có ơn riêng Chúa ban.
 
Mục vụ xứ đạo của quý chức hội đồng, hội đoàn giáo xứ đôi khi cũng bị cám dỗ, hoặc bị lâm vào hoàn cảnh khó khăn như thế, bởi vì quá chủ quan, hoặc bởi không thực sự biết mình đang làm gì, xin gì. Có khi chúng ta chỉ biết những điều rất phụ tùy, những điều chẳng những không có lợi mà còn có hại cho sự sống đích thực của tâm hồn! Có bao giờ trong nỗ lực sống và loan báo Tin Mừng, chúng ta xin ơn dấn thân vì yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn? Có bao giờ chúng ta xin ơn yêu thương người khác như chính mình? Bởi lẽ, nếu điều răn thứ nhất “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” là giới răn quan trọng nhất thì điều răn thứ hai, cũng giống vậy: yêu người thân cận như chính mình.
 
“… trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy”.[5]
 
Vậy, chúng ta có sẵn lòng dâng lên Chúa những hy sinh là lòng bác ái, bao dung, tha thứ và sẵn sàng làm việc, phục vụ vì danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến…, chúng ta có thật sự muốn “uống nổi” chén Thầy Giê-su đã uống?
 
Uống nổi chén Thầy sắp uống
A hỏi B: “Nếu bước lên trước một bước là tử, lùi lại một bước là vong, anh nghĩ anh sẽ làm thế nào?” B trả lời không chút do dự: “Mình sẽ bước sang bên cạnh để đi”. Ra thế, khi cố đấm ăn xôi, khi cương quyết làm điều mình không biết thì ai đó có thể cũng giống tâm trạng của Gia-cô-bê và Gio-an, quả quyết sẽ “uống nổi” chén Thầy mình sắp uống mà không hề biết chén ấy là chén gì.[6] Vậy ra, khi gặp khó khăn, không có nghĩa là cùng đường, hãy đổi góc nhìn, hãy đi con đường bên cạnh, trừ phi đó là con đường phải đi: con đường Chúa cương quyết đi để lên Giê-ru-sa-lem…: con đường Tử Nạn-Phục Sinh. Và nếu được như vậy, chúng ta sẽ “… thấy trời mới đất mới… và thành thánh là Giê-ru-sa-lem mới…”.[7]
 
Vâng, hoặc đi sang bên cạnh khi còn đường đi, hoặc cương quyết phải đi khi đó là con đường Chúa muốn ta đi. Trong cả hai trường hợp, cần làm theo ơn soi sáng của Thánh Thần: không cố đấm ăn xôi, không cương quyết làm điều mình không biết. Vậy hãy nhớ,
 
Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê-a, và cho đến tận cùng trái đất.[8]
 
Theo đó, các thành viên hội đồng, hội đoàn giáo xứ được quyền lãnh nhận những thiện ích tinh thần của Giáo hội, là sự hướng dẫn của lời Chúa với ân sủng của bí tích. Như thế, mọi Ki-tô hữu không những có thể mà còn cần được chuẩn bị cách thích ứng, và tất cả đều được mời gọi cách tha thiết để sống dồi dào tinh thần cùng nhau tham gia tích cực vào công việc bổn phận hằng ngày là phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh chị em đồng loại.[9]
 
Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.[10]
 
Câu hỏi giúp thảo luận
  1. “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”.[11] Vậy, nếu thích ngồi bên tả, bên hữu của Đức Ki-tô Giê-su, bạn có ngại uống chén đắng mà Thầy mình đã uống? Ở mức độ nào?
  2. Có lúc nào trong đường đời, bạn cho rằng đường phải đi không nhất thiết phải là con đường “Tử Nạn-Phục Sinh” của Thầy Giê-su? Tại sao?
  3. Là quý chức hội đồng, hội đoàn giáo xứ, các bạn có bao giờ hăng máu nói “uống nổi” với ý nghĩa thật ra chỉ là “cố đấm ăn xôi”?
20-5-2019, GTHH
 
PHẦN HUẤN GIÁO
Phần IV: GIÁO DÂN TRONG CHIẾU KÍCH RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO THẾ GIỚI
GIÁO DÂN LÀ CHỨNG TỪ TIN MỪNG GIỮA LÒNG THẾ GIỚI
 
“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế để soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5:14-16)
 
Chính dựa vào đoạn Tin Mừng này mà Công Đồng Va-ti-can II đã mạnh dạng gọi Hội Thánh là Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), và điều này đặc biệt đúng trong việc canh tân chiều kích giáo dân, cũng như định hướng cho mục vụ trần thế của Hội Thánh, là Nhiệm Thể Đức Ki-tô. Thế giới, trong tất cả sự đa diện thuận cũng như nghịch với Tin Mừng, là bối cảnh mà Hội Thánh được đặt vào để mang ánh sáng của Đức Ki-tô tới soi chiếu nó.
 
1/ Thế giới với các chiều kích văn hóa của nó
 
Khi nói tới thế giới trần gian, ta không được phép quên rằng: trước hết, đó là một thực tại tốt đẹp được Thiên Chúa dựng nên trong chương trình tạo đựng của Người, đồng thời đó cũng là một thực thể đã sa ngã cần được Người cứu độ. Cách riêng, khi nói tới thế giới dưới khía cạnh con người - là đối tượng thật của Tin Mừng, ta nên dùng ý niệm văn hóa để diễn tả nó.
 
Ta tạm xác định nội dung của văn hóa như sau: ‘văn hóa là tất cả những gì con người dùng để trau dồi và phát triển các khả năng thể xác và tinh thần của mình, lồng trong các điều kiện địa lý, nhân văn, truyền thống và lịch sử nhất định... Văn hóa là một tập hợp bao gồm nhiều phương diện phức tạp của cuộc sống như sắc tộc, ngôn ngữ, phong tục, nghệ thuật…, thậm chí gồm cả niềm tin và các tín ngưỡng diễn tả nó. Văn hóa còn là những kinh nghiệm hoài bão của các thế hệ đi trước được lưu lại trong các công trình của con người như văn chương, mỹ thuật, pháp luật, kinh tế v.v. và được truyền cho các thế hệ kế tiếp’. Văn hóa được coi như kho tàng chung và thiêng liêng của mỗi dân tộc; và trong một mức độ nào đó, đôi khi còn được nhìn nhận như di sản chung của toàn thể nhân loại (xem hoạt động của UNESCO).
 
Thế nhưng, không một nền văn hóa nào trên trần gian có thể được coi là hoàn hảo cả! Mọi nền văn hóa đều tồn tại với những thiếu xót và khiếm khuyết của riêng nó, do đó mọi nền văn hóa đều luôn cần được điều chỉnh để thăng tiến hơn nữa. Một trong các nguyên nhân chính làm cho văn hóa bị lệch lạc chính là dục vọng và lòng tham của con người. Do đó, rất nhiều khi văn hóa mất đi định hướng tích cực của nó, và quay đầu làm tha hóa cũng như chống lại chính hạnh phúc đích thực của con người. Trong ngôn ngữ của lịch sử cứu độ, chúng ta khẳng định rằng: mọi nền văn hóa đều cần được ánh sáng Tin Mừng soi chiếu, hầu phát huy được tất cả các tính năng cao đẹp nhất của chúng.
 
2/ Ý nghĩa của việc Hội Thánh đem Tin Mừng cho thế giới
 
Đức Giê-su đã đến trần gian trong một bối cảnh văn hóa rõ rệt, văn hóa của dân tộc Híp-ri lồng trong bối cảnh lớn hơn của văn hóa Hy lạp – Rô ma. Người đã trọn vẹn tiếp nhận những nét tích cực của các nền văn hóa cao đẹp đó, và đã rao giảng Tin Mừng Nước Trời bằng chính ngôn ngữ, truyền thống, lịch sử của nó…, nhưng đồng thời Người cũng định hướng lại rất nhiều điều mà các nền văn hóa này khiếm khuyết, để thăng hoa và nâng chúng lên một cấp độ mới cao đẹp hơn.
 
Hội Thánh Đức Ki-tô cũng đã được khai sinh và lớn lên giữa bối cảnh văn hóa Híp-ri, rồi Hy-lạp và Rô-ma vào thời đại đó. Trong một mức độ nào đó, Hội Thánh theo dòng lịch sử cũng đã khoác lên mình không ít những yếu tố bên ngoài của các nền văn hóa thuộc xã hội Híp-ri, rồi Hy-lạp Rô-ma, rồi phương tây. Với Công Đồng Va-ti-can II, hơn khi nào hết, Hội Thánh nhận ra rằng mình có nhu cầu cấp bách là rộng mở tiếp thu những gì là tích cực của mọi nền văn hóa khác, ở bất cứ đâu con cái mình hiện diện. Nói tóm lại, Hội Thánh nhất thiết cần hội nhập vào các thực tại của con người và dân tộc mà các phần tử mình hiện diện, hầu có thể diễn tả niềm tin Ki-tô, và đem ánh sáng Tin Mừng tới cho họ.
 
Hơn thế nữa, Hội Thánh còn có thể đóng góp rất nhiều điều tích cực cho các nền văn hóa, tại bất cứ đâu Tin Mừng được hiện diện cách tích cực. Lịch sử trong các thế kỷ qua đã cống hiến những bằng chức hùng hồn cho thấy điều này, nhất là tại các quốc gia phương tây. Tin Mừng của Đức Ki-tô đã không ngừng chiếu sáng trên các vấn đề lớn của nhân loại như trả lại phẩm giá cho mọi người (xóa bỏ nô lệ, bình đẳng giới tính, tôn trọng lao động…), tôn trọng sự sống (bảo vệ thai nhi và chăm sóc trẻ nhỏ…), giúp xây dựng xã hội công bình hơn, phát triển các dân tộc, và tiến tới một thế giới hòa bình thịnh vượng hơn.
 
Tuy nhiên, thời nào cũng vậy và nhất là ngày nay, nhiều nền văn hóa nhân loại dầu đã có nhiều tiến bộ nhất là về văn minh khoa học kỹ thuật, vẫn đang phải giáp mặt với những thách đố cực kỳ nghiêm trọng. Đang có khuynh hướng tách rời văn hóa ra khỏi các định hướng Tin Mừng, và do đó ngày càng có nguy cơ đi ngược lại với những đòi hỏi thiết thân nhất của hạnh phúc trường tồn của con người. Hơn bao giờ hết, Hội Thánh thấy cần khẩn thiết dành cho thế giới con người một mối quan tâm rất đặc biệt (xem Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes). Tông Huấn Người Ki-tô hữu Giáo Dân đã gióng tiếng cảnh báo như sau: “Sự ly khai giữa Tin Mừng và văn hóa quả là một thẳm trạng của thời đại chúng ta, cũng như của nhiều thời đại trước. Như vậy Hội Thánh phải dồn mọi nỗ lực để quảng đại thực hiện công cuộc Phúc Âm hóa thế giới; đúng hơn phải Phúc âm hóa cho bằng được mọi nền văn hóa.” (CFL số 44) 
 
3/ Vai trò tiền phong của giáo dân
 
Đứng đầu trong trọng trách này, ta phải kể tới vai trò của các Ki-tô hữu giáo dân, vì họ là những người sống trong lòng trần gian, ngụp lặn giữa các thực tại trần thế hơn cả. Sự hiện diện liên tục và sâu sắc này chính là đặc thù của họ trong Hội Thánh của Đức Ki-tô. Chính nhờ họ và qua họ, mà Đức Giê-su và Hội Thánh Người liên tục nhập thể giữa lòng nhân loại và thế giới!
 
Liên đới với các thực tại trần gian chính là sự sống còn của họ, không chỉ dưới khía cạnh con người xã hội, nhưng cả trong phương diện Tin Mừng Nước Trời. Họ chỉ thực sự là Ki-tô hữu, một khi biết sống Tin Mừng giữa đời; đồng thời cũng chính trong tư cách Ki-tô hữu mà họ hội nhập cách hữu hiệu và thâm sâu vào các nền văn hóa đa dạng bao quanh. Ta nên nhớ rằng: Tin Mừng của Đức Giê-su vượt trên mọi nền văn hóa, không để mình bị trói cột vào bất cứ một nền văn hóa cá biệt nào, nhưng lại có khả năng thâm nhập vào và thăng hoa mọi nền văn hóa. Thánh Gio-an Bosco đã diễn đạt điều này trong câu châm ngôn tuy đơn sơ nhưng rất cụ thể như sau: ‘giáo dục người trẻ hầu họ trở nên những công dân tốt, và các Ki-tô hữu tốt’. Người Ki-tô hữu giáo dân càng dấn sâu vào các nền văn hóa của dân tộc và xã hội mình bao nhiêu, thì lại càng liên đới cách sâu sát với tất cả những gì là tốt đẹp và cao quí của nó bấy nhiêu, đồng thời càng phát huy được các giá trị Tin Mừng vào chính cái thế giới cụ thể đó. Họ sẽ thực sự là công dân tích cực của xã hội trần thế, có khả năng thăng tiến con người và xã hội cách thiết thực, đồng thời chiếu ánh sáng Tin Mừng của Đức Ki-tô vào thế giới.
 
Tông Huấn mạnh mẽ xác định cách làm việc như sau: “Khám phá và giúp khám phá ra phẩm giá không thể bị xúc phạm của mọi nhân vị, đó là nhiệm vụ chủ yếu, và theo một nghĩa nào đó, là nhiệm vụ trung tâm và liên kết trong công việc phục vụ mà Hội Thánh, đặc biệt là giáo dân, được mời gọi để phục vụ cộng đồng nhân loại” (CFL số 37). Trong đoạn văn này, chúng ta khám phá ra một thái độ cơ bản khác của Hội Thánh, đặc biệt là của giáo dân đối với thế giới. Ngoài những điều tốt lành đang mời gọi chúng ta có một thái độ liên đới để cùng tìm cách phát triển, thế giới còn đầy dẫy những sự dữ, những xúc phạm, những phản bội, những hủy diệt chống lại điều cao quí nhất là chính phẩm giá của con người. Tin Mừng, dưới tác động chữa lành và cứu độ của nó, sẽ tìm cách chỉnh đốn và nâng cấp nhân vị con người lên một tầng cao mới. Giáo dân là những tác nhân hàng ngày sinh sống giữa những thực tại hiện sinh đầy bi tráng của thế giới, và một khi chính họ được Tin Mừng hoán cải, nhờ lối sống bác ái yêu thương và tích cực phục vụ của mình, họ sẽ xây dựng được một thế giới trần gian ngày càng tốt đẹp, và kiến tạo nhân loại ngày càng công bình và huynh đệ hơn. “Hoán cải lương tâm cá nhân cũng như tập thể, hoán cải sinh hoạt mà họ đang dấn thân, hoán cải đời sống và môi trường cụ thể của họ” (CFL số 44), đó là những điều mà mọi phần tử của Hội Thánh, đặc biệt những người Ki-tô giáo dân, sẽ góp phần mình vào việc xây dựng thế giới và xã hội loài người dựa trên Tin Mừng của Chúa.
 
Câu hỏi gởi ý:
  • Bạn có cho rằng: được sống giữa trần thế chính là một ưu điểm và một hồng ân, mà các Ki-tô hữu giáo dân có thể tự hào.., hay chỉ nhìn thấy cách sống này toàn là tiêu cực và thấp hèn để mà không ngừng than vãn?
  • Trong tư cách một giáo dân Công Giáo, bạn có bao giờ nghĩ rằng văn hóa chân chính của người Việt Nam có những nét tích cực đối với Tin Mừng? Và có bao giờ bạn nỗ lực khai thác để sống Tin Mừng sâu hơn không? 
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty, SBD
 

PHẦN MỤC VỤ
HỌC VỚI NGƯỜI THẦY TUYỆT VỜI
 
Lời mở
Mỗi người chúng ta thường dành 10 hay 20 đầu tiên trong cuộc đời để học hành. Chúng ta tốn rất nhiều công sức, thời giờ, tiền của cho hoạt động giáo dục này, nhưng rất ít người tự hỏi: Học để làm gì? Học thế nào cho hiệu quả nhất? Học với ai cho xứng đáng nhất?
 
1. Học để làm gì?
Trong hơn 10 thế kỷ bị người Trung Quốc đô hộ (111 TCN – 938) và 10 thế kỷ độc lập (939-1945), người Việt học để làm quan, vì đó là cách tiến thân và khẳng định chính mình nhanh nhất trong một xã hội phong kiến với nền quân chủ chuyên chế. Nội dung học là bộ Tứ Thư, Ngũ Kinh của Trung Quốc, và một số kỹ năng thơ phú vì nền giáo dục nước ta bị ảnh hưởng nặng nề của văn hoá Trung Quốc. Phương pháp học tập, cách thi cử cũng vì nội dung này mà bị hạn hẹp vào những cách ứng xử trong mối tương quan xã hội như: vua-tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bạn bè theo tam cương, ngũ luân hoặc theo những tiêu chuẩn: nhân, nghĩa, lễ, tín, trí hay công, dung, ngôn, hạnh.
 
Bước vào thời kỳ dân chủ cộng hoà cho cả hai miền Nam Bắc (1945-nay), dù nội dung học là những kiến thức thiết thực hơn, nhưng phương pháp học, cách thi cử không khác xưa bao nhiêu. Gần đây người ta mới nhận ra những hạn chế của nền giáo dục này và đang quyết liệt đòi phải “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế”[12].
 
Lý do là vì nền giáo dục hiện nay quá chú trọng vào việc truyền đạt kiến thức, mang nặng tính cách nhồi nhét, trong khi lại coi thường việc vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề mà công việc và cuộc sống đặt ra. Thật ra, khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh, kho tàng kiến thức mỗi ngày một lớn, nên một số tri thức cũng nhanh chóng trở thành lạc hậu và bị đào thải. Tin học và truyền thông thế giới lại đòi hỏi con người phải hoà nhập vào cộng đồng quốc tế, nếu không sẽ tụt hậu và bị bỏ rơi.
 
Vì thế, tham vọng muốn trang bị cho người học đầy đủ kiến thức cơ bản của nhân loại trong chương trình giáo dục là không thể, không cần thiết và không hiệu quả. Người học có thể tự đào tạo các kỹ năng và phẩm chất nhờ các phương tiện truyền thông và có thể tự học suốt đời.
 
Nếu có dịp hỏi các học sinh, sinh viên và phụ huynh học sinh học để làm gì, thì nhiều người sẽ trả lời rằng không biết học để làm gì, vì chỉ làm theo mọi người; hay học để có công ăn việc làm, để kiếm tiền, để sau này giúp đỡ gia đình. Chỉ có vài người trả lời học để mở mang kiến thức hay để hoàn thiện chính mình.
 
Năm 1997, Hội đồng Giáo dục của Unesco đã công bố một thông điệp mang tên: “Học tập – một kho báu tiềm ẩn” để xây dựng bốn trụ cột cho việc học và định hướng cho việc giáo dục thế kỷ XXI: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” (Learning to know, to do, to live together and to be). Bốn trụ cột này tạo nên một thể thống nhất vì chúng liên đới và tác động lên nhau để xây dựng thành “một con người có giáo dục”. Thiếu một trụ cột nào hay yếu kém một trụ cột nào thì nền giáo dục không toàn vẹn và hoàn hảo.
 
Công đồng Vaticanô II (1962-1965) đã ra tuyên ngôn “Gravissimum Educationis” ngày 28/10/1965 và nhắc nhở chúng ta về “vai trò vô cùng quan trọng của việc giáo dục trong đời sống con người và tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của ngành giáo dục đối với sự phát triển của xã hội hiện nay”. Học không phải chỉ để biết, để làm, để sống, để khẳng định mình như một con người mà còn như một người con của Thiên Chúa, hiểu biết vô cùng, hành động phi thường, tồn tại mãi mãi và hạnh phúc vô biên. Bạn có muốn học để được như thế không?
 
2. Học thế nào cho hiệu quả nhất?
Tuỳ theo mục đích học tập, người ta giới thiệu nhiều phương pháp học để đạt hiệu quả cao.
Nếu học để thu nhận được nhiều kiến thức, kỹ năng, người ta khuyên nên chọn thời điểm và không gian yên tĩnh, nên học vào buổi sáng, nên ngủ trưa và ngủ đêm đủ để hồi phục trí não, tập trung cao độ trong khoảng 1 giờ rồi nghỉ giải lao cho đầu óc thư giãn, tập ghi nhớ bằng các dàn bài tóm tắt, hạn chế nghe nhạc trong khi học, không học khi vừa ăn xong.
 
Nếu học để hành động, người ta khuyên học sinh tập trung nghe giảng để tăng hiệu suất tiếp thu, ghi chép hiệu quả, tích cực thực hành và làm bài tập, học từ cơ bản đến nâng cao, tập thói quen tự học, học với thái độ tích cực[13].
 
Nếu học để sống tốt đẹp với người khác, người ta khuyên người học cần hiểu biết tâm lý con người, các môn khoa học xã hội nhân văn, quản lý nhân sự… Muốn thành công, người đó cần có nhận thức đầy đủ về con người, về cộng đồng nhân loại mình đang sống và luyện tập các đức tính xã hội.
 
Nếu học để tự khẳng định mình thật sự là ai khi phát triển được hết những năng lực và phẩm chất của con người như mục đích cao cả nhất của hoạt động giáo dục (học để làm người, để thành nhân), thì khẳng định mình để làm gì nếu không có người nào hay Đấng nào tồn tại mãi mãi để công nhận sự khẳng định đó? Trong khi con người tận thâm tâm luôn muốn tự khẳng định mình, luôn muốn sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi. Vậy ta đi tìm phương pháp học nào để đạt được điều đó?
Tuy nhiên, trước khi đi tìm phương pháp để thu nhận những hiểu biết, kỹ năng làm, nghệ thuật sống, rèn luyện ý chí, đón nhận tình yêu và hạnh phúc, ta cần phải hiểu rõ chúng là gì trong con người mình.
 
Các nhà khoa học cho đến hôm nay, vẫn chưa tìm ra được chỗ chúng ẩn náu trong con người. Người ta nói đến trái tim chứa đựng tình yêu, nhưng mổ nó ra, không thấy tình yêu nào cả. Người ta nói đến bộ não với hàng trăm tỷ tế bào thần kinh, nhưng lục tìm trong đó chỉ thấy những đơn chất C H O N, sắt đồng chì kẽm. Khi con người suy nghĩ hay có cảm xúc yêu thương, người ta chỉ thấy các dòng xung động điện chạy trong sợi trục của tế bào thần kinh, rồi đến cuối sợi trục, ở khe khớp thần kinh (synap) chúng phóng ra các chất dẫn truyền thần kinh là các túi hoá chất[14].
 
Kiến thức, cảm xúc, tình yêu chỉ là những phản ứng như thế. Khoa học cũng chưa thể nào đo được kiến thức thế nào là cao, cảm xúc thế nào là mạnh, tình yêu thế nào là đẹp! Chúng phải bắt nguồn từ đâu đó để chuyển đến ta và ta phải biết cách để đón nhận, lưu giữ và phát huy chúng, cho cuộc đời của mình phong phú, tươi đẹp, hạnh phúc.
Như thế, phương pháp học bằng tinh thần (chứ không chỉ bằng bộ não) lại tóm gọn vào vài điểm cơ bản sau đây:
 
- Trí vô tư
Giữ sao cho tâm trí ta được hồn nhiên, trong sáng để dễ dàng tiếp nhận những kiến thức hữu ích, những kỹ năng hữu dụng và nhất là những sự thật về mọi người, mọi vật quanh ta.
Trong thời đại thông tin kỹ thuật số này, nhiều người đã làm thương tổn, thậm chí huỷ hoại tâm trí của mình. Ký ức hay bộ nhớ của họ chứa đầy những hình ảnh đồi truỵ, bạo lực, ma quái hay những trò chơi vô nghĩa. Ta cứ tính thử xem: 1 giây có 24 hình ảnh động đi qua con mắt rồi lọt vào bộ nhớ, trong đó chứa các dữ liệu về màu sắc, tiếng nói, âm thanh, ngữ nghĩa, cử động, cảm xúc của từng ảnh. 1 giờ xem phim hay chơi game online là bộ nhớ phải chứa hàng tỉ tỉ dữ liệu. Còn đâu bộ nhớ thừa ra cho việc học!
 
- Thở nhiều khí trời và khí thiêng
Khi học, bộ não cần rất nhiều khí trời để chuyển hoá các chất nuôi dưỡng từ máu và dịch não tuỷ cũng như khí oxy vào các tế bào thần kinh. Do đó, khi học nên ngồi thẳng, thỉnh thoảng hít thật dài hơi và xoa các vùng vỏ não như thị giác, thính giác, cảm xúc, vận động, vùng ngôn ngữ Broca, Wernicke, Geschwind, vùng điều hành trung tâm… cho máu lưu thông để kích thích hoạt động thần kinh[15].
 
Nếu bạn đã tin rằng tư tưởng, tình cảm, kiến thức của bạn bắt nguồn từ một tinh thần tuyệt đối, thì bạn cần phải tiếp cận được với nguồn đó bằng các hình thức được các tôn giáo đề nghị như cầu nguyện, suy niệm, tâm niệm, chiêm niệm, thiền định… Như thế, phương pháp học theo khoa học và học theo tôn giáo không có đối lập và mâu thuẫn với nhau như một vài nhà khoa học vô thần diễn tả[16]. Ngược lại, khoa học và tôn giáo bổ túc cho nhau để giúp cho tâm trí con người mở ra với Đấng Siêu Việt và hướng tới vô biên[17].
Tinh thần cũng có một bộ não siêu nhiên chứa đựng tất cả những gì thuộc về nó, nên ta cũng cần thở khí thiêng để chuyển hoá được các ân huệ mà tinh thần tuyệt đối chia sẻ cho ta. Kitô giáo gọi thần khí ấy là Chúa Thánh Thần, được Đức Giêsu Kitô Phục Sinh ban cho các môn đệ của Người khi thổi hơi trên họ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22).
 
Vì thế, người tín hữu Kitô không phải chỉ học bằng sức lực của con người mà còn bằng các ơn lành của Chúa Thánh Thần. Lịch sử khoa học nhân loại đã chứng minh điểu đó với những nhà bác học như Ampère, Volt, Newton, Marie Curie…
 
3. Học với ai cho xứng đáng nhất?
Trong đời sống con người, chúng ta đã được học với nhiều người thầy và cảm nghiệm rằng thầy nào càng yêu mến ta, càng dạy ta những điều tốt đẹp, ta càng quý trọng, biết ơn. Vị thầy nào càng dạy được nhiều người, ảnh hưởng và thay đổi lớn lao cuộc đời con người, thì càng được tôn vinh. Tuy nhiên, ta nên hiểu rằng mọi tư tưởng tốt đẹp, sự khôn ngoan, tình yêu, ân huệ và những gì thuộc về tinh thần đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng tạo thành con người giống hình ảnh Ngài và ban cho con người có tinh thần vượt ra khỏi những giới hạn của vật chất, không gian và thời gian. Ngài đã sai Con Một của Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành con người, trở thành Đức Giêsu Nazareth, để cứu độ con người và toàn thể vũ trụ và chỉ cho muôn loài con đường tìm về sự thật toàn diện và sự sống vĩnh hằng. Ngài còn ban Chúa Thánh Thần cho con người để soi sáng tâm trí và giúp con người nhận ra con đường dẫn tới Thiên Chúa.
 
Khi nhận ra Thiên Chúa là vị thầy tối cao (x. Mt 23,8-9), nguồn của mọi tri thức, con người mới sẵn lòng chia sẻ cách quảng đại và vô vị lợi những gì mình khám phá được cho mọi người thay vì giấu nghề, giữ bí mật, đòi tác quyền quá đáng như hiện nay.
 
Khi nhận ra Đức Giêsu là vị Thiên Chúa cụ thể, là Người Thầy tuyệt vời, con người mới cảm thấy tự hào được làm môn đệ của Người Thầy và cũng là vị Chúa của mình (x. Ga 13,13,14). Người không chỉ dạy ta những mảnh sự thật nhưng một sự thật toàn diện, hoàn hảo: về Thiên Chúa, về con người, về vạn vật, về chính mình. Sự thật là chính Đức Giêsu sẽ giải thoát ta khỏi mọi u mê lầm lạc (x. Ga 8,32), đem lại cho ta sự tự do của con cái Thiên Chúa và chia sẻ cho ta sự sống vĩnh hằng. Đức Giêsu đã xác định điều đó khi Người nói: “Tôi là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).
 
Vì thế, Đức Giêsu mời gọi ta: “Anh em hãy học với tôi” (Mt 11,29). Học với Đức Giêsu để biết, không phải chỉ một số kiến thức, nhưng đạt tới nguồn sự khôn ngoan. Lúc đó ta có khả năng vô tận để khám phá ra vạn vật vì tất cả thụ tạo được dựng nên nhờ Người và cho Người.
 
Học với Đức Giêsu để hành động như Người đã làm khi yêu thương đến nỗi chết cho tất cả và sống lại vì tất cả. Lúc đó ta có khả năng để nói cho gió im, biển lặng, bánh cá hoá nhiều, chữa lành bệnh tật và cho cả kẻ chết được sống lại.
 
Học với Đức Giêsu bài học sống với tha nhân cách quảng đại và cao thượng như Người yêu cầu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Lúc đó ta sẽ làm cho cộng đồng nhân loại bình an, hạnh phúc, phát triển vững bền.
Học với Đức Giêsu để tự khẳng định mình, không phải chỉ làm chủ được mình và tìm ra ý nghĩa của đời mình, như một con người sống tạm bợ ở trần thế, nhưng ta còn khẳng định mình là con cái vĩnh hằng của Thiên Chúa trong Nước Trời mà chúng ta cùng xây dựng với Người (x. Lc 11,20; 17,20-21).
 
Lời kết
Vì thế, ta hãy tin tưởng tuyệt đối vào Thầy Giêsu để chăm chú học hành và thực hiện lời dạy của Người trong mọi hoàn cảnh của đời sống: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Chỉ Thầy mới có những lời ban sự sống” (Ga 6,68).
 
Câu hỏi gợi ý
1. Bạn có nhận định gì về nền giáo dục của nước ta hiện nay?
2. Bạn có kinh nghiệm nào khi học với Thầy Giêsu?
3. Bạn có kinh nghiệm nào về sự soi sáng của Chúa Thánh Thần và ân huệ của Ngài?
 
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
 
[1] Có hình dáng giống cái chum, nhưng thường nhỏ hơn rất nhiều, hũ được làm bằng sành, gốm, thủy tinh. Cũng như chum, khi thả xuống nước, hũ chao qua chao lại, tròng trành, uống no nước rồi mới chìm, và chìm sâu tới đáy.
[2] Có lẽ, khi nói uống như trâu, như rồng, uống ngập trong bia rượu, tắm rượu, tắm bia... cũng là những cách nói khác đi của “uống như hũ chìm”.
[3] Mt 20,22.
[4] Mt 20,21.
[5] Mt 22,36-40.
[6] Được Chúa ban ơn, các ngài cũng đã “uống nổi chén đắng”.
[7] Kh 21,1-2.
[8] Cv 1,8.
[9] Cách riêng, điều này có thể được áp dụng như những phương thế chính yếu cho các thành viên hội đồng, hội đoàn trong giáo xứ, đại diện tiếng nói của các phần tử trong giáo xứ. Thực vậy, các hội đồng và các hội đoàn trong giáo xứ, tuy không theo nghĩa pháp lý, là những đại diện của giáo xứ, những đại diện của gia đình giáo xứ về nhiều phương diện.
[10] 1 Cr 1,9.
[11] Ga 16,9.
[12]x. Hội nghị Trung ương 8, Đảng Cộng sản Việt Nam, khoá XI, ngày 4/11/2013.
[13] x. Internet, ngày 19/8/2017, bài Chăm thôi chưa đủ, muốn học tốt phải tìm phương pháp học đúng, Kênh 14.vn, mục Học đường.
[14] x. Bs. Alice Robert, Atlas giải phẫu cơ thể người, NXB Y học, 2015, tr.300-307.
[15] x. Bs. Alice Robert, Atlas giải phẫu cơ thể người, NXB Y học, 2015, tr.304-306.
[16] x. Ngô Bảo Châu, bài Học như thế nào, Internet, ngày 8/4/2013.
[17] x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 130, NXB Tôn Giáo, 2007, tr. 112.

Nguồn tin: gpbuichu.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây