Tuần 9 ngày kính Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu: “Mẹ Maria – Giọng ca tuyệt vời”

Chủ nhật - 19/05/2019 21:42
Want create site? Find Free WordPress Themes and plugins.

“Mẹ là tiếng hát ru êm giữa trưa Hè vắng, mãi mãi Mẹ là mây trời biển rộng thênh thang. Đi trong ân tình hồn con tha thiết yêu Mẹ…” .

Mẹ là tiếng hát ru cho con được ngủ yên giữa trưa Hè. Mẹ là áng mây, là biển rộng cho con được nghỉ ngơi an lành trong vòng tay từ ái của Mẹ. Và cuộc đời của Mẹ cũng là một bản tình ca. Các sự kiện trong cuộc đời của Mẹ là những nốt nhạc trong bản tình ca đó. Mỗi sự kiện là một bài hát Mẹ dâng lên Thiên Chúa để cảm tạ và tri ân tình yêu cao vời của Chúa dành cho Mẹ. Và hôm nay đây, con xin chia sẻ một số bài ca mà Mẹ đã hát trong suốt cuộc đời của Mẹ với chủ đề “Mẹ Maria – Giọng ca tuyệt vời”.

“Xin hát dâng Mẹ lời chào xưa khi Thiên Sứ loan tin, Ave Maria hãy vui mừng Thiên Chúa luôn ở cùng…”. Đây là lời của một bài hát đầu tiên mà con muốn đề cập tới khi nói về Mẹ: Bài ca xin vâng. Bài ca này Mẹ đã hát song ca với sứ thần Gapbriel tại làng Nazareth nhỏ bé. Sứ thần đến và nói cho Mẹ biết rằng, Thiên Chúa muốn mời gọi Mẹ cộng tác vào công trình cứu độ của Ngài. Mẹ sẽ thụ thai sinh hạ một người con trai và sẽ đặt tên con trẻ là Giêsu. Người Con đó sẽ là Đấng Thánh, Đấng Cứu độ trần gian. Và Mẹ đã đáp lại lời của Sứ thần bằng tiếng xin vâng. Mẹ đã khiêm nhường đón nhận ý muốn của Thiên Chúa cách dứt khoát. Mẹ đã chấp nhận chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Và chúng ta cũng phải hết lòng tri ân Mẹ vì sự ưng thuận của Mẹ đã mở đường cho con Thiên Chúa xuống thể làm người và cho chúng ta được hưởng vinh phúc thiên đàng. Qua bài ca xin vâng của Mẹ, chúng ta học biết thế nào là sự khiêm nhường đích thực, sự khiêm nhường đến từ con tim yêu mến và sự tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa hằng sống.

Con Thiên Chúa đã xuống trong cung lòng Đức Mẹ. Và Mẹ nghiễm nhiên trở thành Mẹ Thiên Chúa. Ơn đặc biệt vô song ấy, Mẹ đã không giữ cho riêng mình. Mẹ vội đi chia sẻ với người khác. Mẹ đi thăm người chị họ Elisabeth để san sẻ với bà nguồn ơn sủng Mẹ đang cưu mang. Đây là một cuộc hành trình khá xa xôi với hơn 100 cây số theo đường chim bay và phải đi mất một tuần lễ. Thánh thần bao trùm Mẹ và đổ đầy tâm hồn bà Elisabeth. Hai bà mẹ như được chịu một phép rửa trong Chúa Thánh Thần và trở nên những chứng nhân đầu tiên trong Tân Ước. Đối với bà Elisabeth, cuộc viếng thăm của Đức Mẹ là một ơn soi sáng. Nay bà cũng như người con trong lòng bà được đầy Thánh Thần. Bà cất tiếng ca tụng Đức Mẹ. Bà đã nói lên kinh nghiệm của một bà mẹ. “Con nhảy mừng trong lòng” không phải chỉ là một thành ngữ đầy thi vị của Thánh Kinh, mà còn là một thực thể sinh linh. Ngày nay, người ta có thể theo dõi trên màn hình cuộc sống của một thai nhi trong dạ mẹ. Sống trong trạng thái vô trọng lượng như một phi hành gia, em có vẻ sung sướng múa nhảy trong lòng mẹ. Chúa đến đem ơn cứu độ cho Gioan nhờ Đức Mẹ. Và bà Elisabeth ca tụng Mẹ như Mẹ đã ca tụng Thiên Chúa. Đáp lại, Mẹ cũng tiên báo những điều cao cả mà Chúa sẽ làm nơi Mẹ. Đó là lời kinh Magnificat. Lời kinh này cũng là bài hát thứ hai mà con muốn nói tới khi suy ngẫm về cuộc đời của Mẹ.

Một bài hát nữa mà con muốn giới thiệu với cộng đoàn về bài hát Mẹ đã hát khi sinh Đấng Cứu Thế tại nơi hang đá Bêlem. Thật cảm động khi nghĩ đến việc Đấng Cứu Thế không tìm được một túp lều, một mái nhà mà phải sinh nhờ trong máng ăn của thú vật! Nhưng điều làm cho Thánh Giuse và Mẹ Maria khổ tâm nhất không phải là vì không tìm được một mái nhà cho bằng không tìm được một tấm lòng cảm thông. Luca nói rõ rằng Mẹ ẵm con trên tay rồi lấy khăn bọc con đặt nằm trong máng cỏ, máng cỏ chỉ có trong chuồng chiên bò. Mẹ tự tay làm lấy những việc mà các bà mẹ thường nhờ kẻ khác làm. Mẹ nhìn vào ánh mắt hài nhi, say sưa yêu mến và cung kính thờ lạy. Vì Con Mẹ cũng là Con Thiên Chúa. Và từ cõi lòng một lời nguyện cầu trào dâng: “Mẹ sẽ gọi Con là Con sao? Trong khi con đã sinh ra Mẹ trong một đời sống mới. Mẹ là mẹ của con vì Mẹ đã mang thai con trong dạ. Nhưng Mẹ cũng là nữ tỳ, là ái nữ, bởi vì Con đã cứu chuộc Mẹ trong máu và nước”. Bài ca này vừa thể hiện những cảm xúc đan xen, vừa toát lên những cũng bậc huyền mơ trong lòng Mẹ.

Cuộc sống của Mẹ không phải lúc nào cũng bình an và hạnh phúc. Mẹ cũng có những lo lắng và bất an của mình. Bài ca tiếp theo sau đây Mẹ đã hát không thuộc tâm trạng vui tươi, hạnh phúc như ba bài ca trước. Bài ca này Mẹ hát trong tâm trạng lo lắng tột cùng, khi lạc mất người con trai duy nhất, trong dịp gia đình lên Giêrusalem dự lễ Vượt Qua. Mẹ không tìm thấy Chúa giữa đám bà con thân thuộc. Mẹ đã tức tốc đi tìm con và từng ngày trôi qua, sự lo lắng của Mẹ càng dâng cao. Mẹ thật sự lo sợ cho sự an nguy của con vì lời tiên báo của cụ già Simeon vẫn còn vang vọng trong lòng Mẹ “Con bà sẽ là mục tiêu cho người ta chống đối”. Nỗi lo lắng của Mẹ chỉ được giải tỏa khi nhìn thấy con vẫn bình an và đang ngồi giữa các thầy dạy. Mẹ đến bên Chúa và hỏi người: “Con ơi tại sao con lại đối xử với cha mẹ như vậy? Con không thấy rằng cha con và mẹ đây đã phải cực nhọc tìm con”. Nhưng lạ thay, Hài Nhi không nói với Mẹ lời xin lỗi nhưng là một lời tra vấn: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao?”. Câu trả lời của Hài Nhi thật sự khó hiểu và cũng không ăn nhập gì với câu hỏi của Mẹ. Thế nhưng mọi sự đều được sáng tỏ sau ngày Phục Sinh của Chúa. Bài ca này chất chứa tâm tình yêu mến và tình cảm mà Mẹ dành cho Chúa và cũng dành cho mỗi người chúng ta.

Mẹ là một người mẹ tuyệt vời và cũng là một người vợ mẫu mực. Mẹ dành sự quan tâm của mình cho gia đình. Mẹ làm cho gia đình hạnh phúc và ấm êm. Và Mẹ cũng không chỉ quan tâm đến gia đình mình mà Mẹ còn quan tâm đến những người chung quanh. Mẹ chia sẻ và cảm thông với người khác về khó khăn mà họ gặp phải và Mẹ tìm cách giúp họ. Và bài ca tiếp theo mà con muốn trình bày là bài ca Mẹ đã hát tại tiệc cưới Cana. Bài ca này Mẹ đã hát cùng với Chúa Giêsu và với các gia nhân của chủ tiệc cưới. Mẹ nói “họ hết rượu rồi” với Chúa còn với các gia nhân thì Mẹ dặn rằng “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo”. Hai lời trong tiệc cưới Cana cũng là hai lời cuối cùng của Mẹ mà Kinh Thánh đã ghi chép. Từ đây Mẹ sẽ giữ im lặng, im lặng cả dưới cây Thập giá và trong ngày Thánh Thần hiện xuống. Hai lời ấy bổ sung cho nhau và tròn đầy ý nghĩa. Lời thứ nhất hướng về Chúa Giêsu để cầu xin. Lời thứ hai hướng về các người giúp việc để đưa họ đến với Chúa, làm theo ý của Chúa. Bài ca này thể hiện sự quan tâm, chu đáo của Mẹ trong mọi việc, Mẹ đã cảm nhận được sự khó khăn của gia chủ. Và Mẹ đã chủ động lên tiếng với Chúa để Chúa giúp họ. Đây là phép lạ đầu tiên mà Chúa đã thực hiện. Nó đã trở thành khúc dạo đầu cho Ơn Cứu Độ. Khúc dạo này cũng là biểu chứng vinh quang của Chúa Giêsu và nó dành cho những ai đi theo Chúa. Bài ca này thể hiện việc Mẹ Maria đã tin tưởng vào quyền năng của Chúa Giêsu thế nào, thì nó cũng thể hiện niềm tin của  nhân loại vào Thiên Chúa như thế.

“Xưa trên núi Canve, Mẹ dâng con cứu đời. Mẹ hiến tế chính con yêu làm giá chuộc muôn người…”. Đây là một bài ca đặc biệt vì Mẹ đã ca lên dù không thốt nên lời nào. Tất cả những gì chúng ta nghe thấy được đều là do sự cảm nhận của cá nhân. Bài ca này Mẹ đã hát trong tiếng nấc nghẹn ngào, và những nốt nhạc chính là giọt nước mắt của Mẹ, khi mà con yêu dấu của Mẹ đã bị đóng đinh trên thập giá. Đây là nỗi đau lớn nhất mà Mẹ phải chịu vì phải chứng kiến người con trai thân yêu; Người con mà mình đã mang thai chín tháng mười ngày; Người con mà Mẹ đã trao ban hết tâm hồn, sức lực và niềm hi vọng. Nhưng hôm nay, người con đó đang bị đóng đinh vào cây thập giá chỉ vì sự ghen ghét, ích kỷ và vì tội lỗi của con người.

Chúa Giêsu con của Mẹ đã từng nói: “Ta đến để ném lửa vào mặt đất và Ta ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”. Thì hôm nay Chúa Thánh Thần đã lấy hình lưỡi lửa đến bao phủ Mẹ như ngày xưa Ngài đến với Mẹ trong ngày Truyền tin. Mẹ đã cưu mang Chúa bởi phép Chúa Thánh Thần thì hôm nay Mẹ cũng hiện diện trong ngày khai sinh của Giáo Hội. Nơi Mẹ, Giáo Hội tìm thấy được ánh sáng và sức mạnh. Đây cũng là bài ca đặc  biệt và là bài ca dài nhất mà Mẹ hát. Mẹ đã luôn an ủi, động viên và hướng dẫn Giáo hội là thân thể Chúa Giêsu. Mẹ đã đồng hành cùng với các tông đồ trong việc đi rao giảng Tin Mừng, rao giảng về Đức Kitô là Đấng Cứu Độ, người đã chết và nay đã sống lại. Bài ca này Mẹ không chỉ hát trong quãng đời Mẹ còn ở dương gian, Mẹ vẫn còn tiếp tục khi Mẹ đã về trời. Bằng chứng là Mẹ đã hiện ra rất nhiều lần qua nhiều thế kỷ, và đã có 295 hồ sơ gửi về cho Giáo hội báo cáo việc Mẹ đã hiện ra và hiện nay đã có 10 linh địa được Giáo hội công nhận là nơi mà Mẹ đã hiện ra. Những lúc Giáo hội gặp khó khăn, thử thách thì Mẹ luôn hiện đến và hát bài ca an ủi, động viên và dạy dỗ chúng ta qua một số vị thánh như chị Betnadeta tại Lộ Đức, chị Lucia, Jasita và Phanxico tại Fatima. Hay là thánh Đaminh được Mẹ Maria hiện đến dạy dỗ và hướng dẫn loan truyền lời kinh mân côi là vũ khí chiến đấu với ma quỷ, và nó cũng giúp cho Giáo hội vững niềm tin. Nó cũng đã giúp cho Giáo hội vượt qua được biết bao gian lao thử thách để đứng vững và phát triển cho đến hôm nay và sẽ kéo dài cho đến ngày tận thế.

Qua đó ta có thể nhận thấy được rằng Mẹ đã hát trong suốt cuộc đời của Mẹ. Mẹ hát khi sứ thần truyền tin trong niềm vui. Mẹ đã hát trong sự hân hoan ca tụng Chúa với người chị họ. Mẹ đã hát khúc ca hân hoan chào đón Đấng Cứu Thế sinh xuống làm người. Mẹ đã hát khúc ca bình an với sự hiện diện của Chúa. Mẹ đã hát khúc ca tin tưởng vào quyền năng Chúa. Mẹ cũng hát trong sự thương nhớ khi người con yêu dấu của Mẹ lên đường thực thi sứ mạng mà Chúa Cha giao phó. Và Mẹ đã hát bài ca cuối cùng trong tình yêu và giữ gìn Hội Thánh mà Chúa đã thiết lập. Tất cả bài ca mà Mẹ đã hát đều quy hướng về niềm tin, niềm trông cậy, phó thác và vâng phục vào Thiên Chúa tình yêu. Mẹ đã hát trong suốt cuộc đời của Mẹ và Mẹ cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy cùng Mẹ hát bài ca chúc tụng Chúa. Khi ta chúc tụng Ngài, ta chẳng thêm gì cho Ngài nhưng nhờ đó chúng ta được hưởng nguồn vui, bình an và hạnh phúc.

Hữu Đức, Tập sinh SDB

Did you find apk for android? You can find new Free Android Games and apps.

Nguồn tin: donboscoviet.info

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây