ĐẰNG SAU MỘT TÊN GỌI – Thông tin và Giáo dục Salêdiêng Việt Nam

Thứ ba - 26/03/2019 00:12
Want create site? Find Free WordPress Themes and plugins.
  • Hải, đứng lại!

Ngay lập tức, trong đám đông như nêm ấy có ai đó tên Hải quay phắt lại, còn những người khác tiếp tục con đường của mình. Mà nếu ai đó gọi bâng quơ: “Ê, đứng lại” thì chẳng một ai nhọc công dừng bước, bởi cái “Ê” ấy chẳng chỉ định một ai.

Tên gọi xác định sự hiện hữu của một con người. Mỗi người đều được gọi bằng một cái tên nào đó… một tên không phải do mình chọn, mà ai đó đã chọn cho mình, dù bạn thích hay không thích thì tên ấy đã trở thành ‘thương hiệu’ riêng cho bạn. Tên gọi không chỉ để xác định một ai đó với diện mạo, nhưng đằng sau tên gọi ấy là một con người, một nhân vị tròn đầy với trọn lịch sử của họ.

Tuy nhiên, con người hiện đại dường như đang tôn vinh thứ gì đó chứ không đặt nặng ‘phẩm vị là người’. Đọc những tin trên báo chí về những con người được xem là thành công thì chẳng có gì nhiều ngoài những túi xách, đồng hồ, giầy, áo váy hàng hiệu; còn các trường học với đẳng cấp quốc tế thì cũng chỉ chú trọng đến kiến thức, phương tiện tân tiến, điều kiện học tập tốt chứ ít đọc thấy hai chữ ‘con người’.

Hơn lúc nào hết, chúng ta cần ý thức rằng: bước vào cõi đời này, ta mang trong mình phẩm chất cao quý của con người, nhưng ta chưa là người trọn vẹn và cần phải trải qua hành trình đào luyện để có thể trở thành một con người đích thực và tròn đầy. Từ cơ sở này, trong lãnh vực giáo dục, chúng ta bàn đến việc tôn trọng nhân vị và giáo dục nhân vị.

Vì sao con người đáng trọng?

Con người ý thức bản thân mình đáng trọng và phải được tôn trọng đúng như phẩm vị của mình. Chẳng thế mà ta thấy cuộc đời có nhiều thứ để mất, nhưng có những thứ con người nhất định khư khư giữ cho mình đó là tự do và danh dự. Dù là một trẻ nhỏ thôi các em cũng mang ý thức này, tuy ở mức độ đơn sơ hơn.

Nhưng tại sao lại phải tôn trọng nhân vị?

Chuyện kể rằng vào ngày thứ bẩy của công trình Tạo dựng, Thiên Chúa công bố đã hoàn thành kiệt tác. Muôn vật bèn tụ họp nhau lại để dâng cho Đấng Tạo Thành những quà tặng đẹp nhất để tỏ lòng biết ơn. Những con sóc đem theo hạt hạnh nhân; thỏ đem theo cà rốt, cừu đem tấm chăn lông ấm áp, bò đem đến sữa béo. Hàng ngàn thiên thần vây quanh hát những bản thánh ca réo rắt.

Con người lo lắng chờ đến lượt mình, nó tự hỏi: “Mình có gì để dâng tặng bây giờ? Hoa dâng hương thơm, ong dâng mật, thậm chí voi cũng biết dâng cho Thiên Chúa cái vòi hoa sen để Người tắm giặt…”. Nghĩ đến đây, con người bèn lầm lũi đi đến cuối hàng. Cứ thế, các tạo vật xếp hàng rồng rắn để đến trước Đấng Tạo Hóa. Sau cùng cũng đến lượt con người. Lúc ấy, con người làm một điều mà không tạo vật nào dám làm: Con người chạy về phía Thiên Chúa, bái lạy và ôm choàng lấy Người mà nói: “Con yêu Người!”.

Khuôn mặt Thiên Chúa sáng lên niềm vui, và muôn vật hiểu rằng con người đã dâng tặng Thiên Chúa món quà đẹp nhất. Ngay lập tức cả vũ hoàn vỗ tay reo mừng.

Câu chuyện phần nào chứng tỏ vị trí đặc biệt của con người giữa muôn loài. Thực vậy, con người được Chúa yêu thương đặc biệt vì họ mang hình ảnh Người. Chỉ con người có lý trí, tình cảm và tự do. Con người là duy nhất và không thể thay thế nên giữa hàng triệu triệu con người từ cổ chí kim, chẳng có ai là bản sao của nhau. Con người nhỏ bé nhưng tinh tế và phức tạp như một tiểu vũ trụ, là mầu nhiệm khôn dò khôn thấu, chỉ mình họ biết về mình và biết đến tận cùng mà không một khoa học tân tiến nào có thể thấu triệt.

Hơn thế, con người không vào đời này cách ngẫu nhiên, nhưng họ sống cuộc đời mình với một sứ mệnh đặc biệt, mà ta gọi là “ơn gọi”. Khi nói giáo dục nhân vị tức là giúp con người phát triển và sống sung mãn ơn gọi này. Sứ mệnh cốt yếu mà con người thực hiện không phải là làm việc này hay việc khác, nhưng là phục vụ cho hạnh phúc nhân loại tùy theo khả năng và sở thích của mình. Con người chỉ thực sự hạnh phúc khi trở thành quà tặng cho đồng loại và được đóng góp phần mình.

Công việc sang hay hèn không làm cho con người thêm giá trị, nhưng là thái độ vui tươi hạnh phúc khi trao ban và phục vụ. Một người quét đường tận tâm thì hơn một bác sĩ cẩu thả, một công chức quèn trung thành thì hơn một đại tướng vô tích sự … Niềm vui thật nơi con người tìm thấy trong phục vụ. Người nông dân hạnh phúc vì cống hiến cho đời những hạt lúa thơm, cô giáo vui khi thấy học sinh ngoan hơn, làm người hơn.

Khi tôi sống ơn gọi của mình với niềm lạc quan vui sướng, có nghĩa là nhân vị tôi đã được giáo dục để sống sung mãn ơn gọi và sứ mệnh của mình. Jean Jacques Rousseau phát biểu: “Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất”. Giáo dục là giúp cho con người trở nên người hơn, nên tiên vàn con người phải được cư xử như một con người.

Nhân vị trong giáo dục

Trong khi tham gia vào lãnh vực giáo dục, chúng ta cần quan tâm đến việc phát triển con người, muốn thế nhân vị phải được đặt làm trọng tâm của hoạt động giáo dục. Một số yếu tố nền không thể thiếu đó là:

1. Giáo dục phải nhắm đến con người trong thực tế cụ thể của họ

Dân gian có câu “bá nhân bá tánh” để cho thấy nét độc đáo, duy nhất của từng con người. Nó gợi ý về một nền giáo dục không là một khuôn đúc cho tất cả, nhưng cho từng con người riêng biệt. Triết học Hy Lạp dùng hình ảnh “Chiếc giường Procuste”[1] để ám chỉ về một lối giáo dục trong đó mọi người đều “đúc từ một khuôn”, phải suy nghĩ giống nhau, hành động giống nhau và phản ứng giống nhau. Thoạt nghe, ta dễ cười mỉm trước sự ngây ngô của Procuste, nhưng biết đâu trong thực tế ta lại phản ứng y như thế. Chẳng hạn, ta không chấp nhận sự khác biệt giữa người với người để có sự hướng dẫn phù hợp; không có sự quan tâm tìm hiểu về hoàn cảnh của đối tượng; hoặc bê nguyên xi một mẫu giáo dục, một kiểu giảng dậy, một giáo án cứng nhắc nào đó vào trong việc dậy dỗ các em.

Hãy nhớ rằng con người bước vào trần gian với cùng điểm xuất phát giống nhau, nhưng tiến trình làm người không hề giống nhau. Đằng sau tên gọi ấy là một con người chịu mọi sự chi phối của tác động môi trường xã hội, nền giáo dục nhận được, hoàn cảnh gia đình … Nhưng các nhà giáo dục tiếp nhận các em không có cùng một điểm xuất phát, và nhà giáo dục phải hướng các em đến một điểm tới chung, đó là một con người hoàn thiện và hạnh phúc.  

2. Giáo dục để con người trân trọng những gì mình là

“Đứng núi này trông núi kia cao”. Đây là một tâm lý khá phổ biến. Nhiều cha mẹ vô tình làm cho con cái chỉ biết chiêm ngắm những gì người khác có để mà ao ước, tìm kiếm và bắt chước, khi đề ra một mẫu lý tưởng nào đó và bắt con trở thành, thay vì nỗ lực tìm kiếm và phát hiện nơi em những khả năng em, những ước mơ để giúp em thành toàn. Cũng xảy ra trường hợp ngược lại là cha mẹ để cho con muốn làm gì thì làm mà không hề có một định hướng gì cho em. Cả hai tình trạng trên đều bất cập.

Trong mỗi người có đủ tố chất để vươn đạt thành một người trưởng thành, nhưng ở những năm đầu cuộc sống, khuynh hướng này chỉ mới bắt đầu lộ diện và cần được sự hướng dẫn, đồng hành và những trải nghiệm về cuộc sống để họ có thể phát triển và chiếm hữu được một căn tính vững chắc. Nếu cha mẹ hay nhà giáo dục bày tỏ sự quan tâm và công nhận những gì trẻ em làm, thì họ sẽ cung cấp cho đứa trẻ những kinh nghiệm cần thiết để đứa trẻ phát triển tình yêu đối với chính mình, hài lòng và tự tin về bản thân. Cảm thức yêu thương đối với bản thân sẽ kết nơi đứa trẻ một suối nguồn không cạn về ước muốn xây dựng một nhân cách độc đáo, duy nhất và không lập lại, chính xác nhất với bản tính tự nhiên của em.

3. Giáo dục con người trong mối tương quan và hiệp thông

Không ai là một hòn đảo, và tự bản chất con người là tương quan. Ai cũng phải nhận ra rằng mình cần đến người khác, và ta chỉ hoàn thiện mình với người khác mà thôi, cho nên tự trong thâm tâm con người khao khát sự hiệp thông, liên đới.

Ý thức về mình, khả năng nhìn mình từ bên ngoài là đặc nét cho con người phân biệt mình với người khác. Con người nhận ra mình muốn yêu và được yêu nên có nhu cầu ra khỏi chính mình để gặp gỡ người khác. Khi muốn được yêu và muốn được tôn trọng, con người cũng nhận ra tha nhân cũng có nhu cầu này và đáng được thỏa mãn. Giáo dục thanh thiếu niên về tương quan là giúp các em đi ra khỏi cái vỏ của duy ngã, thượng tôn bản thân cách ấu trĩ để có thể đến với và yêu thương tha nhân, có cảm thức về đạo đức, về sự tôn trọng, chân nhận sự thật, kiến tạo cái đẹp, hiến thân cho lý tưởng.

Giáo dục nhân vị trong chiều kích này là giáo dục tinh thần quảng đại, trao hiến một cách nhưng không, trung thành với bản thân mình và người khác, đồng thời ý thức trách nhiệm đối với cuộc đời và nhân loại. Cụ thể nhất, các nhà giáo dục hãy nhắc nhở các em trước khi nói, hành động hay quyết định một việc gì, hãy nghĩ: điều này ảnh hưởng thế nào đến tha nhân? Và khuôn vàng thước ngọc cho em phải là: Điều gì em muốn người khác làm cho mình thì hãy làm cho người khác.

Kết luận

Ý thức rằng đằng sau một tên gọi ấy là một con người toàn diện với mọi băn khoăn của cuộc sống, nhà giáo dục sẽ biết phải đặt cái gì là trọng tâm, đồng thời cũng trân trọng với từng hành động giáo dục mình thực thi. Lúc ấy, sẽ không còn những cuộc đua chạy theo thành tích, những danh hiệu, mà là chất lượng ‘làm người’ nơi đối tượng giáo dục.

______________________________

[1] Procuste là một tướng cướp khét tiếng hoạt động trên con đường đi từ Athens đến Éleusis. Hắn có lòng hiếu khách nên thường bắt cóc các du khách, mời họ ăn một bữa thịnh soạn và cho nghỉ đêm trên một chiếc giường. Nếu khách quả khổ, hắn sẽ cắt đi những phần thừa lòi ra khỏi giường, còn nếu nhỏ hơn, hắn sẽ kéo dài họ ra cho bằng chiếc giường. 

Trích CĐ Don Bosco số 32

Did you find apk for android? You can find new Free Android Games and apps.

Nguồn tin: donboscoviet.info

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây