Canh Rau Đắng

Thứ sáu - 06/11/2020 08:09

 

https://dongten.net/wp-content/uploads/2019/10/03-Melody-Of-Love.mp3
  1. Ngó vào gian hàng rau xanh, Quỳnh liếc ngang rồi lại ngó dọc, cố tìm xem có mớ rau đắng nào được trưng bày ra hay không. Vừa tìm vừa chậc lưỡi: “Trời! Sao ở cái đất Mỹ này cái gì cũng có, mà sao có vài cọng rau đắng lại không có. Buồn thế!”.

Canh rau đắng là món yêu thích của Quỳnh, vì hương vị của nó nhắc cô nhớ về má, nhớ hương vị quê nhà. Hồi ở Việt Nam, lúc má còn sống, bà hay nấu canh rau đắng cho cô ăn. Nồi canh rau thuở ấy má nấu đơn giản lắm. Phi ít tỏi thật thơm, cho nước vừa đủ ăn, đợi nước sôi rồi cho rau vào, nêm nếm chút ít thì ăn ngay. Đặc trưng loài rau này là ăn khi rau còn hơi sống, chứ chín quá thì đắng khó ăn. Lâu lâu có con cá lóc đồng, má lấy phần đầu và đuôi nấu canh làm ngọt nước, còn phần mình thì khứa nhỏ ra rồi đem kho tiêu. Bữa cơm với canh rau đắng, cá lóc kho tiêu ngon hết sẩy. Mọi công thức và cách má làm thì Quỳnh nhớ hết, thậm chí ở cái xứ tân tiến này, có những thứ gia vị hảo hạng hơn Việt Nam nhiều, nhưng nồi canh mà cô nấu chẳng giống ngày xưa.

  1. Có chồng là người Mỹ, trước đây anh sang Việt Nam công tác ngắn hạn theo phân bổ của công ty. Trong một dịp nghỉ lễ, anh về vùng quê của Quỳnh theo lời mời của một anh bạn cùng công ty. Vô tình gặp cô gái thôn quê, nước da ngâm, với nụ cười dễ thương cuốn hút anh từ cái nhìn đầu tiên. Thế là sau chuyến đi chơi ấy, anh làm quen Quỳnh, được vài năm thì ngỏ ý xin cưới cô làm vợ. Sau khi hết thời gian công tác tại Việt Nam, anh trở về Mỹ, khoảng năm sau thì bảo lãnh cô qua cùng anh. Má ở lại quê một mình.

Không phải vợ chồng Quỳnh bỏ má lại, anh đã làm giấy tờ bảo lãnh cả hai mẹ con sang định cư, nhưng bà không chịu đi. Quỳnh cứ nài nỉ mãi: “Má! Má có thương con má đi với con, không có má con buồn lắm!”. Thương con thì thương vô kể, nhưng bà nhớ lại lời kể của mấy bà bạn ở xóm trên, sau chuyến qua Mỹ hay Úc thăm con về rồi than thở: “Ở cái xứ quỷ gì mà buồn chán muốn chết. Đã không biết tiếng tây thì chớ, mà xung quanh toàn ông bà tây, ổng bả xì xào có hiểu gì đâu. Mấy đứa con đi làm cả ngày, đành thui thủi trong nhà một mình. Tối nó về nói chuyện láp giáp vài câu rồi tắt đèn đi ngủ. Có cho tui tiền triệu qua bển lần nữa tui cũng hổng đi.” Nhớ lời ấy rồi ngẫm tới cái cảnh xa quê, xa bà con xóm giềng, bà chịu không nổi.

-“Quỳnh, con thương má! Xa con má chịu không nổi. Nhưng bắt má xa luôn mồ mả ông bà, xóm giềng, giàn bầu, giàn bí, má càng khó sống hơn. Con thương thì thông cảm cho má! Qua đó rồi vài năm, chừng nào ổn định thì vợ chồng con về thăm má!”.

Thương con thì muốn sang ở cùng, nhưng nghĩ tụi nó cũng cần có hạnh phúc riêng, thân già có qua thì vài năm cũng chết. Sợ không chết ngay mà nằm lây lất cực con cực cháu, vậy là bà quyết định không đi mà ở lại. Hôm đưa Quỳnh ra sân bay, hai má con cứ quyến luyến bịn rịn, chẳng sao rời nhau được. Thời gian cũng đến, bà đứng ngó cô con gái vào khu vực soát vé, hai tay vịn hàng rào mà nước mắt ràng rụa. Lặng chừng một quãng, đỡ xúc động rồi bà đứng lên, đội chiếc nón lá, xách cái giỏ đệm ra cổng bắt xe về quê. Quỳnh đi xa dần theo chiếc máy bay đưa cô qua xứ mới, bà cũng xách giỏ về quê, bắt đầu cuộc sống xa con và ở một mình.

Tới đất Mỹ, Quỳnh được chồng rước về nhà. Ăn uống chút ít rồi nghỉ ngơi. Tỉnh lại sau giấc ngủ dài, cô soạn quần áo, thấy trong cặp có một cái bọc nilon nhỏ màu đen, mở ra thì thấy mấy cọng rau đắng mà má tranh thủ ngắt trong lúc cô đang xếp đồ, rồi lén bỏ vô vali của cô. Mấy cọng rau vì thiếu nước nên héo queo, lá vàng úa. Quỳnh ngó mãi mấy cọng rau, rồi áp mặt vào mà khóc. Tiếng khóc nứt nở thay cho nỗi nhớ quê, nhớ má.

Dần dà, Quỳnh theo học tiếng Anh, học thêm nghề hớt tóc. Vốn thông minh và khéo tay, giao tiếp tốt cộng với tính làm việc chăm chỉ, nên mọi người quý mến cô nhiều. Mỗi tuần, Quỳnh gọi điện thoại về cho má. Lần nào cô cũng hỏi thăm giàn bầu bí thế nào? Luống rau muống ra sao? Và đám rau đắng má trồng vẫn còn tốt? Trong tâm trí Quỳnh, quê hương được gợi lên trong cô qua những cái giản đơn thế thôi. Rồi vợ chồng cô có con, bận rộn nên những cuộc điện thoại về cho má thưa dần. Trong những lần nhớ con, bà cầm điện thoại rồi lại bỏ xuống tự nhủ thầm: “Chắc nó bận!”.

  1. Đang làm trong cửa tiệm, đến trưa khách mới ngớt chút xíu, cô tranh thủ nghỉ ngơi. Chiếc điện thoại trong túi reo lên, Quỳnh cầm ra ngó. Số điện thoại từ Việt Nam, gọi nhỡ mấy cuốc từ sáng tới giờ. Quỳnh bấm máy trả lời với giọng điệu uể oải:

-“Quỳnh hả con? Phải Quỳnh không? Con Quỳnh đó hả?”. Đầu máy bên kia hỏi liên tục, thêm tiếng ồn khiến cuốc điện thoại khó nghe rõ giọng ai.

-“Dạ! Quỳnh đây! Ai đó! Gọi có…”.

Chưa nói dứt tiếng, đầu máy bên kia vừa khóc vừa nói:

-“Chú Sáu nè! Má con chết rồi! Bả kêu chú Sáu điện cho con, mà con không nghe máy. Giờ bả đi được mấy tiếng rồi Quỳnh ơi!”.

Điện thoại trên tay Quỳnh rớt xuống đất cái xoảng, mọi người trong cửa hàng nhìn vào cô chăm chăm. Rồi cô khóc thét lên: “Má ơi! Má! Má ơi!”.

Vợ chồng tức tốc sắp xếp về Việt Nam, mãi sáng ngày thứ ba sau khi bà chết, Quỳnh mới về tới. Nhìn quan tài má được đặt giữa nhà, Quỳnh chết lặng cả người. Cô không khóc được nữa, mọi cảm xúc trong cô giờ đã bị đóng băng vì sự ra đi quá đột ngột của người mẹ thân yêu. Xác bà được quàn tại nhà ngày hôm đó nữa rồi hôm sau đem tới nhà thờ làm lễ an táng, được chôn ở đất thánh họ đạo. Ban đầu cô muốn xin hỏa táng để đem cốt bà sang Mỹ cùng cô, nhưng theo ước nguyện của bà rằng muốn nằm chung với ông bà tổ tiên ở đất thánh họ đạo. Quỳnh đành chiều ý mẹ.

Lo xong hậu sự cho mẹ, vợ chồng Quỳnh tranh thủ thăm bà con trong xóm, hỏi thăm và cám ơn bà con. Khoảng tuần sau, vợ chồng trở về Mỹ. Trên đường ra bến xe tỉnh, chú Sáu chạy xe máy đuổi theo Quỳnh, níu tay cô lại.

-“Quỳnh! Má con dặn chú khi nào con về hái cho con ít rau đắng. Bả biểu con thích ăn rau đắng. Nè, con đem theo về bển nấu canh mà ăn!”

Quỳnh nhận bịch rau từ tay chú Sáu, nước mắt cô lúc này bắt đầu rơi lã chã. Cô cám ơn chú rối rít, rồi chào chú mà lên đường.

  1. Trở về Mỹ, may là ở gần khu Little Sài Gòn, nên Quỳnh hay tranh thủ sau giờ làm vào các cửa hàng bán đồ Việt Nam, tìm thứ rau quê mùa ấy. Thi thoảng có đợt rau từ Việt Nam qua, cô vui hết sức, mà vui hơn hết là thấy cọng rau đắng trong gian hàng, vì nó gợi trong cô người mẹ kính yêu đã khuất, gợi lên quê hương dấu yêu và hương vị thân quen.

-“Miss, can I help you?” (Thưa cô, tôi giúp gì được cho cô). Nhân viên bán hàng hỏi Quỳnh.

-“I want to buy some…”. Quỳnh lúng túng vì không biết rau đắng nói bằng tiếng Anh như thế nào.

-“Chị muốn mua gì? Em là người Việt Nam.” Cô bé nhân viên cười bảo.

Niềm vui khó tả khi gặp đồng hương trên đất khách, cô nói muốn tìm mua rau đắng. Bé nhân viên chỉ Quỳnh xuống cuối dãy gian hàng. Quỳnh chạy một mạch, thấy vài ký rau đắng đang được bày ở đó, cô gom hết vào túi rồi đem tính tiền. Bé nhân viên nhìn Quỳnh mua nhiều, nên cười hỏi:

-“Chị thích ăn rau đắng lắm hả?”

-“Ừ! Chị thích lắm! Chị cho em số phone. Khi nào có rau đắng gọi cho chị hay nha! Chị ở gần đây thôi.”

Vậy là có mối quen là nhân viên bán hàng, là người Việt Nam, cũng là mối rau đắng, Quỳnh mừng hết sức.

Ghé chợ mua con cá lóc làm sẵn, Quỳnh vội lái xe về nhà. Bắt nồi nấu canh rau đắng, lấy đầu và đuôi cá nấu canh, mình cá khứa ra kho tiêu, thêm mùi gạo chín thơm phức. Bữa cơm Việt Nam hôm ấy thịnh soạn lắm, chồng Quỳnh thích thú ngồi ôm vợ, con gái anh chị cũng sà vào lòng ba mẹ. Quỳnh ngó lên bức hình má trên tường, nước mắt tuôn ra, cô nói với má:

-“Má ơi! Hôm nay giỗ má! Con nấu canh rau đắng mà má thích nè! Thêm cá kho tiêu nữa…”. Nói tới đó, rồi Quỳnh khóc…

Little Stream

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây