Ngày thứ tư: “Đức Maria – Dấu lặng của Thiên Chúa”

Thứ bảy - 18/05/2019 05:30
Want create site? Find Free WordPress Themes and plugins.

TUẦN CHÍN NGÀY KÍNH MẸ PHÙ HỘ CÁC GIÁO HỮU

NGÀY THỨ 4: ĐỨC MARIA – DẤU LẶNG CỦA THIÊN CHÚA

Cộng đoàn thân mến, hòa trong tâm tình của tuần chín ngày mừng kính Mẹ Phù Hộ của chúng ta, con thật vui khi được chia sẻ cùng gia đình mình những tâm tình, cảm nhận và chút suy tư của mình về Mẹ. Trong lúc suy nghĩ rằng mình sẽ viết gì về Mẹ đây, con chợt nhớ ra truyền thống viết thư cho Mẹ mỗi dịp lễ này. Và thật trùng hợp, con cũng chưa viết thư cho Mẹ nên hôm nay con cũng mượn lá thư để chia sẻ với Mẹ và mọi người tâm tình con.

Đà Lạt, ngày tháng băn khoăn, bồn chồn thao thức
Gửi Mẹ kính yêu và dịu hiền của con,

Đã lâu rồi con không viết thư cho Mẹ, một năm rồi Mẹ nhỉ. Nghĩ lại con thật vô tâm với sự chờ đợi của Mẹ. Con xin lỗi Mẹ nhiều. Những ngày này con suy nghĩ nhiều về ơn gọi của mình. Thời điểm cuối năm này khi con đang phải chạy đua với việc thi cử, nộp bài, chương trình Academi, thu xếp công việc, chuẩn bị tông đồ,… con lại rơi vào cái vòng xoáy lo âu, khó chịu và hụt hẫng. Nhiều thứ muốn làm mà chẳng làm được. Thứ khác làm xong rồi thì lại không hài lòng. Có nhiều chuyện muốn chạy theo, nhiều trào lưu muốn bắt kịp cũng không xong. Chắc vì thế mà con hay buồn, im ỉm và trong đầu thì cứ tưng bừng, ồn ã. Không biết các anh em khác có cảm thấy như con không?

Nghĩ đến mình rồi lại suy đến người khác. Con cũng nghe thấy nơi cuộc sống của con người ngày nay mà cụ thể là người thân trong gia đình con và các bạn sinh viên con đang đồng hành trong việc tông đồ những lời chia sẻ tương tự. Cuộc sống như một cỗ máy ngột ngạt kéo người ta, ép người ta, hút người ta chạy theo nó nếu muốn thành công. Ai chạy chậm lại hay chống lại sức ép đó thì nó đá văng ra và làm cho họ trở thành kẻ tụt hậu, lỗi thời. Vậy thì con phải làm gì đây Mẹ? Con phải nói gì để giúp cả người thân và người trẻ quanh con nữa Mẹ ơi?

Mới vừa rồi con học môn Tâm lý tích cực với cha Mạnh. Qua môn học, con biết được ngoài các bệnh về thể lý như tiểu đường, ung thư thì các bệnh về tâm ký như trầm cảm, tự kỉ cũng đang là các bệnh “hot” nhất, mốt nhất hiện nay Mẹ ạ. Nguyên nhân chính của các bệnh này cũng đến từ áp lực cuộc sống mà con nói ở trên. Trước cuộc sống đó, mỗi người một phản ứng Mẹ ạ. Người thì thu mình lại trở về cuộc sống riêng tư như muốn trốn tránh cuộc sống. Có người thì lại thờ ơ, vô cảm, chỉ thu vén cho mình; người khác lại để cho mình cuốn theo chiều gió vô định. Không thiếu các trẻ em, các người trầm cảm, tự kỉ quanh con. Thậm chí họ còn tìm đến cái chết. Mẹ có cách nào giúp họ không?

Cuối cùng, con chắc chắn là Mẹ không thiếu những điều những lời khuyên, kinh nghiệm để chia sẻ với con trong lúc này. Con mong được nghe Mẹ nói với con.

Con mong thư Mẹ. Mẹ trả lời con sớm, Mẹ nhé.

Viết xong lá thư tâm tình trong tâm trí của con trước tượng Mẹ, con biết chắc mình chẳng phải một người con đạo hạnh đến độ được Mẹ trả lời theo kiểu thần nghiệm hay trong giấc mơ như cha Bosco của chúng ta. Thế nhưng, những ngày sau đó, con cứ suy đi nghĩ lại về tâm tình mình khi đi lại, lúc lần hạt, giờ cầu nguyện và mỗi lần cúi mình chào Mẹ. Trong con chợt vang lên câu Lời Chúa này: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 9). À như vậy là con đã được Mẹ trả lời. Con tin như thế và cứ tiếp tục suy nghĩ theo câu Phúc Âm ấy. Con xin chia sẻ với mọi người câu trả lời của Mẹ

Nhìn lại hoàn cảnh của xã hội Do thái và thời đại hôm nay, dù có sự cách biệt về thời gian và hình thức thể hiện, xong bản chất thì lại tương tự nhau. Con người ngày nay bị cuốn vào công việc tham vọng thế nào thì người dân Do Thái xưa cũng bị hút vào vòng cuốn đó như thế. Tầng lớp kinh sư, biệt phái, thông luật, tư tế thì tìm lợi cho mình, ích kỷ, thu vén cá nhân. Tầng lớp thanh niên thì phân tán. Có nhóm theo trào lưu nhiệt thành chống Rôma đô hộ, người thu mình trốn chạy tìm an nhàn, sợ va chạm. Người dân thường thì một số theo ngoại bang làm tay sai cho giặc còn đa phần chịu đựng một cổ hai tròng. Xã hội Do Thái như một bản hòa tấu được chỉ huy bởi một nhạc trưởng tập sự. Các bè của bài hát đó rời rạc, sai lệch, chẳng ăn nhập gì với nhau khiến người nghe chỉ muốn bịt tai chạy trốn. Giữa lúc đó, Mẹ Maria đã làm gì? Mẹ đã dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa ngay từ tuổi thanh xuân. Mẹ đã đi tu như các thầy, các sơ. Mẹ đã tìm đến các thầy dạy bấy giờ để học cầu nguyện, suy gẫm Kinh Thánh, sống một cuộc sống chiêm niệm thực sự thầm lặng. Mẹ trở thành dấu lặng chứng tá cho nhiều người trong xã hội lúc ấy.

Xã hội Do Thái cũng như bất kì xã hội nào đều có bản chất khó có thể thay đổi hay đúng hơn là sự thay đổi của nó vượt ra khỏi tầm tay của từng cá nhân, nhất là những con người nhỏ bé, yếu đuối như phụ nữ Do thái hay người trẻ hôm nay. Vậy họ chỉ còn cách thay đổi mình. Cả hai thời đại đều ghi nhận những thay đổi tương tự nhau. Kẻ thì bốc đồng chống phá hay mù quáng thả mình theo vòng xoáy không có đích đến thực sự. Người thì sợ hãi trốn chạy vào an nhàn, chịu đựng mà bám víu vào nơi chốn cô quạnh hay nội tâm cô đơn của mình mà trầm cảm tự kỷ. Số khác lại trở nên ích kỷ, vụ lợi, lươn lẹo, đục nước béo cò, mượn gió bẻ măng, thu vén cho mình mà vô cảm với người khác. Tất cả chúng là những thái độ thật tiêu cực và khốn khổ làm sao!

Mẹ Maria cũng tìm vào thinh lặng. Vậy thinh lặng của Mẹ khác gì so với các phản ứng kia khi bề ngoài cả hai đều không lên tiếng? Suy nghĩ đến điều này con lại nhớ đến hình ảnh dấu lặng ở trên. Dấu lặng không chỉ là để chúng ta dừng nghỉ, lấy hơi ngay ngắt quãng. Dấu lặng còn là để tạo hiệu ứng nhấn mạnh cho bài hát. Sự im lặng không chỉ là đứt quãng nhưng sâu xa hơn là sự nối liền từ im lặng đến lời nói, từ điểm dừng của tâm hồn đến phút thăng hoa của cảm xúc. Sự thinh lặng của Mẹ Maria cũng thế. Đó không chỉ là một sự im lặng đơn thuần của lời nói mà còn là cả một sự bình an nội tâm sâu xa của một tâm hồn ngập tràn niềm vui Thiên Chúa.

Mẹ im lặng không nói nhiều trên môi miệng thế nào thì càng không ồn ào, rộn rã trong tâm hồn như thế. Đời sống Mẹ không được Thiên Chúa cho âm thầm như các sơ trong dòng kín. Mẹ đã chấp nhận từ bỏ ước mơ dâng hiến mà đến với ơn gọi gia đình trong công trình cứu độ của Chúa. Mẹ đã thưa vâng với lời mời gọi của Người cũng là thưa vâng với những đau khổ trăm chiều trải dài suốt cuộc đời Mẹ. Mẹ cũng đau khổ, vất vả với vòng quay của xã hội Do Thái. Mẹ không hề đứng ngoài cuộc trong nỗi khổ chung của kiếp người giới hạn. Tuy nhiên, trước hoàn cảnh mà nhiều lúc tưởng như trời đất sụp đổ, Mẹ cũng không hề thất vọng, chống đối, than van hay vô cảm. Mẹ không để mình bị những nhiễu nhương đó chi phối, không cho chúng một vị trí nào quá lớn trong tâm hồn mình. Mẹ dâng tất cả cho Thiên Chúa trong niềm tin phó thác trọn vẹn vào Ngài. Sự phó thác đó làm cho Mẹ không sợ hãi, cô đơn, đau khổ, thất vọng mà giúp Mẹ mở ra với ơn Chúa để cảm nhận niềm vui đích thực khi được làm con Chúa trong sự suy đi nghĩ lại dưới ánh sáng của Người.

Với tâm tình đó, Mẹ thinh lặng mà không bị động, thầm lặng mà không bi quan nhưng đón nhận mọi sự trong niềm tin vào ân sủng Chúa sẽ biến đổi được thế gian và niềm hy vọng chắc chắn vào ơn cứu độ của Người. Mẹ thinh lặng mà cũng không ích kỷ, thu vén vô cảm với tha nhân nhưng ra đi loan báo tin mừng cho người thân cận (hình ảnh Mẹ đi thăm viếng chị họ Elisabet). Càng cảm nhận bình an và niềm vui Thiên Chúa, Mẹ càng mở ra với mọi người trong tương quan thân thiết với họ, giúp đỡ họ và chia sẻ buồn vui của họ (Mẹ can thiệp trong tiệc cưới Cana). Sự thinh lặng của Mẹ thật tuyệt vời. Mẹ thật đúng là dấu lặng kì diệu mà Thiên Chúa đã đặt vào bài trường ca cứu độ nhân loại

Với những khám phá về sự thinh lặng tuyệt vời nơi Mẹ Maria con như được đổi mới tâm hồn trong niềm vui đích thực. Quả thật con như được Mẹ dang tay ôm vào lòng mà khuyên bảo, an ủi và chỉ vẽ cho cách thức vượt qua khó khăn. Những khó khăn đó, những điều mà con đã viết trong thư cho Mẹ chỉ được thay đổi khi con thay đổi cặp kính con đang đeo bằng đôi tròng của tích cực, phó thác và tin tưởng. Con cũng biết cách dành cho mình thời gian thinh lặng đều đặn hơn với Chúa mà “suy đi nghĩ lại trong lòng” cùng phó thác mọi biến cố vượt quá sức riêng vào bàn tay nhân từ của Cha trên trời. Đến đây, con càng thấm thía hơn ơn hiệp nhất, là ơn đặc biệt mà thánh Bosco, đã từng xác tín. Đối với mỗi người Salêdiêng, “làm việc là cầu nguyện”. Hơn thế nữa, những điều con vừa được Mẹ chỉ cho đó không chỉ dừng lại nơi con mà còn là hành trang giúp con trong việc đồng hành với các bạn trẻ trong xã hội hiện nay khi con tham dự vào sứ mệnh của cha Bosco, sứ mệnh phục vụ vì phần rỗi người trẻ.

Với những chia sẻ suy tư vụn vặt trên đây con mong làm một nấc thang trong chín bậc thang của tuần chín ngày này giúp mọi người nhất là các bạn trẻ tiến tới gần Mẹ Maria phù hộ hơn, gần Chúa hơn. Cuối cùng con xin dâng lời cảm tạ Thiên Chúa và cảm ơn Mẹ Maria đã trả lời thư con cùng xin muôn ơn lành của Chúa Cha nhân từ qua tay Mẹ Phù hộ xuống trên mọi người không chỉ trong tuần chín ngày và đại lễ sắp tới của Mẹ nhưng là mỗi phút giây trong cuộc đời chúng ta. Amen

Phêrô Nguyễn Việt Cường, SDB

Did you find apk for android? You can find new Free Android Games and apps.

Nguồn tin: donboscoviet.info

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây