Trung thu giữa trưa

Chủ nhật - 27/09/2020 17:20

Nhắc đến tết trung thu, chúng ta thường nhắc đến những đoàn lân tùng tùng keeng keeng dạo quanh khắp xóm làng cùng một đám con trẻ. Dịp trung thu là khoảnh khắc cho mọi thành viên trong gia đình cùng thảnh thơi ngồi ngắm trăng, nhâm nhi ly trà và mẫu bánh nướng đậm vị. Bình thường sẽ là như vậy, nhưng có mấy ai nếm được cái thư thái ấy trong thời buổi kinh tế thị trường như năm nay. Đời đổi, tôi và môt số bạn sinh viên cũng đổi cách thưởng thức trung thu. Thay vì rước đèn đêm trăng thì chúng tôi đi tìm trung thu giữa cái nắng oi ả đất trời Sài Thành.

Trung thu phải có trăng, có bánh nướng, có trà thì mới chuẩn. Thế nhưng, có những người sống hơn nữa cuộc đời vẫn chưa từng được một lần dùng bánh, thưởng trà và ngắm trăng. Bất kì ai khi nghe chúng tôi nói đến việc “đi tìm trung thu” thì nó đã là một thách đố để hiểu. Đi tìm trung thu lại khiến người nghe khó hiểu hơn. Trung thu mà chúng tôi muốn nói đến ở đây chính là những cô kiếm sống bằng nghề đồng nát, những chú công nhân vệ sinh, những chị bán vé số trên từng tuyến đường mà chúng tôi đi qua. Trung thu không chỉ đơn thuần là một ngày lễ hội trong năm, trung thu còn trở nên dịp để chúng tôi sẻ chia.

Món quà của chúng tôi chẳng có gì nhiều, chỉ vỏn vẹn 2 chiếc bánh trung thu. Chúng tôi phải đi vào giữa trưa vì lúc đó mới dễ gặp gỡ những người anh, người chị của mình đang vất vả lao nhọc buôn gánh bán bưng. Vì nếu chúng tôi đi vào buổi tối, khi các phố đã lên đèn, lúc người ta mặc lên mình những bộ quần áo lộng lẫy để vui trung thu thì có lẽ các cô buôn đồng nát vừa kết thúc một ngày làm việc và đang ngồi cho đôi chân ngấm dần cơn đau nhức từng đợt. Lúc mặt trời nhường chỗ cho các vì sao lấp lánh, có lẽ các chú công nhân quét đường đang cố ngủ một giấc ngắn ngủi chờ thiên hạ vắng lặng mà lên đường làm nhiệm vụ giữa đêm.

Cuộc sống vốn dĩ đã rất khắc nghiệt với cuộc mưu sinh. Đại dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm dường như chất thêm gánh nặng mang tên “kinh tế” trên đôi vai đã oằn theo năm tháng lao nhọc. Chúng tôi tìm đến những con người ấy để sẻ chia, những con người đang sống rạng ngời giữa một cuộc đời đầy trắc trở. Dù lưng đau, mắt mờ vì công việc nặng nhọc nhưng anh công nhân vệ sinh, chị quét đường mỗi sớm vẫn hằng ngày góp sức làm đẹp cho đời. Dù miếng cơm phải tính từng bữa, dù ai đó cam tâm gọi họ là những “kí sinh trùng” thì bằng chính đôi tay chai sạn, họ vẫn sống mà không sợ thẹn với lương tâm.

Hòa mình vào dòng xe dày đặc, chúng tôi len lỏi vào những con đường kín cổng để tìm bóng dáng chiếc xe đồng nát. Băng ngang qua khu xóm chợ, chúng tôi đến bãi tập kết rác dân cư. Chúng tôi gặp từng người trao từng chiếc bánh kèm lời hỏi thăm, những nụ cười chia sẻ. Không chỉ tôi mà cả các bạn sinh viên đều thấy lòng mình hân hoan và vui sướng bởi được cho đi. Những chiếc bánh chẳng đáng là bao nhưng lại là bài học yêu thương mà chúng tôi đã được dạy thuở còn học lớp giáo lý khai tâm. Không tổ chức linh đình, không trống kèn báo hiệu, chuyến đi tìm trung thu giữa trưa của chúng tôi diễn ra trong bầu khí đơn sơ. Chúng tôi làm mọi việc như thể tay phải làm điều tốt mà vẫn sợ tay trái biết mà Chúa Giê-su có lần dạy cho các môn đệ vậy.

Chúng tôi mua những chiếc túi thật đẹp rồi nhẹ nhàng đặt những chiếc bánh trung thu vào và chở đi. Chúng tôi dừng lại trước những người đang lao nhọc trên đường, một bạn tiến đến hỏi thăm và trao tặng. Nụ cười của các cô, các chú khi nhận quà là niềm hạnh phúc lớn lao cho mỗi người trong nhóm chúng tôi. Khi quà được trao, nụ cười khẽ đáp lại cũng là lúc chúng tôi lên xe rời đi. Những người trẻ tiếp tục hòa mình vào dòng chảy hối hả để tìm đến phận người còn chông chênh giữa nhịp sống hiện tại.

Tìm trung thu giữa trưa những ngày cuối tháng 9 nắng cháy da là hành trình chúng tôi tìm đến những con người còn đang vất vả mưu sinh. Tìm trung thu giữa trưa chẳng có gì khác hơn là khoảnh khắc cho từng bạn trẻ trong nhóm học cách yêu thương. Tay trao nhau tấm bánh là lúc chúng tôi nhớ lại cái thời vô tư của con nít, tám đứa chia chung cái bánh, cây kem. Từng nụ cười và tấm bánh trao đi như que diêm đánh lên bao tia lửa hi vọng. Ước mong sao mỗi trung thu qua đi, ánh trăng rằm mỗi căng đầy yêu thương.

 

 

Tu sĩ JB Nguyễn Phi Long, S.J.

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây