Chân dung đức tin của nhà đạo đức sinh học Stève Bobillier

Thứ sáu - 08/03/2019 22:32

Chân dung đức tin của nhà đạo đức sinh học Stève Bobillier


Hồng Thủy - Vatican

Với dáng vẻ lịch sự và nét đặc biệt, Stève Bobillier, một người đàn ông trẻ 31 tuổi, cao lớn, thật thích hợp để làm trong ngành ngoại giao hoặc trong lãnh vực truyền thông. Thế nhưng anh đã chọn làm việc cho Giáo hội. Một chọn lựa mà một số bạn bè của anh cảm thấy khó hiểu. Nhưng Stève khẳng định: “Chắc chắn trong thời gian này Giáo hội đang bị tai tiếng. Nhưng tôi tin chắc chắn vào tổ chức này và niềm tin của tôi mạnh mẽ hơn sự dè dặt của một số người thân. Thật dễ dàng khi đứng bên ngoài để phê bình, nhưng theo tôi chọn lựa lành mạnh nhất là làm việc để mọi thứ được cải thiện từ bên trong.”

Sự ra đời của các con là bài học triết học vĩ đại nhất

Stève Bobillier sinh tại Orsières, quận Entremont, bang Vallais, Thụy sĩ, và lớn lên tại một nơi mà đức tin Công giáo là điều thật hiển nhiên như tuyết trong mùa đông. Tuy nhiên, những khóa triết học đầu tiên ở đại học đã làm lung lay đức tin mà anh “đã nhận được”. Stève kể: “Tôi đã trải qua một loại khủng hoảng hiện sinh khi tôi nhận ra rằng với những lý luận của lý trí thì rất dễ để chối từ sự hiện hữu của Thiên Chúa”. Tuy nhiên, khi Stève đào sâu triết học, thì đức tin của anh lại không bị chết nghẹt đi. Khi càng học hỏi sâu xa hơn về lịch sử các tư tưởng triết học, Stève càng nhận thấy một sự nối kết mạch lạc chặt chẽ của chúng và điều này đã đưa anh trở lại với đức tin. Sau khi Stève đã tìm thấy các yếu tố lý trí cần thiết, thì khía cạnh cảm xúc của đức tin vẫn thiếu. Khoảng trống này được lấp đầy nhờ cuộc gặp gỡ của Stève với người sau này trở thành vợ của anh. Stève chia sẻ: “Cô ấy đã kéo tôi trở lại mặt đất, kết nối tôi với khía cạnh trực giác hơn, tình cảm hơn của bản thân tôi.” Vào đầu năm 2018, hai đứa con sinh đôi của họ chào đời và điều này củng cố thêm sự quân bình giữa hai chiều kích lý trí và tình cảm. Stève nhận thấy “trẻ em không trí thức hóa các sự việc. Họ cảm thấy và hoàn toàn ở hiện tại. Sự chào đời của chúng là bài học triết học vĩ đại nhất đối với tôi.”

Thích đặt lại vấn đề

Trong tư cách là cộng tác viên khoa học của Ủy ban đạo đức sinh học của Hội đồng Giám mục Thụy sĩ từ ngày 01/08/2018, Stève có nhiệm vụ khó khăn là dung hòa giữa lập trường của Giáo hội về vấn đề sinh học với tình huống thực tế của Thụy sĩ. Đó là về những vấn đề xã hội nhạy cảm nhất. Trợ giúp tự tử, phá thai, mang thai mướn, vv., những vấn đề anh cần giải quyết đều gai góc nhưng anh không sợ bị những gai nhọn này đâm. Bởi vì chức vụ mới của anh cho phép anh kết hợp hai trong số những động cơ chính của cuộc đời anh: so sánh những ý tưởng và cam kết dấn thân vì đức tin của anh.

Phát triển óc phê bình

Những trụ cột tinh thần vững chắc giúp Stève đào sâu cách bình thản hơn những câu hỏi hiện sinh mạnh mẽ liên hệ với công việc của anh. Trong quá trình học hành nghiên cứu tại các đại học Fribourg, Paris và Roma, quan tâm của anh chủ yếu liên quan đến khả năng của con người trong việc tìm thấy nơi chính mình những tiêu chuẩn đạo đức phù hợp. Do đó, luận án tiến sĩ của anh viết về Pierre de Jean Olivi, một tu sĩ dòng Phanxicô sống vào thế kỷ 13. Cha Olivi đã tuyên bố rằng, hơn cả Giáo hội, con người phải tìm ra những nền tảng đạo đức thiết yếu để hướng dẫn hành vi của mình. Trước tiên, Stève đưa vào thực hành ý muốn độc lập trong việc giảng dạy. Trong hơn mười năm, anh đã cố gắng phát triển ý thức phê bình của những học sinh đang chuẩn bị trưởng thành. Stève nói: “Tôi đã cố gắng phá vỡ một hệ thống quá hàn lâm, nghĩa là, để đảm bảo rằng những người trẻ này không chấp nhận điều gì mà không suy nghĩ tất cả những gì người ta gợi ra cho họ.”

“Cần phải đối phó với những nhạy cảm bên trong và ngoài Giáo hội”

Trong Hội đồng Giám mục Thụy sĩ, Stève rất vui khi thấy khả năng tương tự của một “nền luân lý cụ thể”. “Ngoài những công việc trí thức, vấn đề ở đây là đề ra các quy tắc và giải pháp có tác dụng cụ thể trong xã hội”. Trong công việc này, cũng cần phải có một sự quân bình tế nhị. “Chúng ta phải đối phó với các yếu tố rất khác nhau và sự nhạy cảm khác nhau bên ngoài, và cả bên trong Giáo hội.” Tìm ra một sự hòa hợp đòi hỏi một kỹ năng đặc biệt và cả kiến thức vững chắc trong nhiều lĩnh vực, từ y học đến di truyền, thông qua luật pháp và thần học. Công việc của thợ kim hoàn đòi hỏi sự nghiêm ngặt tối đa.

Hậu nhân bản thuyết và dược học trong viễn tượng

Stève nhấn mạnh rằng các lập trường của ủy ban đạo đức sinh học không có ý định áp đặt các quy tắc. Anh nói: “Nó nhắm cung cấp một khuôn khổ và các công cụ hiểu biết, cần thiết để mọi người đánh giá và hành động tốt nhất.”

Nhà đạo đức học dự tính hợp tác chặt chẽ hơn với các ủy ban khác của các giám mục, đặc biệt là ủy ban “Công lý và Hòa bình” và “di dân”. Anh cũng dự định mở rộng các chủ đề được ủy ban của mình bàn đến. Nếu hiến tặng nội tạng và mang thai mướn (GPA) là việc đang được bàn đến, Stève muốn giải quyết các vấn đề của thuyết hậu nhân bản hay thường được gọi là “siêu nhân học” - một phong trào có mục đích thúc đẩy sự tiếp cận liên ngành được coi như cuộc cách mạng cuối cùng của quá trình tiến hóa, vấn đề giá thuốc phù hợp, việc không muốn nói đến cái chết, hoặc việc gạt ra ngoài lề xã hội những người già. Vì vậy, có bao nhiêu vấn đề chóng mặt, mà trong đó Stève sẽ phải sử dụng tất cả kinh nghiệm “quân bình” của mình.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây