Đậm đà tình nghĩa phù sa

Thứ tư - 08/05/2019 09:15

– Con chào thầy. Thầy mới xuống tiếp họ đạo hen?

– Dạ, chào bạn! Mình mới xuống sáng nay.

– Thế thầy xuống có mình ên hả thầy?

– Mình xuống chung với 1 thầy khác nữa. Thế bạn tên gì?

– Dạ con là Ngân

– Mình tên Phi Long

– Dạ, thầy xuống tiếp họ đạo lâu mau?

– Mình xuống 1 tháng

– Ái chà chà, vậy con được 1 tháng hành các thầy.

Đó là cuộc đối thoại đầu tiên đặc quánh mùi “thân thiện” như thế nơi vùng đất mang hương phù sa miền Rạch Sỏi- Kiên Giang đã báo hiệu một hành trình mới bắt đầu.

***

4 giờ sáng, chuyến xe khách đưa tôi đến bến xe Rạch Giá. Tiếp đến, chúng tôi còn phải đi hơn 10 cây nữa để đến Giáo họ Minh Hòa. Sau 1 năm học tại nhà Dòng, tôi và một anh nữa được gởi đến Giáo họ để cùng chung chia cuộc sống vẫn còn phẳng phất đâu đó vùi vất vả trong 1 tháng. Không gian xung quanh vẫn còn đang chìm trong giấc mộng của đêm dài. Thấp thoáng đâu đó, những cơn gió mang nồng vị lúa ngậm căng sữa lướt qua như ngỏ ý chào người phương xa vừa ghé đến.

 Nhóm của chúng tôi chỉ có 2 anh em nên mọi công việc được bố trí trải đều suốt trong tuần. Công việc chính mà chúng tôi được đảm nhận là trao Mình Thánh Chúa cho những người lớn tuổi ở trong các làng, các sóc cách nhà thờ hơn 7 cây số. Ngoài ra, chúng tôi cùng chung tay làm một căn nhà làm bằng tôn cho một bà cụ người Khmer, tập hát cho ca đoàn, phục vụ cho Tam Nhật Thánh rồi đi thăm người nghèo trong các sóc của người Khmer. 

Dường như cái nắng, cái gió, cái hương vị của đồng lúa và những dòng sông đã thấm đẫm trong tâm hồn của bà con nơi đây. Bất kể người Kinh hay người Khmer, từng câu nói, từng điệu cười đều nặng trĩu chân tình và mộc mạc. Trước đó vài ngày, mọi người trong họ đạo nào biết tôi là ai đâu. Những sau vài lần đi lễ thì như thể đã quen tự rất lâu lắm rồi.

Tôi vẫn nhớ những lần vào sóc Minh Hưng đề dựng căn nhà tôn cho bà cụ người Khmer. Tôi không có kỹ năng về khoan, hàn, đinh, vít. Vì lý do đó mà tôi dành giờ đi loanh quanh nói chuyện với bà con gần đó. Nói tiếng Việt một chặp, tôi lại quay qua xin họ dạy mình tiếng Khmer. Vài bữa đi “tầm sư học đạo”, tôi cũng đã ít nhiều nói được vài câu Khmer giao tiếp thông thường.

Người dân Khmer vùng này đa phần có hoàn cảnh khó khăn. Nước sông là tài nguyên chính của họ. Bà con tắm, giặt, lấy nước rửa rau và mọi sinh hoạt khác đều trên những dòng nước uốn lượn qua các khu dân cư và các cánh đồng. Có khi chỗ này có người đang múc nước sông để tắm thì cách đó vài mét lại có người vừa liệng con chuột chết xuống kênh kêu cái chủm. Chẳng hiếm gặp những cảnh trẻ con nhảy cầu khỉ tắm sông mà xung quanh lại bị bủa vây bởi rác không là rác. Có thằng bé trên cầu nhảy cái đoàng xuống sông làm cho đám rác đang lửng lờ trôi nổ choang ra như bong bóng. Thằng bé cười tươi rói ngoi lên với cái bịch kiếng còn máng trên đỉnh đầu. Nụ cười của thằng bé làm chính tôi quặn thắt tâm can với hoàn cảnh sống nơi đây. Thế mới biết được rằng Chúa thật tài tình xếp đặt để dù bất cứ hoàn cảnh nào, con người ta cũng luôn tìm ra cho mình một cuộc sống bình yên.

Cái nghèo, cái khổ nơi đây dù đậm đà và hực nóng nhưng nó đã không thể nào làm cho tấm lòng thật thà, chất phác của bà con nơi đây bị co lạnh. Cuộc sống của bà con trong những căn nhà với bốn bức vách xiêu vẹo. Những con mối con mọt vẫn ung dung gặm nhấm cái kèo cái cột ngày qua ngày, tháng nối tháng. Cái nhà mỗi lúc một nghiêng như chính cuộc đời leo loét của bà con dần dần đang bị cuộc sống vật chất này xóa sổ. Tôi nói vậy để biết rằng cuộc sống của bà con Khmer nơi đây khổ dữ dằn lắm. Vậy mà, khi tôi vào giúp họ dựng nhà thì có gì ngon trong nhà cũng đều mang ra mời tôi ăn, đưa tôi uống. Dừa tươi ngọt thấm giọng, trà đá đường lịm trọn cả con tim, trái dưa hấu hẳn còn mềm một góc vì đi chợ đường xa lần lượt được mời tôi nếm thử với giọng gọi nghe riết rồi quen “Chú! Hộp tựng, hộp num” (chú! Uống nước, ăn bánh đi). Thương lắm mà cũng yêu lắm những con người nghèo bần cùng vất vưởng vật chất mà thật giàu có tấm lòng son. Dù có là ai, dù như thế nào, con người ta vẫn có chung một tấm lòng hướng thiện và yêu thương mà Chúa đã để sẵn trong trái tim.

Nói gì thì nói, tôi nhận thấy con tim mình rung lên khi tôi được sống chung bầu không khí thôn quê nơi đây và có vẻ như chính tôi cũng được sống lại một quãng dài ấu thơ của mình. Một ca nước với duy chỉ một cái ống hút thép được chuyền đi từ đầu xe đến cuối xe cho khoảng chừng 30 bạn uống trong một chuyến đi chơi đảo. 1 chai nước ngọt được 8-9 em uống ừng ực giữa trưa hè mà không thèm nề hà điều chi. Sống giữa Sài Gòn, tôi đã không còn có cơ hội được nhìn thấy những cảnh như thế nữa. Thuở nhỏ, 3 đứa liếm chung 1 cây kem thì nay chỉ còn trong ký ức để nhường chỗ cho một cuộc sống đề cao sự riêng tư.

Cuộc vui nào cũng có điểm dừng và cuộc hạnh ngộ nào cũng có lúc tan. 1 tháng trôi qua như cánh thoi đưa ngang qua đời. Mọi người đã dành cho tôi 1 tháng cuộc đời để tôi được phép xuất hiện trong ký ức của họ còn chính tôi cũng được chia sẻ 1 tháng đời mình cho những con người vùng đất ngập phù sa. Bước lên xe thật nhanh, tôi không dám ngoái đầu lại nhìn một đàn em đang vẫy chào tạm biệt. Cố bước thật nhanh để giọt lệ không lăn dài trên má, để tâm hồn tràn ngập nỗi nhớ thương vì bởi tâm hồn cũng cần lắm những ngày mưa. Thế mới hiểu được nỗi niềm của nhà thơ Chế Lan Viên trong bài thơ Tiếng Hát Con Tàu rằng:

Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!

 

                                                                        Minh Hòa- Kiên Giang, ngày 30/4/2019

JB Nguyễn Phi Long, S.J.

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây