Phục vụ, bí quyết để sống thanh thản

Thứ sáu - 31/05/2019 01:28

phuc-vu-bi-quyet-de-song-thanh-than.jpg

Thời buổi bây giờ người ta xem phong trào hướng đạo là lỗi thời, cho đó là những giờ phút u tối của lịch sử chúng ta, còn với những người ít dữ hơn thì họ cho đó là trò hề. Văn hóa dân gian mất dần, không còn các buổi lễ với các bộ đồng phục, các bài hát, các nghi thức chính thức hay không. Nhưng, đây đúng là trụ đỡ tuyệt vời giúp các em thiếu nhi lớn lên thành người lớn có trách nhiệm, ít nhất các em sẽ là người tốt hơn nếu có các trụ đỡ này! Có phải đây chỉ là giả thuyết không? Đúng, đây chỉ là trực giác cá nhân, không cần bằng chứng.

 

Mỗi ngày một việc tốt

 

Trong các loại văn hóa dân gian này, có mục mỗi ngày một việc tốt, một bổn phận ở trên vai mỗi hướng đạo viên từ ngày họ tuyên thệ phải làm mỗi ngày một việc tốt. Khi thành người lớn, sẽ có bao nhiêu người xét mình mỗi tối xem hôm nay mình đã làm việc tốt nào chưa? Tôi hình dung những người hiểu sâu lời hứa này, họ hiểu tinh hoa của hướng đạo nằm trong việc phục vụ, tinh thần tận tâm nổi bật giữa đức tính thẳng thắn và trong trắng, không cần phải kiểm các hành động tốt này: nó ở trong công việc hàng ngày. Ngược lại, tôi không nghĩ có anh bạn hướng đạo nào của tôi, khi xét mình mỗi buổi tối lại nghĩ mình không làm việc tốt nào trong ngày.

 

Không cần phải ghi vào mặt sau áo hướng đạo Super-Scout để quảng cáo những việc làm phi thường. Việc tốt hàng ngày không đòi hỏi chúng ta phải làm quá sức mình. Chỉ cần cái nhìn quan tâm để thấy dịp tốt nào đến với mình trong ngày. Và phải làm những gì phải làm, theo nơi chốn và khi nào làm. Có thể là nhường ghế trên xe buýt cho người cần hơn mình, người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai… Một nụ cười chân thành với người qua đường cũng là một việc tốt.

 

Sau việc tốt này nếu có một dịp khác đến, chúng ta lại tiếp tục làm, không đặt vấn đề, không so đo đong đếm vì sao người khác không làm, không nghĩ mình làm thêm vì hôm qua quên làm, hay làm gấp đôi cho ngày mai! “Chúa không giỏi toán, Chúa nói 70 lần 7 là vì Chúa không biết đếm (Mt 18, 22)”, một linh mục đã giảng đoạn này cho các con tôi nghe… Bạn sẽ bắt trẻ con làm toán sau nếu chúng không chịu hiểu!

 

Cảm thấy mình có trách nhiệm với người khác

 

Chúa Giêsu đã giảng dạy và đã cho chúng ta quá nhiều gương tốt trong lãnh vực này, Ngài rửa chân cho các môn đệ trong buổi Tiệc ly (Jn 13, 1-17). Ngài đảo lộn trật tự xã hội: trước khi bị tra tấn như người nô lệ, Ngài giải thoát con người khỏi các công việc nô lệ và Ngài đòi chúng ta phải bắt chước Ngài.

 

Tinh thần phục vụ là cảm thấy mình có trách nhiệm với người khác, người chúng ta gặp mỗi ngày, người tình cờ gặp. Điều này không liên quan gì đến cấp bậc, ở sở làm chúng ta cũng phải giúp đỡ cấp trên, bạn đồng nghiệp, người anh em ngay khi mình thấy họ cần đến mình. Trong gia đình, chúng ta luôn phục vụ nhau. Chắc chắn, trẻ con còn nhỏ thì chưa phục vụ được… Và dĩ nhiên trong giáo xứ, trong Giáo hội, chúng ta phải theo dõi, phải chú ý đến nhu cầu của người khác, của mọi người. Trong môi trường chúng ta lui tới, dù là môi trường văn hóa, thể thao, giải trí, chính trị, nghiệp đoàn, từ thiện, chúng ta luôn gặp những người mà chúng ta có thể an ủi, đôi khi một cách rất nhỏ bé. Và cuối cùng là ở ngoài đường, chúng ta gặp những người mình không quen, những người cũng có thể cần đến chúng ta.

 

Cấm phớt lờ

 

Dĩ nhiên để nói rằng chúng ta nên có trách nhiệm thì cũng lỗi thời, nó đi ngược với dòng đời, đó là đặt bổn phận lên hàng đầu, khi chúng ta sống chỉ để khẳng định các quyền của mình. Xu hướng của thời đại là chuyện ai người đó lo trong một xã hội đang trên đà phân rã. Nhân danh tự lo tự lập, chúng ta biện minh cho những chuyện tồi tệ nhất: ly dị, phá thai, trợ tử. Như vậy phục vụ vẫn tốt hơn!

 

Theo tinh thần trách nhiệm này, phớt lờ là không được, chính Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta phải nhìn thấy Ngài nơi người anh em của mình, cho ăn, uống, cho mặc, thăm viếng khi người anh em bị bệnh, bị tù để mình trở thành người công chính trong các người công chính. Từ chối không nhận biết người anh em, từ chối không giúp đỡ khi người anh em cần là phải chịu nguyền rủa (Mt 25, 31-46).

 

Kín đáo

 

Cuối cùng làm việc tốt phải làm âm thầm kín đáo. Chúa Giêsu dạy rất rõ ràng điều này: khi làm việc lành phúc đức đừng phô trương, vì như thế là đã lãnh phần thưởng dưới đất (Mt 6, 1-4). Chúa không cần loa kèn loan báo để biết việc tốt chúng ta làm. Ngài đã biết.

 

Lạy Chúa xin cho con ơn được làm trò hề dưới mắt thiên hạ nhiều hơn và cho con luôn làm việc tốt mỗi ngày, mỗi ngày mỗi nhiều hơn!

 

Nguyễn Kim An dịch

(phanxico.vn 30.05.2019/ fr.aleteia.org, Rémy Mahoudeaux, 2019-04-29)

Nguồn tin: conggiao.info

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây