Thứ sáu tuần 9, Thánh Bô-ni-pha-xi-ô

Thứ năm - 04/06/2020 05:48

Thứ Sáu đầu tháng, tuần 9 thường niên. – Thánh Bôniphát, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ.

 

1. Từ thời niên thiếu tới khi lãnh nhận tác vụ Linh mục

Thánh Bô-ni-pha-xi-ô sinh vào khoảng năm 672 tại Crediton, Anh Quốc, trong một gia đình quý tộc. Tên khai sinh của Ngài là Wynfreth, có nghĩa là Người Bạn Hòa Bình. Sau này Ngài đổi tên thành Bonifatius, có nghĩa là Người Hảo Tâm. Lớn lên, Ngài được gửi vào trong một Đan Viện tại Exeter để học. Sau khi học xong, Ngài đã rời bỏ Exeter và gia nhập Đan Viện Biển Đức Nhutscelle, tức Nursling ngày nay. Không lâu sau thì Thầy Wynfreth được khấn trọng trong Đan Viện đó. Khi được 30 tuổi, tức khoảng năm 702, Thầy Wynfreth đã được lãnh nhận tác vụ Linh mục. Sau đó, Ngài được bổ nhiệm làm giáo viên môn văn phạm và môn thơ ca trong trường của Dòng. Cha đã soạn thảo một số bộ chú giải Kinh Thánh, sáng tác nhiều vần thơ, và viết ra bộ văn phạm La ngữ đầu tiên bằng tiếng Anh. Lúc đó, Giáo hội tại Anh quốc rất gắn bó với Giáo hội tại Rô-ma, nhưng Giáo hội tại Ailen-Scotland thì lại có xu hướng độc lập. Mối liên kết sâu xa của Giáo hội tại Anh quốc với Giáo hội tại Rô-ma và những kỷ luật nghiêm ngặt của đời sống Đan Tu, cộng với tinh thần đạo đức của Kinh Thánh đã hình thành nên tính cách của Cha Wynfreth.

2. Hoạt động truyền giáo trên nước Đức

Vào năm 716, Cha Wynfreth bắt đầu những hoạt động truyền giáo của mình tại Friesland. Nhưng vì không thu lượm được kết quả nào, nên vào cuối năm đó, Ngài đã trở về lại Đan Viện Nhutscelle của mình. Sở dĩ Ngài thất bại trong lần truyền giáo này là vì mảnh đất khô cằn chưa được tưới đẫm bởi sương sa từ trời như lời giải thích mà tác giả cuốn tiểu sử của Ngài đã đưa ra. Vào năm 717, khi Viện Phụ của Đan Viện Nhutscelle lâm chung, Cha Wynfreth đã được cộng đoàn bầu làm người kế vị.

Vào mùa Thu năm 718, Đức Giám mục Daniel của Winchester đã gửi Viện Phụ Wynfreth tới Rô-ma. Tại đó, Đức Thánh Cha Grê-gô-ri-ô II đã phong chức Giám Mục cho Viện Phụ Wynfreth và ủy thác cho vị tân Giám mục sứ mạng loan báo Tin Mừng cho dân ngoại tại nước Đức. Ngày 15 tháng 05 năm 719, đích thân Đức Thánh Cha đã tấn phong Giám mục cho Viện Phụ Wynfreth. Vì ngày phong chức Giám mục cho Viện Phụ Wynfreth là ngày mừng kính Thánh Bonifatius thành Tarsus, Bổn Mạng của Ngài, nên kể từ đó, Đức Cha Wynfreth đã quyết định đổi tên thành Bô-ni-pha-xi-ô theo tên của Thánh Bổn Mạng.

Ngay sau khi được tấn phong Giám mục, Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô đã lên đường đi tới nước Đức. Trước tiên, Ngài lưu lại tại Bayern, rồi tới Thüringen, và sau cùng, Ngài đi tới Friesland cùng với Willibrord. Qua Willibrord, Ngài đã học biết được rất nhiều về văn hóa, chính trị cũng như về đời sống của người Đức.

Năm 721, Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô đã chia tay Willibrord, và bắt đầu những hoạt động truyền giáo của mình tại Hessen và Thüringen. Vào năm 722, Đức Giáo Hoàng đã triệu tập Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô về Rô-ma, và phong cho Ngài tước Giám Mục Truyền Giáo, cũng như ủy thác cho Ngài nhiệm vụ tổ chức lại Giáo hội trên toàn nước Đức, đặc biệt là việc sáp nhập các Cộng đoàn đang theo lạc giáo Arius cũng như các Cộng đoàn có xu hướng Ailen-Scotland vào với Giáo hội Công giáo Rô-ma. Đức Thánh Cha cũng trao cho Ngài ủy nhiệm thư để trình với quốc vương Karl Martell, cũng như với tất cả các ông hoàng và các Giám mục địa phương. Nhưng các Giám mục tại vương quốc Franken chẳng hào hứng gì mấy với việc mở rộng Ki-tô giáo tại vương quốc, nhưng lại muốn cai trị giống như những công tước ngoài đời. Các Giám mục ấy không tổ chức bất cứ một cuộc hội nghị nào, và cũng gần như không có bất cứ một sự giao tiếp nào với Tòa Thánh cả. Kế hoạch mà Đức Giám Mục Bô-ni-pha-xi-ô đưa ra nhằm thiết lập các Giáo phận mới cũng như tổ chức lại Giáo hội tại Franken đã vấp phải những chống đối rất mãnh liệt. Một số truyền thuyết kể lại rằng, người ta căm tức Ngài đến độ đã tuyên án tử hình cho Ngài.

Vào năm 723, khi Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô trở về Hessen, Ngài đã cho phá hủy hết mọi nơi thờ tự của người ngoại giáo. Có một câu chuyện về Ngài rất được nhiều người biết đến. Theo đó, Ngài đã đốn bỏ một cây sồi được dâng hiến cho thần Thor, tức thần chiến tranh của người Đức tại Geismar (một phần của thành phố Fritslar thuộc bang Hessen ngày nay). Từ cây sồi đó, Ngài đã làm được 4 chiếc cột, và dùng 4 chiếc cột đó để dựng lên một nguyện đường nho nhỏ tôn kính Thánh Phê-rô. Sau này, nguyện đường đó trở thành một Đan Viện có tên là Fritzlar.

Ngoài nguyện đường nêu trên, Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô còn xây dựng thêm được rất nhiều những ngôi thánh đường và những Đan Viện khác tại Hessen, chẳng hạn như Đan Viện Ohrdruf, cũng như tại Mainfranken, chẳng hạn như các Đan Viện Tauberbischofsheim, Kitzingen, Neustadt và Ochsenfurt. Qua đó, Ngài đã đặt nền tảng vững chãi cho toàn Giáo hội tại Đức, nơi Ngài không ngừng cố gắng xây dựng một mối liên hệ khắng khít với Rô-ma, và thường xuyên lãnh nhận sự chỉ dẫn từ Tòa Thánh ngay cả trong những chi tiết nhỏ. Vào năm 723, để chứng tỏ sự nhìn nhận của Tòa Thánh về công trạng của Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô, Đức Thánh Cha Grê gô-ri-ô đã bổ nhiệm Ngài làm Tổng Giám Mục và làm Giám Quản Tông Tòa của toàn bộ miền Đông đế quốc Franken, cũng như cho phép Ngài được thiết lập các Tòa Giám Mục mới.

Trong chuyến trở về Rô-ma vào các năm 737 – 738, Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô đã được bổ nhiệm làm đặc phái viên của Tòa Thánh. Từ đó, Ngài bắt đầu hoạt động truyền giáo tại Bayern, Sachen và tại nhiều nơi khác. Vào năm 739, Ngài cho tổ chức lại một số Giáo phận, như Salzburg, Passau, Regensburg và Freising. Trong nhiều bộ tiểu sử khác nhau, Ngài được coi là sáng lập viên của các Giáo phận đó. Nhờ vào sự hỗ trợ liên tục của quốc vương Karlmann, Ngài đã thiết lập nên các Giáo phận Würzburg, Büraburg và Erfurt. Và nhờ vào các mối quan hệ của mình, một mặt là với Tòa Thánh Vatican, và mặt khác là với các hoàng đế triều Caroling, Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô đã góp công rất nhiều trong việc giải phóng Tòa Thánh khỏi sự lệ thuộc vào triều đình Byzantin, cũng như đã góp công rất lớn trong việc phát triển Giáo hội tại vùng Trung Âu. Vào năm 744, Ngài đã thành lập một Đan Viện mới, đó là Đan Viện Fulda.

Sau sự thành công của Công Đồng Germanicum vào tháng 04 năm 742, tức Công Đồng đầu tiên trên một phần vương quốc của Karlmann, Ngài đã cho tổ chức một loạt các Công Đồng khác, chẳng hạn như Công Đồng Estinnes vào tháng 03 năm 743, Công Đồng Soissons trên lãnh thổ của triều đình Pippin vào tháng 03 năm 744, và Công Đồng Mainz cho toàn đế quốc Franken vào đầu năm 745. Các Công Đồng vừa nêu đã tạo ra những nguyên tắc căn bản cho đời sống kỷ luật trong Giáo hội cũng như cho đời sống Ki-tô giáo: Địa vị và bổn phận của Giám mục, đời sống đạo đức và thái độ của Giáo sĩ, từ bỏ những phong tục ngoại giáo và những vấn nạn liên quan tới đời sống hôn nhân trong Giáo hội.

Nhiều bộ tiểu sử khác nhau về Bô-ni-pha-xi-ô đều cùng cho thấy Ngài có một mối liên hệ khắng khít với Karl Martell và với người con của vị hoàng đế này là Karlmann. Vào cuối năm 747, khi Karlmann từ chức và gia nhập một Đan Viện tại Ý, thì người con khác của hoàng đế Karl Martell là Tiểu Pippin lên làm vua của đế quốc Franken. Kể từ đó, ảnh hưởng của Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô suy yếu dần. Phe đối lập nổi lên và đã không chịu bàn giao các Tòa Giám Mục cũ. Bất chấp những chống đối của giới quý tộc, Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô vẫn tiếp tục những hoạt động của mình. Ngài đã quy tụ giới y bác sĩ có năng lực từ Hibernia (Ailen) chung quanh mình để chăm sóc cho các bệnh nhân. Một số y bác sĩ như Burkhard, Willibald, Wunibald, Sturmius, Lullus, Megingaud, Wigbert, Gregor, Lioba và Walburga được coi là những cộng tác viên đặc biệt của Ngài. Với sự cho phép của hoàng đế Pippin, Ngài đã đặt một số cộng tác viên của mình làm Giám mục cho các Giáo phận: Würzburg (năm 741), Büraburg và Erfurt (năm 742), cũng như cho Giáo phận Eichstätt (năm 745). Các vị Giám mục đó đã hỗ trợ Ngài rất nhiều trong công cuộc tái tổ chức lại Giáo hội tại Đức. Và các vị Giám mục đó cũng hỗ trợ hoàng đế Carolo rất nhiều cả trong việc thành lập lẫn việc cai trị đế quốc.

Vào năm 747, Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô được bổ nhiệm làm Giám mục của Giáo phận Mainz. Trước đó, Ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của Köln, nhưng việc bổ nhiệm này bị gặp trở ngại do sự chống đối mãnh liệt của các Giám Mục thuộc vùng hữu ngạn sông Rhein. Vì thế, đối với Ngài, việc làm Giám mục của Mainz chỉ là một dạng chữa cháy mà thôi. Tuy nhiên, dưới thời của Đức Cha Lullus, người kế nhiệm trực tiếp của Thánh Bô-ni-pha-xi-ô, Giáo phận Mainz đã được nâng lên hàng Tổng Giáo Phận.

Mối liên kết giữa các vị vua nhà Caroling và Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô đã trở nên lỏng lẻo vì những chống đối của giới quý tộc nhắm vào vị tân Giám mục của Mainz, cộng với việc Pippin III muốn mở rộng lãnh thổ của mình cũng như muốn trở thành một quốc vương.

Vào tháng 03 năm 747, Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô vẫn còn có thể tham dự thêm được một Công Đồng nữa tại Áo. Vào năm 748, Pippin ngang nhiên tự ý triệu tập một Công Đồng, nhưng đã không thành. Sau đó, những gì liên quan tới Giáo hội, ông ta đều đặt vấn đề trực tiếp với Đức Giáo Hoàng, còn Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô thì bị gạt sang một bên và chỉ được thông báo cho biết những câu trả lời của Tòa Thánh mà thôi. Càng về sau, Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô càng bị đẩy ra xa. Tuy nhiên, những công trình của Ngài đã bén rễ rất sâu, và những ông hoàng của triều Caroling vẫn tiếp tục công cuộc cải tổ của Ngài. Pippin III đã có một khế ước lịch sử mang tầm quốc tế với Tòa Thánh.

Giờ đây Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô cảm thấy rằng, Ngài không thể nắm chắc được việc mình có thể bổ nhiệm một trong những môn đệ thân tín của Ngài làm người kế vị tại Giáo phận Mainz hay không. Vì thế, vào năm 751, dù có đặc quyền được ban bởi Tòa Thánh để tổ chức lại Giáo hội trên toàn đế quốc Franken, nhưng Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô vẫn từ chức Giám mục Mainz, rồi sau đó gia nhập Đan Viện Fulda do chính Ngài sáng lập. Còn Pippin III thì liên minh trực tiếp với Đức Giáo Hoàng Stephanô II. Chính vị Giáo hoàng này đã truất phế vua Karlmann và tấn phong Pippin làm vua thay thế.

3. Qua đời và được tôn kính

Vào lúc cuối đời, khi biết giờ lâm chung của mình sắp đến gần, Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô vẫn lên đường truyền giáo cho người Friesen. Một số người đã đồng hành với Ngài, trong đó có Adalar, Eoban, Hildebrand và Ferdinand. Trước khi lên đường, Ngài từ giã những người thân và mang theo một tấm khăn liệm trong gói hành trang của mình, cũng như ủy thác mọi công việc của Giáo phận Mainz cho Lullus. Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô đã muốn trở lại cách công khai với nơi mà Ngài đã từng bắt đầu sứ vụ truyền giáo của mình. Vào ngày mồng 05 tháng 06 năm 754 (cũng có tài liệu nói vào năm 755), tức ngày Đại Lễ Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống của năm đó, khi Ngài đang chuẩn bị ban Bí Tích Thanh Tẩy cho nhiều người tại vùng Dokkum của Westfriesland, thì Ngài đã bị những tên cướp đường tấn công, bởi chúng nghĩ rằng Ngài có nhiều tiền. Chúng đã giết Ngài cùng với 51 người tháp tùng. 

Sau đó, tất cả bọn cướp đều bị bắt giam. Một số người trong bọn họ bị kết án tử hình, còn số khác thì được ân xá. Trong số những kẻ được ân xá đó, kẻ nào đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội trước rồi thì đều hoán cải và sống đời Ki-tô hữu đạo hạnh, còn kẻ nào chưa lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, thì được lãnh nhận Bí Tích đó và trở thành những Ki-tô hữu gương mẫu.

Chính xác mà nói thì Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô đã không chết với tư cách là một vị Tử Đạo, nhưng là nạn nhân của những tên cướp đường. Thi hài Ngài trước tiên được đưa tới Utrecht, rồi được đưa tới Mainz và an táng tại đó như ước nguyện sau cùng của Ngài. Về sau, các Thánh Cốt của Ngài đã được chuyển tới Đan Viện Fulda do chính Ngài sáng lập. Mộ của Ngài tại Đan Viện vừa nêu đã trở thành một điểm hành hương rất nổi tiếng.

Sau khi Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô qua đời, các tín hữu tại Vương Quốc Anh là những người đầu tiên tôn kính Ngài với tư cách là một vị Thánh Tử Đạo (vì Ngài bị giết trên đường đi truyền giáo), sau đó, đến lượt các tín hữu tại những nơi Ngài đã từng hoạt động, và cuối cùng là các tín hữu trên toàn đế quốc Franken.

Thánh Bô-ni-pha-xi-ô đã hết sức nỗ lực trong việc áp dụng những quy tắc của Giáo hội Rô-ma cho Giáo hội tại Franken. Với tư cách là một nhà tổ chức, Ngài được coi là một trong những kiến trúc sư của Giáo hội vùng Tây Âu; và với tư cách là nhà truyền giáo, Ngài đã góp phần rất lớn trong việc thu hẹp khoảng cách giữa Hessen và Thüringen. Người ta thích gọi Thánh Bô-ni-pha-xi-ô bằng tước hiệu Tông Đồ Của Người Đức hơn là Nhà Tổ Chức.

Vào thế kỷ XIX, việc tôn kính Thánh Bô-na-pha-xi-ô đạt tới một đỉnh cao mới, vì lúc ấy có một làn sóng các tín hữu Công giáo chạy đến với Ngài, bởi họ sợ sẽ có một phong trào rời bỏ Giáo hội Rô-ma sau khi Đức Quốc Xã được thành lập, và do vậy, họ được thôi thúc chạy tới với Thánh Bô-ni-pha-xi-ô với tư cách là Vị Tông Đồ của dân tộc Germanie. Cuộc hành hương hàng năm tới Thánh Đường Fulda đã bảo tồn một ký ức đáng trân trọng về vị Tổ Phụ sáng lập ra Đan Viện đó – hạt nhân của thành phố Fulda sau này. Vào năm 1867, Hội Đồng Giám mục Công giáo Đức đã lần đầu tiên được tổ chức tại Fulda, và cho tới nay, Hội Đồng Giám Mục Đức vẫn luôn diễn ra hàng năm tại đó vào mỗi mùa Thu. Trong Thánh Lễ bế mạc các phiên họp của Hội Đồng Giám Mục Đức tại Nhà Thờ Chính Tòa Fulda, các Giám Mục sẽ lần lượt đến nhận phép Lành với Thánh Cốt của Thánh Bô-ni-pha-xi-ô. Cho tới năm 2005, việc kính nhớ Thánh Bô-ni-pha-xi-ô đã được cử hành theo nhiều cách thức, và nhiều bậc Lễ khác nhau tại mỗi Giáo phận. Nhưng kể từ đó tới nay, Lễ Kính Thánh Bô-ni-pha-xi-ô đã được nâng lên hàng Lễ Kính, tức Lễ bậc II trên tất cả các Giáo phận thuộc khối tiếng Đức.

Mặc dù được các tín hữu tôn kính từ rất sớm với tư cách là một vị Thánh Tử Đạo, nhưng mãi tới năm 1855, Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô mới chính thức được Đức Thánh Cha Pi-ô IX ghi vào sổ bộ các Thánh của Giáo hội Công giáo Rô-ma.

Ngoại trừ các Giáo phận thuộc khối tiếng Đức mừng kính Thánh Bô-ni-pha-xi-ô Giám mục Tử Đạo với bậc Lễ Kính ra, thì trên toàn Giáo hội Công giáo nói chung, Thánh Nhân được mừng kính với bậc Lễ nhớ buộc, tức Lễ bậc III, vào ngày mồng 05 tháng 06 hàng năm.

Lm. Đa-minh Trần Tiến Thiệu, O.Cist.

"Sao họ có thể bảo Ðức Kitô là Con vua Ðavít?"

 

* Thánh nhân sinh tại Anh quốc quãng năm 673. Người nhập đan viện I-xơ-te và được Đức Giáo Hoàng Ghê-gô-ri-ô II đổi tên Uyn-phơ-rít thành Bô-ni-pha-xi-ô.

Người là tông đồ của nước Đức và là người tổ chức lại Hội Thánh nhiều miền. Sau khi được Đức Giáo Hoàng tấn phong giám mục (năm 722), người rảo khắp nước Đức, thành lập các giáo phận và các đan viện trong đó có đan viện Phun-đa. Người bị sát hại ở Đốc-cum (Hà Lan) cùng với năm mươi hai đồng bạn năm 754.

 

Lời Chúa: Mc 12, 35-37

Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng giảng dạy trong đền thờ rằng: "Sao các luật sĩ lại nói Ðấng Cứu Thế là con vua Ðavít? Vì chính Ðavít được Chúa Thánh Thần soi sáng đã nói: Thiên Chúa đã phán cùng Chúa tôi rằng: "Con hãy ngồi bên hữu Cha, cho đến khi Cha đặt các kẻ thù con làm bệ dưới chân con". Chính Ðavít gọi Người là Chúa, thì sao Người lại có thể là Con Ðavít được?" Và đám dân chúng thích thú nghe Người nói.

 

 

Suy Niệm 1: Bên hữu Cha đây

Suy niệm:

Sau khi đã bị chất vấn về nhiều vấn đề bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo,

bây giờ đến lượt Đức Giêsu đặt vấn đề với họ, cụ thể là các kinh sư.

Khung cảnh vẫn là Đền thờ với đám đông thính giả.

Có vẻ đây là một đám đông có cảm tình với Đức Giêsu (c. 37).

Câu chuyện khởi đi từ câu đầu tiên của thánh vịnh 110.

Thánh vịnh này là thánh vịnh được các kitô hữu sơ khai yêu thích,

và được trích dẫn nhiều lần trong các sách Tân Ước,

bởi lẽ họ nhận ra khuôn mặt của Đức Giêsu vinh quang trong đó.

Đối với các kinh sư, cũng như đối với Đức Giêsu,

thánh vịnh này được vua Đavít viết ra, dưới ơn linh hứng của Thánh Thần.

Ông viết về Đấng Mêsia được ĐỨC CHÚA cho toàn thắng.

“ĐỨC CHÚA phán cùng Chúa của tôi rằng : bên hữu Ta đây, con lên ngự trị,

để rồi bao địch thù Ta đặt làm bệ dưới chân con” (c.36).

Trong thánh vịnh này, Đavít đã gọi Đấng Mêsia một cách long trọng,

bằng tước hiệu “Chúa của tôi”.

Thế mà theo quan niệm của các kinh sư, Đấng Mêsia (còn gọi là Đấng Kitô)

là con vua Đavít, là người thuộc dòng dõi vua Đavít.

Câu hỏi Đức Giêsu đặt cho các kinh sư như sau :

Nếu Đavít gọi Đấng Mêsia là Chúa của tôi

thì làm sao Đấng Mêsia lại là Con của Đavít ?

Mới nghe câu hỏi của Đức Giêsu,

ta có cảm tưởng Ngài không nhìn nhận mình là Con vua Đavít.

Thật ra Ngài không bảo rằng Đấng Mêsia không thể là Con Đavít được.

Nhưng Ngài chỉ đặt một câu hỏi lơ lửng để mời họ suy nghĩ.

“Bởi đâu (pothen) mà Đấng Mêsia lại là con vua Đavít ?” (c. 37).

Bởi đâu Đấng Mêsia vừa là Con, vừa là Chúa của Đavít ?

 

Đối với kitô hữu chúng ta, mầu nhiệm này đã được hiển lộ.

Đức Giêsu là Con vua Đavít, thuộc dòng dõi Đavít theo xác thịt (Rm 1,3),

nhưng Ngài được siêu tôn làm Chúa nhờ trải qua cái chết thập giá,

nhờ sự hạ mình vâng phục, và nhờ được phục sinh.

“Chính vì thế Ngài được ban cho một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu,”

khiến mọi loài phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa (Ph 2, 9-11).

 

Hôm nay chúng ta vẫn phải làm việc vất vả

để thế giới nhìn nhận quyền làm Chúa của Đức Giêsu Kitô.

Vì kẻ thù cuối cùng vẫn chưa bị khuất phục trọn vẹn (1 Cr 15, 25).

Chúng ta mong mọi sự quy phục Đức Kitô, để tất cả thuộc về Thiên Chúa.

 

Lời nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã yêu trái đất này,

Và đã sống trọn phận người ở đó.

Chúa đã nếm biết

Nỗi khổ đau và hạnh phúc,

Sự bi đát và cao cả của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời,

Nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.

Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,

Chúng con thấy mình được thêm sức mạnh

Để xây dựng trái đất này,

Và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,

Xin cho những vất vảcủa cuộc sống ở đời

Không làm chúng con quên trời cao;

Và những vẻ đẹp của trần gian

Không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.

Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,

Mọi người thấy nước trời đang tỏ hiện.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

Suy Niệm 2: Ðấng Kitô là Chúa

Cuộc đối đầu trực diện giữa Chúa Giêsu và các đối thủ qua đi với việc họ không còn chất vấn Ngài nữa. Lúc này, tác giả Marcô lại nhớ thêm một cảnh, trong đó chính Chúa Giêsu là người chất vấn. Marcô không xác định rõ kẻ bị hỏi, chỉ ở cuối đoạn ông mới cho biết đông đảo dân chúng lắng nghe Ngài cách thích thú.

Trong lần chất vấn này, Chúa Giêsu đề cập đến tước hiệu mà các luật sĩ gán cho Ngài: con vua Ðavít. Một truyền thống Do thái xa xưa vẫn cho rằng Ðấng Kitô phải thuộc dòng dõi vua Ðavít (2V 7,14-17). Người ta cũng thường gọi Chúa Giêsu là "con vua Ðavít" (x. 10,48; 11,10). Nhưng chắc chắn Chúa Giêsu không tự xưng mình bằng tước hiệu này, vì nó quá hàm hồ, Ngài muốn tránh xa quan niệm về Ðấng Kitô theo kiểu chính trị. Ngài trưng dẫn Thánh vịnh 110, theo đó Ðấng Kitô vừa là con vua Ðavít, vừa được Ðavít gọi bằng "Chúa tôi". Chính Kinh Thánh đã gán cho Ðấng Kitô một phẩm tính cao cả hơn con vua Ðavít và gọi bằng tước hiệu "Chúa". Sau biến cố Phục Sinh, các Kitô hữu đã sử dụng Thánh vịnh 110 để tìm ra các tước hiệu bao hàm trọn vẹn tính cách của Chúa Giêsu: họ tuyên xưng Ngài thực sự thuộc đẳng cấp thần thánh: Ngài đã sống lại và được Thiên Chúa phong làm "Chúa". Ngài lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa (Cv 2,34-36).

Ðức Kitô là Thiên Chúa thật và cũng là người thật. Ðó là lòng tin kiên vững của Kitô giáo. Quá nhấn mạnh tới thiên tính mà bỏ quên nhân tính, hoặc ngược lại, đều là những sai lầm tai hại. Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, như lời thánh Gioan: "Từ khởi thủy đã có Lời, và Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa". Nhưng Lời đã thành xác phàm và sống giữa nhân loại để cứu độ con người và nâng con người lên địa vị con cái Thiên Chúa. Nói theo thánh Irênê: Thiên Chúa đã làm người để con người được trở thành Thiên Chúa.

Ước gì đó là niềm xác tín mà chúng ta mang trong lòng, diễn tả ra cuộc sống và sẵn sàng bảo vệ đến cùng.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Thánh Mác-cô hớn hở

Khi giảng trong đền thờ. Đức Giêsu lên tiếng hỏi: “Sao các kinh sư lại nói Đấng Kitô là con vua Đa-vít? Chính vua Đa-vít được Thánh Thần soi sáng đã nói:

Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi:

Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị,

Để rồi bao địch thù,

Cha sẽ đặt dưới chân Con.

Chính vua Đa-vít gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì do đâu Đức Kitô lại là con vua ấy được?” Đám người đông đảo nghe Đức Giêsu cách thích thú. (Mc. 12, 35-37)

Thánh Maccô có vẻ rất vui sướng dùng câu hỏi của Chúa Giêsu để kết thúc chương sách đầy những cuộc tranh cãi gay cấn này. Câu hỏi của Chúa không những là lời khẳng định thần tính của Người mà cũng là một kiệt tác “đốn ngã” trong môn võ hagada, môn karaté chính cống. Hai câu của Sách thánh bề ngoài có vẻ mâu thuẫn nhau, nhưng xét cho cùng lại chẳng có gì là mâu thúẫn cả. Hai câu đều đúng, nhưng nói tới những chủ đề khác nhau: con vua Davít theo dòng tộc, nên phải là đấng Mêsia được trông đợi, nhưng đồng thời cũng là Chúa thượng của chính Đavít, người được Thánh Thần soi sáng đã nói:

“Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con”.

Có nghĩa là trong Truyền thống Do thái, Chúa Giêsu đã là Con Thiên Chúa theo quyền năng. Tiếc rằng chúng ta ít quen với những cuộc tranh biện thuộc loại này, tranh biện của các bậc kinh sư. Trong những cuộc tranh biện này, Chúa Giêsu tỏ ra trổi vượt. Tuy nó làm chúng ta ngạc nhiên, nhưng cũng giúp chúng ta thấy rằng Chúa quên mình để chiều theo những đòi hỏi của người đương thời. Qua cuộc tranh biện này và theo kiểu văn chương đông phương, chúng ta có ở đây lời tuyên bố sáng sủa và rành mạch về thần tính của Chúa Giêsu.

Tập trung vào Đức Kitô

Suốt một tiếng đồng hồ, sau khi đã giải thích rằng Chúa Giêsu là nhân vật mang trọn thân phận con người như ta có thể hình dung ra, một linh mục đã kết thúc bài nói truyện của mình rằng: “Dẫu sao ta cũng đừng quên rằng Chúa Giêsu cũng là Con Thiên Chúa”.

Thế kỷ ta sống đã khắc ghi vào tâm trí chúng ta cách nhìn này, không phải là không có lý bởi vì chúng ta đã đến muộn, nhưng phản ứng không phải là chối bỏ. Nói rằng Chúa Giêsu là siêu sao, là hippi, là nhà xã hội, cũng tốt thôi, nhưng nói Đúc Giêsu là Con Thiên Chúa nhập thể thì tôi càng thích hơn.

Điều làm nên cái tôi sâu xa của Đức Kitô, làm cho Người trở nên con người duy nhất và rất cần thiết cho mọi người sinh ra trên trần gian này, chính bởi Người là Thiên Chúa ở với chúng tôi. Sứ mệnh của Người không phải là phàm tục hóa vũ trụ, nhưng là lôi kéo vũ trụ đi vào dòng chảy tràn sự sống Thiên Chúa. Thiết tưởng chẳng cần ai phải suy tôn Người là bậc vĩ nhân, anh hùng, là những con người chúng ta sẽ luôn luôn có; Người đã đến trần gian này chỉ để đưa chúng ta nhập vào gia đình của Người mà thôi. Bởi ta chỉ muốn cho Người nên giống ta, nên như người của chúng ta, mà ta thường quên trở nên Người. Thế mà xem ra chính đó lại là lý do đưa Người đến với ta vậy.

 

Suy Niệm 4: HIỂU ĐÚNG VỀ ĐẤNG KITÔ (Mc 2, 35-37)

Trong các bài Tin Mừng trước, chúng ta thấy Đức Giêsu luôn bị chất vấn bởi các người Pharisêu, Kinh Sư, phe Hêrôđê, nhóm Sa Đốc... Nhưng hôm nay, thánh sử Máccô lại cho thấy một tình thế ngược lại. Chính Đức Giêsu là người đứng lên chất vấn họ.

Khởi đi từ chỗ Ngài đặt vấn nạn về thân thế, nguồn gốc của mình: các Kinh Sư bảo Đấng Kitô là con vua Đavít, thế thì tại sao vua Đavít lại gọi Đấng ấy là Chúa Thượng tôi? (x. Tv 110,1). Không ai trả lời được, vì thế đám đông dân chúng lấy làm thích thú!

Qua câu hỏi đó của Đức Giêsu, Ngài không phủ nhận thân thế, vai trò của mình. Ngài cũng không từ trối tước hiệu con Vua Đavít. Nhưng dần dần, Ngài muốn cho mọi người hiểu về một Đấng Kitô chịu đau khổ, là tôi tớ của Giavê chứ không phải là một Đấng Kitô với mũ mão cân đai và đứng lên để làm chính trị như họ vẫn lầm tưởng!

Chính sự hiểu nhầm và mong ước phiến diện về Đấng Kitô, nên họ không thể chấp nhận Đấng ấy nằm ngoài khuôn mẫu của sự uy nghi, lộng lẫy, đánh đông dẹp bắc, quyền lực phi thường... Vì thế, khi Đức Giêsu đến, Ngài sống nghèo khó, không nhà không cửa, dạy con người ta hướng thiện, bác ái, bao dung, tha thứ thì họ đã không thể chấp nhận, và lẽ đương nhiên, họ tìm cách loại bỏ vì coi đó như là cái gai trong mắt và hòn đá cản lối đi.

Trong cuộc sống hôm nay nơi con cái của Giáo Hội, vẫn không thiếu những con người đủ mọi tầng lớp, luôn thích một Giáo Hội quyền lực, giàu có, oai phong; thích một Giáo Hội được củng cố bằng quyền lực... Không những thế, mà nhiều người đã áp dụng quan điểm đó ngay trong suy tư, nơi hành vi và lối sống của mình.

Những lúc như thế, chúng ta hãy cẩn trọng vì đây không phải là đường lối của Thiên Chúa, mà là đường lối của những Pharisêu giả hình, của Luật Sĩ vụ luật, những Sa Đốc không niềm tin và phe Hêrôđê ham quyền...

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con hiểu được Lời Chúa dạy để biết sống điều Chúa muốn. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Đức Kitô là Con vua David – SN song ngữ 5.6.2020

Friday (June 5): “The Christ is the Son of David”

Scripture: Mark 12:35-37  

35 And as Jesus taught in the temple, he said, “How can the scribes say that the Christ is the son of David? 36 David himself, inspired by the Holy Spirit, declared, `The Lord said to my Lord, Sit at my right hand, till I put your enemies under your feet.’ 37 David himself calls him Lord; so how is he his son?” And the great throng heard him gladly.

 

Thứ Sáu  5-6 : “Đức Kitô là Con vua David”

Mc 12,35-37

35 Khi giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su lên tiếng hỏi: “Sao các kinh sư lại nói Đấng Ki-tô là con vua Đa-vít?36 Chính vua Đa-vít được Thánh Thần soi sáng đã nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con.37 Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì Đấng Ki-tô lại là con vua ấy thế nào được? ” Đám người đông đảo nghe Đức Giê-su cách thích thú.

Meditation: 

What kind of ruler does the world need today? Who can establish true peace and justice for all? When the people of Israel settled into the promised land, they wanted a king to unite and rule them like the other nations around them. Their first king, Saul, failed to establish a dynasty. But when David was anointed king God established a covenant with him and promised that his dynasty would last forever. Among the Jews the most common title for the Messiah (the Hebrew word for Christ or the Anointed One) was the Son of David. The Jews looked forward to the long-expected Savior who would come from the line of David. Jesus was often addressed with that title, especially by the crowds (Mark 10:47ff, Matthew 9:27; 12:23).

Jesus, the Anointed King and Ruler of All, fulfills the promise God made with David

Why did Jesus question the Jews on the claim that their Messiah or Christ would be the son of David? After all the New Testament makes clear that Jesus himself is a direct descendant from the line of David’s throne (Romans 1:3, 2 Timothy 2:8, Matthew 1:1-17, Luke 3:23-38). Jesus posed the question to make his hearers understand that the Messiah is more than the son of David. Jesus makes his point in dramatic fashion by quoting from one of David’s prophetic psalms, Psalm 110: The Lord said to my Lord, Sit at my right hand, till I put your enemies under your feet. How can the son be the lord of his father? Jesus, who took upon himself our human nature for our sake, is not only the son of David, he is first and foremost the Son of God eternally begotten of the Father. The Messiah King whom God promised to send would not only come from David’s line, but would be greater than any earthy ruler who came before or would come after. 

Jesus claimed a sovereignty that only God can claim – a sovereignty that extends not only to the ends of the earth but to the heavens as well. But the way Jesus would establish his kingdom was far different from any of the expectations of the tiny nation of Israel. Jesus came to rule hearts and minds, not lands and entitlements. He came to free people from the worst tyranny possible – slavery to sin, Satan, and a world ruled by greed and lust for power and wealth.

Jesus, risen in glory by the power of the Holy Spirit, now reigns as Lord over all of creation

Paul the Apostle states that no one can say ‘Jesus is Lord’ except by the Holy Spirit (1 Corinthians 12:3). It is the role of the Holy Spirit to make the Lord Jesus present and known in our lives. We can accept the Lord Jesus or reject him, love him or ignore him. He will not force his rule upon us. But the consequences of our choice will not only shape our present life but our destiny as well. 

Is your life submitted to the Lordship of Jesus?

What does it mean to acknowledge that Jesus is Lord? The word lord means ruler or king – the one who is owed fealty and submission. The Lord and Master of our lives is the person or thing we give our lives over to and submit to in a full way. We can be ruled by many things – our possessions, the love of money, our unruly passions, alcohol, drugs, and other forms of addictions. Only one Lord and Master can truly set us free to love and serve others selflessly and to be loved as God intended from the beginning. When we acknowledge that Jesus is Lord we invite him to be the king of our heart, master of our home, our thoughts, our relationships, and everything we do. Is the Lord Jesus the true king and master of your heart and do you give him free reign in every area of your life?

“Lord Jesus, I believe that you are the Messiah, the Son of David and the Son of God. You are my Lord and I willingly submit myself to your rule in my life. Be Lord and King of my life, my thoughts, heart, home, relationships, work, and all that I do.”

Suy niệm:

Ngày hôm nay, thế giới cần đến loại người thống trị nào? Ai có thể thiết lập sự bình an và công lý đích thật? Khi dân Israel an cư trong miền đất hứa, họ muốn một vị vua liên kết và cai trị họ như các quốc gia khác xung quanh họ. Saolê, vị vua đầu tiên đã thất bại để thiết lập một vương triều. Nhưng khi Đavít được xức dầu làm vua, Thiên Chúa đã thiết lập một giao ước với ông và hứa rằng triều đại ông sẽ tồn tại mãi mãi. Trong dân Dothái, tước hiệu phổ biến nhất cho Đấng Mêsia (hạn từ Dothái của Đức Kitô hay Đấng được xức dầu) là Con vua Đavít. Người Dothái đã mong đợi Đấng cứu tinh rất lâu, Đấng xuất thân từ dòng tộc Đavít. Đức Giêsu thường được gọi với danh xưng đó, đặc biệt bởi dân chúng (Mc 10,47; Mt.9,27; 12,23).

Đức Giêsu, Vua được xức dầu và Thủ Lãnh mọi loài, hoàn thành lời hứa TC đã ký kết với David

Tại sao Đức Giêsu chất vấn người Dothái về lời tuyên bố rằng Đấng Mêsia hay Đức Kitô của họ sẽ là con vua Đavít? Tất cả Tân ước đều nói rõ rằng chính Đức Giêsu là hậu duệ trực tiếp từ dòng tộc Đavít (Rm 1,3; 2Tm 2,8; Mt 1,1-17; Lc 3,23-38). Đức Giêsu đặt ra câu hỏi cốt để làm cho người nghe hiểu rằng Đấng Mêsia còn hơn cả con vua Đavít. Đức Giêsu nêu rõ vấn đề của mình trong cách thức ấn tượng bằng việc trích dẫn từ một trong các thánh vịnh của Đavít, thánh vịnh 110: Sấm ngôn của Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con”. Làm sao người con có thể là Chúa của cha ông mình? Đức Giêsu, Đấng đã mặc lấy bản tính con người vì chúng ta, không chỉ là con vua Đavít, Người còn là người Con đầu tiên và trước hết của Thiên Chúa Cha sinh ra từ đời đời. Vua Mêsia, Đấng Thiên Chúa đã hứa sai tới, không chỉ đến từ dòng tộc Đavít, mà còn lớn hơn bất kỳ kẻ thống trị nào trên trái đất từ xưa kia và cả mai sau.

Đức Giêsu đã tuyên bố chủ quyền tối cao mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể tuyên bố – chủ quyền trải rộng không chỉ đến tận cùng trái đất, mà cả các tầng trời nữa. Nhưng cách thức mà Đức Giêsu thiết lập vương quốc của mình thì khác xa với bất kỳ sự mong đợi nào của đất nước Israel nhỏ bé. Đức Giêsu đã đến để cai trị lòng trí chúng ta, không phải đất đai và quyền bính. Người đến để giải thoát con người khỏi ách độc tài tệ hại nhất có thể – ách nô lệ cho tội lỗi, Satan, và thế gian, bị thống trị bởi lòng tham lam và sự thèm khát quyền lực và của cải.

Đức Giêsu, phục sinh trong vinh quang bởi quyền năng CTT, giờ đây thống trị với tư cách là Chúa trên mọi vật mọi loài

Thánh tông đồ Phaolô nói rằng không ai có thể nói “Đức Giêsu là Chúa” nếu không phải do Chúa Thánh Thần (1Cor 12,3). Đó là vai trò của Chúa Thánh Thần để làm cho Chúa Giêsu hiện diện và được biết trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta có thể tiếp nhận Chúa Giêsu hay khước từ Người, yêu mến hay phớt lờ Người. Người sẽ không ép buộc sự thống trị của Người trên chúng ta. Nhưng các hậu quả của sự lựa chọn chúng ta sẽ không chỉ hình thành đời sống hiện tại mà còn trên số phận của chúng ta nữa.

Cuộc đời của bạn có quy phục vương quyền của Đức Giêsu không?

Nhận biết Đức Giêsu là Chúa có ý nghĩa gì? Hạn từ Chúa có nghĩa là “Đấng thống trị” hay “Vua” – Đấng mà người khác phải “trung thành” và “vâng phục”. Chúa hay Chủ cuộc đời chúng ta là người hay vật chúng ta trao cuộc đời mình cho hay phục tùng một cách trọn vẹn. Chúng ta có thể bị thống trị bởi nhiều thứ – những đam mê bất trị, yêu thích tiền của, nghiện rượu, ma túy – chỉ một mình Chúa mới có thể thật sự giải thoát chúng ta để yêu mến và được yêu mến như ý định của Thiên Chúa ngay từ ban đầu. Khi chúng ta nhận thức rằng Đức Giêsu là Chúa, chúng ta mời Người làm Vua tâm hồn chúng ta và Đấng thống trị mọi tư tưởng, những mối quan hệ, và tất cả mọi sự chúng ta làm. Có phải Đức Giêsu là Vua thật sự của tâm hồn bạn và bạn có để cho Người hành động tự do trong mọi lãnh vực của cuộc đời bạn không?

Lạy Chúa Giêsu, con tin rằng Chúa là Đấng Mêsia, là Con vua Đavít, và là Con Thiên Chúa. Chúa là Chúa của con, và con sẵn sàng phó thác mình con cho sự cai quản của Chúa trong cuộc đời con. Xin làm Chúa và làm Vua cuộc đời con, những tư tưởng, tâm hồn, gia đình, các mối quan hệ, công việc, và tất cả mọi sự con làm.

 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây