Thánh Đaminh, linh mục.

Thứ tư - 07/08/2019 08:19

Thánh Đaminh, linh mục. Lễ nhớ.

"Con là Đá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời".

 

* Thánh nhân sinh quãng năm 1170, tại Ca-lê-ru-ê-ga, Tây Ban Nha. Người học thần học tại Pa-len-xi-a rồi làm kinh sĩ giáo phận Ốt-ma. Trước hết, người quy tụ một số phụ nữ về sống tại Pơ-rô-vin-lơ (Pháp), theo một tu luật, rồi sau người lập Dòng Anh Em Thuyết Giáo tại Tu-lu-dơ để đối lại lạc giáo Ca-tha.

Chính người đã chiến đấu với lạc giáo bằng lời giảng thuyết, bằng gương sáng và đã thu hoạch được kết quả khả quan. Người muốn các anh em trong Dòng phải sống khất thực, và lời giảng dạy phải xuất phát và được nuôi dưỡng bằng chiêm niệm. Người đã đặt trung tâm Dòng ở Rôma trước khi qua đời ở Bô-lô-nha ngày 6 tháng 8 năm 1221.

 

Lời Chúa: Mt 16, 13-23

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là ai?" Các ông thưa: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở". Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Đức Kitô.

Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: "Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu". Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người".

 

SUY NIỆM 1: Vác Thập Giá Theo Chúa Giêsu

Có lẽ chúng ta quá quen thuộc với hình ảnh của Thập giá. Nơi nào có người Kitô hữu thì nơi đó có Thập giá. Vào thời Chúa Giêsu, Thập giá là một cực hình làm cho con người khiếp sợ, tủi hổ. Hằng ngày, người Do thái chứng kiến cảnh các tội nhân vác những khúc gỗ lớn tuần hành qua các khu phố trước khi đến Núi Sọ; những khúc gỗ sần sùi ấy sẽ được sử dụng để treo chính các tội nhân.

Chúa Giêsu đã loan báo về cái chết của Ngài, đồng thời mời gọi các môn đệ Ngài cũng hãy vác Thập giá của mình để tiến bước theo Ngài. Theo Chúa Giêsu, đó là lời mời gọi cốt yếu của Kitô giáo. Vì sự nghiệp, vì lý tưởng, người ta có thể hy sinh mạng sống của mình. Một người vô tín ngưỡng có thể vì lý tưởng dám hy sinh tất cả cuộc đời của mình; thế nhưng điểm chính yếu của Tin Mừng lại là một con người, đó là Chúa Giêsu Kitô. Ðời sống Kitô giáo chỉ có thể là đời sống, nếu nó được tiếp tục nuôi dưỡng bởi con người Chúa Kitô như là nguồn mạch của sự sống.

Chúng ta ghi dấu Thánh giá trên người chúng ta, chúng ta mang Thánh giá trong người chúng ta, đó không là dấu hiệu của sự chết, nhưng là biểu dương của một sức sống của Ðấng đã chết, đã phục sinh và đang tác động trong chúng ta. Nói như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi". Chúa Kitô sống trong chúng ta để tiếp tục và hoàn tất công trình cứu rỗi của Ngài. Chúa Kitô đã vác Thập giá và đã chết một lần, cuộc Tử nạn ấy cần phải đươc tiếp tục qua các Kitô hữu. Cũng chính thánh Phaolô đã nói: "Tôi cần phải bổ khuyết những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Chúa Kitô".

Thập giá đang được vẽ lại dưới muôn nghìn hình thức. Chúa Kitô đang tiếp tục vác Thập giá với những người đang bị giam giữ một cách bất công, những người bị tước đoạt quyền sống, những người bị tra tấn và hành hạ. Chúa Kitô đang tiếp tục cuộc tử nạn của Ngài qua con người chúng ta. Người Kitô hữu chịu gian khó thử thách vì ý thức rằng Chúa Kitô đang sống trong chúng ta.

Xin cho Lời Chúa và sức sống của Chúa nâng đỡ chúng ta, để giữa những đau khổ, thử thách của cuộc sống hiện tại, chúng ta luôn kiên vững và an vui.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Trưởng Thành Trong Ðức Tin

Chúng ta hãy chú ý đến thái độ sống của hai nhân vật nổi bật trong đoạn Phúc Âm hôm nay là Chúa Giêsu và tông đồ Phêrô. Trước khi mạc khải rõ ràng hơn về vận mệnh phải chịu đau khổ của mình, Chúa Giêsu khơi dậy lòng tin của các môn đệ đã từng sống với Ngài, nghe lời Ngài giảng dạy, thấy những việc lạ Ngài làm qua câu hỏi: "Dân chúng nghĩ Con Người là ai? Và các con, thì các con nghĩ như thế nào?". Sau lời tuyên xưng của Phêrô: "Thầy là Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống", Chúa Giêsu nói về quyền đứng đầu của Phêrô, về sự đau khổ Chúa sẽ phải chịu tại Giêrusalem để các môn đệ đừng có những hy vọng không đâu. Sai lầm! Cần khám phá ra thực thể của Chúa để theo Chúa cách trọn vẹn. Mạc khải của Chúa không hòa hợp được với quan niệm còn trần tục, chưa được thanh tẩy của Phêrô. Vì thế, ông đã căn ngăn Chúa: "Thưa Thầy, làm sao như vậy được. Xin cho chuyện khổ này đừng xảy ra cho Thầy". Và Phêrô đã bị khiển trách: "Satan, hãy lui ra khỏi mắt Ta". Trước đó không lâu, Phêrô được khen, nhưng liền sau đó là bị khiển trách vì ông chưa được thanh luyện. Dĩ nhiên, vào thời điểm này, tông đồ Phêrô và những tông đồ khác còn cần ơn Chúa Thánh Thần soi sáng để tin trọn vẹn vào một Vị Thiên Chúa chấp nhận khổ đau, chịu chết cách nhục nhã rồi sẽ sống lại. Phêrô và các môn đệ còn cần ơn Chúa Thánh Thần để được ơn Chúa dẫn đến sự thật trọn vẹn và làm chứng cho Chúa.

Lạy Chúa,

Xin thương giúp con được trưởng thành trong đức tin. Xin cho con được biết đúng và chấp nhận Chúa cách trọn vẹn. Xin cho con được theo Chúa đến cùng.

 

SUY NIỆM 3: Phêrô Của Đức Giêsu

Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simon Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Simon con ông Gio-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy trao cho anh chìa khóa Nước Trời: Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, thì trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì thì trên trời cũng tháo cởi như vậy.” (Mt. 16, 15-19)

Sự tuyên xưng đức tin của Phê-rô, Đức Giêsu chọn Phê-rô đứng đầu Giáo Hội Người, sự trao đổi giữa Phê-rô và Đức Giêsu, điều đó rất rõ, người ta viết nhiều về điều đó! điều đáng chú ý nữa là bạn thâm sâu và trưởng thành cũng như lòng tin cậy giữa Phê-rô và Đức Kitô luôn bền vững.

Phê-rô.

Phê-rô được Đức Giêsu chọn đứng đầu. Người ta thấy luôn luôn gần gũi Đức Giêsu như một nhân vật giữ gìn chìa khóa. Đức Giêsu luôn quan tâm đến giây phút cuối cùng, Phê-rô có nhiều lầm lỗi, tuyên bố quá đáng, phản kháng mạnh mẽ, những vui vẻ chất phát hào phóng và có thiện cảm kỳ lạ. Ông yêu mến Đức Giêsu! Cảm phục Người không chút dè dặt. Đức Giêsu yêu mến ông vì sức mạnh mẽ tự nhiên này, Người hoàn toàn tín nhiệm ông. Chính ông là nền tảng Đức Giêsu xây đá Hội Thánh, chính ông được Đức Giêsu trao chìa khóa Nước Trời, khi Đức Kitô nói với các môn đệ, Phê-rô đã tự mình làm xướng ngôn viên, ông đã phát biểu: “Thầy là Con Thiên Chúa Hằng Sống” chính ông hiểu ra ông sẽ là người đầu tiên bước theo gót của Thầy.

Không có những ủy mị hào phóng.

Thật ngồ ngộ, vui vui, và thật cảm động! khi Đức Kitô loan báo về việc khổ nạn và cái chết của Người, Phê-rô phản đối Người! Chớ dại, sao lại đi nộp mình vào tay quân thù!

Đức Giêsu và Phê-rô được các môn đệ và đám đông vây quanh. Hai người không bước đồng hành với nhau, nhưng tháp tùng nhau, hai người sát cánh nhau đến cùng!

Đức Giêsu đến lượt Người phải quay lại khiển trách Phê-rô. Người quở mắng thẳng thừng bạn đồng hành thứ nhất của mình, bạn tri ân, bạn đáng tin cậy nhất của mình.

Một tình bạn không chịu cho người khác hòa giải, cũng không ủy mị hào nhoáng. Nếu người ta muốn biết quy tắc của tình bạn, chúng ta chỉ mở Tin Mừng ra và đồng hành với Đức Giêsu và Thánh Phê-rô đã sống làm bạn với nhau là quá đủ.

J.M

 

SUY NIỆM 4: CẦN TUYÊN XƯNG ĐỂ ĐÓN NHẬN SỨ VỤ (Mt 16, 13-23)

Xem lại CN 21 TN A,

lễ kính Toà Thánh Phê-rô 22/2, lễ thánh Phê-rô và Phao-lô 29/6

"Người ta bảo Con Người là ai?".

Tại sao Đức Giêsu lại hỏi các môn đệ như vậy? Câu hỏi này của Đức Giêsu có ý gì?

Thưa vì những lý do sau:

Thứ nhất, Ngài và các môn đệ đang ở vùng Cêsarêa Philipphê, đây là vùng đất của dân ngoại. Địa danh này còn được biết đến là một trung tâm thờ thần Baan. Nơi đây cũng có thể là nơi “chôn nhau cắt rốn” của thần Hylạp có tên là Panias - thần thiên nhiên.

Dân chúng ở đây, trong tâm thức của họ, Đức Giêsu chỉ là một nhân vật vĩ đại và thuần túy, hay chỉ là người tiếp nối quá khứ truyền thống các tiên tri mà thôi. Sẵn có lối suy nghĩ như vậy, nên họ không hiểu rõ sứ vụ Thiên Sai của Đức Giêsu. Vì thế không lạ gì khi được hỏi về dư luận trong dân chúng về mình, các môn đệ đã thông tri cho Đức Giêsu biết: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Khi nghe thấy như thế, Đức Giêsu không thỏa mãn với câu trả lời đó, nên đã hỏi trực tiếp các môn đệ: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?". Phêrô đã thay mặt anh em lên tiếng:  "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".

Khi Phêrô tuyên xưng điều đó, có lẽ ông cũng không hiểu hết, bởi vì mầu nhiệm này quá sức của ông và các môn đệ khác.

Quả thật, “Đấng Kitô” mà Đức Giêsu muốn các môn sinh của mình hiểu ở đây không chỉ đơn thuần theo nghĩa là Đấng được Thiên Chúa sinh ra, mà còn là người hành động như Thiên Chúa, ngang bằng với Thiên Chúa. Còn “Con Thiên Chúa hằng sống ”, tức Ngài là Đấng tự hữu và tự tồn tại, vì thế “Ngài ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”.

Thứ hai, đây là dịp để Đức Giêsu trắc nghiệm niềm tin của các môn đệ vào mình, bởi lẽ không thể trao phó một trách nhiệm quan trọng mang tính trường tồn cho một kẻ kém tin và không hiểu biết gì về Người Trao.

Vì vậy, khi Phêrô tuyên xưng niềm tin, ngay lập tức, Ngài đã đổi tên của ông là Simon thành Phêrô và giải thích là “Đá Tảng”, đồng thời, Ngài cũng đặt gánh nặng lên vai Simon Phêrô: “Trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” và “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy". 

Khi nói Phêrô là “Đá Tảng”, Đức Giêsu cho biết, đây là một thực tại chắc chắn, không lay chuyển, không thay đổi.

Thứ ba, khi đặt Phêrô làm “Đá Tảng” để xây dựng Giáo Hội, Đức Giêsu muốn chúng ta tin rằng:

Giáo Hội được Ngài thiết lập trên “Đá Tảng” là Phêrô, và chúng ta là người được ở trong tòa nhà đó, hẳn chúng ta phải xác tín rằng: “quyền lực tử thần sẽ không phá nổi”.

Thật vậy, trải qua biết bao thế kỷ, Giáo Hội luôn đứng vững trước sự công phá của ma quỷ, không những thế, Giáo Hội còn giải thoát con người khỏi ách của tội lỗi... và sự chết.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn mời gọi chúng ta hãy vững tin vào Đức Kitô, vì “Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống”. Tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Bí tích Hòa Giải. Vâng phục, yêu mến đấng thay mặt Chúa, kế vị Thánh Phêrô là Đức Giáo Hoàng. Đồng thời luôn biết thể hiện tinh thần hiệp thông để xây dựng Giáo Hội của Chúa trên trần gian này, hầu cho nhiều người nhận biết “Ðức Kitô, là Con Thiên Chúa hằng sống". Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Anh là tảng đá

Suy niệm :

Chúng ta đã quen cầu nguyện cho Đức giáo hoàng với bài hát:

“Này con là đá, trên viên đá này Ta xây Giáo hội…”

Theo Tin Mừng Gioan, ngay từ lần đầu gặp gỡ (Ga 1, 42),

Đức Giêsu đã đặt cho anh Simon một tên mới: Kêpha, nghĩa là Đá.

Trong bài Tin Mừng bằng tiếng Hy Lạp, Đức Giêsu nói với Simon:

“Anh là Petros (Phêrô), và trên petra (đá) này, Thầy sẽ xây Giáo Hội Thầy.”

Rất có thể Ngài đã nói với Simon bằng tiếng Do Thái thời của Ngài như sau:

“Anh là Kêpha, và trên kêpha này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy.”

Người Do Thái hầu như không có thói quen đặt tên con là Đá, Kêpha.

Khi đặt cho Simon cái tên lạ, Đức Giêsu đã muốn trao sứ mạng cho anh.

Anh sẽ là nền cho ngôi nhà mới của Thầy, do tay Thầy xây dựng (c. 18).

Ngôi nhà ấy chính là Giáo hội, là cộng đoàn giao ước mới do Thầy lập nên.

Chúng ta rất ngạc nhiên vì Đức Giêsu muốn đặt nền trên Kêpha (Phêrô),

một con người bình thường, một ngư phủ ít học.

Làm sao Giáo hội có thể xây nền trên một con người yếu đuối như thế?

Kêpha vững như bàn thạch không nhờ sức riêng, nhưng nhờ ơn Chúa.

Quyền lực của Tử thần, của Ác thần không thắng được cộng đoàn này.

Bất chấp những tấn công trong ngoài từ hai mươi thế kỷ qua,

Giáo hội vẫn đứng vững trên nền đá Phêrô, anh ngư phủ vùng Galilê,

đơn giản vì Chúa phục sinh vẫn luôn ở với Giáo hội (Mt 28, 20),

và vẫn tiếp tục xây dựng Giáo hội của Ngài trong sự thăng trầm của lịch sử.

Nhưng Phêrô cũng có những yếu đuối của mình.

Khi Thầy Giêsu loan báo về con đường khổ nạn và cái chết sắp đến,

Phêrô không thể chấp nhận được con đường hẹp này.

Dù đã được Cha mặc khải để biết Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa,

nhưng Phêrô lại chưa thể hình dung được một đấng Kitô thất bại ê chề.

“Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (c. 22).

Nếu Thầy là Con Thiên Chúa, thì Cha chẳng để Thầy phải chịu như vậy.

Trong phút chốc, từ Đá Tảng vững chắc (kêpha, petra)

Phêrô trở thành viên đá làm cho Thầy vấp phạm (scandalon),

trở thành cơn cám dỗ lớn cho Thầy đến từ Satan (c. 23).

Đức Giêsu đã phản ứng mạnh mẽ đối với anh môn đệ mà Ngài tin tưởng.

“Lui đi sau Thầy!”: Ngài nói giống như lần bị cám dỗ bởi Satan (Mt 4, 10).

Ngài muốn Phêrô trở lại vị trí đi sau của người môn đệ.

Cần có thời gian Phêrô mới hiểu được con đường Thầy đã đi.

và tự nguyện đón lấy cái chết thập giá mà chính Thầy đã chịu.

Cám dỗ tránh con đường hẹp của khổ đau, nhục nhã, thất bại, khó nghèo

là cám dỗ muôn thuở mà Thầy Giêsu và anh Phêrô đã trải qua,

cũng là cám dỗ muôn thuở của Giáo hội mọi thời.

Làm thế nào để chúng ta nghĩ như Thiên Chúa, chứ không như thế gian,

chọn sự ngu dại của Thập Giá hơn là sự khôn ngoan người đời (x. 1 Cr 1, 25)?

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

Xin nhìn đến Hội Thánh của Chúa trên khắp hoàn cầu,

Hội Thánh Chúa đã lập bằng rất nhiều tình yêu.

Xin nhìn đến những nơi thiếu nhà thờ, cần chủ chăn,

những đồng lúa chín vàng chờ người gặt.

Xin nhìn đến những thánh đường vắng bóng giáo dân,

những chủng viện và tập viện phải đóng cửa vì thiếu ơn gọi.

Xin thương những kitô hữu đang bị bách hại ở nhiều nơi,

và bao người trẻ mất đức tin, mất niềm hy vọng vào Chúa.

Lạy Chúa Giêsu,

Hội Thánh sau hai ngàn năm đã lớn mạnh hơn nhiều,

nhưng vẫn bị đe dọa bởi bao sóng gió bên ngoài và bên trong.

Xin cho Hội Thánh biết không ngừng canh tân nhờ Thánh Thần,

để có thể đồng hành và đối thoại với con người hôm nay.

Xin cho các kitô hữu sống thánh thiện như Cha trên trời.

để những khiếm khuyết của chúng con khỏi làm cớ cho nhiều người bỏ Chúa.

Cuối cùng, xin Chúa cho Hội Thánh chúng con những vị thánh mới,

tươi tắn, khiêm hạ và nhân từ như Chúa,

để cuộc sống ngát hương của họ khiến Hội Thánh đáng tin hơn,

và chinh phục được những tâm hồn chưa biết Chúa.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.



 

Thầy là Đức Kitô – Con Thiên Chúa hằng sống

Thursday (August 8): “You are the Christ – the Son of the living God”

 

Gospel: Matthew 16:13-23  

13 Now when Jesus came into the district of Caesarea Philippi, he asked his disciples, “Who do men say that the Son of man is?” 14 And they said, “Some say John the Baptist, others say Elijah, and others Jeremiah or one of the prophets.” 15 He said to them, “But who do you say that I am?”16 Simon Peter replied, “You are the Christ, the Son of the living God.” 17 And Jesus answered him, “Blessed are you, Simon BarJona! For flesh and blood has not revealed this to you, but my Father who is in heaven. 18 And I tell you, you are Peter, and on this rock I will build my church, and the powers of death shall not prevail against it. 19 I will give you the keys of the kingdom of heaven, and whatever you bind on earth shall be bound in heaven, and whatever you loose on earth  shall be loosed in heaven.” 20 Then he strictly charged the disciples to tell no one that he was the Christ. 21 From that time Jesus began to show his disciples that he must go to Jerusalem and suffer many things from the elders and chief priests and scribes, and be killed, and on the third day be raised. 22 And Peter took him and began to rebuke him, saying, “God forbid, Lord! This shall never happen to you.” 23 But he turned and said to Peter, “Get behind me, Satan! You are a hindrance to me; for you are not on the side of God, but of men.”

Thứ Năm  8-8             Thầy là Đức Kitô – Con Thiên Chúa hằng sống

 

Mt 16,13-23

13Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” 14Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.” 15Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” 16Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” 17Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” 20Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô. 21Từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. 22Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” 23Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “Xatan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

Meditation: 

 

How firm is your faith in the Lord Jesus Christ? At an opportune time Jesus tested his disciples with a crucial question: Who do men say that I am and who do you say that I am? (Matthew 16:13). Jesus was widely recognized in Israel as a mighty man of God, even being compared with the greatest of the prophets, John the Baptist, Elijah, and Jeremiah. Peter, always quick to respond, exclaimed that Jesus was the Christ, the Son of the living God.

Through the gift of faith Peter recognized that Jesus was the “anointed one” (in Hebrew and Greek the word is translated as Messiah and Christ), and the only begotten Son of God sent by the Father in heaven to redeem a fallen human race. No mortal being could have revealed this to Peter; but only God. Jesus then conferred on Peter authority to govern the church that Jesus would build, a church that no powers could overcome. Jesus played on Peter’s name which is the same word for “rock” in both Aramaic and Greek.

Spiritual rock and living stones

To call someone a “rock” is one of the greatest of compliments. The ancient rabbis had a saying that when God saw Abraham, he exclaimed: “I have discovered a rock to found the world upon.” Abraham put his trust in God and made God’s word the foundation of his life and the bedrock of his faith. Through Abraham God established a nation for himself. Through faith Peter grasped who Jesus truly was. He was the first apostle to proclaim that Jesus was truly the Anointed One (Messiah and Christ) and the only begotten Son of God.

The New Testament describes the church, the people of God, as a spiritual house and temple of the Holy Spirit with each member joined together as living stones (see 1 Peter 2:5). Faith in Jesus Christ makes us into rocks – spiritual stones. The Lord Jesus tests each of us personally with the same question: Who do you say that I am?

“Lord Jesus, I profess and believe that you are the Christ, the Son of the living God. You are my Lord and my Savior who has set me free from sin and deception. Make my faith strong like the Apostles Peter and Paul and give me boldness to speak of you to others that they may come to know you as Lord and Savior.”

Suy niệm:  

 

Đức tin của bạn nơi Chúa Giêsu Kitô vững mạnh thế nào? Vào một lúc thuận tiện, Đức Giêsu thử các môn đệ qua một câu hỏi quan trọng: Người ta bảo Thầy là ai? Và các con bảo Thầy là ai? (Mt 16,13) Đức Giêsu được nhiều người trong dân Israel nhìn nhận như là người cao cả của Thiên Chúa, thậm chí họ còn so sánh Người với những ngôn sứ danh tiếng nhất như Gioan tẩy giả, Êlia, và Giêrêmia. Phêrô lúc nào cũng nhanh nhẹn trả lời, tuyên xưng rằng Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.

Ngang qua hồng ân đức tin, Phêrô đã nhận ra rằng Đức Giêsu là “Đấng được tuyển chọn” – được gọi là Đấng Mêsia hay Đức Kitô – và là con một yêu dấu được Cha vĩnh cửu trên trời sai tới để cứu chuộc loài người sa ngã. Không ai có thể mặc khải điều này cho Phêrô ngoại trừ Thiên Chúa. Đức Giêsu liền trao quyền cho Phêrô cai quản Hội thánh mà Người thiết lập, một Giáo hội không có một sức mạnh nào có thể thắng được. Đức Giêsu đặt tên cho Phêrô là “đá”, hạn từ này có cùng một chữ trong tiếng Aramaic và Hy lạp.

 

Đá thiêng liêng và sống động

Gọi ai là đá là một trong những lời khen ngợi tốt lành nhất. Các bậc thầy ngày xưa nói rằng khi Thiên Chúa nhìn thấy Abraham, Người thốt lên: Ta đã tìm thấy một tảng đá để xây dựng thế giới. Abraham đã đặt niềm tin cậy nơi Thiên Chúa và lấy lời Chúa làm nền tảng cho cuộc sống và đức tin của mình. Qua ông Abraham, Thiên Chúa đã thiết lập một quốc gia cho chính mình. Nhờ đức tin, ông Phêrô đã nhận biết Đức Giêsu đích thật là ai. Ông là vị tông đồ đầu tiên nhận ra Đức Giêsu làĐấng được xức dầu (Đấng Mêsia và Kitô), và là con một Thiên Chúa.

Tân ước mô tả Giáo hội, dân Thiên Chúa như một tòa nhà thiêng liêng, hay một đền thờ của Chúa Thánh Thần mà mỗi người là viên đá sống động xây dựng nên (1Pr 2,5). Lòng tin vào Đức Giêsu Kitô khiến chúng ta trở nênnhững viên đá thiêng liêng. Đức Giêsu thử thách mỗi người chúng ta cũng cùng một câu hỏi: Con bảo Ta là ai?

 

Lạy Chúa Giêsu, con tuyên xưng và tin tưởng Chúa là Đức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống. Chúa là Chúa và là Đấng cứu chuộc con, Đấng giải thoát con khỏi tội lỗi và sự lừa dối. Xin củng cố niềm tin của con mạnh mẽ như tông đồ Phêrô và Phaolô và ban cho con lòng can đảm để nói về Chúa cho người khác để họ có thể nhận biết chính Chúa là Chúa và là Đấng cứu chuộc.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ng

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây