Thánh nữ Mônica. Lễ nhớ.

Thứ hai - 26/08/2019 08:04

Thánh nữ Mônica. Lễ nhớ.

Bổn mạng Giới Hiền Mẫu.

"Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy"

 

Lời Chúa: Lc 7, 11-17

Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim. Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người. Khi Người đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà goá kia và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó. Trông thấy bà, Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: "Đừng khóc nữa". Đoạn tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: "Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy". Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó.

Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người". Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận.

 

 

Thánh nữ MONICA sinh năm 331 tại Ta-gát, châu Phi trong một gia đình theo Kitô giáo. Lúc còn thanh xuân, thánh nữ đã kết hôn với anh Pa-tri-xi-ô và sinh được những người con, trong đó có thánh Âu-tinh. Khi Âu-tinh mất đức tin, thánh nữ đã dâng những dòng lệ tựa những lời cầu nguyện âm thầm lên Thiên Chúa. Khi thấy Âu-tinh trở lại, thánh nữ đã tràn ngập vui mừng. Người không còn gì để chờ đợi ở trần gian này nữa, Thiên Chúa đã gọi người về ở Ốt-ti-a, năm 387, khi người đang sửa soạn trở về châu Phi, quê hương của người. Thánh nữ là tấm gương sáng chói cho những người làm mẹ: nuôi dưỡng lòng tin bằng lời cầu nguyện và chiếu tỏa ra bên ngoài bằng các nhân đức.

 

SUY NIỆM 1: Quan Thầy Của Các Bà Mẹ

Hôm nay chúng ta mừng lễ thánh Monica, Nữ vương của các bà mẹ nói chung và của các bà mẹ công giáo nói riêng. Sự kiên tâm bền chí của thánh nhân trong cầu nguyện là một lời chứng hùng hồn về đời sống đức tin sâu xa của một người nữ trong cương vị là một người mẹ.

Thánh Monica đã nếm mùi đau khổ trong việc nuôi dạy người con ngỗ nghịch của mình là thánh Augustino. Như chúng ta biết, thánh Monica là người đã đau khổ nhiều vì thánh Augustino, có lúc tưởng chừng như tuyệt vọng, nhưng đức tin đã cung cấp cho thánh nữ sức mạnh, lòng tin tưởng và kiên trì trong lời cầu nguyện cho người con xa Chúa, và phần thưởng cho sự kiên trì đó là ơn trở lại của Augustino và cuối cùng, thánh nhân đã được hạnh phúc chứng kiến người con của mình trở thành người của Chúa, được tận hiến cho Chúa để chăm sóc cho một cộng đoàn. Có thể nói thánh Monica đã thành thật sống đức tin của mình để nêu gương cho người con đã một thời sống ngoài luật Chúa. Thật là trái ngược với thái độ sống giả hình của những người biệt phái và kinh sư mà Chúa Giêsu đã nặng lời khiển trách.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Thánh nữ Monica

(Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT)

Có những giọt nước mắt đem lại hạnh phúc cho người khác. Có những giọt lệ làm lay chuyển tâm hồn người khác. Giọt nước mắt của người mẹ luôn có tác dụng rất lớn đối với con cái. Giọt nước mắt của thánh nữ Monica đã biến đổi cả cuộc đời của Augustinô, người con trai, đầu lòng thông minh nhưng ngang tàng, trụy lạc. Thánh nữ Monica đã cầu nguyện, đã khóc lóc, Chúa đã nhậm lời và ban cho con của thánh nữ là Augustinô ơn cải hóa từ tâm, ơn đổi mới tâm hồn, ơn làm đẹp con tim: con tim mới, cái nhìn mới.

MỘT CON NGƯỜI

Có một người nữ được sinh ra trong một gia đình đạo hạnh, thánh thiện: tên người nữ ấy là Monica. Monica sinh vào năm 332 tại làng Sucara bên Phi Châu. Gia đình Monica vốn có truyền thống đạo đức, yêu thương tha nhân, yêu thương người nghèo. Được sống trong bầu khí đạo đức của gia đình, Monica sớm trở thành một cô bé ngoan hiền, nhiệt thành, sốt sắng. Ngay từ lúc còn nhỏ Monica đã có tâm hồn quảng đại yêu thương người nghèo: mỗi bữa cơm Monica thường dành ra một phần cho người đói túng thiếu, và Monica thường tìm chỗ vắng vẻ để thân mật nói chuyện với Chúa. Monica đã biết biến những phút giây gặp gỡ người nghèo, chia sẻ cho người nghèo, cầu nguyện làm hạnh phúc cho đời mình. Cô đã biết biến những phút giây ấy làm phút giây cứu độ cho mình và cho người khác.

Con người đạo đức vẫn thường gặp truân chuyên như nhiều người thường nói. Ông Gióp đã là chứng minh hùng hồn cho cuộc đời thánh thiện, nhưng gặp toàn những chuyện thử thách, rắc rối.

Thánh Giuse là người công chính nhưng cũng gặp đắng cay: nếu không hiểu được ý Chúa, chắc chắn Người đã đứt gánh giữa đường. Monica cũng nằm trong diện ấy.

Năm 22 tuổi, vì vâng lời cha mẹ, thánh nữ đã kết hôn với Patricius thuộc dòng dõi quí phái, nhưng tính tình xấu xa, ngang ngược, độc ác, và lại hơn Monica cả hai con giáp. Đau khổ nhưng Monica đã chấp nhận ý cha mẹ, và âm thầm cầu nguyện cho chồng, vì thánh nữ xác tín mình sẽ cứu được một linh hồn trở về với Chúa. Nhờ lòng quả cảm, đức tính khiêm nhường, và nhờ cầu nguyện vững tin vào Chúa, Monica đã cảm hóa được người chồng, và sau này bà sinh được 3 người con mà Augustinô là con đầu lòng. Sau này chính nhờ những giọt lệ thành tâm và nhờ lời cầu nguyện liên lỉ của thánh nữ, Augustinô đã trở lại và trở nên thế giá, trở nên thánh.

VẪN GIỌT NƯỚC MẮT CỦA MONICA

Monica tuy sống trong một gia đình ngoại giáo, đã luôn chứng tỏ bà có Chúa ở cùng. Sự thánh thiện, lòng quảng đại, yêu thương của Monica đã cảm hóa được người chồng ác độc, ngang tàng, ích kỷ. Monica luôn dậy con cái biết mến Chúa, yêu người. Bà luôn yêu thương con cái với tất cả con tim, với tâm hồn đầy ắp Chúa. Bà đã biết biến mọi giây phút trong cuộc đời của bà trở thành những giây phút, những cơ hội hồng ân để thay đổi lòng người khác. Chính cái phút giây bà vâng lời cha mẹ kết hôn với Patricius đã thay đổi đời bà, nghĩa là bà đã chấp nhận điều mình không ưa thích để biến nó thành phút giây cứu độ cho mình và cho người mình sẽ sống, sẽ nhận làm chồng, dù rằng bà biết bà sẽ phải đau khổ nhiều, phải hy sinh, phải từ bỏ. Tình yêu Đức Kitô thúc bách bà. Bà đã đi tới cùng, bà đã làm thay đổi chồng, con, và biến đổi người con trụy lạc, ham chơi, ham lạc thú là Augustinô trở nên người con tốt, người con đẹp cho Giáo Hội. Qua những giọt lệ của Monica, qua lời cầu xin tha thiết của bà, Monica đã làm thay đổi tất cả, đã làm mới mọi sự để bà có thể nói được như ông già Siméon: ”Giờ đây xin để tôi tớ ra đi bình an…” .

Thánh nữ Monica đã qua đời năm 387, sau khi Augustinô được thánh Giám mục Ambrosiô rửa tội. Thánh nữ được an táng tại Otti. Đức Thánh Cha Martinô truyền đem xác thánh nữ về nhà thờ Thánh Augustinô ở Roma vào năm 1430.

Lạy Thánh nữ Monica, xin ban cho các bà mẹ công giáo luôn có tâm hồn thánh thiện và đạo đức  như thánh nữ .

 Xin cho các bà mẹ luôn biết giáo dục con cái mình biết mến Chúa và yêu người .

 Xin cho các bà mẹ công giáo luôn biết nêu gương sáng cho con cái trong đời sống, để con cái nhiệt thành mến Chúa và yêu tha nhân.

 

SUY NIỆM 3: Thánh nữ Monica

(tgpsaigon.net)

Thánh nữ Monica sinh năm 332 trong một gia đình đạo hạnh làng Sucara bên Phi Châu. Với bầu khí đạo đức, Monica sớm trở thành một cô bé ngoan ngoãn và sốt sắng: mỗi bữa ăn cô thường dành một phần cho người nghèo và những lúc nhàn rỗi thường tìm nơi vắng vẻ để cầu nguyện.

Năm 22 tuổi, Monica vâng lời cha mẹ kết hôn với Patricius thuộc dòng dõi qúy phái, nhưng tính tình ngang tàng, độc ác và tuổi lại gấp đôi. Dù rất khổ tâm nhưng Monica vẫn vui vẻ vâng lời cha mẹ với hy vọng sẽ cứu được một linh hồn. Quả vậy, nhờ lời cầu nguyện và đức kiên nhẫn, Monica đã cải hóa được người chồng và mấy năm sau sinh được ba người con mà Augustinô là con đầu lòng. Dù sống trong một gia đình ngoại đạo, nhưng Monica đã chu toàn sứ mệnh làm mẹ, luôn giáo dục con cái biết yêu mến Chúa, yêu người. Bà luôn yêu thương con cái, nhất là đối với Augustinô. Nhưng càng lớn, Augustinô càng biểu lộ các tính hư tật xấu. Ỷ vào trí thông minh, Augustinô đâm lười biếng. Bị sửa phạt, Augustinô bèn lừa dối, lường gạt cha mẹ, thầy dạy, rồi từ đó ham mê lạc thú, ăn chơi, kiêu căng và ham hố danh vọng. Nhất là từ khi chàng được gửi đi học ở tỉnh thì những làn sóng tội lỗi lại tràn ngập tâm hồn. Rồi chàng lại theo bè rối Manikê chống lại đức tin. Còn gì đau khổ hơn cho Monica khi thấy người con yêu quý của mình ngày càng bước sâu vào con đường tội lỗi. Nhưng tin vào tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa, bà lại càng kiên tâm cầu nguyện và làm các việc lành.

Lời cầu nguyện và nước mắt của Monica đã được Chúa chấp nhận. Sau những thất bại, Augustinô đã tìm đường trở lại cùng Thiên Chúa. Monica vui mừng dâng lời tạ ơn. Thánh nữ cùng tĩnh tâm với Augustinô ở Cassicicum và có mặt trong lễ rửa tội của con. Ðêm Phục Sinh năm 387, Augustinô đã được lãnh bí tích Rửa Tội do thánh Giám Mục Ambrosiô. Lòng tràn ngập vui sướng, hai mẹ con cùng trở về Phi Châu. Tại Ostia, thánh nữ chia sẻ với con mình sự hoan lạc trong tâm hồn mà thánh Augustinô ghi lại trong cuốn IX “bộ tự thuật”. Thánh Monica đã nói như sau:

- Con ơi, phần mẹ, mẹ không còn thấy vui sướng vì bất cứ điều gì ở đời này nữa. Mẹ không hiểu sẽ phải làm gì và tại sao lại còn sống ở đây. Niềm hy vọng của mẹ trên thế gian này đã được hoàn thành. Chỉ có một điều mẹ ao ước là được thấy con trở thành người công giỏo trước khi mẹ lìa đời. Thiên Chúa cho mẹ được toại nguyện và hơn nữa đã cho mẹ thấy con chán ghét hạnh phúc trần gian và hiến thân phụng sự Ngài. Mẹ còn làm gì nữa đây?

Chẳng bao lâu sau đó, thánh nữ mang bệnh và chết bình an trong Chúa năm 387, tại Ostia, khi đó thánh nữ đã 56 tuổi.

Xác thánh nữ được mai táng ở Otti. Năm 1430, Ðức Thánh Cha Martinô truyền đem về nhà thờ Thánh Augustinô ở Rôma.

 

SUY NIỆM 4: Thánh nữ Monica (331-387)

(http://cdmartin.org //Lm. Anphong Trần Ðức Phương)

Người phụ nữ luôn kiên vững trong Niềm Tin vào Chúa và liên lỉ cầu nguyện giữa bao gian truân khốn khó trong đời sống Gia Đình.

Thánh Nữ Monica sinh năm 331 tại thành phố Tagaste, Phi Châu (bây giờ thuộc nước Algeria), trong một gia đình Công Giáo. Khi cò là một thiếu nữ, vâng lời cha mẹ, Monica lập gia đình với Ông Patricius, một người không công giáo. Ông Patricius là một viên chức hành chánh ở Tagaste. Monica sống với chồng và mẹ chồng. Ông Patricius hơn Thánh nữ nhiều tuổi. Hai ông bà sinh được ba người con: Augustinô, Navigio, và Perpetua. Mặc dầu thánh nữ muốn các con được chịu phép Thánh Tẩy theo lễ nghi Công Giáo, nhưng Patricius nhất định không chịu. Ông là một người tốt bụng, nhưng tính tình nóng nảy và thích sống đời sống ăn chơi phóng khoáng. Vì thế, mặc dầu vẫn kính nể đời sống tốt lành của Monica, những lại không thích lối sống mà ông cho là quá đạo đức, nhiệm nhạt. Hơn nữa mẹ của Patricius cũng bênh vực chủ trương không tôn giáo và đời sống phóng khoáng, tự do của Patricius, con bà. Vì những lý do đó, cuộc sống gia đình của Monica gặp rất nhiều khó khăn, đau khổ. Tuy nhiên, vì có đời sống đức tin vững mạnh và luôn sống theo tinh thần Phúc Âm theo tình thương của Chúa Kitô, Monica vẫn kiên trì chịu đựng mọi sự khó hằng ngày theo thánh ý Chúa. Monica vẫn một lòng yêu mến và kính trọng chồng và mẹ chồng; trong cách sống bà luôn nêu gương sáng cho các con và giáo dục các con theo tinh thần Phúc Âm của Chúa, dậy các con biết làm Dấu Thánh Giá, đọc kinh và cầu nguyện. Vì có lòng thương người và hay giúp đõ những nười nghèo khó, Monica được mọi người trong vùng yêu mến; hơn nữa, mọi người lại nể phục Monica như một người vợ và người mẹ rất gương mẫu.

Monica phải sống những chuỗi ngày trong đau khổ cả về tinh thần lẫn thể xác, trong nước mắt và cầu nguyện tha thiết với Chúa. Sau cùng, chính Ông Patricius và bà mẹ chồng cũng ăn năn hối hận và xin lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và trở nên người Công Giáo vào năm 371. Ít lâu sau trong năm 371, ông Patricius qua đời trong niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Hai người con là Navigio và Perpetua cũng xin chịu phép Thanh Tẩy và gia nhập giáo hội Chúa. Sau này cả hai đã đi tu dòng.

Nhưng Chúa vẫn để Monica tiếp tục vác Thánh Giá theo chân Chúa. Thánh Giá đó là chính người con trưởng của bà, ông Augustinô. Augustinô là một người rất thông minh, lanh lợi và hoạt bát, lại thích giao du bạn bè và thích sống đời sống tự do, phóng khoáng như người bố trước đó. Vì thế, dù mẹ nói mấy mặc lòng, Augustinô nhất định không chịu gia nhập đạo thánh Chúa, vì ông không thích lối sống theo lề luật của Chúa và Giáo Hội. Trái lại ông thích sống theo các quan niệm của các triết thuyết và giáo phái có quan điểm sống tự do và buông thả hơn.

Sau khi học xong, Augustinô trở nên một Giáo Sư và càng ngày càng nổi tiếng tại quê hương Tagaste của ông. Sau một thời gian Augustinô di chuyển đến thành phố phồn thịch là Carthage ở Bắc Phi, cũng là nơi Augustinô đã theo học trước đó (Carthage là phần đất gần thủ đô Tunis của nước Tunnisia bấy giờ).

Thế rồi vào năm 383, lúc Augustinô 29 tuổi, vì muốn bay nhảy cho “thỏa chí tang bồng”, muốn thăng tiến đường công danh sự nghiệp, muốn nghiên cứu và học hỏi thêm, lại muốn xa cách người mẹ cúc lúc nào cũng theo sát bên mình khuyên nhủ, Augustinô quyết định rời bỏ quê hương Phi Châu để đi Rôma (thủ đô của Đế Quốc Rôma thời đó, cũng là trong tâm văn minh của thế giới đương thời).

Nhưng dù đi đâu xa xôi mặc lòng, Augustinô cũng không thể xa được người mẹ quyết tâm đi theo con mình đến bất cứ chân trời góc biển nào. Vừa đi theo tìm con, vừa khóc lóc, cầu xin Chúa cho con mình hồi tâm ăn năn trở về với chúa và Giáo Hội.

Khi Augustinô rời bỏ Rôma để đến Milan (ở miền Bắc nước Ý và là một Thành Phố cũng nổi tiếng thời đó về văn chương và nghệ thuật), Monica cũng đi theo.

Trên đường đi theo con, Monica thường đến gặp các linh mục và tu sĩ, và bất cứ ở đâu cũng xin các Ngài cầu nguyện người con “cứng lòng” của mình. Nhiều người lúc đó quen biết tính tình của Augustinô, thì coi như đã “hết thuốc chữa”. Nhưng bà Monica thì không bao giờ thất vọng, luôn vững tin rằng Chúa sẽ cứu vớt con mình. Một ngày kia, Bà gặp một linh mục để xin cầu nguyện. Cha này đã nói với Monica: “Không thể nào có một ngưòi con mà bà mẹ đã đổ ra bao nước mắt để khóc thương và cầu nguyện cho, lại có thể hư mất được!” Nhờ lời khuyến khích của vị linh mục này mà Monica càng vững lòng trông cậy nơi Chúa và cứ tiếp tục cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện với nước mắt và hy sinh hãm mình.

Cuối cùng sau 17 năm trường, sống trong khóc lóc, hy sinh, hãm mình, làm việc bác ái và cầu nguyện nhiệt tình với Chúa, Monica đã cứu được người con “vô hy vọng” của mình. Vào năm 386, lúc 33 tuổi, Augustinô đã nhận ra “chân lý vĩnh cửu” và tin vào Phúc Âm tình thương của Chúa là chân thật và là con đường cứu rỗi.

Augustino đã từ bỏ tất cả chủ trương sai lạc, quyết tâm gia nhập Giáo Hội Chúa và xin chịu phép Thánh Tẩy do chính tay Đức Tổng Giám Mục thành Milan lúc đó là Ambrosio, cũng là một người gia nhập đạo Thánh Chúa lúc 34 tuổi, ngay khi đươc bầu lên làm Tổng Giám Mục Milan và là Thánh Ambrosio, một vị Thánh Giáo Phụ thời danh của Giáo Hội, mà chúng ta mừng kính Ngài vào ngày 7 tháng 12.

Sau khi gia nhập Giáo Hội Chúa, Augustinô đã từ bỏ mọi tham vọng và vui thú trần gian, trở về quê hương Phi Châu, bước vào cuộc đời tu trì khổ hạnh, rồi được chọn làm Giám Mục thành phố Hippo. Sau 34 năm tận tụy chăn dắt đoàn chiên Chúa, Ngài đã được Chúa gọi về Nước Chúa vào năm 430, lúc Ngài 76 tuổi.

Thánh Augustinô viết nhiều tác phẩm về thần học và triết học. Ngài được kính như một Thánh Giáo Phụ thời danh và là Thánh Tiến Sĩ trong Giáo Hội. Chúng ta kính lễ Ngài vào ngày 28 tháng 8 hằng năm (ngay sau lễ kính Thánh Monica 27 tháng 8). Thánh Augustinô cũng nổi danh là nhà triết học nhân bản, các tác phẩm có tính cách triết học của Ngài vẫn được các Giáo sư và sinh viên trong các trường đại học ngày nay trên thế giới nghiên cứu. Ôi sự kỳ diệu của ơn Thánh Chúa!

Riêng Monica, sau khi con mình trở về với Chúa và Giáo Hội, bà vô cùng vui mừng tạ ơn Chúa và đã cùng các con trở về Phi Châu. Nhưng thánh ý Chúa nhiệm mầu, trên đường trở về quê hương, Chúa đã cất Monica về với Chúa tại Ostia, một hải cảng gần cửa sông Tibre ở Roma, vào năm 387, hưởng thọ 56 tuổi.

Thánh Nữ Monica đã được Chúa thương thực hiện những gì bà cầu xin, mà nhiều người cứ cho là vô vọng. Bà thật là một tấm gương tuyệt diệu cho mọi người chúng ta, nhất là các Bà Mẹ Công Giáo, để tất cả chúng ta luôn biết kiên trì hãm mình cầu nguyện trong niềm tin tưởng và tuyệt đối phó thác mọi sự trong tình thương và sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa là Cha nhân từ của mọi người chúng ta.

 

SUY NIỆM 5: Thánh nữ Monica (331-387)

(tinmung.net // Lm. Giacôbê Tạ Chúc)

Không có gì cao sang trong cuộc đời bình thường, cũng không phải là “đấng nam nhi” hay “bậc anh hùng hảo hán”. Mônica chỉ là phận gái “liễu yếu đào tơ”, nhưng cuộc đời của người phụ nữ này, đã trở thành tấm gương ngời sáng cho những người phụ nữ khác, đặc biệt là những người vợ, người mẹ trong các gia đình. Dù Mônica không sinh trưởng tại quê hương Việt nam, nhưng ở Thánh nữ chúng ta vẫn thấy đầy chất Á Đông của người phụ nữ đất Việt: “Công, Dung, Ngôn, Hạnh” và “Tam tòng, Tứ đức”.

Cuộc đời Thánh Mônica

Thánh nữ sinh tại Thagaste, thuộc Bắc Phi châu vào năm 332 trong một gia đình công giáo. Lập gia đình với ông Patricius, một người ngoại giáo và có được ba người con. Chồng Mônica là một người giàu có, nhưng tính tình nóng nảy và không chung thủy. Người mẹ chồng của thánh nữ cũng gắt gỏng và khó chịu. Patricius thường hay rầy la vợ, vì Mônica hay tỏ ra thương yêu và giúp đỡ mọi người. Dù vậy, thánh nữ vẫn luôn âm thầm hy sinh, kiên trì, chịu đựng trong nước mắt của nguyện cầu. Cuối cùng, Mônica cũng chinh phục được mẹ chồng cùng với chồng, và họ đã trở lại cùng Thiên Chúa. Patricius qua đời năm 371, sau khi đã lãnh nhận Bí tích rửa tội. Hết chồng rồi lại đến con, Augustin học theo tính khí của cha, sống phóng đãng và chạy theo bè rối Manichée, trong chín năm. Mônica theo con để mong ngày con được trở lại cùng Chúa. Những hy sinh của Mônica thật không uổng tí nào. Đêm Phục sinh, ngày 24 tháng tư năm 387, bà vui mừng dự lễ rửa tội cho thánh Augustin. Cuối năm 387, khi mẹ con đang chuẩn bị trở về quê hương là Phi châu, thì Thiên chúa đã gọi Mônica về, lúc 56 tuổi. Thánh nữ được chôn cất tại Ostite và sau được dời về Rôma vào năm 1430.

Gương thánh nhân

Thánh Mônica lập gia đình và hoàn thành sứ mạng mà Thiên Chúa trao ban qua ơn gọi làm vợ và làm mẹ. Làm vợ, ngài hết tình yêu thương và chiều chuộng chồng, tính nết hiền lành và đạo đức, đó là bí quyết mà thánh nhân dùng để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Làm mẹ, ngài tận tình chăm sóc và giáo dục con cái, nhất là đời sống đạo đức. Nhờ đó mà chồng con đều lần lượt trở lại đạo Chúa. Mônica nên thánh trong một đời sống gia đình, rất bình thường như những gia đình của mỗi người. Điều đó cũng làm cho chúng ta, nhất là các bà mẹ công giáo thử đặt lại vấn đề, tại sao tôi không dùng chính đời sống gia đình của mình để làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày? Là một người vợ hay một người mẹ, tôi đã cầu nguyện với Chúa mỗi khi chồng con khô khan, nguội lạnh hay thậm chí mất đức tin…

Lạy Thánh Monica, bổn mạng của giới Hiền mẫu, qua lời bầu cử của Ngài, xin cho các người vợ, người mẹ có đời sống thánh thiện, hiền lành, yêu thương và nhẫn nhục, để hướng dẫn gia đình trong tình thương của Thiên Chúa. Giữa một cuộc sống đầy thử thách, tình trạng chối bỏ sự sống ngày càng lan tràn, giáo dục con cái trở nên đầy thách đố. Xin cho các gia đình luôn biết lắng nghe và thực thi lời dạy của Chúa qua những giáo huấn của Giáo hội. Amen.

 

SUY NIỆM 6: Thánh nữ Monica

(Lm Carôlô Hồ Bặc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

Chúa Giêsu cứu sống con trai bà goá thành Naim:

- Tất cả mọi người hôm đó chẳng ai mở lời xin Chúa giúp. Ngài ra tay cứu giúp chỉ vì động lòng thương.

- Chúa chạnh lòng trước cảnh mẹ goá con côi, tre già khóc măng non.

- Cứu sống đứa con trai xong, Chúa còn tế nhị trao nó lại cho mẹ nó.

 

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Trái tim con người vốn giàu tình thương. Nhưng vì nhiều lý do, trái tim có thể bị chai lì đi, không còn xúc động gì trước cảnh khổ của người khác.

Thấy người nghèo thường quá, tôi không còn cảm động cái khổ của người nghèo.

Thấy người bệnh thường quá, tôi không còn cảm được nỗi đau của họ.

Thấy người tội lỗi quen quá, tôi dửng dưng nhìn người ta càng ngày càng chìm sâu trong tội.

Lạy Chúa, xin đổi trái tim bằng đá của con bằng trái tim bằng thịt.

2. Xin Chúa cũng dạy con biết tế nhị: thấy được nhu cầu người khác trước khi họ xin con giúp, và giúp họ một cách tế nhị nhẹ nhàng như hôm xưa Chúa đã trao đứa con lại cho người mẹ.

3. “Tiến lại gần, Ngài chạm đến quan tài”: việc làm này bị luật coi là ô uế. nhưng để an ủi gia đình người chết, và để “tiến lại gần” (ý muốn được gần gũi với người đau khổ), Chúa không ngại gì cả. Yêu thương giúp đỡ đòi hỏi phải can đảm và hy sinh.

4. Chuyện người mẹ Naim đau khổ được Chúa cứu giúp khiến tôi nghĩ tới cảnh khổ của bản thân mình. Bà không biết người đàn ông đúng ở cổng thành hôm ấy là Chúa Giêsu, Đấng có quyền năng cứu sống. Bà không ngỏ lời xin Chúa. Nhưng Chúa chạnh lòng thương, tự động Chúa lại gần và Chúa kéo bà ra khỏi cơn đau khổ.

Chúa lúc nào cũng ở gần tôi. Khi tôi phải khổ, Chúa cũng chạnh lòng và Ngài sẵn sàng cứu giúp. Tôi không bao giờ cô đơn.

5. “Chúa Giêsu tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và phán: ‘Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy.’ Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói.”. (Lc 7,14-15).

Bữa nay mình không muốn đến nhà thờ, Chúa Nhật nào Giang cũng đi câu cá. Mai nằm lì trên gường. Tin và Sơn phóng xe đi chơi. Bích thì gọi điện thoại cho bạn. Này có ai gọi mình thì phải?

Bữa nay mình không muốn đến nhà thờ, Bài giảng dài lê thê và khó hiểu quá. Xem phim hoạt hình trên Tivi, hay mở máy hát nghe nhạc, hoặc gọi điện thoại “tám” với bạn bè còn thích hơn. Này rõ ràng có ai gọi mình mà!

Lạy Chúa, con chỉ nghe toàn những tiếng nhu cầu của bản thân. Còn tiếng gọi của Chúa sao mơ màng quá, khó nghe quá. Chúa đã gọi người thanh niên chỗi dậy từ cõi chết, xin Ngài cũng gọi con từ những đam mê bất chính của con. (Hosanna)

6. Hôm nay tôi muốn được chia sẻ đôi điều với anh chị em, đặc biệt với những ai được mang danh hiệu cao quí là Mẹ.

Khi viết về người Mẹ một nhà văn Pháp đã có những lời diễn tả như thế này: “Bà mẹ không phải như một họa sĩ vẽ cái đẹp lên tranh, không như một nhà điêu khắc chạm hình trong đá, không như nhà văn diễn đạt tư tưởng hay bằng những lời chọn lọc, cũng không như một nhạc sĩ ký thác tâm tình đẹp trong tiếng đàn. Phận sự của bà mẹ chính là nhờ ở sức Chúa giúp đỡ, hình thành nên trong linh hồn những người con hình ảnh của Chúa trên trời."

Vâng kính thưa anh chị em,

Có lẽ không có lời nào hay hơn thế để mô tả về một người mẹ, một người mẹ rất nổi tiếng trong Giáo Hội mà hôm nay chúng ta mừng kính. Đó là thánh nữ Monica.

7. Chúng ta chỉ biết Thánh Mônica qua quyển Tự Thuật của người con là Thánh Augustino.

Bà sinh khoảng năm 332 ở Tagaste miền bắc Châu Phi, là con trong một gia đình có đạo. Lúc 18 tuổi, bà phải kết hôn với một người ngoại tên là Patricius theo ý của gia đình và sau đó sinh được 3 người con: người con cả là Augustinô. Bà luôn theo dõi sự phát triển của con với niềm vui lẫn âu lo.

Bà đã phải khóc lóc vì thấy nơi người con của bà có những dấu hiệu sai lạc về luân lý và tinh thần. Dầu vậy bà luôn luôn lấy tình thương khuyên nhủ con. Sau một thời gian quá dài nhưng chưa chinh phục được người con của mình, bà đã được một vị Giám mục, nói chính xác là thánh Ambrosiô, đã an ủi bà: "Không lẽ một người con đã làm cho bà rơi biết bao nhiêu nước mắt, lại phải hư mãi sao?".

Như vậy là chúng ta thấy không những bà đã lo lắng cho chồng để ông được trở lại đạo một năm trước khi ông qua đời, khoảng năm 371. Rồi sau khi chồng mất, bà đã từ Roma theo người con cả Augustino lên tận Milan nơi ông dạy học để ở nơi đây Bà được chứng kiến cảnh con của mình từ bỏ lạc giáo trở về với Chúa, chịu rửa tội vào đêm Vọng Phục Sinh năm 387 dưới sự hướng dẫn và dìu dắt của Giám Mục Ambrôsiô. Sau khi trở lại, Augustinô, em và mẹ đã quyết định trở về Tagaste.

Mùa thu năm 387 cả ba mẹ con từ bỏ Rôma, lên đường về Châu Phi. Chúng ta hãy nghe chính Augustinô thuật lại những giờ sau hết của mẹ mình trên dương thế: "Con không nhớ rõ con đã trả lời làm sao. Nhưng phỏng năm ngày sau, hay hơn một chút, mẹ con ngã bệnh sốt rét. Đang khi nằm bệnh, thì ngày nọ ngài bất tỉnh, không còn nhận ra những người chung quanh. Chúng con chạy tới thì ngài tỉnh lại ngay, nhìn con và em con đang đứng đó; ngài có vẻ tìm kiếm cái gì đó và bảo chúng con” “Mẹ ở đâu thế này?”

Rồi thấy chúng con buồn sầu và lo sợ, ngài nói: "Các con hãy nhớ chôn mẹ ở nơi đây!' Con thinh lặng và kìm hãm nước mắt. Nhưng em con nói mấy lời tỏ ý ước ao thấy ngài được chết tại quê nhà hơn là ở tha hương. Nghe thấy vậy, ngài tỏ vẻ không bằng lòng. Ngài quắc mắt nhìn em con, vì nó đã có những tư tưởng như vậy, rồi nhìn con mà nói: "Con xem, nó nói như vậy đó!” Đoạn ngài bảo hai chúng con: "Các con chôn xác này ở đâu cũng được; các con đừng quá lo về việc đó. Mẹ chỉ xin các con một điều, là bất cứ các con ở đâu, các con hãy nhớ đến mẹ trước bàn thờ Chúa". Sau khi cố gắng nói được điều đó rồi, mẹ con ở lặng và cơn bệnh gia tăng, làm cho ngài càng đau đớn. Vậy, sau khi thụ bệnh được 9 ngày, thì linh hồn thánh thiện và đạo đức đó đã lìa khỏi xác: ngài được 56 tuổi còn con được 33 tuổi" đúng tuổi sống trên đời của Chúa Giêsu.

Augustinô đã chôn cất mẹ tại Ostia.

Sau này khi nhớ về cái chết của Mẹ mình Augustinô đã viết: "Con mất mẹ cách đột ngột, nhưng con cảm thấy an ủi khi dâng cho Chúa nước mắt con khóc mẹ. Con dâng nước mắt ấy cầu nguyện cho mẹ con. Nếu ai đoán xét con, phạm tội vì khóc thương một bà mẹ chết đi và tạm thời mắt con không còn trông thấy được nữa, thì con xin họ nhớ rằng chính bà đã khóc than biết bao năm trường để mắt bà được trông thấy con sống lại với Chúa, xin họ đừng nhạo cười con, nhưng xin họ cũng khóc lóc vì tội lỗi con đã phạm trước mặt Chúa. Chúa là cha của tất cả anh chị em chúng con trong Đức Kitô.

Ngày nay xác bà được dời về thánh đường kính Thánh Augustinô tại Rôma.

Vâng đó là cuộc đời của người mẹ thánh. Và sự thánh thiện đã đổ tràn qua người con. Một niềm vui vô cùng lớn lao nhưng là một niềm vui phải trả bằng một giá thật lớn. Rõ ràng một người mẹ nhờ ở sức Chúa giúp đỡ hình thành nên trong linh hồn người con của mình hình ảnh của Chúa trên trời."

8. Hình như số phận của những người làm mẹ muốn cho con của mình được thành đạt, thành đạt trong cuộc sống đời thường hay thành đạt trong lãnh vực thiêng liêng đều phải như thế.

Ông Comolet Sue, nhà giáo dục danh tiếng, đã điều tra và kể lại trong bản báo cáo về Hội Hôn nhân Thiên Chúa giáo ở Pháp câu truyện này:

Có lần ông gặp một bà góa. Các con bà giữ đạo sốt sắng và thành công một cách vinh quang trên đường đời. Ông hỏi bà:- Bà đã làm gì trong công việc giáo dục con cái bà? Bà đã dìu dắt con bà một cách thực tế như thế nào trong cuộc đời? Bà đã một mình làm tròn sự nghiệp phức tạp ấy!

Bà trả lời cách gọn gàng, giản dị: - Tôi không biết.

Ông gặng hỏi: - Bà giấu đấy chứ? Các con trai bà đã làm cách nào để tạo được những địa vị danh giá mà đồng thời vẫn là tín đồ đáng nể phục? Các con bà hình như rất bằng lòng với cuộc sống của mình. Có bao bà phải thất vọng không ...?

Bà mỉm cười và hỏi: - Ông có tin tưởng Thiên Chúa không?

- Chắc là Thiên Chúa cai trị sóng gió, nhưng nếu bà không biết lo liệu thì thuyền cứ chìm.

- Lo liệu phòng ngừa là phải cầu nguyện cho nhiều.

- Không đủ, thưa bà. Bởi chắc không phải lúc nào bà cũng chắp tay quỳ gối trong nhà thờ?

Bị hỏi dồn, bà nói thiệt: - Ngày chồng tôi chết, để lại cho tôi mười đứa con nhỏ, đứa lớn chưa đầy 15 tuổi. Tiền của eo hẹp, nên tôi phải quả quyết... Trước hết là... Là xét lại lương tâm, khi xét mình tôi đã nhận thấy cần phải tu chỉnh, cải tạo đời sống mình cho tốt hơn, thêm nhiều đức tính tốt hơn nữa. Tôi làm ngay... và cứ thế mà tiến...

- Có thế thôi sao? Bà còn làm gì hơn nữa cho con bà?

-  Không có gì khác cả, thưa ông. Tôi tự sửa mình và chính Chúa đã đào tạo chúng nó.

Ngạn ngữ của người Roma có câu: “Không ai có thể cho cái mình không có.” Bà Monica thánh thiện cho nên sự thánh thiện của bà đã tràn qua người con.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúng con thật hạnh phúc vì Chúa luôn đồng hành với chúng con. Chúa lúc nào cũng ở gần chúng con. Khi chúng con gặp đau khổ, chắc chắn Chúa cũng chạnh lòng thương xót chúng con như xưa Chúa đã chạnh lòng trước nỗi khổ của người mẹ mất con thành Nain. Chúng con xin phó thác cuộc đời trong tay Chúa. Xin Chúa gìn giữ hộ phù chúng con trong sự quan phòng của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, trái tim con người là họa ảnh của Chúa vốn giầu lòng thương xót và thành tín. Nhưng Chúa ơi, sao chúng con lại quá chai lỳ, thờ ơ trước nỗi khổ của người khác. Chúng con không quan tâm đến cái chết của người hàng xóm. Chúng con không cảm thông với nỗi bất hạnh của tha nhân. Chúng con bỏ ngoài tai tiếng van xin của anh em. Xin tha thứ cho hành vi thiếu bác ái của chúng con. Xin ban tặng cho chúng con trái tim của Chúa để chúng con biết cảm thông trước những thống khổ của tha nhân và mau chóng giúp đỡ trong khả năng của mình.

Lạy Chúa, xin cho chúng con đủ can đảm và đầy hy vọng để vượt qua những thử thách gian nan trong cuộc đời. Chúng con biết rằng chính lúc khó khăn nhất, Chúa đang ở bên cạnh, đồng hành, và nâng đỡ chúng con. Xin dạy chúng con biết nương tựa nơi Chúa là khiên che, thuẫn đỡ cho cuộc đời chúng con. Amen.

 

SUY NIỆM 7: Thánh nữ Mônica: Người mẹ tuyệt vời

(http://conggiao.info //Jos. Vinc. Ngọc Biển)

Đối với văn hóa của người Á Đông thì vai trò người phụ nữ luôn bị giảm nhẹ. Từ quan niệm trên, người phụ nữ đôi khi bị coi thường. Chính vì vậy, bản thân người phụ nữ cũng trở nên tự ty, co cụm lại trong những công việc như nội chợ, cơm núc...  Nói chung là lo những chuyện lặt vặt trong nhà.

Tuy nhiên, hôm nay, phụng vụ mừng kính một vị thánh nữ là vợ, là mẹ trong gia đình. Ngài được biết đến bằng những chuyện bình thường nhưng đã thi hành cách phi thường. Mang trong mình phận gái:“liễu yếu đào tơ”, nhưng cuộc đời và lối sống ngang qua những hành động, hẳn ngài thật giống một: “đấng nam nhi” hay “bậc anh hùng hảo hán”.

Con người đó là ai? Thưa! Ngài chính là thánh nữ Mônica, mẹ của thánh giám mục Augustinô.

Thật vậy, cuộc đời của ngài đã trở nên tấm gương: anh dũng, can trường, nhân hậu, hiền từ, kiên trì, trung thành trong đời sống thường ngày, nhất là  gương hy sinh và cầu nguyện.

Mừng lễ thánh Mônica, chúng ta cùng nhau tìm hiểu cuộc đời của thánh nhân, để ngang qua đó, như một bài học cho đời sống đức tin của chúng ta.

1. Thân thế cuộc đời thánh Mônica

Gia đình của thánh nữ Mônica không có gì nổi nang trong làng. Cha mẹ ngài là những người bình dân nhưng đạo hạnh, hay thương người. Thánh nữ sinh năm 332, tại làng Sucara bên Phi Châu.

Ngay từ nhỏ, Mônica đã được hấp thụ truyền thống đạo đức, và một nền giáo dục có thể nói là “linh đạo tình yêu”. Những đặc tính như: nhân từ, hiền hậu, thương người là nét đẹp nơi gia đình của thánh nhân mà ngài được thừa hưởng.

Quả thật, tấm lòng quảng đại, yêu thương người nghèo dường như đã thường trực trong tâm hồn cô, khiến cô không thể ngồi yên và no bụng trong khi nhiều người chung quanh mình phải đói khát! Vì thế, mỗi bữa cơm Mônica thường dành ra một phần cho kẻ khó nghèo. Việc chia sẻ cho kẻ nghèo đã làm cho Mônica coi là niềm hạnh phúc của mình vì được diễm phúc đụng chạm, gặp gỡ trực tiếp Thiên Chúa ngang qua những người kém may mắn đó.

Một điểm đáng lưu ý khác nữa là Mônica thường xuyên ẩn mình nơi vắng vẻ để thân mật, cầu nguyện với Chúa lâu giờ.

Tuy nhiên, tưởng chừng một con người đạo hạnh như Mônica, ắt phải được tận hưởng một cuộc sống bình yên, hạnh phúc! Ai ngờ cô lại gặp phải cảnh éo le và truân chuyên quá đỗi!

Năm 22 tuổi, vì vâng lời cha mẹ, Mônica đã kết hôn với Patricius. Chồng cô thuộc dòng dõi quý tộc. Vì thuộc về thành phần giàu sang trong làng, nên ngay từ khi còn nhỏ, chàng Patricius đã được nuông chiều thái quá, dẫn đến tình trạng ngang tàng, hách dịch, nghiện rượu, tính tình nóng nảy và không chung thủy, độc ác và tàn nhẫn.... Ông luôn tỏ vẻ khó chịu mỗi khi thấy vợ làm từ thiện và cầu nguyện.

Hơn nữa, sẵn có lợi thế con nhà giàu, lại hơn tuổi của Mônica quá nhiều, nên Patricius thường xuyên thể hiện vai trò chủ - tôi đối với cô. Mặt khác, cô lại còn phải chịu cảnh hất hủi của mẹ chồng. Điều làm cho cô Mônica buồn nhất, đó là bà lại hùa theo con trai để bênh vực chủ trương không tôn giáo và đời sống phóng khoáng, tự do cho Patricius. Vì những lý do đó, cuộc sống gia đình của Mônica gặp rất nhiều khó khăn, đau khổ.

Thêm vào đó, sau khi sinh được Augustinô, người con trai đầu lòng, bà vui mừng phấn khởi, nhưng chẳng bao lâu, Augustinô buông theo lối sống của cha, nên cũng trở nên lêu lổng, phóng túng...

Nhưng khi gặp những nghịch cảnh ngập đầu, Mônica không hề oán trách, nhưng ngài đã tìm ra những liều thuốc giải độc tốt nhất cho linh hồn mẹ chồng, chồng và các con, đó là sự hy sinh, lời cầu nguyện liên lỷ, cộng thêm những đức tính tuyệt vời như  lòng bác ái, tình yêu thương, tinh thần quả cảm, đức tính khiêm nhường, và vững tin vào Chúa. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi Mônica vẫn một lòng yêu mến, kính trọng chồng và mẹ chồng; lại luôn sống làm gương sáng cho các con; yêu thương giúp đỡ dân làng.

Vì vậy, mưa dầm thấm lâu. Thiên Chúa đã thưởng công Mônica, đó là mẹ chồng và Patricius đã xin Rửa Tội và tin theo Chúa. Còn Augustinô đã chia tay bè rối Manichê (Nhị Nguyên) là một tà thuyết chống lại Giáo Hội và đức tin của Công Giáo mà ông đã dồn toàn tâm toàn trí trong suốt chín năm trường. Sau đó ngài được Rửa Tội. Hai người con còn lại là Navigio và Perpetua cũng xin chịu phép Thanh Tẩy và gia nhập Giáo Hội Chúa. Sau này cả hai đã đi tu dòng.

Niềm vui tột cùng đó đã làm cho Mônica thốt lên với Augustinô trong những giây phút cuối đời: “Con ơi, không gì trên thế gian này làm mẹ vui. Mẹ không biết có gì còn lại cho mẹ làm hoặc tại sao mẹ lại vẫn ở đây, mọi hy vọng trên thế gian này mẹ đã được mãn nguyện”.

Cuối năm 387, khi mẹ con đang chuẩn bị trở về quê hương là Phi Châu, thì Thiên Chúa đã gọi Mônica về với Ngài, hưởng thọ 56 tuổi. Thánh nữ được chôn cất tại Ostite và sau được dời về Rôma vào năm 1430.

2. Gương sáng của thánh nhân

Cuộc đời và gương sáng của thánh nhân cho chúng ta thấy rằng: ngài đã “làm những chuyện bình thường cách phi thường”. Tại sao vậy?

Trước tiên: là chu toàn bổn phận. Chu toàn bổn phận cách trung thành, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác thì quả là anh hùng. Ngài đã hoàn thành sứ mạng Chúa trao trong ơn gọi làm vợ và làm mẹ. Làm vợ, thánh nhân đã hết lòng quý trọng, yêu thương và trung thủy với chồng. Làm mẹ, thánh nhân hết mực yêu thương, hy sinh cho con cái. Tận tụy giáo dưỡng con cái nên người. Khi không được như ý của mình, ngài vẫn không bỏ cuộc. Thánh nhân đã cầu nguyện và hy sinh liên lỷ cho con. Nhờ đó mà ngài đã cải hóa được Augustinô trở về với Chúa và phục vụ Giáo Hội.

Thứ đến: là cảm hóa bằng gương sáng. Khi bị ngược đãi bởi mẹ chồng và chồng, thánh nhân đã nêu cao gương khiêm nhường, yêu thương và tha thứ. Sẵn lòng thông cảm cho tính khí của mẹ và chồng. Yêu thương, phục vụ, khiêm nhường và tha thứ là lựa chọn của thánh nhân trong những lúc khó khăn và gặp chuyện chẳng lành.

Thứ ba: là mẫu gương cầu nguyện và hy sinh. Thánh nhân đã kết hợp với Chúa cách liên lỷ và hoàn toàn phó thác nơi Ngài.

Cuộc đời của ngài với những biến cố vui buồn, thành công hay thất bại đều kết hợp với Chúa. Ngài luôn phó thác mọi sự trong sự an bài của Thiên Chúa.

Thứ tư: là sự kiên trì và trung thành. Kiên trì trong cầu nguyện. Trung thành trong niềm tin, dù nhiều khi phải quặn đau.

Quả thật, cả cuộc đời của thánh nhân đã để lại cho chúng ta gương sáng tuyệt vời nơi những người vợ, người mẹ và cho hết mọi người.

3. Bài học cho chúng ta

Mỗi khi mừng lễ thánh Mônica, chúng ta hãy học nơi ngài những gương sáng để xây dựng hạnh phúc gia đình ngày càng tốt đẹp.

Bài học thứ nhất: Chu toàn bổn phận hằng ngày trong lòng mến. Làm những việc tầm thường cách phi thường trong sự kết hợp với Chúa và phó thác cho Ngài.

Bài học thứ hai: Biết dùng gương sáng như công cụ số một để cảm hóa người khác, nhất là người đó lại là người ngang tàng mất nết...

Bài học thứ ba: Cần xác định thật rõ:“mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Làm mọi việc trong tâm tình tín thác. Đón nhận tất cả, miễn sao điều đó đẹp lòng Chúa và ích lợi cho phần hồn mọi người.

Bài học thứ tư: Đó là sự kiên trì, trung thành. Đời sống đức tin của chúng ta cần có những nhân đức này. Nếu không kiên trì, chúng ta dễ bỏ cuộc. Không kiên trì khó có thể trung thành.

Lạy Chúa, xin nhận lời thánh nữ Mônica chuyển cầu mà ban cho chúng con, nhất là những người vợ, người mẹ trong các gia đình luôn có đời sống thánh thiện, hiền lành, yêu thương và nhẫn nhục, kiên trì và trung thành, tin tưởng và phó thác nơi Chúa như thánh Mônica khi xưa. Amen.

 

 

 

Thứ ba: Mt 23, 23-26

Thứ Ba 27/08/2019 – Khốn cho kẻ giả hình.

27/08 – Thứ ba tuần 21 thường niên.

"Phải làm những điều này, và không bỏ các điều kia".

 

Lời Chúa Mt 23, 23-26

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, hồi hương và thì là, còn những điều quan trọng hơn trong lề luật, là đức công bình, lòng nhân từ và lòng tin thì các ngươi lại bỏ qua; đáng lẽ phải làm những điều này và không bỏ các điều kia.

"Hỡi những kẻ dẫn đường đui mù, các ngươi gạn lọc một con muỗi ra, nhưng lại nuốt trửng cả con lạc đà. Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình, vì các ngươi rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong, các ngươi đầy gian tham và nhơ bẩn. Hỡi những người biệt phái đui mù, hãy rửa bên trong chén đĩa trước đã, để bên ngoài cũng được sạch".

 

SUY NIỆM 1: Bên trong, bên ngoài

Suy niệm :

Đức Giêsu đã từng nói về tám Mối Phúc trong Bài Giảng trên núi.

Trong chương này, Ngài sẽ nói với các kinh sư và nhóm Pharisêu bảy lần:

“Khốn cho các ngươi!”

Đây không phải là lời chúc dữ cho bằng là lời trách than, buồn tiếc,

vì những sự giả hình, che đậy nơi một số nhà lãnh đạo Do thái giáo.

Nhưng giả hình không phải chỉ là bệnh của một số kinh sư ngày xưa.

Nó là bệnh của những Kitô hữu trong Hội Thánh của Mátthêu sau năm 70.

Và nó cũng là bệnh của những Kitô hữu thuộc thế kỷ hai mươi mốt.

“Khốn cho các ngươi!” là một lời cảnh báo đối với chính bản thân tôi.

Bệnh được nhắc đến trong lời Khốn cho thứ tư (c. 23)

là bệnh quá tập trung vào điều phụ thuộc mà bỏ quên điều cốt yếu.

Có một số người Pharisêu bày tỏ sự đạo đức của mình

qua việc nộp thuế thập phân về những thứ rau lặt vặt họ trồng trong vườn.

Ba thứ rau thơm: bạc hà, thì là, rau húng, đúng ra không phải tính thuế,

vì chỉ phải nộp thuế về hoa lợi của vụ mùa, của vườn cây ăn trái thôi.

Nhưng có người đã nộp thuế về mọi thứ rau cỏ trong vườn (Lc 11, 42).

Thuế thập phân chỉ đòi nộp một phần mười sản phẩm nông nghiệp làm được,

để giúp việc thờ phượng Chúa trong Đền thờ và các người làm việc tại đó.

Đức Giêsu không cản chuyện nộp thuế về những điều lặt vặt (c. 23).

Ngài chỉ tiếc là những chuyện nặng ký hơn trong Lề Luật

như công lý, lòng nhân và thành tín, lại bị bỏ quên (c. 23).

Ba điều này đều được các ngôn sứ nhắc nhở (Is 1, 17; Hs 6, 6; Hb 2, 4).

Ngôn sứ Mikha đã viết một câu nổi tiếng (Mk 6, 8):

“Đức Chúa đòi anh em điều gì nếu không phải là sống theo công lý,

mến chuộng lòng nhân và khiêm hạ đi với Thiên Chúa của anh em.”

Có thể thái độ đạo đức giả bắt nguồn từ thói háo danh và sợ khó.

Nộp thuế dễ được người ta thấy hơn

và cũng khỏi phải hoán cải nơi bề sâu của lòng mình.

Tập trung vào những cái lặt vặt để khỏi phải áy náy về chuyện hệ trọng.

Làm tốt một chuyện nhỏ, nhưng lại làm hỏng một chuyện rất lớn.

Bệnh được nhắc đến trong lời Khốn cho thứ năm (c. 25)

là bệnh quá coi trọng cái bên ngoài mà coi thường cái bên trong.

Một số người Pharisêu loay hoay với chuyện lau sạch bên ngoài chén đĩa.

Họ sợ mình trở nên ô uế nếu sử dụng đồ chưa được rửa kỹ.

Tiếc thay, họ không để ý đủ đến sự nhơ uế bên trong tâm hồn.

Mà đó mới là thứ nhơ uế thật sự đáng quan tâm.

Có nguy cơ là sự sạch sẽ bên ngoài nhằm che đậy sự nhơ uế bên trong,

và đánh lừa cái nhìn của người khác, khiến họ lầm tưởng.

Thật ra trở về với lòng mình để nhận ra những ô nhơ, thật là điều khó.

Rửa tay trước khi ăn, rửa bát đĩa trước khi dùng, là điều dễ hơn nhiều.

Trở vào lòng mình, ta dễ bắt gặp bao tham lam, gian dối, thèm muốn vô độ.

Những điều ấy ta không muốn nhìn nhận có nơi mình.

Đức Giêsu mời chúng ta tìm kiếm sự tinh tuyền bên trong trước đã,

rồi mới để ý đến cái sạch sẽ bên ngoài sau (c. 26).

Xin Chúa cho chúng ta đừng bị đui mù, nhưng được sáng mắt (cc. 24. 26),

để biết phân biệt cái chính, cái phụ, cái trong, cái ngoài.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

khi đến với nhau,

chúng con thường mang những mặt nạ.

Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.

Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt

dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.

Khi đến với Chúa,

chúng con cũng thường mang mặt nạ.

Có những hành vi đạo đức bên ngoài

để che giấu cái trống rỗng bên trong.

Có những lời kinh đọc trên môi,

nhưng không có chỗ trong tâm hồn,

và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.

Lạy Chúa Giêsu,

chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,

tự ru ngủ và đánh lừa mình,

mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.

Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,

đã ăn sâu vào da thịt chúng con,

để chúng con thôi đánh lừa nhau,

đánh lừa Chúa và chính mình.

Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,

để chúng con được lớn lên trong bình an.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: Kết án thái độ vụ hình thức

Tin Mừng hôm nay ghi lại hai lời kết án của Chúa đối với thái độ vụ hình thức. Trước hết là việc giữ luật bên ngoài thật tỉ mỉ, mà không có lòng đạo đức thật, không thi hành công bằng và tình yêu thương.

Trong Do thái giáo, luật đóng thuế thập phân trên những sản phẩm con người làm ra là một hành động tôn giáo để nhìn nhận quyền tối cao của Thiên Chúa. Theo luật Môsê được ghi trong sách Thứ Luật, thì chỉ buộc trả thuế thập phân trên những sản phẩm chính là gạo, rượu, dầu, con vật đầu lòng. Thế nhưng, có lẽ vì quá sốt sắng, những Luật sĩ và Biệt phái muốn áp dụng thuế thập phân cho những sản phẩm nhỏ, không cần thiết như: bạc hà, thì là, rau húng.

Chúa Giêsu không kết án các Luật sĩ và Biệt phái vì sự tuân giữ luật Môsê một cách tỉ mỉ; nhưng Ngài kết án vì thái độ không trung thực: họ tuân giữ những điều hết sức nhỏ để tỏ ra mình sốt sắng đạo đức, nhưng họ lại lỗi phạm những điều lớn về đức công bằng và tình yêu thương, họ làm như thế chẳng khác nào lọc lừa con muỗi ra ngoài, nhưng lại nuốt con lạc đà nguy hiểm hơn.

Thái độ vụ hình thức thứ hai của các Luật sĩ và Biệt phái còn được thể hiện trong sự tuân giữ những nghi thức bên ngoài, mà không chăm lo tinh tuyền bên trong: họ lo rửa chén đĩa bên ngoài, mà bên trong tâm hồn thì đầy cướp bóc, tham lam. Việc tuân giữ nghi thức thanh tẩy bên ngoài, việc đến nhà thờ đọc kinh ngoài môi miệng mà thôi chưa đủ, cần phải để cho ơn Chúa biến đổi tận bên trong tâm hồn ngõ hầu trở nên con người mới. Sự hoán cải nội tâm quan trọng hơn và phải đi trước những thực hành đạo đức bên ngoài để tránh thái độ giả hình, vụ hình thức đáng bị Chúa khiển trách.

Nguyện xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi những tham lam, ích kỷ, hẹp hòi. Xin cho chúng ta sống ngay chính bên trong cũng như bên ngoài, sống điều chúng ta nói trên môi miệng để làm chứng cho Chúa giữa mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Công bình, nhân ái, thành tín, trong sạch

Đức Giêsu nói: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong lề luật là công bình, lòng nhân và thành tín. Phải làm các điều này mà không bỏ các điều kia.” (Mt. 23, 23)

Tôi rất thích mấy câu Phúc Âm này. Một lần nữa Đức Giêsu tỏ ra yêu thương những người biệt phái. Người hiểu và kính trọng họ biết bao. Nhưng Người cũng khiển trách thái độ nước đôi của họ: Vừa cứu vãn những vẻ bề ngoài bằng những cử chỉ vô ích, vừa loại bỏ những điều chân thực bên trong.

Đó là kiểu mẫu người tốt thời Đức Giêsu và chúng ta ngày nay cũng thế. Một đàng họ rất khắt khe tỉ mỉ bên ngoài, đàng khác họ quá phóng túng bên trong. Họ tỏ ra rất tự do rộng rãi đối với những điều thật sự quan trọng.

Càng đọc đi đọc lại những câu Tin Mừng này, tôi càng thấy nực cười! Đó là những câu rất đúng với hiện tại! Nếu chúng ta muốn rõ, chúng ta thử tự đánh giá mình một chút xem Tin Mừng là tấm gương soi cái gì?

Ba điều:

Ba điều này làm cho chúng ta phải chú ý: “Ba điều quan trọng nhất trong lề luật là: Công bình, lòng nhân ái và thành tín”. Các ngôn sứ, Đức Kitô, thánh Phao-lô và ngày nay Giáo Hội hằng rao giảng. Chính những điều này. Những bổn phận về công bình xã hội và tình yêu thương quan trọng hơn những bổn phận về nghi lễ. Các Ngài đã không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng: Giúp những người nghèo khó, trung tín trong đời sống gia đình, công bình xã hội trong công ăn việc làm, định mức giá cả, thuế má, đồng lương. Ngôn sứ Za-ca-ri-a cũng kêu gọi: “Hãy thực hiện công bình theo chân lý, thực hành lòng yêu thương đối với nhau. Chớ áp bức kẻ góa bụa, mồ côi, khách lạ, nghèo khó và đừng mưu mô trong lòng để hãm hại nhau” (7, 9-10).

Không trong sạch:

Nhờ so sánh những lời Đức Giêsu khiển trách biệt phái, chúng ta thấy đó cũng là những lời khiển trách chúng ta. Phải, Người khiển trách tôi, khiển trách bạn: “Các ngươi lọc con muỗi, nhưng lại nhốt con lạc đà”, “Các ngươi rửa sạch chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện trộm cắp và vô độ”, bất công, lừa đảo lẫn nhau.

Chỉ con tim trong sạch mới nhìn thấy rõ Thiên Chúa. Không phải cái bên ngoài vào miệng làm cho con người ra nhơ bẩn, nhưng cái bên trong con người ra, mới làm nhơ bẩn con người thật sự. (Mt. 15, 11. 15-20)

JM

 

SUY NIỆM 4: HÃY HỒI TÂM VÀ HOÁN CẢI (Mt 23, 23-26)

Trong tình huynh đệ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có buổi gặp gỡ các đức giám mục Hàn Quốc vào chiều ngày 14-8-2014 nhân dịp ngài thăm đất nước này. Trong bài phát biểu, ngài đã nói:

“Anh em là con cháu của các vị tử đạo, là những người thừa kế chứng tá đức tin anh dũng của các vị nơi Chúa Kitô [... ]. Thật là điều đầy ý nghĩa sự kiện lịch sử Giáo Hội tại Hàn Quốc được khởi đầu với một cuộc gặp gỡ trực tiếp với Lời Chúa. Đó là một vẻ đẹp nội tại và sự toàn vẹn của sứ điệp Kitô, Tin Mừng và lời mời gọi hoán cải, canh tân nội tâm và sống đời bác ái”.

Khi gợi lại gương sáng chứng nhân anh dũng của các thánh tử đạo và mời gọi Giáo Hội tại Hàn Quốc noi gương các ngài để tiếp bước trên con đường chứng nhân, hẳn Đức Thánh Cha cũng muốn tất cả mọi người noi gương đời sống yêu thương, tin tưởng và cậy trông nơi Chúa tuyệt đối như các thánh. Đồng thời, ngài cũng mời gọi mọi người hãy hồi tâm, hoãn cải nếu chưa sống theo tinh thần Tin Mừng.

Thật vậy, hồn người tông đồ sẽ trống rỗng khi khái niệm hồi tâm không thường trực trong con người của mình.

Cũng vậy, chúng ta sẽ trở nên hình thức, hào nhoáng bên ngoài nếu không có những khoảnh khắc hoãn cải để canh tân đời sống nội tâm.

Và, mọi chuyện trở nên “công dã tràng” khi không gieo vào đó hạt mầm bác ái, yêu thương qua lời nói, trong hành động và nơi phụng vụ.

Sư điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy làm một cuộc “thanh tẩy nội tâm”. Tức là trở về với lòng mình để đối diện với Thiên Chúa, hầu thấy được điều nên làm và điều không nên làm. Điều đúng phát huy. Điều sai phải từ bỏ.

Nếu không “thanh tẩy nội tâm”, có lẽ chúng ta không khác gì những Kinh Sư và Pharisêu khi xưa: họ luôn quan tâm đến bề ngoài mà bên trong thì rỗng tuếch. Họ lo rửa chén đĩa bên ngoài, nhưng bên trong tâm hồn thì toàm là “hôi thối, xấu xa” bởi những tham lam, ích kỷ và hận thù. Họ nói yêu thương, nhưng thực ra họ là những người phản lại sứ điệp “yêu thương” khi bất bao dung, vô cảm với người nghèo, bà góa và những người thấp cổ bé họng.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được trở nên chứng nhân của Chúa cách trung thành. Có thế, chúng con mới thực sự xứng đáng trở thành người loan truyền sứ điệp của Chúa cho anh chị em chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây