Thứ Ba tuần 2 Phục Sinh.

Thứ hai - 20/04/2020 07:43

Thứ Ba tuần 2 Phục Sinh.

"Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời".

 

Lời Chúa: Ga 3, 7-15

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Thật, Tôi bảo cho ông biết: Ông đừng ngạc nhiên vì nghe Tôi nói rằng: Các ngươi phải tái sinh bởi trời. Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu: mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy".

Nicôđêmô hỏi lại rằng: "Việc ấy xảy ra thế nào được?" Chúa Giêsu đáp: "Ông là bậc thầy trong dân Israel mà ông không biết điều ấy sao? Thật, tôi bảo thật cho ông biết: Điều chúng tôi biết thì chúng tôi nói; điều chúng tôi thấy thì chúng tôi minh chứng. Nhưng các ông lại không nhận lời chứng của chúng tôi. Nếu khi Tôi nói về những sự dưới đất mà các ông không tin, khi Tôi nói những sự trên trời, các ông tin thế nào được? Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời".

 

 

SUY NIỆM 1: Ai tin được sống muôn đời

Suy niệm:

Con người hôm nay vừa bị hấp dẫn bởi cái chết,

vừa bị lôi kéo bởi cuộc sống đời này.

Cuộc sống hôm nay cho chúng ta nhiều tiện nghi thoải mái.

Nó mời chúng ta hưởng thụ, mua sắm, tiêu dùng.

Luôn luôn xuất hiện những mẫu mã mới hơn, tốt hơn, đẹp hơn.

Con người vất vả làm việc để có thể mua được món hàng do mình chế tạo.

Cuộc sống vừa dễ chịu hơn, vừa mệt mỏi hơn bởi vô số những nhu cầu.

Con người hôm nay có hạnh phúc hơn xưa không?

Những thức ăn trần thế có đủ làm con người mãn nguyện không?

Người Kitô hữu quý chuộng cuộc sống ở trần thế này,

nhưng họ hiểu tính chất mau qua và tương đối của nó.

Như Đức Giêsu, họ cũng phải đi qua cuộc sống đời này,

nếm đủ mọi mùi vị của phận người, chịu đựng mọi khó khăn thách đố,

trước khi về với điểm đến chung cục là cuộc sống đời sau.

Thiên đàng, Nước Thiên Chúa hay sự sống vĩnh cửu

là những từ diễn tả hạnh phúc đang chờ đợi người Kitô hữu sau cái chết.

Họ biết mình từ đâu đến và biết mình sẽ đi đâu.

Họ biết phân biệt những ga xép với đích đến cuối cùng.

Trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu khẳng định

chẳng ai được vào Nước Thiên Chúa nếu không được sinh ra bởi Thần Khí.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài lại khẳng định:

“Ai tin vào Con Người thì có sự sống vĩnh cửu” (c.15).

Vào Nước Thiên Chúa đồng nghĩa với có sự sống vĩnh cửu.

Như Môsê giương cao con rắn trong sa mạc để ai nhìn lên thì được khỏi,

Con Người cũng phải được giương cao để ai tin thì được sự sống vĩnh cửu.

Sự sống vĩnh cửu là hoa quả của mầu nhiệm được giương cao.

Đức Giêsu được giương cao khi bị treo trên thập giá,

được giương cao khi được Cha phục sinh,

và được giương cao khi được Cha đưa về trời.

Chính vì Đức Giêsu bị đóng đinh, được phục sinh và về trời

nên chúng ta được sinh lại từ trên nhờ Thần Khí,

được vào Nước Thiên Chúa và có sự sống vĩnh cửu.

Kitô hữu là người đang trên đường về quê hương đích thật.

Đấng từ trời xuống nay đã lên trời (c. 13),

và lôi kéo chúng ta lên với Ngài (Ga 12, 32).

Làm thế nào chúng ta thoát khỏi sức kéo xuống của vật chất?

Làm thế nào chúng ta sống nhẹ nhàng hơn để kéo thế giới quanh ta bay lên?

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu phục sinh

Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,

xin cho con biết sống

cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,

Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.

Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.

Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.

Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.

Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.

Vượt qua những thành kiến con có về người khác...

Chính vì Chúa đã phục sinh

nên con vui sướng và can đảm vượt qua,

dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh

gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,

tin tưởng và niềm vui.

Ước gì ai gặp con

cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: Ðược Sống Muôn Ðời

Chúng ta chiêm ngắm hai vị thầy gặp nhau trong đêm thanh vắng để trao đổi điều quan trọng mà không bị phiền phức. Ông Nicôđêmô là vị thầy của người Do Thái, một nhà thông thái muốn biết nhiều hơn nữa về Chúa Giêsu và ông đã nhìn nhận như Người đến từ Thiên Chúa, và nhất là có Thiên Chúa ở cùng, vì những dấu lạ được thực hiện, những dấu lạ chưa có ai làm được như vậy.

Ông Nicôđêmô là vị thầy trên trần gian này, còn Chúa Giêsu là vị Thầy từ trên cao xuống, từ cung lòng Thiên Chúa Cha mà đến: "Không ai đã lên trời ngoại trừ Con Người, Ðấng từ trời xuống". Hơn nữa, Chúa Giêsu còn xác nhận cho ông Nicôđêmô rằng: "Thật, tôi bảo thật ông. Chúng tôi nói những điều chúng tôi đã thấy", đó là uy tín của Chúa Giêsu Kitô, vị Thầy đến từ Thiên Chúa Cha. Lời quả quyết của Chúa với ông Nicôđêmô làm cho chúng ta nhớ lại lời quả quyết nơi đầu sách Phúc Âm theo thánh Gioan như sau: "Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ. Nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Thiên Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết" (Ga 1,18).

Ông Nicôđêmô đến với Chúa Giêsu với khả năng trí khôn của ông, muốn hiểu biết sự thật. Nhưng Chúa Giêsu lại mời gọi ông làm một điều khác. Ðừng ỷ lại vào khả năng trí khôn của mình nữa mà hãy nhờ đến sức mạnh từ trên cao của Chúa Thánh Thần. Ông phải sinh ra lại và sinh ra từ ơn trên và tin vào Thiên Chúa: "Không ai đã lên trời ngoại trừ Con Người, Ðấng từ trời xuống. Như con rắn của Môisen, Con Người cũng sẽ phải được giương cao để ai tin vào Người thì được sống muôn đời."

Ðược sống muôn đời, đó là điều quan trọng nhất, đó là mục tiêu cuối cùng của con người, đó là một hồng ân cần được con người khiêm tốn đón nhận, chứ không phải là đối tượng để hiểu biết suông mà thôi. Trong cuộc đối thoại, chúng ta thấy Chúa Giêsu không ngừng mời gọi nơi ông Nicôđêmô nâng tâm hồn mình lên, hãy để cho Thánh Thần thanh tẩy để có thể nhìn thấy và bước vào trong Nước Thiên Chúa. Hơn nữa, cũng trong cuộc đối thoại này, chúng ta có thể ghi nhận một mạc khải quan trọng khác nữa, đó là Chúa Thánh Thần chỉ được ban xuống cho con người nhờ qua và sau cuộc vượt qua của Chúa Giêsu, qua và sau cái chết, sự Phục Sinh của Chúa. Cùng với ông Nicôđêmô, chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu để cho Ngài dạy chúng ta biết về Thiên Chúa Cha và đồng thời sẵn sàng lãnh nhận Chúa Thánh Thần.

Lạy Chúa, xin hãy dạy cho con biết những việc trên trời. Xin hãy nói cho con biết tình thương của Thiên Chúa Cha đối với con người. Xin hãy tái sinh con trong Thánh Thần cho con được trở nên Thánh, để giống Chúa mỗi ngày một hơn.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Thánh Thần dẫn tới đâu?

Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói:

Các ông cần sinh ra lại bởi ơn trên.

Gió muốn thổi đâu thì thổi;

Ông nghe tiếng gió,

Nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu.

Ai bởi Thần Khí mà sinh ra cũng vậy.” (Ga. 3, 7-8)

Trong cuộc đàm đạo với ông Ni-cô-đem, sau khi mở cho ông thấy niềm hy vọng được sinh vào đời sống mới, Đức Giêsu đã tự tỏ mình ra, tỏ cuộc sống đã từng trải của Người ra cho ông và nói với ông rằng: “Ai bởi Thánh Thần mà sinh ra thì cũng vậy”.

Chính Người đã sinh ra bởi Thánh Thần, nghĩa là Người sống hoàn toàn dưới ảnh hưởng của hoạt động của Thiên Chúa, của động lực Thiên Chúa. Đức Giêsu nói điều mình biết. Điều Người biết về Thiên Chúa thì Người nói ra, nên chứng của Người là chân thật.

Đức Giêsu cũng nói những dự tính về sứ mệnh tương lai của Người. Nên ai sinh ra bởi Thánh Thần không phải chỉ được sống mà còn lãnh một sứ mệnh như Đức Giêsu. Ai sinh bởi Thánh Thần còn được kêu gọi lên cao.

Điều Đức Giêsu dự tính, chính là sứ mệnh cứu chuộc bằng dấu Thánh giá: “Không ai đã lên trời ngoại trừ Con Người đã từ trời xuống”, hay như thánh Phao-lô nói: “Người đồng phận với Thiên Chúa mà đã không nắm lấy địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, Người đã hủy mình đi, hạ mình xuống làm thân phận loài người”.

Tiếp nối cuộc đàm đạo với ông Ni-cô-đem, Đức Giêsu nói để được tái sinh, nghĩa là sống dưới ảnh hưởng của Thánh Thần tái tạo, thì phải theo đường lối Thánh Thần đề ra. Bất cứ ai sinh bởi Thánh Thần đều phải bắt tay hành động theo đường lối lên cao, con đường treo lên thập giá, hay nói cách khác, con đường hiến mạng sống mình cho người khác.

Cử hành Thánh lễ là chúng ta sẽ sống cuốn hút vào của lễ Đức Kitô hiến dâng mình cho muôn người, trong khiêm tốn vâng lời Đức Chúa Cha và ngoan ngoãn theo Chúa Thánh Thần. Nhận biết ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần đối với Đức Kitô có thể là lý do chính chúng ta dâng lễ tạ ơn và tiếp rước cũng một Thánh Thần đến trên của lễ chúng ta xin ơn hôm nay.

C.G

 

SUY NIỆM 4: Điều kiện căn bản: "niềm tin"

Một tờ báo Công giáo địa phương ở Chicago có đăng trong chương trình "sống đạo" mẩu chuyện như sau: có đôi vợ chồng chung sống với nhau được ba mặt con. Người chồng cũng là người Công giáo, nhưng chủ trương cuộc đời chỉ có ba lần đến nhà thờ: "Rửa tội, lễ cưới và sau khi chết". Ngược lại, người vợ là một tín đồ ngoan đạo, đêm ngày bà cầu nguyện cho chồng. Lời cầu nguyện của bà hầu như vô vọng khi người chồng đổi công việc làm ăn ở tiểu bang Texas, miền Nam Hoa Kỳ.

Suốt ba tháng trời, bà và các con chẳng được tin tức gì của chồng, nếu có chăng nữa thì cũng chỉ là những tin buồn do người quen kể lại. Họ nói rằng chồng của bà kể như hư đốn hoàn toàn. Ông ta đã sa vào cảnh cờ bạc, rượu chè, chẳng còn nhớ đến ai. Mấy tin tức như thế đã làm cho bà thêm lo lắng xao xuyến. Tuy nhiên, không vì thế mà bà quên cầu nguyện.

Bỗng một đêm kia, khi gia đình đã hoàn toàn chìm vào giấc ngủ, bà nhận được một cú điện thoại từ xa gọi về. Bên kia đầu dây là giọng nói thổn thức của người chồng từ Texas gọi về cho bà. Ông ta đã nói với bà như sau: "Em yêu dấu! Ðây là lần đầu tiên trong cuộc đời anh đã thành tâm quì gối cầu nguyện. Anh đã quì gối không phải trong nhà thờ hoặc một nơi thánh nào đó. Nhưng anh đã quì gối ngay tại chốn ăn chơi. Các bạn anh cười nhạo tưởng anh đã hóa khùng. Có thể đúng. Anh đang khùng, khùng vì Ðức Kitô, vì anh đã trở về với Ngài".

Anh chị em thân mến!

Trong lúc tưởng chừng như sự việc không còn cách gì để cứu vãn, thì lòng tin bền bỉ của người đàn bà được Thiên Chúa đáp lời. Một lời đáp thật bất ngờ dưới con mắt người đời: "Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió nhưng chẳng biết gió từ đâu mà đến và sẽ đi đâu". Những câu hỏi: nơi nào, khi nào, và thế nào đã được con người đặt ra cho Thiên Chúa chắc chắn là những câu hỏi chẳng bao giờ con người được thỏa mãn vì những sự việc dưới đất họ chưa hiểu hết thì làm sao có thể hiểu được những việc trên trời.

Tuy nhiên, dù cho đang lần mò trong tăm tối của hiểu biết như thế, con người vẫn không bị thất vọng, lạc lối, vì luôn luôn Thiên Chúa đã dọn sẵn cho họ một lối đi dẫn tới vĩnh cửu. Ðường lối ấy do chính Con Một Thiên Chúa từ trời cao xuống vạch ra cho tất cả loài người. Hết thảy mọi người đều được kêu mời đến.

Như ngày xưa, Môisen đã treo con rắn đồng trên sa mạc để cho dân được chữa lành thì hôm nay Con Một Thiên Chúa cũng được treo trên cao để mọi người được cứu thoát. Ngài được treo trên cao cho hết mọi người nhìn thấy, Ngài mở lối cho tất cả bước vào nhưng rồi không phải hết thảy đều đạt mục đích.

Một nhân vật thông thái của hội đường Do Thái là Nicôđêmô đang đứng trước ngưỡng cửa dẫn vào lối sống, thế mà ông vẫn chưa tìm được lối vào chỉ vì ông thiếu một điều kiện căn bản: "niềm tin".

Thiếu "niềm tin" mọi hiểu biết đều dẫn đến sai lạc vì mọi vận hành trong vũ trụ này không riêng lẻ độc lập nhưng liên hệ với Ðấng đã tạo thành nó. Niềm tin là chiếc cầu cho phép con người bước từ cõi đất lên cõi trời. Niềm tin là ngọn đèn soi tỏ ý nghĩa của mọi sự vật và mọi biến cố xảy đến. Mọi sự vật và mọi biến cố xảy đến không đơn thuần chỉ là những gì con người có thể cảm biết, còn có những ý nghĩa tàng ẩn đàng sau mà chỉ niềm tin mới vén mở cho con người trọn vẹn ý nghĩa của chúng.

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra được những thiếu sót trong vốn hiểu biết mà bấy lâu nay như Nicôđêmô, con vẫn hằng tự mãn bằng lòng. Xin cho con biết rằng chỉ có niềm tin mới ban cho con một sự hiểu biết trọn vẹn ý nghĩa của con. Một cuộc sống không hạn hẹp trong cõi đất nhưng được bắt nguồn từ cõi trời. Amen.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)

 

SUY NIỆM 5: TIN ĐỂ HIỂU (Ga 3, 7b-15)

Tin Mừng hôm nay tiếp nối trình thuật hôm qua, vì thế, vẫn trong bối cảnh giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô xoay quanh câu chuyện tái sinh và sự sống đời đời.

Thật vậy, vấn đề sự sống đời đời là một chủ đề lớn và vấn nạn ấy khiến cho con người ở mọi thời không ngừng suy tư!

Thấy được Nicôđêmô là một người chân chính, lòng dạ ngay thẳng, không có gì gian dối, nên khi ông chân thành đến với Đức Giêsu và tin tưởng Ngài là vị thầy tâm linh sẽ giúp ông đạt được điều mà ông hằng thao thức! Đức Giêsu đã không ngần ngại để mặc khải cho ông biết phải làm gì và phải làm như thế nào để đạt được sự sống ấy. Ngài nói: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Ngài thì được sống muôn đời”. Nói như thế, Đức Giêsu đã mặc khải thiên tính của Ngài cách cụ thể, để như một con đường và mời gọi Nicôđêmô đi trên con đường ấy thì được cứu độ.

Tiếp theo, Đức Giêsu muốn củng đức tin thêm cho ông, nên Ngài khẳng định: “Thật, tôi bảo thật ông: ‘Chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy”.

Con đường cụ thể mà Đức Giêsu đề ra cho Nicôđêmô là con đường sinh lại từ ơn trên, nghĩa là cần được tái sinh, đổi mới nhờ Thần Khí. Ai đi trên con đường ấy là đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, mà đường lối của Chúa Thánh Thần chính là đường lối từ trên cao, con đường Gongotha, con đường thập giá, con đường cứu độ bằng cái chết...

Qua cách thức của Đức Giêsu, Ngài đã dẫn Nicôđêmô từ chuyện cố hiểu để tin, sang tình trang tin để hiểu.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy khiêm tốn để Lời Chúa được thấm vào trong tâm hồn của mình. Bởi vì nếu không khiêm tốn, thì hồng ân đức tin không thể đến với những người kiêu ngạo.

Sự sống đời đời được trao ban là do phát xuất từ lòng thương xót của Thiên Chúa chứ không phải do kiến thức mà ta có được. Vì thế, cần phải sám hối để đón nhận mạc khải của Chúa và trung thành đi theo đường lối ấy thì mới mong được cứu độ.

Mong sao mỗi người chúng ta hiểu rằng: có ba điều cần thiết cho phần rỗi con người, đó là: hiểu biết điều nào phải tin; hiểu biết điều nào phải ước ao; và hiểu biết điều nào phải thực hiện. (Thánh Thomas Aquinas)

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho mỗi người chúng con cảm nghiệm được tình yêu của Chúa và sẵn sàng đi trên đường lối cứu chuộc mà Chúa mạc khải cho chúng con. Xin cho chúng con được ơn biến đổi hằng ngày để được trở nên con người thánh thiện nhờ được ơn Chúa thanh tẩy. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

SUY NIỆM

Trong phần này của cuộc đối thoại của Đức Giê-su với ông Ni-cô-đê-mô, Người tiếp tục nói về ơn tái sinh bởi Thần Khí: “Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy”.

Nhưng ngang qua thắc mắc rất đơn sơ của ông Ni-cô-đê-mô: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được?” Đức Giê-su dẫn chúng ta thẳng tới chân Thập Giá, để đón nhận ơn tái sinh bởi Thánh Thần:

Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc,
Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,
để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. 
(c. 14)

1. Nghi ngờ Thiên Chúa

Trong sách Sáng Thế (x. St 3, 1-7), lời dụ dỗ của con rắn đã làm cho Evà và Adam nghi ngờ Thiên Chúa. Thiên Chúa nói: ăn vào thì chết; nhưng con rắn nói: ăn vào không chết. Tin vào lời con rắn, chính là cho rằng Thiên Chúa nói dối, rằng Thiên Chúa lừa dối con người, vì Ngài không muốn chia sẻ sự sống của mình, Ngài tạo dựng con người để bỏ mặc con người trong sa mạc cuộc đời và nhất là cho số phận phải chết. Tin vào lời con rắn, chính là bị con rắn cắn vào người, chính là bị nó tiêm nọc độc vào người.

Dựa vào trình thuật Vườn Eden, chúng ta hiểu ra rằng, rắn độc mà sách Dân Số nói đến (x. Ds 21, 4-9), chính là hình ảnh diễn tả sự nguy hại chết người của thái độ nghi ngờ Thiên Chúa : kế hoạch cứu sống, khi gặp khó khăn lại bị coi là kế hoạch giết chết; thật vậy, người Do- thái kêu trách: « Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? »[1]. Nghi ngờ Thiên Chúa, đó là để cho mình bị rắn cắn, đó là mang nọc độc vào người. Khi chúng ta nghi ngờ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, đó là lúc chúng ta bị rắn độc cắn. Bị rắn độc cắn, thì đương nhiên là chết, không cần phải ai bắt mình ra xét xử, lên án và thi hành án phạt. Như chính Đức Giêsu nói:

Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án;
nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi,
vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. 
(c. 17-18)

2. Mầu nhiệm Thập Giá

Đức Giê-su, ngay từ những lời nói đầu tiên trong đời sống công khai, trong cuộc đối thoại với ông Ni-cô-đê-mô, đã đặt mầu nhiệm Thập Giá mà Người sẽ sống trong tương quan rất trực tiếp với hình ảnh « con rắn », biểu tượng của Tội và Sự Dữ :

Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc,
Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,
để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. 
(c. 14)

Theo lời này của chính Đức Ki-tô, chúng ta nên hình dung ra, hay tốt hơn là vẽ ra, một bên là « Con Rắn » bị giương cao trên cây gỗ, một bên là Đức Ki-tô được giương cao trên cây thập giá, thay vì là Sự Dữ, là Sa-tan, bởi vì theo luật, chỗ trên cây thập giá phải là chỗ của tử tội, của chính Tội. Như thế, Đức Kitô trong Cuộc Thương Khó, sẽ tự nguyện thế chỗ cho con rắn. Thực vậy, thánh Phaolô nói, Ngài lại tự nguyện trở nên “giống như thân xác tội lỗi” (Rm 8, 3) ; và Ngài “đồng hóa mình với tội” (2Cr 5, 21 và Gl 3, 13). Tội có bản chất là ẩn nấp, khó nắm bắt, giống như con rắn, nhưng đã phải hiện ra nguyên hình nơi thân xác nát tan của Đức Kitô : “tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó” (Rm 7, 13). Thập Giá Đức Kitô mặc khải cho loài người chúng ta hình dạng thật của Tội. Chính vì thế mà trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, Đức Giê-su dạy, chứ không phải báo trước, các môn đệ về cuộc Thương Khó của Người (x. Mc 8, 31). Vì, thế, chúng ta được mời gọi nhìn lên Đức Ki-tô chịu đóng đinh, để nhìn thấy:

  • Thân thể nát tan của Người vì roi vọt, kết quả của lòng ghen ghét, của lòng ham muốn, của sự phản bội, của sự bất trung, và của những lời tố cáo, lên án vô cớ, của vụ án gian dối.
  • Đầu đội mạo gai của Người, tượng trưng cho những lời nhạo báng, diễu cợt trên ngôi vị.
  • Chân tay của Người bị đanh đâm thủng và ghim vào giá gỗ; hình ảnh này cho thấy con người đã đánh mất nhân tính, và hành động theo thú tính.
  • Và cạnh sườn của Người bị đâm thủng, thấu đến con tim. Sự Dữ luôn đi đôi với bạo lực; và bạo lực luôn muốn đi tới tận cùng, là hủy diệt (x. Dụ ngôn “Những tá điền sát nhân”). Nhưng đồng thời cũng ở nơi đây, trên Thập Giá, tình yêu, lòng thương xót, sự thiện, sự hiền lành và cả sự sống nữa, của Thiên Chúa cũng đi tới tận cùng!

 3. Ơn tái sinh

Theo lời của Đức Chúa, Mô-sê khi đó đã treo một con rắn bằng đồng lên cột gỗ và ai nhìn lên nguyên nhân gây ra cái chết được phô bày ra đó, thì đã được chữa lành, nghĩa là được tái sinh. Nếu hình phạt bị rắn độc cắn là nặng nề, để cho thấy rằng, thái độ nghi ngờ và kêu trách tự nó mang nọc độc giết người, thì ơn chữa lành thật nhẹ nhàng và nhưng không: “ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống”. Cũng giống như khi người ta chữa bệnh: trước tiên phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh; và khi tìm được, thì hoặc dùng thuốc hóa giải nó đi, hoặc phải cắt bỏ ra khỏi cơ thể.

Như Dân Chúa trong sa mạc nhìn lên con rắn đồng, chúng ta được mời gọi ngước nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19, 37). Nhưng thay vì bị lên án, loài người chúng ta được mời gọi nhìn lên Đấng Chịu Đinh với lòng tin để đón nhận ơn tha thứ và được chữa lành.

Ơn tha thứ. Thập Giá, chính là lời diễn tả tình yêu thương xót nhưng không và vô biên của Thiên Chúa. Vì thế, khi nhìn lên Thập Giá Đức Kitô, chúng ta được mời gọi nghiệm ra tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu có thể chịu đựng mọi tội lỗi của con người đến như thế.

Ơn chữa lành. Đúng là Thánh Giá mặc khải cho con người bản chất của Tội, nhưng không phải là để lên án con người, mà là để cứu sống con người. Thiên Chúa không thể tha thứ cho con người mà không đồng thời chữa lành, bằng cách làm cho con người nhìn ra hình ảnh thật sự của tội.

Chữa lành khỏi hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa. Và Thập Giá con mặc khải cho chúng ta rằng thân phận con người không phải là một hành trình dẫn đến chỗ chết (x. St 3 và Ds 21). Con người muốn vươn lên bằng Thiên Chúa, nhưng Con Thiên Chúa làm người và làm người đến tận cùng (x. Ph 2, 5-11), để nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa tạo dựng nên con người không phải để đầy đọa, thử thách và lên án, và thân phận con người, dù có như thế nào, là con đường dẫn đến Thiên Chúa, nguồn Sự Sống.

Mùa Phục Sinh 2020
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Ds 21, 4-9 và Ga 3, 13-17 là các bài đọc của Lễ Suy Tôn Thánh Giá, ngày 14 tháng 9.

 

Anh em phải được tái sinh – SN song ngữ 21.4.2020

 

Tuesday (April 21): “You must be born anew”

 

Scripture: John 3:7-15  

7 Do not marvel that I said to you, `You must be born anew.’ 8 The wind blows where it wills, and you hear the sound of it, but you do not know whence it comes or whither it goes; so it is with every one who is born of the Spirit.” 9 Nicodemus said to him, “How can this be?”10 Jesus answered him, “Are you a teacher of Israel, and yet you do not understand this? 11 Truly, truly, I say to you, we speak of what we know, and bear witness to what we have seen; but you do not receive our testimony. 12 If I have told you earthly things and you do not believe, how can you believe if I tell you heavenly things? 13 No one has ascended into heaven but he who descended from heaven, the Son of man. 14 And as Moses lifted up the serpent in the wilderness, so must the Son of man be lifted up, 15 that whoever believes in him may have eternal life.”

Thứ Ba     21-4                Anh em phải được tái sinh

 

Ga 3,7-15

7 Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.8 Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”9 Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được? “10 Đức Giê-su đáp: “Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy!11 Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi.12 Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được? “13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

Meditation: 

 

Do you know the healing power and victory of the cross of Jesus Christ? Jesus spoke to Nicodemus of a “new birth in the Spirit” which would come about through the victory he would accomplish through his death and rising. The Hebrew word for “spirit” means both “wind” and “breath”. Jesus explained to Nicodemus: You can hear, feel, and see the effects of the wind, but you do not know where it comes from. In like manner, you can see the effects of the Holy Spirit in the lives of those whom the Spirit touches with the peace, joy, and signs of God’s power and love at work in them.

 

 

The “lifting up” of the Son of Man 

Jesus explained to Nicodemus that the “Son of Man” must be “lifted up” to bring the power and authority of God’s kingdom to bear on the earth. The title, “Son of Man,” came from the prophet Daniel who describes a vision he received of the Anointed Messiah King who was sent from heaven to rule over the earth (Daniel 7:13-14). Traditionally when kings began to reign they were literally “lifted up” and enthroned above the people. Jesus explains to Nicodemus that he will be recognized as the Messiah King when he is “lifted up” on the cross at Calvary. Jesus died for his claim to be the Messiah King sent by the Father to redeem, heal, and reconcile his people with God.

Jesus points to a key prophetic sign which Moses performed in the wilderness right after the people of Israel were afflicted with poisonous serpents. Scripture tells us that many people died in the wilderness because of their sin of rebellion towards Moses and God. Through Moses’ intervention, God showed mercy to the people and instructed Moses to “make a fiery serpent, and set it on a pole; and every one who is bitten, when he sees it, shall live”(Numbers 21:8). This miraculous sign was meant to foreshadow and point to the saving work which Jesus would perform to bring healing and salvation to the world.

Cyril of Alexandria (376-444 AD), an early church father, explains the spiritual meaning of the bronze serpent and how it points to the saving work of Jesus Christ:

“This story is a type of the whole mystery of the incarnation. For the serpent signifies bitter and deadly sin, which was devouring the whole race on the earth… biting the Soul of man and infusing it with the venom of wickedness. And there is no way that we could have escaped being conquered by it, except by the relief that comes only from heaven. The Word of God then was made in the likeness of sinful flesh, ‘that he might condemn sin in the flesh’ [Romans 8:3], as it is written. In this way, he becomes the Giver of unending salvation to those who comprehend the divine doctrines and gaze on him with steadfast faith. But the serpent, being fixed upon a lofty base, signifies that Christ was clearly manifested by his passion on the cross, so that none could fail to see him.” (COMMENTARY ON THE GOSPEL OF JOHN 2.1)

Our new birth in the Holy Spirit

 
The bronze serpent which Moses lifted up in the wilderness points to the cross of Christ which defeats sin and death and obtains everlasting life for those who believe in Jesus Christ. The result of Jesus “being lifted up on the cross” and his rising from the dead, and his exaltation and ascension to the Father’s right hand in heaven, is our “new birth in the Spirit” and adoption as sons and daughters of God. God not only frees us from our sins and pardons us, he also fills us with his own divine life through the gift and working of his Spirit who dwells within us.

The Holy Spirit gives us spiritual power and gifts, especially the seven-fold gifts of wisdom and understanding, right judgment and courage, knowledge and reverence for God and his ways, and a holy fear in God’s presence (see Isaiah 11), to enable us to live in his strength as sons and daughters of God. Do you thirst for the new life which God offers you through the transforming power of his Holy Spirit?

 

“Lord Jesus Christ, your death brought life for us. Fill me with your Holy Spirit that I may walk in freedom and joy in the knowledge of your great victory over sin and death.”

Suy niệm:

 

Bạn có biết quyền năng chữa lành và sự chiến thắng thập giá của Ðức Giêsu Kitô không? Ðức Giêsu nói với Nicôđêmô về “sự tái sinh trong Thần Khí” sẽ đến ngang qua sự chiến thắng mà Người sẽ hoàn tất ngang qua cái chết và sự phục sinh của mình. Hạn từ “ Thần Khí” của Dothái vừa có nghĩa là “gió” vừa có nghĩa là “hơi thở”. Ðức Giêsu nói với Nicôđêmô: Ông có thể nghe, cảm nhận, và thấy những ảnh hưởng của gió, nhưng ông không biết nó từ đâu tới. Trong cách thức tương tự, bạn có thể nhìn thấy những ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần trong đời sống của những người Thánh Thần chạm tới với sự bình an, niềm vui, và các dấu chỉ quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa hoạt động trong họ.

Khi Con Người được “đưa lên”

Ðức Giêsu giải thích cho Nicôđêmô rằng “Con Người” phải bị “đưa lên” để đem uy quyền vương quốc của Thiên Chúa đến mặt đất. Danh xưng “Con Người” đến từ ngôn sứ Đanien trong một thị kiến về vị Vua Mêsia được tuyển chọn từ trời sai đến để thống trị địa cầu (Đn 7,13-14). Theo truyền thống khi các vị vua khởi đầu cai trị, họ được “đưa lên” theo đúng nghĩa và ngự trên ngai trên mọi người. Ðức Giêsu giải thích cho Nicôđêmô rằng Người sẽ được nhận ra là vị Vua Mêsia khi Người bị “treo lên” trên cây thập giá ở đồi Canvê. Ðức Giêsu đã chết vì lời tuyên bố của mình là Vua Mêsia được Chúa Cha sai tới để cứu chuộc, chữa lành, và hòa giải mọi người với Thiên Chúa.

 

Ðức Giêsu chỉ ra dấu chỉ tiên báo mà ông Môisen đã làm trong hoang địa sau khi dân Israen chịu đau khổ vì những con rắn độc. Kinh thánh nói với chúng ta rằng nhiều người đã chết trong hoang địa vì tội lỗi của họ chống đối ông Môisen và Thiên Chúa. Qua lời khẩn cầu của ông Môisen, Thiên Chúa đã bày tỏ lòng thương xót với dân và hướng dẫn ông Môisen “Hãy làm một con rắn đồng, và để nó trên cái cột; bất cứ ai bị rắn cắn, nhìn lên nó, sẽ được sống” (Ds 21,8). Dấu chỉ lạ lùng này nhằm tiên báo và nói tới công việc cứu chuộc mà Ðức Giêsu sẽ thực hiện để đem lại sự chữa lành và ơn cứu độ cho thế giới.

 

Giáo phụ Cyril thành Alexandria (376-444 AD) giải thích ý nghĩa thiêng liêng của con rắn đồng và cách thức nó nhắm tới công cuộc cứu chuộc của Ðức Giêsu Kitô:

“Câu chuyện này là một dạng mầu nhiệm tổng thể của sự nhập thể. Vì con rắn tượng trưng cho tội lỗi đem lại cái chết và cay đắng, đang ăn tươi nuốt sống toàn thể nhân loại trên mặt đất… đang cắn xé linh hồn người ta và truyền vào cho nó nọc độc của sự độc ác. Và không có cách nào để chúng ta có thể thoát thân khi bị nó chế ngự, ngoại trừ niềm tin xuất phát từ trời. Thế rồi Ngôi Lời của Thiên Chúa đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để lên án tội lỗi nơi thân xác (Rm 8,3), như đã được viết. Trong cách thức này, Người trở nên Đấng đem lại ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai tiếp nhận những học thuyết của Thiên Chúa và nhìn lên Người với niềm tin kiên vững. Nhưng con rắn, được để trên nền cao, ám chỉ rằng Đức Kitô đã biểu lộ cách rõ ràng qua cuộc khổ nạn của Người trên thập giá, để không một ai mà không nhìn thấy Người” (Chú giải tin mừng Gioan 2.1).

Tái sinh trong Thần Khí

Con rắn đồng mà ông Môisen dựng lên trong hoang địa ám chỉ thập giá của Đức Kitô, đánh bại tội lỗi và sự chết và đem lại sự sống đời đời cho những ai tin tưởng vào Ðức Giêsu Kitô. Kết quả của Đức Giêsu “bị treo trên thập giá” và sự sống lại từ cõi chết, và sự lên trời của Người bên hữu Chúa Cha, là sự “tái sinh của chúng ta trong Thần Khí” và sự được nhận làm con cái của Thiên Chúa. Thiên Chúa không chỉ giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và tha thứ cho chúng ta, nhưng còn đỗ đầy lòng chúng ta với sự sống thần thiêng của chính Người ngang qua hồng ân và hoạt động Thần Khí của Người, Đấng ở trong chúng ta.

Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sức mạnh thiêng liêng và các ân sủng, đặc biệt là bảy hồng ân khôn ngoan và minh mẫn, mưu lược và dũng mãnh, hiểu biết và kính sợ Thiên Chúa và những đường lối của Người, và kính sợ sự hiện diện của Thiên Chúa (Is 11) để giúp chúng ta sống trong sức mạnh Người như những người con cái của Thiên Chúa. Bạn có khao khát cuộc sống mới mà Thiên Chúa ban cho bạn ngang qua quyền năng biến đổi của Thánh Thần không?

Lạy Đức Giêsu Kitô, cái chết của Chúa đem lại sự sống cho chúng con. Xin đổ đầy lòng con Thánh Thần của Chúa để con có thể bước đi trong tự do và vui mừng trong sự hiểu biết về sự chiến thắng khải hoàn của Chúa trên tội lỗi và sự chết.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây